17- Trường Mỹ Thuật Đông Dương - Phần II: Victor Tardieu, ân nhân của Việt Nam



Tự Lực văn đoàn
Văn học và cách mạng


17- Trường Mỹ Thuật Đông Dương



Phần II: 
Victor Tardieu, ân nhân của Việt Nam



Thụy Khuê


Mời xem các mục chính
  1. - Victor Tardieu, ân nhân của Việt Nam
  2. - Victor Tardieu dưới mắt Khái Hưng
  3. - Trường Mỹ thuật Đông dương dưới ngòi bút Nhất Linh
  4. - Vũ Cao Đàm và thày Tardieu
  5. - Lê Phổ và thầy Tardieu
  6. - Tô Ngọc Vân và thày Tardieu
  7. - Tardieu qua đời, trường Mỹ thuật Đông dương bị đe dọa đóng cửa
  8. - Phan Thanh chất vấn chính phủ bảo hộ
  9. - Phản đối Jonchères
  10. - Tô Ngọc Vân viết về Nguyễn Gia Trí

Victor Tardieu


Về lịch sử chính thức của trường Mỹ thuật Đông dương, họa sĩ Quang Phòng (1925-2013)[1] đã  viết đúng đắn và đầy đủ trong cuốn Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, Nxb Mỹ thuật Hà Nội, 1996.


Victor Tadieu sinh ngày 30-4-1870 tại Lyon (Pháp), học trường Mỹ thuật Lyon một năm rồi lên Paris học tiếp (1889-1891) cùng thầy với Rouault và Matisse. Từ 1892, ông bắt đầu gửi tranh dự các cuộc triển lãm. Năm 1920, ông trúng giải Đông dương, được hưởng một chuyến đi Đông dương. Ngày 5-1-1921, ông đáp tầu ở Marseille, đi Hà Nội, dự trù ở 6 tháng, nhưng sẽ ở lại 16 năm cho đến khi qua đời. Từ 1922 đến 1924, Victor Tardieu thực hiện bức bích họa sơn dầu lớn, trang trí giảng đường trường Đại học Đông dương; Quang Phòng viết:

"Để có chỗ hoàn thành bức tranh rộng mênh mông đến 77m2 ấy, Tardieu đã phải mượn một nhà kho chứa hàng của Ga Hàng Cỏ ở 102 phố Reinach (đoạn cuối đã bỏ của phố Trần Quốc  Toản bây giờ -nằm giữa phố Trần Bình Trọng và đường Lê Duẩn)- sau được sửa chữa lại thành trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương -nơi ông gánh vác sứ mệnh mới của một nhà sư phạm từ mùa thu năm 1925- trên cương vị người sáng lập đồng thời là vị hiệu trưởng đầu tiên của trường này. Năm 1937, trong lúc phải ứng phó với những khó khăn không thể tránh khỏi từ phiá chính quyền gây ra cho nhà trường - Victor Tardieu qua đời vì phế quản bị hủy hoại bởi khí hậu và lao động kiệt sức, vào ngày 12 tháng 6 tại nhà thương Saint-Paul, Hà Nội"[2]


Joseph Inguimberty


Người có công thứ nhì, bên cạnh Tardieu, là Joseph Inguimberty. Ông sinh tại Marseille năm 1896. Năm 1913, học trường Mỹ thuật Marseille, năm sau lên Paris học tiếp trường Nghệ thuật Trang trí. Năm 1925, ông nhận chức giảng viên trường Mỹ thuật Đông Dương; Quang Phòng viết:

"Nói đến trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương là nói đến Victor Tardieu và không thể không nhắc đến người cộng sự từ thủa ban đầu của ông - Joseph Inguimberty. Đó là hai họa sĩ cùng có công lớn đối với nền mỹ thuật Việt Nam. Nhưng giữa hai họa sĩ này thường xẩy ra những sự va chạm, do quan niệm khác nhau về phương pháp đào tạo. Đối với một họa sĩ từng trải qua nghệ thuật kinh viện như Tardieu- làm việc tĩnh tại trong xưởng họa, đặt mẫu và bố cục theo định luật cổ điển, khác hẳn với phương pháp vẽ ngoài trời bố cục theo lô gích tự nhiên của Inguimberty với hình tượng chuyển động và ánh sáng luôn luôn biến đổi, thì sự mâu thuẫn nghề nghiệp tất yếu phải xẩy ra. Tuy nhiên hai phương pháp ấy lại bổ sung cho nhau"[3]

Những nhận định của Quang Phòng hoàn toàn phù hợp với những điều các nhà văn và họa sĩ tiên phong viết hay nói về Victor Tardieu và trường Mỹ thuật Đông Dương mà chúng ta sẽ thấy dưới đây.



Victor Tardieu dưới mắt Khái Hưng

Khái Hưng, dưới bút hiệu Nhị Linh, vẽ chân dung Victor Tardieu trên Ngày Nay số 67 (11-7-37, tr.5) sau khi giáo sư qua đời, dưới đây là toàn bài:


Ông Tardieu


Cặp mắt sau đôi kính trong nhìn thẳng vào mắt ta như để thôi miên ta, cái đầu trắng bóng của ông tổ phụ hiền từ trái ngược với những nét sắc sảo của bộ dung nhan lanh lẹn, với cái trán mở rộng phẳng phiu, với cặp môi mỏng lúc nào cũng như muốn chế nhạo, nói mát ai. Cái hình ảnh ấy khiến tôi không bao giờ quên được ông Tardieu tuy tôi chỉ giáp mặt ông độ dăm sáu lần.


Lần đầu, tôi gặp ông trong phòng triển lãm mỹ thuật năm 1935 và tôi có mỹ cảm với ông ngay. Hôm ấy chưa mở cửa phòng triển lãm. Tôi đang đứng trông coi cho người ta bài trí bàn sách của nhà xuất bản Đời Nay, bỗng L. bạn tôi thì thầm bảo tôi: "Kìa cụ Tạc".


Tôi ngửng lên, gặp cặp mắt và cái miệng mỉm cười của ông đốc trường Mỹ thuật. Ông đến gần tôi, nhìn chồng sách bày trên bàn. Người bạn giới thiệu tôi với ông. Ông thân mật bắt tay tôi, rồi cầm sách Đời Nay ngắm nghía:


- Khá lắm, tôi biết tiếng nhà xuất bản của các ông đã lâu. Ông Nguyễn Tường Tam chính cũng là cựu sinh viên trường Mỹ thuật... Đó, mục đích chính của tôi khi xin mở trường Mỹ thuật: gây ở trong nước này cái lòng yêu chuộng mỹ thuật, và nhất là liên lạc mỹ thuật với kỹ nghệ. Rồi sau đây, ông sẽ thấy bức thêu, tấm ren, cái bàn, cái ghế, cái bát, cái điã, vật gì cũng có vẻ khả quan như những quyển sách này: Những cựu sinh viên trường Mỹ thuật sẽ giúp các ông.


Tôi ngỏ lời sốt sắng khen ngợi ông và tôi nói tôi thành thực coi ông là một ân nhân hiếm có của người Annam.


- Thưa ông, mỹ thuật cần cho người Annam chúng tôi lắm, vì chúng tôi thường chỉ nhắm mắt bắt chước, nếu không có mỹ thuật đưa đường chỉ lối thì chúng tôi sẽ bạ cái gì bắt chước cái ấy, thực là lố lăng, hỗn độn. Nhà cửa thì tây chả ra tây, tàu chả ra tàu, bàn ghế thì chắp kiểu Louis XV vào với kiểu Vân Nam, Thượng Hải một cách bạo dạn, liều lĩnh.


Ông Tardieu mỉm cười:


- Ấy, chính thế.


Rồi ông hạ giọng, chua chát bảo tôi:


- Không phải ai ai cũng nghĩ như ông đâu. Người ta không hiểu tôi. Cả một số học trò của tôi nữa. Họ phàn nàn rằng tôi không tìm được việc cho họ. Ông tính việc đâu mà sẵn thế. Vả mục đích của tôi xin dựng trường Mỹ thuật có phải để gây lấy những ông giáo dạy vẽ đâu? Chính phủ thì phàn nàn rằng trường Mỹ thuật không những vô ích mà còn có hại, vì đã gây nên một bọn có bằng cấp thất nghiệp. Đến nỗi một độ tôi đã phải cấm các cựu sinh viên trường Mỹ thuật không ai được đệ đơn xin bổ cả để tỏ với chính phủ rằng mục đích của họ vào học trường Mỹ thuật không phải cốt cầu cạnh một chỗ ăn lương.


Giữa lúc ấy, có người đem tác phẩm đến trưng bày, ông Tardieu liền bắt tay từ giã tôi để ra tiếp người mới tới.


Những lời trên này của ông Tardieu, tôi chưa đăng báo, là vì, biết tôi viết báo, ông Tardieu có ân cần dặn tôi đừng công bố. Nhưng nay ông đã là người thiên cổ thì tôi tưởng không nên giữ kín nữa. Vả tôi cũng muốn góp chút tài liệu vào thiên tiểu sử của ông Tardieu mà tôi mong sẽ có người soạn, cũng như tôi mong rằng người Annam sẽ dựng tượng đồng ông ở một nơi công viên".


Nhị Linh
 



Trường Mỹ thuật Đông dương dưới ngòi bút Nhất Linh

Bài viết đầu tiên về trường Mỹ thuật Đông dương trên Phong Hóa là bài Trường Mỹ thuật Đông Pháp, in trên Phong Hóa số 18 (20-10-32, tr.5), sau đây là toàn bài:


"Trường "Mỹ thuật" Đông Pháp mới thành lập được hơn năm năm nay đã đào tạo nên được nhiều họa sĩ, kiến trúc và điêu khắc có tài. Tại kinh thành Ba Lê nhiều nhà bình phẩm trứ danh về mỹ thuật[4] đã từng nhiều lần khen ngợi. Nền mỹ thuật nước nhà mà được cái kết quả tốt đẹp như vậy, cũng là nhờ công trình của cụ Victor Tardieu người sáng lập ra nhà trường. Cụ khéo điều hòa hai nền mỹ thuật Âu-Á, hết lòng chỉ bảo học trò cụ noi theo cái tinh hoa của mỹ thuật Đông phương, lấy đấy làm gốc của sự học, chỉ những chỗ nào sai với sự thực mới là lấy cái hay của mỹ thuật Tây phương bồi bổ thêm vào.


Học trò cụ lấy cái ý tưởng sâu xa ấy làm phương trâm, lại nhờ cái tài năng, cái trí tuệ khác thường của họ, nên chưa được bao lâu mà nước ta đã có thể tự hào rằng sắp đến ngày có một nền mỹ thuật riêng.


Người tiêu biểu được cái tinh thần Đông phương hơn cả là ông Nguyễn Phan Chánh- ông vẽ trên lụa, theo lối tầu. Ông người ít nói, trầm mặc, lúc nào cũng đăm đăm làm sao tả được cả "vẻ" riêng của những bức họa thiên nhiên thấy giải giác [rải rác] chung quanh mình.


Ông thường họa những cảnh thường thường ta vẫn được trông thấy: một gia đình ngồi chung quanh mâm cơm, một cô ở đương dửa [rửa] bát, một đám sẩm... Ông vẽ một lối riêng, không "đánh bóng", cốt lấy những mùi dịu hòa hợp với nhau nên một khúc nhạc vô hình, mà những bức họa của ông phần nhiều là tuyệt tác:  ta có thể nói rằng ông đã đào tạo ra học thuật nước Việt nhà.


Những cái khéo của ông không thể để ta quên được cái tài của các nhà họa sĩ khác.


Lối vẽ bằng sơn [dầu] ta phải kể đến ông Nam Sơn, ông Lê Phổ, cô Lê Thị Lựu.


Ông Nam Sơn là người học trò thứ nhất của cụ Tardieu từng sang Tây học, (nhập môn cụ P. Launus một nhà mỹ thuật trứ danh có chân trong Mỹ thuật viện, và cụ Félix Aubert) mà công của ông đối với nhà trường không phải là nhỏ: ông đã hết lòng giúp cụ Tardieu trong lúc sáng lập lên nhà trường. Những bức tranh của ông luyện lắm, hơi có vẻ khắc khổ. Ông thường họa những cảnh chùa chiền, vài nhà sư giạo [dạo] chơi xuân, mấy ông cụ đương tế thần. Ông có gửi sang đấu xảo bên Pháp một bức họa chân dung bà cụ thân sinh ra ông được rất nhiều người thưởng thức.


Ông Lê Phổ, cô Lê Thị Lựu, ông Mai Trung Thứ cùng nhiều họa sĩ khác, đều là người có tài, mỗi người một vẻ riêng, muốn tả hết cái hay của những nhà mỹ thuật ấy, ít ra về mỗi người phải nói một bài dài.


Có một điều đáng ghi là cô Lê Thị Lựu, không ngại là quần vận, yếm mang, chen chân thích cánh với bọn họa sĩ đàn ông, mà cái hay cái khéo của cô lại hơn người, thật là vẻ vang cho Phụ nữ nước nhà.


Trường mỹ thuật không phải chỉ giậy riêng về nghề vẽ. Trong nhà trường lại có một lớp kiến trúc. Những nhà kiến trúc cũng theo một phương châm với những nhà họa sĩ, đi tìm tòi những vật liệu ở những nơi đền chùa cổ, còn di tích những nền kiến trúc xưa: đình làng Bảng hay chùa Bút Tháp, các ông ấy đều đã để vết chân lại. Một mai người mình biết thương tiếc đến nền mỹ thuật cũ ta sẽ thấy chung quanh những nơi đó hội những ngôi nhà có mỹ quan, mà kiến trúc lại theo một lối riêng.


Cụ Tardieu lập ra trường Mỹ thuật, lại không quên những kỹ nghệ nhỏ ở nước ta có can hệ đến mỹ thuật. Cái ý của cụ là đào tạo nên những nhà mỹ thuật hiểu cho đến nơi đến chốn, những nhà ấy sẽ đem cái thuật của mình giậy cho những người "thợ" khéo biết lấy cái đẹp mà áp dụng vào kỹ nghệ trong gia đình, như ở bên Nhật vậy.


Cái trình độ của nền mỹ thuật nước nhà, nhờ cụ Tardieu và học trò cụ làm cho ta có thể mong một cuộc tương lai rực rỡ".



Bài viết không ký tên, nhưng chắc chắn là của Nhất Linh, vì chỉ có ông, là người đã học ở trường và đã đi Pháp, nên mới biết rõ về cách dạy của Tardieu, về quan điểm đưa mỹ thuật vào đời sống của Tardieu, về những nét đặc sắc riêng của từng họa sĩ, về tiếng vọng bên Pháp của nhà trường. Ngoài ra, Nhất Linh còn chú ý đến những người học trò mà ông cho là có tài:


1- Nguyễn Phan Chánh, vẽ lụa, theo lối Tầu, tiêu biểu cho phong cách Đông phương.


2- Về sơn (dầu) phải kể đến: Nam Sơn, Lê Phổ và Lê Thị Lựu.


3- Bốn họa sĩ giỏi (nhất) dưới mắt ông là: Nam Sơn, Lê Phổ, Lê Thị Lựu và Mai Trung Thứ.



Vấn đề Nam Sơn


Nhất Linh đặc biệt chú ý tới Nam Sơn, ông viết:

"Ông Nam Sơn là người học trò thứ nhất của cụ Tardieu, từng sang Tây học, (nhập môn cụ P. Launus một nhà mỹ thuật trứ danh có chân trong Mỹ thuật viện, và cụ Félix Aubert) mà công của ông đối với nhà trường không phải là nhỏ: ông đã hết lòng giúp cụ Tardieu trong lúc sáng lập lên nhà trường".

Nhất Linh đã từng bênh vực Nam Sơn khi thi vẽ với Trần Phềnh, bị Phạm Quỳnh chấm Trần Phềnh nhất (xem phần I). Ở đây, Nhất Linh không quên ghi nhận cái công Nam Sơn đã hết lòng giúp cụ Tardieu trong lúc sáng lập lên nhà trường.


Công này, sau được một số người (Pháp, Việt) buôn tranh Nam Sơn, không ngần ngại đưa lên internet và Wikipédia (tiếng Anh, Pháp), phóng đại thành: Nam Sơn là "bạn" của Tardieu, "cùng sáng lập" trường Mỹ thuật Đông Dương với Tardieu[5].


Sự nhận vơ đáng tiếc này, tôi đã nêu ra và chứng minh bằng văn bản trong cuốn Lê Thị Lựu Ấn tượng hoàng hôn[6] in năm 2018. Wikipédia tiếng Việt cũng đã xoá bỏ câu: "Nam Sơn là người sáng lập ra trường Mỹ thuật Đông dương cùng với họa sĩ Tardieu" rồi.


Ở đây, tôi chỉ tóm tắt lại mấy điều ta biết chắc:


Hoạ sĩ Nam Sơn là một trong số những người Việt Nam đầu tiên biết về hội hoạ, và ông cũng là học trò đầu tiên của Tardieu, có công giúp thầy trong lúc sáng lập nhà trường. Ông được sang Pháp học thêm về Trang trí. Năm 1925, ông học khoá I trường Mỹ thuật Đông dương cùng với Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Mai Thứ... Năm 1927, ông được nhận làm hướng dẫn viên (moniteur) lớp dự bị thi vào trường Mỹ thuật Đông dương. Ông trở thành giảng viên Trang trí của nhà trường  kể từ khoá V (1929-1934).


Những người tôn Nam Sơn lên là bạn của Tardieu và đồng sáng lập ra trường Mỹ thuật Đông dương, không hiểu rõ tình hình kỳ thị thời đó:


Người Việt được gọi là indigène, tức là người bản xứ hay thổ dân không thể ngang hàng với người Âu.


Hoàng Đạo viết:

 "Những dân tộc thuộc địa, theo họ, đối với dân tộc khác, là những dân tộc bán khai, kém hèn, dẫu có được hưởng giáo dục học vấn đến mức nào chăng nữa, cũng vẫn kém hèn, bán khai mà thôi. (Ngày Nay số 77, 19-9-37, tr.3)


"Người bản xứ bị coi là thuộc về một giống người hèn kém, nên chỉ được giữ một dúm quyền lợi, lớn nhỏ, tùy ở tay người bảo hộ" (Ngày Nay số 82, 24-10-37).

Nguyễn Gia Trí minh họa trên bià báo Ngày Nay số 92 (2-1-38), để bất tử hoá tình trạng này: Hội chợ Hà Nội có hai cửa: một cửa dành cho người Âu (Européens) và một cửa dành cho Người bản xứ  (Indigènes):



Tình trạng này, trên thực tế, đã xẩy ra với Hoàng Xuân Hãn:


Năm 1934, Hoàng Xuân Hãn, tốt nghiệp hai trường: Polytechnique (Bách Khoa) và Ponts et Chaussés (Cầu Cống), đoạt danh hiệu kỹ sư cao quý nhất của Pháp; khi về nước, vì là người bản xứ, nên không được bổ nhiệm chức Kỹ sư. Sự kỳ thị này được Pierre Quatrepoint gọi là Rascisme du parchemin (Kỳ thị văn bằng)[7]. Hoàng Xuân Hãn giận, trở lại Pháp học đỗ Thạc sĩ Toán (Agrégation de Mathématiques) năm 1936.


Cho nên, tưởng tượng có một người bản xứ, năm 1923, mới tập vẽ, như Nam Sơn (xem bài Cuộc đấu xảo mĩ nghệ của hội Khai Trí của Phạm Quỳnh, trong phần I) bỗng nhiên kết bạn với Tardieu và trở thành người sáng lập ra trường Mỹ thuật Đông dương cùng với Tardieu. Thì đúng là một phép lạ.


Chúng ta chỉ cần đọc lời các họa sĩ tiên phong: Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Tô Ngọc Vân nói và viết về giáo sư Victor Tardieu dưới đây là đủ: họ không hề nhắc đến một vị giáo sư nào khác sáng lập ra trường Mỹ thuật cùng với Tardieu. Và nếu có phép lạ xẩy ra cho Nam Sơn (trở thành bạn Tardieu và cùng sáng lập ra nhà trường) thì sẽ là một niềm vinh dự cho nước Nam, tại sao những họa sĩ bạn của Nam Sơn, không ai ghi nhận công lao to tát ấy?


Bởi vì, công lao sáng lập, giảng dạy và chiến đấu để trường Mỹ thuật Đông dương được tồn tại là của một người duy nhất: Victor Tardieu. Trong bối cảnh môi trường sống cực kỳ thực dân ấy, hành động của giáo sư Tardieu lại càng đáng khâm phục và kính nể.


Ta nên tôn trọng sự thực, không vì lẽ này hay lẽ khác mà sửa lại lịch sử. Làm như thế là không xứng đáng với sự hy sinh và nhân cách cao quý của vị tổ phụ hội họa hiện đại Việt Nam.


 



Vũ Cao Đàm và thày Tardieu

Buổi nói chuyện với họa sĩ Vũ Cao Đàm, trên làn sóng của đài RFI năm 1991, mở đầu cho những thông tin về trường Mỹ thuật Đông dương, được ghi âm bằng tiếng Pháp, tôi dịch sang tiếng Việt, phát thanh ngày 24-3-1991[8].


"Thụy Khuê: Thưa bác, trở lại những kỷ niệm của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật, bác học khoá II. Xin bác nói về những năm tháng ấy, về thầy Tardieu và cách giảng dạy ở trường.


Vũ Cao Đàm: Tôi vào trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội năm 1926. Trường do ông Victor Tardieu thành lập, và tôi đã học những môn: hình họa (dessin), hội họa (peinture) và điêu khắc (sculpture). Chúng tôi có những giáo sư chính:


Ông Victor Tardieu dạy hội họa.


Ông Inguimberty dạy trang trí (décoration) và điêu khắc.


Ông Batteur dạy kiến trúc.


Bác sĩ De Phenix dạy cơ thể học.


Mỗi năm có một giáo sư hội họa được giải thưởng Đông Dương đến trường để giảng thêm. Ông Tardieu đã hy sinh tất cả cho học trò. Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, ông còn nâng đỡ và dìu dắt học trò trong những trường hợp khó khăn để họ có điều kiện theo đuổi việc học. Bây giờ khó có thể kiếm được một người thầy sáng suốt, có lương tâm và tận tụy đến thế.


Ông bắt học trò học rất nhiều, buộc phải làm việc cẩn thận và giữ kỷ luật nghiêm minh. Chúng tôi học 9 giờ mỗi ngày. Phải dậy từ 6 giờ sáng. Sáng học hội họa, chiều học trang trí. Mỗi tuần có 1 giờ cơ thể học, 1 giờ viễn hoạ và 1 giờ nặn mô hình. Học trò phải đi tới chùa hoặc các di tích lịch sử để lấy kiểu mẫu.


Thầy Tardieu thấy tôi có khả năng về điêu khắc và tôi đã nặn tượng bán thân cha tôi, thầy khen đẹp. Cho nên sang năm thứ nhì, tôi học thẳng sang ngành điêu khắc và tôi rất thích thú. Sau đó tôi chuyên về chân dung.


Muốn giúp đỡ học trò, mỗi cuối năm, thầy Tardieu tổ chức một cuộc triển lãm các tác phẩm của sinh viên. Những cuộc triển lãm đó đã giúp họ rất nhiều về vật chất. Tôi từ giã Hà Nội để đi Pháp vào cuối năm 1931. Tôi được học bổng đi học Ecole du Louvre ở Paris".



 


Lê Phổ và thầy Tardieu

Người thứ hai mà tôi có dịp tiếp xúc và hỏi về giáo sư Tardieu và trường Mỹ thuật Đông dương là họa sĩ Lê Phổ, trong buổi nói chuyện phát thành trên đài RFI ngày 7-3-1993[9], họa sĩ Lê Phổ nói:


"Ông Tardieu là một ông thầy tuyệt vời đối với học trò: ông giúp đỡ chúng tôi về mọi mặt. Phải nói rằng thời đó, ngay một số người Pháp cũng ganh tị với chúng tôi, kể cả những người Pháp dạy ở trường Mỹ Thuật Hà Nội. Chúng tôi làm việc nhiều, và mỗi cuộc triển lãm tranh chúng tôi bán được gần một nửa, hơn cả những người Pháp đã được giải thưởng hội họa Đông Dương và cũng triển lãm tranh ngay tại Hà Nội. Ông Tardieu học cùng thầy với các họa sĩ Rouault và Matisse. Ông là một họa sĩ giỏi tuy không nổi tiếng bằng những họa sĩ thời danh của Pháp. Khi ông quyết định đi xa, các bạn hỏi: tại sao lại đi xa thế? Sao không ở lại đây? Tardieu thích phiêu du và cũng nhờ thế mà chúng ta có trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội. Đó là một điều may mắn! Nếu không thì nghệ thuật tạo hình Việt Nam - cho tới bấy giờ - vẫn bị xem như trùng hợp với nghệ thuật Trung Quốc.(...)


Bước đầu ở Pháp, muốn nổi tiếng rất khó: làm cho một số người biết đến mình thì không khó, nhưng muốn thực sự nổi tiếng và thành công thì khó hơn nhiều. Bởi vì chúng tôi muốn giữ một truyền thống, có một lối vẽ khác với hội họa Âu châu lúc bấy giờ. Ông Tardieu khi dạy chúng tôi, không muốn chúng tôi mô phỏng hội họa Tây phương, mà phải giữ vững truyền thống của mình, rồi từ truyền thống ấy, tạo ra một cái gì khác. Bốn người chúng tôi: Lựu, Đàm, Mai Thứ và tôi là những họa sĩ đầu tiên phiêu lưu sang Âu châu, rời môi trường Hà Nội, sang đây để gặp những họa sĩ khác, làm việc với họ để hiểu hội họa Âu châu - là một điều hoàn toàn khác với những gì chúng tôi đã học- thoát thai từ trường phái Paris, với những họa sĩ lớn thời đó.


TK: Bác còn nhớ những bạn học cùng lớp cũ không?


LP: Cùng lớp hồi đó có Nam Sơn, nhưng anh ấy không phải là học trò như chúng tôi, anh ấy quen Tardieu trước chúng tôi. Nguyễn Phan Chánh lớn tuổi nhất bọn, anh ấy nhà Nho, tốt bụng, tôi quí mến lắm. Anh Chánh thường bị mấy tay trẻ chòng ghẹo. Lê Văn Đệ mới mất cách đây mấy năm, và ba chúng tôi: Đàm, Thứ và tôi (...)


À còn Nguyễn Tường Tam. Nguyễn Tường Tam cũng bồ lắm. Tường Tam viết văn. Tóm lại, trong lớp có: Nam Sơn, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tường Tam, Lê Văn Đệ - tôi có gặp Lê Văn Đệ một lần ở Pháp - Mai Thứ và tôi. Còn những người khác tôi không nhớ nữa."



Câu:

 "Ông Tardieu khi dạy chúng tôi, không muốn chúng tôi mô phỏng hội họa Tây phương, mà phải giữ vững truyền thống của mình, rồi từ truyền thống ấy, tạo ra một cái gì khác", 

chứng tỏ sự sáng suốt của Tardieu: Người Anh khi lập trường Mỹ thuật ở Ấn Độ, đã không nghĩ đến việc này: họ bỏ qua lịch sử mấy nghìn năm hội họa cổ Ấn Độ, cho học trò học hội họa Tây phương, nên họ đã không đào tạo được những họa sĩ tài danh như trường Mỹ thuật Đông Dương.  


 


Lễ giỗ hai năm giáo sư Victor Tardieu, ngày 12-6-1939

 



Tô Ngọc Vân và thày Tardieu

Hai năm sau khi Victor Tardieu qua đời, Trường Mỹ thuật Đông dương làm một lễ giỗ đơn giản tưởng niệm vị thầy khai sáng, Tô Ngọc Vân, bút hiệu Tô Tử, đã tả lại buổi lễ đơn mạc này trong bài viết tựa đề Ông Victor Tardieu (người sáng lập ra trường Mỹ thuật Đông Dương) in trên Ngày Nay số 166 (17-6-39, tr.21), lời mong ước của Khái Hưng một phần đã đạt: tượng Tardieu đã được dựng ở sân trường. Dưới đây là nội dung toàn bài viết của Tô Tử


"Tại trường Mỹ thuật, hôm 12 Juin vừa rồi đã làm lễ kỷ niệm ngày ông Victor Tardieu mất. Một lễ đơn giản, cảm động.


Chung quanh pho tượng ông bầy giữa vườn, những bó hoa đỏ chói đặt trên bệ, và viên chức cùng tân cựu học sinh trường Mỹ thuật đứng xếp hàng.


Trong số người kính cẩn trước tượng ông, bên những người xưa nay đối với ông vẫn nhiều cảm tình, có những người, khi ông còn sống, bất hòa với ông. Có những người chưa được biết ông lần nào. Nhưng ai ai cũng chung một lòng nhớ đến ông, người đã hoàn sinh cho mỹ thuật nước nhà.


Người ân nhân ấy để lại cho chúng ta một sự nghiệp to tát, nguy nga, gây nên không phải dễ dàng. Những trở lực, những sự kiềm chế ông đã gặp khi ông mở trường Mỹ thuật, nhiều người còn nhớ. Không có một năm nào, trong tám chín năm đầu của trường Mỹ thuật, ở Đại hội nghị Đông dương, người ta không kêu gào đóng cửa trường ấy. Người ta cứ phá. Ông  cứ xây. Xây bằng sự khéo léo, sự nhiệt thành, sự kiên nhẫn.


Ông đã thắng. Nên mới có chúng ta ngày nay: những người biết yêu mỹ thuật, nhận mỹ thuật là cần cho sự sống, biết lo bồi đắp mỹ thuật Việt Nam.


Ông mến học trò. Ông làm cho học trò tin ở mình, ở tương lai. Ông săn sóc ân cần đến họ, như một người cha trông nom âu yếm các con.


Sau bài diễn văn, một cựu sinh viên đọc bày tỏ sự nhớ tiếc biết ơn ông, ông Loubet đại diện ông giám đốc học chính, cũng nói mấy lời. Ông nói: nếu vào thời trước, có lẽ người Annam đã dựng đình tôn ông Tardieu làm thành hoàng. Theo phong tục Pháp, chúng ta đã kỷ niệm người ân nhân ấy bằng buổi lễ hôm nay. Cách biểu lộ tuy khác, xong lòng biết ơn không vì thế mà kém thiết tha.


Rồi mọi người nghiêng đầu trước tượng, đứng tĩnh một phút. Rồi ai nấy tản tác ra về, ngơ ngác như nhớ một cái gì kính mến mà ta vừa mất.


Cả một buổi lễ không đầy 15 phút.


Trở ra, nhìn lại trường Mỹ thuật, tôi cảm thấy phảng phất bóng ông già Tardieu, đầu bạc trắng sóa, tay sách cái gậy lớn, trán đẫm mồ hôi.


Ông già ấy cách đây sáu năm, có một hôm, nửa đêm, đến đấm cửa nhà chúng tôi, vừa hát vừa báo: "Người ta không đóng cửa trường Mỹ thuật nữa!". Ông già ấy, trước khi xe đi nhà thương, còn viết run được mấy giòng trên một cái nắp hộp, dặn dò mấy điều về hội Việt Nam mỹ thuật. Nằm nhà thương được hai hôm, ông chết".


Tô Tử



Những lời của Tô Tử đã tóm tắt công lao của Victor Tardieu từ khi lập trường đến lúc mất:

"Không có một năm nào, trong tám chín năm đầu của trường Mỹ thuật, ở Đại hội nghị Đông dương, người ta không kêu gào đóng cửa trường ấy. Người ta cứ phá. Ông cứ xây".

Câu "Ông săn sóc ân cần đến họ như một người cha trông nom âu yếm các con" Tô Ngọc Vân đã viết cho tất cả các bạn đồng học và ta thấy lại trên môi Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, năm mươi năm sau. Những  dòng chót về ông già tóc trắng, gieo vào lòng chúng ta, người đọc tám mươi năm sau, một niềm kính phục đớn đau vô hạn.


Ngày Nay số 64 (20-6-1937, tr.5) đăng tin Victor Tardieu qua đời, dưới có chân dung Tardieu do Ngym (Trần Quang Trân) vẽ. Bản ai tín như sau:


"Chúng tôi buồn rầu và thương tiếc khi được tin ông Victor Tardieu đã tạ thế. (...)


Sự nghiệp của ông Tardieu là tất cả nền mỹ thuật ở nước này: trường Mỹ thuật là cái công trình đầu tiên của ông.


Trước khi trường này mở, trong nước ta không có một người nào có thể gọi được là nghệ sĩ; công chúng không biết thưởng thức mỹ thuật. Những kiểu nhà xấu, những bàn ghế lố lăng, những tranh vẽ sặc sỡ hồi ấy là biểu hiệu một sự hỗn loạn, mà các công nghệ nhỏ của ta không có mỹ thuật nâng đỡ, bị thiệt thòi nhiều.


Đến khi lớp sinh viên đầu tiên ở trường Mỹ thuật ra, tình thế bắt đầu đổi hẳn. Những cuộc phô bày mỹ thuật, những phòng triển lãm làm cho mọi người chú ý đến cái đẹp một cách hiểu biết hơn.


Mỹ thuật thay đổi cả cách sống nữa; chúng ta hoạt động trong một hoàn cảnh đẹp đẽ. Đời chúng ta thêm vẻ thanh lịch.


Ảnh hưởng của trường Mỹ thuật tràn khắp. Một chứng cớ rõ rệt là những tờ báo bây giờ, những quyển sách in đẹp mà trước kia ta không có.


Ông Tardieu lại lập thêm hội Chấn hưng Mỹ nghệ. Công việc đang tiến hành thì ông tự nhiên qua đời.


Chúng ta nên kính cẩn cúi đầu trước vong linh người đã khuất, và ghi nhớ trong lòng ta tên người đã giúp ích cho nước này.


 Ngày Nay



Lời ai tín của Ngày Nay chính là lời vĩnh biệt của Tự Lực văn đoàn với người cha đẻ nền hội họa hiện đại Việt Nam.




Tardieu qua đời, trường Mỹ thuật Đông dương bị đe dọa đóng cửa

Victor Tardieu mất ngày 12 tháng 6 năm 1937. Trường Mỹ thuật đóng cửa niên khoá 1937-1938. Đầu năm 1938, một tin đồn đáng ngại lưu thông: Trường sẽ bị đóng cửa luôn hay sẽ đổi thành trường Công nghệ?


Báo Ngày Nay lập tức mở mục Trường Mỹ thuật Đông dương có sẽ có bị bãi không? đăng những bài của các nghệ sĩ cộng tác, cổ động ráo riết việc giữ lại nhà trường như cũ, không đổi thành trường công nghệ.


Ngày Nay số 92 (2-1-38, tr.8) trong bài Mỹ thuật và Công nghệ, họa sĩ Trần Bình Lộc viết:

"Đông Dương được người ta để ý tới chẳng từ năm 1931 ư? Năm các nghệ sĩ trường mỹ thuật phô tài lần đầu tiên ở đấu xảo Quốc tế.


Trường mỹ thuật bãi đi để khuyến khích tiểu công nghệ, e rằng chẳng có kết quả mà lại còn giết chết thêm cả chúng nó nữa.


Một người thợ khéo không có thẩm mỹ của nghệ sĩ, thì chỉ có thể sáng tạo ra những đồ tỉ mỉ lố lăng thôi.


Hẳn ai cũng còn nhớ những đồ bài trí khi chưa có trường mỹ thuật: những đồ ấy trạm trổ tứ tung và hiến cho người ta cái phiền, cái nhọc, nhiều hơn là cái đẹp, cái tiện (...)


Nhà mỹ thuật, vì thế, nên vẫn là cái cốt của mọi công nghệ tinh xảo và trường Mỹ thuật Đông dương vẫn cần phải "còn" ở Đông dương."

Ngày Nay số 93 (9-1-38, tr.5), Nguyễn Gia Trí viết:

"Tin đồn rằng trường Mỹ Thuật sẽ bị bãi và đổi ra một trường công nghệ (École d'Artisanat) có đích xác không? (...) Sự bỏ trường Mỹ Thuật đi để làm một trường tiểu công nghệ thì theo ý tôi là một sự tôi mong rằng thật ra chính phủ không bao giờ nghĩ tới, vì muốn khuyến khích tiểu công nghệ mà lại bỏ trường Mỹ thuật đi, hai điều đó trái ngược nhau một cách hiển nhiên".


Ngày Nay số 94 (16-1-38, tr.8), kiến trúc sư Hoàng Nhữ Tiếp viết:

"Từ ngày có trường Mỹ Thuật đến giờ, những nghề gì phát đạt hơn và có những sự thay đổi gì phát sinh ra đều chịu ảnh hưởng mỹ thuật.


Không có một nghề gì là không chịu ảnh hưởng mỹ thuật. Báo chí, sách vở, thảm, chiếu, đồ ren, đồ vàng bạc, đồ thêu, bàn ghế, nhà cửa và cách trang hoàng (...)


Những ảnh hưởng ấy to tát, rộng rãi quá, đến nỗi năm ngoái ở Đại hội nghị kinh tế lý tài, ông nghị Thương mại Joseph đứng lên phản đối Chính phủ và trường Mỹ thuật kịch liệt. Ông bảo rằng sao nhà nước lại mở một cái trường chỉ có ích cho dân Annam, và làm thơm cho chính phủ thuộc địa ở hải ngoại, mà không ích lợi gì cho ông ấy. Hay là ông ấy hăng hái như vậy vì ông ghét cụ cố Tardieu về câu chuyện thầu nhà cửa gì đó?


Cũng có thể lắm, năm nay ông không đứng lên phản đối nữa, vì có ông nghị Phan Thanh đã nói để các ngài trong Đại hội nghị biết rằng không nên vì thù ghét riêng ai, mà xin đóng của trường Mỹ thuật. Ông Thanh chất vấn chánh phủ về việc bãi bỏ trường Mỹ thuật, thì ông Học chính Tổng trưởng Bertrand nói rằng vì hiện nay nhiều họa sĩ chưa có việc làm nên hoãn lại một kỳ thi, chứ chính phủ không có ý bãi bỏ.


Nhưng chúng tôi mong rằng, chính phủ đừng vì lợi riêng một dúm người cỏn con ấy mà để thiệt hại cho tương lai mỹ thuật xứ này, xin sang năm chính phủ lại mở rộng cửa trường ra để đón các hy vọng mới."


 H.N. Tiếp, kiến trúc sư



Phan Thanh chất vấn chính phủ bảo hộ

Phan Thanh (1908-1939) là em họ Phan Khôi, anh ruột Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam). Ông dạy học, viết báo, đã từng cộng tác với La cloche fêlée (Tiếng chuông rè) của Nguyễn An Ninh và và L'Annam của Phan Văn Trường. Từ khi chính phủ  Bình Dân ở Pháp lên cầm quyền, ông vào đảng Xã hội Pháp (SFIO) để có thể hoạt động mạnh hơn. Là dân biểu Quảng Nam, ông có tài hùng biện bằng tiếng Pháp; tên ông xuất hiện thường xuyên trên báo Ngày Nay như một chính trị gia cam đảm, dám bênh vực quyền tự do dân chủ và công bằng xã hội cho dân Việt. Khi ông mất, báo Ngày Nay đưa tin Một chiến sĩ xã hội từ trần ngày 1-5-1939, sau hơn một tháng bị bệnh, ở tuổi 31. Và trong bài Tiểu sử ông Phan Thanh rất đầy đủ, Ngày Nay -coi ông là một nhà lãnh đạo phong trào Mặt trận dân chủ ở nước ta- viết:

"Năm 1937, ông ra ứng cử dân biểu ở Quảng Nam được dân chúng hoan nghênh nhiệt liệt; từ đấy ông là cái chỉ trụ, là người chỉ dẫn sáng suốt, cương  quyết, được đa số nghị viên dân chủ trong viện dân biểu Trung kỳ tín nhiệm và ủng hộ.


Được bầu vào Đại hội đồng kinh tế lý tài, ông đã một mình cương quyết chống với tất cả bọn phản động thuộc địa và tay sai của chúng trong giai cấp tư sản bản xứ và bênh vực quyền lợi cho đại đa số dân chúng. (...) Cái chết của ông Phan Thanh chẳng những là một cái tang đau đớn cho gia quyến ông, cho đảng ông, mà còn cho toàn thể dân chúng nữa".

Đại hội đồng Kinh tế và Lý tài (Grand Conseil des Intérets Economiques et Financiers) là tổ chức quan trọng thứ nhì sau Hội đồng chính phủ (Conseil du Gouvernement), giúp Toàn quyền trong việc cai trị Đông Dương. Toàn quyền bó buộc phải hỏi ý kiến Đại Hội Đồng về dự án ngân sách[10]. Tô Ngọc Vân viết:

 Không có một năm nào, trong tám chín năm đầu của trường Mỹ thuật, ở Đại hội nghị Đông dương, người ta không kêu gào đóng cửa trường ấy".

Lời ông nghị Phan Thanh chất vấn chánh phủ về việc bãi bỏ trường Mỹ thuật trong Đại hội nghị kinh tế lý tài năm 1938 ở Sài Gòn, chắc chắn có trọng lượng, nên ông Học chính Tổng trưởng [Bộ trưởng giáo dục] Bertrand phải cải chính "tin đồn" đóng cửa trường Mỹ Thuật, và ông Toàn quyền phải chọn giải pháp nước đôi.


Evariste Jonchères được cử làm giám đốc trường Mỹ thuật thay thế Victor Tardieu.


Ngày 25-4-1938, Toàn quyền Jules Brevié ký nghị định thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật và Mỹ nghệ Đông Dương (Ecole supérieure des Beaux-Arts et des Arts appliqués de l'Indochine). Chữ Cao đẳng có từ đây và thêm chữ Mỹ nghệ Đông Dương vào tên trường,  nhưng những cựu sinh viên khi viết về trường mình thường bỏ bốn chữ này đi vì họ cho là hạ thấp giá trị của nhà trường. Tuy nhiên chủ trương của Jonchères không thay đổi.


 


Phản đối Jonchères

Trên Ngày Nay số 144 (7-1-39, Tr.9) có bài Những sự cái cách của  trường mỹ thuật Đông Dương, cùng ký tên: Lưu Văn Sìn, Trần Văn Cẩn, Hoàng Lập Ngôn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Khang, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung chấp bút:

"Ông Jonchères, Giám đốc mới của trường Mỹ thuật Đông dương đã sang thay cụ Victor Tardieu quá cố hồi năm ngoái, vừa đến Sài gòn, ông trả lời báo Opinion lên tầu phỏng vấn ông như sau này:

"Tôi đi Hà Nội chuyến này chỉ muốn đào tạo những thợ mỹ thuật chứ không phải những nhà nghệ sĩ.(...)"

Ông cho rằng người Annam không thể hiểu nổi những cái đẹp cao thượng của trí tuệ đến thế kia ư?


Ông là một điêu khắc gia, tôi xin mời ông hãy chịu khó qua xem những đồ điêu khắc ở chùa Đậu, đình Đình bảng, chùa Cói, chùa Keo hay Chu quyến và mời ông so sánh thử những nét chạm cổ tự đời Lê đó với nét chạm tự cổ chí kim của Nhật Bản hay những tác phẩm của ông xem đằng nào thâm trầm, gân guốc và đặc sắc hơn, rồi lúc đó sẽ thong thả nghe ông tuyên bố lại".

Nguyễn Đỗ Cung lập luận tiếp: Biến trường Mỹ thuật Đông dương thành trường Mỹ nghệ thực hành không có gì là cao kiến, vì nhiều lẽ:


- Các trường mỹ nghệ thực hành như vậy ở nước này đã có nhiều rồi. Học sinh vào học vẽ, học nặn, học sơn, học đồng, học gỗ với chương trình rút ngắn bốn năm, về sau thấy họ bỏ cả.


- Lê Phổ không học sơn [mài] bao giờ mà vẽ tranh sơn hay hơn bao nhiêu người học sơn mài. [Thực ra Lê Phổ có học sơn mài với cụ Hợp, cụ Mạc, xem phần I]. Cát Tường không học trường Dentelle mà chế ra những dentelles chưa ai làm nổi. Gia Trí sở dĩ làm gì cũng xuất sắc (vẽ sơn ta, vẽ lụa, khắc gỗ vân vân) chính vì ông là một họa sĩ có tài...


- Tóm lại: "Đào tạo được nhiều họa sĩ, mới thực là giúp ích một cách gián tiếp và chắc chắn cho công nghệ".


Sau bài này có bài của Văn Giai, học sinh ban Mỹ nghệ (Artisanat) trường Mỹ thuật, bênh vực Jonchères (Ngày Nay số 145, 14-1-39, Tr.17). Tiếp đó là thư của Một số đông học sinh trường mỹ thuật, phản bác lại Văn Giai, tố cáo: "Trường Mỹ thuật Đông dương hiện nay chỉ muốn đào tạo những thợ khéo (artisans) thôi. Hiện nay mỗi học sinh học xong năm năm thi ra, trước khi lĩnh bằng phải làm một tờ cam kết với trường, đại khái như sau đây: "Mỗi khi trường cần tới hay có việc ở đâu, trường bổ đi thì phải nhận làm với một số lương là 15 đồng một tháng..." Hoàng Đạo đăng thư này trên Ngày Nay số 146 (21-1-39, Tr.5), và đặt câu hỏi:

Có phải là mỗi học sinh trường Mỹ thuật phải ký tờ cam đoan kỳ dị kia, nghiã là bằng lòng để cho nhà trường bóc lột mình, hay không?


Có phải trường Mỹ thuật chỉ còn là một trường Mỹ nghệ không? Hay là ông Jonchères vẫn muốn đào tạo bọn nghệ sĩ ở Đông dương? Chúng tôi muốn hỏi ông đốc trường Mỹ thuật và Mỹ nghệ Đông dương."

Không thấy ông Jonchères trả lời, hoặc cải chính việc này trên báo.


 


Tô Ngọc Vân viết về Nguyễn Gia Trí

Tô Ngọc Vân không những vẽ tranh cho Phong Hóa Ngày Nay, mà ông còn viết những bài giá trị về hội họa. Bài Cái đẹp trong hội họa (Ngày Nay số 5, 10-3-35) có tính cách cơ bản, giải thích cho người xem chưa từng có ý niệm gì về hội họa, hiểu thế nào là cái đẹp trong tranh, tại sao họa sĩ vẽ thế này mà không vẽ thế kia. Tô Ngọc Vân trả lời những câu hỏi: Thế nào là tranh đẹp? Họa sĩ vẽ để làm gì?

"Đứng trước tạo vật, nhà họa sĩ nhờ hình, sắc và cách xếp đặt trong tranh để tả những cảm giác của mình.


Tôi họa người ăn mày hay đôi guốc, tôi trông vũ trụ ra hình tròn hay hình vuông, nếu khi xem bức tranh, ngài cũng có cái cảm tưởng vui buồn, khoái trá ... mà tôi muốn tả, thì bức tranh ấy là một mỹ công giá trị rồi!


Bởi tính tình con người ta phiền phức, cho nên, cùng một cảnh, trăm người họa có thể bầy ra trăm vẻ khác nhau. Cho nên tranh tây hay tranh tàu, quan niệm về mỹ thuật tuy xa nhau một trời một vực, mà cùng đều xuất sản ra những mỹ công tuyệt tác.


Tôi nghĩ rằng một bức tranh đẹp là đã tả được những điều cảm thấy, nên tôi tin rằng chỉ những người giầu tình cảm mới có thể thành họa sĩ tài hoa".

Bài Nguyễn Gia Trí và sơn ta (Ngày Nay số 146, 21-1-39), thực sự độc đáo, chỉ người tri kỷ trong nghề mới viết được. Tô Ngọc Vân và Nguyễn Gia Trí là hai họa sĩ lớn, cùng cộng tác với Phong Hóa Ngày Nay, cùng tư tưởng chống thực dân. Điều đáng chú ý là tình bạn tri kỷ của họ, in dấu lại trong bài Nguyễn Gia Trí và sơn ta, khó có ngòi bút nào có thể hiểu và viết sâu được đến thế:


"Cuộc triển lãm hôm 11- Janvier vừa rồi [1939] của trường Mỹ thuật Đông dương đã bày cho ta xem những công trình sáng tác về sơn ta kết quả của sáu, bẩy năm tìm tòi.


Trong thời gian ấy, đã nhiều thí nghiệm, từ Mai Trung Thứ qua Lê Phổ đến Phạm Hậu. Cái lối sơn cổ của ta, hào nhoáng, lòe loẹt, son giữ mầu son, vàng chỉ có sắc vàng, trơ trẽn như anh nhà giầu khoe của, vào trường Mỹ Thuật, đã dần dần biến thành mỹ công nhã nhặn mà vẫn quý giá.


Vàng, bạc, sơn son, sơn then, người ta chỉ dùng nguyên chất có chừng độ, khi người ta xét cần phải dùng đến cho toàn thể tấm sơn. Rồi cũng ngần ấy vật liệu, đè lên nhau, trộn vào nhau, mài đi mài lại, người ta chế ra được nhiều mầu dìu dịu, đỡ tầm thường.


Đến cuộc thí nghiệm Nguyễn Gia Tri, lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở óc, ở tâm hồn người ấy ra, nó đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng.


Người ta có thể tưởng tượng một "thầy sơn" khác chung quanh mấy ông phó sơn giúp việc, chia nhau từng đoạn vẽ mà bôi sơn vào, bằng những màu đã tìm sẵn và đã ấn định cho những chỗ nào rồi. Nghệ thuật của Gia Trí không thế. Nó là ý tưởng, cảm tình của Gia Trí đúc lại, một nét, một vết, một màu đều phải ở tay nghệ sĩ mà ra.


Đứng trước những tác phẩm ấy, người ta cảm thấy tất cả cái băn khoăn, yêu muốn, khoái lạc -thứ nhất là khoái lạc!- của Gia Trí.


Trên những mầu hồng nhợt biến hóa, những sắc nâu ngon thiệt là ngon, những vỏ trứng như đổi cả thể chất thành quý vật, vài nét bạc, vài nét vàng sáng rọi, rung lên, rít như tiếng kêu sung sướng của xác thịt khi vào cực lạc.


Chàng nghệ sĩ ấy yêu tấm sơn như ta có thể yêu một người đàn bà. Lúc âu yếm bằng những nét vuốt ve, mềm mại, lúc dữ dội bằng dăm bẩy nét quẹt mạnh, đập tung, cào cấu.


Cả tạo vật là tình nhân của anh chàng ấy. Đường cong cánh hoa, hình sắc cây cỏ, anh ta cũng say mê bằng bóng dáng mỹ nhân. Vạn vật đối với nghệ sĩ chỉ đáng yêu có sắc và hình.


Muốn hiểu Gia Trí, xét bằng con mắt thường không được. Thấy mặt những đàn bà họa trên nhiều bức bình phong, rạn mảnh vỏ trứng hay sây sát vàng son, ta đừng nghĩ đến khuôn mặt bằng xương, bằng thịt.


Những màu hoen hoen ấy, đứng cạnh nhau, cân đối, dung hoà một cách tuyệt khéo, đem lại cho người biết hưởng những cảm giác bồn chồn, rạo rực như hương sắc quyến rũ của mỹ nhân.


Bởi tác phẩm Gia Trí là tâm trạng của người tạo ra nó, nó cũng dồi dào, linh động, phức tạp vì biến theo tâm trạng. Không một khuôn khổ, không một nếp nào có thể ngừng nó lại.


Bốn bức bình phong bày trong phòng triển lãm, bốn lối bố cục, bốn cách dùng màu.


Nhân vật đặt trong những hoàn cảnh đặc biệt, chỗ thực, chỗ hư: những cô gái quê giấu kín thân hình trong đụn áo luộm thuộm, sù sù ở bức tả "Đình làng vào đám", với sự thực ngộ nghĩnh, buồn cười; những bóng ma hình người dáng điệu nhẹ nhàng khêu gợi hiện trên tấm bình phong nền vàng bệch ở thế giới nào đưa lại, với tất cả vẻ thơ của một giấc mộng đẹp.


Có lẽ Gia Trí chỉ sống trong tác phẩm của mình. Cắm đầu trên tấm gỗ bình phong láng nước, chàng nghệ sĩ cặm cụi mài, mài. Cả cơ thể rung động, hai mắt sáng quắc, tứ chi run run, khí dưới cục đá mài vẩn bọt, hiện lên dầu dần những nét đắm đuối của những người ít khi giống người.


Cứ thế, đã ba năm rồi. Bao nhiêu kho tàng của tuổi thanh niên, bao nhiêu sức khoẻ, ý trí, tình cảm, đem tiêu đi, phung phí đi để thoả dục vọng. Dục vọng của một nghệ sĩ muốn có quyền tạo hóa.


Người ta nói đến tiền. Người ta bảo Gia Trí mòn sinh lực để làm một việc khéo lắm chỉ đủ nuôi miệng.


Người ta đã làm một việc thừa. Ai lại đem chuyện tiền, chuyện kiếm ăn để cảnh tỉnh một người si tình".


Tô Tử


Những dòng trên đây, Tô Ngọc Vân viết để từ biệt người bạn đi làm cách mạng, vì sau đó Tô Ngọc Vân sẽ thay thế Nguyễn Gia Trí trên báo Ngày Nay. Tình bạn của hai thiên tài, giống như tình bạn Khái Hưng Nhất Linh có gì giống nhau. Nhờ sự kết hợp tư tưởng và nghệ thuật của những người như thế nên chúng ta mới có thời kỳ Ánh sáng như tôi đã nói đến.


Bài Nguyễn Gia Trí và sơn ta không những đặc biệt sâu sắc về cách diễn tả nghệ thuật sơn mài của Nguyễn Gia Trí mà còn xoáy sâu vào xương thịt họa sĩ khi nhập đồng sáng tạo. Chưa hết, còn một đặc điểm nữa, ở thời bình minh quốc ngữ, Tô Ngọc Vân đã đưa ra một thứ tiếng Việt ngắn, gọn, sắc, bạo, lạ thường, vượt xa trăm dặm những người cùng thời. 


(Còn nữa)
Thụy Khuê
thuykhue.free.fr
Xem Phần I: Những thành quả


 
[1] Họa sĩ Quang Phòng sinh ngày 4-3-1925 ở Thái Bình, học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương, từ 1941-1945; năm 1947 gia nhập quân đội nhân dân, tốt nghiệp mỹ thuật ở chiến khu Việt Bắc năm 1951. Năm 1956 làm giảng viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam.
[2] Quang Phòng trong bài 1925-1945, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương và thời kỳ hội họa trước Cách Mạng, in trong sách Mỹ thuật hiện đại Việt Nam, Nxb Mỹ Thuật, Hà Nội,1996, trang 7.
[3] Quang Phòng, bài đã dẫn, in trong Mỹ thuật hiện đại Việt Nam, trang 8.
[4] Như cô Chamine... các ông Camille Mauclair, Paul Eyduox, Ivanhoé Rambassoo, Thiébault Sisson vân vân, chú thích của Nhất Linh.
[5] Wikipédia, tiếng Pháp: "En 1925, il est chargé avec son ami, le peintre Nguyễn Nam Sơn de la création de l'Ecole Supérieure des Beaux Arts de L'Indochine". Wikipédia tiếng Anh: "In 1925, he and his friend, the painter Nguyễn Nam Sơn, created the Ecole des Beaux-Arts de L'Indochine".
[6] Nhà xuất bản Tổng Hợp tpHCM và Bảo tàng Mỹ thuật tpHCM, 2018.
[7] Trong cuốn L'aveuglement De Gaulle face à l'Indochine (Sự mù quáng của De Gaulle về Đông dương) Nxb Remi Perrin, Paris, 2003, trang 38.
[8] In trong Lê Thị Lựu Ấn tượng hoàng hôn, Nxb Tổng Hợp TpHCM và BảoTàng Mỹ thuật, TpHCM, 2018, trang 81.
[9] In lại trong sách Lê Thị Lựu Ấn tượng hoàng hôn, trang 91.
[10] Đại Hội Đồng Kinh tế và Tài chính gồm các đại diện Pháp, bản xứ, do hội đồng dân cử của mỗi xứ trong liên bang Đông Dương bầu ra và gồm thêm một số thân hào nhân sĩ Pháp và bản xứ do Toàn quyền chỉ định. Đại Hội Đồng có thẩm quyền tư vấn về các vấn đề kinh tế tài chính, có thẩm quyền thảo luận về các thứ thuế gián thu và các công trái. (Đặng Hữu Thụ, Làng Hành Thiện thời Tây Học cho đến năm 1954, quyển thượng, tác giả xuất bản, Melun, Pháp, 1999, trang 16).


© 2021 Thụy Khuê



Nguồn: Thụy Khuê -