Bức tranh "Ông lão du kích" của Tô Ngọc Vân và cuộc “trao trả” mỹ mãn

Bức tranh "Ông lão du kích" của Tô Ngọc Vân và cuộc “trao trả” mỹ mãn

Q.V


Chuyện các họa sĩ chơi, sưu tập, lưu giữ tranh của nhau vốn là chuyện bình thường. Tôi không biết do đâu và từ bao giờ ông Trần Văn Cẩn lại có bức tranh ấy (xem minh họa).
TÔ NGỌC VÂN (1906-1954) – Ông lão du kích. 1949 Thuốc nước. Sưu tập của gia đình tác giả.



Bức tranh vẽ một “ông lão du kích” đứng cầm súng, bằng chì than, thuốc nước, đát 1949, có thể vào thời gian Tô Ngọc Vân đang hoạt động ở Trung đoàn Thủ đô (em nuôi của Hội Văn nghệ Việt Nam), nơi có Chính Hữu tác giả của bài thơ “Đồng chí”.

… Ngày tôi thấy bức tranh lần đầu tiên cũng là ngày tôi đến nhà ông Trần Văn Cẩn để mượn bức tranh cho cuộc triển lãm “Các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương” tổ chức tại Gallery 61 Tràng Tiền, khoảng 1990-1991.

Như đã hẹn trước, khi tôi đến thì cô Hồng (Trần Thị Hồng) đã cuộn bức tranh và đặt ở trên mặt bàn. Cô trải tranh ra, bảo: “Đây nhé, nhớ giữ cẩn thận.” Ông Cẩn đang mệt, râu tóc trắng xóa, ngồi nhìn “gườm gườm”, không nói, chỉ gật gù. Hình như ông muốn có một lời giải thích về nguồn gốc của bức tranh, nhưng không còn sức.

Triển lãm xong, tôi vẫn còn giữ bức tranh khá lâu, cho đến khi cô Hồng… đòi! Rất may là tôi đã kịp nhờ anh Đào Việt chụp lại để làm tư liệu.


* * *

Theo lời kể của bố tôi, khi Tô Ngọc Vân vẽ bức tranh ấy, bố tôi có đi cùng ông Vân (bố tôi cũng đã từng phục vụ trong quân đội từ cuối 1947 đến cuối 1950). Nếu bố tôi nhớ không nhầm thì bức tranh có hai bản, một bản (mà sau không biết thế nào ông Trần Văn Cẩn lại giữ), một bản do Tô Ngọc Vân đã chép lại, “cũng qua qua thôi”, để đổi cho ông cụ “người mẫu” lấy một con gà to. “Ông Vân mê món gà rán tỏi lắm – bố tôi nói – nhưng mọi người chung quanh cũng được hưởng theo”.

Bố tôi còn bảo: Ông Cẩn giữ bức tranh của ông Vân là “phạm luật”, sao lâu rồi không đem trả lại cho nhà người ta (nhà ông Vân)?


* * *

Bẵng đi gần 10 năm, thỉnh thoảng gặp cô Hồng, tôi vẫn nhắc bức tranh của Tô Ngọc Vân. Và lần nào cũng như lần nào, cô đều trả lời bằng đúng một câu: “Mày hết chuyện rồi à?”

Một lần, gặp bà Nguyễn Thị Hoàn, vợ ông Vân, khi ấy đã gần 90 tuổi, tôi có hỏi bà về bức tranh, bà bảo: “Nghe nói như thế, nhưng liệu có xin lại được không?” Tôi hỏi lại “Thế bà có muốn xin lại không?” Bà Hoàn cười: “Bà đố anh đấy!”

* * *

Năm 2001, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức kỷ niệm 95 năm ngày sinh của Tô Ngọc Vân. Trước ngày lễ ít hôm, tôi lại đến nhà ông Trần Văn Cẩn (ông Cẩn đã mất năm 1994). Tôi nói ngay với cô Hồng, rằng nhân dịp này, cô nên trao lại bức tranh của Tô Ngọc Vân cho gia đình ông Vân, khi bà Vân vẫn còn sống…

Không ngờ cô Hồng bị tác động thật. Cô ra chiều suy nghĩ, nhưng vẫn im lặng. Rồi cô chuyển sang nói chuyện khác.

Thái độ lừng khừng của cô làm tôi phát cáu, tôi gắt lên: “Trả cho người ta đi chứ giữ làm gì nữa. Có phải của mình đâu.”

Nghe vậy, cô Hồng sưng mặt, quay đi, miệng lẩm bẩm: “Thôi được. Mày đã nói thế thì tao trả, được chưa?”

Thừa cơ, tôi bồi thêm: “Không chỉ trả, mà còn…”

– Cái gì? Ơ hay cái thằng này! Cô Hồng ngạc nhiên.

– Cô còn phải tuyên bố trước mọi người là cháu đòi thì cô mới chịu trả. Tôi nói như ra điều kiện.

Cô Hồng cười “rống” lên, nói như mếu:

– Úi cha mẹ tôi ơi! Kể công hả? Tao sẽ có cách nói của tao. Nhưng hôm ấy mày phải đến đón tao đi thì tao mới đi.

Trước khi tôi ra về, cô còn nói vóng theo:

– Nhớ đến sớm để còn kịp đi ăn bún thang với tao!

* * *

Giờ G đã điểm. Sáng hôm ấy trời se lạnh, có sương mù. Tôi đến đón cô Hồng thì thấy bức tranh của Tô Ngọc Vân đã được cô lồng trong khung kính. Tôi ưng ý lắm.

Cô và tôi đi bộ sang phố Nguyễn Du ăn bún thang, ở quán vỉa hè “ngon lắm mày ạ”. Tiền ăn do cô “đài thọ”… Rồi tôi chở cô cùng bức tranh bằng xe máy.

Buổi lễ kỷ niệm 95 năm ngày sinh của Tô Ngọc Vân được tổ chức rất trọng thể tại 51 Trần Hưng Đạo, có cả Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, cụ Vũ Khiêu và bà Hoàn vợ ông Vân, đến dự. Hội Mỹ thuật cũng đã chuẩn bị một cái giá vẽ để đặt bức tranh. Nghi thức “trao trả” được xếp vào giữa chương trình.

Đúng như “thỏa thuận”, khi trao bức tranh cho gia đình Tô Ngọc Vân, cô Trần Thị Hồng đã giới thiệu tôi là người – “đã gợi ý cho việc này!”

Cô Hồng vừa dứt lời, anh Lê Trọng Lân đập vào vai tôi, bảo khẽ: “Ai mà khiếp thế nhỉ, đến Trần Thị Hồng cũng phải thua!”

Với tôi, một sự kết thúc như vậy cũng là đủ (tôi còn được ăn của cô Hồng một bát bún thang), còn đối với “lẽ tự nhiên” thì phải nói là quá mỹ mãn!

Kể từ hôm ấy, tôi không bao giờ được gặp lại bà Nguyễn Thị Hoàn vợ ông Vân nữa. Bà đã mất sau đó mấy năm.

Thỉnh thoảng gặp anh Tô Ngọc Thành, tôi có hỏi thăm về bức tranh “Ông lão du kích” của Tô Ngọc Vân. Theo anh Thành nói: “Giờ ông lão du kích đang ở nhà ông anh cả tôi, ông Tô Ngọc Thanh”.

Q.V


Nguồn: TẠP CHÍ MỸ THUẬT - 28 THÁNG MỘT, 2019