Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Báo Thanh Nghị (1941-1945) - Phạm Phú Minh

Báo Thanh Nghị (1941-1945)

Phạm Phú Minh


LTS. Nhân dịp báo Thanh Nghị được đưa vào Thư Viện Người Việt, mời bạn đọc theo dõi bài viết sau đây như là một lời giới thiệu về tờ báo này.

Trong thế kỷ 20, năm 1945 là một cái mốc lớn chia lịch sử ra thành hai giai đoạn khác nhau rõ rệt về mọi mặt. Đất nước từ đó trải qua một cuộc xáo trộn tận gốc với cách mạng và chiến tranh. Về sau người ta có khuynh hướng chia mọi chuyện thành trước và sau cái mốc ấy, trước 1945 thường gọi là thời "tiền chiến", như nhạc tiền chiến, văn thơ tiền chiến..., như thuộc về một thời đại khác hẳn thời 1945 trở về sau.

Riêng về báo chí, cái mốc ấy càng quan trọng, vì các biến đổi về chính trị sẽ đem lại một biến đổi sâu sắc về báo chí. Lịch sử báo chí Việt Nam do đó có thể chia làm hai giai đoạn rất dễ thấy, là trước và sau 1945. Giai đoạn trước 1945 có thể coi như là thời kỳ sơ khai và tiến lên trưởng thành của báo chí Việt Nam.

Gia Định Báo (Sài Gòn,1865-1897), Nông Cổ Mín Đàm (Sài Gòn, 1901), Đại Việt Tân Báo (Hà Nội, 1905-1909) thuộc về thời kỳ chập chững;

Lục Tỉnh Tân Văn (Sài Gòn, 1909), Đăng Cổ Tùng Báo (Hà Nội 1907-1909), Trung Bắc Tân Văn (Hà Nội 1913), Đông Dương Tạp Chí (Hà Nội, 1913-1916) đã lớn mạnh cứng cáp hơn, tạm gọi thời kỳ tiền trưởng thành;

Đến Nam Phong Tạp Chí (Hà Nội,1917-1934), Phong Hóa, Ngày Nay (Hà Nội 1932-1941), Thanh Nghị (Hà Nội 1941-1945), Tri Tân (Hà Nội, 1941-1945) thì coi như đã vào thời kỳ trưởng thành. Đó là những viên đá lót đường vững chắc đưa đến những vận động chính trị cách mạng dẫn đến biến cố năm 1945. Từ năm 1917 đến 1934, báo Nam Phong tiếp tục đóng vai trò mở đường khai lối, tích cực đưa tư tưởng triết học, khoa học Âu Tây đến với quốc dân, và quan trọng là cố gắng đặt nền móng cho nền quốc văn. Từ đầu thập niên 1930, một lực lượng trẻ trung xung trận với Phong Hóa và Ngày Nay, thật sự thổi một luồng gió mới vào xã hội: đả phá cái cũ kỹ hủ lậu, tuyên truyền cho nếp sống mới, sử dụng một lối văn Việt Nam mới mẻ trong sáng, và đặc biệt, dám bắt đầu chỉ trích chính quyền thực dân và phong kiến. Vào cuối thập niên 30 tình hình thế giới biến chuyển với đệ nhị thế chiến bắt đầu ló dạng, nhóm chủ trương Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn lao vào hoạt động cách mạng giải phóng dân tộc, báo Ngày Nay đóng cửa năm 1941. Như một hành động lấp vào chỗ trống báo chí lúc ấy, hai tờ Thanh Nghị và Tri Tân cùng ra đời năm 1941 và kéo dài đến năm 1945. Chúng ta sẽ tìm hiểu về hai tờ báo cuối cùng này của giai đoạn cho đến 1945.

THANH NGHỊ *

Báo Thanh Nghị thoạt tiên là một nguyệt san, số đầu tiên ra mắt vào tháng 5, 1941, số sau cùng vào tháng Tám, 1945. Đúng một năm sau số ra mắt, bắt đầu từ ngày 1 tháng 5, 1942, báo ra mỗi tháng hai kỳ, vào ngày 1 và 16. Và đến đầu năm 1944 thì Thanh Nghị bắt đầu ra hàng tuần, có nhà in riêng. Nhóm chủ trương của báo Thanh Nghị là những người bạn thân của nhau, không thuộc một tổ chức chính trị hay văn hóa nào. Thoạt tiên, đó là ba người bạn cùng học luật trong thập niên 1930 là Vũ Đình Hòe, Phan Anh và Vũ Văn Hiền thường trao đổi với nhau những thao thức về tình hình đất nước. Đến khi chiến tranh thế giới lần thứ hai chớm bùng nổ thì nhóm này thêm hai người nữa, là Hoàng Thúc Tấn và Lê Huy Văn. Đây là năm người chủ trương của báo Thanh Nghị.

Trường hợp ra đời của báo Thanh Nghị rất giống báo Phong Hóa chín năm trước, đó là, nhóm thực hiện mua lại giấy phép làm báo của một người khác, với một cái tên có sẵn chứ không do những người chủ trương đặt ra. Năm 1932, ông Nguyễn Tường Tam mua lại tờ Phong Hóa của ông Phạm Hữu Ninh đã ra được 13 số; nhóm của Nguyễn Tường Tam chỉ bắt đầu với số 14 vào ngày 22 tháng 9 năm 1932, cũng tên là Phong Hóa. Nhóm Thanh Nghị thì bắt đầu khó khăn hơn, vì thời gian 1941 nhà cầm quyền thực dân Pháp tỏ ra rất khắt khe với báo chí, kiểm duyệt chặt chẽ hoặc đóng cửa những tờ báo mà họ cho là "vi phạm" luật hiện hành. Việc cấp giấy phép ra báo càng khó khăn hơn: đơn xin ra báo phải qua rất nhiều cửa về hành chánh cũng như về an ninh, rồi mới đến Phòng Báo chí Phủ Toàn Quyền, để cuối cùng, khoảng một năm sau khi nộp đơn mới biết được là được phép hay không được phép. Cả nhóm đang ở trong cơn bế tắc thì bỗng có lối thoát: một thân hữu, ông Hoàng Thúc Trâm bỗng nhớ ra một người đã có giấy phép ra báo mà không ra được, vì thiếu tiền. Thế là cả nhóm đã điều đình thành công để mua lại giấy phép ấy từ cụ Doãn Kế Thiện, một nhà nho, với cái tên báo đã xin sẵn là Thanh Nghị. Ông Vũ Đình Hòe được cả nhóm đề cử làm Chủ nhiệm kiêm quản lý, và ông Hoàng Thúc Tấn làm Thủ quỹ. Tên của cụ Doãn Kế Thiện cũng được đưa lên báo với tư cách là người sáng lập. Ngoài nhóm chủ trương, Thanh Nghị có ngay các cây bút cộng tác như Đinh Gia Trinh, Nguyễn Trọng Phấn, Phạm Lợi, Ngụy Như Kon Tum, Tô Ngọc Vân. Càng về sau người cộng tác càng nhiều hơn, như: Hoàng Xuân Hãn, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Tố, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Đào Duy Anh, Nguyễn Thiệu Lâu, Tạ Như Khuê, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Lân, Đào Đăng Vỹ v.v...

Tờ Thanh Nghị ngay khi khởi đầu, đã "qua mặt" nhà cầm quyền bằng cách xuất bản hai tờ báo thay vì một như giấy tờ cho phép: một tờ là THANH NGHỊ Trẻ Em, ra mỗi tháng ba kỳ; một tờ là THANH NGHỊ - Nghị Luận - Văn Chương - Khảo Cứu, dành cho người lớn, mỗi tháng ra một lần. Có cái lạ là nhà cầm quyền làm lơ, không hạch sách gì, có thể họ coi tờ Thanh Nghị Trẻ Em chỉ là loại phụ trương giáo dục cho tờ chính. Quả vậy, tờ Thanh Nghị Trẻ Em chuyên về giáo dục nhi đồng là một tờ báo có hình thức đẹp, in nhiều màu, bài vở vui nhộn, bổ ích cho các em, coi như là phần thực hành cái lý thuyết cải cách giáo dục của nhóm chủ trương.

Báo Thanh Nghị (người lớn) "là một phương tiện thực hiện phương thức hoạt động của một số trí thức yêu nước phần nhiều còn ở tuổi thanh niên, mới qua quãng đời sinh viên, và bước vào cửa của cuộc sống xã hội, trong những năm Đại chiến thế giới II. Họ muốn làm một việc có ích để phụng sự Tổ quốc trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng nhưng lại là cơ hội ngàn năm có một. Trong khi còn bỡ ngỡ, mà tâm trạng thì rối bời, họ cảm thấy chưa có điều kiện khách quan cần và đủ để lao ngay vào hành động trực tiếp chiến đấu với kẻ thù dân tộc. Cho nên họ rủ nhau, trước còn ít người, rồi dần dần nhiều lên, làm báo, tạm thời hãy làm báo để rèn chí luyện gan, tích lũy liến thức vào cuộc đấu tranh dân tộc, tự trang bị thế và lực chuẩn bị bước vào hành động trực tiếp, đồng thời nghiên cứu một số vấn đề có quan hệ đến tương lai đất nước." (Vũ Đình Hòe - Hồi ký Thanh Nghị).

Đọc đoạn văn trên đây ta thấy vai trò báo chí đối với giới trí thức tân học trong thời Pháp thuộc. Thế hệ Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh (thập niên 1910, 20), đến thế hệ Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí... (1930), rồi đến Vũ Văn Hiền, Phan Anh, Vũ Đình Hòe... (1940) đều thấy báo chí là phương tiện để giải quyết các điểm yếu đuối và nhu cầu của dân tộc, đất nước tùy theo từng thời kỳ, và càng về sau thì càng coi báo chí là cái lò luyện để chuẩn bị lao vào hành động nhằm thanh toán cái ách thực dân đang đè trên đầu dân tộc. Sau chín năm trong lò luyện Phong Hóa Ngày Nay, nhóm chủ trương đã buông báo chí để đi làm cách mạng. Và với Thanh Nghị, cái công thức ấy lại đang được lặp lại: các trí thức trẻ dùng tờ báo để giải quyết các vấn nạn của đất nước trong tình hình mới trong khi chờ đợi "có điều kiện khách quan cần và đủ để lao ngay vào hành động trực tiếp chiến đấu" giống như lớp người trước đã làm.

Phải coi Thanh Nghị là một tờ báo thành công. Với đời sống chỉ có bốn năm (1941-1945) Thanh Nghị đã từ một tờ báo mỗi tháng ra một số, tiến lên hai số, rồi thành tuần báo, có nhà in riêng. Dĩ nhiên độc giả tăng đều trong khắp nước, và giới trí thức tham gia viết bài cho báo cũng ngày một nhiều. Báo Thanh Nghị đã làm một việc mà có lẽ trong lịch sử báo chí thế giới chưa ai làm, đó là vào cuối năm 1942, đã IN LẠI 15 số đầu, theo lời yêu cầu của rất đông độc giả vì không biết để mua Thanh Nghị ngay từ số đầu, bây giờ thiết tha muốn có đầy đủ bộ. Ngày nay những bài "nghị luận, văn chương, khảo cứu" của nó vẫn mang lại nhiều ích lợi cho người đọc, nhất là để hiểu được cái bối cảnh trí thức của thời ấy trước các biến chuyển lớn lao của thế giới sắp tác động vào các cuộc vận động độc lập của nước ta.

(Kỳ tới: báo Tri Tân)

* Phần lớn tài liệu trong bài này dựa vào cuốn "Thanh Nghị - Hồi ký" của Vũ Đình Hòe, nguyên chủ nhiệm của báo Thanh Nghị.


Nguồn: Báo Thanh Nghị - Phạm Phú Minh, Thư Viện Người Việt Daily News

0 comments:

Loạt bài của Tô Ngọc Vân trên tạp chí Thanh Nghị





0 comments:

TN114 - "Xem triển lãm tranh tuyên truyền tinh thần độc lập" - Đinh Gia Trinh (1945)

Xem triển lãm tranh tuyên truyền tinh thần độc lập

Đinh Gia Trinh


Nguồn: Báo Thanh Nghị - số 114 23/06/1945 Tr. 11-12 (394-395)

0 comments:

TN100-104 - "Mỹ thuật Việt Nam hiện đại và tương lai hội họa"

Mỹ thuật Việt Nam hiện đại và tương lai hội họa

Tô Ngọc Vân


Nguồn: Thanh Nghị số 100-104, 05/02/1945, tr. 74-75, 78.

0 comments:

TN087 - "Cuộc trưng bày mỹ thuật của nhóm FARTA" - Ánh Hồng

Cuộc trưng bày mỹ thuật của nhóm FARTA

- Ánh Hồng


Nguồn: Thanh Nghị số 087, 14/10/1944, tr. 5.

0 comments:

TN080 - "Nghề gốm với hai ông Trần văn Đức và Ngô trọng Tuynh"

Nghề gốm với hai ông Trần văn Đức và Ngô trọng Tuynh

Ái Mỹ



Nguồn: Thanh Nghị số 80, 26/08/1944, tr. 24-25.

0 comments:

TN077 - "Những bức vẽ bằng sơn ta của Nguyễn gia Trí"

Những bức vẽ bằng sơn ta của Nguyễn gia Trí

Tô Ngọc Vân (với bút danh Tục Tử? - Tô Tử)


Nguồn: Thanh Nghị số 77, 05/08/1944, tr. 22, 26.

0 comments:

TN045 - "Sơn ta: Mỹ thuật thuần túy hay mỹ thuật trang sức"

Sơn ta: Mỹ thuật thuần túy hay mỹ thuật trang sức

Tô Ngọc Vân



Nguồn: Thanh Nghị số 45, 16/09/1943, tr. 2-4.


0 comments:

TN029 - "Nhân cuộc triển lãm sắp tới về mỹ thuật tại Tokyo"

Nhân cuộc triển lãm sắp tới về mỹ thuật tại Tokyo

Tô Ngọc Vân



Nguồn: Thanh Nghị số 29-31, 02/1943, tr. 4, 13.


0 comments:

TN024 - "Văn chương trong hội họa"


0 comments:

TN019 - Cái Đẹp trong tranh

Loạt bài của Tô Ngọc Vân trên tạp chí Thanh Nghị

Cái Đẹp trong tranh

Tô Ngọc Vân

L.T.S. – Trong mục “để gần hội họa” họa-sĩ Tô Ngọc Vân có ý giảng giải những sự sai lầm của công-chúng trong phạm vi nghệ-thuật. Sau đó sẽ đối chiếu hội-họa phương Tây với hội-họa Á-Đông, rồi lược khảo đến hội-họa Việt-Nam từ lúc bán khai tới giờ. Sau rốt đến sự Âu-hóa trong hội-họa Việt-Nam và tương lai của nó.

Kỳ Triển lãm tranh dầu Nhật ở Hanoi trước đây mấy tháng, có bầy một bức họa người đàn bà Khỏa Thân, mầu nâu dìu dịu, hơi hoen sanh và hồng, rung cảm một không khí buồn êm thấm thía. Tôi thấy tác phẩm “Đẹp” và ngỏ cảm tưởng ấy cùng bạn tôi cũng đến thưởng thức họa phẩm, song là một văn sĩ không quen nghề họa của chúng tôi mấy. Bạn tôi chê bức tranh xấu. Phân tách cảm giác của bạn, hai tôi nhận ra rằng bạn thấy xấu ở chỗ người đàn bà hình dung trên tranh có cặp mắt to quá, cái mũi thì díu lại, còn cái môi lại vều ra.

Biết bao nhiêu người trong công chúng ta, hoặc đã thưởng thức sai lạc hay chỉ trích nhầm đường như bạn tôi chỉ vì đã lẫn cái “đẹp” ở trong tranh với cái Đẹp ở ngoài đời! Người đi xem tranh tả thiếu nữ mà khó tính như đi xem mặt hỏi vợ thì cũng có một đôi khi vừa lòng, nhưng phần nhiều bị thất vọng. Cái Đẹp ở ngoài đời, tôi muốn nói cái Đẹp mọi người đời công nhận – cũng một đôi khi là cái “Đẹp” trong tranh. Thí dụ: một thiếu nữ người đời cho là Đẹp diễn tả trên họa phẩm tuyệt tác, những đàn bà của họa sỹ Raphaël(1) chẳng hạn.

Song một phần lớn, nhân vật của những họa-sĩ đại tài không phải là những người mà công chúng hay cả đến nhà mỹ-thuật nhận là Đẹp. Còn có tai nạn nào lớn hơn cho Matisse(2) là phải ôm ấp những đàn bà họa-sĩ tô điểm, những khuôn mặt siêu vẹo như sau một tai nạn ô tô! Còn cái khổ nào to hơn cho Raoult(3) nếu phải âu yếm những phụ-nữ mình đã sáng tạo với hình giáng ngáo ọp như để dọa nhát tinh!

Vậy mà những nghệ-sĩ ấy vẫn yêu, vẫn thấy “Đẹp” những nhân vật ấy, yêu theo lòng yêu của nhà mỹ-thuật, chứ không thiên theo quan niệm cái Đẹp ở ngoài đời. Gặp họ ở ngoài đời, chắc nghệ-sĩ không có can đảm đem họ về làm vợ, nhưng trong thế-giới mỹ-thuật riêng của nghệ-sĩ, đó là người đàn bà kiểu mẫu, người đàn bà lý-tưởng. Bởi những duyên cớ mỹ-thuật. Bởi những hình, những sắc, người đàn bà lý-tưởng đã bầy, đã giải rác trên họa phẩm để tạo lên những không khí về sắc, về hình mà nghệ-sĩ muốn có.

Cái bí quyết của nghệ thuật bức họa là ở sắc với hình, sao chúng ta lại không chỉ dựa vào hình và sắc mà phán đoán một bức tranh. Người đàn bà Đẹp hay người đàn bà Xấu có mặt ở trên bức tranh là vì những cớ về sắc về hình, chứ không phải vì người đời đã thấy họ Đẹp hay Xấu.

Suy từ người cho đến phong cảnh hay vật gì tả trong tranh cũng vẫn thế. Trông cái áo đẹp mới may, hay một tòa nhà lộng lẫy, hay một cái mũ cánh chuồn vị tất họa-sĩ đã thấy nguồn hứng cảm mãnh liệt như khi trông thấy cái áo nâu vá, chiếc nhà danh siêu lệch, hay cái nón rách của người ăn mày.

Nói tóm lại, nghệ-sĩ đánh giá nhân vật cân nhắc cái Đẹp của nó theo phẩm lượng về sắc với hình.

Cái “Đẹp” ở trong tranh, vì thế, ít khi là cái Đẹp ở ngoài đời.

Tô Ngọc Vân


———–
(1) Người Ý hồi mỹ-thuật Phục Hưng.
(2) Họa-sĩ Pháp hiện thời.
(3) Họa-sĩ Pháp hiện thời.


(Nguồn: Tạp chí Thanh Nghị số 19, 8/1942, chuyên mục “Để gần hội họa”)


* Tiếp theo Loạt bài của Tô Ngọc Vân trên tạp chí Thanh Nghị (1); (2); (3)

Nguồn: Soi - 16. 05. 10 - 12:39 pm - GẪM & BÌNH

Minh họa của "Soi"

“Thị Nở”, Hoàng Phượng Vỹ, sơn dầu, 2005

Thị Nở, Lê Quảng Hà, Sơn dầu, 2005

0 comments:

TN015 - Liên lạc hội-họa với nhiếp ảnh


Loạt bài của Tô Ngọc Vân trên tạp chí Thanh Nghị

Liên lạc hội-họa với nhiếp ảnh

Nhân cuộc triển lãm ảnh mỹ-thuật của ông Tranh, An và Nghi
Tô Ngọc Vân



Trong một số báo trước, phân biệt Họa sĩ với máy ảnh, tôi tỏ ý rằng mỹ phẩm của bức tranh không còn nữa khi tranh rình bắt chước ảnh. Nghĩ như vậy không phải là khinh chiếc máy ảnh và nghề nhiếp ảnh.

Ảnh có thiên-chức riêng, rất quý giá vì rất cần, thiên chức của những tài liệu (documents) sác thực, minh bạch, về hình trạng. Đó là những “chứng” thực thà, không biết thiên vị, và không làm ai chối cãi nổi. Sự can hệ của ảnh đối với khoa học cũng như ở nhiều giới khác là điều rõ ràng rồi.

Ngoài cái giá trị “Tài liệu” của ảnh, nhiều khi chúng ta đứng về phương diện mỹ-thuật mà xét nó. Là vì, nếu có những họa-sĩ muốn thành nhà nhiếp ảnh, thì có những nhà nhiếp ảnh muốn làm họa-sĩ. Âu cũng do một số tư cách chung của Tranh và Ảnh. Trước hết ảnh cũng như tranh là một mặt phẳng lì (surface plane) trên đó tả những vật ba chiều (trois dimensions). Người xem có ảo tưởng về sự nổi và sự sâu hay xa gần. Sau nữa, muốn chụp một bức ảnh – tôi nói ảnh mỹ thuật – nhà nhiếp ảnh cũng phải biết xếp đặt, khéo trình bầy những nhân vật để tả; phải sành chọn ánh sáng cho những thứ ấy thêm giá trị hay đến được cái vẻ mà mình muốn nó có; phải lựa chiều mà chụp để toàn thể nổi vị; phải tả giáng dấp, phẩm cách đặc biệt và thể chất riêng của từng vật.

Và hơn hết cả, quan niệm “đẹp” một phần cũng từa tựa như nhau, là họa sĩ hay nhà nhiếp ảnh phân biệt đẹp với xấu ở chỗ hình bóng của những vật lên mặt tranh hay ảnh đẹp hay xấu. Chứ không vì những vật ấy đắt tiền, quý giá, hay vì những người không phải nhà nghề khen là đẹp. Ví dụ: một cành lá dủ xuống mặt nước, một chút ánh sáng đi qua đám cỏ lau, một bàn tay rúng vào bùn, một cái ghế tồi trên đặt chiếc giầy nát… đã là những vẻ đẹp ảnh và tranh.

Ảnh nhiều lần, đã tả những cảnh mập mờ lối họa-sĩ Corot, hay in những khổ mặt nửa sáng nửa lẩn vào tối như trên tác phẩm của họa-sĩ Rembrandt, hay chắp chồng những hình lên nhau kiểu phái Siêu-hiện-thực (Surréaliste)…

Vậy đứng trước những mỹ thuật phẩm về hình ảnh ấy, ta có cảm sự rung động như khi ngắm một bức tranh không? Hay, nói rộng ra, ta có đặt ngang giá trị một tác phẩm hội họa đẹp và một bức ảnh mỹ thuật hoàn toàn? Ta có đem nhà nhiếp ảnh lên cùng bực với nhà danh họa?

Sự thực thì chưa ai nói có. Trái lại, người ta còn tự hỏi xem nhiếp ảnh có đáng gọi là một mỹ-thuật? Và đối diện với Họa phẩm, bức ảnh, theo ý người ta, vẫn chỉ là kiểu mẫu những cái mà họa-sĩ không bao giờ nên làm. Có phải chăng bao nhiêu những sự không đẹp nhà nhiếp ảnh mỹ thuật phải chịu đựng cũng chỉ vì đã nhờ một bộ máy để diễn tả ý nghĩ của mình?

Nếu tôi tin bức tranh theo ảnh là của dở, tôi lại nghĩ rằng nhà nhiếp ảnh đem khuynh hướng hội họa vào nghệ thuật ảnh là điều hay. Không để cái máy tự do hành động một cách lãnh đạm, thản nhiên, nhà nhiếp ảnh khiến nó, bắt nó theo chiều ý nghĩ hay cảm tưởng của mình trong sự dàn xếp, bầy ra một hoàn cảnh, một không khí, một giáng điệu trên những vật mình chụp. Nghĩa là đặt một linh hồn rung động trong cái máy mà chính mình làm chủ não. Cũng như nhà hội họa đặt một linh hồn vào ngọn bút hay mầu thuốc. Có khác là cái quyền sai khiến của họa-sĩ đối với vật dụng như bút, thuốc thì mênh mông vô chừng, mà cái sức điều khiển bộ máy của nhà nhiếp ảnh thì không vô hạn. Có khác ở chỗ Họa sĩ là nhà mỹ-thuật nhiều mánh khóe, còn nhà nhiếp ảnh là nhà mỹ-thuật không rộng bằng.

*
*      *

Để sáng tỏ mấy ý này, Hanoi chúng ta, tháng trước đã được ngắm những tác phẩm của ba nhà nhiếp ảnh mỹ-thuật Tranh, An và Nghi, trưng bầy ở phòng chụp tại đường phố Cửa Nam. Ông Nghi, bầy chuyên phong cảnh, có hai bức đặc biệt về ánh sáng trong, bức đám thuyền chung quanh gợn sóng và bức mây soi mình vào nước. Còn hai ông Tranh và An, dân Hanoi đã làm quen cách đây một năm – hay hơn nữa – ở một hiệu chụp ảnh, trong một cuộc triển lãm ảnh các nhà văn-sĩ, nghệ-sĩ Hà-Thành do hai ông chụp. Những tác phẩm trước và vừa đây đã soi rõ một vài đặc điểm của hai ông mà chúng ta nhận thấy. Sở trường của các ông đến bây giờ là ở những tác phẩm về người.

Muốn hiểu giá trị những tấm truyền thần do các ông chúng ta nên nhìn lại những bức truyền thần khác, của mấy hiệu ảnh hồi trước, những bức ảnh mà người ta quảng cáo là “mỹ thuật”, và một độ được công chúng ưa chuộng lắm, cái công chúng trong đó nhiều nhất có các cậu hay các cô chụp ảnh mình để cho nhà gái hay nhà trai xem mặt, và những cặp vợ chồng mới cưới cùng muốn trẻ măng, âu yếm tì đầu vào nhau trên ảnh.

Tác giả những bóng họ ưa, có tài quỷ thuật biến những khuôn mặt hốc hác vì ho lao, trở nên béo tốt phương phi mũm mĩm, và một nước da bánh mật hay đen sì hóa trắng toát như vôi.

Lại còn cái viền ánh sáng quanh mớ tóc và mấy vệt ánh sáng quệt hai bên má nó làm mặt trong đi như thủy tinh! Toàn những vẻ và những cớ rất can hệ để cho người ta muốn truyền thần lại mình!

Hai ông Tranh và An hình như không đồng lòng với mấy nhà nhiếp ảnh quỷ thuật chứ không phải mỹ-thuật ấy. Các ông đã sáng tạo ra một thứ ảnh người hệt người, không “đẹp” ra theo nghĩa ngô ngốc, trọn tả được thể chất và tính cách từng nét mặt, từng vẻ mặt. Sự sáng tạo rõ ràng nhất là khéo dìm những khuôn mặt vào bóng tối để, tùy theo, làm lộ một khổ mặt rắn sương hay dịu tròn.

Ngần ấy tác phẩm chỉ có độ vài ba thiếu-nữ ngồi làm kiểu. Các ông đã tài soay chiều và phân phát ánh sáng với bóng tối, trên những bộ phận ở mặt xếp bên cạnh chiếc mành, hay dựa vào mảng bóng đen, lúc ẩn lúc hiện nửa chừng hay rõ rệt, để thành một số nhiều tác phẩm giá trị như nhau, vậy mà mỗi bức một vẻ riêng cao quý. Người ta thấy nhà mỹ thuật thận trọng, tằn tiện từng chút bợn sáng, hay ánh sáng lõa lồ, từng màng bóng hay đặc đen phủ lên phải chỗ, không quá tay, để ta cảm thấy điệu nhịp nhàng cân đối trong tấm ảnh. Cái chấm sáng trên môi của hình thiếu-nữ ngực lộ trần, nở nang và sám dịu, đã gợi ý sắc dục, một cách điều độ và có duyên. Nét mặt hơi tươi như sắp cười chìm trong nửa sáng nửa tối làm phảng phất một bầu không khí đầy yêu.

Đó là những tác phẩm mỹ thuật. Hiểu theo quan niệm chính đường và lòng ham mê nghệ thuật.

Có ai không vừa lòng? Họa chăng lại chỉ mấy cô dâu chú rể tương lai không thấy các ông Tranh An làm lợi cho mình!
Tô Ngọc Vân



*
Bài liên quan:

– Loạt bài của Tô Ngọc Vân trên tạp chí Thanh Nghị (1)
– Loạt bài của Tô Ngọc Vân trên tạp chí Thanh Nghị (2)
– Loạt bài của Tô Ngọc Vân trên tạp chí Thanh Nghị (3)


(Nguồn: Thanh Nghị số 15, 16/6/1942, tr. 2-3. (SOI 26. 04. 10 - 7:23 pm)
Nguồn: SOI 26. 04. 10 - 7:23 pm - BÀN LUẬN


Minh họa của "Soi"



0 comments:

TN013 - Họa sĩ và chiếc máy ảnh


Loạt bài của Tô Ngọc Vân trên tạp chí Thanh Nghị

Họa sĩ và chiếc máy ảnh

Tô Ngọc Vân



Có một nhời khen mà bọn họa sĩ tôi sợ là khi người ta ca-tụng mình đã vẽ tài “hệt như bức ảnh”. Họ sợ vì cho đó là một nhời thóa mạ, vì họ không muốn bị tưởng nhầm là cái máy ảnh không hồn, vì – nói lẩn thẩn – họ là người. Người ấy thường thường có thêm một giác quan mỹ-thuật để cảm vẻ Đẹp, một tấm lòng rộng mở để đón những tình rung động và một óc sáng để soi thấu tâm hồn sự vật. Mà chân giá-trị của họ cũng chỉ ở chỗ đó, và ở chỗ biết đem những cảm giác ấy diễn ra và truyền lại cho người coi tác phẩm của mình.

Vậy, tưởng họ là cái máy, tức coi họ không phải người, thứ nhất người mỹ thuật. Sự chia rẽ ngăn công chúng xa nghệ sĩ, duyên cớ do nhầm lẫn ấy. Một đằng thì yên trí rằng công việc họa sĩ là chép đúng cái vỏ ngoài của sự vật để đi đến một bức ảnh hoàn toàn, trong khi đằng này thiết tha tin sứ mệnh của mình là tả linh-thần sự vật theo như mình yêu, biết, cảm; nói tóm lại không vì cái vỏ ngoài của sự vật, mà vì mình, để tả tâm trạng mình hơn là sự vật, nhiều khi chỉ là những “Cớ”.

Bởi công chúng xem tranh lại đòi ảnh, còn nghệ sĩ bầy tranh lại chỉ muốn bầy tâm trạng mình, nên cái điệu “trống đánh suôi, kèn thổi ngược” ở đây người ta vẫn được nghe luôn.

Bao giờ công chúng cũng bất mãn. Ở tranh không làm gì có sự chơn chu, tỉ mỉ đầy đủ như bức ảnh. Mặt người thì ít khi tỉa đủ lông mày, cây cối thì chẳng bao giờ đủ cành đủ lá…

Riêng tôi lấy làm khó hiểu cái sự thích thực hiện quá quắt ấy của công chúng. Họ thích thế mà lại thích được cả tranh Tàu, thứ mỹ thuật phẩm mà họ vẫn trang hoàng trong nhà. Còn có tranh nào xa thực hiện bằng tranh Tàu! Không khuôn hình thật, không mầu sắc thật.

Vậy mà họ nhìn cho là tự nhiên lắm, không khi vẫn khe khắt bới lông tìm vết trên họa phẩm hiện đại của ta. Nếu công chúng nhìn những tác phẩm này cũng như nhìn tranh Tàu, thì cái bề xa họ với nghệ sĩ sẽ thu lại nhiều. Họ sẽ hiểu nhau hơn.

Không cứ gì công chúng, cũng có xuất hiện những ông họa sĩ ưa tranh giống ảnh. Những ông này được người ta xếp vào tiếng văn vẻ “Tả chân”. Nhưng tả chân, theo họ hiểu là thế nào? Đã có những họa sĩ chăm chú nắn nót từng chiếc khuy áo, đếm từng nét dăn trán, hay tỉa những sợi lông con vật như cái ông cách đây ít lâu đã trưng bầy bức tranh “Con Báo”. Như thế để làm gì? Một tài liệu khoa học thì còn có nghĩa. Nhưng để chép lại những vật mà người ta nhìn thật còn thú hơn nhiều!

Một bức hội-họa chân chính là một tác phẩm mang dấu vết tâm trạng của người đã sáng tạo ra nó, là cảnh vật thêm tâm hồn nghệ sĩ. Không là hình dung thản nhiên, lạnh nhạt của tạo vật, để thay tấm ảnh hay ghi chép hiện trạng khoa học. Phần hồn của tác phẩm không phơi trên tranh như hình một trái cây hay bóng dáng một cái nhà. Muốn hội được tất phải là người dễ cảm lại gặp lúc tâm thần thư thái lợi cho mỹ cảm. Những người đó hiếm, những lúc ấy hiếm, nên sự thưởng thức hoàn toàn một họa phẩm vẫn là việc hiếm.

Phải mượn phong cảnh và nhân vật để tả tâm trạng mình, họa sĩ buồn vì người ta chỉ ngừng lại phong cảnh và nhân vật mà không đi thấu đến tâm trạng của mình. Ở chỗ đó nghệ thuật hội-họa không “trong” bằng âm nhạc. Âm nhạc không mượn một hình gì hay chuyện gì mà rung cảm thẳng đến tâm hồn người nghe.


Tô Ngọc Vân



*
Bài liên quan:

– Loạt bài của Tô Ngọc Vân trên tạp chí Thanh Nghị (1)
– Loạt bài của Tô Ngọc Vân trên tạp chí Thanh Nghị (2)
– Loạt bài của Tô Ngọc Vân trên tạp chí Thanh Nghị (3)


(Nguồn: Thanh Nghị số 13, 16/5/1942, tr. 19. (SOI 18. 04. 10 - 9:31 am)
Nguồn: SOI 18. 04. 10 - 9:31 am - BÀN LUẬN

0 comments:

TN009 - Tranh cổ Việt Nam, tranh Tết


Loạt bài của Tô Ngọc Vân trên tạp chí Thanh Nghị

Tranh cổ Việt Nam, tranh Tết

Tô Ngọc Vân


L.T.S. – Tìm hiểu mỹ thuật đương đại sẽ chỉ thực sự có ý nghĩa nếu không bỏ quên phần phê bình nghệ thuật đã từng có trước đây. Rất nhiều điều đã được nói tới, được phân tích trong lịch sử – miễn là người ta thực sự muốn tìm lại. Mục Trường phái và Vấn đề của SOI sẽ đăng lại một số bài viết trước đây của giới họa sĩ và phê bình mỹ thuật Việt Nam, mở đầu là loạt bài của họa sĩ Tô Ngọc Vân đăng trên tạp chí Thanh Nghị trước 1945.


Ngày xưa nước ta có hội-họa không? Những tranh bảo là của các cụ để lại, chúng ta ít được xem quá. Một vài nhà còn giữ một vài bức truyền-thần, một vài tấm tranh hoa điểu, hay sơn thủy. Trừ những bức truyền thần rất hiếm, đại để những tranh đó tả phong cảnh Tầu, nhân vật Tầu, không một giấu vết gì giang sơn nước Nam cả, chứ đừng nói đến tính cách đặc biệt Việt-Nam nữa. Một sản phẩm giá trị ấy chỉ đủ cho ta tin là đã phỏng theo những họa phẩm mỹ-thuật Tầu. Phỏng theo một cách nô lệ chứ không phải là chịu ảnh hưởng. Ảnh hưởng văn hóa Tầu sang ta ở Mỹ-Thuật Việt-Nam cổ, đã giúp sự sáng tạo một Kiến Trúc đặc biệt Việt-Nam, hùng vĩ mà không nặng nề. Khi trông những tòa Kiến-Trúc như chùa Keo hay đình làng Đình-Bảng, người theo hội họa ngày nay không khỏi tiếc, buồn. Nếu các cụ khi xưa để ý đến hội-họa! Làm gì chả dành lại cho họ một gia sản họa phẩm quý giá, làm gì ngày nay, họ, người Việt-nam, phải băn khoăn đi tìm một văn bản Việt-nam trong mỹ-thuật!

Sự lãnh đạm của các cụ với hội họa, chúng ta có nên đổ lỗi cho óc chuộng khoa cử khi xưa, khinh miệt những cái gì không liền với khoa cử? Thực thì cái người trước kia kêu “thợ vẽ” mới độ mươi năm nay được người ta gọi là “họa sĩ”. Thợ vẽ ngày xưa, nếu có, đã làm một nghề mà các cụ coi chẳng vinh hạnh gì. Vì tư tưởng ấy, hội họa Việt-nam không có một nền nếp nào, một căn bản nào chắc chắn. Và cũng vì tư tưởng ấy, khoa lịch sử Việt-nam thiếu mất những vật liệu, những chứng cớ hiển nhiên diễn tả bằng sắc với hình. Ai đã chú ý đến gian phòng Triển lãm của trường Bác Cổ Viễn Đông trong kỳ hội chợ vừa rồi, trưng bầy những di tích lịch sử thành thị nhân vật Việt-nam thuộc về Cận đại đều phải thừa nhận rằng hầu hết tài liệu về tranh dựa theo những bức họa của người ngoại quốc về thời ấy. Những bức họa đầu Ngô mình Sở nhiều khi đến buồn cười! Nhưng không dùng những tranh ấy thì lấy tranh gì, ở đâu? Ít ra nó cũng có ích lợi cho ta hội ý một phần mười về sự thực, nếu không hơn thế.

Đem tính sổ tất cả cái gia-tài về cách diễn tả bằng sắc với hình mà các cụ để lại, chúng ta thấy mỏng mảnh quá, nghèo quá! Đáng kể họa chăng chỉ còn tranh thờ vẽ Quan Lớn, Chầu Bà, Ngũ Hổ, đáng kể vì đã hình dung những vị Thánh Thần bằng người Annam y-phục Annam; và hơn thế một chút, những tranh in nhiều bản gọi là Tranh Tết mà ta thấy bán ở nhà quê kẻ chợ về ngày gần Tết.

Tranh Tết gồm có những tranh để dán cửa như tranh ông Tướng, tranh hai ông Tiến Tài, Tiến Lộc; và những tranh để dán lên tường. Loại này có thể phân ra:

A) Tranh súc vật như “con gà”, “con lợn”, cóc giậy học”, “cưới chuột”…

B) Tranh gương luân lý như “Vua Thuấn cầy voi cảm động đến Trời”, cùng tranh các ông Tăng Tử, Diễm Tử, Vương-Tường đi kiếm củi, lấy sữa hươu, úp cá để về nuôi mẹ…

C) Tranh phong tục như “Họp chợ”, “Làm ruộng”, “Đánh sóc đĩa”, “Tổ tôm ngày tết”, “Leo dừa”, “Đánh ghen”, v.v…


Tổ tôm ngày Tết (tranh Đông Hồ); Thời bình mở hội Xuân/ Nô nức quyết xa gần/ Nhạc dâng ca trong điện/ Trò thưởng vật ngoài sân.

Toàn thể tranh in đều một lối, khắc vào bản gỗ, nét mực và các mầu, dập lên giấy nền đỏ hay vàng. Mấy năm gần đây, giấy nhật trình trắng là thứ nền thông dụng, và nhiều khi cho mau việc, người ta chỉ in một bản nét mực họa hình, còn mầu sắc đều bôi bằng tay cho chóng.

Ai đầu tiên đã nghĩ sinh ra tranh Tết? Ai đầu tiên đã vẽ tranh Tết và tự bao giờ? Chúng tôi không biết. Song một điều chúng tôi chắc chắn mà phỏng đoán là những tác phẩm ấy do những người không phải tay nghề “họa sĩ trong một phút” cao hứng mà phác ra. Tất cả những nhân vật đều hình dung một cách ngây thơ, thô mộc, không có óc nhận xét, tuy nhiều khi giáng giấp cũng linh hoạt. Phần lớn thì mặt người nào cũng giống người nào, trẻ con, đàn bà hay đàn ông; và tờ tranh nào cũng có ngần ấy mầu dùng nguyên chất không bao giờ đổi. Ở những tranh loại luân lý và phong tục thường kèm những giòng chữ nôm dẫn giải ngụ ý của tác giả. Ví dụ trong tranh “ngày xuân đánh tổ tôm” họa sĩ đề mấy câu nói: được bài hay thua đều có vận đỏ đen, cao tay cũng chẳng ăn gì; trong tranh “Đánh ghen” có những lời: thôi thôi bớt giận làm lành, xấu chàng hổ ai…


Đánh ghen (tranh Đông Hồ)

Xuy đó ta nhận thấy rằng, trong tranh Tết, nghệ thuật không có phần mấy. Dụng tâm tác giả là ý tứ phô bầy, ở cái óc tinh nghịch, hóm hỉnh, châm biếm, diễu cợt đến thô một cách suồng sã. Song cũng nhờ thế mà ở tranh Tết cái ngây thơ lắm khi dễ yêu, sự vụng về thường thường cảm động, và một ánh duyên không mầu mỡ phủ lên. Chúng ta ai mà quên được cái chị mặc váy hớ hênh trong tranh “Leo dừa” chèo lên đỉnh cây dừa hái quả; Cái đàn chuột kéo nhau đi đút lót mèo để cầu yên; Cái anh chàng trần như rộng, quăng áo ra đặt cửa trên tranh “Sóc đĩa”; cái chị vợ búi tóc ngược trong tranh “Đánh ghen” săm săm nhẩy đến chỗ anh chồng đang ôm một cô không yếm, một tay chị hoa lên còn một tay lăm lăm cầm cái kéo há miệng sẵn. Để cắt gì? Tùy chúng ta hiểu sao cũng được…

Những tờ tranh ấy đều một giáng một sắc, một nguyên tố, không là kết quả của sự tìm tòi nghệ-thuật có liên tiếp hay biến trạng theo thời đại, không chỉ dẫn một phương châm nghệ thuật nào, vậy không có lợi cho nghệ thuật Hội Họa ngày nay.

Cảm tình đằm thắm của chúng ta với những tờ tranh Tết một phần lớn có lẽ do sự ta nhớ tiếc thời đã qua mà trong những tranh đó ta cảm thấy hương vị đưa lại, cái thời chúng ta còn để chỏm, ngày Tết mặc cái áo bao giờ cũng quá giài rộng, túm nhau bên tường mà âu yếm những tranh Tết rực rỡ dán lên.

Song dẫu sao giá trị tranh Tết ngày nay vẫn còn, không ở phạm vi nghệ thuật, mà ở cái vẻ Tết nó mang đến, mạnh hơn cả bánh chưng xanh và ngang với câu đối đỏ…


Tô Ngọc Vân



*
Bài liên quan:

– Loạt bài của Tô Ngọc Vân trên tạp chí Thanh Nghị (1)
– Loạt bài của Tô Ngọc Vân trên tạp chí Thanh Nghị (2)
– Loạt bài của Tô Ngọc Vân trên tạp chí Thanh Nghị (3)



(Nguồn: Tạp chí Thanh Nghị số 9, 2/1942, tr. 4-5.)
Nguồn: SOI 14. 04. 10 - 12:10 am - BÀN LUẬN

Minh họa của "Soi"
Tổ tôm ngày Tết (tranh Đông Hồ);
Thời bình mở hội Xuân/ Nô nức quyết xa gần/ Nhạc dâng ca trong điện/ Trò thưởng vật ngoài sân.

Đánh ghen (tranh Đông Hồ)

0 comments: