NGHỆ THUẬT SƠN MÀI VIỆT NAM (Tác giả và Tác phẩm)
Bùi Duy Tâm
Mời xem các mục chính
“Tuy Tranh Lụa, Mộc Bản,… là các bộ môn khá độc đáo trong Mỹ Thuật Việt Nam nhưng Sơn Mài Việt Nam đã thực sự chiếm một vùng trời nghệ thuật riêng
cho ngành Hội Họa Việt Nam. Sơn Mài Việt Nam đã giữ một vị trí độc tôn, vượt lên các loại tranh sơn mài của các quốc gia khác…”
Trong lịch sử xây dựng bộ môn Sơn Mài Việt Nam có ba nhân vật điển hình cho ba cái mốc đáng ghi nhớ:
Inguimberty
Các giáo sư và sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội, năm 1926). Hàng ngồi, từ trái sang phải: Roger, Christian, Bà Kruze, Victor Tardier, Lacollonge, Inguimberty, Nam Sơn… . Hàng đứng đầu tiên: Công Văn Trung (1), Lê Văn Đệ (10), Nguyễn Gia Khánh (Goerges Khanh) (14) và Vũ Cao Đàm ở cuối cùng hàng đứng thứ 2
N ếu Victor Tardieu, biệt danh là cụ Tạc, có công sáng lập ra trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cái nôi đào tạo ra các họa sĩ
danh tiếng cho nền Hội họa VN thì Inguimberty hay Joséph Inguimberty là người có công lớn trong việc sáng tạo và phát triển bộ môn Sơn Mài VN. Nhân một hôm
Inguimberty được Nam Sơn (tên thật là Nguyễn Văn Thọ [1890- 1973] phụ tá cho Tardieu) dẫn đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám để vẽ, ông đã bàng hoàng khi nhìn thấy
các lớp sơn cũ kỹ trên hương án, hoành phi, câu đối, cột kèo ở nhà đại bái – qua thời gian mấy trăm năm – đã biến thành các gam màu đẹp lạ lùng, Ông đâm ra
mê mẩn “Sơn An Nam” (tức sơn ta chuyên dùng để sơn đồ thờ và đồ gia dụng) và nảy ra ý định mang chất liệu này vào hội họa. Nghệ thuật Sơn Mài VN khởi sự từ đó.
Inguimberty được cử sang Việt Nam để dạy môn sơn dầu nhưng lại chểnh mảng nhiệm vụ này, mà chỉ say mê nghiên cứu về chất laque d’Annam (sơn ta) và hướng dẫn
sinh viên không những về kỹ thuật sơn mài mà cả về các đề tài: cảnh người gồng gánh qua đình, qua quán, trên đồng ruộng hay người phụ nữ bên hồ, bên vườn cây. Ông
dọn về một ngôi nhà tranh trong làng Kim Liên, có vườn cây ăn quả, một giậu ôrô dày kín rào quanh vườn, bên hông còn che liếp cho kín đáo để dùng làm một xưởng vẽ
ngoài trời… Có một điều rất lạ là không bao giờ Inguimberty có ý định thể hiện tranh của mình bằng sơn mài như bà Aymé – một giảng viên của trường khóa X. Bà
này đã vẽ một bức tranh sơn mài giống như tranh Gauguin nhưng trông rất ngô nghê làm cho Inguimberty phải nhún vai lắc đầu ngao ngán – Ông cho rằng sơn mài
chỉ có người Việt Nam làm được, cũng như sơn dầu chỉ thuộc về người Châu Âu.
Inguimberty thường được gọi là ông “I”. Ông yêu mến con người và quê hương VN, rất tận tụy phát triển bộ môn Sơn Mài VN. Trong việc hướng dẫn Nguyễn Sĩ Ngọc
làm bài thi tốt nghiệp với đề tài: “Đi chợ Tết về qua đình”, ông “I” và Tô Ngọc Vân đã có nhiều sáng kiến táo bạo thể hiện loại sơn mài sáng (laque clair) trước đó
chưa từng ai làm:
"Trên tấm vóc khổ lớn (2m x 5m) nền cánh dán-titan là trời đất, gắn vỏ trứng là toàn cảnh một ngôi đình cổ, tiền cảnh có những túp lều tranh của
chợ quê, tiền diện là ba thôn nữ gánh các thúng xếp đầy đồ sắm Tết, để lộ ra ngoài vàng hương, đồ mã, cá, gà. Xa xa, dải mạ màu bột đá xanh cùng với màu thắt lưng
thiên lý bổ túc cho các màu nâu trầm chín nục trên các váy, áo tứ thân và các màu yếm đỏ son tươi rung rinh trong ánh sáng – toàn cảnh rực lên thời hoàng
kim của một làng xứ Đoài cổ làm bồi hồi xúc động lòng người trước những hình tượng mang nặng hồn quê đất Việt".
Inguimberty và Tô Ngọc Vân rủ Nguyễn Gia Trí đến xem để khoe cái hướng sơn mài “không vàng không bạc cũng giàu sang”. Sau đó cả ba cùng về nhà Inguimberty
uống rượu sâm banh mừng thành công mới.
Bác Phó Thành (Đinh Văn Thành: 1898-1977)
N ếu tranh lụa mở đầu một cách hanh thông, khẳng định ngay chỗ đứng trên thế giới thì tranh sơn mài phải trải qua một thời kỳ dài mò mẫm
và phải được nhiều người tâm thành chung lưng đấu cật mới làm cho tranh sơn mài cất cánh và mở chân trời sáng tạo rộng lớn đến nay vẫn chưa lường hết được. Ngay từ
những năm đầu tiên mới thành lập, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã đón những nghệ nhân cao tay nghề về sơn ta để lập xưởng ngay trong trường – Chính tại
đây một số sinh viên có óc tò mò khoa học và học hỏi với các nghệ nhân giàu kinh nghiệm để đưa sơn ta từ một chất liệu đơn thuần trang trí dần dần trở thành một chất
liệu có khả năng diễn đạt nghệ thuật.
Bác Phó Thành (Đinh Văn Thành) là một trong những nghệ nhân được trọng vọng do tay nghề cao, do lương tâm nhà nghề và còn do luôn sẵn sàng lao vào các cuộc
phiêu lưu với sự gợi ý của họa sĩ để mang sơn ta vượt ra khỏi khuôn khổ cha truyền con nối đã định từ bao đời nay, từ kỹ thuật sơn ta đến Nghệ Thuật Sơn Mài, tiếng
Pháp gọi là Laque Poncée (Sơn Mài ) – Thuật ngữ Sơn Mài là một thuật ngữ mới mẻ ra đời từ những năm 1930 dùng trong trường
Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sơn ta là loại sơn thảo mộc lấy từ nhựa cây sơn (tên khoa học là Toxicodendron succedaneum hay rhus succedanea hay rhus vernicifera)
thường gây bệnh lở sơn, trồng nhiều trên các đồi Phú Thọ, có cả ở Trung Quốc và Nhật Bản. Cả ba nước Viễn Đông này đều biết dùng nhựa cây sơn vào việc chế tạo các đồ
thủ công mỹ nghệ, không phải mới gần đây mà có nguồn gốc xa xưa (mộ cổ Việt Khê ở VN – mộ cổ đời Tây Hán bên Trung Quốc – thời Asuka [538-645] bên Nhật
Bản). Sau đại chiến thứ I, Jean Dunand (1877-1942) đã đón cả một hiệp thợ sơn VN sang Paris lập xưởng sơn nhựa và đã trang trí tất cả các phòng khách trên tàu
xuyên Đại Tây Dương Normandie toàn bằng sơn nhựa VN để bảo quản chống hơi mặn trong gió biển.
Cái thứ nhựa cây quỷ quái này có những thuộc tính rất ngược đời: muốn khô thì phải ủ ấm, trời lạnh bắt hanh thì không bao giờ khô nữa. Vẽ thì phải vẽ cái trên
xuống dưới, vẽ cái dưới đè lên trên rồi mài ra mới thấy mặt tranh. Nét phải đi từng li từng tí nếu không sẽ mất hết trong khi mài. Sáng tác phải chia ra từng khâu,
làm xong khâu này phải ủ khô, mới được làm sang khâu khác. Sai một li là hỏng bét. Còn nhiều khó khăn khác phải tuân thủ nghiêm ngặt. Bảng màu của nó chỉ có: cánh
gián, then, son, vàng, bạc thêm xà cừ, vỏ trứng để khảm gắn. Các chất liệu pha chế vào khó đạt kết quả tốt nên phải dùng son đỏ để biểu hiện
nước xanh vì son đỏ có chất liệu trong veo còn bột màu xanh bị đục – Tranh sơn mài được diễn đạt không chỉ bằng MÀU mà cả
bằng CHẤT nữa. Sau này các nghệ sĩ vượt qua các ngỏ ngách phức tạp để mang các màu khác vào làm ra một thế giới [MÀU –
CHẤT ], ánh sáng cực kỳ lộng lẫy huy hoàng chưa từng có.
Ông I (Inguimberty) đã làm việc với bác Phó Thành trong suốt 20 năm dạy học ở Hà Nội để nghiên cứu về chất Sơn An Nam tức sơn ta. Ông Tô Ngọc Vân mời kỳ được
bác Phó Thành đến nhà riêng làm việc trả lương tháng. Ông Trần Văn Cẩn cùng bác Phó Thành mài màu sơn cho nhập hẳn vào tranh, trước đó không có kỹ thuật này. Ông
Nguyễn Gia Trí thuê nhiều thợ để làm việc – Các họa sĩ sơn mài phải học tập thành thạo kỹ thuật như một thợ sơn thực thụ trước khi bắt tay vào sáng tạo nghệ
thuật. Bác Phó Thành đã từng biểu diễn nghệ thuật làm đồ sơn ta tại Đấu xảo Paris năm 1937 và được sắc phong chức “Cửu phẩm Bá Hộ” do vua Bảo Đại ban thưởng ngày 24
tháng 5 năm 1941.
Nguyễn Gia Trí (1906-1993)
H ọa sĩ Quang Phòng viết về Nguyễn Gia Trí:
“Trong cuộc đua khai thác chất liệu cổ truyền để xây dựng bộ môn Sơn Mài
VN, người về đích trước tiên là Nguyễn Gia Trí, vượt xa người mở đầu Trần Quang Trân, tác giả bức “Bờ ao” lung linh bóng nước (bằng kỹ thuật không dùng nguyên vẹn
quì vàng để dát mà nghiền thành bụi vàng rắc lên tạo ra nhiều sắc độ ánh sáng). Với đầu óc tân tiến, tự do phong khoáng, Nguyễn Gia Trí đã một mình đứng riêng
thành một phái sơn mài với quan hệ tạo hình mới, kết hợp cả hai phương pháp đông-tây và thể hiện tác phẩm hoàn toàn bằng chất liệu và kỹ thuật cổ truyền. Tiêu biểu
cho một thời hoàng kim (1939-1945), Sơn Mài Nguyễn Gia Trí đã đạt tới chuẩn đích. Nó cho ta một cảm giác TRONG VEO với nền phẳng như mặt nước in hình sự vật dưới
đáy. Và không những lung linh huyền ảo mà thôi, màu sắc nhất là cái chất sâu thăm thẳm khi ẩn khi hiện chập chờn, đôi lúc lại quắc lên chói lọi, cất cao tiếng hát
ở tùy nơi, tùy chỗ mà tác giả đặt chúng bên nhau, phản ánh trạng thái cuồng nhiệt sung mãn ở một tâm hồn tinh tế luôn luôn dạt dào hưng phấn.
Trên cái nền súc tích tầng tầng lớp lớp MÀU và CHẤT quyện vào nhau kết tinh thành một khối hổ phách óng ánh ấy, Nguyễn Gia Trí phóng lên một “sơ đồ đường
nét” thiếp vàng rực rỡ, tách các hình tượng khỏi bối cảnh, làm hiện ra những thiếu nữ đứng, ngồi, đi lại, đuổi bướm, hái hoa, vui chơi dưới cành tơ liễu lả lướt bay
trước gió hay thơ thẩn cạnh bông sen trắng nở ven hồ bên lan can lầu thủy tọa. Tất cả phối hợp với nhau cùng hòa chung nhịp điệu theo các đường lượn uyển chuyển quán
xuyến toàn tranh – cho người xem cảm giác tương phản kỳ thú giữa cái cực kỳ giàu sang và cái vô cùng đơn giản.
Tác phẩm tiêu biểu của ông: “Bên hồ Hoàn Kiếm “, “Vườn Xuân” những sáng tác những năm đầu 1940 là những đỉnh cao đến
nay vẫn còn nguyên giá trị. Sơn Mài Nguyễn Gia Trí phong phú, đa dạng đưa ta vào thế giới cảm giác chơi vơi. Cùng là một đề tài “Vườn cây – Thiếu nữ” đi lại,
đứng ngồi, bố cục như nhau mà cảnh này thì thoát tục thần tiên, cảnh kia thì liêu trai ma quái. Làm sơn mài như Nguyễn Gia Trí thì không mấy ai theo được. Ông đã
vung tiền để thuê toàn thợ giỏi, vung vàng không tiếc để tạo chất, làm cho những màu son chói lên như than hồng, những màu sám rung rinh, những âm vang trên các
lớp vàng lơ lửng ở tầng dưới và cuối cùng là những nét, mảng lớn, nhỏ toàn vàng thiếp chen nhau vào nền tranh làm nổi bật các hình tượng và trùm lên tất cả là một
bầu ánh sáng chan hòa".
Cái khác lạ giữa việc vẽ tranh sơn mài và tranh sơn dầu là:
- ở sơn dầu nghệ sĩ đắp phủ sơn lên, hình thể hiện rõ trước mắt để biết ngay hiệu quả cuối cùng
- ở sơn mài là một quá trình ngược lại, họa sĩ mài lớp sơn phủ kín tất cả hình thể, đường nét, màu sắc cùng các chất biểu cảm đặt trên nền vóc nhưng quá
trình mài bỏ lớp sơn phủ mới là quá trình làm hiện lên hình tượng nghệ thuật cuối cùng. Chất liệu còn nhiều khả năng tiềm ẩn để ngỏ nhiều con đường cho những khám
phá sáng tạo mới
- Ngoài then, son, vàng kim theo truyền thống người ta còn tạo hình bằng gắn vỏ trứng, xà cừ và nhiều chất liệu khác. Chất liệu dù có vai trò rất quan
trọng nhưng tự nó sẽ vô hồn nếu không có nghệ sĩ làm chủ được loại chất liệu đỏng đảnh khó tính và thổi vào nó nguồn sinh khí làm rung động người xem.
Khi so sánh những bức sơn mài của Nguyễn Gia Trí vẽ những năm 39-44, Nguyễn Đỗ Cung đã thốt lên:
“Đen đỏ vàng: hơn kém nhau chút ít của
nghề sơn, Nguyễn Gia Trí đã cho ta cuộc sống giàu sang phong phú…
Còn gì khô sượng bằng vỏ trứng gà giữa mấy màu đen, đỏ. Thế mà vỏ trứng đó đã thành ánh sáng nhễ nhại và huyền diệu trên thân thể của một thiếu nữ mặc áo đỏ trên
một bức sơn. Giữa một cảnh lộng lẫy, một thiếu nữ khác mặc áo xám xanh cũng tưng bừng đi ra – Áo xám xanh này chỉ có sơn đen và vỏ trứng gà…
Người ta quên chất sơn, quên đề tài, quên hết để mà tưởng như được sống phong phú, giàu sang trong các bức tranh sơn mài của Nguyễn Gia
Trí”.
Trong lĩnh vực Sơn Mài, Nguyễn Gia Trí là người thành công sớm nhất và có tên tuổi lớn nhất, tuy trước ông đã có nhiều họa sĩ có những đóng góp đáng kể trong
việc khai phá bộ môn này và sau ông thì không biết có bao nhiêu họa sĩ Việt Nam đã bỏ chất dầu gai, conteau, palette của tranh Sơn Dầu để cầm bút tỉa, thép tóc và
bay xương, đua nhau hướng về Sơn Mài và bộ môn Sơn Mài đã trở nên một vùng trời nghệ thuật riêng cho Hội Họa Việt Nam với biết bao nhiêu tác phẩm xuất sắc tiếp nối
nhau ra đời từ thời xa xưa của Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Tư Nghiêm cho tới ngày nay sang đầu thế kỷ XXI với Đằng Giao, Bùi Hữu Hùng,
Thành Chưong, Đinh Quân,…
Bên đầm sen 1938, 120 x 210
cm
Thiếu nữ với hoa dâm bụt 1944, 129 x 176 cm
Vườn xuânTrung Bắc Nam 1970-1990, 200 x 540 cm (cánh
trái)
Vườn xuân Trung Bắc Nam 1970-1990, 200 x
540 cm (cánh phải)
Tô Ngọc Vân (1906-1954)
TÔ NGỌC VÂN
(1906-1954)
C ó công lớn trong việc nghiên cứu chất sơn ta để xây dựng bộ môn Sơn Mài Việt Nam cùng với Inguimberty, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn.
Nhưng đỉnh cao nghệ thuật của Tô Ngọc Vân là ở sơn dầu với bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” chứ không phải ở Sơn Mài. Ông rất tha thiết với nghệ thuật Sơn Mài nhưng rất ít tác phẩm Sơn Mài còn lưu truyền trừ một vài bức như bức “
Nghỉ chân bên đồi ” là tác phẩm Sơn Mài đầu tay của ông được hoàn thành trong xưởng họa kháng chiến giữa rừng Việt Bắc cùng với tác phẩm “
Cái bát ” của
Nguyễn Sĩ Ngọc (1918-1990). Cả hai tác phẩm này được vẽ trong điều kiện thiếu thốn về nguyên liệu nhưng đã trở thành hai tác phẩm Sơn Mài đẹp, tiêu biểu cho Hội Họa Việt Nam trong thời kháng chiến chống
Pháp.
Tác phẩm “Khi giặc đã qua ” (do gia đình giữ) đã ghi sự thành công bước đầu của ông trong Sơn Mài. Những tác phẩm Sơn Mài làm dở dang của ông trong thời gian năm 1948-1950 như “Chạy giặc trong rừng”, “Nghỉ chân bên đường” , “ Phố trụi ” hiện còn lưu trữ tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật.
Có lẽ ông thích vẽ chì than, màu nước và sơn dầu nhiều hơn (ông luôn mang theo trong người cục chì than để vẽ tùy hứng) nên nhường lại sự thành công về Sơn Mài cho Nguyễn Gia Trí. Xem tranh Sơn Mài của Nguyễn Gia Trí, ông cảm động thực sự, ông khẳng định
“Đến cuộc thí nghiệm của Nguyễn Gia Trí, lối Sơn Ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở óc, ở tâm hồn Nguyễn Gia Trí nó đã được nâng lên hàng mỹ thuật thượng đẳng trên những màu hồng nhợt biến hóa, những sắc nâu ngon thiệt là ngon, những vỏ trứng, vài nét bạc, vài nét vàng sáng rọi, rung lên, rít lên như tiếng kêu sung sướng của xác thịt khi vào cực lạc…lúc âu yếm bằng những vuốt ve mềm mại, lúc dữ dội bằng dăm bảy nét quẹt mạnh, đập tung, cào cấu… yêu muốn khoái lạc… nhất là khoái lạc… của Gia Trí”. (Tô Tử, “Nguyễn Gia Trí và Sơn Ta” báo Ngày Nay số 146, ngày 21/01/1939 ).
Tô Ngọc Vân tốt nghiệp khóa thứ 2 (1926-1931) tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (thành lập năm 1925 với khóa đầu tiên có Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Văn Đệ,…). Ông là một người thầy tận tụy, một người hiệu trưởng mẫu mực, một người chiến sĩ can trường. Ông hy sinh tại chiến trường sát Điện Biên Phủ ngày 17/06/1954 trong một trận địch dội bom.
Nghỉ chân bên đồi (35x50cm)
Trần Văn Cẩn (1910-1994)
TRẦN VĂN CẨN (1910-
1994)
L à người thay thế Tô Ngọc Vân lãnh đạo phong trào hội họa hiện thực xã hội Việt Nam và tiếp tục việc nghiên cứu chất sơn ta và phát
triển nghệ thuật Sơn Mài Việt Nam. Trong khi các họa sĩ tiên phong về Sơn Mài như Lê Phổ, Nguyễn Khang, Phạm Hậu, Trần Quang Trân thể nghiệm sơn mài trong tranh
phong cảnh, kiến trúc (Đình, Chùa, Bờ tre, Sông nước, Núi non,…), tỉa từng lá cây, ngọn cỏ, nặng tính trang trí cổ kính thì Trần Văn Cẩn đi vào một kỹ thuật thoáng
hơn. Năm 1936 ông sáng tác tranh Sơn mài: “
Tiễn anh khóa đi thi Hương ”, bố cục theo hình thức bình phong, cảnh tượng dân làng tiễn anh khóa đi thi với
cách điệu dân gian, thể hiện bằng mấy màu son, then, cánh gián, vàng lóng lánh, rực rỡ làm hiện lên một cảnh tiễn đưa vui vẻ tưng bừng tràn đầy hi vọng –
tranh này được Tardieu, Inguimberty đánh giá cao, chấm cho Trần Văn Cẩn đỗ thủ khoa khóa VII trên Nguyễn Gia Trí học cùng lớp (bài thi tốt nghiệp của Nguyễn Gia
Trí là một tác phẩm lụa). Tuy đã thoát ly được lối vẽ trang trí trên khay, tráp của Sơn Ta truyền thống nhưng các nhân vật, khung cảnh vẫn còn phải tuân theo hoàn
toàn
lối vẽ trang trí không diễn khối .
20 năm sau vào đầu hòa bình, thừa hưởng thành quả chung của kỹ thuật Sơn Mài và với kinh nghiệm của riêng mình, Trần Văn Cẩn bắt tay vào dựng tác phẩm
“Tát nước đồng chiêm ” (Vùng quê Xuân Thượng, Nam Định) bằng cách kết hợp lối vẽ trang trí của sơn truyền thống với lối
diễn khối của sơn dầu nhằm làm cho khả năng của sơn mài phong phú đến mức tối đa. Không khí tưng bừng của cảnh tát nước gầu giai đã khiến ông kéo
dài chuyến đi vẽ, ở lại ăn Tết với dân làng Xuân Thượng – ông đã lội ruộng nghiên cứu không biết bao nhiêu dáng tát nước của các phụ nữ miền quê Nam Định. Cộng
với sự hiểu biết sâu sắc bí quyết của nghề sơn không kém gì những thợ sơn chính tông, Trần Văn Cẩn đã tạo nên trong “Tát nước đồng Chiêm ”
những mảng màu rực rỡ, ngậm ánh sáng bên trong, tung tăng nhảy múa theo nhịp điệu của các động tác tát nước, rung lên niềm vui sướng hân hoan
trong lòng các nhân vật.
“Tát nước đồng chiêm ” một tác phẩm sơn mài hoàn hảo nhất của ông để dự triển lãm Mỹ Thuật toàn quốc lần thứ VII, năm 1957, cũng là
năm thành lập Hội Mỹ Thuật VN và Trần Văn Cẩn được bầu làm Tổng Thư Ký.
Hai năm sau ông lại hoàn thành tác phẩm “Mùa đông sắp đến” . Nếu trong “Tát nước đồng Chiêm ” ông đã
diễn tả được NHỊP ĐIỆU trong chất sơn thì trong “Mùa đông sắp đến ” ông đã thể nghiệm kỹ thuật tá chất của vỏ trứng trong sơn
mài . Vỏ trứng từ một nguyên liệu dùng trong trang trí hàng mỹ nghệ đã du nhập và cộng hưởng vào kỹ thuật hội họa Sơn Mài. Vỏ trứng có một màu trắng trung
tính không rừng rực, bóng chói như vàng cũng không cứng rắn và đanh như màu sáng của bạc. Nhưng sử dụng vỏ trứng để sáng tác tranh phải có thẩm mỹ tốt và kỹ thuật
già dặn nếu không sẽ dễ bị rơi vào trang trí mỹ nghệ… như nhiều bức tranh Sơn Mài khác. Trong tác phẩm “Mùa đông sắp đến ” vỏ trứng đã
chiếm tới hơn một nửa diện tích của bức tranh nên đương nhiên có xu hướng về trang trí nhưng nhờ tác giả đã diễn tả CHẤT ở các cung bậc thật xa nhau: rắn
rỏi như nền gạch, bức tường, tha thướt như tà áo dài và mỏng mảnh như đóa phù dung nên bức tranh đã phảng phất được lối tạo không khí của cách
vẽ sơn dầu: ông đã dùng những mảng vỏ trứng to cho bức tường và vỏ trứng vỡ nhỏ hơn cho các tà áo dài, ở chổ eo lưng, nách… vỏ trứng còn được làm vỡ vụn hơn nhằm tạo
KHỐI và gây cảm giác mềm mại. Ông đặc biệt chú ý đến đường viền của đối tượng diễn tả để gây cảm giác khác nhau: đường viền của những viên gạch lát nền được ông gò
thật thẳng và sắc cạnh, đường viền của tà áo dài mềm mại còn mảng tường tuy là đường thẳng nhưng ông không cố ý gò cho thật “nét” sắc cạnh. Cuối cùng là kỹ thuật phủ
màu: chỗ đậm, chỗ nhạt, chỗ thưa, chỗ dày, chỗ thì chấm màu, chỗ thì phủ màu đều.
Ông đã sai khiến được vỏ trứng (vốn không thể hòa tan với sơn) hòa nhập vào bức tranh: màu trắng của vỏ trứng đã làm tăng độ sáng dịu nhẹ, làm cho tác phẩm
trở nên lộng lẫy một cách kín đáo, bừng lên một thứ ánh sáng rất nhẹ, rất gợi cảm của mùa thu mà tác giả muốn diễn đạt.
Nhà văn Triều Dương đã viết về Trần Văn Cẩn như sau:
"… Làm đẹp con người và trình bày hiện thực trong những khía cạnh đầy chất thơ để cho con người thêm tin yêu cuộc sống, đó là ý thức thẩm mỹ của
họa sĩ Trần Văn Cẩn. Trong những tác phẩm chính như “Mùa đông sắp đến”, “Tát nước đồng Chiêm ” thì phụ nữ đã chiếm toàn bộ hay hầu hết
nhân vật trong tác phẩm. Ông đã vẽ người đàn bà trong nhiều tư thế và ở nhiều lứa tuổi từ lúc còn nhỏ, qua tuổi thanh xuân đến khi làm mẹ, làm bà. Trong tác phẩm
“Thằng cu đất mỏ ”, ông tả vẻ đẹp của các bà mẹ và những em bé".
Cũng như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí và đa số các họa sĩ khác, Trần Văn Cẩn khai thác các đề tài về vẻ đẹp của thiếu nữ với những tình cảm nhẹ nhàng giàu chất
thơ. Theo nhà văn Triều Dương kể lại:
"Một buổi chiều Bác Hồ đến xem triển lãm và nhận định: “Tranh của ta vẽ Tiên nhiều, chưa vẽ nhiều về đời sống thực tại”. Anh em họa sĩ đã có nhiều
suy nghĩ và đã có nhiều chuyển biến cụ thể – Trần Văn Cẩn đã muốn bước ra khỏi chính mình , cho tác phẩm đầy màu thời sự và giông bão của
cuộc sống, nhưng những khi ấy ông đã không đạt thành công - Hai bức tranh “Nguyễn Văn Trỗi ” (1965) và “Một trận đánh ở Cheo Reo ” đã là một chứng
tỏ".
Thằng cu đất Mỏ (54x76cm)
Sau đây là một số tác phẩm nổi tiếng của các họa sĩ Sơn Mài bậc tiền bối:
Phạm Hậu (1903-1994)
V ới tác phẩm “Gió mùa hạ ” (1940-68x149 cm),
Nguyễn Khang (1912-1988)
V ới hai tác phẩm “Đánh cá đêm trăng ” (1943 – 82x 183 cm) – sơn mài trên bức đắp nổi (phù điêu=laque en bas
relief) và “Hòa bình và hữu nghị ” (1958 – 82x 93 cm).
Trong “Đánh cá đêm trăng ”, cách thể hiện giản dị với lối vẽ chất phác: mấy anh dân chài, quấn khăn đầu rìu, đóng khố; người chèo, kẻ
buông lưới bắt đàn cá lượn bên thuyền thêm hai anh lội nước mò cua, bắt ốc. Tất cả hiện thành những bóng hình sáng hồng nổi lên trên nền then rắc bạc nhẹ phủ mờ, gây
không khí huyền ảo, tượng trưng, thi vị hóa cảnh cần lao hiện thực. Từ Nguyễn Khang, tranh sơn mài đi dần vào những mảng lớn, ngày càng xa tính công bút đồ họa của
mỹ nghệ.
Nguyễn Khang –
Hòa bình và Hữu nghị 1958 (82x93cm)
Đánh cá đêm trăng 1943
(82 x 183 cm)
Hoàng Tích Chù (1912-2003)
V ới tác phẩm “
Giã gạo ”,”
Gặt lúa ” và “
Tổ đổi
công miền núi ”(
1958 ), ông đã diễn tả được màu sắc, đậm nhạt của sơn dầu nhưng còn hơi
thiên về trang trí. Trong “
Tổ đổi công miền núi ”, ông đã sử dụng rất khéo léo màu xanh da trời điểm mây trắng – sáng trong
– làm nổi bật rặng núi gần, sẫm nâu then rắc bạc; đá và cây hòa quyện với nhau. Những màu trắng vỏ trứng lốm đốm rung rinh trên quần áo những phụ nữ đi cấy
phía trước – được tôn thêm vẻ sinh động bằng nền nước ruộng xam xám, nâu, lam in bóng lung linh những cụm tre vàng. Bức tranh in đậm tính thơ một vùng sơn
cước Việt Nam gần gũi, thiên nhiên hoang vu, heo hút nhưng vẫn đầm ấm với dăm bảy nóc nhà sàn của một bản nhỏ, lô nhô dưới chân đồi.
Ông là giảng viên sơn mài của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam và đã từng mở xưởng vẽ tranh sơn mài. Cuộc đời nghệ sĩ của ông đầy gian truân vất vả. Gia đình
cấm không cho đi học vẽ nên phải làm đủ thứ việc để kiếm tiền đi học vẽ kể cả việc phục vụ ban kịch, phòng nhảy đầm. Hoàng Tích Chù chỉ đủ tiền ăn mỗi ngày một bữa cơm
trưa do vậy những tác phẩm vẽ ra phải gửi nhà cô đầu – nhiều lần thiếu nợ phải viết văn tự cho chủ cô đầu.
Giã gạo (50x40cm)
Gặt
lúa
Tổ đổi công miền
núi
Nguyễn Đức Nùng (1914-1986)
V ới các tác phẩm “Xe chỉ dệt vải ”, “Bình minh trên nông trang ”và
“Nguyễn Du đi săn ”, đã tìm một lối vẽ mới trong bức “Nguyễn Du đi săn ” bằng cách thể hiện trên nền vóc dáng
bạc một thân cây xù xì, gầy guộc với những cành khô gầy cùng với mấy bông lau trắng nhẹ xốp bay trước gió gợi cảnh sắc thật nên thơ trong một buổi sáng mờ sương ẩn
hiện vài bóng người đi săn. Trước khi sáng tác “Bình minh trên nông trang ”, ông đã từng đích thân đi cấy ruộng và có nhiều thì giờ
quan sát động tác người nông dân với động tác gieo hạt trong buổi sớm mai khi mặt trời mới ló để ghi độ tối sáng cực kỳ tương phản của cảnh sắc. Ông dùng phương pháp
biểu hiện sơn dầu trên cái lưng trần nổi bắp, nước da nâu xạm nắng của người gieo hạt với bùn non hung đỏ trải rộng ra tận bờ xa. Một ánh sáng lam mờ của vòm trời chưa
sáng hẳn phủ lên cảnh vật, màu then trong veo của bóng đêm êm, lạnh, tương phản với ánh vàng mười sáng chói của vầng thái dương. Cái chất “sơn ta” được mài ra mịn,
mượt có hiệu quả lắng sâu và còn lộng lẫy, phong phú hơn sơn dầu về màu sắc diễn tả.
Nguyễn Du đi săn – 1973
(80x120cm)
Nguyễn Văn Tỵ (1917-1992)
V ới các bức tranh “Hình ảnh truyền thống một ngôi nhà thôn trang ”(1958 –
68×101) và “Phong cảnh Tây Nguyên ” (1991-150x240cm). Ông là một họa sĩ sơn mài nổi tiếng, có xưởng sơn mài khi mới ngoài 20 tuổi.
Ông đã cố gắng làm giàu cho sơn mài bằng cách gắn vỏ trứng, khảm trai, đá quý và có khi để thêm chất, ông còn sử dụng cả vải sợi dán vào các cánh buồm như trong
bức tranh “Cát Bà ”. Trong bức tranh “Ra đảo ”, ông đã dùng bột màu lam-phổ pha với cánh dán và một ít than để tả ban đêm. Nhưng do màu lam-phổ
tối ông đã làm cho sơn mất đi độ trong suốt vì pha trộn với bột lam-phổ: được sắc xanh mà mất chất trong nên ít gây được cảm giác nước biển .
Hình ảnh truyền thống một
ngôi nhà thôn trang -1958 (68 x101)
Phong cảnh Tây Nguyên
– 1991 (150x240cm)
Nguyễn Văn Bình hay Văn Bình (1917-)
V ới tác phẩm “Vịnh Hạ Long ” (1955 – 90x120cm) và “Nông thôn Hải Hưng ”
(1991 – 90x120cm), đã dùng toàn mầu đỏ son sơn mài để diễn tả nước biển trong “Vịnh Hạ Long ” mà vẫn cho người xem cái cảm giác long lanh
sâu thẳm của nước biển. Tác phẩm đặc biệt ở chỗ tác giả đã dùng màu đỏ để diễn tả nước biển xanh. Mặc dù đây là một nghịch lý nhưng vẫn có thể chấp nhận được bởi người ta
cảm thấy nước ở CHẤT (trong) hơn là MÀU (xanh mà đục). Ở sơn mài, cái CHẤT nói nhiều hơn cái MÀU ở sơn dầu.
Vịnh Hạ Long – 1955
(90×120)
Nông thôn Hải Hưng – 1991
(90×120)
Trần Đình Thọ (1919-)
T ốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật khóa 13 (1039-1944). Ông vẽ đủ loại. Ông là bực thày về sơn mài. Ông chuyên vẽ tre
và chuối . Cũng như Văn Bình, ông dùng màu đỏ son để vẽ nước xanh và trời xanh tức là dùng CHẤT để diễn tả MÀU.
Tre – 1957
(51x43cm)
Phan Kế An (1923-)
V ới tác phẩm “Nhớ một chiều Tây Bắc ” đã thành công đưa màu xanh bột đá vào sơn mài làm đậm chắc cái sườn núi sừng sững ở tiền diện, làm nhạt dần các dãy núi xa xa phía sau, gây cảnh trùng trùng điệp điệp hùng vĩ của miền sơn cước Việt Nam.
Mai Văn Nam (1921-1986)
N ói đến nghệ thuật sơn mài Việt Nam, ta phải nhắc tới Mai Văn Nam trong suốt 30 năm cho đến cuối đời, ông vẫn say sưa nghiên cứu và
sáng tác tranh sơn mài. “Buổi chiều trong làng ” là một trong số tác phẩm được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao.
Buổi chiều trong làng – 1958
(92x124cm)
Nguyễn Tư Nghiêm (1922-)
V ới các tác phẩm “Con nghé quá thực ” (1957), “Điệu múa
cổ ” và “Ngựa Gióng ”, là một họa sĩ sơn mài độc đáo, say mê với việc nghiên cứu phát triển kỹ thuật và nghệ thuật sơn mài,
ngày đêm lúc nào cũng ngồi trước bức tranh sơn mài. Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở xưởng họa Xuân Áng, Nguyễn Tư Nghiêm cùng với Tô Ngọc Vân (vừa là
thầy dạy, vừa là bạn chiến đấu) đã miệt mài tìm cách đem màu xanh lam vào các bức tranh sơn mài. Trong tác phẩm “Con nghé quá thực ”,
Nguyễn Tư Nghiêm bố cục đám đông người, một bên là bà cụ hớn hở, một bên là chị phụ nữ tươi cười, vây quanh là đám trẻ con, đứa cõng em, đứa cầm sách, đứa bé có chị
đi kèm bước lẫm chẫm đến chỗ con nghé đương ngơ ngác run rẩy và… xa xa là đôi nam nữ đứng dưới lùm cây. Vườn tược cành lá sum suê phía sau cùng với các bụi chuối
trước mặt mang các ánh xanh hòa với màu son chín nục của các sân đất tạo nên một niềm hân hoan lặng lẽ thấm thía mà chỉ có màu sắc sơn mài sâu lắng mới thể hiện được.
Đó là một tác phẩm sơn mài hiện thực bậc nhất của Nguyễn Tư Nghiêm, đã đánh dấu một thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật sơn mài cổ điển Việt Nam. Mùa thu 1944, trường
Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tổ chức một cuộc triển lãm long trọng các sáng tác của sinh viên tại nhà thông tin phố Tràng Tiền, Hà Nội. Đích thân các ông
Inguimberty và Tô Ngọc Vân đến trực tiếp trông nom. Cái đinh của triển lãm này là bức tranh sơn khắc “Đánh cờ dưới bóng tre ” của Nguyễn
Tư Nghiêm chiếm cả một bức tường lớn, một vị trí danh dự nhất. Lần đầu tiên người ta thấy ông “I” cởi mở, tươi cười, thỉnh thoảng lại huýt sáo, vỗ tay và kêu lên khe
khẽ “Bravo! Bravo!” (hoan hô! hoan hô!).
Điệu múa
cổ
Lê Quốc Lộc (1918-1987)
V ới tác phẩm “Hoàng hôn ” (1961–72x 122 cm), đã biểu hiện được cái mơ màng sâu thẳm của sơn mài trong ánh
sáng huyền ảo một buổi chiều vàng với ruộng đồng, sông nước, những con thuyền, những bụi tre, bụi chuối, xa xa mây trắng cắt ngang đỉnh núi, mây hồng dừng lại sau
đèo.
Hoàng hôn – 1961
(72×122)
Huỳnh Văn Gấm (1922-1987)
V ới tác phẩm “
Cô Liên “, là một họa sĩ sơn mài có cái may mắn được cả cái xưởng sản xuất tranh sơn mài của nhà xuất bản Mỹ Thuật làm cơ sở thực nghiệm (họa sĩ sơn mài phải thành thạo kỹ thuật như một thợ sơn trước khi sáng tác một tác phẩm sơn mài) và đã thành công trong việc mang được KHỐI NỔI vào tranh sơn mài. Ông đã đưa tranh sơn mài từ vị trí TRANG TRÍ phẳng lên thành một bức tranh nghệ thuật sinh động biểu hiện ba chiều. Để chuẩn bị làm một bức sơn mài, Huỳnh Văn Gấm phải thửa riêng một tấm “vóc chay”- gia công kỹ, thí thêm mấy lớp sơn chín và rất nhiều vật liệu:
4 thứ son: son trai, son tươi, son thắm, son nhì chế từ chu sa, thần sa và ngân châu.
Vàng quỳ: thứ đỏ, thứ xanh, bạc quỳ, bạc rối dát từ vàng ròng, bạc ròng.
Vỏ trứng gà, trứng vịt, vỏ trai.
Bát cánh dán trong như hổ phách, đánh chín kỹ từ loại sơn “giọi nhất” Phú Thọ. Bát sơn đen lánh, mượt nổi tiếng mua từ Đình Bảng.
Miếng đá màu mịn cát – Mẩu than xoan xốp và mềm.
Một bộ đủ đồ nghề của thợ sơn: thép tóc, dao trổ, bút tỉa, mo sừng, bay sương, ván lót…
Trước khi viết về các họa sĩ sơn mài của thời nay, tôi xin đảo qua các tác giả thời xưa với các tác phẩm SƠN KHẮC (Coromandel). Xin mời quý độc giả đọc một đoạn viết trong Báo Ảnh Việt Nam số tháng 10/85 về “SƠN MÀI, SƠN KHẮC” để có khái niệm phân biệt giữa SƠN KHẮC với SƠN MÀI.
"Đối với họa sĩ sơn mài thì tờ giấy của họ là một tấm vóc – Tấm vóc là một miếng gỗ dày quét đến 8,10 lần nước sơn (sơn sống và sơn chín). Sau mỗi lớp sơn lại phải mài nhẵn và sửa cho mặt nền sơn được phẳng phiu, vuông tròn sắc cạnh. Gỗ làm vóc phải thật khô lâu năm. Dán lên gỗ một lớp vải màn gọi là đánh vải rồi phải có một lớp sơn bóng gọi là sơn trát bó để tránh cho gỗ bị nứt nẻ về sau. Mài Bó bằng đá bột, gạch non, đá ráp… sau đó phải quét thêm một nước sơn rồi mài bằng đá gan gà. Mài tốt rồi đánh bóng bằng bông non, bột than, tóc rối…
Màu sắc cổ truyền thì có đen, đỏ, vàng, bạc, sơn cánh dán pha son tươi sẽ cho màu đỏ, sơn cánh dán pha bột trắng titan sẽ cho màu ngà.
Cách gắn vỏ
trứng gà, trứng vịt thì phải rửa sạch, bóc vỏ lớp mỏng phía trong đi. Kinh nghiệm cho biết, trứng vịt đã nở con thì rất thuận tiện, vỏ bám ngay vào mặt sơn (sơn phải hoà với vôi vừa độ thì vỏ trứng sẽ bám chắc). Khi gắn phải dùng dao khắc sâu vào tấm vóc hình vẽ của mảng đó. Cuối cùng phải toát một lớp sơn cánh dán để bảo quản mặt tranh và đánh bóng bằng bột trắng titan, bột đất, bột lộc giác…)
SƠN KHẮC cũng lấy vóc làm nền phủ nhiều lớp sơn và đánh bóng như sơn mài, nhưng đơn giản hơn sơn mài. Dùng dao khắc lõm xuống nền vóc những hình đã vẽ, rồi tô màu lên những chỗ lõm đó bằng bột mầu hay sơn dầu"
Sơn khắc là một nghệ thuật đã có từ hàng nghìn năm nay, nó xuất hiện đầu tiên ở Trung Hoa. Người Phương Tây gọi nó là Laque du Coromandel – tên một bờ bể Ấn Độ nơi họ mua những tấm bình phong sơn khắc của Trung Hoa bày bán tại đó. Việt Nam có một số họa sĩ sơn khắc như:
Công Văn Trung (1907-2003)
V ẽ bức tranh sơn khắc “Phong cảnh Sài Sơn ” tức Chùa Thày (90x140cm) vào năm 1990 khi ông đã 83 tuổi.
Phong cảnh Sài Sơn
– 1990 (90x140cm) Sơn khắc
Nguyễn Thị Kim (
1917- )
V ới tranh sơn khắc “Chùa trong cung Luông Prabang” (bên Lào).
Huỳnh Văn Thuận (1921-)
V ới bức “
Thôn Vịnh Mốc ”
Khi vẽ “Thôn Vịnh Mốc ”, ông về ở hẳn địa phương này
đúng nửa năm trời. Đây là một địa danh rất nổi tiếng trong chiến tranh chống Mỹ với những địa đạo bên bờ phía Bắc sông Bến Hải. Ông chỉ chuyên về sơn khắc.
Thái Hà (1925-)
V ới bức sơn khắc “Rừng đước U Minh”.
Qua các họa sĩ Việt Nam, tranh sơn khắc đã hoàn toàn khác hẳn về nội dung cũng như về phong cách nghệ thuật của tranh sơn khắc Coromandel cổ Trung Hoa.
Bên cạnh sơn khắc ta phải kể tới điêu khắc gia Phạm Gia Giang (1912) với tác phẩm “Hạnh Phúc ”, một phù điêu sơn đắp (bas relief
laqué -1939-54x75cm). Ông đã tạo nên nhiều phù điêu sơn đắp và là tác giả của tượng đài Hoàng Đế Quang Trung tại Nghĩa Bình.
Trước khi kết thúc phần các tác giả sơn mài bậc tiền bối, ta phải kể thêm họa sĩ Nguyễn Sáng (1923-1988) là một bậc thầy của Sơn mài Việt Nam và họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung cũng có nhiều tác phẩm sơn mài tuy không chuyên về sơn mài. Người viết bài này không có trong tay những tác phẩm của hai vị phù hợp với nội dung bài viết.
Nghệ Thuật Sơn Mài Việt Nam khởi sinh từ những năm trong thập niên 30 đến nay đã 70, 80 năm – Vì là một bộ môn nghệ thuật tạo hình đặc biệt Việt Nam rất ăn khách nên đã có biết bao nhiêu tác giả với biết bao nhiêu tác phẩm đủ mọi xu hướng. Vì giới hạn của bài viết nên chỉ xin nêu ra vài ba tác giả coi như tiêu biểu cho ngành Nghệ Thuật Sơn Mài hiện đại:
Nghiêu Đề (1939-)
Đ ã sáng tác một số tranh sơn mài khá đẹp đầu thập niên 80. Hai bức sơn mài minh họa trong bài viết này vẫn tiếp tục cái không khí cố
hữu của tác giả, chủ yếu là xanh xám, lạnh và buồn tuy đã có những mảng đỏ, vàng, xanh dương, xanh lục pha trộn đây đó trên toàn bộ tấm tranh như để quân bình giữa
nổi buồn xưa với niềm vui mới reo vang đôi chút khi thực hiện tại xưởng vẽ của họa sĩ Hồ Hữu Thủ để chuẩn bị mang sang Mỹ với hành trang di dân.
Tranh sơn mài của Nghiêu Đề có tính siêu thực với các gam màu phong phú (kể cả xanh dương, xanh lục, …) đã bước ra khỏi cái không khí cổ kính của tranh
sơn mài cổ điển. Để bên cạnh các bức tranh sơn dầu của tác giả, ta không phân biệt được cái nào là sơn dầu, cái nào là sơn mài nếu chỉ nhìn qua ảnh chụp.
Nghiêu Đề 1982
Nghiêu Đề
1986
Đằng Giao (1939-)
L à một trường hợp hi hữu trong các họa sĩ sơn mài. Ông không tốt nghiệp tại một trường mỹ thuật nào cả, hoàn toàn tự học. Vì làm tổng thư
ký báo Sống cho Chu Tử (sau này thành nhạc phụ) ông bị đi tù cải tạo 8 năm cùng với hơn 100 nghệ sĩ khác của miền Nam. Ở tù về năm 1983, ông mon men tìm cách đến
học sơn mài với Nguyễn Gia Trí. Chỉ học “chay” thôi nghĩa là chỉ học lý thuyết vì không có tiền mua sắm dụng cụ. Ngoài ra còn phải giúp vợ (là Chu Vị Thủy con gái
Chu Tử) chạy ngược xuôi kiếm sống. Tuy cụ Trí hết sức chỉ bảo nhưng ông không dám nhận là môn sinh của Nguyễn Gia Trí vì cụ không hề nhận ai làm học trò cả. Cụ thường
khuyên ông phải tìm ra cái mới, phải dùng đầu óc sáng tạo của mình để tạo nên những nét đặc thù cho mình. Cụ Trí đã từng nói với ông:
“Chừng nào vẽ được một bức
tranh, người ta khỏi phải nhìn mình, nhìn chữ ký của mình mà vẫn biết là tranh của mình. Thế là mình thành công”.
Qua sự truyền đạt các kinh nghiệm của cụ Trí, Đằng Giao đã tự tìm cho mình một kỹ thuật riêng: phủ lên vóc (tấm gỗ phẳng) 18 lớp sơn, chờ 2 tuần lễ cho khô
rồi dùng một loại giấy nhám thật nhuyễn để đánh cho đều và dùng tay chà cho bóng. Sau đó mới vẽ lên tấm gỗ sơn bóng nầy và cuối cùng phủ lên một lớp sơn trong. Ông
phải tự trộn các bột màu với nhau để tạo màu rồi tự đánh bột vào với dầu để thành sơn vẽ. Ông cho biết đây là kỹ thuật riêng của ông, khác với Tàu, Nhật nhất là sự
đa dạng của màu sắc và gam đỏ tím thì còn đi xa hơn cụ Trí. Chất “Đằng Giao” đã hiện rõ nét qua:
– tranh phong cảnh đem đến các hình ảnh quen thuộc của quê hương trong các bức “Nhà ven sông”, “Ngã ba ông Tạ ”.
– tranh thiếu nữ mảnh mai, duyên dáng như trong “Áo lụa Hà Đông”, “Gánh hàng hoa”, “Hoa cúc dại”, “Sen Hạ”.
– tranh thiếu nữ thướt tha bay lượn như trong “Mong manh ”.
Nhìn vào, biết ngay tranh của Đằng Giao.
Tranh sơn mài Đằng Giao đã thu hút được nhiều khách ngoại quốc, đặc biệt ở Singapore. Năm 2003 trong lần triển lãm tại Quận Cam, Hoa Kỳ, dược sĩ Hoàng Trọng
Tuệ đã mua bức sơn mài “Lễ Hội đầu năm” (1x1m) với giá 11,000 đô la. Năm 2007, Đằng Giao lại mang hơn 100 bức sơn mài sang Hoa Kỳ (Houston,
Orange County…) trong đó có bức sơn mài “Xuân bất tận ” (2x3m) treo giá 25 ngàn đô la. Đây là tác phẩm sơn mài to nhất của Đằng Giao. Dù nói gì
đi chăng nữa, bức “Xuân bất tận ” của Đằng Giao thật sự phảng phất hình bóng bức “Vườn xuân ” hay bức “Vườn xuân Trung Nam
Bắc ”, hai kiệt tác sơn mài của Nguyễn Gia Trí. “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” thầy trò giống nhau có sao đâu. Tranh sơn mài của Đằng
Giao vẫn giữ được cái cốt cách sơn mài Nguyễn Gia Trí và hồn Việt Nam.
“Xuân bất tận” – 2007 (2 x 3m)
(Từ trái: Bùi Duy Tâm, Đằng Giao, Trần Bá Hợi, Trần Dạ Từ)
Ngã ba ông Tạ Nhà ven sông
Sen hạ
Áo lụa Hà Đông
Gánh hàng hoa Hoa cúc dại
Mong
manh
Bùi Hữu Hùng (1957-)
T ốt nghiệp tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, có xưởng sơn mài tại Hà Nội (Nhà Sàn studio), có nhiều cuộc triển lãm tranh sơn mài của
riêng ông tại Việt Nam và nước ngoài từ năm 1995. Tại đại sảnh khách sạn Park Hyatt Saigon đêm hôm 4/11/2008, hơn 400 nhà sưu tập trong và ngoài nước đã được mời
đến xem tranh sơn mài Bùi Hữu Hùng. Với 30 tác phẩm sơn mài trên gỗ và đặc biệt là
trên vải hầu hết là khổ lớn, Bùi Hữu Hùng đã vẽ cuộc sống hoàng
cung và các thiếu nữ xưa trong trang phục cung đình, áo tứ thân, áo dài, áo yếm … Chất liệu sơn mài với sơn son thiếp vàng truyền thống đầy ấn tượng đã tạo cho
phòng tranh vẻ rực rỡ sang trọng. Chỉ trong một vài giờ, 14 tác phẩm đã được các nhà sưu tập ghi tên mua. Tác phẩm “
Quyền lực ” bán được giá cao
nhất là 7.500 đô la.
Họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định:
“Bùi Hữu Hùng đã phá bỏ hoàn toàn quan niệm cho rằng: chất liệu nào ngôn ngữ đó khi ông quyết định diễn tả các nhân vật và đồ vật trong tranh
của mình bằng lối diễn tả sáng tối của hội họa châu Âu. Điều đó là rất khó trong sơn mài. Một số họa sĩ trước ông đã làm nhưng không triệt để. Với Bùi Hữu Hùng thái
độ “chấp” chất liệu không còn nữa. Điều đó càng được khẳng định khi ta thấy rằng một số tranh của ông không vẽ trên vóc (gỗ) mà vẽ
trên vải … Hiện đại hay truyền thống, cũ hay mới không chỉ là chất liệu hoặc motif. Cái mà Hùng làm được là cách nhìn mới về những
cái cũ ”
Thiền (sơn mài trên gỗ)
122x122cm
Cô đơn (sơn mài trên gỗ)
122x122cm
Đêm tân hôn (sơn mài trên gỗ)
122x122cm
Cô Mận (sơn mài trên vải)
135x155cm
Thành Chương (1949-)
L à một họa sĩ sơn mài giàu nhất, bị ghét nhiều nhất, đa phần tác phẩm chỉ là tranh tự họa bên cạnh con trâu (đôi khi với vài ba đứa trẻ)
và Biệt Phủ hay VIỆT PHỦ THÀNH CHƯƠNG với hàng kho đồ cổ. Vài dòng trên đã vẽ trọn chân dung của Thành Chương.
Nghe nhiều người nói xấu và ghét Thành Chương nhưng khi gặp và nói chuyện trực tiếp với vợ chồng ông thì tôi thấy ông rất chân thành khiêm tốn. Tôi hỏi “chắc
anh có cả trăm triệu đô la”, thì ông mỉm cười thành thật khai: “Dạ, chỉ có dăm ba triệu thôi”. Chỉ vẽ độc cái mặt ông ta với một con trâu mà có cả dăm ba (5+3= 8)
triệu đô la với cái Biệt Phủ 10 ngàn mét vuông chứa cả kho đồ cổ. Trong lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam họa chăng chỉ có một Thành Chương là không tiền và có thể
còn là khoáng hậu. Thiên hạ cả Tây lẫn Ta không phải ngô nghê ngờ nghệch gì mà bỏ tiền ra mua tranh Thành Chương. Tôi đặt ông làm cho một bức sơn mài thật đặc
biệt, mất hai tháng chờ đợi rồi chuyển từ Hà nội vuợt đại dương qua Mỹ. Khi mở ra lại thấy mặt ông ta với cặp mắt kiếng kiểu John Lenon và con trâu. Điều đó đã kích
thích sự tò mò muốn tìm hiểu con người của Thành Chương (T. C).
Tự họa
Tự họa (tranh đặt)
Tình bạn
Ngắm trăng
Tự họa
Dưới
trăng
Hồi 7 tuổi T.C thấy con gà cồ Hồ Đông Tác của nhà hàng xóm, lấy bút ra vẽ nguệch ngoạc. Ông bố là nhà văn Kim Lân (thích sưu tầm cổ vật) thấy đẹp đem đi dự
thi, được giải thưởng. Từ đó T.C tiếp tục tự vẽ càng ngày càng tỏ ra có năng khiếu đặc biệt là nảy ra ý định đổi tranh lấy đồ cổ. Cái di truyền mê đồ cổ và kế hoạch
kiếm tiền để mua đồ cổ đã có từ thuở còn niên thiếu.
Chữ “RIÊNG”, chữ “DUY NHẤT” là phương châm “Sống” và “Nghệ Thuật” của T.C. Ông nói: “Tranh của tôi không thể hao hao giống ai đó được ”Nghệ thuật là cái
RIÊNG, phải tạo dựng cho mình một diện mạo riêng, không chấp nhận những bóng hình nhân ảnh mờ ảo”. Có thể là cái “không giống ai” của T.C làm nhiều người không ưa.
T.C bị ghét từ hồi còn nhỏ: ở trường, ở nhà. Ông bố Kim Lân cũng chê trách cậu cho tới khi có người bạn đến giảng giải cho ông cụ cái thiện chí của cậu con muốn tạo
dựng một công trình văn hóa truyền thống đượm hồn quê hương dân tộc. Lúc đó ông cụ mới tới xem hư thực ra sao và hoàn toàn bị thuyết phục. Còn khuyên đổi tên BIỆT
PHỦ (nơi có nhiều cái đặc biệt) thành VIỆT PHỦ THÀNH CHƯƠNG (một phủ ấp truyền thống Việt Nam).
Có nhiều người hỏi: “Ông cho là ông đẹp lắm sao và ông yêu ông lắm sao mà cứ vẽ cái mặt của ông hoài” . T.C nhẹ nhàng lễ phép trả lời: “Mỗi họa sĩ có
bút pháp riêng, có tư duy riêng để diễn tả nghệ thuật của mình. Ông Tô Ngọc Vân thích vẽ “Thiếu nữ bên hoa huệ ”, ông Nguyễn Gia Trí thích vẽ
“Vườn xuân ”, thì tôi thích vẽ cái mặt tôi. Vẽ mặt người khác mình phải ngoại giao vẽ đẹp hơn thật một chút. Còn vẽ cái mặt tôi thì vẽ thế
nào cũng được, vẽ theo dòng xúc cảm của mình hay dở mình chịu. Vả lại mình hiểu mình hơn ai hết nên nhà văn viết về mình, họa sĩ vẽ mình là chân
thật nhất. Trong 3 cứu cánh của nhân loại: CHÂN-THIỆN-MỸ thì cái chân thật đứng trước hết.
T.C kể lại câu chuyện có một ông khách đến mua luôn một lúc 10 bức tranh sơn mài tự họa với những phong thái khác nhau của T.C. Lấy làm lạ, T.C hỏi nguyên cớ
thì ông khách trả lời: “Tôi mua về cho vợ tôi xem để hiểu con người của tôi hơn” . Thế mới biết T.C vẽ T.C tức là vẽ mọi người (thì người ta mới bỏ tiền ra mua
chứ) như Trịnh Công Sơn đã hát: “…nhớ một người để nhớ mọi người ” trong bài Mùa thu Hà Nội.
T.C tuổi Tý, không phải tuổi Sửu (con trâu). T.C vẽ TRÂU cũng như Trương Hán Minh vẽ GÀ hay Lê Bá Đảng vẽ NGỰA thôi.
T.C có vẽ phong cảnh, tĩnh vật, khỏa thân thậm chí cả tình dục nữa nhưng mới là thử nghiệm nên ít ai biết. Gần đây nhiều người ngạc nhiên và chê trách khi
thấy T.C vẽ quảng cáo cho xe vespa, T.C thản nhiên nói: “Tôi thích vẽ thì tôi vẽ, hãng sản xuất vespa chưa từng dám có ý đề cập việc đó. Tôi vẽ vì thích đi
vespa và quan tâm tới sự chuyển động. Tôi cầm cọ theo đòi hỏi của bản năng và dòng xúc cảm và khi đó nghệ thuật không có tính toán”.
PICASSO là thần tượng của T.C. Chỉ cần nhìn nét vẽ, cách phối màu phảng phất vẻ lập thể là nhận ra ngay tranh của T.C.
Có người thắc mắc: “Tại sao các bức tranh tự họa chân dung của T.C luôn luôn rầu rĩ u sầu thế?” . Ông ta cười to và xin kể lại câu chuyện sau:
“Gallery mua của tôi 1 bức tự họa, khách mua lại của Gallery, khách trả lại Gallery, Gallery trả lại tôi”. Cứ như thế xảy ra cho 4, 5 Gallery liền làm tôi phải
mở to mắt ra xem bức tranh đó có tật nguyền gì không, thì mới tìm ra nhẽ: khi tôi vẽ bức tranh đó có một niềm hân hoan nào len vào làm cho bộ mặt tôi tự mãn, tươi
vui lên, vênh váo lên. À ra thế, người ta chỉ yêu cái U SẦU thôi. Trong nghệ thuật cái tồn tại vĩnh viễn là NỖI BUỒN … ĐẸP” .Trong đời thật
của TC, sự CÔ ĐƠN là điều cố hữu. Đối với ông: “ai ai cũng là người khác” .
Liên Hiệp Quốc chọn tranh của Thành Chương làm biểu tượng cho năm 2000 và in thành tem. Đó là một vinh dự lớn cho Thành Chương và cho nền Văn hóa Mỹ thuật
VN.
Kết luận về T.C. ta có thể nói: “Thành Chương biết xử dụng Sơn Mài VN để làm giàu và nổi tiếng. Ai không thích ông hoặc tranh của ông… không quan trọng.
VIỆT PHỦ THÀNH CHƯƠNG đã thật sự là một viện bảo tàng lộ thiên cho văn hóa dân tộc, xứng đáng là một bảo vật cho Tổ quốc Việt Nam, một đóng góp tuyệt vời của người
nghệ sĩ chỉ có 2 bàn tay trắng với 1 cái cọ và 1 tấm lòng.
Đinh Quân (1964-)
S inh năm 1964 tại Hải Phòng, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội năm 1990. Sau vài lần triển lãm đã nổi tiếng là 1 họa sĩ sơn mài
có biệt tài.
Ngày 19/6/2001 tại khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội, đã khai mạc cuộc triển lãm của Đinh Quân. Toàn bộ tranh trưng bày đều là Sơn Mài. Tranh của Đinh
Quân với đề tài “Giai điệu quê hương ” đã đem lại cảm giác bình yên, hoài niệm tuổi thơ, ước mơ hạnh phúc, với các nhân vật thiếu nữ có gương mặt thánh thiện
dịu dàng bằng màu sắc tươi sáng: những sắc đỏ, vàng, nâu sậm, trắng đã kết hợp nhuần nhị để thể hiện người phụ nữ nửa thơ ngây, nửa tràn đầy nữ tính. Tranh sơn mài của
Đinh Quân đã đạt tới những chuẩn mực của chất liệu, tạo được phong cảnh sơn mài độc đáo, không trộn lẫn. Những nhân vật phụ nữ trong tranh đã thoát khỏi thế giới hiện
thực để sống trong không gian hư ảo trừu tượng siêu thực.
Đây là chân dung của Đinh Quân và giới khác của Đinh Quân:
Giấc Mơ
Tiên
Chải tóc
Lá rơi
Tình yêu
Mơ mộng
Nude
Thổi sáo
Tự họa
Vũ công
Đầu tháng 3/2009, triển lãm hoành tráng đề tài “Hát trên bãi cỏ xanh ” của họa sĩ Đinh Quân làm choáng ngợp người xem với gần 20
bức tranh sơn mài khổ lớn (1,80x 4,5m) và cũng chừng ấy tượng đầu người, cao gần 1,5m bằng chất liệu composite trong khuôn viên viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam.
Nhưng lần này khác hẳn với lần trước, những tác phẩm của ông là những khuôn mặt méo mó, vặn vẹo, mắt, mũi, miệng mở to ra như gào thét vừa ngạc nhiên vừa tức giận.
Những tác phẩm sơn mài này mang ngôn ngữ trực cảm, kết hợp với các tượng hai mầu trắng đỏ đặt trên thảm cỏ xanh của viện bảo tàng đem lại một cảm giác mãnh liệt dữ
dội đến choáng ngợp.
Một khán giả kể lại: “Cuộc triển lãm này là kết hợp giữa hội họa, video art, sắp đặt với âm thanh, ánh sáng hoành tráng cho đến những tranh sơn mài công
nghiệp rất “khủng bố” về mặt kích thước lẫn hình thức. Người đến dự rất thích thú được thưởng thức một bộ phim ngắn sấm sét nổ đùng đùng dội xuống những tượng sơn đỏ
chót mồm há hốc cháy ngùn ngụt (như đang tự thiêu) tung tóe trên bãi cát sông Hồng.
Thật không hổ danh là một nghệ sĩ thành đạt của Việt Nam trong thời buổi kinh tế toàn cầu suy thoái mà vẫn chịu chơi hết mình.
Bên cốc bia trong tiệc nhẹ cuối cuộc triển lãm mà họa sĩ khao người đến dự, một người đi xem tâm sự: “Triển lãm này của ông Đinh Quân báo trước cái thảm họa sắp
sảy ra khi khai thác bô xít ở Tây Nguyên”.
Ông Phan Cẩm Thượng viết một bài dài tới trên 1000 chữ, sau một hồi vong vo rào trước đón sau đã phải thốt lên: “… có sự nản lòng không thể tưởng tượng được
nằm bên trong của tiếng gào” .
Nhà phê bình mỹ thuật rất uy tín Trần Thức, gần 80 tuổi, đã hào hứng viết: “Đây là một tâm hồn lớn, một công trình lớn, sức lao động tư duy sáng tạo thuộc
loại đáng kính nể và đáng gờm mà ít đồng nghiệp cùng trang lứa hay trước ông (Đinh Quân) đâu dễ có được… nhằm lý giải những sự thật của thiên nhiên và xã
hội” .
Hiện tượng thiên nhiên là gì? Môi trường bị tàn phá? Còn hiện tượng xã hội là gì? Một xã hội quá bức bối khiến người ta phải há hốc mồm ra gào thét?
Họa sĩ Davis Thomas, giám đốc Trung tâm Mỹ thuật Châu Á ở Boston phát biểu: “những tác phẩm thấu hiểu nỗi đau nhân quần như thế chỉ có thể được sáng tạo bởi
một họa sĩ tài năng và đầy tính nhân văn” .
Để có sự thành công như vậy ngoài kỹ thuật tạo hình,Đinh Quân đã khéo léo xử lý chất liệu, làm cho sơn mài tưởng như khô cứng trở nên cởi mở hơn thậm chí ưu
việt hơn các chất liệu khác trong ứng dụng mỹ thuật đương đại.
“Hát trên bãi cỏ xanh” là kết quả của sự hoài thai nhiều năm trong tâm trí và 3 năm lao động cật lực của Đinh Quân.
Một độc giả ở Hà Nội ký tên Xuân Thanh cho rằng cái lối vẽ mồm oác ra kêu gào là phỏng theo lối vẽ của một tác giả Trung Quốc tên là Fan Lijun - ông ta viết:
“Đinh Quân đang thể hiện nỗi lo âu của cả xã hội đang đứng trước bức xúc về vấn đề khai thác Ba uxit Tây Nguyên, trước hiểm họa về môi trường, nạn
bùn đỏ, về nguy cơ người Trung Quốc ngày một đông… như thế, người họa sĩ đã thể hiện được trách nhiệm của người nghệ sĩ trước các vấn đề xã hội, lại dùng hình thức của
họa sĩ Trung Quốc (Fan Lijun) để nói về nguy cơ Trung Quốc thì quả là cao kiến. Xin bái phục. Vậy học tập cụ Bút Tre, cũng xin có thơ rằng:
Tiến lên
là tiến đi đâu
Tiến lên là quyết đi đầu chứ sao
Đi đầu rồi biết đi đâu
Đi đầu để lại giống Tàu chứ sao!
Hảo lớ
Mỹ thuật Việt Nam đương
đại – Hảo lớ!
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – Hảo lớ!
Hội Mỹ thuật Việt Nam – Hảo lớ!
Nguyễn Đình Chính viết: “Có người đi xem đã kêu lên rằng những nhân vật méo mó, ngoác mồm gào thét trong tranh và tượng của Đinh Quân đúng là một đám
đông có tâm trạng bầy đàn, kêu đòi cái gì đó (cơm ăn, nước uống, nhân quyền hay chỉ là không khí sạch để thở hít). Chẳng có chút gì là “Hát trên cánh
đồng xanh ” cả. Vậy thì ông họa sĩ này nên đặt lại tên triển lãm là “gào thét trên cánh đồng xám xịt đau khổ ” thì đúng hơn hay ông ta muốn
đi nước đôi vừa chiều lòng nhà nước vừa diễn tả được nỗi bức xúc của quần chúng. Cái tít của ông Đinh Quân đặt cho cuộc triển lãm “Hát trên cách đồng
xanh ” vừa đậm chất thi ca vừa mang tính hài hước” .
KẾT
Quãng đường xây dựng và phát triển Nghệ Thuật Sơn Mài Việt Nam từ Inguimberty, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn đến Đằng Giao, Bùi
Hữu Hùng, Thành Chương, Đinh Quân trải gần 80 năm đầy công phu kiên trì lúc ban đầu và đầy bất ngờ trong quãng thời gian gần đây- Nghệ Thuật Sơn Mài Việt Nam đã
bước ra khỏi lãnh vực trang trí mỹ nghệ để đi vào khu vườn hoa lung linh sâu thẳm của Nguyễn Gia Trí, cánh đồng nhịp điệu của Trần Văn Cẩn,
thướt tha bay bổng của Đằng Giao, hoàng gia vương giả của Bùi Hữu Hùng, Lập Thể của Thành Chương và Siêu Thực của Đinh Quân. Nghệ
Thuât Sơn Mài Việt Nam đã tạo một thế đứng vững chắc trong lâu đài Nghệ Thuật Tạo Hình của nhân loại và đã cất cánh bay đi muôn phương nghệ thuật. Nhưng dù ở đâu,
Sơn Mài Việt Nam luôn là những bức tranh sang trọng nhất, đắt giá nhất so với các bức tranh sơn dầu, phấn màu, màu nước,… cùng một đề tài. Nếu Hát Ca Trù là
tiếng Họa Mi của Thi Ca Việt Nam thì Nghệ Thuật Sơn Mài Việt Nam chính là bậc Vương Giả trong lâu đài Hội Họa của nhân loại.
Viết xong đêm ngày 13/ 7/ 2010
Bùi Duy Tâm
Nguồn:
http://buiduytam.com/nghe-thuat-son-mai-viet-nam-tac-gia-va-tac-pham/ - Tháng Chín 1, 2018
Xem:
NGHỆ THUẬT SƠN MÀI VIỆT NAM – (Lịch Sử, Chất Liệu Và Kỹ Thuật Cơ Bản, Đặc Điểm, Cảm Nghĩ Của Người Ngoại Quốc) -
Bùi Duy Tâm, 3 Tháng Bảy, 2018 .
0 comments: