Thứ Ba, 21 tháng 12, 2021

Họa sĩ Khóa Kháng chiến

Họa sĩ Khóa Kháng chiến

@hoasikhoakhangchien


Họa sĩ Khóa Kháng chiến là tên thường gọi cho các Họa sĩ học trường Mỹ thuật đầu tiên trên chiến khu Việt Bắc do Họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng và trực tiếp giảng dạy. Khóa học trong 4 năm (1950-1954) gồm 22 học viên trong đó có 3 nữ, 19 nam. Học viên nhiều tuổi nhất khi đó là Trần Dư sinh năm 1917, ít tuổi nhất là Ngô Mạnh Lân sinh năm 1934.
Sau đây là danh sách 22 họa sĩ trong Khóa Kháng chiến (1950-1954):
1. Ngô Minh Cầu (1927-2009)
2. Linh Chi (Nguyễn Tài Lương) (1921-2016)
3. Nguyễn Thị Thu Dung (1925-1967)
4. Trần Dư (Trần Dư Tá) (1917-1968)
5. Ngô Tôn Đệ (1926)
6. Đào Đức (1928-2007)
7. Đặng Đức (1932-1995)
8. Trần Lưu Hậu (1928)
9. Lê Huy Hòa (1932-1997)
10. Nguyễn Trọng Kiệm (1933-1991)
11. Lê Lam (Vũ Quốc Ái) (1931)
12. Ngô Mạnh Lân (1934)
13. Ngọc Linh (Vi Văn Bích) (1930)
14. Mai Long (1930)
15. Lê Nguyên Lợi (1929-2010)
16. Trân Đông Lương (1925-1993)
17. Lưu Công Nhân (1931-2007)
18. Trần Thị Thục Phi (1933)
19. Trịnh Bá Phòng (1922)
20. Trịnh Thiệp (Trịnh Mạnh) (1925-2003)
21. Trịnh Kim Vinh (1932)
22. Nguyễn Thế Vị (1927-2013)



Nguồn: FB Sách Mỹ Thuật - Hoạ Sỹ Khoá Kháng Chiến 1950-1954 - 2 tháng 11, 2018


Ảnh chụp từ sổ tay của HS Nguyễn Thế Vỵ


Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân sinh ngày 15/ 12/1906 tại Phố Hàng Quạt, Hà Nội, quê quán tại làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, Hưng Yên. Ông có một số bút danh như : Tô Tử, TNV, Ái Mỹ.
Ông chọn chất liệu sơn dầu làm chất liệu chủ đạo trong sự nghiệp sáng tác của mình.
Những tác phẩm tiêu biểu như: Thiếu nữ bên hoa huệ, Hai thiếu nữ và em bé....
Ông mất ngày 17/6/1954 tại Km 41, Ba Khe, bên kia Đèo Lũng Lô, do bom của máy bay Pháp, gần sát chiến trường Điện Biên Phủ. Ông được truy tặng danh hiệu Liệt sĩ và phần mộ hiện an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch.
.......
Người hoạ sĩ, người thầy đáng kính Tô Ngọc Vân còn được khắc hoạ rõ nét hơn thông qua nội dung cuốn sách Hoạ sĩ khoá kháng chiến 1950-1954 của tác giả Đào Mai Trang.

Sách họa sĩ Khóa kháng chiến (1950-1954) tác giả Đào Mai Trang do NXB Mỹ Thuật phát hành năm 2017 đến nay là cuốn sách chuyên khảo giới thiệu đầy đủ nhất về các Họa sĩ Khóa Kháng chiến với nhiều tư liệu, hình ảnh về khóa học và các họa sĩ trong khóa.
Sách dày 300 trang in màu trên giấy couche khổ 21x27 bìa cứng ép nhũ với 255 hình ảnh tư liệu và tác phẩm của người thầy họa sĩ Tô Ngọc Vân và các họa sĩ trong khóa phần lớn chưa được công bố.
Đây là cuốn sách cần thiết và bổ ích cho các nhà sưu tập, những nhà nghiên cứu mỹ thuật và tất cả những bạn đọc quan tâm đến mỹ thuật Việt Nam.

Sách Mỹ Thuật - Họa Sĩ Khoá Kháng Chiến 1950-1954

0 comments:

Ký họa thời chiến của họa sĩ Tô Ngọc Vân

Ký họa thời chiến của họa sĩ Tô Ngọc Vân

Thu Trà

Hà Thành trong kế hoạch "vườn không nhà trống"



(GD&TĐ) - Tiếc rằng họa sĩ Tô Ngọc Vân đã không sống lâu hơn để biến những bức ký họa đó thành các bức tranh hoàn chỉnh. Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng mua 1 tạ sơn dầu, còn ngày trước ông chỉ có cuốn sổ và cây bút nhưng vẫn vẽ nên những tác phẩm có ý nghĩa với dân tộc - Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đã chia sẻ những tâm sự của mình về người họa sĩ mà mình trân trọng kính nể.

Duyên nghiệp với hội họa



Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Tô Ngọc Vân đã được tái hiện trong cuốn sách mà nhà phê bình, họa sĩ Phan Cẩm Thượng đã cẩn trọng nghiên cứu dựa trên bộ sưu tập dầy công của ông Tira Vanictheeramont - một nhà sưu tầm tranh người Thái.

Tô Ngọc Vân sinh năm 1906 mất năm 1954, quê ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Thuở nhỏ, Tô Ngọc Vân là cậu bé nhà nghèo, quá tuổi mới được đến trường học chữ. Rất yêu thích vẽ nên Tô Ngọc Vân bỏ học để đi theo con đường nghệ thuật…



Họa sĩ Tô Ngọc Vân thời trẻ
Năm 1926, ông trúng tuyển vào Trường Mỹ thuật Đông Dương. Những năm học ở đây, Tô Ngọc Vân hăng say tiếp nhận những kiến thức về nghệ thuật tạo hình mới của châu Âu, đặc biệt là lối sử dụng chất liệu sơn dầu.

Năm 1931, Tô Ngọc Vân tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1932, tác phẩm “Bức thư” (tranh lụa) của ông được tặng bằng danh dự của Hội các họa sĩ Pháp và được thưởng Huy chương vàng ở Triển lãm thuộc địa tại Paris. Năm 1935, ông được bổ nhiệm đi dạy vẽ tại Phnom Penh, Campuchia.

Tô Ngọc Vân là họa sỹ rất thành công với chất liệu sơn dầu. Tranh của ông không đơn thuần là sao chép vẻ đẹp thiên nhiên, mà qua đó ông đã gửi gắm nỗi lòng của người nghệ sỹ.

Lâu nay, người ta chủ yếu biết đến ông qua những bức tranh mô tả vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ thị thành như “Thiếu nữ bên hoa huệ” (1943), “Hai thiếu nữ và em bé” (1944), “Thiếu nữ với hoa sen” (1944)...

Nhưng không chỉ có vậy ở những bức ký họa của ông lại tái hiện cả một giai đoạn lịch sử với hiện thực cuộc sống con người. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng chia sẻ: “Đằng sau mỗi bức vẽ của Tô Ngọc Vân không chỉ là nét vẽ, là phong cách nghệ thuật, mà còn là những câu chuyện lịch sử.”

Đặc biệt khi Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã thức tỉnh và lay động tâm hồn người nghệ sĩ. Tô Ngọc Vân đoạn tuyệt với đề tài cũ, bắt đầu một giai đoạn mới trong sự nghiệp sáng tác của mình, mở đầu là bức tranh thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ phủ (1946).

Hiện thực qua từng nét vẽ



Theo các bậc tiền bối kể lại, sinh thời Tô Ngọc Vân thường thuê vài cô người mẫu đi lại tự do trong phòng, ông cứ làm việc của mình, rồi bất chợt bảo một cô dừng lại đúng tư thế đang như vậy và vẽ… Với đề tài về thiếu nữ, Tô Ngọc Vân đã thể hiện với những nét vẽ phác thảo đa chiều ở những hoạt động và dáng vẻ khác nhau.

Đây chính là các góc độ mà người họa sĩ có thể khai thác để hoàn chỉnh cho vô số những tác phẩm của mình. Về điều này họa sĩ Tô Ngọc Vân đã rất có ý thức hình thành nét độc đáo riêng cho phong cách của mình.

Cuộc sống ở vùng nông thôn với những con người hiền hòa chân chất, những lão nông điền, những người phụ nữ lam lũ hiện ra qua những bức phác thảo của ông. Một bà cụ bán hàng nước, những ngôi làng bình dị và cuộc sống thường nhật của người nông dân được tái hiện đơn giản trên giấy trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp thiếu thốn của dân tộc.

Có khi là hình ảnh cả dãy phố hoang tàn của thị xã Phú Thọ hay những ngôi làng vắng vẻ mà người dân đã tiêu thổ để kháng chiến. Chợ Tết cũng được Tô Ngọc Vân thu vào nét vẽ của mình với hình ảnh nét mặt buồn bã của một cái Tết đi chạy tản cư.

Ở góc độ này chúng ta nhìn rõ hơn những người nông dân đi bán cành đào trong đó có cả những người dân tộc Mường. Điều giống nhau trong bức vẽ đó là hiện diện một cái tết đói kém buồn bã… Tất cả cho thấy mỗi bức họa thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến số phận của nhân vật.

Do chiến tranh nên người họa sĩ tài hoa ấy không còn cơ hội tiếp tục thể hiện tài năng hội họa của mình. Song có thể thấy rằng những tác phẩm của ông cùng những bộ sưu tập ký họa sẽ trở thành tài sản quý báu của dân tộc về một nền hội họa mới mẻ trong chặng đường của lịch sử mỹ thuật dân tộc. Và về điều này gia tài của ông chính là bức tranh phản ánh hiện thực xã hội của đất nước trong một giai đoạn mà ông được vinh dự chứng kiến.

Tira Vanictheeramont là một nhà sưu tầm tranh người Thái đã chia sẻ: Chính tranh của Tô Ngọc Vân đã khiến Tira nung nấu ý định sưu tầm tranh Việt Nam.

Ông kể:
"Tôi từng xuất bản cuốn Những tác phẩm quan trọng và vô giá của hội họa Việt Nam hiện đại, trong sách có giới thiệu 3 tác phẩm của Tô Ngọc Vân từ sưu tập của họa sĩ Phan Kế An.

Khi tôi hỏi mua thì ông Phan Kế An trả lời: Đây là những bảo vật quốc gia, không tìm thấy ở bất cứ nơi nào. Từ đó tôi nung nấu ý định sở hữu được bất cứ tác phẩm nào của Tô Ngọc Vân".

Thu Trà


Nguồn: BÁO MỚI - 10/12/13 20:45

0 comments:

Những người của Khóa Tô Ngọc Vân

Những người của Khóa Tô Ngọc Vân

Phạm Công Thành

PHẠM CÔNG THÀNH – Khai hoang. 1962. Sơn dầu. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Các sinh viên Trường Mỹ thuật Việt Nam đang thực tập vẽ ngoài trời tại Quảng Ninh, 1960. Từ trước đến sau: Lê Huy Trấp, Phạm Công Thành (đang vẽ), một người chưa xác định được và Giáo sư hội họa người Nga Kuznetsov.
Những ngày đầu tiên
Xây trường dựng lớp
Về đây tụ họp
Mấy chục chúng ta
Bức tranh đậm đà
Tượng trưng đoàn kết
Mang danh hiệu đẹp
“Khóa Tô Ngọc Vân”
Như lứa cây xuân
Trong vườn mỹ thuật.
Mấy năm học tập
Bao chuyện đáng ghi
Thời gian qua đi
Nhớ tình thân ái
Thì xin giở lại
Những tấm chân dung
Chụp lúc vui chung
Ngày đầu khóa học.
      ***
Đây chị Thanh Ngọc
Bản tính dịu dàng
Ăn nói nhẹ nhàng
Chất người đôn hậu.
Một nàng nhanh nhảu
Tên gọi Sơn Minh
Cô gái vùng Thanh
Đậm đà nhí nhảnh.
Dáng người thanh mảnh
Là chị Giáng Hương
Yêu thích văn chương
Nhà thơ quen thuộc.
Nhiều tập quán tốt
Là bủ Trương Qua.
Chất phác thật  thà
Là anh Quang Nhất.
Vui đùa thân mật
Là tướng Giang Tô.
Mục kỉnh giương to
Là cụ Đạo Khánh.
Vóc người “hanh hảnh”
Là bác Văn Nhân.
Mạnh tay khoẻ chân
Là đô Sỹ Tốt.
Nửa đêm hoảng hốt
Là cậu Nguyễn An.
Ăn nói rõ ràng
Là chàng Quốc Thụ.
Biệt tài múa lụa
Là chú Hồng Châu.
Sức vật nổi trâu
Là tay Mạnh Việt.
Coi vẻ hiểu biết
Là bủ Lưu Yên.
Còn vẻ thiếu niên
Là anh Việt Tuấn
Không rời kính cận
Là cậu Tống Phong.
Lịch sự trẻ trung
Là chàng Lê Thiệp.
Nói năng lễ phép
Là bác Hoàng Quy.
Thủ thỉ thù thì
Là bác Công Luận.
Không hề cáu giận
Là cụ Minh Tiên.
Ăn nói có duyên
Là lão Khánh Phú.
Nhiều no ít đủ
Là bủ Lê Khang,
Dõng dạc đàng hoàng
Là chàng Trọng Cát.
Nói năng hoạt bát
Là bác Thư Công.
Thích làm thơ hùng
Là ông Quang Thọ.
Lời thơ sáng sủa
Là bủ Minh Châu.
Làm thơ rất mau
Là tay Vĩnh Ngộ.
Mặt mày hớn hở
Là chú Đỗ Huề.
Điếu thuốc vân vê
Là gã Lương Quý.
Tài tử dạy khỉ
Là tướng Minh Cao.
Biệt tài ca dao
Là chàng Nguyễn Thụ.
Làu thông kim cổ
Là Phạm Công Thành.
Ảo thuật nổi danh
Là anh An Định.
Hồn nhiên dễ tính
Là cậu Y Nguyên.
Suy nghĩ triền miên
Là cụ Việt Hải.
Tâm hồn sảng khoái
Là lão Anh Thường.
Đàn địch du dương
Là tay Ngọc Thọ.
Ăn ở vừa độ
Là bác Nguyễn Thanh.
Nhà thơ nổi danh
Là mệ Cửu Phúc.
Nói cười đúng lúc
Là cậu Phạm Mười.
Nhạc sĩ yêu đời
Là chàng Tố Mỹ.
Vóc người mảnh dẻ
Là bác Công Thu.
Sáo trúc vi vu
Là anh Nguyên Dị.
Lo vé tập thể
Là bác Nguyễn Yên.
Các cháu thích quen
Là “cụ” Hoàng Thái.
Cư xử dễ dãi
Là bủ Thế Vinh.
Chiến sĩ vệ sinh
Là cậu Phạm Hảo.
Nói năng mạnh bạo
Là lão Tô Duy.
Động tí cười khì
Là chú Trương Hiếu.
Chữ viết thật khéo
Là bác Doãn Tuân.
Thơ có dư âm
Là tay Hữu Chất.
Cao cờ đệ nhất
Là lão Phương Thư.
Đạo mạo trầm tư
Là cụ Kim Đính.
Thản nhiên tươi tỉnh
Bạn Lê Công Thành.
Dáng dấp thanh thanh
Là anh Duy Nghĩa.
Nói năng nhỏ nhẹ
Bủ Cửu Long Giang.
Y phục gọn gàng
Cậu Vũ Đình Thịnh.
Thái độ nghiêm chỉnh
Là bác Hoàng Anh.
Tính nết hiền lành
Là bạn Văn Tấn.
Tâm hồn phấn chấn
Là bác Thế Hùng.
Đi đứng ung dung
Là ông Thế Hải.
Phởn phơ khoan khoái
Là gã Trần Lương.
Vóc người xương xương
Là bủ Quốc Giám.
Phát biểu mạnh dạn
Là chú Lê Thanh.
Cặp mắt tinh nhanh
Là tướng Vĩnh Bảo.
Việc đời thành thạo
Là lão Kiến Minh.
Tuổi trẻ nhiệt tình
Là anh Quang Ngọc.
Bánh chưng ra góc
Là bác Phước Sanh.
Chẳng thể bất bình
Là bạn Nguyễn Thiện.
Ít khi to tiếng
Là cậu Nguyễn Chi.
Dịch giả lành nghề
Là tay Công Thắng.
Tâm tình bằng phẳng
Là bác Trần Kiềm.
Vẻ mặt hiền hiền
Là ông Quang Khải.
Bình chân như vại
Là gã Phạm Liêu.
Tính nết dễ yêu
Là chú Huy Trấp.
Phỏng theo nét mặt
Là cậu Viết Duyên.
Tranh thủ thường xuyên
Là cậu Dương Tuấn.
Nói chuyện hấp dẫn
Là lão Văn Đa.
           ***
Mấy nét dạo qua
Chỉ là mấy nét
Tình ý chân thành
Gọi là ghi nhanh
Vài trang ký họa.


Phạm Công Thành
Hà Nội, tháng 6/1956.


Nguồn: TẠP CHÍ MỸ THUẬT - 16 THÁNG MƯỜI, 2020.

0 comments:

Thứ Hai, 20 tháng 12, 2021

Trường Mỹ thuật Việt Nam Khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957)

Trường Mỹ thuật Việt Nam Khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957)


I. TÓM LƯỢC
Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam khai giảng tại Hà Nội ngày 15 tháng 11 năm 1945, theo Nghị định của Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, ông Vũ Đình Hòe, ký ngày 8 tháng 10 năm 1945, do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng. Trường tuyển sinh được một khóa nhưng hầu như không học được trước nguy cơ bùng nổ chiến tranh, và đã phải đóng cửa khoảng một tháng trước Ngày Toàn quốc kháng chiến (19 tháng 12 năm 1946).
Tại Chiến khu Việt Bắc, theo Nghị định số 489, ký ngày 14 tháng 9 năm 1948, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã được cử đứng ra tổ chức lại Trường Cao đẳng Mỹ thuật. Trường đã chính thức đi vào hoạt động dưới tên gọi Trường Mỹ thuật Trung cấp (kỹ thuật cấp 1) kể từ ngày 1 tháng 8 năm 1950 (theo Nghị định số 605 do Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Văn Huyên ký ngày 28 tháng 12 năm 1950), còn được gọi là Trường Mỹ thuật Việt Nam Khóa Kháng chiến.
Hòa bình lập lại (1954), ở Hà Nội, trong thời gian đầu tiếp tục hoạt động, Trường vẫn mang tên Trường Mỹ thuật Trung cấp (trực thuộc Bộ Tuyên truyền), tuyển được 76 học sinh cho niên khóa 1955-1957, lấy tên là Khóa Tô Ngọc Vân.
Theo Nghị định số 16 VII của Bộ trưởng Bộ Văn hóa (Bộ Tuyên truyền đã đổi tên thành Bộ Văn hóa vào trung tuần tháng 9 năm 1955), ông Hoàng Minh Giám, ký ngày 3 tháng 3 năm 1957, Trường Mỹ thuật Trung cấp đã mở thêm một lớp chuyên nghiệp cho học sinh niên khóa 1955-1957, thời gian học là một năm (niên khóa 1957-1958) “để bổ túc thêm trình độ chuyên môn về hội họa, trang trí và điêu khắc cho các học sinh trung cấp đã tốt nghiệp khóa 1955-1957”, với chỉ tiêu lấy vào là 25 người. Lớp học này có thể được xem như một sự “mở rộng và nối dài” của Khóa Tô Ngọc Vân.
Toàn cảnh Trường Mỹ thuật Hà Nội sau ngày Giải phóng Thủ đô năm 1954.

0 comments:

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

Trường Mỹ thuật Kháng chiến qua một số trang nhật ký của Linh Chi

Trường Mỹ thuật Kháng chiến qua một số trang nhật ký của Linh Chi

Tư liệu của Ngô Mạnh Lân

25/10/1951:
Anh Vân (Tô Ngọc Vân-TCMT) đang vẽ bức tranh lụa “Bộ đội hành quân qua suối” và tranh cổ động tố cáo tội ác của giặc Pháp “Giặc giết”… bằng chì than. Anh để hết tâm trí làm bức tranh lụa này. Một bản hòa tấu màu xanh đang được phác lên: bộ đội hành quân qua suối trong rừng nứa. Tài liệu đầy đủ, cảm hứng súc tích, anh Vân vẽ tranh một cách ung dung, vừa vẽ vừa ngâm thơ se sẽ… (Kiều hay Chinh phụ ngâm?)…
1/11/1951:
Sương rơi nặng trong vườn chuối. Trời mù mịt lạnh cho tới 9 giờ sáng. Buổi trưa nắng to, tôi đi vẽ ký họa người gánh lúa trong cánh đồng rực vàng mùi cơm nếp mới. Những cô thợ gặt, lẳn người trong màu áo nâu cũ, giơ tay dọa: Không được vẽ em vào tranh đấy!
3/11/1951:
Vẫn tìm phác thảo. Anh Cẩn (Trần Văn Cẩn- TCMT) sang buồng vẽ lấy phấn màu của tôi phác lên những người gánh lúa, rất lực lưỡng, rất Việt Nam. Phấn màu trên giấy dó thôi mà đã hứa hẹn thành một tranh mộc bản tuyệt vời…
19/11/1951:
Mấy hôm nay nắng đã phai màu, trời không xanh nữa, mây giăng màu bạc xám của những ngày cuối thu trong lặng. Vừa vẽ vừa nhìn ra sân phơi thóc, nhìn dãy tường hoa rêu phủ, có bóng những cây cam đầy quả chín, ánh sáng long lanh trên vòm lá xanh đậm. Vẽ bà chủ nhà ngồi dệt chiếu sẹ. Mùi sẹ thơm như mùi gừng muối ô mai. […] Sĩ Tốt làm đạn, bắn được một con chim gáy, một cò hương bày ra vẽ tĩnh vật, chiều mới làm thịt. Buổi trưa tôi vẽ gò vầu, Sĩ Tốt lại bắn thêm một gõ kiến, một chim gâu nữa. Tối nay sẽ có món ăn tươi.

Linh Chi qua nét bút của Bùi Xuân Phái, Hà Nội, 1960.


Tháng 3/1952:
Đã về đến Thái Nguyên, trước khi xuống xã, anh em văn nghệ được nghe báo cáo qua về phong trào trong tỉnh, họp với cán bộ tuyên huấn tỉnh, các cụ đại biểu Liên Việt, đại biểu thanh niên, phụ nữ…
17/3/1952:
Buổi sáng nghĩ mẫu Huân chương Hồ Chí Minh. Anh Vân đi họp với các đồng chí Trung ương. Anh có vẽ Bác Hồ. Một số chân dung bằng chì than. Một bức có màu: Bác mặc áo blouson cổ lông, đang nói trên diễn đàn, tay chống trên mặt bàn phủ vải đỏ. Chúng tôi theo tài liệu ấy phác mẫu huân chương. […] Anh Vân vẽ bức tranh “Cày đồi” bằng thuốc nước và chì than. Tranh nhỏ nhưng anh vẽ rất cẩn thận để lúc nào có điều kiện sẽ thể hiện bằng sơn dầu lớn hơn. Anh cũng vẽ ký họa những cô nông dân cấy lúa bằng chì than. Vẽ xong về nhà, anh chọn những hình ưng ý nhất, găng to lên, lấy kéo cắt riêng ra ba cô thợ cấy. Anh xếp đặt mấy hình vẽ đó trên một tờ giấy, tìm bố cục cho bức tranh theo hình thức tranh lụa kakemomo Nhật Bản. Tôi đứng xem anh làm việc, học tập cái thận trọng, nghiêm túc trong sáng tác.
20/3/1952:
Máy bay Doongke của Pháp lượn quanh vùng, khu trục bắn ở xa. Khi 6 máy bay B26 lên thả bom thị xã, anh Vân ra hầm cá nhân ở sau nhà chúng tôi. Bỏ bom hai lượt rồi cả lũ B26 chúi bắn vào đám khói đen mù ở thị xã. Buổi chiều, trong xóm chúng tôi ở, cách thị xã chừng 50 mét có tin 2 người chết: bà Ký Yến 45 tuổi, cô Chính 17 tuổi, đi mua sắm về đến cầu Gia Bảy thì bị bom. Nhà bà Ký ở kế bên nhà tôi và anh Tỵ (Nguyễn Văn Tỵ- TCMT) ở. Tiếng cô Khang khóc mẹ làm chúng tôi tê tái trong lòng…
26/3/1952:
Đi công tác dưới xóm, chúng tôi ở nhà cụ Sỹ. Anh Vân đại diện anh em, vẽ biếu cụ chủ nhà một bức chân dung bằng chì than và sanguine. Buổi tối, uống nước hút thuốc, anh Vân nói về sáng tác… Lúc ấy đã hơn 10 giờ đêm. Anh Vân nói: Những buổi uống nước nói chuyện như thế này về là không ngủ được. Nếu có atelier như ngày xưa là về bật đèn lên vẽ. Trí (Nguyễn Gia Trí) nó thích làm như thế lắm. Đi chơi với anh em xong, hắn về làm việc đến 4,5 giờ sáng mới ngủ…
Tôi hỏi anh một câu định hỏi từ lâu: Bây giờ anh thấy phụ nữ trong kháng chiến, anh còn thích vẽ không?
- Có! Như cô giáo hôm nọ là có thể vẽ được. Cả mấy cô ở Yên Bình nữa…

Tôi lại hỏi: Trong các tranh sơn dầu anh đã vẽ, anh ưng ý bức nào nhất?
Anh Vân không lưỡng lự: Bức nu assis có cerné trait (bức khỏa thân ngồi có viền nét).
Vẽ phụ nữ thì có nhiều họa sĩ vẽ, riêng tranh của anh Vân có một sức hấp dẫn khác hẳn các họa sĩ khác. Tranh của anh đằm thắm một cách trí tuệ, hấp dẫn vì tranh đẹp chứ không phải vì người đẹp trong tranh. Anh Vân lại nói: Nếu sau này tôi có vẽ phụ nữ Hà Nội, tôi sẽ vẽ khác, không vẽ như xưa nữa…
Anh nhắc đến tranh của Derain, Vlaminck, Van Dongen… Nói đến tranh lụa Á Đông, anh Vân nhắc đến tranh cổ Trung Quốc, của mặc hội Nhật Bản. Tranh Á Đông thanh tao, tranh Âu châu vật chất. Nhắc đến tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, có một lần tôi nghe anh Cẩn nói bức nào của Phan Chánh cũng là một bố cục hoàn chỉnh, một bức hội họa, một peinture sur soie, chứ không phải một aquarelle sur soie. Anh Vân cũng thích tranh lụa của Phan Chánh…
Đi vẽ cảnh ở Lăng Quán, Tuyên Quang (Ngô Mạnh Lân và Thục Phi), 1952. Ký họa của Lê Lam.


14/4/1952:
Máy bay địch luôn luôn bay quanh thị xã. B26 bỏ bom xuống phía Phúc Thuận, Phúc Trìu. Đứng bên hầm cá nhân phía bờ tre, đang ôm cặp vẽ tôi ném xuống đất để vỗ tay: một máy bay Hen-cát của địch trúng đạn!
Buổi tối, đi chợ với anh Vân tìm mua mực bút máy Parker đen ở từng hàng xén trong thị xã Thái Nguyên. Của hiếm, rất cần để vẽ ký họa. Tìm được, mỗi người mua một lọ, sung sướng hơn trúng xổ số! Nhất là lại mua thêm được một thếp giấy chưa kẻ. Ban ngày, nhân dân chạy máy bay hàng chục lần, nhưng đến đêm chợ kháng chiến vẫn họp đều, đèn dầu hỏa như sao sa, người mua bán toàn cán bộ, bộ đội…
10 giờ rưỡi đêm, vào hàng cà-phê Vỹ uống mỗi người một tách rồi mới thắp đèn bão quay về xóm. Theo lối chân núi Kô-kê, qua những mảnh ruộng ngô, ruộng lúa, về ngôi nhà tranh của bà chủ nhà, một nông dân nghèo. Bỗng có con chồn màu lông nhạt, thấy ánh đèn đứng lại mắt xanh như ngọc bích. Một mùi thơm như hương phấn thoảng qua. Tôi chưa đi ngủ vội, theo anh Vân cùng các bạn nói chuyện tới 12 giờ đêm mới về đi ngủ. Một buổi tối đầy bổ ích, đó là câu chuyện về tình cảm trong tranh, tranh là người… Riêng trong hội họa, kỹ thuật thể hiện cũng là cá tính.
28/4/1952:
Anh Vân nói chuyện ngày hàn vi. Bao nhiêu vui buồn, đau khổ, bao nhiêu hy vọng, nghị lực để đi tới thành công sau này… Nhắc đến một phụ bản báo Xuân của anh vẽ, anh Vân kể lại: Năm ấy, một tờ báo tuần nhờ anh vẽ phụ bản, anh vẽ ba thiếu nữ trên nền đỏ. Lúc đưa nhà in Taupin, thằng Tây làm bản kẽm đã tự tiện chữa cho một cô ngực nở hơn. Anh Vân bắt chữa lại cho đúng nguyên bản. Thằng Tây không nghe, cho như thế đẹp hơn. Anh Vân to tiếng mắng cho nó một trận, rồi không chịu ký bông “đồng ý in”. Năm ấy, báo thiếu phụ bản, và họa sĩ hụt món tiền nhuận bút tiêu Tết!…
Các thầy Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Khang ở Yên Phú, Yên Bái, 1950. Ký họa của Lê Lam.


17/8/1953:
12 giờ trưa, đi xuống xã với anh Vân… Lúc đèo ba-lô đi trên đường son đỏ đầy nắng của đồi chè Phú Thọ gần Thanh Cù, anh Vân bảo tôi: Anh Linh Chi ạ, chúng ta có cái nghề thật tốt đẹp! Anh có thấy cái bóng tôi và anh in trên đường hoàn toàn không phải là màu đen mà là một màu tím rất đẹp, rất rực rỡ bên cạnh màu hoa hiên đỏ chói lòa của ánh nắng không?
Tôi hỏi anh: Anh có ghét lối vẽ Beaux-Arts không?
Tôi tưởng anh sẽ khó trả lời, vì bản thân anh xuất thân ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cũ, mà gọi tắt là Beaux-Arts. Anh trả lời dứt khoát: Tôi rất ghét. Chỉ có ART (nghệ thuật) thôi, làm gì có Beaux-Arts!…
20/10/1953:
Hai tháng công tác căng thẳng đã qua. Xã Ninh Dân đã đấu xong thằng địa chủ Hiện. Anh Vân mang ra những tranh phục vụ kịp thời, sáng tác trong đợt công tác vừa qua, sang xã tôi triển lãm, đúng lúc bên này vừa mở hội mừng thắng lợi. Anh nói về tranh phục vụ rất rõ ràng: Chính ra chúng mình không khổ gì đâu, không hy sinh gì lắm đâu. Nhân dân lao động đang còn khổ nhiều. Chúng mình chỉ hy sinh cái thích làm tranh cho hả riêng mình để làm những tranh bây giờ nhân dân đang cần. Vả lại, làm những tranh phục vụ kịp thời mình cũng thấy thích kia mà!
24/6/1954 (xã Ninh Dân, Phú Thọ):
Chiều qua, tin dữ, anh Vân hy sinh ở Yên Bái (17-6-54) đến với chúng tôi! Rã rời, đau buồn, cay đắng. Anh Vân mất rồi? Vô lý! Vô lý!… Buổi chiều, Dư Tá, Ngô Minh Cầu, Trần Đông Lương và tôi đi than vãn với nhau… Anh Vân mất đi, mang theo cả bao hy vọng, tin tưởng của bọn trẻ. Anh là người đứng đầu ngành họa, là người anh cả của họa sĩ đương thời, tha thiết đào tạo, hướng dẫn, bênh vực… tất cả anh em. Riêng tôi, tôi thấy mất một người thầy uyên bác, cũng là người bạn tâm giao đầy tình cảm… Tất cả chúng tôi đều đau buồn, bực dọc… Đi nằm sớm. Không ngủ được cho tới rạng đông…
[Trích “Sống bên họa sĩ Tô Ngọc Vân”,
Nhật ký Kháng chiến của Linh Chi (Nguyễn Tài Lương).
Tư liệu của Ngô Mạnh Lân]



Nguồn: TẠP CHÍ MỸ THUẬT - 26 THÁNG SÁU, 2020.

0 comments:

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2021

Tô Ngọc Vân – Những năm Trường Mỹ thuật Khóa Kháng chiến

Tô Ngọc Vân – Những năm Trường Mỹ thuật Khóa Kháng chiến

Trần Văn Cẩn

Năm 1951, cuộc kháng chiến chống Pháp đã sang năm thứ năm. Trường Mỹ thuật lập lại trong chiến khu Việt Bắc do Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng, đã kết thúc tốt niên học đầu của Khóa Kháng chiến.
Mùa hè năm ấy, sau một đợt thực tập sáng tác và triển lãm phục vụ nhân dân thị xã Lào Cai vừa giải phóng, học sinh được nghỉ một tháng. Chúng tôi, bốn người gồm anh Vân, hai cán bộ giảng dạy và một trưởng lớp, họp thành một đoàn, đi thăm lại và lấy tài liệu ở mấy nơi căn cứ cách mạng.
Ra đi từ Tuyên Quang, chúng tôi qua làm việc ở Đình Cả, Bắc Sơn, rồi đi tiếp sang Bình Gia, Văn Mịch, tới Đồng Đăng, trở về qua Lạng Sơn. Chương trình đã định khi ra đi, được thực hiện tốt. Cảnh đẹp, người hiền, anh em tràn đầy phấn khởi, ghi chép được nhiều. Chuyến đi khá vất vả, có những buổi đang trên đường, một hai anh lên cơn sốt, nhưng vẫn không chịu ngừng lại. Màn của người khỏe tập trung lại cuốn tùm lum cho người ốm. Bệnh nhân, răng đánh lập cập, run rẩy vẫn chống gậy đi. Cứ luân phiên nhau như vậy, anh nào cũng đều nộp đủ thuế cho “thần sốt”, ít ra là một lần! Nhưng qua cơn rét run, dứt cơn nóng toát mồ hôi; hồi lại, lại vẽ say sưa đến không biết mệt!
Tô Ngọc Vân ở chiến khu Việt Bắc, khoảng 1948-1949. Bức ảnh cuối cùng Tô Ngọc Vân chụp cùng gia đình trước khi đi lên chiến dịch Điện Biên Phủ, 1954.


Nhớ lại anh Vân dạo đó: Con người vóc dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, giàu nghị lực. Đầu anh to, vầng trán dô cao dưới chiếc mũ tai bèo, cặp mắt to cứ sáng rực khi chăm chú quan sát. Bàn tay anh nhỏ, những ngón khum khum, run run đưa nét chì trên giấy vẽ. Một thỏi chì than đã mòn chỉ còn hơn đốt ngón tay cắm vào một mẩu ống sậy; một mảnh tẩy chì vẹt mòn còn vừa bằng cái vỏ hến, góc dùi lỗ luồn một sợi dây gai lúc nào anh cũng đeo tòn ten ở cúc áo sơ-mi, trước ngực… Những “bảo vật” ấy anh Vân chi chút lắm. Hoàn cảnh chiến tranh, một cây bút chì than, quả quý như vàng. Cứ khi nghỉ, anh Vân lại rút mẩu bút chì ra ngắm nghía, xuýt xoa xem nó mòn thêm bao nhiêu và còn làm bạn với mình được bao lâu nữa?
“Màn trời chiếu đất”, nấu ăn trên đường, nhưng thỉnh thoảng gặp một bản làng gần, rẽ vào, là chúng tôi lại được chất tươi thay bữa cho thịt vụn rang mặn, rau tàu bay; rồi nào vẽ cho một ông ké, một bà mế, để được nhờ con cháu các cụ làm mẫu. Tình đồng bào, cán bộ, lưu luyến chẳng muốn rời đi…
Về môn bếp núc, anh Vân cũng là tay khá thạo nên khi được bà con cho chất gì tươi, anh em dành ưu tiên cho anh cái việc “chế biến” món ăn cho đoàn. Tìm một nơi thuận tiện, kín đáo, để tránh máy bay giặc. Đôi khi gặp một khe suối cỏ cây chen đá, sơn thuỷ hữu tình, thì cái việc bếp núc của cuộc đi vẽ thật quả là sang! Và thường những khi đó, thế nào anh em cũng lại được nghe giọng run run khe khẽ của anh ngâm một câu thơ, rồi thể nào sau cũng tiếp bằng “… đây lắng hồn núi sông ngàn năm” mấy câu trong bài hát “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi mà anh rất thích. Và mỗi lần như vậy là dịp để chúng tôi nhắc nhớ lại bao kỷ niệm về thành phố thân yêu, về bè bạn, về tình đời, về những ngày cùng nhau đi cứu đói, cùng nhau vẽ áp-phích trong không khí sôi nổi những ngày tổng khởi nghĩa; nhất là với anh Vân, chính bài hát “Người Hà Nội” đã cho anh cảm hứng để vẽ bức tranh “Hà Nội vùng lên” vào năm đầu kháng chiến.[…].
Nhiều nơi, từ Trung du lên Việt Bắc, người ta đã gặp anh họa sĩ nhanh nhẹn vui tính ấy, khi thì vẽ tranh cổ động kháng chiến trên một mảng tường phố, khi làm hóa trang, trình bày cho một sân khấu lưu động, hoặc khi mài đá lăn lô in tranh truyền đơn dưới tán lá rừng dày đặc, khi làm Trưởng đoàn Văn hóa Kháng chiến cũng như khi chạy lo tổ chức lại Trường Mỹ thuật (1949-1950)… Cứ lúc nào hơi rảnh là anh lại luôn tay với mẩu chì, cuốn sổ con thường xuyên mang theo trong xắc-cốt ghi chép người, cảnh vật trong sinh hoạt hàng ngày.
Chiêm Hóa 1951. Đại hội Văn nghệ. Các văn nghệ sĩ kháng chiến tham gia ký “Công ước Hòa bình Thế giới”. Người đang ký là Tô Ngọc Vân.


Sống giữa lòng nhân dân, cùng chung những vui buồn với con người bình thường, chất phác, những chiến sĩ, những người lao động cần mẫn, đã đưa lại cho Tô Ngọc Vân cảm hứng sáng tác đề tài mới: “Hà Nội vùng lên”(1948), “Tản cư trong rừng”, “Giặc đến giặc đi”(1949), “Nữ y tá” (1949)…, làm trong mấy năm đó đã báo hiệu sự chuyển biến bước đầu của anh. Đề tài, đối tượng vẽ đã đổi khác, tiết tấu năng động rộn ràng, chiều hướng đi vào khắc họa tính cách, động dung nhân vật… là những nét mới mẻ. Tuy nhiên, đó đây, đôi khi còn lưu lại những nét hình quen thuộc, sắc thái ưu du của anh thời trước cách mạng, nhất là phong thái người đàn bà thành thị. Có thể nói: giữa cảm xúc tạo hình, giữa tư chất sáng tạo nghệ thuật của anh với nội dung mới đang còn có chỗ chưa ăn khớp.
Đối tượng nghệ thuật của anh đã đổi khác rồi. Anh đến với đối tượng mới ấy với cả niềm chân thành, song những nếp quen, những thích thú, thưởng thức khá phức tạp trước nguyên mẫu trong môi trường xưa của anh, giờ đây lại chính là trở ngại không ít cho anh khi biểu hiện những con người lao động trong môi trường mới với những tương quan xã hội đang biến chuyển mạnh mẽ.
Có thoát ra khỏi những nếp cảm nghĩ, cách làm quen thuộc cũ, để tạo cho mình cái nhìn phù hợp đối với thực tế khách quan mới có thể chuyển hóa thật sự. Chính trong sáng tạo nghệ thuật của anh qua thực tiễn đời sống và quá trình tìm tòi thể nghiệm trong mấy năm, đã chứng minh anh nhận thức ra điều đó. Rồi tiếp trải qua những cuộc tranh luận về những vấn đề “tuyên truyền và nghệ thuật”, “trước mắt và lâu dài”… càng củng cố cho anh nhận thức mới, thấy rõ hơn sai lầm của quan niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật” xưa kia.
Tô Ngọc Vân – Xưởng quân giới. 1951. Sơn dầu trên giấy can Tô Ngọc Vân – Đèo Lũng Lô. 1954. Màu nước


Cuộc đấu tranh với chính bản thân mình không phải dễ dàng trong ngày một ngày hai, mà khi âm ỉ, khi sôi động, nó gay go còn hơn việc phấn đấu vượt qua khó khăn gian khổ để thích nghi với hoàn cảnh khách quan của cuộc sống kháng chiến trường kỳ.
Nhớ lời Hồ Chủ tịch dạy trong buổi Người đến thăm lớp nghiên cứu tình hình nhiệm vụ mở cho giới văn nghệ cuối năm 1950: “Có quyết tâm và tín tâm thì việc khó khăn mấy cũng làm được…” Cũng như ý kiến về sáng tác của Người viết trong thư gửi anh chị em họa sĩ vào dịp Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc cuối năm 1951: “Về sáng tác, thì cần hiểu thấu, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân. Như thế mới bày tỏ được tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời để giúp phát triển và nâng cao tinh thần ấy”.
Qua những năm dài chiến đấu, tự rèn luyện trong hoạt động, liên hệ với thực tiễn của anh chị em nghệ sĩ thì đúng như điều Bác đã dạy bài học về quyết tâm và tín tâm được thấm nhuần đã đưa lại cho chúng tôi kết quả rõ ràng; và trường hợp anh Vân có thể nói là một tấm gương tiêu biểu cho ý chí bền bỉ phấn đấu tự thay đổi mình để thay đổi nghệ thuật của con người nghệ sĩ trí thức tiểu tư sản đi theo cách mạng; song còn rơi rớt ảnh hưởng tự do chủ nghĩa với quan niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật”…
“Học kết hợp với hành”, điều anh nhắc nhở học trò của mình, cũng là điều mà chính bản thân anh tự thực hiện.
Những chuyến đi ngoài thực tế đời sống nhân dân lao động của cả thầy và trò sáng tác và phục vụ ngay tại chỗ, gắn bó mật thiết hơn giữa công chúng và nghệ sĩ đã đưa lại những kết quả tốt đẹp. Đặc biệt là chuyến đi dài ngày mà anh tham gia như một đội viên trong một đội công tác phát động cải cách ruộng đất, về một vùng nông thôn thuộc Vĩnh Phú (Vĩnh Yên và Phú Thọ-TCMT) nơi mà sau đó anh còn trở lại nhiều lần. Thâm nhập đời sống người nông dân lao động qua “ba cùng”, hiểu thấu về những nỗi cơ cực của người dân cày không có ruộng, đồng thời cũng khám phá ra những đức tính tốt đẹp của họ, đã đưa lại cho anh ấn tượng sâu sắc và kết quả thu được trong nghệ thuật của anh là sự đổi mới thật nức lòng. Tuy chỉ là nghiên cứu ghi chép, nhưng anh đã truyền được vào trong đó cảm xúc chân thật của mình đối với đối tượng sáng tác mới ấy. Anh thấy ra được tính cách, và nhất là phẩm chất cao đẹp của những con người nông dân đang vươn lên làm chủ cuộc đời. Với nghề nghiệp sẵn vững vàng của anh, qua những nét màu vẫn nhã thú và trong sáng, khỏe khoắn, giản dị mà trữ tình, nghệ thuật của anh đã đi đến hiện thực, đây là vào năm 1953.
Chân dung Tô Ngọc Vân do Lê Lam vẽ với chữ ký của một số họa sĩ Khóa Kháng chiến. Tô Ngọc Vân – Bừa trên đồi. 1953. Bột màu


Đầu năm 1954, Tô Ngọc Vân lại lên đường trong một chuyến đi mới. Lòng đầy tin tưởng, hào hứng, trong bữa liên hoan tiễn đưa, anh còn đề nghị giao ước thi đua giữa người đi với người ở. Anh muốn được trực tiếp dự vào trận chiến đấu đang thời kỳ ác liệt trên chiến trường Điện Biên. Nhưng tình hình chiến sự diễn tiến quá nhanh. Quân ta thắng giòn giã, bắt sống Đờ-cát-xtri, mà anh còn đang trên đường đi ! Máy bay giặc Pháp ném bom ác liệt dọc đường lên mặt trận hòng cứu cho quân đội của chúng bị bao vây ở lòng chảo Điện Biên. Và tiếc thay! Tô Ngọc Vân đã hy sinh trong một trận ném bom của giặc. Được tin chẳng lành này, anh em ở nhà nửa tin nửa ngờ, vẫn cố nghĩ rằng, có thể trong khi bị oanh tạc anh đã tránh được ở đâu đó?
Cho đến khi anh Nguyễn Đình Thi cùng mấy chiến sĩ từ mặt trận về đem theo chiếc ba-lô và cái cặp vẽ bất ly thân của anh, bấy giờ mọi người mới tuyệt vọng!
Chiếc cặp vẽ được bọc cẩn thận trong một tấm ni-lông che mưa. Đúng là của anh Vân rồi! Anh vẫn cẩn thận như vậy xưa nay. Anh có thể gội mưa thà mình chịu ướt chứ không chịu để tài liệu ký họa, đồ vẽ của anh không được bảo vệ chu đáo. Mở chiếc cặp vẽ ấy, thật xiết bao cảm động khi thấy trong tập ký họa quý anh ghi dọc đường, có một bức vẽ với những nét chì rung động, ở góc ghi ngày 15-6-1954. Đó là một cảnh đèo Lũng Lô – bức vẽ cuối cùng của đời anh !!!
Tô Ngọc Vân đã qua đời ! Nhưng lòng yêu nước, yêu nghề, yêu cuộc sống, tính tình hoạt bát vui vẻ, năng động của anh, nhất là ý chí phấn đấu kiên trì tự thay đổi con người của mình để thay đổi tư tưởng nghệ thuật là một tấm gương sáng mãi. Nếu như anh chưa “giữa đường đứt gánh” thì với những tài liệu, những ký họa anh để lại, anh sẽ có thể xây dựng những tác phẩm lớn.
Tô Ngọc Vân, ngoài con người nghệ sĩ sáng tác, còn là một cán bộ có tài tổ chức. Cống hiến của anh trong sự nghiệp xây dựng cơ đồ đào tạo lớp trẻ mỹ thuật, là một đóng góp lớn cho phong trào.
Chính để ghi công anh, giữ gìn kỷ niệm về anh, mà chúng tôi đã lấy tên anh để đặt cho khóa học thứ II và cũng là khóa đầu của Trường Mỹ thuật Việt Nam từ chiến khu trở về Thủ đô giải phóng, sau chiến thắng oanh liệt Điên Biên Phủ.
Khóa Tô Ngọc Vân 1955-1957 là khoá học mang tên một họa sĩ chân chính, một trong những người anh lớn của giới mỹ thuật Việt Nam.

Trần Văn Cẩn
Hà Nội, Xuân 1982
(Trích bài viết “Một họa sĩ chân chính” in trong sách “Nhớ Tô Ngọc Vân”,
Tô Ngọc Thành sưu tầm và biên soạn,
Nhà xuất bản Mỹ thuật, 2004.
Đầu đề do Tạp chí Mỹ thuật đặt)



Nguồn: TẠP CHÍ MỸ THUẬT - 25 THÁNG SÁU, 2020.

0 comments:

Làng Xuân Cầu trong tranh Tô Ngọc Vân

Làng Xuân Cầu trong tranh Tô Ngọc Vân


0 comments:

Gương mặt nghệ sĩ Hưng Yên: Họa sĩ Tô Ngọc Vân - Video

Gương mặt nghệ sĩ Hưng Yên: Họa sĩ Tô Ngọc Vân



Truyền hình Hưng Yên - HYTV
15 thg 11, 2021


0 comments: