Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2018

Tô Ngọc Vân - Người đặt nền móng hội họa Việt Nam - NSND Ngô Mạnh Lân

Tô Ngọc Vân - Người đặt nền móng hội họa Việt Nam

NSND Ngô Mạnh Lân

(ĐTTCO) - Danh họa Tô Ngọc Vân (1906-1954) là một trong “tứ kiệt” của hội họa hàng đầu của mỹ thuật hiện đại Việt Nam: nhất Trí (Nguyễn Gia Trí), nhì Vân (Tô Ngọc Vân), tam Lân (Nguyễn Tường Lân), tứ Cẩn (Trần Văn Cẩn).

Ông vừa là người mở đường, vừa là người đặt nền móng đầu tiên và góp nhiều công xây dựng tiền đồ vẻ vang của hội họa hiện đại Việt Nam thế kỷ 20.

Bậc thầy nghệ thuật tranh sơn dầu

Tốt nghiệp khóa II Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, lĩnh hội đầy đủ kiến thức hội họa châu Âu do các thầy Pháp truyền dạy, nhưng Tô Ngọc Vân đã sớm có ý thức tiếp thu tinh hoa khoa học sơn dầu châu Âu, vẽ theo quan niệm tạo hình truyền thống phương Đông và có nhiều ảnh hưởng đến phong cách sơn dầu của các thế hệ họa sỹ hậu sinh. Về kỹ thuật vẽ sơn dầu, Tô Ngọc Vân đã đạt đến trình độ bậc thầy.

Tô Ngọc Vân là người thầy thân thiết của tôi. Mỗi lần nhớ đến anh là nhớ dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, tay cầm ba-toong, đầu đội mũ vải tự vẽ kiểu, và đặc biệt nhớ nụ cười tươi rói, thoải mái luôn đọng trên môi với đôi mắt chứa chan tình cảm. 25 sinh viên khóa mỹ thuật kháng chiến (năm 1946) chúng tôi luôn quấn quýt bên anh, vì anh rất dễ gần. Thầy luôn dạy chúng tôi rằng nhân dân nuôi chúng ta cơm ăn áo mặc chúng ta phải trả lại nhân dân bằng hội họa, bằng tác phẩm của mình.
Ngay từ khi còn là sinh viên, ông đã có 3 tác phẩm sơn dầu được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật đầu tiên ở Sài Gòn tháng 12-1930 và được nhiều người hâm mộ về phong cách diễn tả, như “Ánh mặt trời”, “Bụi chuối ngoài nắng” và “Trời dịu”. Nhiều tác phẩm sơn dầu của ông đến nay vẫn được đánh giá là những kiệt tác của nền mỹ thuật Việt Nam.

Khi cảm thụ tranh của ông, người ta dễ dàng nhận ra âm hưởng của Gauguin (Pháp) trong bức “Lễ vật”, cũng như phảng phất ảnh hưởng của bích họa Ajanta (Ấn Độ) trên bức lụa “Quà cưới”, hay của hội họa Nhật Bản ở bức lụa “Hai em bé mục đồng”... Qua những thể nghiệm đầu tay, những tác phẩm của ông đã sớm lộ ra tính cách của một họa sĩ duy sắc: ưa thích thể chất đẹp, say sưa với ánh sáng, với những phản quang phong phú của màu sắc nồng nàn... Những nét riêng được trau dồi đã trở thành định hình cơ bản trong phong cách Tô Ngọc Vân những năm sau này.

Năm 1931 và 1932, ông gửi tranh tham gia Triển lãm Mỹ thuật tại Paris, Pháp và được tặng Huy chương Vàng với bức tranh sơn dầu “Bức thư”. Cũng năm 1932, ông được cấp Bằng danh dự Phòng triển lãm họa sĩ Pháp và được bầu là hội viên Hội họa sĩ Pháp. Từ năm 1935 đến 1939, ông được cử đi dạy họa ở trường Sisowath ở Phnom Penh, Campuchia.

Tại đây, ông đã sáng tác nhiều bức tranh với những đặc trưng của con người, phong cảnh của đất nước Chùa Tháp. Đặc biệt, đầu năm 1946 ông được giới thiệu vào Bắc Bộ phủ vẽ tranh và nặn tượng Bác Hồ. Ông đã sáng tác bức tranh sơn dầu “Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc Bộ phủ”, bức tranh chân dung sơn dầu đẹp nhất của ông sáng tác về Bác. Tháng 4-1954, vào lúc chiến trường Điện Biên Phủ ác liệt nhất, Tô Ngọc Vân đã lên đường ra mặt trận. Ông đã trực tiếp tham gia và ghi lại không khí ác liệt của chiến trường cũng như sinh hoạt thường nhật của bộ đội ta ở Điện Biên qua các tác phẩm sơn dầu như: “Giáo viên dân tộc Thái,” “Cho ngựa ăn,” “Qua đèo,” “Qua suối,” “Trú quân”…

Ở Tô Ngọc Vân, hội họa Tây Âu tuy đã đi vào lý trí nhưng lại thông qua tâm hồn dân tộc, chính điều này đã làm cho tranh sơn dầu của ông có màu sắc riêng, đạt đến độ ổn định. Đương thời, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã viết:
"Đi xa hơn cả vẫn là Tô Ngọc Vân, ông đạt tới trình độ sơn dầu mà ít nghệ sĩ Việt Nam nào sánh kịp và đã đi trước cả thẩm mỹ quan của công chúng".


Những kiệt tác về thiếu nữ

Đề tài thiếu nữ luôn là nguồn cảm hứng bất tận của các họa sĩ. Với người nghệ sĩ, đó không chỉ là vẻ đẹp của hình sắc mà còn là cái đẹp trong quan niệm. Đó là hình ảnh bất biến nhưng không bất định mà uyển chuyển, biến tấu kỳ diệu trong từng cây cọ, lúc mờ khi tỏ trong vô vàn sắc điệu. Với Tô Ngọc Vân cũng vậy. Vừa giảng dạy, ông vừa sáng tác những bức sơn dầu đã trở nên nổi tiếng như “Buổi trưa” (1936), “Thiếu phụ ngồi bên tranh tam đa” (1942), “Bên hoa” (1942), “Thiếu nữ bên hoa huệ” (1943), “Thiếu nữ bên hoa sen” (1944), “Hai thiếu nữ và em bé” (1944)... Tôi chỉ xin nói về 2 bức tranh tiêu biểu nhất của ông.


Thiếu nữ bên hoa huệ.



Trong bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ”, qua bút pháp tả thực ấn tượng phương Tây với cảm quan phương Đông của Tô Ngọc Vân, người thiếu nữ mặc áo dài trắng đang nghiêng đầu một cách tự nhiên về phía lọ hoa huệ trắng, hiện ra trong dáng vẻ trữ tình, trong sáng, gợi điều gì đó vừa thanh cao, bình lặng. Với bố cục chặt chẽ, hoàn hảo, cách sử dụng màu điêu luyện, "Thiếu nữ bên hoa huệ" đã thể hiện được cái mềm mại gợi cảm ở đường cong trên đùi thiếu nữ và nhất là cách dùng dao gạt bớt lớp sơn phía trên để lộ ra lớp sơn hồng bên dưới tạo nên sắc ửng hồng trên má thiếu nữ.

Bố cục tranh được quy về hình chữ nhật, hình dáng cô gái cùng những chi tiết và màu sắc xung quanh tạo thành một hình khối giản dị, toát lên một nét buồn vương vấn, nhẹ nhàng. Tô Ngọc Vân đã rất thành công cho người xem thấy được vẻ đẹp đầy đặn, mặn mà, đằm thắm của thiếu nữ. Đặc biệt, những bông hoa huệ to, nổi bật bởi màu trắng tinh khiết như mang theo hương thơm thoang thoảng, cùng cái thanh tao, huyền diệu của loài hoa này. Toàn bộ bức tranh như thầm kể với người xem về một cô gái trong trắng, ngây thơ nhưng cũng đầy ưu tư.

Tác phẩm “Hai thiếu nữ và em bé” được xếp hạng Bảo vật quốc gia.


Một trong những tác phẩm đẹp nhất của danh họa Tô Ngọc Vân là “Hai thiếu nữ và em bé” đã trở thành Bảo vật Quốc gia năm 2014. Trong tác phẩm tác giả đã chọn một góc ấm cúng trong ngôi nhà để hai thiếu nữ (hai chị em) có thể ngồi tâm sự. Người chị mặc áo vàng trong dáng ngồi đoan trang trên chiếc chõng tre, dáng dấp thiếu phụ toát lên từ cử chỉ hai bàn tay chắp vào nhau, nếp áo dài rủ là mềm mại. Cô em mặc áo trắng, nếp áo bối rối xô lệch theo dáng ngồi bồn chồn bất an.

Trong lòng cô đang dâng trào sóng gió tình yêu ban đầu khó nói. Cần sự khuyên bảo nơi người chị. Sự xuất hiện đứa bé trai đang ngồi nghịch dưới sàn nhà cho thấy đây là một thiếu phụ hạnh phúc với cuộc sống gia đình viên mãn. Bức mành buông lơ lửng một bên cho thấy ngoài kia là cành cây phù dung hoa trắng tinh khiết, ánh nắng phản chiếu làm đôi má hai chị em phớt hồng trên khuôn mặt trái xoan kiều mỵ. Cảnh gia đình Việt Nam xưa hiện lên trong từng chi tiết kiến trúc cảnh vật, con người. Toàn bộ bức tranh là hòa sắc vàng tươi lộng lẫy chan hòa ánh sáng thiên nhiên gần gũi.

Điều làm người ta càng trân trọng là những thiếu nữ trong tranh sơn dầu của Tô Ngọc Vân đều có vẻ đẹp dịu dàng, thuần khiết, giàu nữ tính nhưng hoàn toàn không gợi khêu chút khoái cảm nhục thể, hoặc mang dáng vẻ kiêu kỳ, mơ hồ như cách thể hiện theo khuynh hướng hiện đại (modernism) như lập thể (cubism), trừu tượng (abtraction)… của các họa sĩ cùng thời.

Họ duyên dáng, kín đáo và tế nhị, lịch sự, quý phái trong từng cử chỉ, dáng điệu khiến người xem có cảm tưởng họ sinh ra từ không khí, ánh sáng và những cánh hoa. Và dường như chung quanh họ được bao bọc bởi một không gian êm đềm, thơ mộng. Vẻ đẹp của họ là vẻ đẹp của phụ nữ Hà Nội, phụ nữ Á Ðông: Mong manh mà bền vững, bí ẩn mà quyến rũ, lúc nào cũng như đắm chìm, soi rọi vào thế giới nội tâm chính mình; ngay cả nỗi buồn thành thực, ngây thơ của họ cũng hết sức đáng yêu.

Có thể nói những tác phẩm hội họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân để lại là những “viên gạch” đầu tiên tạo dựng nền móng vững chắc cho hội họa của dân tộc Việt Nam chúng ta phát triển sau này.



NSND Ngô Mạnh Lân

(Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG) Báo Đầu tư tài chính >> VĂN HÓA - ĐỜI SỐNG - Thứ Năm, 21/6/2018 08:15

1 comments:

Tô Ngọc Vân - người thầy thân thiết của tôi - Họa sĩ Ngô Mạnh Lân

Họa sĩ Ngô Mạnh Lân:

Tô Ngọc Vân - người thầy thân thiết của tôi

Họa sĩ Ngô Mạnh Lân


Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân.



* Ấn tượng sâu sắc nhất của ông về họa sĩ Tô Ngọc Vân?
- Mỗi lần nhớ đến anh là nhớ dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, tay cầm ba-toong, đầu đội mũ vải tự vẽ kiểu, và đặc biệt nhớ nụ cười tươi rói, thoải mái luôn đọng trên môi với đôi mắt chứa chan tình cảm. Lớp học trò chúng tôi luôn quấn quýt bên anh, vì anh rất dễ gần. Tôi nhớ, năm 1950, cuộc thi tuyển sinh khóa đầu tiên, nỗi lo lắng hồi hộp của chúng tôi vụt tan khi bắt gặp nụ cười của anh trong buổi tuyên bố kết quả. Tuy chưa hiểu anh nhưng chúng tôi thấy rất gần gũi, thân thiết…

* Những bài học đáng nhớ nhất về nghề nghiệp ông được tiếp thu từ họa sĩ?
- Những ngày đầu vào học, chúng tôi còn bỡ ngỡ. Cầm bút chì vẽ còn chưa đúng cách, nói gì đến việc phát hình, dựng cốt so sánh tỷ lệ, nhận xét đậm nhạt. Anh kiên trì đi sát từng người, giảng giải những điều cơ bản rất dễ hiểu và luôn khuyến khích từng bước tiến nhỏ bé của mỗi người. Anh nêu phương pháp hình hoạ vẽ ba điểm chính là: tỉ lệ (so sánh to nhỏ), tính chất (của khối hình), phương hướng (của đường nét), đồng thời luôn có cái nhìn toàn thể, bộ phận này so với bộ phận khác, từng phần so với cái chung, không được sa lầy vào chi tiết mà phải vẽ liên tục, tự nhiên, nhẹ nhàng, một hơi từ đầu đến cuối…

Có khi thầy giảng bài ngay dưới bóng cây đa, bên lũy tre xanh, dưới hào trú ẩn hoặc trong những buổi họp rút kinh nghiệm chuyên môn ngoài cánh đồng. Thầy nói về nguyên tắc bố cục như thế nào, về sự tương phản, đường nét khối hình, sắc độ sao cho hòa hợp, cân xứng, chặt chẽ. Vấn đề vẽ tranh “đẹp mắt” hay “đẹp ý” cũng thường được bàn luận tới. Anh nhấn mạnh, “giản dị’’ là tính chất của thời đại ngày nay, là đỉnh cao của nghệ thuật, vì giản dị bao nhiêu thì càng khó bấy nhiêu, bởi nó đòi hỏi nhiều công phu, nhiều tìm tòi mới đi tới đích đó được.

Nói về cách điệu anh nêu những thí dụ nhỏ, dễ hiểu để chứng minh: giản đơn không có nghĩa là tước bỏ. Khi vẽ một anh bộ đội, ở mặt mũi, quần áo ta đã đơn giản bớt những nét thừa, nhưng cũng rất gần với sự thật, đến khi vẽ chiếc áo trấn thủ ta lại gạch những nét thẳng tắp như ổ quả trám đều đặn, như vậy sẽ không ăn khớp với cái chung, như thể vẽ hàng rào gắn vào người !

Ngay những chi tiết nhỏ trong vẽ trang trí cũng được anh giảng giải cẩn thận với nhận xét sâu. Như khi tập vẽ huân chương, bằng khen…chúng tôi thường vẽ ngôi sao “mập” quá, trông nặng mà thô. Anh chỉ cho cách vẽ ngôi sao năm cánh có sắc cạnh vừa độ, trông thật cứng rắn và khoẻ.

* Họa sĩ Tô Ngọc Vân thường lấy tranh của những họa sĩ nào để giảng giải cho học trò?
- Anh đánh giá rất cao Leonard de Vinci, ca ngợi ông như một nghệ sĩ hiện thực vĩ đại, có tài diễn đạt tâm lý nhân vật sâu sắc và rõ ràng. Anh ca ngợi tài sử dụng sáng tối để tạo chất, tạo không gian, không khí, “nặn hình nổi trong bóng tối’ của ông trong bức “La Joconde” với nụ cười bí ẩn của Mona Lisa… Anh luôn nhấn mạnh và nhắc nhở chúng tôi đi theo con đường hiện thực. Người vẽ cần rút ra trong những chi tiết xô bồ cái gì là chính yếu, những chi tiết nào nói lên được tính chất, tâm hồn, tư tưởng của sự sống. Anh nhắc lại lời nói của Delacroix (Pháp) rằng: “Thiên nhiên là một cuốn từ điển’’, có nghĩa là ta cần lấy chất liệu là sự vật để làm tài liệu sáng tác, chứ không phải bản thân nó đã là tranh, giống như từ điển để tìm danh từ, động từ…, chứ không thể chép lại thành bài văn.

* Với riêng ông, những bài học của thầy có ý nghĩa ra sao?
- Năm 1952, cả trường đi thực tế, vận động phong trào sản xuất và tiết kiệm đẩy mạnh kháng chiến ở Thái Nguyên. Tốp chúng tôi được anh đi hướng dẫn. Sống ở nhà dân, thời gian này là lúc có nhiều dịp thầy trò nói chuyện với nhau. Ngoài những vấn đề về chuyên môn, anh luôn ân cần giải đáp ngay những khúc mắc của chúng tôi. Đi vẽ trong xóm, chúng tôi thường chú ý đến hình, đến cách vẽ nhiều hơn là vẽ cho giống người mẫu. Thầy hướng dẫn chúng tôi phải dựa vào những điểm chính như hình khối, đường nét, “chất” của từng người, mức độ đậm nhạt khác nhau. Đối với tôi, những lời chỉ bảo của thầy những năm đầu thật quý giá. Sự thực, đó cũng là những nguyên tắc cơ bản, là chân lý nghệ thuật. Con đường nghệ thuật trong hội hoạ mà thầy mở ra cho tôi từ những ngày ấy đã luôn nhắc nhở tôi trong công việc, và ngày càng được củng cố trong tôi.

* Xin cảm ơn ông!



Giang Sơn

Báo Nhân Dân điện tử >> Văn hóa >> Diễn đàn - Thứ Sáu, 17/09/2010, 08:54:00

0 comments:

Một Tấm Gương Lao Động Sáng Tạo Nghệ Thuật - T.D.

Một Tấm Gương Lao Động Sáng Tạo Nghệ Thuật

T.D.
Trong lịch sử mỹ thuật cận hiện đại Việt Nam, Tô Ngọc Vân là một họa sĩ tài năng uyên bác, một cán bộ tổ chức đầy năng lực, một người thầy giỏi có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ nghệ sĩ và có tiếng vang đến người yêu chuộng nghệ thuật nước ngoài.
Tô Ngọc Vân sinh năm 1906 tại Hà Nội, quê gốc ở Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, tốt nghiệp khóa II, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1926-1931).
Là một người ham hiểu biết, năng động nên tuy sở trường là chất liệu sơn dầu nhưng ông cũng rất thành công cả về nề họa, khắc gỗ, tranh lụa, sơn mài và có biệt tài trang trí, trình bày bìa sách, minh họa báo ít người sánh kịp. Ông nghiên cứu tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, ấn họa Nhật Bản, thủy mặc Trung Hoa và rất thích Matisse, Gauguin, Cézanne, Van Gogh…Nhưng ảnh hưởng đậm nhất vào nghệ thuật của ông vẫn là trường phái ấn tượng. Tô Ngọc Vân đã tìm thấy ở đó những điều cần thiết cho sự sáng tạo nghệ thuật của mình.

Buổi trưa. 1943. Sơn dầu. 98x74cm.


Tiếp thu ảnh hưởng của trường phái ấn tượng có phương pháp khoa học, sáng tạo, kết hợp hài hòa với sự tinh túy của mỹ cảm phương Đông nên những tác phẩm của ông đạt đến trình độ hoàn hảo, ổn định và đã xác lập cho mình một bản lĩnh nghệ thuật không thể nào xáo trộn với bất cứ một họa sĩ nào khác.
Thời kỳ từ 1930 đến 1937, ông say mê nghiên cứu sự chuyển hóa màu sắc, ánh sáng thiên nhiên. Những tranh phong cảnh của ông như “Ánh sáng mặt trời”, “Bụi chuối ngoài nắng”, “Trời dịu”, “Thuyền trên sông Hương”, “Vịnh Hạ Long”, “Sư sãi Cao Miên đi khất thực”… đã làm người xem đương thời phải khâm phục. Vào thập niên bốn mươi ông chuyển sang chuyên vẽ về đề tài thiếu nữ với thân hình tròn lẳn, mềm mại, sắc màu rực rỡ, đã thực sự làm ông nổi tiếng. Ngày nay khi xem lại những bức tranh “Buổi trưa” (1936), “Thiếu nữ ngồi” (1941, “Thiếu nữ tựa kỷ” (1941), “Thiếu nữ với hoa sen” (1943), “Thiếu nữ bên hoa huệ” (1943), “Hai thiếu nữ và em bé” (1944), vẫn làm cho chúng ta ngây ngất trước nhịp điệu, đường nét, màu sắc, ánh sáng đồng nhất hòa quyện với nhau được thể hiện với một kỹ thuật sơn dầu điêu luyện “mà ít nghệ sĩ nào sánh kịp”.
Tuy nhiên ta cũng có thể thấy toàn bộ những tác phẩm trước Cách mạng tháng Tám của ông sáng tác theo quan điểm “Cái bí quyết của nghệ thuật ở sắc với hình”. Ông say mê đi tìm cái đẹp, một “Cái đẹp trong tranh không phải là cái đẹp ngoài đời”.

Tô Ngọc Vân - Thiếu nữ và hoa sen. 1943. Sơn dầu. 35x45cm



Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong sự nghiệp sáng tác của ông. Nhận thức rõ “văn nghệ sĩ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng” ông sáng tác những tranh cổ động “Phá xiềng”, “Việt Nam được giải phóng” đã tác động mạnh mẽ vào người xem. Năm 1946 bức sơn dầu “Bác Hồ làm việc ở Bắc Bộ phủ” được coi là đỉnh cao của nghệ thuật và là bước khởi đầu cho giai đoạn cách mạng mới của ông.

Tô Ngọc Vân - Bộ đội và dân công nghỉ trên đồi. 1953. Sơn mài. 35x45cm



Trong kháng chiến, ông đi khắp nơi, từ trung du Việt Bắc lên Tây Bắc làm trưởng đoàn văn hóa rồi phụ trách xưởng họa liên khu X, khi vẽ tranh cổ động, in tranh tuyên truyền, đóng kịch, hóa trang cho diễn viên, trang trí sân khấu, lo toan xây dựng lại trường mỹ thuật tiếp tục đào tạo thế hệ họa sĩ trẻ cho đất nước.
Sau nhiều năm hòa mình vào thực tế chiến đấu, sản xuất, thâm nhập vào đối tượng nghệ thuật mới: nông dân - công nhân - bộ đội, với một tinh thần trách nhiệm: “Nhận của nhân dân cơm áo, chúng ta phải trả lại nhân dân bằng hội họa” đã đưa lại cho Tô Ngọc Vân cảm hứng sáng tác những đề tài mới: “Hà Nội vùng lên” (sơn dầu, 1948), “Nghỉ chân bên đường” (sơn mài, 1948) “Chạy giặc trong rừng” (sơn mài, 1949) “Khi giặc đã qua (sơn mài, 1949), “Bác Hồ với thiếu nhi” (khắc gỗ, 1951)… cùng với rất nhiều tranh ký họa về cải cách ruộng đất, về những sinh hoạt của nhân dân, về Tây Bắc, về bộ đội.
Đặc biệt, nếu trước kia ông vẽ phụ nữ chỉ với quan niệm “Không có thứ nghệ thuật nào lại không có nhục cảm” thì bây giờ ông vẽ những người phụ nữ mới ở vùng giải phóng hoàn toàn khác với nét bút giản dị, tự nhiên, hiện thực, hình sắc tươi sáng, êm mát. Trong số đó có bức “Chị cốt cán” với dáng người đứng thẳng, khỏe mạnh, đeo túi dết, khuôn mặt trầm lắng toát lên tính cương trực, tin tưởng ở sức mình, được ông tâm đắc thổ lộ: “Đây là một bức tranh phụ nữ đẹp nhất của tôi từ trước tới nay”. Quan niệm về cái đẹp của họa sĩ đã thay đổi theo nhân sinh quan mới của mình.
Khát vọng “Sống, sống thêm! Sống thêm nữa với đau khổ hứng cảm của mọi người, rồi sáng tác và sáng tác với tất cả tấm lòng thiết tha yêu mến” lúc nào cũng cháy bỏng trong tâm hồn ông, thúc dục ông làm việc không biết mệt mỏi.
Ông đã hy sinh vào ngày 17-06-1954 trong một trận ném bom của máy bay giặc gần chiến trường Điện Biên Phủ với bức ký họa “Đèo Lũng Lô” còn đang dang dở. Để ghi nhớ những công lao của ông đã đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và xây dựng nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ông giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

T.D.

Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh >> Tạp chí >> Thông tin Mỹ thuật số 15-16 >> Một Tấm Gương Lao Động Sáng Tạo Nghệ Thuật

0 comments:

"Nghỉ chân bên đồi" - Sơn mài

buiduytam.com

Nghỉ chân bên đồi


Nghỉ chân bên đồi (35x50cm)


Tác giả: Tô Ngọc Vân
Chất liệu: Sơn mài
Kích thước: 35x50cm
Thời gian sáng tác:


1 comments:

Tô Ngọc Vân - Nhà danh họa khả kính - Đan Thanh

Tô Ngọc Vân - Nhà danh họa khả kính

Đan Thanh
Văn nghệ:
Tô Ngọc Vân (1906-1054), bút danh Tô Tử, Ái Mỹ, là người tỉnh Hưng Yên. Tốt nghiệp khóa 2 (năm 1931) trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương. Vừa ra trường, Tô Ngọc Vân đã đạt huy chương vàng ở Pháp với tác phẩm “Bức thư”, được tặng bằng khen. Họa sĩ đi dạy vẽ ở Phnom Pênh (1935-1939) Kampuchia, viết bài phê bình về mỹ thuật trên báo chí, cộng tác với báo Phong Hóa, Ngày Nay của Nhất Linh, báo Thanh Nghị. Trở về Hà Nội, ông làm giáo sư trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương và vẫn sáng tác cho tới năm 1945. Tham gia kháng chiến chống Pháp, được cử làm Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Việt Bắc. Họa sĩ sáng tác nhiều tác phẩm, tiêu biểu có:
+ Trước 1945: Thiếu nữ bên hoa huệ (1943), Thiếu nữ bên hoa sen (1944), Hai thiếu nữ và em bé (1944)… tất cả đều là tranh sơn dầu
+ Sau 1945: Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc bộ phủ (sơn dầu -1946), Nghỉ đêm bên đồi (sơn mài-1948), Hai chiến sĩ (màu nước-1949)… Và hàng trăm ký họa kháng chiến sống động, hiện thực.
Tô Ngọc Vân đạt Giải nhất Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 11/1954, nhận: 2 Huân chương và 2 Huy chương cao quí, nhận Thư khen (1952) và Áo tặng ( 1954) của Bác Hồ. Tô Ngọc Vân được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về Văn học Nghệ thuật (1996). Tô Ngọc Vân hy sinh (17.06.1954) tại chân đèo Lũng Lô khi đang thực hiện ký họa đoàn quân chiến thắng Điện Biên Phủ. Tô Ngọc Vân được lấy tên đặt cho nhiều con đường ở Việt Nam và đặt cho một miệng núi lửa trên Sao Thủy.


Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc bộ phủ (sơn dầu - 1946)



Cố Họa sĩ Tô Ngọc Vân sinh ra trong một gia đình lam lũ ở làng Xuân Cầu (còn gọi là Huê Cầu) – một làng có nghề nhuộm thâm nổi tiếng thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, từng đi vào thơ ca dân gian:
Ai về Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Đồng Tỉnh bán thuốc, Huê Cầu nhuộm thâm.
Nhà nghèo, thuở nhỏ cậu bé Tô Ngọc Vân phải sống nhờ người cô và quá tuổi mới được đi học. Vì yêu hội họa, đến năm thử 3 trung học, Tô Ngọc Vân bỏ học ngang ở trường để đi theo tiếng gọi của nghệ thuật. Là sinh viên giỏi của khoa sơn dầu trong thời gian theo học khóa 2 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương, vừa ra trường năm 1931, Tô Ngọc Vân đã có tác phẩm “Bức thư” (tranh lụa) đạt huy chương vàng của Hội các Họa sĩ Pháp (Association des Artistes Francais) trong cuộc triển lãm thuộc địa tại Paris (1931). Bức tranh đạt giải, họa sĩ vẽ những cô gái nông thôn, với vẻ đẹp thuần khiết, kín đáo đang miệt mài làm việc bên khung cửi. Dù đã đạt giải thưởng danh giá, song với xuất thân nghèo khó, ông vẫn phải đi dạy học thêm, vẽ tranh thuê, trình bày và minh họa cho một số tờ báo ở Hà Nội. Năm 1935 Tô Ngọc Vân được Pháp bổ nhiệm đi dạy ở Nam Vang (Phnom Pênh - Kampuchia). Thời gian giảng dạy tại nước bạn đã cho cố họa sĩ Tô Ngọc Vân nhiều vốn sống để sáng tác.

Hai thiếu nữ và em bé (1944)



Năm 1938, họa sĩ Tô Ngọc Vân mới trở lại Hà Nội. Tại thủ đô đất nước rồng bay, lúc đầu dạy tại trưởng Bưởi, qua năm 1939, Tô Ngọc Vân làm giảng viên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương cho đến năm 1945. Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra một chân trời mới, một hướng đi mới cho văn nghệ sĩ Việt Nam trong đó có họa sĩ. Cũng như nhiều nghệ sĩ yêu nước và giàu tinh thần dân tộc khác, Tô Ngọc Vân đã hăng hái đem hết tâm huyết, tham gia vào sự nghiệp giải phóng đất nước của toàn dân bằng kiến thức chuyên môn, nghề nghiệp của mình trong hoàn cảnh đặc biệt của nước nhà. Năm 1946, cùng với nhiều văn nghệ sĩ, Tô Ngọc Vân được cử lên Việt Bắc, công tác tại đội tuyên truyền xung phong, họa sĩ vẽ tranh cổ động tinh thần đấu tranh cách mạng cho quần chúng nhân dân, kẻ khẩu hiệu trên tường, tham gia hóa trang và phụ diễn trong đội kịch Tháng Tám. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, lòng yêu nghệ thuật, chan hòa quyện chặt với tình yêu đất nước thiêng liêng thể hiện qua lao động nghệ thuật và tinh thần đấu tranh cách mạng luôn như ngọn lửa hồng ngùn ngụt, bừng cháy trong tâm hồn người nghệ sĩ yêu nước Tô Ngọc Vân. Khi chính phủ có nghị định mở lại trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, tháng 10 năm 1950, họa sĩ Tô Ngọc Vân được cử làm Hiệu trưởng và trường Mỹ thuật chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Công hòa tại chiến khu Việt Bắc, khai giảng khóa học đào tạo chính quy đầu tiên có tên là Khóa Kháng chiến. Mục đích của trường là đào tạo lớp họa sĩ - cán bộ đem
“hội họa phụng sự nhân dân, làm đẹp cuộc đời của nhân dân, hướng dẫn để nâng cao trình độ hội họa của nhân dân…”,
bởi vì, chúng ta
“nhận của nhân dân cơm áo, chúng ta trả lại nhân dân bằng hội họa”.
(Bài: Người vẽ của Tô Ngọc Vân đọc tại lễ khai giảng Trường Mỹ thuật ở Nghĩa Quân, Phú Thọ, tháng 10 - 1950).
Phải nói rằng họa sĩ Tô Ngọc Vân là người đã góp công rất lớn trong việc tổ chức và xây dựng trường Mỹ thuật thời kháng chiến chống Pháp. Ở cương vị hiệu trưởng vừa là người thầy đứng lớp, ông đã chủ trì và hướng dẫn toàn bộ công tác chuyên môn và hoạt động của trường như lo thủ tục giấy tờ, mời giảng viên, biên soạn giáo trình vì bản thân ông là nhà giáo có nhiều kinh nghiệm. Sau 4 năm (1950-1954) do ông điều hành, trường Mỹ thuật Kháng chiến đã đào tạo được lớp hoạ sĩ có trình độ thẩm mỹ và chuyên môn căn bản về hội họa làm bệ phóng nghệ thuật cho thế hệ họa sĩ về sau.

Thiếu nữ bên hoa huệ (1943)



Nhìn lại tổng thể sáng tác mỹ thuật của Tô Ngọc Vân, ta thấy ông đặc biệt quan tâm đến kỹ thuật sơn dầu (oil technique) vẽ theo khuynh hướng hiện thực (realism). Đa phần những bức tranh nổi tiếng của Tô Ngọc Vân là tranh sơn dầu (oil painting) trong đó tác phẩm được nhiều người chú ý, ngưỡng mộ nhất là bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” (1943, trị giá 200 nghìn USD), minh họa cô gái ngồi vén tóc bên những đóa hoa huệ trắng muốt ngát hương. Không gian màu sắc chủ đạo của bức tranh là màu trắng tinh khôi của chiếc áo dài truyền thống và những bông hoa huệ trữ tình, đầy chất lãng mạn rất dễ gây nên xúc cảm cho người thưởng ngoạn. Điều làm người ta càng trân trọng tác giả là người phụ nữ trong tranh được mô tả với nét đẹp thuần khiết thanh cao đáng trân trọng - một họa phẩm hoàn toàn không gợi khêu chút khoái cảm nhục thể hoặc mang dáng vẻ kiêu kỳ, mơ hồ như cách thể hiện của một vài họa sĩ theo khuynh hướng hiện đại (modernism) như lập thể (cubism), trừu tượng (abtraction)… của các họa sĩ cùng thời. Tác phẩm “Dưới bóng nắng” vẽ người thiếu nữ lơ đãng nhìn mơ màng dưới hoa trong sóng nắng lung linh bên bờ ao. Cả những tác phẩm như “Thiếu nữ với hoa sen” (1944), “Hai thiếu nữ và em bé” (1944), Thiếu phụ ngồi bên tranh tam đa (1942), Buổi trưa (1936), Bên hoa (1942), …, Tô Ngọc Vân đều mô tả vẻ đẹp sáng trong, duyên dáng và lãng mạn của người phụ nữ thị thành - rất gần gũi với chân dung người đẹp trong thơ Huy Cận.
Nghỉ chân bên đồi



Cuộc Cách mạng tháng Tám thắng lợi, như một tiếng chuông thức tỉnh, như vầng dương trời đông làm bừng sáng tâm hồn con người trong đó có nghệ sĩ luôn nhạy bén trước mọi biến chuyển của thiên nhiên và lịch sử. Tô Ngọc Vân mạnh dạn đoạn tuyệt với đề tài cũ.

Nghệ sĩ bắt đầu vẽ những tác phẩm in đậm dấu ấn thời sự, mang hơi thở ấm nồng, màu sắc tươi sáng của đất nước, con người trong thời kỳ giải phóng dân tộc. Hàng loạt những tác phẩm mới ra đời: “Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc bộ phủ” (1946), “Con trâu quả thực” (1954), “Nghỉ chân bên đồi (sơn mài - 1948), Hai chiến sĩ (màu nước-1949)… và hàng trăm Ký họa kháng chiến. Những tác phẩm vẽ từ sau 1945 của Tô Ngọc Vân là những thước phim lịch sử bằng sắc màu ghi lại từng giai đoạn chuyển biến của xã hội và cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc. Bằng nét vẽ sinh động và những vệt màu đầy tính nghệ thuật, họa phẩm của Tô Ngọc Vân là biểu tượng chân dung vĩ đại, rực sáng của Hồ Chủ tịch - vị lãnh tụ tối cao của cuộc kháng chiến - và hình ảnh rực rỡ những chiến sĩ cách mạng tràn ngập khí phách anh hùng trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước. Chất trí tuệ thể hiện ở phong cách nghệ thuật cộng hưởng với phẩm chất nhân văn cao đẹp của nghệ sĩ còn được thể hiện trong từng nét vẽ nhanh nhẹn xuất thần ở những bức ký họa kháng chiến của nhà danh họa yêu nước. Quan sát kỹ lại những bức ký họa kháng chiến đậm tính thời sự của họa sĩ Tô Ngọc Vân để cảm nhận cái tài và cái tâm của tác giả, và cũng không tránh khỏi một thoáng ngậm ngùi cùng họa sĩ và những đối tượng được ghi lại trong tranh của nhà nghệ sĩ giàu cảm xúc, trong lòng đầy ắp tình người. Những nhân vật trong tranh ký họa của ông đều rất trong sáng, song có chút ưu tư thời cuộc, cho thấy ông không chỉ đích thực là một họa sĩ hàng đầu của nền nghệ thuật cách mạng mà còn là một nghệ sĩ hiện thực xã hội đáng kính, có một trái tim lớn trĩu nặng tình đất nước và tình người.

Tô Ngọc Vân là một nghệ sĩ lớn tài hoa bạc mệnh, đã cống hiến nhiều cho đất nước và nền nghệ thuật dân tộc nhưng cuộc đời của nghệ sĩ lại quá ngắn ngủi, để lại ngậm ngùi thương tiếc cho anh em đồng chí và nhân dân.

Mùa Xuân năm 1991, nhà thơ Tố Hữu, trong một lần về thăm gia đình Tô Ngọc Vân, nơi họa sĩ đã sống những năm tại phố Yết Kiêu - Hà Nội, đã xúc động viết nên những dòng thơ lục bát thống thiết, nhan đề:
Thăm nhà họa sĩ Tô Ngọc Vân

“Nhà anh cuối phố Yết Kiêu
Chợ ngồi rau quả sớm chiều ngoài hiên
Bán mua chào giá trao tiền
Ai hay anh tự cõi tiên nhìn đời
Phòng riêng chẳng lọt nắng trời
Trông lên chợt thấy tranh tươi bút thần
Dịu dàng người đẹp thanh tân
Nghiêng đầu bên huệ trắng ngần tương tư
Người hay mơ đó, thực hư ?
Năm mươi năm lẻ tưởng như còn nàng
Bâng khuâng lại nhớ đến chàng
Long lanh ánh mắt nở nang miệng cười
Tuyệt vời Tô Ngọc Vân ơi
Tàì hoa màu sắc cho đời nên tranh
Mũ vải mềm, mảnh áo xanh
Nẻo quê, xóm núi bóng anh đi về
Đường dài kháng chiến mải mê
Chân anh nào biết phút tê tái lòng
Anh đi để giọt máu hồng
Dáng anh lồng lộng cánh đồng Điện Biên”.

Những vần thơ tuyệt bút chứa chan tình cảm của Tố Hữu, lá cờ đầu thi ca cách mạng đã tôn vinh, ca ngợi thích đáng một nghệ sĩ đỉnh cao tài năng và nhân cách của nền nghệ thuật kháng chiến dân tộc.

20.06.2016
Đ. T

Báo Văn nghệ / Tin tức / Tư liệu / Chân dung văn nghệ sĩ - 10:05 12/07/2016.

0 comments:

Họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906-1954) - Hội mỹ thuật Việt Nam

Họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906-1954)

Hội mỹ thuật Việt Nam



TÔ NGỌC VÂN (sinh ngày 15-12-1906 tại Hà Nội, hy sinh ngày 17 tháng 6 năm 1954, tại km 41 Ba Khe, bên kia Đèo Lũng Lô), quê ông ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Thuở nhỏ, Tô Ngọc Vân là một cậu bé con nhà nghèo, quá tuổi mới được đến trường học chữ và rất yêu thích vẽ. Đang học trung học năm thứ 3, Tô Ngọc Vân bỏ học để đi theo con đường nghệ thuật. Năm 1926, ông trúng tuyển vào Trường Mĩ thuật Đông Dương.
Họa sĩ Tô Ngọc Vân


Những năm học ở đây, Tô Ngọc Vân hăng say tiếp nhận những kiến thức về nghệ thuật tạo hình mới của châu Âu, đặc biệt là lối sử dụng chất liệu sơn dầu. Năm 1931, Tô Ngọc Vân tốt nghiệp Trường Mĩ thuật Đông Dương. Năm 1932, tác phẩm Bức thư (tranh lụa) của ông được tặng bằng danh dự của Hội các hoạ sĩ Pháp và được thưởng huy chương vàng ở Triển lãm thuộc địa tại Pa-ri. Năm 1935, ông được bổ nhiệm đi dạy vẽ tại Phnôm Pênh (Cam-pu- chia). Tô Ngọc Vân là hoạ sĩ rất thành công với chất liệu sơn dầu. Tranh của ông không đơn thuần là sao chép vẻ đẹp thiên nhiên, mà qua đó ông đã gửi gắm nỗi lòng của người nghệ sĩ.

Thời kì đầu, chủ yếu ông hay vẽ mô tả vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ thị thành; những bức tranh nổi tiếng thời đó là: Thiếu nữ bên hoa huệ (1943), Hai thiếu nữ và em bé (1944), Thiếu nữ với hoa sen (1944)… Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã thức tỉnh và lay động tâm hồn người nghệ sĩ. Tô Ngọc Vân đoạn tuyệt với đề tài cũ, bắt đầu một giai đoạn mới trong sự nghiệp sáng tác của mình, mở đầu là bức tranh thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ phủ (1946).
Bức họa "Thiếu nữ bên hoa huệ" của Họa sĩ Tô Ngọc Vân



Từ đó, ông đi vào cuộc kháng chiến với tất cả những nỗi trăn trở day dứt của một người nghệ sĩ chân chính, đồng thời, đời sống thực tế của cuộc kháng chiến chống Pháp cũng đưa đến cho ông nhận thức mới về sự nghiệp nghệ thuật của dân tộc. Ông tham gia cải cách ruộng đất rồi đi chiến dịch, làm nhiệm vụ của một người chiến sĩ. Ông còn được giao trọng trách mở lớp vẽ để đào tạo ra nhiều cán bộ làm công tác mĩ thuật phục vụ cho công cuộc kháng chiến.

Ông từng là Trưởng đoàn Văn hóa kháng chiến Việt Bắc, Giám đốc Xưởng hoạ kháng chiến và Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mĩ thuật Việt Nam. Trong giai đoạn này, ông vẽ nhiều về người nông dân và chiến sĩ. Tô Ngọc Vân đã phát hiện được trong cái mộc mạc, giản dị của họ biết bao vẻ đẹp thiêng liêng và cao quý. Từ bức sơn mài Nghỉ chân bên đồi (1948), Hai chiến sĩ (1949) – màu nước, đến nhiều kí hoạ và phác thảo hoàn chỉnh được vẽ vào năm 1954 của ông như Đi học đêm, Con trâu quả thực, Lên đèo, Hành quân qua suối, Đèo Lũng Lô… với tình cảm cách mạng, ông đã xây dựng thành công hình tượng con người mới trong thời kì kháng chiến chống Pháp.


Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ Phủ – Tô Ngọc Vân



Gần đến ngày kết thúc cuộc kháng chiến gian lao và ác liệt, ông đã hi sinh tại chân đèo Lũng Lô (chiến dịch Điện Biên Phủ) trong lúc sự nghiệp sáng tác của ông đang rực rỡ. Toàn bộ các tác phẩm ông vẽ trong chiến dịch Điện Biên Phủ được trao giải nhất tại Triển lãm Mĩ thuật Toàn quốc tháng 11-1954 ở thủ đô Hà Nội. Nhiều tác phẩm của Tô Ngọc Vân được lưu giữ ở Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam và trong các bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước. Tô Ngọc Vân được Nhà nước truy tặng danh hiệu Liệt sĩ. Thi hài của ông được mai táng tại nghĩa trang Mai Dịch. Khoá học 1955 – 1957 của Trường Cao đẳng Mĩ thuật Việt Nam mang tên “Tô Ngọc Vân”. Tên ông còn được đặt cho một đường phố ở thủ đô Hà Nội và ở Thành phố Hồ Chí Minh.

"Đốt đuốc đi học" – Tô Ngọc Vân



Trong quá trình công tác ông đã được tặng Huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương kháng chiến hạng Nhì; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mĩ thuật Việt Nam; thư khen của Bác Hồ (1952) và chiếc áo Bác Hồ tặng (1954). Năm 1996 ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I cho các tác phẩm: Bác Hồ làm việc ở Bắc Bộ Phủ – Sơn dầu (1946); Hồ Chủ tịch làm việc – Khắc gỗ – 60x40cm (1947); Bộ đội nghỉ chân bên đồi – Sơn mài – 35×49,7cm (1948); Xưởng quân giới – Sơn dầu – 40x50cm (1951); Bừa trên đồi – Bột màu (1953); Bộ tranh ký hoạ về nông dân cải cách ruộng đất (1953); Bộ tranh ký hoạ về bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).

www.vietnamfineart.com.vn


Hội mỹ thuật Việt Nam -

0 comments:

Họa sĩ Tô Ngọc Vân | 1908 - 1954 (Phạm Phúc - Vietnam arts)

Họa sĩ Tô Ngọc Vân | 1908 - 1954

Phạm Phúc - Vietnam arts

Tài năng của Tô Ngọc Vân được đánh giá cao ngay từ thời thuộc Pháp, mà ví dụ tiêu biểu là việc ông đoạt Huy chương Vàng ở Triển lãm thuộc địa Paris năm 1931. Sau Cách mạng Tháng Tám, uy tín của ông càng lên cao với việc ông được chính thể mới tin tưởng giao nhiệm vụ làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vân đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Sau đây là một số mẩu chuyện liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của ông...

Bức họa "Thiếu nữ bên hoa huệ" của Họa sĩ Tô Ngọc Vân



Số phận long đong của "Thiếu nữ bên hoa huệ"


Kiệt tác "Thiếu nữ bên hoa huệ" được Tô Ngọc Vân sáng tác vào năm 1943, khi ông đang giảng dạy tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Nguyên mẫu của bức tranh là cô Sáu, người từng nhiều lần xuất hiện trong tác phẩm của Tô Ngọc Vân, trong đó có bức "Thiếu nữ với hoa sen". Không chỉ "hợp tác" với Tô Ngọc Vân, cô Sáu còn là người mẫu cho nhiều họa sĩ nổi tiếng thời bấy giờ, như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị...

"Thiếu nữ bên hoa huệ" mô tả cảnh một thiếu nữ mặc áo dài trắng đang nghiêng đầu một cách đầy duyên dáng, khơi gợi... về phía lọ hoa huệ trắng. Hình dáng cô gái kết hợp với những chi tiết và màu sắc xung quanh tạo thành một hình khối giản dị, toát lên một nét buồn dịu nhẹ. Những bông huệ cắm trong lọ bên cô gái không phải là loại hoa huệ bông nhỏ mà ta thường dùng trong các ngày rằm mà là hoa huệ tây (được gọi phổ biến dưới cái tên hoa loa kèn). Điều này lý giải cho câu hỏi: Vì sao bức tranh rành rành tên gọi "Thiếu nữ bên hoa huệ" song những bông hoa trong bình lại là hoa… loa kèn.

Với bố cục chặt chẽ, hoàn hảo, cách sử dụng màu điêu luyện, "Thiếu nữ bên hoa huệ" đã thể hiện được cái mềm mại gợi cảm ở đường cong trên đùi thiếu nữ và nhất là cách dùng dao gạt bớt lớp sơn phía trên để lộ ra lớp sơn hồng bên dưới tạo nên sắc ửng hồng trên má thiếu nữ… Ngay trong lần triển lãm đầu tiên tại Hà Nội, bức họa đã được nhiều người chú ý. Năm 1945, "Thiếu nữ bên hoa huệ" được trưng bày tại Nhà Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội) cùng với tranh của Nguyễn Đỗ Cung, Lê Văn Đệ… Bác Hồ đã đến xem triển lãm này. Tại triển lãm, đã có hai người khách Nhật Bản ngỏ lời mua bức tranh, nhưng tác giả từ chối không bán.

Kiệt tác "Thiếu nữ bên hoa huệ" quả là có số phận của một "hồng nhan đa truân". Theo GS-TS Tô Ngọc Thanh, trưởng nam của họa sĩ Tô Ngọc Vân kể lại thì: "Khi gia đình đi kháng chiến, bức tranh được để lại trong nhà chúng tôi ở ngõ Trại Khách, phố Khâm Thiên, nay là ngõ Thổ Quan. Đến khi hòa bình trở về Hà Nội thì nó đã trở thành sở hữu của nhà sưu tập nổi tiếng Đức Minh. Ông Đức Minh nói là ông mua lại bức tranh từ một người khác".

Bốn năm sau ngày tác giả bức vẽ hy sinh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mượn "Thiếu nữ bên hoa huệ" từ bộ sưu tập của nhà sưu tập Đức Minh để đưa đi tham gia "Triển lãm mỹ thuật 12 nước XHCN" tổ chức tại Liên Xô, Hungary, Ba Lan, Rumani… Đây là lần đầu tiên "Thiếu nữ bên hoa huệ" được "xuất ngoại". Ngay lập tức, Tô Ngọc Vân được báo chí của những nước này ca ngợi như một hiện tượng của hội họa Việt Nam.

Sau khi triển lãm kết thúc, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có nhờ họa sĩ Nguyễn Văn Thiện chép lại bức tranh và treo ở đây, nhưng không ghi chú là tranh chép. Sau năm 1990, phiên bản này mới được gỡ bỏ bởi nỗ lực chỉ treo tranh bản chính của bảo tàng.

Theo một tài liệu thì năm 1965, nhà sưu tập Đức Minh có nhã ý nhượng toàn bộ số tranh, trong đó có "Thiếu nữ bên hoa huệ" cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chỉ với điều kiện: Lập một gian trưng bày riêng, ghi rõ xuất xứ tranh của nhà sưu tập Đức Minh tặng bảo tàng. Hẳn vì quan niệm "không dính líu với tư sản" nên Bảo tàng đã từ chối đề nghị này.

Sau khi ông Đức Minh tạ thế (vào năm 1983), bộ tranh được chia cho các con ông hưởng quyền thừa kế. Có người giữ được, nhưng cũng có người đem bán.

Họa sĩ Tô Ngọc Thành, con trai thứ của nhà danh họa cho biết: Khi nhận được tin về việc bức tranh nổi tiếng của bố mình sẽ được bán đấu giá, lo sợ bức tranh bị đưa ra nước ngoài, ông đã báo cho các cấp quản lý có liên quan biết, nhưng không thấy ai hồi âm (có lẽ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không dám mua vì theo quy định lúc đó, giá cao nhất dành cho một bức tranh chỉ là 2.000USD). Thế là kiệt tác nghệ thuật này lọt ra nước ngoài... Cũng theo ông Thành, trong cuốn "100 năm mỹ thuật đương đại Việt Nam" do gallery Đông Sơn của ông Hà Thúc Cần ấn hành tại Singapore có in ảnh bức "Thiếu nữ bên hoa huệ". Đây là bức sao chụp từ bản gốc. Còn thì tuyệt đại đa số các bức "Thiếu nữ bên hoa huệ" mà người Việt Nam ta được... chiêm ngưỡng, thưởng thức từ mấy chục năm nay (cả bức in trên logo triển lãm nhân 100 năm sinh Tô Ngọc Vân) cũng chỉ là... tranh chép, trong đó có những phiên bản không đồng nhất.

Hết lòng vì học trò


Trên cương vị là thầy dạy vẽ của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (thời kỳ trước Cách mạng), hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam (thời kỳ sau Cách mạng), họa sĩ Tô Ngọc Vân đã có ảnh hưởng lớn đối với nhiều họa sĩ có tên tuổi của Việt Nam...

Họa sĩ Ngô Mạnh Lân, người từng được họa sĩ Tô Ngọc Vân trực tiếp giảng dạy sau này có kể lại: "Nói về cách điệu, anh nêu những thí dụ nhỏ, dễ hiểu để chứng minh: giản đơn không có nghĩa là tước bỏ. Khi vẽ một anh bộ đội, ở mặt mũi, quần áo ta đã đơn giản bớt những nét thừa, nhưng cũng rất gần với sự thật, đến khi vẽ chiếc áo trấn thủ ta lại gạch những nét thẳng tắp như ổ quả trám đều đặn, như vậy sẽ không ăn khớp với cái chung, như thể vẽ hàng rào gắn vào người! Ngay những chi tiết nhỏ trong vẽ trang trí cũng được anh giảng giải cẩn thận với nhận xét sâu".

Có một chuyện mà nếu các học trò của Tô Ngọc Vân không nói ra, hẳn ít người biết: Khóa đào tạo hội họa và âm nhạc của chính phủ kháng chiến trên chiến khu Việt Bắc đến cuối năm 1951 thì hết kinh phí. Trong khi trường nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu làm hiệu trưởng phải giải tán, thì Tô Ngọc Vân, trên cương vị hiệu trưởng trường họa lại có cách giải quyết khác. Ông bàn với vợ, nhà còn mấy cây vàng bán đi để nuôi học trò học tiếp thêm một năm cho trọn khóa...

Không dưng mà khóa học ấy sau này được nhiều người nhắc tới với cái tên gọi đầy yêu thương trìu mến "Khóa hội họa Tô Ngọc Vân".

Người ngã xuống sát ngày đình chiến


Đến nay, nói về cái chết của họa sĩ Tô Ngọc Vân, nhiều người chỉ biết đại khái là ông hy sinh vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, trong khi đang vẽ tranh về các chiến sĩ Điện Biên Phủ chiến thắng trở về. Thực tế thì cái chết của nhà danh họa diễn ra thật xót xa, bi tráng. GS-TS Tô Ngọc Thanh, người từng trực tiếp cải táng cha mình đã kể lại: Khi ông đang dạy học ở Bắc Giang thì nhận được tin cha mình bị trúng bom trên đèo Lũng Lô, Yên Bái. Bấy giờ tuy ta đã chiến thắng vang dội tại chiến trường Điện Biên Phủ, song Hiệp định Geneve vẫn chưa được ký nên cuộc chiến, trong thực tế vẫn chưa thể chấm dứt.

Trưa ngày 17/6/1954, họa sĩ Tô Ngọc Vân cùng đoàn văn nghệ sĩ đi chiến dịch trở về, đang hý hoáy ký họa chân dung một cụ già người Tày trong một căn nhà sàn ở lưng đồi thì một loạt bom nổ dữ dội gần đó đã khiến một hòn đá đập trúng người ông (sau này kiểm điểm lại thì do một toán dân công khi qua đèo đã sơ ý nấu cơm lộ khói khiến máy bay Pháp phát hiện ra, ập đến giội bom). Sau vụ đánh phá này, hơn một trăm dân công chết tại chỗ. Họ được chôn chung một hố. Tô Ngọc Vân được cụ già người Tày chôn riêng bên bờ suối.

Nhận được hung tin, Tô Ngọc Thanh đã hối hả đạp xe vượt hàng trăm cây số đến nơi. Khi ấy, cha ông đã chôn được hơn mười ngày. Phần vì lo mộ cha đặt bên suối, sau này có nguy cơ bị lũ cuốn, phần vì bán tín bán nghi không rõ người dưới mộ có phải cha mình không, Tô Ngọc Thanh đã đau đớn đào mộ lên. Sau khi nhận diện đó đích thực cha mình, ông đã chôn cất cha trên đỉnh một quả đồi gần đó. Một năm sau, cơ quan cho bốc mộ Tô Ngọc Vân, đưa về an táng tại nghĩa trang Hợp Thiện (nằm cạnh đường đi Hà Đông, nay là phố Nguyễn Trãi). An táng chưa được lâu, người ta dọn mặt bằng xây nhà máy, hài cốt nhà danh họa lại được chuyển lên nghĩa trang Mai Dịch, khi đó dùng để mai táng những người hy sinh trong đêm 19/12/1946. Một thời gian sau đó, nghĩa trang Mai Dịch được xây mới, nâng cấp thành nghĩa trang quốc gia, mộ họa sĩ lại được đặt ở chỗ khác trong khu cho hợp với quy hoạch

"Đốt đuốc đi học" của họa sĩ Tô Ngọc Vân
(1954, thuốc nước. Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam)


"Hai chiến sĩ" tranh Tô Ngọc Vân



"Làng quê" tranh Tô Ngọc Vân



Tranh lụa Tô Ngọc Vân





Vietnam arts | Vietnam antiques -

0 comments:

TÔ NGỌC VÂN - Art Ly

Tô Ngọc Vân

Art Ly

Tô Ngọc Vân (1906 – 1954) quê ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, Huyện Văn Giang, tỉnh hưng Yên. Ông sinh ra tại Hà Nội ngày 15 tháng 12 năm 1906.

Thuở còn là một cậu bé con nhà nghèo, Tô NgọcVân phải đến sống nhờ nhà bà cô, quá tuổi mới được đến trường học chữ. Tuổi thơ khắc nghiệt đã sớm tạo cho ông ý chí tự lập.

Năm 1926 sau khi học hết năm thứ ba trường Bưởi, ông thi đỗ vào khóa II của trường Cao Đẳng Mĩ Thuật Đông Dương.

Năm 1931 Tô Ngọc Vân tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mĩ Thuật Đông Dương.

Từ năm 1935 đến 1939 ông được bổ nhiệm đi dạy ở trường Sisovath (Cam-pu-chia), trong khoảng thời gian này ông vẽ nhiều về phong cảnh đất nước Cam-pu-chia nhất là cảnh chùa và các sư.

Năm 1939 ông về nước và là giáo sư của trường Cao Đẳng Mĩ Thuật Đông Dương., vừa dạy vừa vẽ tranh. Có thể nói thời gian từ 1935 đến 1945 là giai đoạn vàng trong sáng tác nghệ thuật của ông. Nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông được ra đời trong thời kì này như:
- Thuyền Trên Sông Hương (sơn dầu – năm 1935)
- Thiếu nữ trước tranh tam đa (năm 1941)
- “Dưới bóng nắng”, “Thiếu nữ bên hoa huệ” (năm 1943)
- “Hai thiếu nữ và em bé”, “Buổi chưa”, “Thiếu nữ với hoa sen” (năm 1944)…
Ngoài ra còn nhiều tranh kí họa và tranh sơn dầu vẽ chân dung thiếu nữ khác. Có thể nói thời kì này Tô Ngọc Vân say mê với vẻ đẹp của người thiếu nữ Hà Thành. Ông mê mải với cái đẹp của hình và sắc, trau chuốt từng nét bút, những đường cong mềm mại ôm gọn thân hình tròn căng, đầy đặn của người phụ nữ. Dưới bàn tay tài hoa và điêu luyện của ông, hình tượng người phụ nữ hiện ra với tất cả vẻ đẹp trong nhiều dáng khác nhau vô cùng phong phú và sống động. Tác phẩm “Hai thiếu nữ và em bé” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông.

Giai đoạn thứ hai trong sáng tác của Tô Ngọc Vân là giai đoạn sau Cách Mạng tháng Tám năm 1945 đến lúc ông hi sinh năm 1954.

Giai đoạn này đánh dấu sự chuyển mình trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của ông. Nếu trước Cách Mạng ông cho rằng họa sĩ không quan tâm đến điều gì ngoài hình và sắc, thì nay quan niệm đó đã thay đổi. Nghệ thuật thời kì này của Tô Ngọc Vân hướng tới đối tượng mới, vẻ đẹp mới. Đó là con người và thực tế cuộc sống thời kháng chiến chống pháp của dân tộc ta. Đó là “Cô gái thái dạy học”, “Chị cốt cán”, “Tôi có ý kiến”, “Xưởng quân giới”, “ Hành quân qua suối”, “Đốt đuốc đi học”….Tranh kí họa của ông đã khắc họa hình ảnh, chân dung con người thời chống Pháp một cách chân thực, đầy xúc động. Hình tượng người phụ nữ trong tranh ông thời kì này vẫn là hình ảnh tập trung nhất. Vẻ đẹp ở đây là vẻ đẹp của người phụ nữ mới, được giải phóng và làm chủ vận mệnh của mình. Không phải là người phụ nữ yểu điểu tha thướt, quẩn quanh trong gia đình nữa mà là hình ảnh người phụ nữ tham gia công tác xã hội, tham gia kháng chiến. Vẫn là vẻ đẹp của hình, nét, vẫn là người phụ nữ duyên dáng song cái đẹp gắn với công việc cách mạng, đi học, đi đấu tranh… Do đó, cái đẹp còn mang vẻ rắn rỏi, khỏe mạnh.

Năm 1946, Tô Ngọc Vân cùng Nguyễn Đỗ Cung và nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim được vào phủ chủ tịch để vẽ và nặn tượng Bác Hồ. Họa sĩ Tô Ngọc Vân đã có tác phẩm “Hồ Chủ tịch ở Bắc Bộ Phủ” bằng chất liệu sơn dầu. Bức tranh đã được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội.

Khi trường Mĩ thuật kháng chiến được thành lập, ông được cử làm hiệu trưởng. Ông là một người thầy giỏi, mẫu mực.

Năm 1952, ông nhận được thư khen của Bác Hồ và năm 1954 được Bác Hồ tặng áo kỷ niệm (hiện lưu giữ ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam).

Tháng 4-1954, ông được lệnh lên đường đi Điện Biên Phủ. Trên đường ra trận, ông đã vẽ nhiều ký họa về bộ đội, dân công, phong cảnh và con người các dân tộc Tây Bắc: Giáo viên người Thái, Cô gái dân tộc Mèo, Ba cô gái Thái, Cho ngựa ăn.

Ngày 17-6-1954 ông đã hy sinh tại cây số 41 Ba Khe, khi ông đã vượt qua đèo Lũng Lô. Chiếc cặp vẽ mà ông đem theo đi chiến dịch đã có nhiều ký họa dọc đường như: Trú quân, Hành quân qua suối, Lên đèo, Qua đèo Lũng Lô, Chuẩn bị lên đường. Đặc biệt trong đó có bức ký họa chì Đèo Lũng Lô được ghi ở góc ngày 15-6-1954, có thể đó là bức tranh cuối cùng trong cuộc đời sáng tác của ông.

Danh họa Tô Ngọc Vân đã hy sinh trong khi đang sáng tác tại chiến trường. Lịch sử dân tộc và lịch sử Mỹ thuật ghi danh ông bởi nhân cách tỏa sáng của một họa sĩ bậc thầy và người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng trong kháng chiến chống Pháp năm xưa.




“Thiếu nữ bên hoa huệ”






















FB Art Ly - 15 Tháng 4, 2016.

0 comments:

"Cụ Phạm Văn Thự - Lạng Sơn - ủng hộ thương binh hai vạn đồng" - Eye Art Gallery

Eye Art Gallery

Cụ Phạm Văn Thự - Lạng Sơn - Tuy nghèo nhưng đã ủng hộ thương binh hai vạn đồng


Painting name: Painting No.712 (#712)
Artist: To Ngoc Van
Material: Water colour on paper
Color: Mixed Warm
Size(WxH): 42cm x 32cm
Weight: 1.00kg
Price: US$ 4,000.0

0 comments: