MỘT DÒNG CHẢY TRONG LỊCH SỬ MỸ THUẬT HIỆN ĐẠI VIỆT NAM
Nguyễn Hải Yến
(Nhà nghiên cứu Mỹ thuật)
(Nhà nghiên cứu Mỹ thuật)
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam do họa sĩ – nhà nghiên cứu Nguyễn Đỗ Cung sáng lập năm 1966, là nơi trưng bày giới thiệu các bộ sưu tập quý về nghệ thuật tạo hình cổ đại, hiện đại Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước.
Bộ sưu tập những tác phẩm tạo hình hiện đại và đương đại trong Bảo tàng do nhiều thế hệ họa sĩ vun đắp, sáng tác, hình thành diện mạo riêng trong khu vực mỹ thuật Đông Nam Á.
Để có được những bộ sưu tập quý giá tồn tại trong dòng chảy của lịch sử Mỹ thuật hiện đại Việt Nam qua bao thăng trầm biến động trong đời sống văn hóa – xã hội, các chuyên viên nghiên cứu của Bảo tàng đã tổ chức nhiều chuyến đi sưu tầm tác phẩm trong các cuộc triển lãm lớn, trong sưu tập tư nhân và gia đình nghệ sĩ, mở nhiều cuộc hội thảo khẳng định một nền nghệ thuật tạo hình hiện đại qua những tác phẩm còn lại đến nay.
Cuối thế kỷ XIX, trên thế giới có cuộc phân hóa lớn trong nghệ thuật với những biến thiên về màu sắc hình thể và các khuynh hướng sáng tác. Nước Pháp - trung tâm của nghệ thuật - đã bước vào cuộc phân hóa đó với nhiều khuynh hướng nghệ thuật khác nhau. Việt Nam - được chú ý đến như một miền đất lạ nguyên sơ không bị ràng buộc bởi những chuẩn mực mỹ học duy lý châu Âu kinh điển - đã cuốn hút nhiều họa sĩ, trong đó có họa sĩ Victor Tardieu, người sau này sáng lập ra trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội năm 1925, đặt nền móng cho nền nghệ thuật tạo hình cận đại Việt Nam.
Cuộc đụng chạm giữa hai quan niệm nghệ thuật Á –Âu: Một bên đi tìm cảm giác trong những nét ước lệ, những trống vắng trên mặt tranh, từng vệt màu phóng đãng lan tỏa của nghệ thuật Trung Hoa – Nhật Bản; một bên lại làm quen để tiếp dần đến những luật lệ nghiêm ngặt của phép diễn màu diễn hình viễn cận phương Tây khoa học duy lý. Chính cái nghịch lý này đã đem lại một kết quả hữu hiệu trong việc hình thành một mô hình thẩm mỹ mới: Mỹ thuật Việt Nam hiện đại với đầy đủ tiếng nói ở các loại hình hội họa, điêu khắc, đồ họa, tạo dáng công nghiệp, thẩm mỹ môi trường.
Từ những năm 30 của thế kỷ XX, các nghệ sĩ Việt Nam đã kiên trì thể hiện nhằm định ra được phong cách riêng trong từng thể loại. Hội họa màu dầu được làm quen từ cuối thế kỷ XIX với họa sĩ Lê Huy Miến, Thang Trần Phềnh, Nam Sơn; nhưng đến những năm 30 – 40, tên tuổi các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Đỗ Cung… mới bật lên trong đội ngũ những người đi tiên phong. Kỹ thuật màu dầu của họ mang sắc thái cá nhân rõ nét, tinh tế trong sử dụng màu sắc ấn tượng, cảm xúc lãng mạn trong thể hiện hình hài thiếu nữ của một thời Hà Nội xưa cũ, thiên nhiên Việt Nam diệu kỳ tràn ngập nắng gió miền nhiệt đới… đã góp vào sự thành công trên nhiều tác phẩm có giá trị đến hôm nay.
Các thế hệ họa sĩ cận đại còn tìm ra được những biến ảo của chất liệu sơn ta cổ truyền, sơn ta đã được sử dụng như một chất liệu hội họa. Những tranh sơn mài lộng lẫy đề tài thơ mộng lãng mạn dưới bàn tay họa sĩ điêu luyện Phạm Hậu, Nguyễn Khang, Lê Quốc Lộc, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Văn Tỵ đã làm sống lại thế giới vàng son ngàn năm tĩnh lặng. Đặc biệt, những tranh sơn mài công phu hấp dẫn tài hoa của Nguyễn Gia Trí từ sơn đen (then), đỏ (son), vàng quỳ, bạc quỳ đã chung sống với vỏ trứng - một chất liệu được Gia Trí chú tâm ứng biến qua nhiều cấp độ: đập vụn, tung vãi, dồn nén, quy tụ, nhảy nhót tưng bừng trên tà áo dài thiếu nữ hiện thân của khát vọng tự do yêu đương mộng mơ, là đỉnh cao của hòa sắc liêu trai.
Một thành công nữa về sử dụng chất liệu trong truyền thống hội họa cận đại là tranh lụa với sự đóng góp của danh họa Nguyễn Phan Chánh ngay từ buổi đầu năm 1930 đã định ra rằng: Bản chất lụa mềm mại trong sáng nên phải diễn tả vẻ tươi đẹp hài hòa với màu sắc tinh khiết nhã nhặn. Một phương pháp diễn hình được nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam vẽ theo phương pháp Nguyễn Phan Chánh là ít dùng màu trên tranh mà tạo sự phong phú bằng độ âm vang của sắc, khối chủ là gợi tả với một bảng màu thật nhẹ nhàng ý nhị, màu sắc không chuyển tiếp đột ngột ứ tràn khỏi đường viền hình họa. Tranh Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Lê Thị Lựu, Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Văn Long, Tôn Thất Đào… gợi nhớ một vẻ đẹp Á Đông thơ mộng gợi tình, gợi cảnh, miên man trong kỷ niệm xưa của mỗi gia đình Việt Nam.
Các tác phẩm ra đời ở giai đoạn hiện đại đương đại, sau thời kỳ đổi mới 1986, được các thế hệ họa sĩ cả nước kế tục sáng tác, trong đó xu hướng xã hội thời đại như một định hướng sáng tác nhất quán với trào lưu nghệ thuật hiện thực được giải trình bằng một kỹ thuật hội họa độc đáo kết nối xưa – nay, cổ điển – hiện đại, để nói lên sức vận động của nghệ thuật mới trong cái nhìn đa chiều, tổng hòa các mối quan hệ xã hội – một đặc thù của văn hóa, trong đó có nghệ thuật tạo hình. Bởi trong xu thế phát triển hiện nay trên thế giới, việc các quốc gia dân tộc hòa nhập vào dòng chảy chung của cộng đồng nhân loại về văn hóa nghệ thuật đã trở thành một hiện tượng phổ quát có tính quy luật không thể đảo ngược. Và nghệ thuật với bản chất của nó cũng không bao giờ đứng yên mà luôn hiện diện trong những lần tiếp xúc.
Bộ sưu tập tác phẩm hội họa hiện đại, đương đại đổi mới của Bảo tàng Mỹ thuật hiện đang trưng bày là một bằng cứ cho sự lựa chọn trên bình diện tự nhiên của quy luật nghệ thuật trong tuyên truyền với công chúng yêu mỹ thuật Việt Nam.
Trên đường biên tiếp dẫn đến trào lưu đổi mới, thế hệ các họa sĩ tài năng mỹ thuật Đông Dương đã mở đầu cho ý tưởng này khi tìm thấy trên sơn mài truyền thống đủ sức chuyên chở ngôn ngữ của nghệ thuật hiện đại. Nguyễn Gia Trí, người cách tân sơn mài truyền thống tạo hình mỹ thuật, lại tuyên bố: “Tôi chỉ nhớ những tranh trừu tượng của tôi thôi vì nó là unique (duy nhất). Tôi vẽ nó bằng chính ruột gan tôi không có sự can thiệp nào của ngoại vật… Sự imitation (mô phỏng bắt chước) đã làm mất bản thân tôi quá nhiều”. Nguyễn Sáng ở những tác phẩm sử thi Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, Giặc đốt làng tôi mang khuynh hướng biểu hiện rõ nét. Nguyễn Tư Nghiêm chìm đắm trong không gian kỷ hà Đông Sơn tiền sử qua các tranh Thánh Gióng. Tô Ngọc Vân phát biểu “Cái đẹp trong tranh không phải là cái đẹp ngoài đời”; tương tự như quan niệm của Picasso “Tôi không tìm, nhưng tôi thấy”. Nguyễn Đỗ Cung tìm đến lập thể cũng như Tạ Tỵ trên những tranh sơn dầu nguyên khối trong tư duy mẫu mực, hàn lâm.
Thế hệ họa sĩ thập niên 90 đã mở đầu cho tiếp biến nghệ thuật mới từ các trường lao đó, tạo thành một diện mạo mới cho hội họa Việt Nam: Nhóm sơn ta Nguyễn Trường Linh, Đinh Quân, Bùi Hữu Hùng đã đẩy sơn mài lên một khái niệm mới; nhóm sơn dầu hòa vào dòng chảy khuynh hướng hiện đại với các họa sĩ đã khẳng định được tên tuổi: Văn Dương Thành, Đặng Xuân Hòa, Lê Huy Tiếp, Đào Hải Phong, Lê Thiết Cương, Hồng Việt Dũng, Lê Thanh Sơn. Họ đã làm phong phú thêm bộ sưu tập tác phẩm tạo hình đương đại trong Bảo tàng Mỹ thuật với từng phong cách hội họa riêng khi tiếp xúc đầu thế kỷ XX và tiếp biến cuối thế kỷ XX với thế giới để tạo thành một khoảng không gian nghệ thuật Việt Nam mẫu mực – biến điệu cùng hiện hữu bền vững.
Nguyễn Hải Yến
(Nhà nghiên cứu Mỹ thuật)
Nguồn: Tạp chí Quê Hương trên Internet - 20/02/2018 10:19:00 AM(Nhà nghiên cứu Mỹ thuật)
1 comments: