Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2019

Trích "Hồi Ký — Thời Thơ Ấu - Vào Đời"- Chương 14 - Phạm Duy

Trích "Hồi Ký — Thời Thơ Ấu - Vào Đời"- Chương 14

Phạm Duy


[...]
Một hôm, tôi đi coi triển lãm tranh. Tôi sực nhớ tới những tranh tôi vẽ lúc còn bé, phỏng theo tranh Đông Hồ với cô gái hứng dừa hay đám cưới chuột. Hoặc vẽ hình Mickey phỏng theo truyện bằng tranh của báo Pháp. Rồi khi lớn lên và đọc báo Phong Hoá, thấy tranh minh hoạ cho tiểu thuyết của hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ theo lối tranh gỗ rất đẹp thì tôi cắt ra và dán vào album. Tôi còn cao hứng vẽ truyền thần ông Cả Bịp, Cậu Xuân hay Bà Ấm Chung nữa. Người trong tranh trông cũng khá giống người mẫu. Mẹ tôi khen con trai út là có hoa tay (!). Nguyên cái truyện Tú Uyên với người đẹp trong tranh bước ra cũng đủ làm tôi mê hội hoạ rồi ! Tôi cũng nhớ tới lời nhận xét cách đây mấy năm của người anh rể họ xa là Đỗ Mộng Ngọc tức hoạ sĩ Côn Sinh. Khi coi các ''tác phẩm'' của tôi, anh Ngọc khuyên :

-- Chú Cẩn có vocation về vẽ đó ! Nên đi học beaux arts.

Thế là tôi quyết định ghi tên vào học Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (Ecole Des Beaux Arts). Rồi với sự đồng ý của mẹ, tôi xách va ly tới trọ nhà bà vợ thứ của ông Bùi Kỷ tại khu chợ Hôm. Nói là trọ nhưng trong thực tế, tôi được bà Bùi cho ăn ở không phải trả tiền. Hoặc là giữa mẹ tôi và bà có sự chơi họ hay góp tiền làm ăn gì đó, hoặc là giá sinh hoạt lúc bấy giờ tại Hà Nội cũng chẳng đắt đỏ gì cho lắm, tôi được bà Bùi Kỷ nuôi ăn nuôi ở để hằng ngày đáp xe điện đi học tại trường Mỹ Thuật. Tội nghiệp bà Bùi chỉ có một người con trai -- hình như con nuôi -- tên là Cương (đồng tên với thằng em sữa của tôi) thì cậu con lại bị bệnh polio từ khi còn nhỏ, suốt ngày nằm liệt trên giường. Bà Bùi cho tôi ở với bà cũng là để cho Cương đỡ cô đơn vì có một người anh hay một người bạn tới ở chung. Mỗi khi tôi đi học về là Cương léo nhéo nói chuyện với tôi không ngưng nghỉ. Và toàn nói chuyện yêu đời. Qua thân xác im lìm và đôi mắt sáng của Cương, tôi thấy được hình ảnh thảm thê của sự bất lực và thấy được sự ham sống vô cùng của con người khi bị lâm vào cảnh tê liệt.

Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật nằm tại góc hai con đường Reinach và Hàng Lọng. Người có công thành lập ngôi trường đào tạo hoạ sĩ Việt Nam là Victor Tardieu. Dù tranh sơn dầu (peinture à huiles) là môn học chính nhưng ông Tardieu -- với sự thôi thúc của giáo sư Inguimberty -- lại khuyến khích học trò học về tranh mộc bản, tranh lụa và tranh sơn mài là những nghệ thuật tạo hình có tính chất hoàn toàn Việt Nam. Giám Đốc của trường lúc đó là Everist Jonchère. Tất cả sinh viên khi nhập học đều phải qua một lớp dự bị (cours préparatoire) rồi tùy theo tài năng mà trở thành sinh viên chính thức. Có những anh học tới 7 năm trong lớp dự bị.

Gọi là sinh viên trường Mỹ Thuật cho oai, chứ thật ra chúng tôi là một lũ thanh niên ''thừa giấy vẽ voi''. Buổi sáng tất cả chăm chú ngồi vẽ người mẫu khoả thân, gọi là học dessin académique. Buổi chiều học cách trộn mầu, gọi là học décoration. Có thầy Nam Sơn để râu dài dạy dessin, lúc nào thầy cũng khoe mình học vẽ ở Paris, nhà mình trên đường Bonaparte, tranh mình vẽ là Le Portrait De Ma Mère (Chân Dung Mẹ). Có điêu khắc gia Georges Khánh, người Việt lai Pháp dạy anatomie. Vợ thầy Khánh đẹp như tiên. Khi học cách dùng mầu thì thầy dạy của chúng tôi là Tô Ngọc Vân. Trong mấy ông thầy, tôi phục thầy Vân nhất. Đứng gần thầy, tôi cứ tưởng tượng thầy là nhân vật trong cuốn tiểu thuyết ĐẸP của Khái Hưng dù vóc dáng của thầy thấp lùn, đôi mắt của thầy lồi ra và thầy rất hà tiện trong lời ăn tiếng nói.


Họa Sư Tô Ngọc Vân


Đi học vẽ tại Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội, thật là quá vui đối với tôi lúc đó. Một chân trời mới mở ra cho tôi thênh thang đi vào. Tôi khởi sự học hỏi về Cái Đẹp. Trước hết học cái đẹp trên thân thể con người là vẽ tranh loã thể. Vẽ tranh loã thể là một điều mới mẻ đối với người Việt. Dù biết rằng mình đang bắt chước Âu Châu, từ sau thế kỷ 18, 19, coi thân thể con người không còn là điều nhơ nhuốc nữa, nhưng lần đầu tiên bước vào phòng vẽ thì tôi thấy ngượng. Người mẫu với đôi vai tròn trịa, với bụng lẳn vú căng thì rất thản nhiên vì nàng quen cởi quần cởi áo trước lũ học trò được xếp vào hạng thứ ba sau ma và quỉ : nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò. Thích nhất là sau khi vẽ xong bằng bút than toàn thể thân hình người mẫu rồi lấy ngón tay di trên mặt tranh để làm nổi lên những bắp thịt. Tôi có cảm giác như đang mơn man làn da thịt của một mỹ nhân.

Có những buổi đi xuống Văn Miếu dùng nhọ nồi trộn với dầu lạc để in lại trên giấy bản những dòng chữ nho và những ''hoa văn'', khắc trên các bia lớn từ hàng trăm năm trước. Hiểu được cái đẹp cổ kính. Có thêm cơ hội gặp lại dĩ vãng vàng son của dân tộc một cách kỹ lưỡng hơn. Cũng ở đây, học phác hoạ (croquis), học đường vẽ trong kiến trúc (relevé architectural).

Khi được vào với tranh dầu thì tôi say sưa với sự trộn mầu. Vì rất ưa thích mầu xanh nên trong bất cứ bức tranh nào, tôi cũng đều dùng tối đa mầu xanh. Thầy Tô Ngọc Vân là người đã từng làm cho tôi kính phục khi tôi được coi tranh triển lãm của thầy. Là người đầu tiên dùng hội hoạ mới để xưng tụng người đàn bà Việt Nam với những bức tranh mỹ nữ có hình, có dáng, có khối hẳn hòi chứ không phải là mỹ nữ được vẽ phóng trong công thức (stylisé) như tranh cổ truyền. Chỉ cần thấy bố cục (composition) của tranh Tô Ngọc Vân cũng đủ làm xiêu lòng người coi tranh. Thầy dùng mầu sắc hết sức táo bạo, so với thời đó. Nhưng thầy đã dạy cho tôi thấy cái quan trọng trong tranh sơn dầu không phải chỉ ở mầu sắc. Phải làm sao cho thấy được ánh sáng nổi bật trên nền ngũ sắc đó. Phải rồi, coi tranh Renoir hay tranh Gauguin, tôi chỉ nhìn thấy nắng. Không thấy gì hơn là nắng ! Tuy nhiên nắng ở trời Âu mà tôi thấy trong tranh của các hoạ sư đó chỉ là nắng phản chiếu (lumière réflective), còn nắng trong tranh sơn dầu Việt Nam (như tranh của Tô Ngọc Vân chẳng hạn) là nắng trực tiếp (lumière directe). Hãy coi lại bức tranh người đàn bà trước bụi chuối của thầy Vân : người đẹp có hình có khối, ánh sáng chói chan, bức tranh không gợi dâm mà chỉ gợi tình. Tuyệt
[...]

Nguồn: PhamDuy.com -

0 comments:

Thư Tô Ngọc Vân gửi Matisse và Picasso

Thư Tô Ngọc Vân gửi Matisse và Picasso



Theo họa sĩ Tô Ngọc Thành (con trai danh họa Tô Ngọc Vân), thì sau hội nghị Văn nghệ toàn quốc tháng 7.1948, năm 1949 giới văn nghệ cử Tô Ngọc Vân viết thư cho danh họa Picasso nói về văn nghệ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân, vì hoà bình của dân tộc và thế giới. Tuy nhiên, trong tài liệu mà ông Vân để lại có hai bản thư nháp gửi danh họa Matisse và Picasso viết ngày 27.5.1951. Bức thư gửi Matisse có chữ ký Tô Ngọc Vân, còn bức gửi Picasso không ký nhưng nói rõ sẽ gửi qua một người bạn nhân đi dự liên hoan phim tại Berlin.



Nếu không có nhật ký, bản kiểm thảo và những lá thư Tô Ngọc Vân viết cho bạn bè, gia đình, chúng ta khó có thể hình dung nổi vì sao những bức vẽ ấy lại chiếm hầu hết phần đời của các họa sĩ kháng chiến. Nhiều khi họa sĩ chẳng viết gì về bức tranh của họ (mà thường thì họ không bao giờ làm điều này), nhưng qua thư từ có thể hình dung được họ và những người cùng thời sống như thế nào.

Hiện nay, di cảo của Tô Ngọc Vân để lại còn rất nhiều và thuộc sở hữu của gia đình ông.

PHAN CẨM THƯỢNG


Kính gửi Họa sư Matisse

Tôi viết cho Họa sư lá thư này ở một khu rừng rậm, chung quanh là những dãy núi cao hiểm trở. Bên cạnh tôi mấy tấm chuyền bản in màu một số tác phẩm của Họa sư. Những chuyền bản này, khi tôi rời thủ đô Hà Nội, bị giặc tạm chiếm trở lại, tôi đã mang theo 5 năm nay trong gói hành lý nhỏ của cuộc đời Kháng chiến.

Lúc tôi mới vào học nghề họa năm 1926 ở trường Mỹ thuật Đông Dương, lần đầu tiên được tiếp xúc với tác phẩm của các ông trong hàng ngũ mỹ thuật Tân tạo (Art Modern), một số chúng tôi cảm thấy trong đó vẻ gì làm chúng tôi gần các ông lạ. Và xa lắc chúng tôi, những giáo viên người Pháp kiểu hàn lâm hồi đó có nhiệm vụ huấn luyện tại trường. Phải chăng cái vẻ ôn hoà, đầm ấm, thảnh thơi tiết ra ở màu sắc của ông, của Marque, của Bonnard? Hay cái nhìn giản dị, hiền lành âu yếm của những tác phẩm ấy?

Ngày nay tôi được biết các ông cũng có nhiều người tranh đấu cho hoà bình, chống bọn thực dân xâm lăng, chúng tôi lại hiểu thêm tại sao chúng ta gần nhau đến thế (…)

Vật liệu thiếu thốn, thời gian bị công tác kháng chiến chiếm phần lớn, chúng tôi chưa có đủ điều kiện để sáng tác dồi dào. Chúng tôi theo quân đội, ở tiền tuyến, hoặc sống với đồng bào hậu phương, chung nỗi sướng khổ với nhau, tin tưởng chờ ngày toàn thắng. Những nét sinh hoạt ấy đa số chúng tôi chỉ mới kịp ghi chép trong những bức ký hình (Croquis). Ngoài ra, anh em có làm một số tranh có tính chất xây dựng, nhưng chẳng là bao. Năm nay tôi hy vọng làm việc hơn nhiều. Một thời gian ngắn nữa, chúng tôi mong có sản phẩm để gửi sang các ông, trông ở các ông lời phê bình thành thực.
Ngoài tranh sơn dầu, chúng tôi đang cùng nhau cải tiến kỹ thuật sơn mài (laque), cái thứ sơn mà Dumand ở Paris dùng làm tranh trang trí, nhưng chúng tôi lại hướng nó về phía khác, phía hội họa. Sơn mài có một chất phẩm (matierè) phong phú lạ kỳ, ông ạ! Giá chúng tôi được gần ông lúc này nhỉ, để ông thấy sơn mài và góp ý kiến chúng tôi (…)

27.5.1951

Tô Ngọc Vân




Kính gửi Họa sư Picasso

Nhân có bạn chúng tôi sang dự Festival de Berlin, tôi trân trọng gửi lời chào Họa sư. Họa sư là một người anh cả trong nghề họa, đã xây dựng hội họa Âu châu hiện đại, Họa sư lại còn là người anh cả chúng tôi đứng vào hàng ngũ dân chủ để tranh đấu cho hoà bình tự do của nhân loại! Họa sư đã làm vinh dự cho giới họa.

Chúng tôi nghĩ rằng con người có được tự do thời người nghệ sĩ trong con người ấy mới được phát triển đầy đủ và xứng đáng. Bởi vậy bị ép nén dưới sự đàn áp của thực dân Pháp, hội họa Việt Nam đã không có cơ tiến bộ. Bởi vậy những người văn nghệ chúng tôi, cùng toàn dân Việt Nam, quyết đứng dậy đuổi bọn thực dân ra khỏi nước Việt Nam, đuổi đến kỳ cùng (…)

Tôi kính mến mong Họa sư khoẻ mạnh luôn luôn để tranh đấu cho hoà bình và tự do của con người.

Tô Ngọc Vân



Nguồn: Vũ Thanh Hoa - Đăng ngày 13/12/2013 trong mục Hồn Việt, Muôn mặt cuộc sống, Tác phẩm chọn lọc, Thế giới Sắc màu

Nguyên văn:
Kính gửi Họa sư Matisse
Tôi viết cho Họa sư lá thư này ở một khu rừng rậm, chung quanh là những dẫy núi cao hiểm trở. Bên cạnh tôi mấy tấm chuyền bản in mầu một số tác phẩm của Họa sư. Những chuyền bản này, khi tôi rời thủ đô Hà Nội, bị giặc tạm chiếm trở lại, tôi đã mang theo 5 năm nay trong gói hành lý nhỏ của cuộc đời Kháng chiến.

Lúc tôi mới vào học nghề họa năm 1926 ở trường Mỹ thuật Đông Dương, lần đầu tiên được tiếp xúc với tác phẩm của các ông trong hàng ngũ mỹ thuật Tân tạo (Art Modern), một số chúng tôi cảm thấy trong đó vẻ gì làm chúng tôi gần các ông lạ. Và xa lắc chúng tôi, những giáo viên người Pháp kiểu hàn lâm hồi đó có nhiệm vụ huấn luyện tại trường. Phải chăng cái vẻ ôn hòa, đầm ấm, thảnh thơi tiết ra ở mầu sắc của ông, của Marque, của Bonnard? Hay cái nhìn giản dị, hiền lành âu yếm của những tác phẩm ấy?

Ngày nay tôi được biết các ông cũng có nhiều người tranh đấu cho hòa bình, chống bọn thực dân xâm lăng, chúng tôi lại hiểu thêm tại sao chúng ta gần nhau đến thế. Chúng tôi có làm gì họ đâu, Ông? Chúng tôi chỉ muốn hòa bình, muốn tự do, để mọi người được cuộc đời đáng sống của con người. Riêng nghề chúng ta, tôi nghĩ rằng đó là điều kiện cần yếu để được phát triển lành mạnh.

Hồi bọn Nazis Đức chiếm đóng nước Pháp, các ông tổ chức công việc họa thế nào? Những kinh nghiệm của các ông, nếu chúng tôi được biết sẽ giúp ích chúng tôi lắm.

Chúng tôi ở đây trong vùng tự do, không có bóng một tên phản động, nhưng ngày nào máy bay của chúng cũng lượn trên đầu, đi khủng bố tàn sát bất cứ đàn bà trẻ con, nhà ở, trường học. Giống vật man rợ ấy đủ cản trở nghề vẽ của chúng tôi nhiều. Một mặt khác, vật liệu thiếu thốn, thời gian bị công tác Kháng chiến chiếm phần lớn, chúng tôi chưa có đủ điều kiện để sáng tác rồi rào. Chúng tôi theo quân đội, ở tiền tuyến, hoặc sống với đồng bào hậu phương, chung nỗi sướng khổ với nhau, tin tưởng chờ ngày toàn thắng. Những nét sinh hoạt ấy đa số chúng tôi chỉ mới kịp ghi chép trong những bức Ký hình (Croquis). Ngoài ra, anh em có làm một số tranh có tính chất xây dựng, nhưng chẳng là bao. Năm nay tôi hy vọng làm việc hơn nhiều. Một thời gian ngắn nữa, chúng tôi mong có sản phẩm để gửi sang các ông, trông ở các ông lời phê bình thành thực.

Ngoài tranh sơn dầu, chúng tôi đang cùng nhau cải tiến kỹ thuật sơn mài (laque), cái thứ sơn mà Dumand ở Paris dùng làm tranh trang trí, nhưng chúng tôi lai hướng nó về phía khác, phía hội họa. Sơn mài có một chất phẩm (matierè) phong phú lạ kỳ, ông ạ! Giá chúng tôi được gần ông lúc này nhỉ, để ông thấy sơn mài và góp ý kiến chúng tôi.

Bao năm giời, chúng tôi muốn được gần các ông. Bây giờ chiến tranh cách bức chúng ta đã đành rồi. Nhưng trước kia bọn cai trị thực dân cản chúng tôi. Họ đưa ra những lý luận có vẻ vững lắm. Họ nói nếu chúng tôi sang Pháp, gần các ông, sẽ bị mất cá tính Việt Nam đi. Cái trò bịt mắt để cô lập người ta trong nô lệ của bóng chúng ai còn lạ gì.

Dụng tâm ở đây tôi chỉ muốn kể đến chuyện nghề nghiệp, nói lên cái tình đồng nghiệp giữa chúng ta, nhưng mỗi lần đụng đến lại va phải tội ác của thực dân. Bao giờ chúng ta thôi không phải mệt lòng đếm những tội ác của chúng nó nữa? Chỉ bao giờ hòa bình và tự do trở lại cho tất cả mọi người, phải không ông?

Tôi chúc ông mạnh, và chờ tin ông.
Kính mến
27/5/1951
Tô Ngọc Vân

Kính gửi Họa sư Picasso
Nhân có bạn chúng tôi sang dự Festival de Berlin, tôi trân trọng gửi lời chào Họa sư. Họa sư là một người anh cả trong nghề họa, đã xây dựng hội họa Âu châu hiện đại, Họa sư lại còn là người anh cả chúng tôi đứng vào hàng ngũ dân chủ để tranh đấu cho hòa bình tự do của nhân loại! Họa sỹ đã làm vinh dự cho giới họa.

Chúng tôi nghĩ rằng con người có được tự do thời người nghệ sỹ trong con người ấy mới được phát triển đầy đủ và xứng đáng. Bởi vậy bị ép nén dưới sự đàn áp của thực dân Pháp, hội họa Việt Nam đã không có cơ tiến bộ. Bởi vậy những người văn nghệ chúng tôi, cùng toàn dân Việt Nam, quyết đứng dậy đuổi bọn thực dân ra khỏi nước Việt Nam, đuổi đến kỳ cùng.

Họa sư có thể ngờ rằng đã có lần bọn cai trị Pháp cấm chúng tôi triển lãm ở Hà Nội (năm 1941 thì phải), mà đề tài tranh lúc ấy chỉ là tranh đàn bà, hoa quả, phong cảnh. Thật là lố bịch. Chúng tưởng có thể kéo dài sự chà đạp ấy mãi.

Ngày nay chúng tôi không chịu thế nữa. Thế giới lành mạnh cũng không để như thế nữa. Những người văn nghệ có uy tín thế giới như Họa sư cũng không muốn nhìn thấy những cảnh ấy nữa. Thì những bọn thực dân ở Pháp hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới sẽ phải tiêu diệt. Lúc ấy, cái vườn tinh hoa hội họa sẽ tươi nở khắp nơi.

Tôi kính mến mong Họa sư khỏe mạnh luôn luôn để tranh đấu cho hòa bình và tự do của con người.

Đi tìm Tô Ngọc Vân qua ký họa - Tạp chí Tia Sáng, 27/01/2014

0 comments: