Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

NN163 - "Quê bạn" - Truyện ngắn của Thanh Tịnh *


Quê bạn

Truyện ngắn của Thanh Tịnh
Minh họa Ái Mỹ
Đăng trên báo Ngày Nay số 163 - 27/05/1939, Tr. 06.

Mời xem bản đánh máy
Mời xem bản Photocopy (Để xem ảnh ở độ phóng đại lớn, xin nhấp chuột vào ảnh).






Nguồn: Ngày Nay số 163 - 27/05/1939, Tr. 06.

Mời xem bản đánh máy


Ngày Nay số 163 - 27/05/1939, Tr. 06.

Quê bạn


Hết mùa tót rã rơm khô
Bạn về quê bạn biết mô mà tìm

Vùng quê, một đêm trăng. Gió thổi đều đều qua ngọn cây và lay nhẹ những tàu lá xám. Trăng sáng, và trời không mây.
Hương ngồi nấu chè trong bếp, lắng tai nghe những câu hò tình tứ của Mẫn ở ngoài sân. Hương lùa một nắm rơm khô vào bếp rồi đưa chiếc que gạt tàn tro ra, làm đều đặn như cái máy.
Hơn ba hôm nay giọng hò của Mẫn đã quyến luyến Hương và làm lòng Hương xao xuyến. Hương tự nhiên thấy buồn buồn khó tả.
Mỗi lần giọng hò của Mẫn ngân lên không, như tiếng chuông rền, hay tản mác ra xa như dòng hương cuộn, Hương lại thổn thức và có cái cảm giác hơi lạ: là chừng đã sống với Mẫn đâu từ kiếp xa xưa.
Ban đầu Hương mê giọng hò của Mẫn nhưng sau Hương cũng không biết Hương đã mê chính người con trai ấy hay chỉ mê riêng giọng hò. Hương cố phân biệt để xem nhưng mỗi lần nghĩ đến Mẫn, Hương lại thèn thẹn và không dám nghĩ lâu.
Hương là con gái đầu lòng của ông Cả Lai, một điền chủ ở làng Mỹ Lý. Lúc còn nhỏ, Hương học đến lớp ba, nhưng qua năm sau mẹ mất Hương phải xin thôi học. Từ đó, Hương giúp cha trong nghề làm ruộng. Ông Cả ngày càng già, nên bao nhiêu việc ruộng nương đều do tay Hương coi sóc.
Hương người dều đặn nở nang, khuôn mặt tròn và cặp mắt lúc nào cũng mở lớn như ngạc nhiên, Hương lại còn có cái đặc điểm là vui tính và hiền lành. Hương ít giận ai và cũng không làm ai mất lòng. Cũng nhở tính vô tâm, nên đã ngoài hai mươi tuổi mà Hương vẫn giữ được sự mềm mỏng và nét dịu dàng của tuổi ngây thơ.
Năm ấy ông Cả Lai xem lịch thấy thời tiết khá nên mời trai bạn ở các làng đến làm hơn mười mẫu ruộng.
Trai bạn là lớp trai tráng ở các làng chung quanh vùng, có khi xa, xa lắm. Họ ở những nơi đất kém ruộng khô, hay những vùng nghèo nàn, lụt lội. Họ kéo nhau đi từng đoàn trên hai mươi người, dò la những nơi nào cần đến công việc của họ.
Họ là người bốn phương nhưng gặp nhau và hiểu nhau trong một cảnh ngộ. Họ sống với nhau trong những ngày cày cấy, gặt hái rồi lại tản mát ra như những mảnh mây ngàn.
Xa nhau họ còn nuôi hy vọng sang năm gặp nữa. Nhưng sang năm gặp nhau là một chuyện khó, vì quê hương của họ cách nhau xa lắm. Và trước kia họ gặp nhau giữa cánh đồng hoang hay trong quán vắng, chứ có ai biết nhà cửa ai đâu. Vì thế mỗi lần hẹn sang năm gặp nhau thì lòng họ đã đoán trước những nỗi buồn vĩnh biệt.
Nhưng không gặp đoàn này thì họ gặp lớp người khác. Vì hàng năm cảnh làm ăn đã kéo họ ra khỏi nhà và bắt họ đi tha phương. Đời họ mỗi năm mỗi khác như rừng cây mỗi năm có một lần lá mới.
Mẫn ở làng Lộc Giang, huyện Bình Hải, cách làng Mỹ Lý hơn bốn ngày đường. Mẫn xưa kia có theo học chữ Nho nhưng lỡ thời. Ban đầu Mẫn định mở trường dạy học trong làng nhưng thấy chữ Nho không ai dùng nữa nên vào với trai bạn đi làm ăn xa. Mẫn đi xa làng lần đầu và cũng là lần đầu nếm qua cái đời trai bạn.
Mấy hôm theo chúng bạn ra đồng gặt lúa hay về nhà xay độn rơm, Mẫn thấy lòng vui vẻ và ăn cơm ngon miệng. Cũng có khi giữa buổi làm việc, Mẫn tự nhiên thấy nhọc lả người và hai bên thái dương lùng bùng như bị cảm gió. Mẫn lại ngồi trên bờ ruộng, để tìm nước uống.
Mùa lúa chín và hơi gió nhẹ dần dần làm Mẫn khoan khoái và tỉnh táo như trước. Mẫn lại cất giọng hò lanh lảnh hay vui miệng nói đùa để chọc cho người chung quanh bật cười. Mẫn đi đến đâu là trận cười đi theo đến đó.
Hương lắm lúc muốn làm mặt nghiêm nhưng cũng khó nhịn cười trước lắm câu khôi hài ý vị của Mẫn. Nhờ tài khéo pha trò, Mẫn đã dần dần quen thân với cô gái con nhà chủ. Nhưng lối hài hước của Mẫn làm Hương cười thì giọng hò của Mẫn lại làm Hương buồn thấm thía.
Một thứ tình cảm đằm thắm gây nên từ đó. Hương mỗi ngày mỗi quý mến Mẫn hơn lên.
Đêm ấy trời có trăng, Mẫn cho trâu đạp lúa ngoài sân với trai bạn. Giờ càng khuya giọng hò của Mẫn nghe càng thâm trầm bi thiết. Hương nấu chè xong bảo người ở múc vào bát rồi đem ra sân. Giữa sân đã có ba chiếc chõng tre trải chiếu sạch sẽ. Hương đứng nhìn mấy mâm chè đã để hẳn hoi trên chiếu giữa sân rồi nói lớn:
- Thôi mời anh em nghỉ tay vào ăn chè.
Mẵn tự nhiên ngừng bặt giọng hát, hỏi:
- Cô Hương nấu chè gì đấy?
Hương mỉm cười khôi hài:
- Chè để ăn.
Mẫn nói tiếp:
- Chẳng lẽ nấu chè để uống à?
Hương đưa cánh tay che miệng cười:
- Ơ hay! Anh Mẫn quên rồi à? Nụ nước chè tươi chẳng để uống thì để làm gì?
Một người bạn đứng đàng xa tinh nghịch:
- Để uống trong tiệc cưới đấy!




Hương bẽn lẽn nhìn xuống đất, Mẫn nói chữa ngượng:
- Thôi ăn với uống cũng như nhau, miễn no bụng là được.
Nhưng Hương vẫn chưa chịu thua:
- Uống thì no bụng thế nào được. Ăn mới no thôi chứ.
Nói xong thì Hương cười nức nở. Mẫn cũng cười theo. Mấy người khác biếng cười nên lẳng lặng đến bên mấy mâm chè khói bay lên thơm phức. Họ đua nhau ăn ồ ạt và vui vẻ.

Trời càng khuya trăng càng tỏ. Tiếng nói qua lại dịu dần cho đến lúc câu chuyện thành nhạt nhẽo vô duyên thì ai nấy đều im tiếng. Cảnh vật của trời đêm lặng lẽ bao vây giấc ngủ say sưa của mọi người.
Hôm sau, trên dòng sông Viên, bốn chiếc thuyền chở đầy lúa trôi nhanh về làng Mỹ Lý. Trên mỗi thuyền có năm người chèo. Họ đặt ra cuộc đua tài, thách nhau thuyền nào về trước thì được giải. Giải đơn sơ lắm: chỉ có một chai rượu trắng và hai con mực khô. Nhưng bạn trai cũng vui lòng đua, họ cốt lấy tiếng. Nhất là hôm ấy có Hương đi theo nên họ không muốn mất mặt trước cô gái trẻ tuổi con nhà chủ.
Người cố gắng sức hơn hết là Mẫn. Mẫn đứng cầm lái và không dám để lơi một mái chèo. Dòng sông hẹp, bốn chiếc thuyền cứ đuổi nhau rẽ nước tiến lên, có lúc hai chiếc kèm nhau, chạm vào nhau để bật ra những tiếng khô và ngắn.
Họ vừa chèo vừa hát làm vang động cả một dòng sông. Hai bên bờ, người làng ra đứng xem đông nghịt và trong số đó có một vài người lớn tiếng hát theo để thêm phấn khởi lớp trai tráng dưới thuyền.
Thuyền của Mẫn hôm ấy giật giải nhất. Hương vui vẻ đứng bên Mẫn rồi ấp úng nói sẽ:
- Anh được giải, thật em bằng lòng anh lắm.
Mẫn tươi cười nói tiếp:
- Cô bằng lòng tôi thật à?
Hương biết mình nói hớ nên hai má đỏ bừng. Một lát sau Hương cúi đầu thì thầm:
- Thôi anh vào ăn cơm chẳng đói.
Mẫn có ý khoe khoang. Anh chàng kiêu hãnh một cách ngây thơ và nói một câu rất mộc mạc:
- Tôi còn đi ăn giải đã chứ.
Hương nhìn Mẫn có vẻ không hiểu. Mẫn nói tiếp:
- Nghĩa là tôi ăn con mực và chai rượu người ta thưởng cho ấy mà.
Hương làm bộ nũng nịu"
- Em không bằng lòng anh uống rượu đâu.
Mẫn híp mắt lại cười:
- Thế sao hồi nãy cô bảo bằng lòng tôi?
Những lời trao qua đổi lại toàn là những câu khôi hài nhạt nhẽo nhưng lòng Hương thì tưng bừng như ánh trời buổi sáng. Hương sung sướng được Mẫn để ý đén mình và xem mình như bạn thân thiết. Hương không e lệ nữa, cô đã can đảm nói một câu mà tưởng không bao giờ cô dám nói ra:
- Em bằng lòng anh thật, nhưng anh uống rượu thì không.
Mẫn làm ra vẻ hung hăng mõt cách khôi hài:
- Không bằng lòng mà được à, tôi thì cứ...
Hương ngước mắt nhìn Mẫn:
- Tôi làm gì?
- Tôi không uống rượu nữa.
Hai người nhìn nhau cười chúm chím, trong lòng nao nức vui.
Qua tháng sau rơm đã thành độn, lúa đã nằm yên trong vựa, và trai bạn sau một bữa cơm ngon lành do ông Cả thết đãi, đã từ giả làng Mỹ Lý ra đi.
Ban đầu họ nối chân nhau đi thành một đoàn dài, nhưng qua mỗi làng lại có một vài người rẽ đường đi về quê hương của họ. Đoàn người cứ ngắn dần.
Hôm thấy trai bạn cất hái lên vai sắp đi, Hương chạy ra sau bụi chuối đứng khóc. Mẫn đứng sau đống rơm thấy Hương khóc cũng tấm tức khóc theo.
... Và từ đó dòng sông Viên phẳng lặng, đồng làng Mỹ Lý vắng teo. Trai bạn đi, lòng Hương bơ phờ như cảnh vườn hoang chờ gió lạ.

Thanh Tịnh



Nguồn: https://isach.info/story.php?story=que_ban__thanh_tinh




0 comments:

NN163 - "Cuốn sổ tay"

Mục "Cuốn sổ tay" - Trang vẽ vui - Tranh thời sự hàng tuần của Tô Tử

Tô Tử




Nguồn: Ngày Nay số 163 - 27/05/1939, Tr. 04.



0 comments: