Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2017

Ba thầy dạy vẽ của tôi - Họa sĩ Phan Kế An


Ba thầy dạy vẽ của tôi




Vào học nǎm thứ nhất trường Bưởi, chúng tôi được thầy Nguyễn Thụy Hùng, giáo sư hóa và vật lý kiêm nhiệm dậy môn vẽ vài tháng vì thiếu thầy. Một hôm, ông Tổng giám thị De Rozario đến lớp cùng với bà người Việt. Ông giới thiệu với học trò đây là nhà giáo mới, bà Lê Thị Lựu, một nữ họa sĩ nổi tiếng, từ nay giáo sư dậy vẽ chính thức của trường. Chúng tôi ai nấy đều ngẩn người ra vì bà còn trẻ và đẹp quá, lại dịu dàng, lịch sự. Chúng tôi tuy còn ít tuổi nhưng đã nghe danh bà từ khi bà tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đã được xem một số tranh của bà trong các triển lãm và trên báo chí.

Tôi vốn đã vẽ khá từ trường tiểu học Hàng Than, rất thích môn này, nay được học một học sĩ thực thụ thì còn gì sung sướng cho bằng. Trong chương trình học chỉ có một giờ học vẽ mỗi tuần, nên cả tuần lễ cứ nóng ruột mong cho sớm đến ngày này. Trong lớp, bà đi đến từng học sinh, chỉ dẫn cặn kẽ cho mỗi người. Chỉ một thời gian, bà đã nhận ra ưu điểm và nhược điểm của từng học sinh, ai chǎm, ai lười bà đều nhẹ nhàng động viên, khuyên nhủ. Tôi nhớ nhất khi tôi lúng túng vẽ một cái lọ sứ, bóng tối và ánh sáng cứ lan sang nhau, mờ mờ, nhoè nhoè, khó phân biệt danh giới. Bà nói với tôi: "Bóng cũng có từng miếng, anh phải có nhìn cho ra từng miếng bóng, so sánh độ đậm nhạt của mỗi miếng, có thế mới tả được đúng khối và chất liệu của vật vẽ". Chỉ một câu ấy mà tôi gỡ ra bao nhiêu điều. Tôi cùng một vài bạn tiến bộ khá nhanh, vừa vì chǎm, vừa vì được bà chú ý khuyến khích, dạy bảo. Thầy trò đang mến nhau thì đã hết nǎm học. ít lâu sau đó, bà cùng gia đình sang Pháp. Mãi nhiều nǎm sau, khi đã ngoài sáu mươi tuổi, đã rất nổi tiếng ở Pháp, bà mới về thǎm quê hương. Tôi có dịp được đến gặp bà, kể chuyện thầy trò trường Bưởi nǎm xưa, bà vẫn không quên mấy trò vẽ khá mà bà chú ý.

Nǎm học sau, chúng tôi lại được một hạnh phúc lớn: họa sĩ Tô Ngọc Vân đến dạy vẽ thay cô Lê Thị Lựu. Thầy Vân người nhỏ bé, da ngǎm đen, đến lớp thì nghiêm khắc. Ai lười thì liệu hồn, thầy cảnh cáo ngay, ai chǎm, thầy tận tình chỉ bảo kỹ càng, ngồi vào ghế của trò trước giá vẽ, dạy cho từng cách cầm bút chì, cách bố cục hình vẽ trên giấy, cách lấy tỷ lệ, cách nhìn ánh sáng, có lúc lại vẽ thử lên cạnh giấy để chúng tôi hiểu rõ phương pháp, nhất là cách nhìn toàn thể, sau mới đi vào chi tiết. Tôi mải mê nuốt từng lời. Nhiều bạn tronglớp coi môn vẽ là môn học phụ không quan trọng lắm thường vẽ lấy lệ, nhưng riêng tôi và vài bạn lại quá quan tâm nên tiến bộ rất nhanh. Thầy khuyến khích chúng tôi ngay cả việc nhìn cho ra màu sắc theo cách cảm nhận riêng của mình, dù là vẽ chì đen trắng cũng cố nhìn cho ra màu, điều đó thật khó với chúng tôi, nhưng qua nhiều buổi học, qua nhiều câu chuyện rộng ra về hội họa chúng tôi cũng bắt đầu lõm bõm hiểu dần ra. Thầy còn dạy chúng tôi vẽ trang trí bằng màu bột và đây là lĩnh vực mà tôi bắt đầu lĩnh hội được cách nhìn tinh tế của thầy về màu sắc. Thầy khuyên chúng tôi nên đem hết trí tưởng tượng ra để nghĩ, để chọn hình và màu, không nên câu nệ, gò bó. Mới học cao đẳng tiểu học mà được một học sĩ nổi tiếng như thầy Tô Ngọc Vân dậy vẽ thật là một hạnh ngộ. Sau này vào học trường Cao Đẳng mỹ thuật Đông Dương, tôi còn được gặp lại và học thầy nữa, chuyện này tôi sẽ kể sau. Lên nǎm thứ ba, một họa sĩ cũng rất nổi tiếng, họa sĩ Nguyễn Tường Lân đến dạy chúng tôi thay thầy Vân. Thầy Lân người cao, gầy, nhanh nhẹn, rất dễ dãi, thân mật với học trò. Chúng tôi cũng hay đùa ngịch và hỏi nhiều chuyện ngoài lề với thầy, bao giờ thầy cũng trả lời không nề hà, nhưng lại khéo lái về chuyện vẽ, chuyện nên biết nhìn thấy cái đẹp ở xung quanh ta, đừng nên bỏ phí. Khi vẽ, tôi vốn thích nhấn mạnh đen trắng bằng trì than, thầy khuyên tôi nên giữ cách vẽ ấy, và mạnh bạo hơn nữa, mãnh liệt hơn nữa, chớ có rụt rè, nhưng đồng thời thầy lại chỉ dẫn cho sự chuyển sắc độ sao cho hợp lý, sao cho tế nhị, có duyên. Cái duyên, khó quá, nhưng sự nhiệt tình chỉ dẫn của thầy cứ ngày một thấm dần vào bộ óc non trẻ của tôi. Có giờ học thầy dẫn cả lớp vào vườn Bách Thảo gần trường, chỉ cho những dáng cây đẹp, những khóm cây đẹp, những vùng nước đẹp, những mái nhà đẹp, những người ở giữa cảnh trí sao mà thích thú làm vậy. Có mấy lá cây rụng thầy cũng nói lên bao vẻ đẹp của chúng. Thầy thường ra bài trang trí cho cả lớp, trọn những bài thầy cho điểm cao đưa ra bình giữa lớp, có lúc được 19/20 điểm rồi để trưng bầy cho cả trường xem. Một số bạn, tôi và em tôi hay được chọn bài để trưng bầy. Có lần thầy đem một số tranh treo trong hành lang nhà "Đấu xảo" (nay là Cung vǎn hoá Hữu Nghị) cho công chúng xem. Một số bạn chǎm học và vẽ khá thường được thầy đưa về xưởng vẽ của thầy ở đê Hoàng Hoa Thám để xem tranh và thầy lại kể cho nghe các chuyện về hội họa. Thầy còn vẽ bìa mầu cho tập bài hát của trường Bưởi. Thầy là một họa sĩ có tài, nhưng mất sớm nên số tác phẩm còn lại trong nước không nhiều.

Trong ba thầy dậy vẽ của tôi ở trường Bưởi, sau này khi tôi vào học dự bị, rồi chính khoá ở trường Cao Đẳng mỹ thuật Đông Dương, tôi gặp lại thầy Tô Ngọc Vân là giáo sư dậy tôi. Đến đây là đến với người thầy cũ, nhưng là người thầy đào tạo ra ba thế hệ họa sĩ, một người thầy tài nǎng xuất chúng, có phương pháp sư phạm độc đáo, biết tìm ra phong cách riêng, cái mạnh riêng của từng sinh viên mà hương dẫn, khuyến khích, không để cho mai một cá tính độc đáo của nhiều người. Tác phẩm sơn dầu của thầy Tô Ngọc Vân đã từng nổi lên là những kiệt tác, trong nước và Quốc tế đều hâm mộ. Ngoài sáng tác, suốt đời thầy vẫn là nhà sư phạm mỹ thuật tận tuỵ với sự nghiệp đào tào, tác giả của rất nhiều bài viết xuất sắc, của nhiều tranh minh họa và biếm họa trên báo trí. Riêng tôi có hạnh phúc được gần gũi, gắn bó với thầy cô nhiều thời gian. Sau đảo chính Nhật 9-3-1975, trường Cao Đẳng mỹ thuật Đông Dương chuyển thành trường Mỹ thuật Việt Nam, sinh viên chúng tôi họat động chống nhật, thầy biết cả, nhưng thầy vẫn đến trường dạy học, dù rằng khi đó phát xít Nhật khủng bố dữ dội nhiều thầy khác đã không đến trường, thầy còn tham gia vẽ tranh cổ động cổ vũ lòng yêu nước cùng với sinh viên. Cách mạng tháng Tám thành công, thầy đã được Bộ đại học cử làm hiệu trưởng trường Mỹ thuật Việt Nam và sinh viên lại tiếp tục đi học. Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, thầy và gia đình tản cư về quê ngoại, tôi tìm ra địa chỉ, sau khi được tổ chức đồng ý, tôi đã vượt sông Hồng trong hoàn cảnh quân Pháp đang sắp tiến công đường số 1, đến gặp thầy và mời thầy đi tham gia kháng chiến. Thầy đã khảng khái nhận lời, đem cả gia đình đi, công tác ở tuyên truyền xung phong, sau được cử làm trưởng Đoàn vǎn hoá kháng chiến, rồi thầy đứng ra thành lập trường Mỹ thuật Kháng chiến do thầy làm hiệu trưởng. Thầy thường vừa dạy học vừa dẫn học sinh đi chiến dịch và tham gia các công tác cách mạng khác. Khi trường Mỹ thuật Kháng chiến và Ban mỹ thuật Trung ương đóng cùng một nơi ở Việt Bắc, hợp thành một tổ chức, tôi được cùng với thầy ở trong Ban lãnh đạo chung với một số đồng chí khác như các họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, Trần Vǎn Cẩn, các kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp... Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, thầy Tô Ngọc Hân đã hy sinh vì bom của quân Pháp nǎm 48 tuổi, đây là một mất mát không gì bù đắp được của tất cả chúng ta.

Thầy Tô Ngọc Hân, người thầy dậy vẽ trường Bưởi, người thầy của trường mỹ thuật Đông Dương, người thầy của trường Mỹ thuật Việt Nam, nhà họa sĩ kiệt suất, nhà yêu nước tận tuỵ, trong sáng tính tình cương trực, là một tấm gương sáng để cho chúng ta cùng soi.



Họa sĩ Phan Kế An
Nguồn: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - Thành phố Đà Nẵng - Việt Nam -

0 comments:

Giữ lễ - LÊ THIẾT CƯƠNG

Giữ lễ

LÊ THIẾT CƯƠNG

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc ở Bắc Bộ Phủ - Khắc gỗ - 1948. Tranh: TÔ NGỌC VÂN
Năm nay 2014, kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng là 60 năm ngày ông hy sinh, những họa sĩ thế hệ sau, những học trò của ông lại thêm một lần băn khoăn khi thầy Tô Ngọc Vân chưa được truy tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, một danh hiệu mà hơn ai hết, ông là người xứng đáng nhất.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ bức Thiếu nữ bên hoa huệ (sơn dầu trên vải) năm 1943. Ông không ghi ngày tháng hoàn thành tác phẩm nhưng chắc chắn ông vẽ bức này ở cữ cuối xuân đầu hạ, ở cữ giao mùa, mà hoa huệ, loại hoa còn có một tên khác biểu hình hơn là hoa loa kèn. Mỗi năm, đến mùa này, mùa loa kèn về lại nhớ ông, nhớ bức tranh Thiếu nữ bên hoa huệ, một trong những kiệt tác của hội họa Việt Nam hiện đại, một tác phẩm tiêu biểu cho dòng chảy “trường phái Paris- Việt Nam”.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân sinh năm 1906, mất năm 1954 tại Ba Khe, chân đèo Lũng Lô khi đang trên đường đi thực tế, ghi chép - sáng tác cảnh sinh hoạt của dân quân. Năm nay 2014, kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng là 60 năm ngày ông hy sinh, những họa sĩ thế hệ sau, những học trò của ông lại thêm một lần băn khoăn khi thầy Tô Ngọc Vân chưa được truy tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, một danh hiệu mà hơn ai hết, ông là người xứng đáng nhất. Trường Mỹ thuật Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp (1950-1954) mà ông là hiệu trưởng, thường được nhắc đến với cái tên đầy trân trọng, khóa kháng chiến đã sinh ra cho Mỹ thuật hiện đại Việt Nam bao tên tuổi: Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Lê Huy Hòa, Mai Long, Đào Đức, Trọng Kiệm, Lê Lam, Ngọc Linh, Ngô Mạnh Lân... Những học trò của ông đều đã là những tác giả lớn, là thầy, thầy của những người thầy. Tôi nghĩ tác phẩm lớn nhất của thầy Tô Ngọc Vân nói riêng và những người thầy nói chung chính là học trò của họ, những tác phẩm - người của họ. Ấy là chưa kể những tác phẩm - tranh: Thiếu nữ bên tràng kỷ (sơn dầu 1941), Dưới bóng nắng (sơn dầu 1941), Hai thiếu nữ và em bé (sơn dầu 1944), Chân dung thiếu nữ (sơn dầu 1944), Hai chiến sĩ (bột màu 1954), Đốt đuốc đi học (mầu nước 1954), những tác phẩm vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh... Chẳng có danh hiệu nào sống mãi nếu nó không sống được trong đời sống, sống được trong lòng người. Tôi không nghĩ ông và gia đình muốn có danh hiệu này. Nhưng đây là một sự tri ân cần thiết, một sự “giữ lễ”, cho dù muộn với một họa sĩ - chiến sĩ, một liệt sĩ, một người đã vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt 1), một người đã được truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhất.

2014

LÊ THIẾT CƯƠNG

Nguồn: Báo Nhân Dân - Thứ Tư, 07/05/2014.

0 comments:

Bên mộ HS Tô Ngọc Vân ngẫm về danh vị, danh hiệu và danh dự - Trần Hậu Yên Thế

Bên mộ HS Tô Ngọc Vân ngẫm về danh vị, danh hiệu và danh dự

Trần Hậu Yên Thế


VOV.VN - Là con người khẳng khái, trọng danh dự, có lẽ với Tô Ngọc Vân và gia đình họa sỹ, mọi danh hiệu cũng chỉ là hư danh.

LTS: Thời gian qua đã có rất nhiều tranh cãi về cái danh, cũng nhiều chuyện thật như bịa về cái danh. Nào là chuyện viết chức vụ lên thiếp cưới của một lãnh đạo cơ quan Phòng chống tham nhũng, một vài vị chức sắc khác thì bị phát hiện dùng bằng cấp giả…

Những chuyện nực cười về cái danh đã từng khiến một loạt các văn nghệ sỹ rút tên mình khỏi danh sách các giải thưởng danh giá.

Trong bối cảnh đó, tuần qua, VOV online có loạt bài “Đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho thầy giáo, hoạ sỹ, liệt sỹ Tô Ngọc Vân” đã khiến một số người không khỏi suy tư.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày mất của hoạ sỹ Tô Ngọc Vân, VOV online xin giới thiệu những suy nghĩ của nhà nghiên cứu, họa sỹ Trần Hậu Yên Thế - giảng viên Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam về người Hiệu trưởng đầu tiên của Trường:


HDanh họa Tô Ngọc Vân hy sinh khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Phần mộ của Ông được an táng trong nghĩa trang Mai Dịch. Nghĩa trang Mai Dịch được biết đến như là nơi an nghỉ cho các bậc công thần khai quốc, những người có đóng góp to lớn cho Tổ quốc trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học kỹ thuật.

Chính vì vậy, những dòng mộ chí ở đây đặc biệt nhấn mạnh đến thân thế sự nghiệp sinh thời của người đã khuất. Mộ chí ngoài việc ghi năm sinh năm mất, nơi sinh nơi mất còn đặc biệt chú trọng đến các chức vị, các danh hiệu, huân huy chương, giải thưởng… thể hiện những cống hiến của người nằm dưới mộ.

Giới mỹ thuật Việt Nam vinh dự có những tên tuổi lớn được an táng tại đây như: họa sỹ Tô Ngọc Vân, họa sỹ Trần Văn Cẩn, họa sỹ Nguyễn Phan Chánh và thi sỹ, nhạc sỹ, họa sỹ Văn Cao. Tô Ngọc Vân là người đến yên nghỉ sớm nhất ở đây. Phải chăng ông trời thấy thương cho một con người nhỏ bé đã dâng hiến tận tụy phụng sự cái Đẹp, phụng sự dân tộc, muốn sớm dành cho ông sự nghỉ ngơi?!

Mộ chí phản ánh không chỉ thân thế sự nghiệp của người đã khuất mà còn phản ánh cả những chiều sâu văn hóa và những hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Tôi đã hình dung những dòng chữ như Giáo sư, Huân chương Độc lập hạng Nhất, nguyên Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Trưởng đoàn văn hóa kháng chiến, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật trên ngôi mộ của Ông. Nhưng sự thật giản dị hơn nhiều.

Mộ phần của Tô Ngọc Vân trong khu dành cho các liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.[1] Ngôi mộ của Ông cũng khiêm nhường như những người đồng đội khác. Rất nhiều bia mộ chỉ vẻn vẹn dòng chữ “Liệt sĩ”. Giữa chốn vô danh ấy, mộ chí của Ông có nơi sinh, ngày sinh, nơi mất, ngày mất và có thêm dòng chữ Họa sỹ.




Mộ chí biểu thị sự hoài niệm và ca tụng thân thế sự nghiệp của người đã khuất. Trong rất nhiều trường hợp, những dòng chữ trên bia mộ do chính những người nằm dưới mộ khi còn sống di huấn lại cho người thân để sau này viết lên. Trên bia mộ của văn sỹ Hemingway viết dòng chữ: Tôi e rằng tôi không thể đứng dậy! (I am afraid I do not up!). Đạo diễn huyền thoại Nhật Bản Yasujiro Ozu chỉ viết mỗi chữ “Không”. Tổng thống Pháp Charles de Gaulle cũng rất đặc biệt chỉ với hàng chữ: Charles de Gaulle. Thi sỹ John Keats là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất thế kỷ XIX của nước Anh. Trên mộ chí của thi nhân ghi rằng: Nơi đây có một người nằm xuống mà tên tuổi của ông viết lên trên dòng nước (Here lies a man, his name written on water). Thật lãng mạn!

Đến viếng họa sỹ Tô Ngọc Vân giữa một chiều đông muộn, nắng vẫn còn vương trên tán cây đại bé nhỏ nghiêng mình bên ngôi mộ, để lại phía sau những ồn ào đường phố, đi qua những danh hiệu, danh vị, những huân huy chương, tôi thấy ông vẫn hiển hiện ở đây thật kiêu hãnh và tận tâm với chức phận họa sỹ.

Chắc sẽ không ít người phân vân, tại sao một danh họa xuất chúng của thế kỷ XX, một người có công lao vô cùng to lớn với sự nghiệp giáo dục mỹ thuật của Việt Nam, một người danh tiếng như vậy lại không được an táng trong khu vực của những nhân vật nổi tiếng khác, những đồng chí, đồng đội mà sinh thời cũng bằng vai phải lứa với Ông.

Nhưng hãy thử hình dung, kể từ khi đồng bào dân tộc chôn Ông bên đèo Lũng Lô đến nay, di hài Ông đã phải đào lên chôn xuống đến năm lần. Giữa những đồng đội vô danh, có lẽ Ông thấy mình thanh thản hơn, đây chính là nơi yên nghỉ đích thực.

Nhân 104 năm ngày sinh Tô Ngọc Vân, nhân 60 năm khóa Kháng chiến, 55 năm khóa Tô Ngọc Vân, ngày 15 tháng 12 năm 2010 Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam long trọng tổ chức buổi tọa đàm về thân thế sự nghiệp một người Thầy của rất nhiều thế hệ họa sỹ Việt Nam, đến dự có Nhà giáo Nhân dân, họa sỹ Nguyễn Thụ, Nhà giáo Ưu tú – họa sỹ Vũ Giáng Hương từng là học trò của Ông. Trong trao đổi với GS. Tô Ngọc Thanh – con trai trưởng của danh họa Tô Ngọc Vân, Ban Giám hiệu nhà Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ mong muốn được nhà nước và chính phủ truy tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho vị Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Gần đây Hội đồng xét tặng danh hiệu NGND và NGƯT cấp nhà nước đã truy tặng những danh hiệu cao quý này cho những nhà giáo đã nghỉ hưu hoặc đã mất. Ngày 17/11/2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã chính thức ra quyết định truy tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” cho Cố Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thiệu Tống.

Là con người khẳng khái, trọng danh dự, có lẽ với Tô Ngọc Vân và gia đình họa sỹ, mọi danh hiệu cũng chỉ là hư danh. Nhưng với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, để tri ân công đức của người Thầy, đó là việc rất đáng nên làm của thế hệ sau với tiền nhân.

Chúng ta đang đã có những đường phố mang tên Tô Ngọc Vân trên nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam, nhưng chúng ta còn thiếu những Giải thưởng Mỹ thuật, những Quỹ học bổng mang tên Ông. Phải nhắc lại rằng, những điều danh giá ấy cần cho những người đang sống, cho thể diện của chúng ta hôm nay./.


--------------
[1] Theo kể lại của gia đình cơ quan cho bốc mộ Tô Ngọc Vân, đưa về an táng tại nghĩa trang Hợp Thiện (nằm cạnh đường đi Hà Đông, nay là phố Nguyễn Trãi). An táng chưa được lâu, người ta dọn mặt bằng xây nhà máy, hài cốt nhà danh hoạ lại được chuyển lên nghĩa trang Mai Dịch, khi đó dùng để mai táng những người hy sinh trong đêm 19/12/1946. Một thời gian sau đó, nghĩa trang Mai Dịch được xây mới, nâng cấp thành nghĩa trang quốc gia, mộ hoạ sĩ lại được đặt ở chỗ khác trong khu cho hợp với quy hoạch.



Trần Hậu Yên Thế


Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ VOV - ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM - Thứ 7, 14:38, 12/04/2014.



Mời xem Bài liên quan
  1. Bên mộ HS Tô Ngọc Vân ngẫm về danh vị, danh hiệu và danh dự - VOV, 12/04/2014
  2. Bỏ qua thầy Tô Ngọc Vân là thiếu sót và bất công - VOV, 11/04/2014
  3. Hoạ sỹ Tô Ngọc Vân không được xét danh hiệu vì vướng Luật? - VOV, 10/04/2014
  4. Họa sĩ Tô Ngọc Vân xứng đáng là 'Đại Nhà giáo nhân dân' - VOV, 09/04/2014
  5. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ quên một nhà giáo lớn? - VOV, 08/04/2014
  6. Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân người thầy lớn của nền Mỹ thuật Cách mạng - VOV, 07/04/2014





0 comments:

Bỏ qua thầy Tô Ngọc Vân là thiếu sót và bất công - Trà Xanh – Hà Phương/VOV online

Bỏ qua thầy Tô Ngọc Vân là thiếu sót và bất công

Trà Xanh – Hà Phương/VOV online


VOV.VN - Đặc cách tôn vinh trường hợp của họa sỹ Tô Ngọc Vân để thấy rằng đất nước luôn đánh giá công bằng và ghi nhận cống hiến của người tài.

Họa sỹ Tô Ngọc Vân được coi là cánh chim đầu đàn của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, đồng thời cũng là người thầy đào tạo ra những thế hệ học trò xuất sắc. Nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và cũng là 60 năm ngày mất của họa sỹ Tô Ngọc Vân, các thế hệ học trò của ông cũng như nhiều nghệ sỹ của ngành Mỹ thuật Việt Nam có mong muốn đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho người thầy đáng kính của mình như một sự tri ân cần thiết.

Nếu chỉ vì lý do luật không có quy định truy tặng mà trường hợp họa sỹ Tô Ngọc Vân không được vinh danh là Nhà giáo Nhân dân thì thực sự là điều đáng tiếc, là thiếu sót lớn. Đó là khẳng định của bà Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL), Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật & Nhiếp ảnh. Bà Đoàn Thị Thu Hương cho rằng, trường hợp của họa sỹ, liệt sỹ, nhà giáo Tô Ngọc Vân cần được đặc cách.

Bà Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL), Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật & Nhiếp ảnh.



PV: Năm 2012, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã có công văn số đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho họa sỹ Tô Ngọc Vân – Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Hồ sơ không được thông qua vì luật không quy định việc truy tặng. Bà nghĩ sao về điều này?
Bà Đoàn Thị Thu Hương:
Thực ra mà nói, luật do con người đặt ra. Căn cứ vào tình hình, có thể có những luật sẽ phải điều chỉnh sao cho phù hợp. Bởi trên thực tế, có không ít trường hợp cá biệt mà luật không thể đề cập đến hết được, rõ ràng đó là những người rất xứng đáng. Xét về hội họa Việt Nam mà nói thì họa sỹ Tô Ngọc Vân là bậc thầy của bậc thầy.

Họa sỹ Tô Ngọc Vân là người xây dựng nên nền móng hội họa, là người tiên phong cho việc đào tạo các họa sỹ nổi tiếng sau này. Ông không được công nhận Nhà giáo Nhân dân thì đây quả là điều đáng tiếc. Thậm chí có thể nói là thiết sót. Rất có thể những người làm luật chưa quy định những trường hợp cá biệt.

Tôi nghĩ khi sửa luật cũng nên chú trọng việc này, để làm sao mà những người thầy của bậc thầy như vậy phải được ghi nhận. Họa sỹ Tô Ngọc Vân xứng đáng được công nhận, bởi ông không chỉ làm rạng danh đất nước bằng những tác phẩm, tài năng của mình mà còn truyền dạy cho những thế hệ học trò để giờ đây cả thế giới biết đến hội họa Việt Nam.

PV: Không chỉ là danh họa nổi tiếng, họa sỹ Tô Ngọc Vân được biết đến như một người thầy có công đào tạo nhiều thế hệ họa sỹ tài năng, là nhà giáo mẫu mực được học trò và nhân dân kính trọng. Vậy việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho họa sỹ Tô Ngọc Vân theo bà có nên đặc cách?

Bà Đoàn Thị Thu Hương:
Trước hết phải khẳng định, họa sỹ Tô Ngọc Vân là người thầy rất đáng kính. Trong tất cả thế hệ họa sỹ, họa sỹ Tô Ngọc Vân đào tạo ra khóa kháng chiến đầu tiên và trong đó có rất nhiều người sau này trở thành những họa sỹ tài năng và nổi danh như Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Trọng Kiệm, Trần Thị Thục Phi, Ngô Mạnh Lân, Ngọc Linh…

Phải nói rằng đó là những họa sỹ may mắn vì được học thầy Vân. Những người này cũng trở thành thầy giáo của các thế hệ họa sỹ sau này. Thành công của học trò, học trò của học trò thầy được công nhận, nhiều người trong đó cũng trở thành Nhà giáo Nhân dân, trong khi thầy chưa có được danh hiệu đó. Điều này quả thật đáng tiếc.


Tác phẩm "Thiếu nữ bên hoa huệ" của hoạ sỹ Tô Ngọc Vân



Dù thời gian đào tạo không dài, nhưng không thể phủ nhận dấu ấn, công lao của thầy đối với các thế hệ họa sỹ. Tục ngữ có câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Thầy đào tạo nhiều thế hệ họa sỹ như vậy thì phải được công nhận. Tôi nghĩ việc này nếu luật chưa có thì mình phải có những trường hợp đặc biệt, cá biệt. Bởi tất cả luật lệ đều do con người đặt ra, không có gì con người không quy định được. Đã được công nhận trong thực tế cuộc sống thì có nghĩa cũng nên được ghi nhận trong sổ sách.
Họa sỹ Tô Ngọc Vân được giới hội họa và nhân dân công nhận. Người thầy đã đóng góp hết sức mình trong cả thời kỳ kháng chiến. Theo tôi nên đặc cách tôn vinh trường hợp của họa sỹ Tô Ngọc Vân là Nhà giáo Nhân dân. Ông được đặc cách công nhận để thấy rằng đất nước mình trọng dụng người tài, không bao giờ chối bỏ những tài năng và ghi nhận tất cả những cống hiến của họa sỹ.

PV: Việc đề nghị truy tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân không xuất phát từ phía gia đình họa sỹ Tô Ngọc Vân mà từ các thế hệ họa sỹ. Có những người trực tiếp học thầy, có người không, nhưng họ vẫn ngưỡng mộ và thừa nhận công lao của thầy đối với nền giáo dục mỹ thuật. Bà nghĩ sao về điều này?

Bà Đoàn Thị Thu Hương:
Đó là mong muốn hoàn toàn chính đáng của các thế hệ học trò được thầy đào tạo. Người Á Đông có truyền thống không bao giờ khoe mình. Gia đình của thầy không ngoại lệ. Việc đề nghị truy tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho họa sỹ Tô Ngọc Vân của các thế hệ họa sỹ xuất phát từ đạo lý uống nước nhớ nguồn, thể hiện tấm lòng tôn sư trọng đạo. Họ cho rằng đây là việc chính đáng và nên làm. Theo tôi, thầy Tô Ngọc Vân không được công nhận danh hiệu này quả thật là điều bất công.
PV: Xin cảm ơn bà./.

Bà Đoàn Thị Thu Hương:
Cho đến tận bây giờ, có những tác phẩm trở thành đỉnh cao thật sự và cũng chưa có tác phẩm nào tương tự ở đề tài đấy bước qua được tác phẩm của hoạ sỹ Tô Ngọc Vân. Đấy là một kho báu của Việt Nam mà thế giới công nhận.

Nếu như nước Nga có kiệt tác “Người đàn bà xa lạ” của họa sỹ Ivan Nikolaevich Kramskoi, Italia có “Mona Lisa” của danh họa Leonardo da Vinci… thì Việt Nam có “Thiếu nữ bên hoa huệ” của họa sỹ Tô Ngọc Vân.

Ngoài ra, một kiệt tác nữa của họa sỹ Tô Ngọc Vân có thể kể đến bức tranh khắc gỗ “Hà Nội vùng đứng lên” đã cổ động tinh thần, kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào năm 1946. Bức tranh thực sự có một sức mạnh rất lớn. Phải nói là một người rất tài năng mới có thể có được những bút pháp tài tình như vậy.

Trà Xanh – Hà Phương/VOV online


Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ VOV - ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM - Thứ 6, 08:12, 11/04/2014.



Mời xem Bài liên quan
  1. Bên mộ HS Tô Ngọc Vân ngẫm về danh vị, danh hiệu và danh dự - VOV, 12/04/2014
  2. Bỏ qua thầy Tô Ngọc Vân là thiếu sót và bất công - VOV, 11/04/2014
  3. Hoạ sỹ Tô Ngọc Vân không được xét danh hiệu vì vướng Luật? - VOV, 10/04/2014
  4. Họa sĩ Tô Ngọc Vân xứng đáng là 'Đại Nhà giáo nhân dân' - VOV, 09/04/2014
  5. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ quên một nhà giáo lớn? - VOV, 08/04/2014
  6. Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân người thầy lớn của nền Mỹ thuật Cách mạng - VOV, 07/04/2014


0 comments:

Họa sỹ Tô Ngọc Vân không được xét danh hiệu vì vướng Luật? - Trà Xanh/VOV online

Đề nghị truy tặng danh hiệu NGND cho hoạ sỹ Tô Ngọc Vân

Hoạ sỹ Tô Ngọc Vân không được xét danh hiệu vì vướng Luật?

Trà Xanh/VOV online


VOV.VN - Liệt sĩ, hoạ sỹ Tô Ngọc Vân – thầy của mọi người thầy, chưa được vinh danh là Nhà giáo Nhân dân vì vướng…Luật!

Như VOV online đã đưa tin, năm 2012, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã có công văn số 80/ĐHMTVN – TCCB đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho họa sỹ Tô Ngọc Vân – Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Nhưng không hiểu vì lý do gì, hồ sơ không được thông qua.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân (1908 - 1954) thuộc lớp sinh viên đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương và thuộc nhóm liệt sĩ cuối cùng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Ông mất ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ khi đang trên đường cùng các học trò hoà mình vào đoàn quân khải hoàn để ghi lại không khí chiến thắng bằng những bức ký hoạ.


"Chân dung họa sỹ Tô Ngọc Vân" - tranh chì màu của Lê Lam. Trên tranh có chữ ký của các sinh viên khóa Kháng chiến.



Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và cũng là 60 năm ngày mất của liệt sỹ Tô Ngọc Vân, các thế hệ học trò của ông cũng như nhiều nghệ sỹ của ngành Mỹ thuật Việt Nam có mong muốn đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho người thầy đáng kính của mình như một sự tri ân cần thiết.

Trả lời VOV online về trường hợp của thầy giáo Tô Ngọc Vân, ông Nguyễn Văn Vui, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết:
“Với trường hợp Nhà giáo Tô Ngọc Vân thì cả nước đều đã biết đến công lao của ông. Chỉ đáng tiếc là trong Luật không công nhận là truy tặng, mà chỉ quy định là tặng thôi. Vì thế, chúng tôi không thông qua được trường hợp của thầy. Chúng tôi cũng rất lấy làm buồn”.

“Nếu bây giờ Bộ Giáo dục và Đào tạo tự đề xuất đặc cách trường hợp của thầy Tô Ngọc Vân thì trong ngành sẽ còn nhiều trường hợp khác nữa về giáo dục cũng có những đóng góp to lớn mà mất rồi không làm sao đề xuất lại được. Cho nên giờ nếu đề xuất bác Tô Ngọc Vân thì sẽ liên quan đến hàng loạt nhà giáo khác. Cái khó của ngành là chỗ ấy chứ không phải mình khó khăn gì trong việc này.”
– ông Nguyễn Văn Vui giải thích.

Họa sỹ Tô Ngọc Vân (ngồi thứ 5, hàng dưới, từ trái sang) cùng các giảng viên và sinh viên Trường Mỹ thuật Kháng chiến, tại Việt Bắc



Nhận xét về điều này, hoạ sỹ Lê Thiết Cương cho rằng
“Là một hoạ sỹ nổi tiếng nhưng tác phẩm lớn nhất của thầy Tô Ngọc Vân chính là những học trò – những thế hệ họa sỹ tên tuổi hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Các danh hiệu sẽ chả có giá trị khi nó không sống trong lòng những học trò của thầy”.

Bởi vậy theo hoạ sỹ Lê Thiết Cương, mặc dù bản thân thầy Tô Ngọc Vân và gia đình không cần danh hiệu này, nhưng sự tha thiết mong mỏi muốn tri ân công lao nhà giáo lớn ấy của các thế hệ học trò thầy Vân lại là một việc làm vô cùng ý nghĩa.

“Thật là đáng tiếc” là bày tỏ của bà Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL), Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật & Nhiếp ảnh.

“Thầy giáo Tô Ngọc Vân là người xây dựng nên một nền móng hội hoạ, là người tiên phong trong việc đào tạo tất cả hoạ sỹ nổi tiếng sau này mà không được công nhận quả là một điều đáng tiếc" - bà Hương nhấn mạnh: "Đây là một thiếu sót!”./.


Trà Xanh/VOV online
Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ VOV - ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM - Thứ 5, 07:07, 10/04/2014.



Mời xem Bài liên quan
  1. Bên mộ HS Tô Ngọc Vân ngẫm về danh vị, danh hiệu và danh dự - VOV, 12/04/2014
  2. Bỏ qua thầy Tô Ngọc Vân là thiếu sót và bất công - VOV, 11/04/2014
  3. Hoạ sỹ Tô Ngọc Vân không được xét danh hiệu vì vướng Luật? - VOV, 10/04/2014
  4. Họa sĩ Tô Ngọc Vân xứng đáng là 'Đại Nhà giáo nhân dân' - VOV, 09/04/2014
  5. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ quên một nhà giáo lớn? - VOV, 08/04/2014
  6. Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân người thầy lớn của nền Mỹ thuật Cách mạng - VOV, 07/04/2014




0 comments:

Họa sĩ Tô Ngọc Vân xứng đáng là 'Đại Nhà giáo nhân dân' - Hà Phương – Thu Linh/VOV online

Đề nghị truy tặng danh hiệu NGND cho hoạ sỹ Tô Ngọc Vân

Họa sĩ Tô Ngọc Vân xứng đáng là 'Đại Nhà giáo nhân dân'

Hà Phương – Thu Linh/VOV online


VOV.VN -Họa sỹ Tô Ngọc Vân ngoài việc để lại khối lượng tác phẩm đồ sộ, còn là người thầy đào tạo ra nhiều thế hệ học trò xuất sắc.

Tô Ngọc Vân là một trong những họa sỹ tiêu biểu của giai đoạn khởi đầu nền nghệ thuật tạo hình hiện thực xã hội, một trong “tứ kiệt” của hội họa hàng đầu của mỹ thuật hiện đại Việt Nam: nhất Trí (Nguyễn Gia Trí), nhì Vân (Tô Ngọc Vân), tam Lân (Nguyễn Tường Lân), tứ Cẩn (Trần Văn Cẩn).

Tác giả bức tranh nổi tiếng “Thiếu nữ bên hoa huệ”, “Hà Nội vùng đứng lên” không những đã đào tạo được rất nhiều học trò xuất sắc mà còn thể hiện tài năng hiếm có qua những tác phẩm để đời. Sự nghiệp của ông chủ yếu là dạy học và vẽ, con người ông vừa gắn bó với giáo dục vừa gắn với nền mỹ thuật.


"Chân dung họa sỹ Tô Ngọc Vân" - tranh chì màu của Lê Lam. Trên tranh có chữ ký của các sinh viên khóa Kháng chiến.



Họa sỹ Tô Ngọc Vân là niềm tự hào của giới Mỹ thuật Việt Nam




Đó là lời khẳng định của Họa sỹ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông cho rằng, Tô Ngọc Vân là một họa sỹ lớn của nền Mỹ thuật Việt Nam. Ông có rất nhiều tác phẩm tiêu biểu, chủ yếu là tranh sơn dầu với cách sử dụng ánh sáng đặc sắc trong các tác phẩm của mình. Đề tài trong tranh ông cũng rất gần gũi, đó là hình ảnh đường phố, thiếu nữ áo dài, hoa sen, hoa huệ… Qua đó, thể hiện cách nhìn hết sức tinh tế và khả năng cầm bút của ông, đặc biệt là các tác phẩm trước Cách mạng. Một trong các tác phẩm của ông gần đây nhất đã được chọn làm “Bảo vật quốc gia” là bức tranh “Hai thiếu nữ và em bé”.

Họa sỹ Trần Khánh Chương
Họa sỹ Trần Khánh Chương cho biết, trong kháng chiến chống Pháp, Tô Ngọc Vân có nhiều bức ký họa. Ông đã bám sát công việc vẽ với đời sống trong kháng chiến và có từng bước chuyển biến trong hoạt động nghệ thuật của riêng mình.

Đặc biệt, ở thời kỳ chiến dịch Điện Biên Phủ, sau khi toàn thắng vào ngày 7/5/1954, ông đã cùng một đoàn họa sỹ lên Điện Biên. Trên đường đi, đến đèo Lũng Lô, ông bị dội bom và hy sinh. Khi đó, trong chiếc cặp ông mang theo, vẫn còn nhiều bức ký họa rất đẹp, nổi bật là ký họa bộ đội hành quân. Chiếc cặp đó sau này được Nguyễn Đình Thi giữ và coi như tài sản rất quý.
Ngoài ra, ông còn vẽ tranh biếm họa rất giỏi, nhất là tranh biếm họa thời kỳ đầu chống thực dân phong kiến. Bên cạnh đó, họa sỹ Tô Ngọc Vân còn có một bức vẽ tem rất đẹp, vẽ Angkor trong thời gian sang Campuchia. Vì thế, các thế hệ họa sỹluôn tôn vinh ông là niềm tự hào của giới Mỹ thuật Việt Nam.

Họa sỹ Trần Khánh Chương nhấn mạnh rằng, với Mỹ thuật Việt Nam, họa sỹ Tô Ngọc Vân có 2 thành tựu lớn. Thứ nhất là thành tựu về sáng tác, ông là một trong những họa sỹ hàng đầu, là 1 trong 8 họa sỹ đầu tiên được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật tại nước ta. Nhưng, thành tựu thứ hai mà ai cũng ghi nhận, đó là vai trò của ông trong công tác làm nhà giáo.

Bộ tem bưu chính Đông Dương do họa sỹ Tô Ngọc Vân thiết kế



Trong thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp, họa sỹ Tô Ngọc Vân vẫn tiếp tục mở trường dạy mỹ thuật. Học trò của ông có 21 người đều trở thành người tài, nhiều người được giải thưởng của Nhà nước như: họa sỹ Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân, Mai Long, Đào Đức… Thầy Tô Ngọc Vân đã tạo nên nền tảng, giúp họ không chỉ thành công trong lĩnh vực hội họa, mà cả lĩnh vực nghệ thuật khác như sân khấu, điện ảnh…

“Tất cả thế hệ học trò Tô Ngọc Vân từ thời trước Cách mạng tháng Tám cho đến trong kháng chiến chống Pháp, có rất nhiều người giỏi và có tài. Hầu hết họ đều đánh giá rất cao vai trò, phương pháp giảng dạy của họa sĩ Tô Ngọc Vân đối với học sinh, vừa khoa học, hiện đại mà vẫn phù hợp với nền mỹ thuật nước nhà. Họ đều hết sức ca ngợi thái độ giảng dạy chân thành, sự uyên bác của thầy giáo với học trò” - Họa sỹ Trần Khánh Chương nói.

Người thầy của nền mỹ thuật Việt Nam tiên tiến




Đối với PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo, Chủ tịch Hội đồng Phê bình Mỹ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sỹ Tô Ngọc Vân là người tiếp thu được những giá trị tiên tiến của mỹ thuật phương Tây vào Việt Nam. “Trước đây nghệ thuật của chúng ta chủ yếu là nghệ thuật thủ công, nghệ thuật theo phong cách truyền thống, người nọ kèm cặp người kia, từ đó phát triển lên. Nhưng người Pháp đã đưa vào những phương pháp mới nhất về nghệ thuật tạo hình, đưa vào cách học và phương pháp sư phạm được nhiều người đánh giá là tiên tiến. Họa sỹ Tô Ngọc Vân đã thâu tóm được những phương pháp đó và truyền đạt lại cho những thế hệ kế tục của nền mỹ thuật Việt Nam những cái tiên tiến nhất của thời đại” - PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo cho biết.

PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo
Trong thời gian nhận nhiệm vụ là người hiệu trưởng đầu tiên sau cách mạng của trường Mỹ thuật Việt Nam, họa sỹ Tô Ngọc Vân vừa là hiệu trưởng, nhưng đồng thời cũng là giáo sư chính giảng dạy tại trường.

PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo chia sẻ: “Đây là thời kỳ mà cụ Vân thể hiện được tính sư phạm của cụ. Cụ giảng dạy không phải chỉ có tính trừu tượng, mà cụ chỉ bảo cụ thể cho từng học sinh, người này mạnh mặt nào, yếu mặt nào… Bây giờ, họ đều trở thành những họa sĩ có tên tuổi của chế độ chúng ta ngày nay. Họ cũng tở thành những người thầy có trình độ sư phạm để hướng dẫn các họa sĩ trẻ sau này. Cụ thể, hầu hết họ trở thành những họa sĩ sáng tác, đồng thời, họ cũng trở thành những nhà giáo dạy ở trường, đào tạo rất nhiều họa sĩ nổi tiếng cho cả chế độ chúng ta cho đến bây giờ”.

Họa sỹ Tô Ngọc Vân là người được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh ngay đợt thứ nhất, đợt đầu tiên nhà nước phong tặng, đây là vinh dự mà ít người trong giới văn học nghệ thuật đạt được điều đó.

Giải thưởng Hồ Chí Minh cho đến nay qua nhiều đợt mới được tổng cộng 19 người tiêu biểu cho cả giới Mỹ thuật nói chung từ Bắc vào Nam, qua bao nhiêu thế hệ được đào tạo ở các trường, hàng năm tốt nghiệp ở các trường ra đến hàng nghìn họa sĩ. Theo PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo, với những thành tích ấy, với danh hiệu nhà giáo nhân dân, họa sỹ Tô Ngọc Vân “thừa tiêu chuẩn để có được danh hiệu đó. Bởi cụ là một nhà giáo có uy tín, là một họa sĩ có phương pháp sư phạm để giảng dạy sinh viên tiếp nối ngành mỹ thuật”.

Họa sỹ Tô Ngọc Vân xứng đáng là “Đại Nhà giáo nhân dân”




Ông Lê Quốc Bảo – nhà phê bình đồng thời là nhà giáo tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội cũng đồng tình cho rằng họa sỹ Tô Ngọc Vân xứng đáng với danh hiệu đó. Theo ông Lê Quốc Bảo, họa sỹ Tô Ngọc Vân đã sớm cho ra đời những tác phẩm tranh được công chúng yêu thích từ những năm 1930, thậm chí có tác phẩm đã đi vào lịch sử và nổi tiếng tới tận bây giờ như bức “Thiếu nữ bên hoa huệ”, “Cô gái nghỉ chân bên đồi”…

Nhà phê bình – Nhà giáo Lê Quốc Bảo
Đồng thời, ông cũng là người thầy đáng kính của các thế hệ học sinh trường Mỹ thuật, từ thời kháng chiến cho đến ngày nay. Phong cách sáng tác của các họa sỹ trường Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có Tô Ngọc Vân đều ảnh hưởng đến nhiều thế hệ học sinh bây giờ.

Mỗi người học trò khi nhắc tới ông, còn nhắc tới một hình ảnh người thầy gần gũi, tận tâm, hết lòng vì công việc và giàu tình cảm thương yêu đồng nghiệp. Vì thế, họa sỹ Tô Ngọc Vân là người có đóng góp đáng kể cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo tại nước ta. “Đóng góp của thầy Tô Ngọc Vân cho nền mỹ thuật Việt Nam là sự nghiệp đào tạo và sự nghiệp sáng tạo. Thầy là người có công đầu ở cả 2 hoạt động này”, ông Lê Quốc Bảo nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Lê Quốc Bảo cho rằng: “Về danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, thời họa sỹ Tô Ngọc Vân còn hoạt động mỹ thuật lại chưa có. Năm 1954, thầy đã hy sinh, nếu không thầy cũng xứng đáng với danh hiệu là đại Nhà giáo Nhân dân. Các học trò của thầy ngày nay nhiều người đã là nhà giáo nhân dân cả, họ còn là các họa sỹ nổi danh”.

Do đó, việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho một người thầy, một họa sỹ tài hoa như thầy Tô Ngọc Vân là một việc làm cần thiết, nhằm vinh danh và tri ân những cống hiến của ông cho nền mỹ thuật, nền giáo dục nước nhà./.


Hà Phương – Thu Linh/VOV online
Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ VOV - ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM - Thứ 4, 15:07, 09/04/2014.



Mời xem Bài liên quan
  1. Bên mộ HS Tô Ngọc Vân ngẫm về danh vị, danh hiệu và danh dự - VOV, 12/04/2014
  2. Bỏ qua thầy Tô Ngọc Vân là thiếu sót và bất công - VOV, 11/04/2014
  3. Hoạ sỹ Tô Ngọc Vân không được xét danh hiệu vì vướng Luật? - VOV, 10/04/2014
  4. Họa sĩ Tô Ngọc Vân xứng đáng là 'Đại Nhà giáo nhân dân' - VOV, 09/04/2014
  5. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ quên một nhà giáo lớn? - VOV, 08/04/2014
  6. Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân người thầy lớn của nền Mỹ thuật Cách mạng - VOV, 07/04/2014




0 comments:

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ quên một nhà giáo lớn? - Trà Xanh/VOV online

Đề nghị truy tặng danh hiệu NGND cho hoạ sỹ Tô Ngọc Vân

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ quên một nhà giáo lớn?

Trà Xanh/VOV online


VOV.VN - Tô Ngọc Vân là thầy của mọi người thầy, việc truy tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân là hoàn toàn xứng đáng.

Tháng tư về, con đường Tô Ngọc Vân và cả làng Quảng Bá như ướp trong mùi hương nhẹ nhàng và sắc trắng tinh khiết của loa kèn. Người yêu hội hoa nhìn hoa lại nhớ đến bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của cố hoạ sĩ.

Còn các thế hệ trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thì không chỉ ngậm ngùi thương tiếc một tài năng ra đi quá sớm mà còn day dứt khôn nguôi về một mong mỏi ấp ủ bấy lâu mà với họ còn chưa hoàn thành là chưa trọn vẹn nghĩa tình với người hiệu trưởng đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Đó là đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho thầy giáo, liệt sỹ, họa sỹ Tô Ngọc Vân.

Thiểu nữ bên hoa huệ. Tác giả: Tô Ngọc Vân



Bộ GD&ĐT bỏ quên một nhà giáo lớn?




Năm 2012, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã có công văn số 80/ĐHMTVN – TCCB đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu này cho họa sỹ Tô Ngọc Vân. Nhưng không hiểu vì lý do gì, hồ sơ không được thông qua.

Người ký công văn là PGS.NGND.Họa sỹ Lê Anh Vân lúc đó là Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Nay dù đã về hưu nhưng trong lòng ông vẫn canh cánh một nhiệm vụ mà mình vẫn chưa hoàn thành. Ông nói: “Thầy Tô Ngọc Vân là một người đáng kính trọng, hoàn toàn xứng đáng được vinh danh là Nhà giáo Nhân dân, không có gì để bàn cãi. Chúng ta làm được việc này là rất tốt vì tôn vinh một người có đóng góp như thế và đã hi sinh rồi sẽ thể hiện được sự quan tâm, đánh giá công bằng của Nhà nước”.

PGS, NSND. Họa sỹ Ngô Mạnh Lân, là một trong số 21 sinh viên khóa Kháng chiến do Hiệu trưởng Tô Ngọc Vân trực tiếp giảng dạy cũng cho rằng: “Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân tặng cho những nhà giáo có công với sự nghiệp giáo dục thì thầy Tô Ngọc Vân là một trong những người đứng hàng đầu. Nếu thầy của chúng tôi được truy tặng thì là một việc hoàn toàn xứng đáng”.


Họa sỹ Tô Ngọc Vân - thầy của mọi người thầy




Không chỉ là một danh họa nổi tiếng với những tác phẩm như “Thiếu nữ bên hoa huệ”, “Hà Nội vùng đứng lên”…thầy giáo Tô Ngọc Vân còn có công đào tạo nhiều thế hệ họa sỹ từ trường Đại học Mỹ thuật Đông Dương đến trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam.

Tên tuổi của các học trò của ông đã đi vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam cận hiện đại – đương đại như Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Huỳnh Văn Gấm, Quang Phòng, Phan Thông, Mai Văn Hiến, Dương Bích Liên, Phan Kế An…(trường Mỹ thuật Đông Dương); Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Trần Lưu Hậu, Lê Huy Hòa, Mai Long, Lê Lam, Đào Đức, Ngọc Linh, Ngô Mạnh Lân…(khóa Kháng chiến, trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam).

“Thầy Tô Ngọc Vân là thầy của mọi người thầy, ai cũng biết vậy. Là một hoạ sỹ tài danh rồi là hiệu trưởng đầu tiên của Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Ở trong kháng chiến khó khăn gian khổ là thế, ông cùng với gia đình đã không tiếc tiền của và vàng bạc bỏ ra để tạo điều kiện mở trường và duy trì việc dạy học” – PGS.NGND.Họa sỹ Lê Anh Vân nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết.


Trường công nhưng tiền nhà nuôi sinh viên




Họa sỹ Vũ Giáng Hương, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nguyên là Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, lúc còn sống thường hay kể lại những kỷ niệm về những năm tháng gian khó theo học thầy Tô Ngọc Vân ở chiến khu Việt Bắc khi bà mới chỉ 15 tuổi. Không chỉ được thầy Tô dạy dỗ mà bà còn được gia đình Thầy chăm sóc như con cái trong nhà. Họa sỹ Vũ Giáng Hương bùi ngùi nhớ lại những bữa cơm chiến khu mà thầy Tô Ngọc Vân đã nhường cho cô những bát cơm đong đầy nghĩa tình.


Họa sỹ Tô Ngọc Vân (ngồi thứ 5, hàng dưới, từ trái sang) cùng các giảng viên và sinh viên Trường Mỹ thuật Kháng chiến, tại Việt Bắc



Những năm tháng ấy, thầy Tô Ngọc Vân là thủ lĩnh tinh thần, niềm cảm hứng của các sinh viên trong việc học tập nghệ thuật. Trong thành công trong bước đường sự nghiệp của mình, PGS.NSND.Họa sỹ Ngô Mạnh Lân cũng không bao giờ quên những tháng ngày học tập ở chiến khu Việt Bắc khi ông mới 16 tuổi. Ông kể: “Đó là những bài học đầu tiên, những kiến thức cơ bản đầu tiên về mỹ thuật, về tạo hình mà thầy Tô Ngọc Vân đã tận tụy truyền dạy cho chúng tôi. Những bước cơ bản đó cực kỳ quan trọng, nó đem lại sự thành công sau này cho sự nghiệp sáng tác của chúng tôi”.

“Cách giảng dạy của thầy rất cập nhật làm sao đào tạo các anh em hoạ sĩ có khả năng phục vụ công tác kháng chiến, phục vụ chính sách Đảng và Chính phủ và tập trung vẽ tranh về đời sống sinh hoạt của quân và dân trong đời sống kháng chiến” – họa sỹ Ngô Mạnh Lân chia sẻ.


Truy tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, sự tri ân cần thiết




Những học trò của thầy Tô Ngọc Vân sau này hầu hết đều trở thành những tên tuổi nổi tiếng, những Nghệ sỹ Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân… có nhiều đóng góp cho sự nghiệp mỹ thuật nước nhà. Họ đã được người thầy ấy truyền nhiệt huyết, đam mê và tư tưởng nghệ thuật vì nhân dân, vì cuộc sống mà đã trở thành những tác nhân nghệ thuật, đẩy lịch sử nghệ thuật tiến tới với một cấp số nhân về mỹ thuật Việt Nam.

Đề nghị truy tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho thầy giáo Tô Ngọc Vân hoàn toàn không xuất phát từ phía gia đình họa sỹ, mà đến từ tấm lòng tha thiết của các thế hệ học trò của thầy giáo Tô Ngọc Vân.

“Chúng tôi - thế hệ sau nghĩ rằng nếu chúng tôi làm được điều này cho một người thầy lớn như thế thì đó là một điều đáng quý và nó tác động rất nhiều đến các thế hệ sau – những thế hệ luôn cần phải biết sống có trước có sau, sống nghĩa tình” - Họa sỹ Lê Anh Vân bày tỏ./.


Trà Xanh/VOV online
Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ VOV - ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM - Thứ 3, 08:10, 08/04/2014.



Mời xem Bài liên quan
  1. Bên mộ HS Tô Ngọc Vân ngẫm về danh vị, danh hiệu và danh dự - VOV, 12/04/2014
  2. Bỏ qua thầy Tô Ngọc Vân là thiếu sót và bất công - VOV, 11/04/2014
  3. Hoạ sỹ Tô Ngọc Vân không được xét danh hiệu vì vướng Luật? - VOV, 10/04/2014
  4. Họa sĩ Tô Ngọc Vân xứng đáng là 'Đại Nhà giáo nhân dân' - VOV, 09/04/2014
  5. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ quên một nhà giáo lớn? - VOV, 08/04/2014
  6. Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân người thầy lớn của nền Mỹ thuật Cách mạng - VOV, 07/04/2014





0 comments:

Họa sĩ Tô Ngọc Vân người thầy lớn của nền Mỹ thuật Cách mạng - Trà Xanh/VOV online

Đề nghị truy tặng danh hiệu NGND cho hoạ sỹ Tô Ngọc Vân

Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân
người thầy lớn của nền Mỹ thuật Cách mạng

Trà Xanh/VOV online

VOV.VN - Cứ mỗi dịp đất nước kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các thế hệ thầy trò Trường ĐH Mỹ thuật VN lại nhớ về họa sĩ Tô Ngọc Vân...



Chân dung họa sỹ Tô Ngọc Vân, chì màu của Lê Lam. Trên tranh có chữ ký của các sinh viên khóa Kháng chiến.


Ông là một người thầy lớn có nhiều đóng góp trong kháng chiến và để lại nhiều niềm tôn kính và tiếc thương trong lòng các thế hệ giáo viên mỹ thuật khi ra đi ngay sau chiến thắng lừng lẫy Điện Biên Phủ.

Học trò của ông vẫn truyền lại hoàn cảnh hi sinh của ông như để nhắc nhở nhau về một tấm gương lao động nghệ thuật chân chính vì dân vì nước. Sau chiến thắng “chấn động địa cầu”, lúc đó, trên đường làm nhiệm vụ, với cương vị của mình, họa sỹ Tô Ngọc Vân hoàn toàn được tiêu chuẩn đi ô tô, nhưng ông đã khước từ, tự nguyện đi cùng đoàn bộ đội để được chứng kiến đoàn quân khải hoàn phục vụ cho công việc ký họa chân thực của một nghệ sĩ cách mạng.

Thời gian đó, dù thất bại trên chiến trường Điện Biên Phủ, quân Pháp vẫn điên cuồng bắn phá ta. Ông đã hi sinh ngày 17 tháng 6 năm 1954 trong một cuộc dội bom của Pháp tại Km41, Ba Khe, Sơn La.

Hoạ sỹ Tô Ngọc Vân (1906 -1954) sinh ra ở Hà Nội, có quê gốc làng Xuân Cầu, Văn Giang, Hưng Yên. Ông học khoá II Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925 -1931), sau này trở thành giáo sư hội hoạ của trường.

Tác giả bức tranh nổi tiếng “Thiếu nữ bên hoa huệ”, “Hà Nội vùng đứng lên” đã tham gia hoạt động bán công khai trong Mặt trận Việt Minh, là một trong những hoạ sỹ đầu tiên được vào vẽ Bác Hồ tại Bắc Bộ phủ.

Thiếu nữ bên hoa huệ. Tác giả: Tô Ngọc Vân


Sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ có Nghị định mở lại trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam và hoạ sỹ Tô Ngọc Vân được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam là một trong 6 trường Đại học và Cao đẳng đầu tiên của nền giáo dục Cách mạng.

Năm 1946, khóa học đầu tiên tồn tại từ tháng 10 đến ngày toàn quốc kháng chiến (12/1946). Đáp lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, họa sĩ Tô Ngọc Vân cùng nhiều văn nghệ sĩ đã lên chiến khu tham gia kháng chiến trường kỳ. Năm 1950, sau những nỗ lực vận động và hoàn cảnh kháng chiến cho phép, Trường Cao đẳng Mỹ thuật tiếp tục khai giảng với khóa học 21 sinh viên. Khóa học này có tên đặc biệt Khóa Kháng chiến.

PGS. NSND. họa sỹ Ngô Mạnh Lân là một trong số các sinh viên của khóa học đặc biệt đó. Ông còn nhớ như in trong điều kiện kháng chiến gian khổ ấy, họa sĩ Tô Ngọc Vân cùng các giảng viên của Trường Mỹ thuật Kháng chiến luôn cố gắng đảm bảo chất lượng giáo dục, đời sống cho các sinh viên. Người thầy ấy cùng gia đình có lúc đã bỏ tiền của để nuôi sinh viên qua những năm gian khó.

Hà Nội vùng đứng lên, khắc gỗ, 1946. Tác giả: Tô Ngọc Vân


Từ phương thức “Học trong cuộc sống”, thầy giáo Tô Ngọc Vân và các đồng nghiệp của Trường đã tạo ra một chuyển biến quan trọng trong sinh viên là đưa nghệ thuật trở về với cuộc sống đời thường nhật, phục vụ công cuộc kháng chiến của dân tộc.

“Thầy Tô Ngọc Vân nói rằng, nhân dân nuôi chúng ta cơm ăn áo mặc thì chúng ta phải trả lại nhân dân bằng hội họa, bằng tác phẩm của mình” – PGS, NSND. Họa sỹ Ngô Mạnh Lân chia sẻ: “Với phương châm ấy, những người cán bộ và họa sĩ là cán bộ cũng công tác như mọi người khác và phục vụ nhân dân bằng tác phẩm của mình. Anh em chúng tôi đã thực hiện được điều đó”.

Do hoàn cảnh chiến tranh chưa có điều kiện để xây dựng các tác phẩm lớn, các sáng tác của thầy trò Khóa Kháng chiến thời ấy chủ yếu tập trung vào mảng ký họa, tranh cổ động. Chính những sáng tác này đã tạo nên những giá trị hết sức độc đáo của một giai đoạn lịch sử. Bắt đầu từ đây, người nghệ sỹ dấn thân vào công cuộc kháng chiến, xác lập ý thức công dân, khẳng định vai trò của người cán bộ mỹ thuật-cán bộ văn hóa.

Họa sỹ Tô Ngọc Vân (ngồi thứ 5, hàng dưới, từ trái sang) cùng các giảng viên và sinh viên Trường Mỹ thuật Kháng chiến, tại Việt Bắc


“Họa sỹ Tô Ngọc Vân đã có công truyền thụ những giá trị nhân văn, phương pháp sư phạm khoa học của Trường Mỹ thuật Đông Dương cùng tình yêu Tổ quốc cho một thế hệ nghệ sỹ của nền tạo hình cách mạng”
– PGS, NGND. Họa sỹ Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật VN khẳng định:
“Những quan điểm và phương pháp giáo dục của họa sỹ Tô Ngọc Vân đã tạo nên một thế hệ nghệ sỹ kháng chiến tài năng, có vị trí trang trọng trong lịch sử nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại”.

Ông có nhiều tiểu luận phê bình có tính học thuật đăng trên các báo được dư luận chú ý như: “Bước đầu của Hội họa Việt Nam” (1942), “Học hay không học” (1949), “Người vẽ” (1950), “Tranh tuyên truyền và hội họa” (1947-1948). Những bài viết và tham luận của họa sỹ Tô Ngọc Vân đã đưa ông vào vị trí một cây bút lý luận phê bình thuộc hàng tiền bối.

Với những đóng góp to lớn của mình, họa sỹ Tô Ngọc Vân đã được nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhất năm 1996. Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996. Những đường phố mang tên của ông xuất hiện trên nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam.

Nhà phê bình mỹ thuật Trần Thức khẳng định: “48 năm tuổi đời, 28 năm tuổi nghề với những đóng góp lớn lao không mệt mỏi, đầy nhiệt tâm, nhiệt huyết, nhiệt tình và trọng trách, Tô Ngọc Vân thực sự đã bắc được những nhịp cầu nhân ái và trí thức từ nghệ thuật với các thế hệ nối tiếp, vì tương lai văn hóa nước nhà”


Họa sỹ Tô Ngọc vân
- Sinh ngày 15 tháng 12 năm 1906
- Quê quán: Xã Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
- Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, năm 1931.
- Ông mất ngày 17 tháng 6 năm 1954

Quá trình công tác:
- Năm 1939 - 1945: Giáo sư Trường Mỹ thuật Đông Dương.
- Năm 1945 - 1954: Hiệu trưởng Trường Đại học thuật Việt Nam,
trực tiếp giảng dạy Khóa Mỹ thuật Kháng chiến tại Việt Bắc
- Trưởng đoàn Văn hóa Kháng chiến.
- Giám đốc Xưởng Sơn mài Việt Nam.
- ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam.
- ủy viên Ban Mỹ thuật Trung ương

Những công trình chính:
- Thiếu nữ bên hoa huệ, sơn dầu, 1943
- Thuyền trên sông Hương, sơn dầu
- Hồ Chủ tịch làm việc, khắc gỗ, 1946
- Bác Hồ làm việc ở Bắc Bộ phủ, sơn dầu, 1946
- Bộ đội nghỉ chân bên đường, sơn mài, 1948
- Xưởng quân giới, sơn dầu, 1951
- Tập ký họa trong kháng chiến chống thực dân Pháp

Giải thưởng
- Bằng danh dự của triển lãm Thuộc địa Paris năm 1931
(Honorary certificate at the Colonial Exposition of Paris in 1931)
- Khen thưởng danh dự tại triển lãm của Hội Họa sỹ Pháp - Salon Paris năm 1932.
- Giải nhất triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1954.
- Huân chương Độc lập Hạng Nhất.

Trà Xanh/VOV online

Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ VOV - ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM - Thứ 2, 13:09, 07/04/2014.

Mời xem Bài liên quan
  1. Bên mộ HS Tô Ngọc Vân ngẫm về danh vị, danh hiệu và danh dự - VOV, 12/04/2014
  2. Bỏ qua thầy Tô Ngọc Vân là thiếu sót và bất công - VOV, 11/04/2014
  3. Hoạ sỹ Tô Ngọc Vân không được xét danh hiệu vì vướng Luật? - VOV, 10/04/2014
  4. Họa sĩ Tô Ngọc Vân xứng đáng là 'Đại Nhà giáo nhân dân' - VOV, 09/04/2014
  5. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ quên một nhà giáo lớn? - VOV, 08/04/2014
  6. Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân người thầy lớn của nền Mỹ thuật Cách mạng - VOV, 07/04/2014

0 comments: