Trường Mỹ thuật Việt Nam Khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957)

Trường Mỹ thuật Việt Nam Khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957)


I. TÓM LƯỢC
Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam khai giảng tại Hà Nội ngày 15 tháng 11 năm 1945, theo Nghị định của Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, ông Vũ Đình Hòe, ký ngày 8 tháng 10 năm 1945, do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng. Trường tuyển sinh được một khóa nhưng hầu như không học được trước nguy cơ bùng nổ chiến tranh, và đã phải đóng cửa khoảng một tháng trước Ngày Toàn quốc kháng chiến (19 tháng 12 năm 1946).
Tại Chiến khu Việt Bắc, theo Nghị định số 489, ký ngày 14 tháng 9 năm 1948, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã được cử đứng ra tổ chức lại Trường Cao đẳng Mỹ thuật. Trường đã chính thức đi vào hoạt động dưới tên gọi Trường Mỹ thuật Trung cấp (kỹ thuật cấp 1) kể từ ngày 1 tháng 8 năm 1950 (theo Nghị định số 605 do Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Văn Huyên ký ngày 28 tháng 12 năm 1950), còn được gọi là Trường Mỹ thuật Việt Nam Khóa Kháng chiến.
Hòa bình lập lại (1954), ở Hà Nội, trong thời gian đầu tiếp tục hoạt động, Trường vẫn mang tên Trường Mỹ thuật Trung cấp (trực thuộc Bộ Tuyên truyền), tuyển được 76 học sinh cho niên khóa 1955-1957, lấy tên là Khóa Tô Ngọc Vân.
Theo Nghị định số 16 VII của Bộ trưởng Bộ Văn hóa (Bộ Tuyên truyền đã đổi tên thành Bộ Văn hóa vào trung tuần tháng 9 năm 1955), ông Hoàng Minh Giám, ký ngày 3 tháng 3 năm 1957, Trường Mỹ thuật Trung cấp đã mở thêm một lớp chuyên nghiệp cho học sinh niên khóa 1955-1957, thời gian học là một năm (niên khóa 1957-1958) “để bổ túc thêm trình độ chuyên môn về hội họa, trang trí và điêu khắc cho các học sinh trung cấp đã tốt nghiệp khóa 1955-1957”, với chỉ tiêu lấy vào là 25 người. Lớp học này có thể được xem như một sự “mở rộng và nối dài” của Khóa Tô Ngọc Vân.
Toàn cảnh Trường Mỹ thuật Hà Nội sau ngày Giải phóng Thủ đô năm 1954.