Thứ Ba, 21 tháng 12, 2021

Họa sĩ Khóa Kháng chiến

Họa sĩ Khóa Kháng chiến

@hoasikhoakhangchien


Họa sĩ Khóa Kháng chiến là tên thường gọi cho các Họa sĩ học trường Mỹ thuật đầu tiên trên chiến khu Việt Bắc do Họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng và trực tiếp giảng dạy. Khóa học trong 4 năm (1950-1954) gồm 22 học viên trong đó có 3 nữ, 19 nam. Học viên nhiều tuổi nhất khi đó là Trần Dư sinh năm 1917, ít tuổi nhất là Ngô Mạnh Lân sinh năm 1934.
Sau đây là danh sách 22 họa sĩ trong Khóa Kháng chiến (1950-1954):
1. Ngô Minh Cầu (1927-2009)
2. Linh Chi (Nguyễn Tài Lương) (1921-2016)
3. Nguyễn Thị Thu Dung (1925-1967)
4. Trần Dư (Trần Dư Tá) (1917-1968)
5. Ngô Tôn Đệ (1926)
6. Đào Đức (1928-2007)
7. Đặng Đức (1932-1995)
8. Trần Lưu Hậu (1928)
9. Lê Huy Hòa (1932-1997)
10. Nguyễn Trọng Kiệm (1933-1991)
11. Lê Lam (Vũ Quốc Ái) (1931)
12. Ngô Mạnh Lân (1934)
13. Ngọc Linh (Vi Văn Bích) (1930)
14. Mai Long (1930)
15. Lê Nguyên Lợi (1929-2010)
16. Trân Đông Lương (1925-1993)
17. Lưu Công Nhân (1931-2007)
18. Trần Thị Thục Phi (1933)
19. Trịnh Bá Phòng (1922)
20. Trịnh Thiệp (Trịnh Mạnh) (1925-2003)
21. Trịnh Kim Vinh (1932)
22. Nguyễn Thế Vị (1927-2013)



Nguồn: FB Sách Mỹ Thuật - Hoạ Sỹ Khoá Kháng Chiến 1950-1954 - 2 tháng 11, 2018


Ảnh chụp từ sổ tay của HS Nguyễn Thế Vỵ


Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân sinh ngày 15/ 12/1906 tại Phố Hàng Quạt, Hà Nội, quê quán tại làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, Hưng Yên. Ông có một số bút danh như : Tô Tử, TNV, Ái Mỹ.
Ông chọn chất liệu sơn dầu làm chất liệu chủ đạo trong sự nghiệp sáng tác của mình.
Những tác phẩm tiêu biểu như: Thiếu nữ bên hoa huệ, Hai thiếu nữ và em bé....
Ông mất ngày 17/6/1954 tại Km 41, Ba Khe, bên kia Đèo Lũng Lô, do bom của máy bay Pháp, gần sát chiến trường Điện Biên Phủ. Ông được truy tặng danh hiệu Liệt sĩ và phần mộ hiện an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch.
.......
Người hoạ sĩ, người thầy đáng kính Tô Ngọc Vân còn được khắc hoạ rõ nét hơn thông qua nội dung cuốn sách Hoạ sĩ khoá kháng chiến 1950-1954 của tác giả Đào Mai Trang.

Sách họa sĩ Khóa kháng chiến (1950-1954) tác giả Đào Mai Trang do NXB Mỹ Thuật phát hành năm 2017 đến nay là cuốn sách chuyên khảo giới thiệu đầy đủ nhất về các Họa sĩ Khóa Kháng chiến với nhiều tư liệu, hình ảnh về khóa học và các họa sĩ trong khóa.
Sách dày 300 trang in màu trên giấy couche khổ 21x27 bìa cứng ép nhũ với 255 hình ảnh tư liệu và tác phẩm của người thầy họa sĩ Tô Ngọc Vân và các họa sĩ trong khóa phần lớn chưa được công bố.
Đây là cuốn sách cần thiết và bổ ích cho các nhà sưu tập, những nhà nghiên cứu mỹ thuật và tất cả những bạn đọc quan tâm đến mỹ thuật Việt Nam.

Sách Mỹ Thuật - Họa Sĩ Khoá Kháng Chiến 1950-1954

0 comments:

Ký họa thời chiến của họa sĩ Tô Ngọc Vân

Ký họa thời chiến của họa sĩ Tô Ngọc Vân

Thu Trà

Hà Thành trong kế hoạch "vườn không nhà trống"



(GD&TĐ) - Tiếc rằng họa sĩ Tô Ngọc Vân đã không sống lâu hơn để biến những bức ký họa đó thành các bức tranh hoàn chỉnh. Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng mua 1 tạ sơn dầu, còn ngày trước ông chỉ có cuốn sổ và cây bút nhưng vẫn vẽ nên những tác phẩm có ý nghĩa với dân tộc - Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đã chia sẻ những tâm sự của mình về người họa sĩ mà mình trân trọng kính nể.

Duyên nghiệp với hội họa



Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Tô Ngọc Vân đã được tái hiện trong cuốn sách mà nhà phê bình, họa sĩ Phan Cẩm Thượng đã cẩn trọng nghiên cứu dựa trên bộ sưu tập dầy công của ông Tira Vanictheeramont - một nhà sưu tầm tranh người Thái.

Tô Ngọc Vân sinh năm 1906 mất năm 1954, quê ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Thuở nhỏ, Tô Ngọc Vân là cậu bé nhà nghèo, quá tuổi mới được đến trường học chữ. Rất yêu thích vẽ nên Tô Ngọc Vân bỏ học để đi theo con đường nghệ thuật…



Họa sĩ Tô Ngọc Vân thời trẻ
Năm 1926, ông trúng tuyển vào Trường Mỹ thuật Đông Dương. Những năm học ở đây, Tô Ngọc Vân hăng say tiếp nhận những kiến thức về nghệ thuật tạo hình mới của châu Âu, đặc biệt là lối sử dụng chất liệu sơn dầu.

Năm 1931, Tô Ngọc Vân tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1932, tác phẩm “Bức thư” (tranh lụa) của ông được tặng bằng danh dự của Hội các họa sĩ Pháp và được thưởng Huy chương vàng ở Triển lãm thuộc địa tại Paris. Năm 1935, ông được bổ nhiệm đi dạy vẽ tại Phnom Penh, Campuchia.

Tô Ngọc Vân là họa sỹ rất thành công với chất liệu sơn dầu. Tranh của ông không đơn thuần là sao chép vẻ đẹp thiên nhiên, mà qua đó ông đã gửi gắm nỗi lòng của người nghệ sỹ.

Lâu nay, người ta chủ yếu biết đến ông qua những bức tranh mô tả vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ thị thành như “Thiếu nữ bên hoa huệ” (1943), “Hai thiếu nữ và em bé” (1944), “Thiếu nữ với hoa sen” (1944)...

Nhưng không chỉ có vậy ở những bức ký họa của ông lại tái hiện cả một giai đoạn lịch sử với hiện thực cuộc sống con người. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng chia sẻ: “Đằng sau mỗi bức vẽ của Tô Ngọc Vân không chỉ là nét vẽ, là phong cách nghệ thuật, mà còn là những câu chuyện lịch sử.”

Đặc biệt khi Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã thức tỉnh và lay động tâm hồn người nghệ sĩ. Tô Ngọc Vân đoạn tuyệt với đề tài cũ, bắt đầu một giai đoạn mới trong sự nghiệp sáng tác của mình, mở đầu là bức tranh thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ phủ (1946).

Hiện thực qua từng nét vẽ



Theo các bậc tiền bối kể lại, sinh thời Tô Ngọc Vân thường thuê vài cô người mẫu đi lại tự do trong phòng, ông cứ làm việc của mình, rồi bất chợt bảo một cô dừng lại đúng tư thế đang như vậy và vẽ… Với đề tài về thiếu nữ, Tô Ngọc Vân đã thể hiện với những nét vẽ phác thảo đa chiều ở những hoạt động và dáng vẻ khác nhau.

Đây chính là các góc độ mà người họa sĩ có thể khai thác để hoàn chỉnh cho vô số những tác phẩm của mình. Về điều này họa sĩ Tô Ngọc Vân đã rất có ý thức hình thành nét độc đáo riêng cho phong cách của mình.

Cuộc sống ở vùng nông thôn với những con người hiền hòa chân chất, những lão nông điền, những người phụ nữ lam lũ hiện ra qua những bức phác thảo của ông. Một bà cụ bán hàng nước, những ngôi làng bình dị và cuộc sống thường nhật của người nông dân được tái hiện đơn giản trên giấy trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp thiếu thốn của dân tộc.

Có khi là hình ảnh cả dãy phố hoang tàn của thị xã Phú Thọ hay những ngôi làng vắng vẻ mà người dân đã tiêu thổ để kháng chiến. Chợ Tết cũng được Tô Ngọc Vân thu vào nét vẽ của mình với hình ảnh nét mặt buồn bã của một cái Tết đi chạy tản cư.

Ở góc độ này chúng ta nhìn rõ hơn những người nông dân đi bán cành đào trong đó có cả những người dân tộc Mường. Điều giống nhau trong bức vẽ đó là hiện diện một cái tết đói kém buồn bã… Tất cả cho thấy mỗi bức họa thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến số phận của nhân vật.

Do chiến tranh nên người họa sĩ tài hoa ấy không còn cơ hội tiếp tục thể hiện tài năng hội họa của mình. Song có thể thấy rằng những tác phẩm của ông cùng những bộ sưu tập ký họa sẽ trở thành tài sản quý báu của dân tộc về một nền hội họa mới mẻ trong chặng đường của lịch sử mỹ thuật dân tộc. Và về điều này gia tài của ông chính là bức tranh phản ánh hiện thực xã hội của đất nước trong một giai đoạn mà ông được vinh dự chứng kiến.

Tira Vanictheeramont là một nhà sưu tầm tranh người Thái đã chia sẻ: Chính tranh của Tô Ngọc Vân đã khiến Tira nung nấu ý định sưu tầm tranh Việt Nam.

Ông kể:
"Tôi từng xuất bản cuốn Những tác phẩm quan trọng và vô giá của hội họa Việt Nam hiện đại, trong sách có giới thiệu 3 tác phẩm của Tô Ngọc Vân từ sưu tập của họa sĩ Phan Kế An.

Khi tôi hỏi mua thì ông Phan Kế An trả lời: Đây là những bảo vật quốc gia, không tìm thấy ở bất cứ nơi nào. Từ đó tôi nung nấu ý định sở hữu được bất cứ tác phẩm nào của Tô Ngọc Vân".

Thu Trà


Nguồn: BÁO MỚI - 10/12/13 20:45

0 comments:

Những người của Khóa Tô Ngọc Vân

Những người của Khóa Tô Ngọc Vân

Phạm Công Thành

PHẠM CÔNG THÀNH – Khai hoang. 1962. Sơn dầu. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Các sinh viên Trường Mỹ thuật Việt Nam đang thực tập vẽ ngoài trời tại Quảng Ninh, 1960. Từ trước đến sau: Lê Huy Trấp, Phạm Công Thành (đang vẽ), một người chưa xác định được và Giáo sư hội họa người Nga Kuznetsov.
Những ngày đầu tiên
Xây trường dựng lớp
Về đây tụ họp
Mấy chục chúng ta
Bức tranh đậm đà
Tượng trưng đoàn kết
Mang danh hiệu đẹp
“Khóa Tô Ngọc Vân”
Như lứa cây xuân
Trong vườn mỹ thuật.
Mấy năm học tập
Bao chuyện đáng ghi
Thời gian qua đi
Nhớ tình thân ái
Thì xin giở lại
Những tấm chân dung
Chụp lúc vui chung
Ngày đầu khóa học.
      ***
Đây chị Thanh Ngọc
Bản tính dịu dàng
Ăn nói nhẹ nhàng
Chất người đôn hậu.
Một nàng nhanh nhảu
Tên gọi Sơn Minh
Cô gái vùng Thanh
Đậm đà nhí nhảnh.
Dáng người thanh mảnh
Là chị Giáng Hương
Yêu thích văn chương
Nhà thơ quen thuộc.
Nhiều tập quán tốt
Là bủ Trương Qua.
Chất phác thật  thà
Là anh Quang Nhất.
Vui đùa thân mật
Là tướng Giang Tô.
Mục kỉnh giương to
Là cụ Đạo Khánh.
Vóc người “hanh hảnh”
Là bác Văn Nhân.
Mạnh tay khoẻ chân
Là đô Sỹ Tốt.
Nửa đêm hoảng hốt
Là cậu Nguyễn An.
Ăn nói rõ ràng
Là chàng Quốc Thụ.
Biệt tài múa lụa
Là chú Hồng Châu.
Sức vật nổi trâu
Là tay Mạnh Việt.
Coi vẻ hiểu biết
Là bủ Lưu Yên.
Còn vẻ thiếu niên
Là anh Việt Tuấn
Không rời kính cận
Là cậu Tống Phong.
Lịch sự trẻ trung
Là chàng Lê Thiệp.
Nói năng lễ phép
Là bác Hoàng Quy.
Thủ thỉ thù thì
Là bác Công Luận.
Không hề cáu giận
Là cụ Minh Tiên.
Ăn nói có duyên
Là lão Khánh Phú.
Nhiều no ít đủ
Là bủ Lê Khang,
Dõng dạc đàng hoàng
Là chàng Trọng Cát.
Nói năng hoạt bát
Là bác Thư Công.
Thích làm thơ hùng
Là ông Quang Thọ.
Lời thơ sáng sủa
Là bủ Minh Châu.
Làm thơ rất mau
Là tay Vĩnh Ngộ.
Mặt mày hớn hở
Là chú Đỗ Huề.
Điếu thuốc vân vê
Là gã Lương Quý.
Tài tử dạy khỉ
Là tướng Minh Cao.
Biệt tài ca dao
Là chàng Nguyễn Thụ.
Làu thông kim cổ
Là Phạm Công Thành.
Ảo thuật nổi danh
Là anh An Định.
Hồn nhiên dễ tính
Là cậu Y Nguyên.
Suy nghĩ triền miên
Là cụ Việt Hải.
Tâm hồn sảng khoái
Là lão Anh Thường.
Đàn địch du dương
Là tay Ngọc Thọ.
Ăn ở vừa độ
Là bác Nguyễn Thanh.
Nhà thơ nổi danh
Là mệ Cửu Phúc.
Nói cười đúng lúc
Là cậu Phạm Mười.
Nhạc sĩ yêu đời
Là chàng Tố Mỹ.
Vóc người mảnh dẻ
Là bác Công Thu.
Sáo trúc vi vu
Là anh Nguyên Dị.
Lo vé tập thể
Là bác Nguyễn Yên.
Các cháu thích quen
Là “cụ” Hoàng Thái.
Cư xử dễ dãi
Là bủ Thế Vinh.
Chiến sĩ vệ sinh
Là cậu Phạm Hảo.
Nói năng mạnh bạo
Là lão Tô Duy.
Động tí cười khì
Là chú Trương Hiếu.
Chữ viết thật khéo
Là bác Doãn Tuân.
Thơ có dư âm
Là tay Hữu Chất.
Cao cờ đệ nhất
Là lão Phương Thư.
Đạo mạo trầm tư
Là cụ Kim Đính.
Thản nhiên tươi tỉnh
Bạn Lê Công Thành.
Dáng dấp thanh thanh
Là anh Duy Nghĩa.
Nói năng nhỏ nhẹ
Bủ Cửu Long Giang.
Y phục gọn gàng
Cậu Vũ Đình Thịnh.
Thái độ nghiêm chỉnh
Là bác Hoàng Anh.
Tính nết hiền lành
Là bạn Văn Tấn.
Tâm hồn phấn chấn
Là bác Thế Hùng.
Đi đứng ung dung
Là ông Thế Hải.
Phởn phơ khoan khoái
Là gã Trần Lương.
Vóc người xương xương
Là bủ Quốc Giám.
Phát biểu mạnh dạn
Là chú Lê Thanh.
Cặp mắt tinh nhanh
Là tướng Vĩnh Bảo.
Việc đời thành thạo
Là lão Kiến Minh.
Tuổi trẻ nhiệt tình
Là anh Quang Ngọc.
Bánh chưng ra góc
Là bác Phước Sanh.
Chẳng thể bất bình
Là bạn Nguyễn Thiện.
Ít khi to tiếng
Là cậu Nguyễn Chi.
Dịch giả lành nghề
Là tay Công Thắng.
Tâm tình bằng phẳng
Là bác Trần Kiềm.
Vẻ mặt hiền hiền
Là ông Quang Khải.
Bình chân như vại
Là gã Phạm Liêu.
Tính nết dễ yêu
Là chú Huy Trấp.
Phỏng theo nét mặt
Là cậu Viết Duyên.
Tranh thủ thường xuyên
Là cậu Dương Tuấn.
Nói chuyện hấp dẫn
Là lão Văn Đa.
           ***
Mấy nét dạo qua
Chỉ là mấy nét
Tình ý chân thành
Gọi là ghi nhanh
Vài trang ký họa.


Phạm Công Thành
Hà Nội, tháng 6/1956.


Nguồn: TẠP CHÍ MỸ THUẬT - 16 THÁNG MƯỜI, 2020.

0 comments: