NN146 - Nguyễn Gia Trí và SƠN TA

Nguyễn Gia Trí và SƠN TA

Tô Tử

 Tô Ngọc Vân viết về Nguyễn Gia Trí

Tô Ngọc Vân không những vẽ tranh cho Phong Hóa Ngày Nay, mà ông còn viết những bài giá trị về hội họa. Bài Cái đẹp trong hội họa (Ngày Nay số 5, 10-3-35) có tính cách cơ bản, giải thích cho người xem chưa từng có ý niệm gì về hội họa, hiểu thế nào là cái đẹp trong tranh, tại sao họa sĩ vẽ thế này mà không vẽ thế kia. Tô Ngọc Vân trả lời những câu hỏi: Thế nào là tranh đẹp? Họa sĩ vẽ để làm gì?

"Đứng trước tạo vật, nhà họa sĩ nhờ hình, sắc và cách xếp đặt trong tranh để tả những cảm giác của mình.


Tôi họa người ăn mày hay đôi guốc, tôi trông vũ trụ ra hình tròn hay hình vuông, nếu khi xem bức tranh, ngài cũng có cái cảm tưởng vui buồn, khoái trá ... mà tôi muốn tả, thì bức tranh ấy là một mỹ công giá trị rồi!


Bởi tính tình con người ta phiền phức, cho nên, cùng một cảnh, trăm người họa có thể bầy ra trăm vẻ khác nhau. Cho nên tranh tây hay tranh tàu, quan niệm về mỹ thuật tuy xa nhau một trời một vực, mà cùng đều xuất sản ra những mỹ công tuyệt tác.


Tôi nghĩ rằng một bức tranh đẹp là đã tả được những điều cảm thấy, nên tôi tin rằng chỉ những người giầu tình cảm mới có thể thành họa sĩ tài hoa".

Bài Nguyễn Gia Trí và sơn ta (Ngày Nay số 146, 21-1-39), thực sự độc đáo, chỉ người tri kỷ trong nghề mới viết được. Tô Ngọc Vân và Nguyễn Gia Trí là hai họa sĩ lớn, cùng cộng tác với Phong Hóa Ngày Nay, cùng tư tưởng chống thực dân. Điều đáng chú ý là tình bạn tri kỷ của họ, in dấu lại trong bài Nguyễn Gia Trí và sơn ta, khó có ngòi bút nào có thể hiểu và viết sâu được đến thế:


"Cuộc triển lãm hôm 11- Janvier vừa rồi [1939] của trường Mỹ thuật Đông dương đã bày cho ta xem những công trình sáng tác về sơn ta kết quả của sáu, bẩy năm tìm tòi.


Trong thời gian ấy, đã nhiều thí nghiệm, từ Mai Trung Thứ qua Lê Phổ đến Phạm Hậu. Cái lối sơn cổ của ta, hào nhoáng, lòe loẹt, son giữ mầu son, vàng chỉ có sắc vàng, trơ trẽn như anh nhà giầu khoe của, vào trường Mỹ Thuật, đã dần dần biến thành mỹ công nhã nhặn mà vẫn quý giá.


Vàng, bạc, sơn son, sơn then, người ta chỉ dùng nguyên chất có chừng độ, khi người ta xét cần phải dùng đến cho toàn thể tấm sơn. Rồi cũng ngần ấy vật liệu, đè lên nhau, trộn vào nhau, mài đi mài lại, người ta chế ra được nhiều mầu dìu dịu, đỡ tầm thường.


Đến cuộc thí nghiệm Nguyễn Gia Tri, lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở óc, ở tâm hồn người ấy ra, nó đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng.


Người ta có thể tưởng tượng một "thầy sơn" khác chung quanh mấy ông phó sơn giúp việc, chia nhau từng đoạn vẽ mà bôi sơn vào, bằng những màu đã tìm sẵn và đã ấn định cho những chỗ nào rồi. Nghệ thuật của Gia Trí không thế. Nó là ý tưởng, cảm tình của Gia Trí đúc lại, một nét, một vết, một màu đều phải ở tay nghệ sĩ mà ra.


Đứng trước những tác phẩm ấy, người ta cảm thấy tất cả cái băn khoăn, yêu muốn, khoái lạc -thứ nhất là khoái lạc!- của Gia Trí.


Trên những mầu hồng nhợt biến hóa, những sắc nâu ngon thiệt là ngon, những vỏ trứng như đổi cả thể chất thành quý vật, vài nét bạc, vài nét vàng sáng rọi, rung lên, rít như tiếng kêu sung sướng của xác thịt khi vào cực lạc.


Chàng nghệ sĩ ấy yêu tấm sơn như ta có thể yêu một người đàn bà. Lúc âu yếm bằng những nét vuốt ve, mềm mại, lúc dữ dội bằng dăm bẩy nét quẹt mạnh, đập tung, cào cấu.


Cả tạo vật là tình nhân của anh chàng ấy. Đường cong cánh hoa, hình sắc cây cỏ, anh ta cũng say mê bằng bóng dáng mỹ nhân. Vạn vật đối với nghệ sĩ chỉ đáng yêu có sắc và hình.


Muốn hiểu Gia Trí, xét bằng con mắt thường không được. Thấy mặt những đàn bà họa trên nhiều bức bình phong, rạn mảnh vỏ trứng hay sây sát vàng son, ta đừng nghĩ đến khuôn mặt bằng xương, bằng thịt.


Những màu hoen hoen ấy, đứng cạnh nhau, cân đối, dung hoà một cách tuyệt khéo, đem lại cho người biết hưởng những cảm giác bồn chồn, rạo rực như hương sắc quyến rũ của mỹ nhân.


Bởi tác phẩm Gia Trí là tâm trạng của người tạo ra nó, nó cũng dồi dào, linh động, phức tạp vì biến theo tâm trạng. Không một khuôn khổ, không một nếp nào có thể ngừng nó lại.


Bốn bức bình phong bày trong phòng triển lãm, bốn lối bố cục, bốn cách dùng màu.


Nhân vật đặt trong những hoàn cảnh đặc biệt, chỗ thực, chỗ hư: những cô gái quê giấu kín thân hình trong đụn áo luộm thuộm, sù sù ở bức tả "Đình làng vào đám", với sự thực ngộ nghĩnh, buồn cười; những bóng ma hình người dáng điệu nhẹ nhàng khêu gợi hiện trên tấm bình phong nền vàng bệch ở thế giới nào đưa lại, với tất cả vẻ thơ của một giấc mộng đẹp.


Có lẽ Gia Trí chỉ sống trong tác phẩm của mình. Cắm đầu trên tấm gỗ bình phong láng nước, chàng nghệ sĩ cặm cụi mài, mài. Cả cơ thể rung động, hai mắt sáng quắc, tứ chi run run, khí dưới cục đá mài vẩn bọt, hiện lên dầu dần những nét đắm đuối của những người ít khi giống người.


Cứ thế, đã ba năm rồi. Bao nhiêu kho tàng của tuổi thanh niên, bao nhiêu sức khoẻ, ý trí, tình cảm, đem tiêu đi, phung phí đi để thoả dục vọng. Dục vọng của một nghệ sĩ muốn có quyền tạo hóa.


Người ta nói đến tiền. Người ta bảo Gia Trí mòn sinh lực để làm một việc khéo lắm chỉ đủ nuôi miệng.


Người ta đã làm một việc thừa. Ai lại đem chuyện tiền, chuyện kiếm ăn để cảnh tỉnh một người si tình".


Tô Tử


Những dòng trên đây, Tô Ngọc Vân viết để từ biệt người bạn đi làm cách mạng, vì sau đó Tô Ngọc Vân sẽ thay thế Nguyễn Gia Trí trên báo Ngày Nay. Tình bạn của hai thiên tài, giống như tình bạn Khái Hưng Nhất Linh có gì giống nhau. Nhờ sự kết hợp tư tưởng và nghệ thuật của những người như thế nên chúng ta mới có thời kỳ Ánh sáng như tôi đã nói đến.


Bài Nguyễn Gia Trí và sơn ta không những đặc biệt sâu sắc về cách diễn tả nghệ thuật sơn mài của Nguyễn Gia Trí mà còn xoáy sâu vào xương thịt họa sĩ khi nhập đồng sáng tạo. Chưa hết, còn một đặc điểm nữa, ở thời bình minh quốc ngữ, Tô Ngọc Vân đã đưa ra một thứ tiếng Việt ngắn, gọn, sắc, bạo, lạ thường, vượt xa trăm dặm những người cùng thời. 



Thụy Khuê
thuykhue.free.fr



Nguồn: Thụy Khuê -







Nguồn: Báo Ngày Nay số 146 - 21/01/1939, Tr. 09.