Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

Phố Tô Ngọc Vân: Nên thơ và gần gũi

Phố Tô Ngọc Vân: Nên thơ và gần gũi

Kênh VOV Giao thông - Đài Tiếng nói Việt Nam

VOVGT - Ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng ghé thăm con phố nhỏ ven hồ, đẹp nên thơ và gần gũi, mang tên người họa sĩ nổi tiếng là Tô Ngọc Vân.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Tô Ngọc Vân (1906 -1954) là hoạ sĩ - chiến sĩ quê gốc làng Xuân Cầu, Văn Giang, Hưng Yên. Ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, học khoá II trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925 -1931), sau trở thành giáo sư hội hoạ của trường. Tô Ngọc Vân tham gia hoạt động bán công khai trong Mặt trận Việt Minh, sau Cách mạng tháng Tám, ông là một trong những hoạ sĩ đầu tiên được vào vẽ Bác Hồ.

Ông đã chiến thắng trong hành trình đi từ cái đẹp vì cái đẹp sang cái đẹp vì cuộc đời. Ông mất trong kháng chiến chống Pháp, sau 28 năm cống hiến cho hội hoạ Việt Nam hiện đại; để lại nhiều tác phẩm sơn dầu giá trị, được lưu giữ trong các bảo tàng quốc gia và thế giới. Tô Ngọc Vân được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 1996.



Thiếu nữ bên hoa huệ - Kiệt tác của họa sĩ Tô Ngọc Vân

Từ năm 1995, tên của họa sĩ Tô Ngọc Vân được đặt cho một con đường thơ mộng ven Hồ Tây với chiều dài hơn một nửa cây số, bắt đầu từ đường Xuân Diệu vào làng Quảng Bá, phố thuộc đất xã Quảng An. Trên phố có Đình Quảng Bá là nơi thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng- cũng là một điểm đến lịch sử mà chúng tôi đã giới thiệu tới quý vị trong chương trình bánh xe đồng vọng trước đây. Trên phố Tô Ngọc Vân còn là nơi tọa lạc của chùa Hoàng Ân, một di tích văn hóa được xếp hạng năm 1991.

Điều đặc biệt xung quanh khu vực Hồ Tây nói chung và khu phố này nói riêng là mật độ người nước ngoài sinh sống và làm việc đông hơn hẳn những nơi khác. Chính những chi tiết này đã làm nên bản sắc, cảnh quan và không gian sống nơi đây. Từ những biệt thự cổ xây lâu năm cho tới những biệt thự hiện đại quanh khu vực phố Tô Ngọc Vân ước tính có đến hàng trăm căn.

Mỗi chủ nhân có một gu thẩm mỹ khác nhau nhưng dường như ai cũng chuộng gu thiết kế mở để được tiếp cận nhiều hơn với thiên nhiên hoặc có tầm nhìn hướng ra Hồ Tây rộng rãi. Tại đây cũng có một kiến trúc cổ kính đó là đình làng Quảng Bá. Một vài người dân ở đây cho biết trước khi con phố này được sửa sang thì đây vốn là một đoạn của đê bao xưa kia với hàng ổi trải dài tít tắp.

Nhiều người vẫn gọi đùa phố Tô Ngọc Vân là phố Tây bởi mỗi khi chiều xuống từng nhóm người nước ngoài rảo bộ đi trên phố khá đông, có thể là tập thể dục, đi ăn uống, du lịch hoặc chụp ảnh. Có lẽ vì vậy mà mọi người cũng có ý thức nhiều hơn trong việc giữ gìn không gian phố sạch đẹp:

Chính quyền quận Tây Hồ cũng xác định đây là con phố cần đầu tư xây dựng sửa sang để phát triển du lịch. Do vậy, thời gian gần đây, chính quyền địa phương cũng tăng cường chỉnh trang đường phố hơn. Sự thay đổi tích cực này không chỉ giúp bà con nhân dân phấn khởi mà còn tạo được ấn tượng đẹp cho du khách tới đây tham quan, du lịch.

Mặc dù chỉ là một con phố rất ngắn nằm gần Hồ Tây xong không gian và cảnh quan của phố Tô Ngọc Vân đã giúp cho nhiều du khách thích thú khi tới đây. Bên cạnh di tích lịch sử đình Quảng Bá thì trên phố Tô Ngọc Vân còn rất nhiều điểm đến thú vị mà quý vị không nên bỏ qua.

Đầu tiên là địa chỉ dành cho những hoạt động từ thiện- đó là số 19/52 phố Tô Ngọc Vân, vốn là trụ sở của Hội chữ thập đỏ Việt Nam thành phố Hà Nội. Tuy nhiên giờ đây địa chỉ này có thêm một tên gọi mới đó chính là điểm hẹn cho những tấm lòng từ thiện. Ai có đồ dùng thừa không sử dụng đến mà vẫn còn dùng được thì có thể mang đến tặng.

Những người có hoàn cảnh khó khăn tới đây sẽ có cơ hội lựa chọn cho bản thân, gia đình những mặt hàng thiết yếu như quần, áo, giày, dép mới hoặc đã qua sử dụng, kể cả những nhu yếu phẩm thường ngày như dầu ăn, bát, đĩa, ấm chén…

Tọa lạc tại số 27/52 phố Tô Ngọc Vân, Hanoi rock city là điểm hẹn lý tưởng cho những bạn trẻ yêu nhạc underground. Quán có 2 tầng được thiết kế với phong cách bụi bặm, phóng khoáng, và thoải mái. Tầng 1 có khoảng sân rộng rãi, thoáng mát dành cho khách ngồi ngoài trời thư giãn, tận hưởng không khí thiên nhiên.

Trong khi tầng 2 được thiết kế giống như 1 quầy bar với sân khấu dùng dể biểu diễn nhạc sống. Hệ thống âm thanh hiện đại sẽ mang đến những cảm xúc chân thực nhất cho người nghe. Đây cũng là nơi thường xuyên tổ chức party của giới nhạc rap underground. Nếu yêu thích không khí sôi động, náo nhiệt của những bữa tiệc tưng bừng bạn sẽ không thể bỏ qua Hanoi rock city.



Phiên chợ Tây độc đáo chỉ có tại Tô Ngọc Vân

Hà Nội ngày nay vẫn còn nhiều chợ, ngày nào cũng họp chứ không cần đến phiên mới đông kẻ bán người mua. Chưa kể những năm gần đây lại xuất hiện thêm hàng loạt siêu thị hiện đại với vô số mặt hàng nội, ngoại. Chợ không thiếu vậy mà vài năm gần đây lại xuất hiện thêm một chợ nữa, mỗi tuần chỉ có một phiên ở ngõ 67/12 Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội, được rất nhiều người biết đến với tên gọi nôm na là Phiên chợ Tây. Hàng hóa của người bán trong chợ được bày trên chiếc bàn nhỏ, tùy theo lượng hàng hóa mà người ta thuê một hoặc hai bàn.

Thành lập từ năm 2009, phiên chợ Tây độc đáo này đã trở thành địa điểm quen thuộc không chỉ của những người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam mà còn thu hút cả những cư dân Hà thành muốn tìm hiểu văn hóa phương Tây. Là chợ Tây, nên không khó để tìm mua các sản phẩm đặc trưng và độc đáo từ nhiều quốc gia khác nhau như Canada, Australia, Pháp... với giá cả rất phải chăng.

Khách hàng cũng như người bán hàng của chợ chủ yếu là người nước ngoài định cư tại Việt Nam, đặc biệt là những người sống quanh khu vực hồ Tây. Tên chợ cũng chẳng ai đặt, nhưng mọi người cứ giới thiệu đây là “chợ Tây”. Có điều cả người bán lẫn người mua là Tây hoặc ta nhưng lúc nào cũng thân thiện trong tiếng nhạc nhẹ du dương y như một phiên chợ vùng cao đầy ắp điệu khèn.

Cái thú người dân tộc vùng cao đi chợ cũng na ná như kẻ bán người mua ở phiên chợ này. Họ còn đến đây cùng nhau thưởng thức niềm vui gặp gỡ bạn bè ngày cuối tuần.

Hình như người ta đến phiên chợ này không chỉ để bán, mua mà còn tìm niềm vui đơn giản qua những nét văn hóa quen thuộc xuất hiện trên đất khách: từ những cuốn sách đến những món ăn, thức uống mang phong vị châu Âu. Nhiều khách hàng cũng tỏ ra rất yên tâm khi mua sản phẩm ở đây dù một số mặt hàng thực phẩm có giá khá cao so với thị trường bên ngoài.

Đặc điểm và tiêu chí của phiên “chợ Tây” này cũng khá rõ ràng, coi trọng vấn đề an toàn thực phẩm nên những sản phẩm bày bán đều phải qua kiểm tra, phải là sản phẩm chính gốc của Việt Nam có ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ của những cơ sở sản xuất uy tín.

Đến với phiên chợ này, khách hàng không phải mặc cả vì giá được niêm yết để bán chứ không nói thách như các chợ khác. Mỗi buổi chợ phiên thứ Bảy, người tham gia bán hàng đều phải đóng tiền thuê mặt bằng, bàn để hàng... Đến nay chợ đã có trên ba mươi quầy hàng đủ loại.

Dù địa điểm của chợ diện tích còn nhỏ, mái che tạm nắng mưa kiểu giàn giống như giàn che sân ở các ngôi nhà Việt Nam, nơi đặt hàng còn đơn giản nhưng với mục đích vừa sinh hoạt cộng đồng vừa trao đổi một số nông sản, thực phẩm thiết yếu mang phong cách kết hợp Đông - Tây đã tạo ra sự thích thú cho những người tham gia phiên chợ và dần dần nhiều người biết đến khu chợ cũng tìm đến mua đồ hoặc đơn giản để cảm nhận sự khác biệt của khu chợ này.
Nguồn: Kênh VOV Giao thông - Đài Tiếng nói Việt Nam - Thứ Sáu, 05/10/2018, 07:32


Hà Nội của chúng ta: Phố Tô Ngọc Vân

ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH HÀ NỘI
29/05/2018 15:36


Nguồn: ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH HÀ NỘI - 29/05/2018 15:36

0 comments:

Người họa sỹ xung kích trong kháng chiến chống Pháp

Người họa sỹ xung kích trong kháng chiến chống Pháp


Tô Ngọc Vân là một nghệ sĩ có nhiều tác phẩm nổi tiếng, một nhà giáo đã có công tổ chức, lãnh đạo Trường Mỹ thuật và giảng dạy nhiều thế hệ họa sĩ kế tiếp các hoạ sĩ lớp trước, là người chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận văn hoá nghệ thuật Việt Nam, là tấm gương sáng của các thế hệ nghệ sĩ tạo hình.


Ông hy sinh ngày 17/6/1954 tại Ba Khe, bên kia đèo Lũng Lô lịch sử, cách đây tròn 60 năm.




Tô Ngọc Vân sinh ngày 15/12/1906 tại làng Xuân Cầu, Văn Giang, Hưng Yên nhưng Hà Nội lại là nơi nuôi ông lớn để trở danh hoạ hàng đầu của mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

20 tuổi, Tô Ngọc Vân thi đỗ vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tại đây, ông được tiếp nhận những kiến thức tạo hình mới và bị cuốn hút mãnh liệt bởi phương pháp tạo hình trên chất liệu sơn dầu. Ông đã tìm thấy ở chất liệu này khả năng diễn tả trực tiếp, đầy đủ nhất những cảm xúc rạo rực, bừng cháy trước cảnh vật và con người của người nghệ sỹ.

Tốt nghiệp năm 1931, đến năm 1935, Tô Ngọc Vân đi dạy vẽ tại Campuchia. Năm 1938, ông trở về Hà Nội dạy ở Trường trung học Bưởi và đến năm 1939, là giảng viên Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Những năm 40 của thế kỷ XX, tài năng của Tô Ngọc Vân ngày thêm phát lộ, thăng hoa và nở rộ những kiệt tác sơn dầu bất hủ như Thiếu nữ bên hoa huệ, Thiếu nữ bên hoa sen, Buổi trưa... Và đặc biệt, bức tranh được mọi người biết đến nhiều nhất là bức sơn dầu Thiếu nữ bên hoa huệ. Bức tranh vẽ một người thiếu nữ ngồi bên những đóa hoa huệ ngát thơm trong chiếc áo dài trắng thuỷ tinh đã ám ảnh nhân gian bởi vẻ đẹp thanh thoát và dịu dàng.


Thiếu nữ bên hoa huệ.


Năm 1945 Cách mạng Tháng Tám đã làm thay đổi tâm thức và cuộc sống của toàn dân tộc, trong đó có văn học nghệ thuật. Nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc tốt nghiệp hoặc đang học ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã tham gia Hội Văn hóa cứu quốc, tham gia cách mạng bằng chính nghề nghiệp của mình. Họa sĩ Tô Ngọc Vân đã vẽ hai bức tranh cổ động khổ lớn: Phá xiềng và Việt Nam giải phóng. Ông được Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trao cho trách nhiệm lập lại trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, trụ sở trường được đặt tại phố Lò Đúc, Hà Nội. Khóa đầu tiên khai giảng ngày 15/11/1945, trong điều kiện trường sở bị thiếu thốn nhưng ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cùng với việc mở trường, ông tham gia sáng tác và trưng bày tác phẩm trong những triển lãm mỹ thuật đầu tiên của Cách mạng.

Đầu năm 1946 được Hội văn hóa Cứu quốc giới thiệu, ông cùng các họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung và nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim vào Bắc Bộ phủ vẽ tranh và nặn tượng Bác. Bức tranh sơn dầu Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc Bộ phủ đã được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội. Đó là bức tranh chân dung sơn dầu đẹp nhất của Tô Ngọc Vân sáng tác về lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Thực dân Pháp trở lại xâm chiếm nước ta, danh họa Tô Ngọc Vân đã cùng nhiều văn nghệ sĩ lên chiến khu Việt Bắc. Năm 1948, ông làm trưởng đoàn Văn hóa kháng chiến, sau đó làm giám đốc xưởng họa sơn mài Việt Nam. Tại Đại hội văn hóa toàn quốc (1948), ông được bầu làm ủy viên Ban chuyên ngành Mỹ thuật. Ông luôn tranh thủ thời gian ký họa cuộc sống con người, cảnh vật của núi rừng Việt Bắc.

Thời kỳ này ông sáng tác nhiều tranh, đáng chú ý là các bức khắc gỗ: Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc Bộ phủ, Hà Nội vùng đứng lên (1948), Bác Hồ với thiếu nhi (1951) và các bức tranh sơn mài Thiếu nữ, Khi giặc đi qua, Nghỉ chân bên đồi, Nữ cứu thương (1948), Chạy giặc trong rừng (1949). Loạt tranh ký họa về Tây Bắc bằng chì, bút sắt, màu nước về bộ đội, dân công, nông dân, có thể kể tới các bức Hai chiến sĩ, Chân dung hai bà lão nông dân, Bộ đội trong hang, Ruộng bậc thang, Một bản ở Tây Bắc (1951). Loạt ký họa màu nước, chì than về nông dân vào năm 1953 tiêu biểu như: Ông lão cầm đuốc đi học, Bủ đường đi học, Tôi có ý kiến, Con trâu quả thực;.... Loạt ký họa về bộ đội từ năm 1949 đến 1954 bằng chất liệu chì, màu nước, bút sắt, bột màu, sơn dầu, tiêu biểu như Hai chiến sĩ, Sinh hoạt trong hang, Xưởng quân giới... Cùng với nhiều họa sĩ khác, các hoạt động đi thực tế sáng tác, triển lãm của họ đã làm cho Việt Bắc không những là thủ đô kháng chiến mà còn là thủ đô của mỹ thuật trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Ông lão cầm đuốc đi học.


Cuối năm 1949, họa sĩ Tô Ngọc Vân được giao làm Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Việt Nam tại xóm Chòi, Yên Dã thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Cùng giảng dạy tại nhà trường có các danh họa Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Sĩ Ngọc. Lớp sinh viên khóa kháng chiến với hơn 20 người được sự dạy dỗ trực tiếp của Tô Ngọc Vân và các họa sĩ tài danh khác đã trở thành những họa sĩ tên tuổi của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, có thể kể tới các họa sĩ Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Đào Đức, Nguyễn Thế Vị, Mai Long, Lê Huy Hòa, Lê Lam... Ông thường nhắc nhở học sinh học kết hợp với hành và bản thân ông cũng gương mẫu thực hiện.

Năm 1952, ông nhận được thư khen của Bác Hồ và năm 1954 được Bác Hồ tặng áo kỷ niệm (hiện lưu giữ ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam).

Tháng 4-1954, ông được lệnh lên đường đi Điện Biên Phủ. Trên đường ra trận, ông đã vẽ nhiều ký họa về bộ đội, dân công, phong cảnh và con người các dân tộc Tây Bắc: Giáo viên người Thái, Cô gái dân tộc Mèo, Ba cô gái Thái, Cho ngựa ăn. Ngày 17/6/1954, ông đã hy sinh tại cây số 41 Ba Khe, khi ông đã vượt qua đèo Lũng Lô. Chiếc cặp vẽ mà ông đem theo đi chiến dịch đã có nhiều ký họa dọc đường như: Trú quân, Hành quân qua suối, Lên đèo, Qua đèo Lũng Lô, Chuẩn bị lên đường. Đặc biệt trong đó có bức ký họa chì Đèo Lũng Lô được ghi ở góc ngày 15/6/1954, có thể là bức tranh cuối cùng trong cuộc đời sáng tác của ông. Danh họa Tô Ngọc Vân đã hy sinh trong khi đang sáng tác tại chiến trường, khi tài năng đang nở rộ.

Với những cống hiến to lớn cho nền mỹ thuật nước nhà, họa sỹ Tô Ngọc Vân được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I năm 1996.


Trung tâm Thông tin tư liệu/TTXVN


Báo Tin tức - TTXVN - Thứ Ba, 17/06/2014 12:17

0 comments:

Ký họa "Đồng chí Độ" - 1949

FB Quang Trần Vinh - 21 Tháng 1, 2015 ·
Chân dung ông Độ năm 1949 và ký họa của Họa sĩ Tô Ngọc Vân.

0 comments: