Con trâu quả thực (Tranh ký họa màu nước - 1954)

Con trâu quả thực (ký họa màu nước - 1954)

Tô Ngọc Vân


Nguồn: Bảo tàng Tô Ngọc Vân - 2022









Mời xem bài viết:


Từ cũ: nhân bức kí họa "Con trâu quả thực" của Tô Ngọc Vân (1950s)

Giao


Hôm trước, đã xem một ít tranh kí họa của Tô Ngọc Vân về nhà "thằng Đỗ Văn Hiện" ở vùng Việt Bắc những năm 1953-1954 (xem lại ở đây).

Trong loạt tranh đó, có một bức nữa, được ghi tiêu đề bởi chính họa sĩ, là Con trâu quả thực.
Bức này được giới thiệu (chẳng hạn ở đây),
nhưng tựa như là bị che mất dòng tự ghi của họa sĩ


Từ cũ đã lâu không còn được dùng trong tiếng Việt nữa, là "quả thực". Bức kí họa của Tô Ngọc Vân, về mặt ngôn ngữ học, là một tư liệu trực quan sinh động. Lại mang niên đại lịch sử tường minh.

Về mặt từ nguyên, tức nguồn gốc từ, hiện cũng còn chưa rõ "quả thực" có gốc rễ từ đâu. Là từ ngoại lại hoàn toàn (chỉ đem phiên ra âm Hán Việt), hay là tự tạo mới trên cở sở ghép các bộ phận ngoại lai.

Cũng kính nhờ bác Hoàng Tuấn Công (bên Tuấn Công thư phòng) tra giúp xem các cụ Nguyễn Lân, Nguyễn Cừ, Nguyễn Công Lý có đưa vào các bộ từ điển mà bác đang xem xét hay không. Xin nhờ bác, là vì, tôi vốn không có các bộ sách đó, chưa một lần sử dụng chúng.

Hoàng Tuấn Công 17:13 18 tháng 9, 2014
Giao đã có lời nhờ, HTC xin chép ra mấy dòng ban đầu thế này:
Tra từ điển Tàu thấy "quả thực" (thật) chỉ có kết hợp từ 果實 ý chỉ bộ phận thực chất, có thể sử dụng được của hoa quả. Từ điển ta, "Từ điển tiếng Việt" của Hoàng Phê không ghi nhận từ "quả thực". "Từ điển gốc và nghĩa từ Việt thông dụng"-Vũ Xuân Thái: Quả thực: đúng sự thực. "Việt Nam tự điển" (Hội khai trí tiến đức-Hà Nội) không thấy ghi nhận.
Từ điển Nguyễn Lân (2 cuốn: Từ điển từ và ngữ Hán Việt và Từ điển từ và ngữ Việt Nam) giảng như sau: "Kết quả về vật chất của một cuộc đấu tranh: Trong cải cách ruộng đất, nông dân được chia quả thực". Có lẽ, từ "quả thực" mới chỉ được sinh ra trong cải cách ruộng đất ? Giải thích như NL là đúng với nghĩa được dùng trong thực tế của "quả thực". (Lưu ý: trong Hồi ký giáo dục của mình, NL tiết lộ từng tham gia đội cải cách ruộng đất, trước khi sang dạy bên học xá Trung Quốc)

Nói thêm, cách đây khoảng hơn 10 năm đã có một sinh viên trường Nhạc họa hỏi mình về từ "Quả thực" trong lời đề "Con trâu quả thực" tranh ký họa của Tô Ngọc Vân. Đây là bức ký họa đẹp, thường được các trường Họa xem là mẫu mực, giáo khoa để sinh viên học tập. Một thời nó cũng được xem là nét đẹp và thành quả của cuộc cải cách ruộng đất được văn nghệ sĩ phản ánh một cách phong phú qua nhiều thể loại sáng tác.
Ngọc Hiệp Phạm 18:20 19 tháng 9, 2014
Tôi sang nhà bác HTC đọc được câu hỏi của chủ nhà sang xem và mạn phép góp thêm ý:
Theo Từ điển từ Hán-Việt (Lại Cao Nguyên chủ biên, NXB Khoa Học Xã Hội-2007, có 2 từ Quả thực:

1/- Quả thực (果 實): hẳn, chắc, quyết, đúng là. Chữ quả 果 thuộc bộ Mộc.

2/- Quả thực (菓 實): kết quả vật chất của một cuộc đấu tranh. Chữ quả 菓 thuộc bộ Thảo.

Từ điển Tiếng Việt (Văn Tân chủ biên - NXB Khoa Học Xã Hội- 1967) ghi rõ hơn, cũng có 2 nghĩa:

1/- Quả thực: Thực ra là.

2/- Quả thực: kết quả vật chất của một cuộc đấu tranh: sau khi đấu tranh với địa chủ, nông dân chia quả thực.

Chữ "quả thực" này tương tự như từ "chiến lợi phẩm".

Như vậy nếu bức tranh bên trên của họa sỹ Tô Ngọc Vân được ghi là "Con trâu quả thực" được vẽ vào thập niên 1950, thì có lẽ con trâu này là con trâu được chia phần sau khi tịch thu của địa chủ trong cải cách ruộng đất. Một vấn đề "nhạy cảm" đang nóng hổi trên mạng bây giờ.

Nguồn: Giao Blog - 18/09/2014


Kí họa của Tô Ngọc Vân, sẽ có thể được đọc ra một ý nghĩa nào đó nữa, nếu đọc liên thông với nhật kí Trần Dần khoảng giữa thập niên 1950, ở miền Bắc, như sau:
Chia quả thực:
Căm thù địa chủ thì có, nhưng thương yêu giai cấp thì chưa có (người ta bảo vì chưa được học). Nên khi chia quả thực thì bà con tranh giành nhau í ỏm. Cán bộ lúng túng mới nghĩ ra những cái mưu thật là lúng túng.
Chia nồi: Cán bộ bịt mắt bắt dê, nhân dân gọi tên bà Noã chẳng hạn thì cán bộ chỉ vào đống nồi, phải cái nào thì bà Noã phải nhận cái đấy.
Chia cuốc: Cán bộ lấy vải trùm lên đống cuốc chỉ còn thòi cái cán ra, ai cũng chỉ trông thấy có cán, lấy cái nào ra thì là lấy cái ấy, không được chê cùn chê mẻ gì nữa.
Kết quả: Người nghèo được cái nồi thủng, cái cuốc mẻ. Người khá hơn được cái nồi tốt, cái cuốc sắc. Cuộc đời trớ trêu hay là cái mưu của cán bộ kia trớ trêu?
Theo bản chép ra mạng của Phạm Thị Hoài http://www.procontra.asia/?p=4860






Tranh con trâu với năm Sửu

Theo ND
Con trâu là nguồn cảm hứng giàu hình tượng trong thơ ca, văn học, nghệ thuật Việt Nam, trong đó có hội họa. Vào những ngày Tết từ bắc chí nam, nhiều nơi đều có phong trào sáng tác và in tranh con trâu mà cụ thể là các làng nghề tranh dân gian.



Sau này, tranh con trâu được các họa sĩ Việt Nam hiện đại thể hiện với nhiều loại hình khác nhau và dưới nhiều chất liệu như: sơn dầu, bột mầu, lụa, sơn khắc, v.v. Nhiều bức tranh với đề tài ấm no, hạnh phúc như Ðược mùa của họa sĩ Tạ Phúc Bình hay Con trâu quả thực của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Bức tranh này là một ký họa với gam mầu ấm áp, trẻ trung, bố cục chặt chẽ, hoàn chỉnh rất sống động và được in phát hành nhiều vào những ngày Tết Nguyên đán trong những năm 60 của thế kỷ trước. Thời kỳ chống đế quốc Mỹ, tranh con trâu được các họa sĩ thể hiện rất sinh động, tay cày, tay súng mà người nông dân và trâu là chủ thể.

Nói đến tranh Tết vẽ con trâu thì các nghệ nhân dân gian Việt Nam phản ánh một cách bộc bạch, nhưng thầm kín rất sâu sắc cả về nghĩa đen và nghĩa bóng, vừa mang tính hiện thực, vừa đậm tính nhân văn. Ở Việt Nam hình tượng con trâu không những là sức lao động mà còn là bạn đồng hành với con người trong sản xuất, trong lễ hội tâm linh. Vì vậy tranh con trâu trang trí trong những ngày Tết đã trở thành phổ biến và cũng là sản phẩm văn hóa rất linh thiêng, được trân trọng mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Năm con trâu đã đến, tranh Tết vẽ con trâu sẽ không những là nguồn cảm hứng của các họa sĩ, các nghệ nhân làng nghề trong dân gian mà còn góp phần làm cầu nối giữa các nền văn hóa quốc tế trong thời kỳ mở cửa.

Theo ND


Nguồn: Báo điện tử Tổ Quốc - 01/01/2009.








Sự chuyển đổi ý niệm về hình tượng con trâu trong hội hoạ Việt Nam

Nguyễn Anh Tuấn (Thư viện NVH)


Con trâu đứng thứ hai trong thập nhị chi và là một trong những con giáp gắn bó mật thiết với đời sống nông nghiệp và nông thôn, trở thành “đầu cơ nghiệp” của người nông dân xưa và có thể cả hôm nay. Nó là một tư liệu sản xuất vô cùng quan trọng trong đời sống nông nghiệp nên việc cấm giết mổ trâu bò đã từng bị cấm và phạt tội nặng từ thời Lý (1009-1225) như nguồn sử liệu vào năm 1123 đã ghi rõ. Không khó để nhận ra, con trâu đã bước vào lịch sử và văn hoá Việt Nam từ thủa rất sớm với hình ảnh Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu cầm cờ lau tập trận hay trong thơ ca, nhạc và nghệ thuật tạo hình.
Tuy nhiên, ngày nay hình ảnh con trâu gắn với đời sống nông thôn và nông dân dường như đang dần vắng bóng trong văn hoá nghệ thuật. Trong một cảm luận nghệ thuật mới đầu năm Tân Sửu, chúng tôi muốn nói tới hình ảnh con trâu trong tranh với một khoảng lịch sử hơn trăm năm đầy biến động, một cái nhìn từ tranh dân gian tới hiện đại và đương thời. Cảm thức về con trâu đã biến đổi một cách sống động và giàu thẩm mỹ hay đó còn là sự chuyển đổi ý thức về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.


Trước năm 1945 hình ảnh con trâu trong văn hoá nghệ thuật Việt Nam thật chân thực thân quen như thể một người bạn hay người thân của các gia đình nông dân và nông thôn Việt.
Nếu vẻ đẹp của làng quê miền Bắc với mái đình giếng nước gốc đa thì con trâu đầm giữa trưa hè oi ả, cảnh chăn trâu và đàn trâu lững thững trở về trong những dáng chiều,… là những hình ảnh nên thơ và yên bình. Người nông dân xưa coi trâu như một người bạn nên mới có những giọng tâm tình thủ thỉ “trâu ơi ta bảo trâu này, trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta” hay những ví von trong thơ ca cũng gắn với trâu như một thành viên của gia đình hạnh phúc “trên đồng cạn xuống ruộng sâu, trồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa”. Bởi thế mỗi người khi đi xa quê hương, chúng ta không khỏi những bồi hồi khi nhớ “cùng một bến sông con trâu đằm sóng vỗ”.
Con trâu đã bước ra từ trong những huyền tích với Cao Biền về chùa Kim Ngưu (Tiên Du, Bắc Ninh) hay núi Long Đọi (Duy Tiên, Hà Nam) cùng sông Kim Ngưu và Hồ Tây ngày nay.
Không những thế, con trâu còn gắn với nhiều lễ hội trên mọi miền tổ quốc như lễ hội chọi trâu Đồ Sơn hay lễ Tịch điền đầu năm của các vương triều phong kiến…
Ngoài ra phải kể tới hình tượng con trâu trong điêu khắc cổ Việt Nam như một cặp tượng trâu lớn gần bằng thực nằm trên toà sen ở cấp nền ba chùa Phật Tích (Bắc Ninh), tượng trâu nằm trên bệ liền khối ở lăng vua Lê Hiến Tông (Quảng Ninh) và chạm khắc cảnh trâu chọi nhau ở đình Liên Hiệp (Hà Nội)…
Thêm vào đó có thể nói tới bộ tranh Phật giáo Thập mục ngưu đồ có nguồn gốc bắt đầu từ thời Nam Tống (1127-1279) lấy hình ảnh ẩn dụ cảnh chăn trâu cũng giống như việc chăn tâm / thân.
Ở nước ta bộ tranh 10 cảnh chăn trâu hiện còn được biết là vào năm 1721 do thiền sư Thích Quảng Trí luận giải. Năm 1972 bộ tranh Thập mục ngưu đồ này được Nhà xuất bản An Tiêm ấn hành bởi Trúc Thiên sưu tầm. Bộ tranh Thiền này lấy trâu tượng trưng cho năm giác quan (ngũ trần / căn): mắt, mũi, miệng, tai và da thịt; mục đồng là thân và hành động chăn là ý thức / tỉnh thức (chánh niệm). Hình ảnh mục đồng và trâu không thể tách rời khỏi nhau nương tựa để cuối cùng là trâu thuần còn người thì an nhiên “thõng tay vào chợ”.
Hơn hết phải nói tới nghệ thuật tạo hình tranh dân gian Việt Nam như tranh Đông Hồ và Hàng Trống, có thể thấy ở đây hình ảnh trâu và người nông dân trong rất nhiều hoạt cảnh, lúc bận bịu cày bừa khi an nhiên nghỉ ngơi bên nhau. Đời sống tự tại của người nông dân mang tới cảm giác bình thản dường như phảng phất mùi vị của chất thiền trong những bức tranh này.

Canh điền nhi thực (Tranh Hàng Trống)



Nông sự khai cơ (Tranh Hàng Trống)



Bát dân an lạc (Tranh dân gian Đông Hồ)



Canh điền sáng nghiệp (Tranh Hàng Trống)



Nhiều bức tranh vẽ cảnh mục tử chăn trâu thổi sáo, đọc sách hay thả diều gợi nhắc vẻ thanh thản ung dung như cuộc sống bình yên của nông thôn Việt Nam

Chăn trâu thổi sáo (Tranh dân gian Đông Hồ)



Chăn trâu thả diều (Tranh dân gian Đông Hồ)



Hình ảnh con trâu trong một tâm thức ban đầu còn được diễn tả trong nhiều tác phẩm của hội hoạ hiện đại, qua các tác phẩm sơn mài của Phạm Hậu như Mục đồng Bắc kỳ (1931) hay Giáng sinh của Nguyễn Gia Trí (1941), Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung (1942-1943)…

Mục đồng Bắc Kỳ. Phạm Hậu, sơn mài, 1931.



Giáng sinh. Nguyễn Gia Trí, sơn mài, 1941.



Vẻ bình yên của một nông thôn Việt Nam với nhà tranh gốc mít, cây đa bến nước mái đình,… đã dần thay đổi qua 9 năm trường kháng chiến chống Pháp và 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Con trâu từ một người bạn người thân là tư liệu sản xuất quan trọng nay thành phương tiện sản xuất cần thiết cho một thời kỳ mới. Dấu ấn chuyển đổi này đã được các hoạ sĩ thời kỳ hiện đại khắc hoạ một cách rõ nét với một cách nhìn hiện thực sinh động.
Vào năm 1953 hoạ sĩ Tô Ngọc Vân đã vẽ bức Con trâu quả thực thể hiện một người nông dân vui sướng nhận được phần chia của mình, con trâu được vẽ trong một dáng vẻ nhìn chéo lại phía sau như đang chần chờ và mong ngóng điều gì.

Con trâu quả thực. Tô Ngọc Vân, màu nước, 1954.



Riêng hoạ sĩ Nguyên Tư Nghiêm biểu hiện một cách đầy ý vị nhân văn trong bức tranh sơn mài Con nghé quả thực (1957). Bố cục tranh vẽ về một gia đình nông dân đang vui vẻ nhận được phần “quả thực” của mình là một con nghé.

Con nghé quả thực. Nguyễn Tư Nghiêm, sơn mài, 1957.



Sau công cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc, người nông dân hồ hởi trong đời sống mới với phong trào hợp tác xã và từ đây con trâu cũng được vẽ trong những bối cảnh sống động mới của đời sống kinh tế tập thể như bức tranh sơn dầu Một buổi cày (1960) của hoạ sĩ Lưu Công Nhân. Trên cánh đồng loang loáng nước trước vụ cấy là những con trâu béo tốt đang kéo cày, phía sau là những người nông dân hợp tác xã. Với một bút pháp ấn tượng, những con trâu trong tranh được vẽ một cách chân thực và sinh động.

Một buổi cày. Lưu Công Nhân, sơn dầu, 1960.



Vẻ đẹp của nông thôn bình yên có những đống rơm khô vàng ươm trong góc sân vườn không thể thiếu đi hình ảnh con trâu bởi nó như một phần quan trọng cho phong cảnh nông thôn được khắc hoạ rõ nét như trong tác phẩm Phong cảnh nông thôn (1982) của hoạ sĩ Trần Lưu Hậu.

Phong cảnh nông thôn. Trần Lưu Hậu, lụa, 1982.



Bước vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước và đặc biệt là sau thời kỳ Đổi Mới (1986) nền kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến về cơ cấu quản lý, đặc biệt là sự chuyển đổi của mô hình hợp tác xã đã khiến đời sống nông nghiệp, nông thôn và nông dân một lần nữa thay đổi sâu sắc. Đi liền với những biến đổi này là sự chuyển mình của văn hoá nghệ thuật Việt Nam khi được cởi trói khỏi những hạn chế trong sáng tác từ phong cách, bút pháp tới đề tài. Hình tượng con trâu trong tranh cũng vì thế mà thêm nhiều diện mạo khác mới lạ, con trâu từ một hình ảnh hiện thực nay phai dấu và trở nên nhạt nhoà trong một xã hội hiện đại hoá, trở thành như một ý niệm hay mô típ cho hồi ức và những hoài niệm về một thuả bình yên nay đang thay đổi trong đời sống nông nghiệp và phong cảnh nông thôn. Hình tượng trâu trong tranh như một dạng “cổ mẫu” của một tiềm thức hay những giấc mơ rất gần mà đang xa xôi khó nắm bắt. Có thể nói tác phẩm vẽ trâu như một con giáp đầu năm mới là của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái vào năm Ất Sửu (1985), chú bé mục đồng xưa đi đâu để thay vào đó là một người đàn ông mặc comlê thắt cà vạt đội mũ ngồi tươi cười hớn hở.

Tết Ất Sửu. Bùi Xuân Phái, bột màu, 1985.



Nhiều hoạ sĩ thế hệ đổi mới và hậu đổi mới đã chọn hình ảnh con trâu với cặp sừng cong vênh váo vào trong tác phẩm của mình như Phạm Quang Vinh, Quách Đông Phương, Hà Trí Hiếu,… đặc biệt hai hoạ sĩ Nguyễn Thành Chương và Nguyễn Văn Cường là những người vẽ về trâu tiêu biểu cho hai thế hệ hoạ sĩ đương thời. Nếu như hình ảnh trâu trong tranh Thành Chương là một cấu trúc trong tác phẩm như một dạng mô típ có tính gợi nhắc mã nghệ thuật xưa và giúp tổ hợp bố cục cho tác phẩm giàu tính thị giác thì hình tượng trâu trong tranh của Cường hiện thực và giàu tính biểu hiện hơn.

Mục đồng. Nguyễn Thành Chương, sơn mài, 1997.



Thả diều. Nguyễn Văn Cường, sơn dầu, 2017.



Có thể thấy trong hội hoạ đương đại Việt Nam, hình tượng con trâu là một cấu trúc và mô típ phổ quát của một dạng “vô thức tập thể” của những người nghệ sĩ xuất thân và gần gũi gắn bó với nông thôn và nông dân. Một mong ước bình an nay chỉ còn trong những hoài niệm xa xưa đang khó nắm giữ trong hiện tại.


Hơn một thế kỷ với đầy những biến động lịch sử của dân tộc, hình tượng con trâu dường như cũng theo một cảm thức tương đồng. Con trâu từ một người bạn kẻ tâm tình như một mã văn hoá và đặc tính bất biến của người Việt thành một phương tiện và tư liệu sản xuất, để cuối cùng chỉ còn là một hoài niệm hay mô típ cho những cảm thức đương thời về quá khứ bình yên dung dị, một kiểu “vô thức tập thể” theo cách mà Carl Jung (1875-1961) gọi là “cổ mẫu” đã biến mất. Năm mới Tân Sửu đang tới cũng là thời điểm chúng ta suy tư về con trâu cùng hơn 60% dân số Việt Nam đang là nông dân sống dựa vào nông nghiệp và nông thôn trong một bối cảnh toàn cầu hoá và chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay.



Nguyễn Anh Tuấn (Thư viện NVH)


Nguồn: Thư viện Nguyễn Văn Hưởng - 23/02/2021.