Trong trắng, thơ ngây nhưng đằm nỗi ưu tư - Gia Bảy

Trong trắng, thơ ngây nhưng đằm nỗi ưu tư

Gia Bảy

VNTN – Có thể nói hội họa Tô Ngọc Vân (1906 – 1954) là một trong những “viên gạch” đầu tiên tạo dựng nền móng vững chắc cho hội họa Việt Nam. Những tác phẩm đáng chú ý của ông từ thập niên 1930 như: Buổi trưa (1936), Thiếu nữ ngắm tranh (1938), Thiếu nữ bên hoa sen (1943), Hai thiếu nữ và em bé (1944); Bác Hồ làm việc tại Bắc bộ Phủ (1946), Hai chiến sĩ (1949), Con trâu quả thực (1954), Đốt đuốc đi học (1954). Trong đó bức sơn dầu Thiếu nữ bên hoa huệ (1943) được xem là tác phẩm nổi tiếng nhất và gây được tiếng vang trong nước và quốc tế.




Các tác phẩm của Tô Ngọc Vân luôn luôn mang đến cho người xem rất nhiều cảm xúc mạnh mẽ; kết hợp thực sự nhuần nhuyễn những tri thức hội họa phương Tây với cốt cách Á Đông và Việt Nam. Phụ nữ là đề tài muôn thưở trong Văn học – Nghệ thuật. Với hoạ sĩ, đó không chỉ là vẻ đẹp của hình sắc mà còn là cái đẹp trong quan niệm.
Bức tranh Thiếu nữ bên hoa huệ mô tả chân dung một thiếu nữ mặc áo dài trắng đang nghiêng đầu một cách đầy duyên dáng, khơi gợi về phía bình hoa huệ trắng (hay còn gọi là hoa huệ tây, có nơi gọi là hoa loa kèn. Loài hoa này đối với các tín đồ Cơ đốc giáo là biểu tượng của sự trinh trắng, đức hạnh). Hình dáng cô gái kết hợp với những chi tiết và màu sắc xung quanh tạo thành một hình khối giản dị, toát lên nét buồn man mác của thiếu nữ mơ mộng và đài các.
Sự dụng bút tả thực phương Tây với cảm quan phương Đông, bức tranh không chỉ cho người xem thấy được vẻ đẹp của hình và sắc của người thiếu nữ mà còn cho thấy lối bố cục xoắn ốc khéo léo, lạ mắt. Đường cong khơi gợi cơ thể cô gái như ôm lấy những bông hoa trắng, trông tĩnh mà động. Dường như hướng đường cong dẫn mắt người xem cảm nhận tâm trạng nét mặt ưu tư, tơ lòng vấn vương của cô gái thị thành; khuôn mặt, bàn tay được hoạ sĩ diễn tả bằng những khối được giản lược đặt trong không gian chan hòa ánh sáng.
Tranh có 3 màu chủ đạo là vàng – nâu, sắc xanh chỉ là điểm xuyết. Sự sắp xếp các mảng màu theo những đường lượn đã tạo nhịp điệu cho bức tranh. Điểm nhấn gò má ửng hồng thật đắt khi đặt cạnh mảng màu xanh của lá và xanh phảng phất ở tà áo dài, kết hợp với những mảng màu trắng dầy ở những bông hoa huệ tinh khiết tạo nên tổng thể hài hòa. Dáng mềm mại của cô gái được tôn thêm bằng tư thế bàn tay đặt hờ lên mái tóc. Cánh tay phải co tự nhiên, bàn tay hơi khum, ngón tay đỡ lấy cánh hoa nâng niu, gượng nhẹ. Tác phẩm như thầm kể với người xem về một cô gái trong trắng, thơ ngây, nhưng cũng trải qua bao ưu tư của cuộc đời.
Bên cạnh những giá trị nghệ thuật, “Thiếu nữ bên hoa huệ” còn thể hiện cho một thú chơi tao nhã của người Hà Nội, thú chơi hoa loa kèn trắng, loài hoa thường nở rộ vào tháng tư hằng năm.
Được biết khi gia đình đi kháng chiến, bức tranh được để lại trong nhà ở ngõ Trại Khách, phố Khâm Thiên, nay là ngõ Thổ Quan. Sau này nó đã trở thành sở hữu của nhà sưu tập nổi tiếng Đức Minh. Từ thập niên 80 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có trưng bày phiên bản Thiếu nữ bên hoa huệ do họa sĩ Nguyễn Văn Thiện chép lại. Sau năm 1990, phiên bản này mới được gỡ bỏ bởi Bảo tàng chỉ treo tranh bản chính. Thời điểm đó bản gốc Thiếu nữ bên hoa huệ đã được bán qua tay nhiều thương gia nước ngoài. Năm 2017, đã có thông tin tranh gốc Thiếu nữ bên hoa huệ đã trở về Việt Nam. Kiệt tác nay đang thuộc quyền sở hữu của nhà sưu tập Bùi Quốc Trí, con trai nhà sưu tập Đức Minh.
Thông tin chỉ bó hẹp ở một số nhà sưu tập tranh ở thành phố Hồ Chí Minh. Họa sĩ Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Tôi chưa từng nghe đến sự việc như vậy. Nhưng trình độ làm tranh giả ở Việt Nam giờ tinh vi lắm, nếu Thiếu nữ bên hoa huệ đã trở về thật thì khâu thẩm định phải rất thận trọng để đừng “nhìn gà hóa cuốc”.



Gia Bảy
Nguồn: Trang thông tin điện tử của Báo Văn nghệ Thái Nguyên - 14 Tháng Mười Một, 2018