(Để xem ảnh ở độ phóng đại lớn, xin nhấp chuột vào ảnh).
Ngày Nay số 170 - 01/07/1939, Tr. 19.
Tắm bể
Dân tắm biển có nhiều hạng nhân vật rất kỳ dị.
Trước hết, cố nhiên có hạng đi tắm biển để tắm biển, để lấy lại sức khỏe đã mất, hay tưởng đã mất thì cũng thế. Hạng này chăm chỉ lắm, và yên trí rằng ngâm thân thể ở dưới nước mặn lâu hơn phần nào, là sức khỏe của mình tăng lên được hơn phần ấy. Vì thế buổi sáng từ năm giờ sáng, buổi chiều từ năm giờ chiều họ đã ra bãi, quả quyết đi xuống biển, can đảm đương đầu với sóng. Dù trời nắng, dù trời mưa, dù bận việc gì cần đến đâu mặc lòng, tới giờ tắm của họ, họ cũng phải bỏ ra đi.
Kế đến hạng có tấm thân nở nang, đẹp đẽ. Hạng này không thích tắm, chỉ thích lượn. Lượn ở bãi, lượn ở phố, lượn trên núi lượn trong rừng, lượn ở những nơi đông người mặc sơ sài một cái slip hay một cái maillot, rất ngắn và rất khít.
Rồi sau cùng đến hạng đi tắm biển để làm đủ các thứ có thể làm ở Hà Nội được. Họ xem sách, đánh bài, đánh cờ, chơi bời, ăn cao lâu, ăn cả cua ươn, tôm ươn y như ở Hà Nội - vì đừng tưởng tượng ở ngay bờ biển mà không có sẵn tôm, cua, cá ươn; rất ươn. Rồi họ cũng đau bụng, cũng đau dạ dầy và uống thuốc tây chẳng khác như khi ở Hà Nội một tí nào.
Gặp anh, họ reo mừng: "À! Lại thêm một chân tổ tôm!" Và anh nên lo sợ vì họ mời anh ba lần thế nào anh cũng phải nhận lời một lần nếu anh muốn làm ra con người lịch thiệp không để mất lòng ai.
Trong hạng này có một nhân vật rất ngộ nghĩnh. Đó là một ông bác sĩ đã có tuổi, nhưng người tráng kiện, tiếng nói sang sảng, một ông cụ già quắc thước. Mà ông cụ vui tinh quá, có lẽ vui tính vì khỏe mạnh.
Chưa ai gặp ông ở ngoài bãi biền một lần nào. Vì những giờ tắm trúng vào những giờ đánh cờ của ông. Nói cho đúng thì đối với ông giờ nào cũng có thể là giờ đánh cờ. Đương giờ bữa ăn, mà có tay cờ đến chơi, tức thì ông vứt vội đũa bát đứng dậy, vừa uống nước vừa kêu đầy tớ bày quân cờ ra bàn.
Tôi đã được xem bác sĩ đánh với hai người luôn một lúc mười hai ván, với mỗi người sáu ván. Chưa bao giờ ông cụ được mãn nguyện "được đánh no nê một hôm", lời ông thường phàn nàn. Vì giá có người chịu hầu cờ ông, thì ông có thể đánh suốt từ sáng... đến sáng hôm sau. Có bao nhiêu ngườỉ biết đánh cờ, bác sĩ làm quen hết. Rất không may cho mình nếu bị người ta giới thiệu với bác sĩ là một kỳ thủ. Khó lòng mà thoát được nữa. Thôi những ngày nghỉ mát của mình sẽ thành toàn những ngày đấu cờ. Và không khéo cũng như bác sĩ, mình sẽ thấy nhiều nước... cờ hơn nước biển.
°
° °
Lại câu chuyện này nữa, độc giả có thể cho là vô lý:
Một ông kề lại với bạn:
- Chiều hôm qua, tôi đương cùng tắm với nhà tôi, bỗng nhà tôi biến mất.
- Biến? Bác gái biến mất?
- Vâng, biến mất. Nhìn trước, nhìn sau, nhìn tả, nhìn hữu chẳng thấy bóng vía nhà tôi đâu. Tôi hoảng hốt chạy lên bãi cát tìm quanh. Vô ích.
- Khổ, thế rồi...
Ông bạn ngập ngừng không dám hỏi thẳng.
Thì ông kia đã cười đáp:
- Thế rồi tôi tìm thấy nhà tôi ở nơi chân núi.
- Trời! Ở nơi chân núi.
Ông ta toan nói: "Sóng đánh dạt vào nơi chân núi?" Nhưng vội ngừng lại. Và ông ta nghĩ thầm: "Chuyện ghê gớm thế mà nó cười được!"
- Nghĩa là cứu kịp... phải không?
Ông kia ngơ ngác không hiểu:
- Cứu cái gì?
- Sao bác bảo... tìm thấy... bác gái ở nơi chân núi.
- Vâng, tôi tìm thấy nhà tôi ở nơi chân núi đương mê mẩn nước...
Ông bạn ngắt lời kêu:
- Trời ơi! Có việc gì không bác?
-... đương mê mẩn nước bài với hai ông, hai bà bạn. Thì ra nhà tôi lẽn về từ lúc nào, tôi không biết, để đến nhà bà tham Lan ở nơi chân núi đánh tổ tôm.
Đến đây ông bạn mới vỡ nghĩa, và phá lên cười vui vẻ.
Nhị Linh
Trong tập truyện ngắn "Đội Mũ Lệch"
do Đời Nay xuất bản lần đầu năm 1938.
Nguồn:
https://www.vietmessenger.com/books/?title=ddoi%20mu%20lech&page=25
.
0 comments: