Họa sĩ Tô Ngọc Vân - Nhân cách lớn của nền hội họa Việt Nam - Designs.vn

Họa sĩ Tô Ngọc Vân - Nhân cách lớn của nền hội họa Việt Nam

Designs.vn
Tô Ngọc Vân (1906-1954) là một trong những họa sỹ tiêu biểu của giai đoạn khởi đầu nền nghệ thuật tạo hình hiện thực xã hội. Ông được biết đến như một họa sĩ tài năng, uyên bác, mẫu mực trong sự chuyển mình, rực rỡ trong nghệ thuật, hết lòng trong đào tạo lớp trẻ mỹ thuật, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc của đất nước.

Ngay từ những năm học trong trường Mỹ thuật Đông Dương, ông đã sớm nghiên cứu kỹ lưỡng kỹ thuật sử dụng chất liệu sơn dầu ở Việt Nam và là người có công đầu tiên trong việc sử dụng chất liệu này ở Việt Nam. Tô Ngọc Vân được đánh giá là một tài năng xuất sắc, một tâm hồn nhạy cảm, một trái tim nóng bỏng nhiệt huyết và tình yêu quê hương, đất nước. Ông đã viết những dòng tự sự "...ngay từ lúc đi học đã mơ xây dựng một nền hội họa Việt Nam có tính chất dân tộc, phản ứng lại sự lan tràn của hội họa Pháp sang ta và để giành một địa vị mỹ thuật trọng yếu cho dân tộc trên thế giới...". Ông từng được xếp ở vị trí thứ ba trong câu truyền tụng về “tứ bất tử” của nền hội họa Việt Nam thế kỷ XX: “Nhất Trí” (Nguyễn Gia Trí), “Nhì Lân” (Nguyễn Tường Lân), “Tam Vân” (Tô Ngọc Vân), “Tứ Cẩn” (Trần Văn Cẩn).

Thông qua mỹ thuật, ông đã cố gắng diễn tả được vẻ đẹp duyên dáng của người Việt Nam đương thời mà tiêu biểu là chân dung thiếu nữ. Kiệt tác "Thiếu nữ bên hoa huệ" được xem là tác phẩm nổi tiếng nhất và gây được nhiều tiếng vang nhất của ông, cả trong nước lẫn quốc tế. "Thiếu nữ bên hoa huệ" mô tả cảnh một thiếu nữ mặc áo dài trắng đang nghiêng đầu một cách đầy duyên dáng, khơi gợi về phía lọ hoa huệ trắng. Hình dáng cô gái kết hợp với những chi tiết và màu sắc xung quanh tạo thành một hình khối giản dị, toát lên một nét buồn dịu nhẹ.

Các tác phẩm của danh họa Tô Ngọc Vân luôn luôn mang đến cho người xem rất nhiều cảm xúc dâng trào. Ở Tô Ngọc Vân, những tri thức hội họa phương Tây đã kết hợp thực sự nhuần nhuyễn với cốt cách Á Đông và Việt Nam. Ông là một trong những họa sĩ người Việt hiếm hoi từng vẽ tem ngay trong thời Pháp thuộc. Không chỉ có vẽ để thể hiện và khẳng định tinh thần dân tộc trong sáng tạo nghệ thuật, Tô Ngọc Vân còn tích cực viết báo bày tỏ quan điểm của mình. Ông là một trong số hiếm hoi nhà phê bình mỹ thuật thời đó và đồng thời là một họa sỹ tài danh nên các bài viết của ông gây sự chú ý lớn đối với giới trí thức và những người có thiện cảm với hội họa hiện đại Việt Nam thời kỳ đầu. Tuy bận bịu đến vậy, ông vẫn không quên tìm hiểu sâu sắc hơn nữa đặc tính của sơn mài Việt Nam để từng bước khẳng định sự phù hợp của chất liệu này với hội họa hiện đại, tạo nên vẻ đẹp độc đáo riêng biệt của hội họa Việt Nam.

Để ghi nhớ công lao của ông, một khóa học của trường Mỹ thuật Việt Nam từ chiến khu trở về thủ đô đã lấy tên ông: Khóa học Tô Ngọc Vân 1955-1957. Toàn bộ tác phẩm của ông được Nhà nước lưu giữ, trưng bày tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông là một trong tám họa sỹ hàng đầu của đất nước được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996), giải thưởng cao quý của Nhà nước ta, ghi dấu tài năng và công lao đóng góp to lớn cho sự phát triển của dân tộc dành cho các nghệ sĩ và nhà hoạt động văn hóa.

Tên thật: Tô Ngọc Vân
Bút danh: Tô Tử, Ái Mỹ
Ngày sinh: 15 tháng 12 năm 1906 tại Hà Nội
Ngày mất: 17 tháng 6 năm 1954 trong một cuộc dội bom của Pháp tại Km41, Ba Khe, Sơn La.
Giải thưởng:
- Bằng danh dự của triển lãm Thuộc địa Paris năm 1931
- Khen thưởng danh dự tại triển lãm của Hội Họa sỹ Pháp - Salon Paris năm 1932.
- Giải nhất triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1954.
- Huân chương Độc lập Hạng Nhất.
- Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.

Các tác phẩm chính:

Trước 1945: Thiếu nữ bên hoa sen, Thiếu nữ bên hoa huệ, Hai thiếu nữ và em bé, Thiếu phụ ngồi bên tranh tam đa, Buổi trưa, Bên hoa

Sau 1945: Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ phủ, Nghỉ đêm bên đồi, Con trâu quả thực, Hai chiến sĩ, Nghỉ chân bên đường

Một số tác phẩm tiêu biểu của Họa sĩ Tô Ngọc Vân
Tác phẩm "Thiếu nữ bên hoa huệ" được Tô Ngọc Vân sáng tác vào năm 1943, khi ông đang giảng dạy tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương


Tác phẩm "Hai thiếu nữ và em bé" năm 1944


Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ Phủ, 1946, sơn dầu


Đốt cuốc đi học, 1954, thuốc nước


Hà Nội vùng đứng lên, 1946, khắc gỗ


Con trâu quả thực, 1954, ký họa màu nước


Hai chiến sĩ, 1949, màu nước


Bộ tem bưu chính Đông Dương do hoạ sỹ Tô Ngọc Vân thiết kế

Thiếu nữ bên hoa sen, 1943


Tranh buổi trưa, 1936

Tranh thiếu nữ ngắm tranh, 1938

Làng quê

Nghỉ chân bên đường

Thiếu nữ


Bản "Số đỏ" có bìa do Tô Ngọc Vân trình bày





Một số hình ảnh về tác giả




Chân dung Họa sĩ Tô Ngọc Vân


Chân dung họa sỹ Tô Ngọc Vân, chì màu của Lê Lam. Trên tranh có chữ ký của các sinh viên khóa Kháng chiến.




Designs.vn - Thứ 6, 06/11/2015.