Thứ Hai, 12 tháng 9, 2022

Tô Ngọc Vân với lớp người đi sau




TÔ NGỌC VÂN VỚI LỚP NGƯỜI ĐI SAU

QuangPhòng


Đối với một hoạ sỹ như Tô Ngọc Vân, sống bốn mươi tám năm cũng đã làm nên sự nghiệp. Và lớp người đi sau khó có thể quên những ảnh hưởng sâu sắc của ông lại.

     Tôi được biết ông năm 1941 khi tôi vào học lớp dự bị trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và cũng là năm thứ hai ông dạy ở trường đó, sau bốn năm dạy trường ở Nông - Pênh.


     Lúc giờ ông đã rất nổi tiếng về những tranh sơn dầu vẽ phụ nữ. Nhưng với chúng tôi, trước hết ông là một thầy dạy giỏi. Toàn thể lớp "líp" (bàng thính tự do để thi vào trường Mỹ thuật Đông dương) trường "Bô-da"  thuở ấy tin phục ông. Ai chiếm điểm 18 về "a-ca-đê-mi" của ông thì mừng rỡ đến quên ăn quên ngủ. Trước tranh ông, chúng tôi lặng người ngắm hàng buổi. 


     Càng ngắm càng mê, không biết chán. Những bức sơn dầu lộng lẫy, óng chuốt, lồng khung thếp vàng quý giá một thời đã rọi vào tâm hồn non trẻ chúng tôi những ánh sáng tân kỳ...


     Tác phẩm Thuyền trên sông Hương - Họa sỹ Tô Ngọc Vân



     Cho đến nay, những cống hiến của Tô Ngọc Vân về nghệ thuật sơn dầu trước cách mạng vẫn đáng được chúng ta yêu mến và quý trọng.
Năm 1931, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ông vẽ nhiều phong cảnh, sinh hoạt ở Ăng-co-vát, Băng Cốc, Huế ... với chùa chiền cùng sư sãi áo vàng, đượm phong vị phương xa; những con thuyền, bến nước sông Hương trong xanh đầy thơ mộng.
Vào mùa hè 1943, người ta còn thấy ông cởi trần, mặc quần ngắn, nước da ngăm đen đầm đìa mồ hôi dưới nắng ban trưa, vẽ cô thôn nữ xứ Đoài chăn bò ngoài đồng, xa xa đỉnh Ba Vì ẩn hiện trong mây trắng.


      Nghệ thuật ông có một số yếu tố gần hiện thực. Ông quan tâm nhiều về hình và là người vẽ hình tinh tế nhưng còn say mê màu sắc hơn, tự buông thả tâm hồn trước hết cho màu sắc lôi cuốn. Ông đem lại cho hội họa Việt Nam những hòa sắc mạnh mẽ, táo bạo khác hẳn những hòa sắc dịu dàng, nhũn nhặn mà phần lớn các họa sĩ đương thời ưa dùng. Trong khi còn có người lấy nước chè, nước vối phun lên tranh lụa để tạo vẻ thâm trầm, cổ kính thì trên sơn dầu Tô Ngọc Vân những xanh, lam biếc lên rờn rợn; những đỏ, vàng, cam lóng lánh, rung rinh; những tím, hồng tươi, rực rỡ đầy kích thích chen nhau xuất hiện. Và tác giả như một pháp sư điều khiển những "ảo ảnh" ấy khá tài tình giữa từng từng lớp lớp sơn dày đặc, dẻo quánh, trong suốt, quyện lấy nhau, khi chập chờn mờ tỏ, khi rắn chắc, khi mềm mại với mọi vẻ phong phú...


      Ông nắm sự vật có nghiên cứu, rút ra đặc điềm, qua bao quát đi vào chiều sâu, qua phức tạp đến cô đọng.
Hình, theo ông chỉ là sự gợi lên các mặt cấu tạo chủ yếu của sự vật. Do đó, tranh ông thanh thoát, đơn giản, song rất chính xác, đầy dụng công, như ông vẫn nói: "Trông không có gì cả nhưng tất cả đều ở đây".
Vẽ, đối với Tô Ngọc Vân là một quá trình làm việc lâu dài, nghiêm túc.
Nhưng điều đáng tiếc là ông thường tách rời nghệ thuật với ý nghĩ xã hội của nó. Ông chỉ mượn ở nhân vật nữ những đường nét cân đối, nhịp nhàng, hình thể tròn đầy, chất óng mượt của lụa vải mỏng bó sát làn thịt da căng nở đề nhào luyện cái đẹp, hướng xúc cảm về mặt khoái lạc vật chất. Cái gốc bệnh của nghệ thuật Tô Ngọc Vân truớc cách mạng là ở chỗ đó mà sau này phải qua bao gian khổ ông mới nhận thức được. Những tư tưởng nghệ thuật phù phiếm, hình thức, cô lập với cuộc sống trước kia ông vẫn cho là mình tự do suy nghi, thực chất chỉ là những "xiềng xích tinh thần của giai cấp tư sản mà trong bao năm ông đã hãnh diện vuốt ve như vuốt ve đồ trang sức". Còn gì sâu hơn chính lời ông tự phê bình những sai lầm của bản thân?
Tuy vậy bức sơn dầu ông vẽ Bác Hồ năm 1945 phải kè là tác phẩm thành công xuất sắc đủ đề chứng minh một tài năng đã bước đầu hướng về cách mạng. Ông học tập nghệ thuật Âu tây với óc sáng tạo, đem lại cho sơn dầu một vẻ Việt Nam, cùng một số họa sĩ đương thời đặt nền móng và thúc đẩy môn nghệ thuật còn quá mới đối với ta mau tiến đến trưởng thành. 


      Là họa sỹ toàn diện, ông sử dụng thành thạo các chất liệu khác, đóng góp nhiều tìm tòi mới lạ. Ông có biệt tài trang trí, trình bày sách, ít người sánh kịp, đồng thời minh họa báo dưới những tên Ái Mỹ, Tô Tử. Thời Pháp thuộc, nhân dân Hà Nội rất thích treo tranh phụ bản báo hàng tuần số tết do ông vẽ và trông nom in...

Các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Khang, Nguyễn Sáng, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung tại xưởng vẽ xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ.



      Bản tính ưa sống, hoạt động trong không khí nghệ thuật sầm uất, thời kháng chiến chống Pháp, ông thường rủ vài ba họa sĩ thân cùng nhau nghiên cứu, sáng tác dưới mái một xưởng họa rộng rãi, sáng sủa do Hội Văn nghệ tổ chức hoặc vui với công việc đào tạo ở trường Mỹ thuật mà ông là hiệu trưởng. Những buổi sinh hoạt bao giờ cũng rộn rịp tưng bừng, tràn đầy phong vị học thuật. Ông ngồi giữa, nước da nâu bóng dưới ánh lửa bếp nhà sàn bập bùng, nói cười cởi mở làm cho các "môn sinh" trong giây lát lãng quên thực tế khó khăn trước mắt mà dốc lòng theo "nghiệp". Với trình độ nghề vững vàng, khoa sư phạm trong sáng, ông là một mẫu mực cho các học trò mà chỉ cách đó ít lâu nhiều người đã trở nên thầy của những lớp sau.


      Song nhu cầu sáng tác lúc nào cũng canh cánh bên lòng, ông dứt khoát lao mình vào thực tế, tôi luyện, tìm cảm hứng trước cuộc sống mới. Năm 1949, theo Trung đoàn Thủ đô tham gia chiến dịch, ông đã làm việc liên miên, vừa vẽ lấy tài liệu, vừa tổ chức lớp họa sáu ngày dạy mấy bài cơ bản cho một số bộ đội trẻ, vừa bận bịu trình bày quyển sổ vàng cho trung đoàn. Bộ đội hành quân nhanh quá, ông đuổi không kịp, phải ngủ đêm ngoài đồng, vun những đống rạ lại  để nằm trên mặt đất còn xâm xấp nước. Nửa đêm sực tỉnh, thấy dưới ánh trăng suông, từng đoàn bộ đội in bóng xám sẫm nhấp nhô lên nền trời sáng đục, lặng lẽ lướt nhanh trên bờ ruộng.

      Ông vùng dậy, rút sổ tay, bút chì than ra đánh loáng, như người rút "vũ khí", hăm hở "chộp"  lấy cảnh tượng đầy vẻ nên tranh xảy ra bất chợt ấy. Và cứ thế mê mải đến sáng bạch. Có lần trời mưa tầm tã, đường trơn, khi qua cầu tre, mải quan sát bộ đội hành quân ông bị trượt từ trên cao xuống dòng lũ chảy xiết... Có phải hàng nghìn lần ký họa, với cảm xúc chân thực trước cuộc sống trong suốt chín năm kháng chiến ấy, cũng là bấy nhiêu lần ông tự rèn luyện đổi mới cách nghĩ, cách nhìn để hướng nghệ thuật của mình về phía nhân dân?


     Ông nói hay, ý và lời hóm hỉnh, thông minh, có sức thuyết phục người nghe. Nhưng ông thích đấu tranh bằng hành động nhiều hơn. Đọc bài báo về sơn mài của anh V.C cho chất liệu này chỉ quẩn quanh trong vòng "vàng, son", ít khả năng tả thực, ông đã cặm cụi sáng tác bức Dân quân đứng gác có ý diễn màu chất và đậm nhạt gần tự nhiên để bác ý kiến ấy. Với giọng hả hê của người nắm chắc phần thắng trong tay, ông hỏi: Đâu? Vàng đâu? Son đâu? Nhắc đến chất liệu Sơn mài, ai cũng biết sự tha thiết của ông đối với chất liệu được ông coi như là tiếng nói riêng của nghệ thuật Việt Nam một mai sẽ đem góp vào các tiếng nói chung của nghệ thuật tạo hình thế giới. Trong hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1948 họp ở Việt Bắc, ông say sưa đọc bản tham luận về vấn đề này và trước đó ông đã làm khá nhiều tranh sơn mài thể nghiệm. 


     Điều ấy nói lên cái quý ở Tô Ngọc Vân là lòng chân thành với nghệ thuật dân tộc, với lợi ích chung, với mọi người và cả với bản thân. Thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp ông là một trong số văn nghệ sĩ quằn quại về sự từ bỏ cái cũ. Nhưng ông đã tự chiến thắng một cách gan dạ. Nhìn bao quát cuộc đời sáng tác của ông, chúng ta thấy nổi lên hai giai đoạn trái ngược nhau mà sau hơn hẳn trước về tính tư tưởng và nghệ thuật.

  Tranh của họa sỹ Tô Ngọc Vân tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam



   Tình cảm chân chính đã nảy sinh sảng khoái trong tâm hồn họa sĩ với các nhân vật mới của mình, những người nuôi dưỡng, xây dựng và bảo vệ xã hội. Hình nét, trên tranh ông vẽ về phong trào cải cách ruộng đất quyện vào trong nó cái xúc cảm sâu sắc, thẩm phía trước niềm hồ hởi lớn của bao triệu con người, phải chăng là những tiếng reo vui phát ra từ tâm hồn tác giả đang được cùng giải phóng với giai cấp nông dân? Tính cách nhân vật được thu tóm, diễn tả với hình thức thoải mái tự nhiên, như buông lơi mà chắc nịch, rất Tô Ngọc Vân mà cũng dậy lên đậm đà phong vị dân tộc. Rồi đây trong hội họa Việt Nam sẽ còn sống mạnh khỏe, dài lâu những hình ảnh bủ Đường, bủ Kiện chất phác, đôn hậu, những cán bộ, thanh niên nam nữ phấn khởi học hành, hăng say công tác, xây dựng cuộc đời mới, con trâu quả thực từ mộng tưởng trở thành hiện thực với những người bần cố, cùng cả bầu trời quang đãng không còn bóng dáng địa chủ...


     Càng không thể quên hàng loạt tranh ông vẽ phong cảnh, sinh hoạt của nhân dân Tây Bắc; cô gái Thái thân hình tròn lần, cân đối, săn sóc công việc gia đình; nhà sàn to lớn rộng rãi; bên dưới có ngựa ăn trong máng, lợn gà quanh sân; núi mây, suối nước, cây cổ thụ; những hòn đá nhiều hình thù kỳ lạ; những con đường dẫn từng đoàn bộ đội, dân công, người, ngựa, gồng gánh, thồ vác, rầm rập phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ. Về hội họa, đó là các vẻ đẹp với cốt cách tao nhã, được tạo nên bằng hình và nét, dưới con mắt tinh tường, biết khám phá những cái bí ẩn gợi cảm, mà không phải họa sĩ nào cũng có. Nhưng điều bí ẩn chủ yếu của sự thành công ở đây lại là: tâm hồn ông lúc ấy đã thuộc về nhân dân.


     Đã gần ba mươi năm vắng Tô Ngọc Vân! Vẫn cứ nhớ mãi, rõ ràng như mới ngày hôm qua, con người nhỏ nhắn, nước da ngăm ngăm, cặp mắt to sáng thông minh, nụ cười rộng mở. Nhưng nhớ và tiếc nhất cái tài, cái chí của người họa sĩ đàn anh lớp cũ đã kiên quyết tự cải tạo mình để đi theo chân lý, do Đảng soi đường. Nếu Tô Ngọc Vân còn sống thì trên đà sáng tác hưng phấn ấy nhất định ông sẽ có những đóng góp đáng kể hơn nữa cho nền nghệ thuật tạo hình xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Song ông đã hy sinh ngày 17-6-1954 ở một vùng gần sát chiến trường Điện Biên Phủ, một tháng truớc ngày Chính phủ ta ký hiệp định Giơ-ne-vơ, đánh dấu chiến thắng vinh quang lẫy lừng của dân tộc.



#QuangPhòng




Nguồn: Lacquer Art -

0 comments:

Thuyền trên sông (Tranh sơn dầu, 1935)




Thuyền trên sông
(Tranh sơn dầu, 1935)

Tô Ngọc Vân

( Sưu tập tư nhân)



0 comments:

Thiếu nữ bên tràng kỷ (Tranh sơn dầu, 1941)




Thiếu nữ bên tràng kỷ
(Tranh sơn dầu, 1941)

Tô Ngọc Vân

( Sưu tập tư nhân - Đức Minh)



0 comments: