Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2018

Dòng chảy tranh biếm họa - Minh Ngọc

Dòng chảy tranh biếm họa

Minh Ngọc
Những bức tranh biếm họa đầu tiên của họa sĩ Việt Nam xuất hiện từ những năm 1920-1930. Trong suốt gần 90 năm, nhiều thế hệ họa sĩ biếm đã để lại dấu ấn, tạo nên dòng chảy không ngừng cho thể loại tranh này.

Không nhiều người biết rằng, người Việt Nam đầu tiên có tranh biếm họa đăng trên báo là Nguyễn Ái Quốc. Bức tranh được đăng trên tờ Le Paria (Người cùng khổ) tại Pháp vào năm 1922. Từ khi ra đời, tranh biếm họa Việt Nam đã gắn liền với báo chí mặc dù xuất hiện muộn hơn. Trong những năm 30 của thế kỷ trước, ngay khi xuất hiện trên tuần báo Phong Hóa của nhóm Tự lực Văn đoàn, các bức biếm họa với hai nhân vật Lý Toét - Xã Xệ đã gây xôn xao trong dư luận. Thể loại tranh mới mẻ đã tạo nên cú “sốc” mạnh mẽ, không dễ được đa số người dân lúc bấy giờ chấp nhận ngay. Dần dần, người ta hiểu được ý nghĩa thâm thúy, tính đả kích, chế giễu mạnh mẽ quan lại phong kiến thối nát, chống lại chế độ thực dân cai trị. Tiếp đó, người ta lại bất ngờ trước nhân vật biếm họa Bang Bạnh của Tô Tử (Tô Ngọc Vân) thể hiện tư tưởng chống đối chế độ đương thời trong tuần báo của nhóm Tự lực Văn đoàn.


Tranh đả kích do Nguyễn Ái Quốc vẽ, đăng báo Le Paria (tháng 8.1922)


Tác phẩm của họa sĩ Lý Trực Dũng



Nếu như trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới, biếm họa Việt Nam là tiếng nói chống lại kẻ thù, thì đến bây giờ, là tiếng nói chống tiêu cực cho xã hội. Hàng loạt tên tuổi các họa sĩ ở các thời kỳ khác nhau đã ghi dấu ấn với dòng tranh biếm họa. Các họa sĩ biếm thuộc thế hệ trước năm 30 thế kỷ trước có bậc thầy biếm họa Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân… Vào những năm kháng chiến có Phan Kích (Phan Kế An) với nhãn quan chính trị sâu sắc, Mai Văn Hiến “họa sĩ chiến khu”, Nguyễn Bích... Thế hệ thời đổi mới có họa sĩ Chóe, Ớt, Nhím, Nhốp... Gần đây là những họa sĩ trẻ đầy sung lực như DAD, Còm, Khoái, LEO, LAP... Nhiều họa sĩ biếm Việt Nam được thế giới biết đến. Một trong những người được thế giới công nhận là nghệ sĩ hàng đầu trong tranh biếm họa là họa sĩ Chóe.

Họa sĩ Lý Trực Dũng sinh năm 1946, đã có hơn 30 năm gắn bó với dòng tranh biếm họa. Tranh biếm họa của ông không chỉ xuất hiện trên báo chí của Việt Nam mà còn trên nhiều nhật báo, tạp chí nổi tiếng của Đức và nhiều nước trên thế giới. Ông vừa cho ra mắt cuốn sách đầu tiên về lịch sử biếm họa Việt Nam. Lý Trực Dũng phác họa chân dung thế hệ các họa sĩ biếm cùng các tác phẩm của họ từ thời kỳ đầu tiên biếm họa xuất hiện cho tới thời điểm hiện tại. Không có tham vọng tạo nên cuộc khảo cứu quy mô và tầm vóc về biếm họa Việt Nam, Lý Trực Dũng cho biết ông mong muốn cuốn sách sẽ là “nhát cuốc động thổ cho những nghiên cứu hoàn chỉnh và tiệm cận hơn về lịch sử nghệ thuật biếm họa Việt Nam trong tương lai”.

Ra mắt sách biếm họa Việt Nam

Toạ đàm Biếm họa Việt Nam nhân dịp ra mắt tác phẩm cùng tên của họa sĩ- kiến trúc sư Lý Trực Dũng đã diễn ra vào tối 9.3 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội). Buổi toạ đàm có sự tham gia của tác giả Lý Trực Dũng và họa sĩ Nguyễn Quân cùng nhiều hoạ sĩ biếm hoạ khác. Triển lãm tranh biếm họa Việt Nam cũng được trưng bày trung tâm từ 9-14.3.

Minh Ngọc


Nguồn: Báo Thanh Niên - 23:13 - 09/03/2011

0 comments:

Nguyễn Mạnh Phúc và Bộ sưu tập biếm họa

Nguyễn Mạnh Phúc và Bộ sưu tập biếm họa

Theo Thể thao và Văn hóa



1. Đây là bức tranh của danh họa Nguyễn Gia Trí được in trên trang nhất bìa báo Ngày nay thời Pháp thuộc (số 116 năm 1938):
Tin các báo: Chính phủ (tức chính phủ bảo hộ Pháp-NV) sẽ phát trâu bò và lợn cho các làng, rồi rút thăm xem ai trúng sẽ được nuôi chứ không được ăn thịt hay bán lại.
Thế nên trâu mới nằm trên phản phía trên treo màn trướng như một ông chủ, con thì cầm quạt, quạt đít trâu, vợ thì bưng máng cho trâu ăn, còn ông chồng chầu hẫu bên ấm nước đun cho trâu uống.

Tuy khuôn khổ chỉ nhỉnh hơn tờ A4 một chút, nhưng có thời các biếm họa của Việt Nam đã có được một vị trí trang trọng như vậy. Các vấn đề của thời sự xã hội được đề cập một cách trực diện qua nét vẽ của các bậc thầy.

Là người sưu tập chủ yếu các tác phẩm của các bậc thầy Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc đã không bỏ qua mảng tranh biếm hoa vô cùng sinh động này.


Sở hỏa xa Đông Dương lập đàn dâng lễ hình nhân thế mạng.

Gần hai chục bức biếm họa được đăng trên trang nhất báo Ngày nay chủ yếu là của Nguyễn Gia Trí (bút danh RIST), một vài tác phẩm của Tô Ngọc Vân (Tô Tử) được vẽ trong khoảng những năm 1936-1939 đã được ông lưu giữ một cách cẩn thận. Mặc dù không phải là bản gốc, nhưng đây là một bộ sưu tập có giá trị, cho thấy một góc nhìn khác của các họa sĩ cận đại của mỹ thuật Việt Nam ngoài những tác phẩm sơn dầu, sơn mài đã làm rạng danh tên tuổi họ.
Được xem là một nghề tay trái để phụ giúp cho việc mua họa phẩm của một giai đoạn khốn khó, đa phần các họa sĩ Việt Nam giai đoạn này đều chọn công việc khá thích hợp là vẽ bìa, minh họa và vẽ tranh đả kích biếm họa cho các báo. Tuy chỉ là một nghề "câu cơm" nhưng họ cũng đã bỏ vào đấy không ít những tâm huyết. Người ta có thể biết nhiều đến một Nguyễn Gia Trí với những tác phẩm vàng son lộng lẫy đầy lãng mạn với các cô thiếu nữ trong vườn xuân Bắc Trung Nam, nhưng lại ít biết đến hơn một con người khác của ông trong những tranh biếm họa sâu sắc.

Đề cập đến vấn đề tự do báo chí thời thuộc Pháp được ông ví như một con chim đại bàng bay cao với hai cái chân bị trói vào cái gốc cây cụt; sự đoàn kết của báo chí thời Pháp thuộc thì được ông ví như một buổi lễ hội mọi người nhảy múa tưng bừng, nhưng trong đám đông ấy những cái chân lại luôn ngáng nhau; hay làng báo làm "lễ cầu mát" với 3 ông quan hình bằng giấy và một bản báo cáo dài dằng dặc.

Ngoài ra, nhiều tác phẩm của Nguyễn Gia Trí dường như còn có giá trị đến ngày nay, như vấn đề giao thông: ông vẽ bức cầu yên: "Vì thấy tai nạn thường xảy ra, chúng tôi xin hiến Sở hỏa xa Đông Dương một ý kiến hay: lập đàn dâng lễ hình nhân thế mạng!" với những nhân vật bằng giấy và một lễ cúng âm hồn ngay trên đường tàu.

2. Có lẽ do thấy được giá trị lâu dài của tác phẩm biếm họa mà ông Nguyễn Mạnh Phúc đã bỏ công sưu tầm.

Nguyễn Mạnh Phúc là một nhà nhiếp ảnh, đồng thời là Chủ nhiệm CLB Giao lưu Mỹ thuật quốc tế. Ngoài sưu tập hội họa, tổ chức các triển lãm, ông còn là một sứ giả mang văn hóa Việt Nam ra thế giới. Ông đưa một loạt tác phẩm hội họa Việt Nam đương đại sang giới thiệu tại Hàn Quốc (1998), Na Uy (2000)... Hiện bộ sưu tập của ông gồm khoảng 300 tác phẩm điêu khắc và hội họa của các họa sĩ tên tuổi trong nước và các họa sĩ quốc tế...

Ông chia sẻ: Đối với mỗi loại hình nghệ thuật nó sẽ phản ánh một góc nhìn khác của người họa sĩ. Biếm họa hay minh hoạ, ký họa là những mảng quan trọng bổ sung cho những tác phẩm hội họa để đời của họ. Những tác phẩm như thế cũng có thể xem như một cuốn nhật ký thời sự của chính các họa sĩ, mà qua đó bộc lộ thái độ của giới văn nghệ sĩ nói chung, hoặc được xem là thái độ của một công dân đối với tình hình thời cuộc dưới con mắt biếm. Nếu cái lãng mạn là cần thiết phù hợp với lý tưởng thẩm mỹ cận đại, thì yếu tố chiến đấu lại cần thiết cho những bức biếm.

Không chỉ để kiếm tiền, thời bấy giờ các họa sĩ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã biết dùng ngòi bút để nói lên chính kiến của mình trong xã hội thực dân hồi đó. Qua những tác phẩm của họ còn cho thấy một lòng tự tôn dân tộc rất lớn.


Tự do báo chí thời cuộc Pháp.

Bây giờ, chúng ta phải tiếc nuối cho một thời mà những bức tranh biếm họa được đăng tải chiếm trọn một trang báo như vậy, bởi bằng ngôn ngữ hội họa sử dụng nét là chính, nó có tác dụng còn mạnh hơn cả những dòng tít báo được "giật" rất lớn, hoặc hình ảnh của các cô gái trang bìa ít nhiều vô vị. Cái ẩn ý của các nét vẽ kiệm lời còn giá trị nhiều hơn là những câu "chua theo" để mỗi người xem tự ngẫm mới ra cái thú vị, còn cơ quan hữu trách nhìn vào đó mà phải có phương án giải quyết.
Ngoài các bức biếm họa của Nguyễn Gia Trí, trong bộ sưu tập của ông Nguyễn Mạnh Phúc còn có một mảng khác cũng ít nhiều thú vị đó là tranh biếm của Bùi Xuân Phái vẽ chân dung các bạn bè của mình. Tuy không đặt ra vấn đề xã hội nhưng Bùi Xuân Phái đã dùng ngòi bút biếm để lột tả tính cách con người. Như bức tranh thể hiện cái trán quá khổ của "ông đồ" Vũ Đình Liên, hay bộ dạng hề chèo của nhiếp ảnh Trần Văn Lưu... Những tác phẩm biếm này không phải để cho vui mà còn cho thấy tấm lòng chân thật của những người bạn nghệ sĩ đối đãi nhau. Thế mới biết biếm họa có nhiều giá trị hơn là những mẩu tranh chỉ để giải trí lúc "công nhàn". Và người vẽ biếm cũng phải là người có cái nhìn sắc sảo, chọn lọc hình ảnh sao cho đắt, cho trúng để lột tả vấn đề.

Theo Thể thao và Văn hóa
Nguồn: Báo Nhân Dân - Thứ Sáu, 17/09/2010, 13:23:00

0 comments:

Thăng trầm biếm họa Việt Nam

Thăng trầm biếm họa Việt Nam

Lê Thủy




Chặng đường dài gần một thế kỷ của biếm họa Việt Nam gắn chặt với báo chí, với thăng trầm của đời sống xã hội. Nhiều họa sỹ biếm họa đã để lại không ít dấu ấn.
Tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội vừa diễn ra triển lãm 80 năm biếm họa Việt Nam, giới thiệu lịch sử thăng trầm của biếm họa nước ta qua bộ sưu tập tranh của họa sỹ Lý Trực Dũng. Nhân dịp này, cuốn sách Biếm họa Việt Nam cũng được giới thiệu, mang đến cái nhìn khái quát và sinh động về “làng cười Việt”.

Nguồn tư liệu lịch sử trung thực


Khi báo chí quốc ngữ ra đời được 60 năm, tranh biếm họa mới lần đầu tiên xuất hiện trên các tuần báo LOA, Phong hóa, Ngày nay… Theo họa sỹ Lý Trực Dũng, người Việt Nam đầu tiên có tranh biếm họa được đăng báo là Nguyễn Ái Quốc, trên tờ Le Paria (Người cùng khổ). Nguyễn Ái Quốc tham gia vẽ biếm họa cũng như phần lớn họa sỹ biếm họa trên thế giới, không qua trường lớp và xuất thân từ đủ mọi tầng lớp xã hội, như kỹ sư, thầy thuốc, thợ cơ khí, chính khách... Biếm họa của Người thuộc biếm họa chính trị. Hiện 7 bức tranh biếm họa của Người vẫn được lưu giữ, như: Văn minh bề trên, Triển lãm thuộc địa, Vi hành... tất cả đều đề cập trực diện đến những vấn đề thời sự quốc tế nóng bỏng lúc bấy giờ là thực dân, áp bức, nô lệ, nô dịch văn hóa... Các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc chứng tỏ biếm họa chính là nguồn tư liệu lịch sử trung thực, quý báu.

Tranh biếm họa của Tô Ngọc Vân


Trong thập kỷ 30 - 40 của thế kỷ XX, khi biếm họa bắt đầu xuất hiện trên báo chí, một số họa sỹ chuyên nghiệp được đào tạo tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã bắt tay làm báo. Nhiều người sau này trở thành danh họa, trong đó có Nguyễn Gia Trí (bút danh Rigt) và Tô Ngọc Vân (Tô Tử). Nguyễn Gia Trí vẽ nhiều tranh biếm họa, nhưng ông trở thành họa sỹ biếm họa bậc thầy chính là nhờ những tranh biếm họa chính trị, xã hội đầy góc cạnh, bày tỏ thái độ trực diện, được đăng nguyên cả khổ lớn trên trang bìa Phong hóa và Ngày nay. Cùng xuất hiện trên 2 báo trên là tranh biếm họa của Tô Ngọc Vân. Tuy nhiên, đề tài của ông phần lớn là những vấn đề thời sự, xã hội, chuyện cơm áo gạo tiền sát sườn với cuộc sống thường nhật của người dân.
Thời kháng chiến chống Pháp, tranh biếm họa chủ yếu có 2 màu đen - trắng, hình họa chân phương, không quá cường điệu và thường có lời kèm theo, với mục đích tạo tiếng cười sảng khoái, góp phần đánh bại thực dân Pháp, giải phóng đất nước. Ngay từ đầu, một số báo cách mạng như Sự thật, Toàn dân kháng chiến, Vệ quốc quân, Quân du kích… đã đăng tranh biếm họa. Bằng tài năng và lòng yêu nước, nhiều cựu sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã trở thành những họa sỹ biếm tiên phong. 3 họa sỹ nổi tiếng nhất thời kỳ này là Phan Kích (Phan Kế An) với nhiều tranh đả kích sâu sắc, có tầm chiến lược về chiến cuộc; Mai Văn Hiến với những tranh biếm họa nhân văn; và Nguyễn Bích với tranh biếm họa đầy chất chiến đấu... Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tranh biếm họa vẫn tiếp tục đóng vai trò là vũ khí chiến đấu. Trong đó, nổi bật là các tác phẩm của họa sỹ Võ An Lai, Chóe (Nguyễn Hải Chí) - người sau này được tờ New York Time của Mỹ đánh giá là 1 trong 8 họa sỹ biếm họa hàng đầu thế giới thập niên 1970.

Tranh biếm họa của Nguyễn Ái Quốc


Đến thời kỳ đổi mới, không thể không kể đến những đóng góp quan trọng của biếm họa, hấp dẫn và sâu sắc từ đầu những năm 1980. Cũng có thể gọi đó là thời kỳ vàng son của biếm họa sau 1975, mà tiêu biểu là tranh biếm họa đăng trên các báo Văn nghệ, Lao động... được nhân dân cả nước chờ đón.

Thể loại “báo chí nghệ thuật”


Trong nền báo chí thế giới, dù nhân loại phải trải qua những biến động xã hội dữ dội, đặc biệt trong thế kỷ XX, biếm họa vẫn giữ một vị trí trang trọng trong lịch sử phát triển mỹ thuật nói chung. Đó là thể loại “báo chí nghệ thuật” đặc thù, nằm giữa đường biên giao nhau của mỹ thuật và báo chí. Không phải ngẫu nhiên mà ở châu Âu người ta xếp họa sỹ biếm vào giới trí thức.

Biếm họa trên thế giới hiện rất phong phú, đa dạng. Có nhiều bảo tàng dành riêng cho biếm họa và cũng không ít bộ sưu tập tư nhân đặc sắc về tranh biếm họa. Hàng năm có tới hàng chục cuộc thi biếm họa quốc tế, tiêu biểu nhất là Liên hoan Biếm họa quốc tế ở Bỉ, năm 2011 tròn 50 năm tuổi... Tuy nhiên, vẽ biếm họa là một nghề nguy hiểm. Thế kỷ XIX, Honere Daumier (1808 - 1879), họa sỹ lớn của Pháp, vì một bức tranh giễu cợt vua Louis Philippe mà bị bỏ tù 6 tháng. Trong thế kỷ XX, không ít họa sỹ biếm là nạn nhân của chế độ quân chủ hoặc độc tài.

Tranh biếm họa của Nguyễn Gia Trí


Biếm họa Việt Nam do những điều kiện đặc thù, không thể so sánh với bề dày của biếm họa thế giới, nhưng cũng từng có những thời kỳ vàng son. Trong kháng chiến chống Pháp, tranh biếm họa được trân trọng sử dụng và đánh giá cao. Các triển lãm mỹ thuật toàn quốc đều có sự tham gia của tranh biếm họa, nhiều lần biếm họa được tặng thưởng giải Nhất, như triển lãm mỹ thuật toàn quốc các năm 1946, 1950, 1953, 1957... Nhưng sau đó, biếm họa bị gạt khỏi triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Từ năm 1975 đến nay, chưa có triển lãm biếm họa quy mô toàn quốc. Theo PGs.Ts Nguyễn Đỗ Bảo, các họa sỹ biếm họa đang không ở đúng vị trí, nên chưa phát huy được tài năng. Trong 5 năm vừa qua, Hội Mỹ thuật Việt Nam không đầu tư, không tổ chức trại sáng tác cho biếm họa. Đây là thiếu sót lớn của mỹ thuật Việt Nam... Hơn thế, tranh biếm họa cần được lên mặt báo, đóng góp tiếng cười và làm thiên chức phê phán, góp phần hoàn thiện xã hội.


Lê Thủy
Nguồn: Đại biểu Nhân dân - 07:38 | 23/03/2011

0 comments:

Biếm họa Việt Nam

Biếm họa Việt Nam

Lý Trực Dũng



Giới thiệu sách

“Nói đến biếm họa là nói đến “chông gai và…hoa hồng”, nghề của những anh hề dũng cảm dám đương đầu với sự ngu dốt nói chung”. Với cách nhìn nhận như thế, Lý Trực Dũng đã bỏ mặc công việc chính của mình là kiến trúc sư và xây dựng để “lao vào cuộc khảo ngược gian nan về chân dung những con người và tác phẩm đã tạo nên nền biếm họa Việt Nam” và kết quả là sự ra đời của cuốn Biếm họa Việt Nam – bức tranh khái quát và sinh động về “Làng Cười Việt Nam” trong suốt gần 90 năm qua.

Không sắp xếp theo bố cục của một công trình nghiên cứu với những đề mục, tiểu mục, Lý Trực Dũng mở từng trang lịch sử biếm họa Việt Nam theo những nhân vật cụ thể, bắt đầu từ người đầu tiên vẽ tranh biếm họa ở Việt Nam đến những nhân vật “đình đám” nhất trong làng biếm họa, danh nổi như cồn, vượt ra ngoài cả phạm vi Việt Nam… Nếu người đọc chờ đợi ở đây một văn phong cầu kỳ, trau chuốt của người nghệ sĩ quen cầm cọ hơn là bút viết thì hẳn sẽ thất vọng, bởi Biếm họa Việt Nam đậm chất trào lộng, dí dỏm, hóm hỉnh một cách giản dị và chân thật. Dưới góc nhìn của một họa sĩ, một người làm nghề đã “múa cọ” trên nhiều trang báo nổi tiếng, đã tiếp xúc với những người góp phần tạo nên “Làng Cười Việt Nam”, đã thẩm định và đánh giá rất nhiều tác phẩm trong các cuộc thi biếm họa quy mô toàn quốc, Lý Trực Dũng biết cách tiếp cận và “vẽ” lại chân dung những nhân vật theo cách riêng của mình. Đó là những đại diện cho lớp họa sĩ tài năng thế hệ trước như Nguyễn Gia Trí “bậc thầy biếm họa”, Tô Ngọc Vân – người góp phần quan trọng trong lịch sử phát triển biếm họa Việt Nam những năm 30 thế kỷ trước, Phan Kích với những bức biếm họa mang nhãn quan chính trị sâu sắc, Mai Văn Hiến “họa sĩ biếm chiến khu”, Nguyễn Bích, tác giả lớn của biếm họa thời chống Pháp….; gần đây hơn là họa sĩ nổi tiếng mà người ta biết đến bút danh nhiều hơn tên thật như họa sĩ Chóe, họa sĩ Ớt, họa sĩ Nhím..., bên cạnh đó là những gương mặt “tuổi trẻ tài cao” ghi dấu ấn đặc biệt trong làng biếm họa Việt Nam hiện đại, đặc biệt là chân dung biếm như họa sĩ Còm.Khoái, LEO, LAP…

Nguồn: Nhã Nam -



http://hoasibiem.com/
10 họa sĩ biếm họa đáng nể của Việt Nam

0 comments:

Danh họa Tô Ngọc Vân và tranh biếm về những sự kiện "nóng"

Danh họa Tô Ngọc Vân và tranh biếm về những sự kiện "nóng"

Lý Trực Dũng
(TT&VH Online) - Họa sĩ Tô Ngọc Vân, sinh năm 1906 ở Hà Nội, là một nhân cách lớn. Người khi sinh thời được thầy của mình khen ngợi, đồng nghiệp đánh giá cao, học trò kính phục. Ông mất ngày 17/6/1954 khi mới 48 tuổi, trên đường ra mặt trận Điện Biên Phủ.

Một cái chết bi hùng theo nghĩa “xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Nhà nước đã tôn vinh ông bằng những phần thưởng cao quý nhất: Giải thưởng Hồ Chí Minh lần thứ nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất...

Với cương vị là thầy giáo dạy vẽ ở trường Bưởi, giáo sư của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Việt Bắc, ông đã có ảnh hưởng lớn đến một loạt họa sĩ có tên tuổi của Việt Nam...

Thiếu nữ bên hoa huệ (1943) [sưu tầm trên mạng (sttm)]


Những bức tranh sơn dầu về đề tài phụ nữ thị thành của ông trước 1945 mang dấu ấn Hậu ấn tượng cho đến nay vẫn làm mê hồn người xem mà tiêu biểu là bức Thiếu nữ bên hoa huệ. Cả ngàn tranh ký họa trong kháng chiến chống Pháp của ông là một tài sản vô cùng quý giá về nghệ thuật và lịch sử...

“Biên” hoạt động nghệ thuật của ông rất rộng: hội họa, đồ họa, minh họa, lý luận... và cả biếm họa cho hai tờ báo nổi tiếng của Tự lực Văn đoàn là Phong HóaNgày Nay. Rất nhiều tranh biếm họa của ông được đăng nguyên trên trang bìa hoặc đăng nguyên cả một trang khổ lớn của báo.

Đặc biệt mục Cuốn sổ tay của ông là một hình thức biếm họa nhiều kỳ nhưng không có một nhân vật cụ thể mà về những sự kiện “nóng” ở khắp mọi miền đất nước, từ hình sự, các vụ bê bối, bi hài... Với nét vẽ rất chắc, tay nghề cao, phần lời ngắn gọn, khá đắt, biếm họa của ông được nhiều người ưa thích...

Bức tranh ở Bắc Giang, ông con làm nghề thiến lợn thiến bố vì nghi bố tòm tem với vợ của mình!



Con làm nghề thiến lợn thiến bố vì nghi bố tòm tem với vợ mình

Ở Hải Dương, lý trưởng Thuận đập đầu ăn vạ vì không được ăn thêm phần xôi thịt...
Báo Ngày Nay số 183 - 14/10/1939, Trang 04.

Bạn đọc cứ háo hức mong chờ xem số báo tới có vụ gì xảy ra ở mục Cuốn sổ tay...

Tô Ngọc Vân cũng có chùm tranh độc đáo Tìm cảm hứng, diễn cảnh bi hài của nhà văn, nhà báo... đi tìm cảm hứng.

Văn sĩ: Trong 5 ngày liền, bà chết chồng và 4 người con. Chuyện bà hay lắm! Nhưng nếu ông và 4 con bà cùng chết một ngày, thì chuyện bà sẽ cảm động hơn!

Phóng viên bị xe chẹt gẫy chân, tiếc vì quên mất cảm giác lúc bị chẹt để làm bài...tường thuật!
Báo Ngày Nay số 194 - 30/12/1939 Trang 16.

Đề tài biếm họa của Tô Ngọc Vân phần lớn là những vấn đề thời sự, xã hội, những chuyện cơm áo gạo tiền sát sườn với cuộc sống thường nhật của người dân. Nhưng thỉnh thoảng ông cũng vẽ tranh biếm họa chính trị khá nặng ký mà tiêu biểu là bức tranh Kém gì nhau! có tựa đề: Bên Tây, Ý, Á xung đột; bên ta, Lục, An khai chiến (Lục và An là tên hai nhân vật kéo bè kéo cánh giành giật, đấu đá nhau để giành chức Nghị trưởng thời Pháp thuộc). Bức tranh thể hiện cảnh hai ông Nghị ở hai chiến tuyến được phân cách bằng dây thép gai đang sử dụng pháo và cối hùng hổ nã vào nhau!


Hai ông Nghị thời Pháp thuộc "khai chiến" trong nghị trường


Báo Ngày Nay số 156 - 04/10/1935 trang 1.



Có thể khẳng định, họa sĩ Tô Ngọc Vân với bút danh Tô Tử đã đóng góp một phần quan trọng vào lịch sử phát triển của biếm họa Việt Nam những năm 30 thế kỷ trước.


Lý Trực Dũng
Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ THỂ THAO & VĂN HÓA - TTXVN - Thứ Ba, 21/07/2009 16:14





0 comments: