Trường Mỹ thuật Kháng chiến qua một số trang nhật ký của Linh Chi

Trường Mỹ thuật Kháng chiến qua một số trang nhật ký của Linh Chi

Tư liệu của Ngô Mạnh Lân

25/10/1951:
Anh Vân (Tô Ngọc Vân-TCMT) đang vẽ bức tranh lụa “Bộ đội hành quân qua suối” và tranh cổ động tố cáo tội ác của giặc Pháp “Giặc giết”… bằng chì than. Anh để hết tâm trí làm bức tranh lụa này. Một bản hòa tấu màu xanh đang được phác lên: bộ đội hành quân qua suối trong rừng nứa. Tài liệu đầy đủ, cảm hứng súc tích, anh Vân vẽ tranh một cách ung dung, vừa vẽ vừa ngâm thơ se sẽ… (Kiều hay Chinh phụ ngâm?)…
1/11/1951:
Sương rơi nặng trong vườn chuối. Trời mù mịt lạnh cho tới 9 giờ sáng. Buổi trưa nắng to, tôi đi vẽ ký họa người gánh lúa trong cánh đồng rực vàng mùi cơm nếp mới. Những cô thợ gặt, lẳn người trong màu áo nâu cũ, giơ tay dọa: Không được vẽ em vào tranh đấy!
3/11/1951:
Vẫn tìm phác thảo. Anh Cẩn (Trần Văn Cẩn- TCMT) sang buồng vẽ lấy phấn màu của tôi phác lên những người gánh lúa, rất lực lưỡng, rất Việt Nam. Phấn màu trên giấy dó thôi mà đã hứa hẹn thành một tranh mộc bản tuyệt vời…
19/11/1951:
Mấy hôm nay nắng đã phai màu, trời không xanh nữa, mây giăng màu bạc xám của những ngày cuối thu trong lặng. Vừa vẽ vừa nhìn ra sân phơi thóc, nhìn dãy tường hoa rêu phủ, có bóng những cây cam đầy quả chín, ánh sáng long lanh trên vòm lá xanh đậm. Vẽ bà chủ nhà ngồi dệt chiếu sẹ. Mùi sẹ thơm như mùi gừng muối ô mai. […] Sĩ Tốt làm đạn, bắn được một con chim gáy, một cò hương bày ra vẽ tĩnh vật, chiều mới làm thịt. Buổi trưa tôi vẽ gò vầu, Sĩ Tốt lại bắn thêm một gõ kiến, một chim gâu nữa. Tối nay sẽ có món ăn tươi.

Linh Chi qua nét bút của Bùi Xuân Phái, Hà Nội, 1960.


Tháng 3/1952:
Đã về đến Thái Nguyên, trước khi xuống xã, anh em văn nghệ được nghe báo cáo qua về phong trào trong tỉnh, họp với cán bộ tuyên huấn tỉnh, các cụ đại biểu Liên Việt, đại biểu thanh niên, phụ nữ…
17/3/1952:
Buổi sáng nghĩ mẫu Huân chương Hồ Chí Minh. Anh Vân đi họp với các đồng chí Trung ương. Anh có vẽ Bác Hồ. Một số chân dung bằng chì than. Một bức có màu: Bác mặc áo blouson cổ lông, đang nói trên diễn đàn, tay chống trên mặt bàn phủ vải đỏ. Chúng tôi theo tài liệu ấy phác mẫu huân chương. […] Anh Vân vẽ bức tranh “Cày đồi” bằng thuốc nước và chì than. Tranh nhỏ nhưng anh vẽ rất cẩn thận để lúc nào có điều kiện sẽ thể hiện bằng sơn dầu lớn hơn. Anh cũng vẽ ký họa những cô nông dân cấy lúa bằng chì than. Vẽ xong về nhà, anh chọn những hình ưng ý nhất, găng to lên, lấy kéo cắt riêng ra ba cô thợ cấy. Anh xếp đặt mấy hình vẽ đó trên một tờ giấy, tìm bố cục cho bức tranh theo hình thức tranh lụa kakemomo Nhật Bản. Tôi đứng xem anh làm việc, học tập cái thận trọng, nghiêm túc trong sáng tác.
20/3/1952:
Máy bay Doongke của Pháp lượn quanh vùng, khu trục bắn ở xa. Khi 6 máy bay B26 lên thả bom thị xã, anh Vân ra hầm cá nhân ở sau nhà chúng tôi. Bỏ bom hai lượt rồi cả lũ B26 chúi bắn vào đám khói đen mù ở thị xã. Buổi chiều, trong xóm chúng tôi ở, cách thị xã chừng 50 mét có tin 2 người chết: bà Ký Yến 45 tuổi, cô Chính 17 tuổi, đi mua sắm về đến cầu Gia Bảy thì bị bom. Nhà bà Ký ở kế bên nhà tôi và anh Tỵ (Nguyễn Văn Tỵ- TCMT) ở. Tiếng cô Khang khóc mẹ làm chúng tôi tê tái trong lòng…
26/3/1952:
Đi công tác dưới xóm, chúng tôi ở nhà cụ Sỹ. Anh Vân đại diện anh em, vẽ biếu cụ chủ nhà một bức chân dung bằng chì than và sanguine. Buổi tối, uống nước hút thuốc, anh Vân nói về sáng tác… Lúc ấy đã hơn 10 giờ đêm. Anh Vân nói: Những buổi uống nước nói chuyện như thế này về là không ngủ được. Nếu có atelier như ngày xưa là về bật đèn lên vẽ. Trí (Nguyễn Gia Trí) nó thích làm như thế lắm. Đi chơi với anh em xong, hắn về làm việc đến 4,5 giờ sáng mới ngủ…
Tôi hỏi anh một câu định hỏi từ lâu: Bây giờ anh thấy phụ nữ trong kháng chiến, anh còn thích vẽ không?
- Có! Như cô giáo hôm nọ là có thể vẽ được. Cả mấy cô ở Yên Bình nữa…

Tôi lại hỏi: Trong các tranh sơn dầu anh đã vẽ, anh ưng ý bức nào nhất?
Anh Vân không lưỡng lự: Bức nu assis có cerné trait (bức khỏa thân ngồi có viền nét).
Vẽ phụ nữ thì có nhiều họa sĩ vẽ, riêng tranh của anh Vân có một sức hấp dẫn khác hẳn các họa sĩ khác. Tranh của anh đằm thắm một cách trí tuệ, hấp dẫn vì tranh đẹp chứ không phải vì người đẹp trong tranh. Anh Vân lại nói: Nếu sau này tôi có vẽ phụ nữ Hà Nội, tôi sẽ vẽ khác, không vẽ như xưa nữa…
Anh nhắc đến tranh của Derain, Vlaminck, Van Dongen… Nói đến tranh lụa Á Đông, anh Vân nhắc đến tranh cổ Trung Quốc, của mặc hội Nhật Bản. Tranh Á Đông thanh tao, tranh Âu châu vật chất. Nhắc đến tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, có một lần tôi nghe anh Cẩn nói bức nào của Phan Chánh cũng là một bố cục hoàn chỉnh, một bức hội họa, một peinture sur soie, chứ không phải một aquarelle sur soie. Anh Vân cũng thích tranh lụa của Phan Chánh…
Đi vẽ cảnh ở Lăng Quán, Tuyên Quang (Ngô Mạnh Lân và Thục Phi), 1952. Ký họa của Lê Lam.


14/4/1952:
Máy bay địch luôn luôn bay quanh thị xã. B26 bỏ bom xuống phía Phúc Thuận, Phúc Trìu. Đứng bên hầm cá nhân phía bờ tre, đang ôm cặp vẽ tôi ném xuống đất để vỗ tay: một máy bay Hen-cát của địch trúng đạn!
Buổi tối, đi chợ với anh Vân tìm mua mực bút máy Parker đen ở từng hàng xén trong thị xã Thái Nguyên. Của hiếm, rất cần để vẽ ký họa. Tìm được, mỗi người mua một lọ, sung sướng hơn trúng xổ số! Nhất là lại mua thêm được một thếp giấy chưa kẻ. Ban ngày, nhân dân chạy máy bay hàng chục lần, nhưng đến đêm chợ kháng chiến vẫn họp đều, đèn dầu hỏa như sao sa, người mua bán toàn cán bộ, bộ đội…
10 giờ rưỡi đêm, vào hàng cà-phê Vỹ uống mỗi người một tách rồi mới thắp đèn bão quay về xóm. Theo lối chân núi Kô-kê, qua những mảnh ruộng ngô, ruộng lúa, về ngôi nhà tranh của bà chủ nhà, một nông dân nghèo. Bỗng có con chồn màu lông nhạt, thấy ánh đèn đứng lại mắt xanh như ngọc bích. Một mùi thơm như hương phấn thoảng qua. Tôi chưa đi ngủ vội, theo anh Vân cùng các bạn nói chuyện tới 12 giờ đêm mới về đi ngủ. Một buổi tối đầy bổ ích, đó là câu chuyện về tình cảm trong tranh, tranh là người… Riêng trong hội họa, kỹ thuật thể hiện cũng là cá tính.
28/4/1952:
Anh Vân nói chuyện ngày hàn vi. Bao nhiêu vui buồn, đau khổ, bao nhiêu hy vọng, nghị lực để đi tới thành công sau này… Nhắc đến một phụ bản báo Xuân của anh vẽ, anh Vân kể lại: Năm ấy, một tờ báo tuần nhờ anh vẽ phụ bản, anh vẽ ba thiếu nữ trên nền đỏ. Lúc đưa nhà in Taupin, thằng Tây làm bản kẽm đã tự tiện chữa cho một cô ngực nở hơn. Anh Vân bắt chữa lại cho đúng nguyên bản. Thằng Tây không nghe, cho như thế đẹp hơn. Anh Vân to tiếng mắng cho nó một trận, rồi không chịu ký bông “đồng ý in”. Năm ấy, báo thiếu phụ bản, và họa sĩ hụt món tiền nhuận bút tiêu Tết!…
Các thầy Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Khang ở Yên Phú, Yên Bái, 1950. Ký họa của Lê Lam.


17/8/1953:
12 giờ trưa, đi xuống xã với anh Vân… Lúc đèo ba-lô đi trên đường son đỏ đầy nắng của đồi chè Phú Thọ gần Thanh Cù, anh Vân bảo tôi: Anh Linh Chi ạ, chúng ta có cái nghề thật tốt đẹp! Anh có thấy cái bóng tôi và anh in trên đường hoàn toàn không phải là màu đen mà là một màu tím rất đẹp, rất rực rỡ bên cạnh màu hoa hiên đỏ chói lòa của ánh nắng không?
Tôi hỏi anh: Anh có ghét lối vẽ Beaux-Arts không?
Tôi tưởng anh sẽ khó trả lời, vì bản thân anh xuất thân ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cũ, mà gọi tắt là Beaux-Arts. Anh trả lời dứt khoát: Tôi rất ghét. Chỉ có ART (nghệ thuật) thôi, làm gì có Beaux-Arts!…
20/10/1953:
Hai tháng công tác căng thẳng đã qua. Xã Ninh Dân đã đấu xong thằng địa chủ Hiện. Anh Vân mang ra những tranh phục vụ kịp thời, sáng tác trong đợt công tác vừa qua, sang xã tôi triển lãm, đúng lúc bên này vừa mở hội mừng thắng lợi. Anh nói về tranh phục vụ rất rõ ràng: Chính ra chúng mình không khổ gì đâu, không hy sinh gì lắm đâu. Nhân dân lao động đang còn khổ nhiều. Chúng mình chỉ hy sinh cái thích làm tranh cho hả riêng mình để làm những tranh bây giờ nhân dân đang cần. Vả lại, làm những tranh phục vụ kịp thời mình cũng thấy thích kia mà!
24/6/1954 (xã Ninh Dân, Phú Thọ):
Chiều qua, tin dữ, anh Vân hy sinh ở Yên Bái (17-6-54) đến với chúng tôi! Rã rời, đau buồn, cay đắng. Anh Vân mất rồi? Vô lý! Vô lý!… Buổi chiều, Dư Tá, Ngô Minh Cầu, Trần Đông Lương và tôi đi than vãn với nhau… Anh Vân mất đi, mang theo cả bao hy vọng, tin tưởng của bọn trẻ. Anh là người đứng đầu ngành họa, là người anh cả của họa sĩ đương thời, tha thiết đào tạo, hướng dẫn, bênh vực… tất cả anh em. Riêng tôi, tôi thấy mất một người thầy uyên bác, cũng là người bạn tâm giao đầy tình cảm… Tất cả chúng tôi đều đau buồn, bực dọc… Đi nằm sớm. Không ngủ được cho tới rạng đông…
[Trích “Sống bên họa sĩ Tô Ngọc Vân”,
Nhật ký Kháng chiến của Linh Chi (Nguyễn Tài Lương).
Tư liệu của Ngô Mạnh Lân]



Nguồn: TẠP CHÍ MỸ THUẬT - 26 THÁNG SÁU, 2020.