Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2018

Họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ tranh về Hồ Chủ tịch

Họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ tranh về Hồ Chủ tịch

PHƯỚC VĨNH

Cách đây tròn 70 năm, năm 1946, họa sĩ Tô Ngọc Vân cùng họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung và nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim được Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam cử vào Bắc Bộ phủ xin vẽ Hồ Chủ tịch.

Bức tranh sơn dầu “Bác Hồ làm việc ở Bắc Bộ phủ” nổi tiếng của họa sĩ Tô Ngọc Vân


Người đồng ý, các họa sĩ vừa mừng vừa lo, bởi họ nghĩ công tác cách mạng đang tiến triển nhanh, Hồ Chủ tịch lúc bấy giờ bận rất nhiều việc quan trọng, mà không phải ai cũng vẽ nhanh được. Đặc biệt họa sĩ Tô Ngọc Vân càng lo hơn, vì ông vốn vẽ rất chậm, khi vẽ bất kỳ cái gì, họa sĩ đều bỏ nhiều thời gian quan sát.

Tuy nhiên, Hồ Chủ tịch đã khiến cho các họa sĩ bớt lo âu ngay từ những buổi gặp gỡ ban đầu. Người ân cần dặn dò: “Các chú cứ ở trong này mà vẽ cho tiện. Bác cứ làm việc Bác, các chú cứ làm việc của các chú, ai làm việc nấy, các chú có bằng lòng như thế không?” Họa sĩ Tô Ngọc Vân thưa: “Xin Bác cho chúng cháu được qua lại tự do trong phòng và mở cửa sổ bên này, bên kia để ánh nắng ở ngoài chiếu vào”. Hồ Chủ tịch cười vui: “Được chứ, việc gì thấy cần thì các chú cứ làm”.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân hứng khởi bắt tay ngay vào việc, dồn hết tâm lực nghiên cứu từng cử chỉ, từng nét mặt của Hồ Chủ tịch. Họa sĩ xúc động khi nhận thấy Người thường hiện lên nét hiền từ, song cũng nhiều khi trông rất trang nghiêm. Với họa sĩ Tô Ngọc Vân, việc phối hợp cả hai yếu tố hiền từ của vị Cha già dân tộc và sự trang nghiêm của Chủ tịch Nước là điều không hề dễ dàng. Cũng trong thời gian ấy, Người tiếp nhiều nhà nhiếp ảnh, các nhà báo chuyên vẽ ký họa, và họ làm việc rất nhanh, điều đó khiến họa sĩ Tô Ngọc Vân khá bối rối vì cung cách làm việc rề rà của mình, sợ làm phiền Hồ Chủ tịch. Một chiều nọ, nhân thấy Người dừng viết sang chiếc bàn nhỏ uống trà, họa sĩ mạnh dạn lại gần thưa: “Thưa Bác, cháu không thể làm việc nhanh như mấy ông nhà báo, cháu xin Bác không phải ba ngày mà ba tuần liền được gần Bác mới mong vẽ được”. Hồ Chủ tịch rót nước mời họa sĩ rồi ân cần nói: “Chú cứ yên tâm, ba tháng cũng thấy là phải, chứ nói gì ba tuần”.

Họa sĩ Tô Ngọc Thành, con trai họa sĩ Tô Ngọc Vân kể:
“Thật là một câu nói ngắn gọn, sâu xa. Cha tôi rất cảm phục lời nói, đúng ra là lời dạy quý hóa của Bác. Bác là một nhà lãnh tụ cách mạng nhưng lại rất hiểu nghệ thuật. Nghệ thuật muốn tốt thì phải có thời gian. Một cuộc đời như Bác đã chịu bao tháng năm tù ngục, bôn ba bao nhiêu nước, xa quê hương trên 30 năm nhưng lòng Bác lại khăng khít gắn liền với Tổ quốc. Một tâm hồn phong phú như thế, quật cường như thế thì biết vẽ thế nào trong ba tuần được. Nghĩ lại, cha tôi cảm thấy dẫu được ba năm cũng không vẽ nổi. Cha tôi nghĩ như thế vì có phải vẽ hình ảnh bên ngoài đâu mà phải thể hiện qua bức tranh một cuộc sống vĩ đại của lãnh tụ mình, của dân tộc mình. Đêm đó cha tôi nghĩ lan man như vậy. Cha tôi không tài nào ngủ được.”

Không lâu sau đó, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã hoàn thành bức tranh sơn dầu “Bác Hồ làm việc ở Bắc Bộ phủ” nổi tiếng. Trong bức tranh này, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã thể hiện sinh động chân dung Hồ Chủ tịch, thể hiện sự hòa hợp giữa thể hình nhân vật và thời gian lẫn không gian lịch sử. Lúc ấy Người vừa từ núi rừng Pắc Pó trở về, còn mang đầy dấu ấn của nhiều năm tháng bôn ba gian khổ hoạt động cách mạng. Dáng Người gầy trong bộ kaki giản dị, đi đôi giày dân tộc Nùng gọn gàng, gương mặt trầm tư âu lo vận nước. Những nét vẽ sử dụng bút pháp khỏe, sinh động, đã truyền cảm mạnh mẽ đến người xem. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung dịp đó cũng đã dùng thể loại khắc gỗ để sáng tác bức tranh nổi tiếng “Bác Hồ năm 1946”, thể hiện hình ảnh Hồ Chủ tịch với nét mặt nhìn nghiêng, một phác hình lãnh tụ rất đẹp, khái quát sâu.

Tháng 3 năm 1952, họa sĩ Tô Ngọc Vân lại được vẽ Hồ Chủ tịch. Lần này họa sĩ đã vẽ bức tranh khổ lớn, thể hiện hình ảnh Bác Hồ đang mặc áo bông, tay để xuống chiếc bàn màu đỏ, đang nói chuyện trước hội nghị. Năm ấy, họa sĩ Tô Ngọc Vân nhận được thư khen do chính tay Hồ Chủ tịch đánh máy và ký tên Hồ Chí Minh. Bức tranh sau đó được treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, còn lá thư khen hiện được lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Có một câu chuyện cảm động giữa tình cảm họa sĩ Tô Ngọc Vân với Hồ Chủ tịch. Họa sĩ Tô Ngọc Thành kể:
“Năm 1954, vào mùa xuân, cha tôi đi công tác về. Chúng tôi thấy cha tôi mặc chiếc áo màu chàm. Cha cho chúng tôi hay chiếc áo này là của Bác Hồ tặng. Hôm ấy cha tôi bị ho. Bác đã cởi áo tặng và còn dặn: “Chú cố gắng giữ gìn sức khỏe để còn phục vụ nhân dân chứ”... Chiếc áo của Bác, cha tôi đã mặc trên đường đi vẽ ở chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiếc ba lô và cặp vẽ gửi trả lại gia đình, khi cha tôi hy sinh sau trận ném bom oanh tạc của địch ở bên kia đèo Lũng Lô, vẫn còn chiếc áo của Bác...”.

P.V
(SHSDB22/09-2016)


0 comments:

Danh họa Tô Ngọc Vân - Từ những nẻo đường chiến dịch

Danh họa Tô Ngọc Vân - Từ những nẻo đường chiến dịch

Theo VOV

Trên đường trở về căn cứ Việt Bắc 40 ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã hy sinh trong lúc vừa vẽ xong bức tranh cuối cùng đề ngày 17/6/1954, tại đèo Lũng Lô. Bức họa Qua đèo Lũng Lô đã khép lại sự nghiệp hội họa đang đà phát triển, trong sự tiếc nuối của bao người mến mộ tài năng Tô Ngọc Vân.

Tô Ngọc Vân quê làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hải Dương. Ông sinh ngày 15/12/1906 tại phố Hàng Quạt, Hà Nội. Với lịch sử mỹ thuật Việt Nam, Tô Ngọc Vân là người có công đầu khai sáng.

Từ trước cách mạng tháng Tám, Tô Ngọc Vân đã thành danh với những giải thưởng: Huy chương vàng tại triển lãm thuộc địa Paris cho bức sơn dầu Bức thư năm 1931; Bằng danh dự phòng triển lãm họa sĩ Pháp năm 1932, năm 1933 được bầu làm hội viên Hội Họa sĩ Pháp và từ năm 1939, trở thành giảng viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Cách mạng tháng Tám đã mở ra một cơ hội lớn để ông có thể thâm nhập sâu vào căn cốt dân tộc với vẻ đẹp giản dị, ẩn chứa sức mạnh lay động toàn cầu. Chứng kiến các biến cố trọng đại của dân tộc, thời gian này, Tô Ngọc Vân đem toàn bộ tâm huyết phục vụ cách mạng, phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp của cả dân tộc qua những tác phẩm thấm đẫm nhiệt tình chung của thời đại. Những bức tranh cổ động: Phá xiềng; Việt Nam được giải phóng; Hà Nội vùng đứng lên… hòa nhập một cách hữu cơ với không khí thời đại, tiêu biểu cho sự chuyển biến lớn lao trong tư tưởng của thế hệ họa sĩ lúc đó. Tô Ngọc Vân đã từng tâm sự:
“Cuộc kháng chiến đã làm xiêu đổ những giá trị tư tưởng cũ, chúng tôi muốn đoạn tuyệt với cái dĩ vãng nghệ thuật mà giờ nghĩ tới sự chuyển biến đó, chúng tôi cảm thấy khó khăn, nặng nề như chuyển một trái núi…”.
Thực tiễn đời sống kháng chiến với những sinh hoạt bình dân, những vẻ đẹp bình dị của các bà bủ, bà bầm, những cô dân quân, anh bộ đội… đã phá tung cánh cửa khuê các, đặt các nhân vật của Tô Ngọc Vân vào hoàn cảnh khác, mang tâm tình và suy nghĩ theo lối khác. Nổi danh là họa sĩ chuyên vẽ phụ nữ đẹp theo quan niệm tiểu tư sản (Thiếu nữ bên hoa huệ; Hai chị em gái…), nhưng hầu như ngay lập tức, xuất hiện trên giá vẽ của Tô Ngọc Vân những hình ảnh, những khuôn mặt phụ nữ Việt Nam dọc đường kháng chiến, với quan niệm về cái đẹp thay đổi theo nhân sinh quan thời đại.

Cuộc sống trong những ngày toàn quốc kháng chiến đã thắp sáng vẻ đẹp mộc mạc, đằm thắm nghĩa tình, trong ước muốn cống hiến vô tư cho Tổ Quốc, lý tưởng. Tô Ngọc Vân hăng hái tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, mở rộng thế giới quan để đạt tới sự hoàn thiện, thống nhất giữa hình thức và nội dung. Tô Ngọc Vân đấu tranh với chính mình cho những phương thức biểu hiện mới của nghệ thuật phù hợp hơn với nhiệm vụ mới. Ông vẽ Trung đoàn Thủ đô; vẽ phong trào sản xuất, tiết kiệm; vẽ ký họa nông thôn… Những bức tranh và ký họa thời kỳ này đã đưa Tô Ngọc Vân tới vị trí trung tâm của mỹ thuật kháng chiến (Bác Hồ làm việc ở Bắc bộ phủ; Bộ đội dừng chân trên đồi; Chị cốt cán; Đốt đuốc đi học…). Kiên quyết đứng trên lập trường của một nền nghệ thuật thấm nhuần tư tưởng cách mạng, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống, gần gũi với nhân dân, mong muốn vươn tới hình thức hiện thực, là những yếu tố quyết định để tạo nên phong cách nghệ thuật của Tô Ngọc Vân trong 9 năm kháng chiến. Đúng như ông bộc bạch sau thành công của bức ký họa Chị cốt cán:
“Đây là bức tranh phụ nữ đẹp nhất của tôi từ trước đến nay”.

Vị trí trung tâm của Tô Ngọc Vân trong thời gian đó được khẳng định, không chỉ bởi tài năng bậc thầy về hình thức thể hiện, mà còn bởi chính nội dung có tính phổ biến, đề cập tới thực chất những vấn đề chủ yếu của thời đại. Bên cạnh đó, tính chất mực thước, ổn định trong phong cách có được từ những năm là giảng viên trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương đã ký thác vai trò chuyển giao thời đại vào Tô Ngọc Vân. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, ông được Bộ Quốc gia giáo dục nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cử làm Giám đốc trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, năm 1950 làm hiệu trưởng trường Mỹ thuật Việt Nam. Tấm gương hy sinh anh dũng của họa sĩ - liệt sĩ Tô Ngọc Vân đã trở thành niềm khích lệ lớn lao đối với thế hệ họa sĩ sau khi hòa bình lập lại tại miền Bắc. Khóa học đầu tiên được trân trọng gọi: “Khóa Tô Ngọc Vân”./.

Theo VOV

0 comments:

Tô Ngọc Vân - một nghệ sỹ lớn - Phương Hà

Tô Ngọc Vân - một nghệ sỹ lớn

Phương Hà

Một nghệ sĩ bậc thầy, uyên bác về học thuật, một nhà phê bình mỹ thuật, một nhà giáo và là một trong những nhân vật có sáng tạo tiên phong cho nền hội họa Việt Nam… là những đánh giá của các nhà nghiên cứu, các họa sỹ về họa sĩ Tô Ngọc Vân.

Danh họa tài hoa


Họa sĩ Tô Ngọc Vân được xếp trong “bộ tứ hội họa” nổi tiếng của Việt Nam: “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn”, gồm Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân và Trần Văn Cẩn - những danh họa không chỉ có thành tựu lớn trong sáng tạo nghệ thuật, mà còn là những nhân vật có sáng tạo tiên phong của nền hội họa Việt Nam.


Họa sĩ Tô Ngọc Vân.




Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, họa sĩ Tô Ngọc Vân theo học và tốt nghiệp khóa II, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, năm 1931. Ngay từ khi còn là sinh viên (năm 1930), ông đã có 3 tác phẩm sơn dầu “Ánh mặt trời”, “Bụi chuối ngoài nắng” và “Trời dịu”, trưng bày tại triển lãm mỹ thuật đầu tiên ở Sài Gòn, cùng với các tác phẩm của sinh viên khóa I đã ra trường. Đến năm 1931, 1932, ông đã gửi tranh tham gia triển lãm mỹ thuật tại Paris, được tặng Huy chương Vàng và Bằng danh dự. Năm 1932, ông được bầu là hội viên Hội Họa sĩ Pháp.
Tháng 5/1935, ông tham gia và làm Tổng thư ký Hội An Nam khuyến khích nghệ thuật và kỹ nghệ (SADEAI) (họa sĩ Vitor Tacdieu làm Hội trưởng). Ông đã từng vào Huế, vẽ cảnh sông Hương núi Ngự, và được Hoàng đế Bảo Đại đặt vẽ 3 bức tranh lớn (khổ 4,7x3,1m) treo ở điện Kiến Trung. Trong thời gian này, ông đã sáng tác nhiều bức tranh sơn dầu như “Thuyền sông Hương”, “Bên bờ ao”, “Lăng Tự Đức”, “Mặt ao dưới ánh sáng”, và nổi tiếng nhất là bức “Les de’ senchantees”, có người dịch là bức tranh “Quá chiều nên đã…”.

Năm 1939-1945, ông làm giáo sư hội họa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Vừa giảng dạy, ông vừa sáng tác nhiều bức tranh sơn dầu nổi tiếng, như “Thiếu nữ bên hoa huệ” -1943, “Buổi trưa” -1943, “Thiếu nữ bên hoa sen” -1944, “Thiếu nữ nằm bên hoa sen”, “Thiếu nữ ngồi”, “Thiếu nữ tựa kỷ”… cùng các bức tranh thiếu nữ khác bằng chất liệu bút sắt, bút chì, mực nho, màu nước, các bức vẽ về Xứ Đoài, Mông Phụ, Ba Vì, Hà Tây…

Tô Ngọc Vân còn là một họa sỹ biếm họa nổi tiếng, trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, với nhiều bức tranh biếm họa, làm bìa cho báo Ngày nay như: “Ngày xưa”, “Gánh củi ở bờ sông Hồng” -1940, “Ý nghĩa của sự tự tử”, “Nhà bảo trợ súc vật”, “Tòa sen dân quê” -1941, “Hội đồng thành phố”, “Một kiểu xe hoa” -1942… Ông cũng là một trong số ít họa sĩ Việt Nam, sớm vẽ tem ngay từ thời Pháp thuộc. Con tem Angkor của ông là một trong những con tem đầu tiên được phát hành ở Việt Nam.

Khi Cách mạng tháng Tám thành công, họa sĩ Tô Ngọc Vân được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao trách nhiệm lập lại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (khai giảng ngày 15/11/1945) tại phố Lò Đúc, Hà Nội. Theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/12/1946, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã cùng nhiều văn nghệ sĩ lên Chiến khu Việt Bắc. Thời kỳ này, ông đã sáng tác nhiều bức tranh sơn mài; loạt tranh ký họa về Tây Bắc bằng màu nước, chì; loạt ký họa về nông dân trong cải cách ruộng đất năm 1953 bằng màu nước; loạt ký họa về bộ đội bằng chất liệu chì, màu nước và sơn dầu…


Nhà nghiên cứu mỹ thuật, người thầy đáng kính


Nói về danh họa Tô Ngọc Vân, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định, ông là người tài hoa, trung thực, thẳng thắn, giản dị và dễ mến, có niềm đam mê sáng tạo và khám phá, vươn tới cái đẹp đích thực của hội họa. Cả cuộc đời của ông đã dành cho hội họa, và hội họa của ông đã đưa ông trở thành danh họa của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, với những tác phẩm sơn dầu, lụa, sơn mài… Ông cũng là một trong những họa sĩ đầu tiên tiếp thu nghệ thuật phương Tây một cách sáng tạo, có kế thừa truyền thống dân tộc, để lại nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

Không chỉ là một họa sĩ tài hoa, một nghệ sĩ bậc thầy, Tô Ngọc Vân còn là một nhà phê bình mỹ thuật uyên bác. Ông cùng với họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung là những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành Lý luận Phê bình Mỹ thuật ở Việt Nam. Cùng với những sáng tác, ông cũng viết nhiều bài báo về mỹ thuật có giá trị đăng trên báo Ngày Nay, Thanh Nghị, Trung Bắc Chủ nhật nhằm phổ cập, quảng bá, hướng dẫn và phê bình về mỹ thuật.

Với những đóng góp lớn lao cho nền mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; được Bác Hồ gửi thư khen và tặng áo. Năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I), cho các tác phẩm “Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ Phủ” - sơn dầu; “Hồ Chí Minh làm việc” - khắc gỗ; “Bộ đội nghỉ chân trên đồi” - sơn mài; “Xưởng quân giới” - sơn dầu; “Bộ tranh ký họa về nông dân cải cách ruộng đất”; “Bừa trên đồi” - bột màu; “Bộ tranh ký họa về bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ”. Năm 2013 tác phẩm “Hai thiếu nữ và em bé” của ông được xếp hạng Bảo vật quốc gia.

Một số bài mà Tô Ngọc Vân đã viết như “Cái đẹp trong hội họa” -1936, “Nguyễn Gia Trí và sơn ta” -1939, “Phòng triển lãm 1940”, “Phê bình nghệ thuật vẽ sơn của họa sỹ Nhật”- 1941,“Cái đẹp trong tranh” -1942, “Những bức vẽ bằng sơn ta của Nguyễn Gia Trí” -1944… Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã viết “Vẫn tranh tuyên truyền và hội họa”, “Sơn mài”, “Bây giờ mới có hội họa Việt Nam”, “Học hay không học phòng triển lãm 1951”…

Họa sĩ Tô Ngọc Vân còn là một nhà giáo mỹ thuật xuất sắc. Ông tham gia giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, góp phần đào tạo nhiều họa sĩ tài danh thuộc thế hệ đầu của nền mỹ thuật Việt Nam. Nhiều họa sĩ đã từng là học trò của ông ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Diệp Minh Châu, Phan Kế An… cũng trở thành những danh họa nổi tiếng của Việt Nam.

Giới hội họa Việt Nam vẫn biết, họa sĩ Tô Ngọc Vân là một trong những người đầu tiên, cổ súy cho hội họa sơn mài. Vào những lúc khó khăn, khi sơn mài bị ngăn trở, ông là người luôn đứng ra bảo vệ mạnh mẽ nhất cho “quyền sống” của sơn mài, bởi theo ông “đất sơn mài là rộng lớn vô cùng”. Và ông kỳ vọng vào sơn mài, coi sơn mài là chân trời rạng rỡ của nghệ thuật Việt Nam.

Theo nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo, các tác phẩm sơn dầu của họa sĩ Tô Ngọc Vân như “Thiếu nữ bên hoa huệ”, “Hai thiếu nữ và em bé”, “Buổi trưa”, “Thiếu nữ và hoa sen”… đã đi vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Tranh sơn dầu của Tô Ngọc Vân và các họa sĩ cùng thế hệ, sớm định hình một phong cách sơn dầu đậm bản sắc dân tộc và thời đại. Biết tiếp thu tinh hoa khoa học sơn dầu châu Âu, vẽ theo quan niệm tạo hình truyền thống phương Đông Việt Nam…

Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Tô Ngọc Vân đã lên đường ra mặt trận. Ngày 17/6/1954, ông đã hy sinh tại đèo Lũng Lô. Chiếc cặp vẽ mà ông đem theo mình đi chiến dịch có nhiều ký họa dọc đường, trong đó có bức ký họa chì “Đèo Lũng Lô”, được vẽ ngày 15/6/1954, có thể là bức tranh cuối cùng trong cuộc đời ông, một người họa sĩ tài ba, một nghệ sĩ lớn của Việt Nam.

Phương Hà



Báo Tin tức - TTXVN - Thứ Năm, 22/12/2016 15:40


0 comments: