Hội họa Việt Nam thế kỷ 20 – Bài 2: Bộ Tứ Trí – Vân – Lân – Cẩn

Hội họa Việt Nam thế kỷ 20 – Bài 2: Bộ Tứ Trí – Vân – Lân – Cẩn

Diệp Minh Tâm

Ghi chú – Notice


Vì một số lý do, người tổng hợp cáo lỗi không thể xin phép tác giả các tư liệu và hình ảnh được sử dụng trong loạt bài này. Nếu bạn đọc xem qua loạt bài của tôi rồi cảm nhận sâu sắc về nền mỹ thuật của Việt Nam, thì cái tội sử dụng chất liệu mà không xin phép của người tổng hợp hẳn sẽ được dung thứ.


Due to various reasons, the compiler could not seek authors’ permission for the use of their materials and photographs in this treatise. If after going through this text, the readers have a deep sense toward Vietnamese arts, then I hope my plagiarism would be pardoned.


Ghi chú về tựa đề tranh: các họa sĩ thời kỳ đầu của nền mỹ thuật Việt Nam được đào tạo trong môi trường dùng tiếng Pháp nên lẽ tự nhiên là tựa đề nhiều tranh của họ bằng tiếng Pháp, và đáng lẽ chúng ta nên dùng tựa đề gốc. Nhưng đến tay các nhà buôn bán tranh trong môi trường dùng tiếng Anh (như ở Hongkong và Singapore) thì tranh lại có tựa đề tiếng Anh và nhiều khi không có tựa đề bằng ngôn ngữ gốc. Để độc giả dễ theo dõi, bài này dùng tựa đề dịch ra tiếng Việt (tuy rằng nguồn khác có thể dịch cách khác) và ghi thêm tựa đề tiếng Anh, nếu có. Trong trường hợp này, cần hiểu rằng tựa đề tiếng Anh không hẳn là tựa đề gốc.


Một số tác phẩm mỹ thuật bằng gỗ, đồng và gốm sứ được giới thiệu trong


  1. - loạt bài bắt đầu từ Bảo vật Quốc gia Việt Nam về văn hóa – Trước thế kỷ 7.
    https://tamdiepblog.wordpress.com/2021/07/07/bao-vat-quoc-gia-viet-nam-ve-van-hoa-truoc-cong-nguyen-den-the-ky-6/
  2. - loạt bài bắt đầu từ Hiện vật quý Việt Nam về văn hóa – Thế kỷ 1-10.
    https://tamdiepblog.wordpress.com/2021/08/11/hien-vat-quy-viet-nam-ve-van-hoa-the-ky-1-10/


Mở đầu


Người tổng hợp bài này không giỏi về thưởng lãm mỹ thuật và cũng không làm công việc sáng tác mỹ thuật ngoại trừ vài bức vẽ thời trung học được thầy dạy hội họa khen, lại càng không sưu tập tranh. Người tổng hợp chỉ có cảm nhận khi nhìn đến một số tác phẩm mỹ thuật, và cảm nhận là động lực trong việc giới thiệu các tác phẩm trong bài viết này. Tuy vậy, tiêu chí cảm nhận không phải là tất cả. Có một số tác phẩm tôi chưa thấy hay ở điểm nào nhưng vẫn đưa vào đây do sự đánh giá tích cực của chuyên gia, hoặc do giá bán mà tự nó cũng là thước đo cho sự đánh giá. Như thế, bạn có cơ hội tham khảo các tác phẩm được đánh giá cao và, như tôi, có thể nâng tầm thưởng lãm.

Ngoài tiêu chí cảm nhận và sự đánh giá, việc chọn lựa tác phẩm để trình bày ở đây tùy thuộc vào việc tìm được thông tin và ảnh tranh có chất lượng dù tương đối. Có nghĩa là còn có tác phẩm khác có giá trị không kém nhưng người tổng hợp loạt bài này chưa được biết đến, hoặc chưa tìm được hình ảnh thích hợp.


Nền hội họa Việt Nam có ba Bộ Tứ đặc sắc:


  1. - Bộ Tứ trời Âu “Phổ – Thứ – Lựu – Đàm”, gồm Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, và Vũ Cao Đàm.

  2. - “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn”, gồm Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân và Trần Văn Cẩn.

  3. - “Nhất Sáng, nhì Liên, tam Nghiêm, tứ Phái”, gồm Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, và Bùi Xuân Phái.

Nhóm Bộ Tứ trời Âu được sống trong môi trường nghệ thuật phóng khoảng và có hoàn cảnh kinh tế sung túc trong thế kỷ 20, lại ít chịu biến động chính trị và chiến tranh (trừ giai đoạn ngắn trong Thế chiến 1939-1945). Do vậy mà Bộ Tứ này có đủ điều kiện thuận lợi sáng tác theo cảm hứng của họ, để lại di sản đáng kể về giá trị mỹ thuật và số lượng. Thị trường tranh của họ ở Paris, Hongkong và Singapore do đó sôi động hẳn so với tranh của hai Bộ Tứ kia.


Ngược lại, từ năm 1945 họa sĩ trong nước ở cả hai miền Bắc và Nam bị ảnh hưởng rất tai hại từ chiến tranh, biến động chính trị, giáo điều và quan niệm cổ hủ, lại thêm điều kiện kinh tế thiếu thốn, khiến cho số lượng tranh sáng tác theo cảm hứng thật sự ít hẳn đi. Trong một thời gian dài, nhiều nỗ lực chuyển qua tranh cổ động tuyên truyền, không có gallery và thị trường tranh, thiếu thốn vật liệu để sáng tác (như vật liệu làm sơn mài). Trong những hoàn cảnh như thế và khi phải chạy vạy cơm áo hàng ngày thì cảm hứng bị cùn nhụt, và nếu có cảm hứng thì việc vẽ tranh là điều xa xỉ!


Điều này giải thích tại sao bài viết về Bộ Tứ trời Âu có số tranh vượt trội so với bài viết về hai Bộ Tứ kia: “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn” và “Nhất Sáng, nhì Liên, tam Nghiêm, tứ Phái”.


Bài viết này giới thiệu một số tác phẩm của Bộ Tứ: “nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn”, gồm Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân và Trần Văn Cẩn. Cả bốn danh họa đều có những thành tựu trong sáng tạo nghệ thuật và có những đóng góp to lớn cho nền hội họa Việt Nam.



Thông tin cơ sở


Tranh giả, tranh chép



Nhiều năm qua, hiện tượng tranh giả, tranh chép được rao bán công khai trên các trang mạng xã hội,  cho đến các gallery.  Có lẽ số tiền kiếm được lợi nhuận khủng này càng thúc đẩy vấn nạn tranh chép, tranh giả, gây hoanh mang cho người tiêu dùng. Nhiều họa sĩ đã bức xúc lên tiếng nhưng hiện tượng này từ nhiều năm nay vẫn không có dấu hiệu dừng lại mà ngày một gia tăng. Không chỉ có chép tranh của những cây cao bóng cả, những tên tuổi đã đóng đinh trong làng hội họa Việt Nam Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên… mà ngay cả những họa sĩ đương đại cũng bị chép tranh liên tục như Đỗ Quang Em, Bùi Hữu Hùng, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong… tranh giả đầy rẫy mọi nơi. Nhiều họa sĩ khác không quá tên tuổi vẫn bị chép tranh miễn là bức tranh đấy bắt mắt và phù hợp với mục đích tiêu dùng. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, trên thế giới cũng có xâm hại bản quyền, song tỉ lệ chỉ 5%, trong khi Việt Nam thì quá trầm trọng, chiếm tới 50%.  (Trần Mỹ Hiền, 2020)


Kỳ lạ thay, nạn tranh giả, tranh chép không chỉ đơn thuần bày bán ở các gallery hay tìm con đường xuất ra nước ngoài mà còn trên các sản phẩm như tranh tường, áo dài… Sao chép tranh tự do ở rất nhiều cửa hàng trong các thành phố, chủ yếu là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đối tượng là tác phẩm tất cả các danh họa trong và ngoài nước có thể và bán với giá rất rẻ, chừng vài trăm nghìn một bức. Trong vấn nạn đáng lên án này, người ta đã phát hiện nhiều bức tranh của họa sĩ nổi tiếng Dương Bích Liên đã bị làm giả và chép tranh trên mọi chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa… Còn tranh giả của Phố Phái thì khỏi phải nói rồi. Tranh giả từ tinh xảo đến đại ẩu, xuất hiện từ các nhà sưu tập tranh cổ đến tranh vỉa hè bán cho khách du lịch… Mùa hè năm ngoái, tác phẩm hội họa của họa sĩ Bùi Trọng Dư lại xuất hiện trên tà áo dài của các cô người mẫu xinh xắn. Sự việc ồn ào một thời gian rồi chìm vào quên lãng.


Các nhà đấu giá nổi tiếng như Sotheby’s và Christie’s thường đăng tải công khai tác phẩm của các danh họa người Việt là Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Trần Văn Cẩn trên trang web của họ, để các nhà sưu tầm và người yêu tranh tham khảo trước khi đưa lên sàn. Thế nhưng, với con mắt của những người làm việc trong nghề, giới họa sĩ Việt tố cáo các nhà đấu giá từng đưa tranh giả, tranh chép của các họa sĩ Đông Dương ra thị trường mỹ thuật quốc tế.


Một lần, Sotheby’s mốn đưa lên sàn 4 tác phẩm của 4 họa sĩ nổi tiếng Việt Nam là tranh lụa Hai cô gái của Trần Văn Cẩn, tranh sơn mài Dân quê Việt của Nguyễn Sáng, tranh sơn mài Phong cảnh của Nguyễn Gia Trí và tranh lụa Lá thư của Tô Ngọc Vân.


Ở cả 4 tác phẩm này, giới họa sĩ và nghiên cứu mỹ thuật đều cho rằng, với những nét vẽ thiếu chuyên nghiệp và ngây ngô, đây không phải là các tác phẩm bản gốc. Trong đó, bức Hai cô gái của Trần Văn Cẩn và Lá thư của Tô Ngọc Vân được cho là tranh chép. Còn bức Dân quê Việt của Nguyễn Sáng và Phong cảnh của Nguyễn Gia Trí được cho là tranh giả, nhái phong cách của 2 họa sĩ nổi danh của làng sơn mài Việt. Trong khi đó, phong cách của Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân hay Nguyễn Gia trí, Nguyễn Sáng đều rất rõ ràng, đạt đến trình độ bậc thầy thì 4 tác phẩm này đã hạ thấp tên tuổi và giá trị tác phẩm của 4 danh họa. (Thanh Xuân, 2019)


Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng nhận xét về bức Dân quê Việt của Nguyễn Sáng:

chỉ cần nhìn cái tay trái cầm đòn gánh của người đàn ông ở gần lại cắm vào sau lưng người phụ nữ ở xa là đủ thấy hiểu biết về luật viễn cận của người vẽ bức tranh này là gần như không có. Những thứ ngớ ngẩn như thế sao cứ nhan nhản trong tranh của “các cụ Đông Dương”, trong khi cả người bán, cố vấn chuyên gia lẫn người mua sao vẫn như không có mắt vậy?

Họa sĩ Phạm An Hải thì cho rằng,

Sotheby’s biết đấy nhưng vì lợi nhuận nên lờ đi. Chỉ có người Việt là bị thiệt hại, tên tuổi của các họa sĩ bị ảnh hưởng đã đành, mà người mua tranh của kẻ làm giả rồi bán lại cho người thưởng tranh thật, đã đưa một mớ tranh đáng lý vứt đi, bỗng có giá trị tiền tỷ.

Còn một họa sĩ giấu tên khác lại nhìn 4 bức tranh này ở góc độ khác rằng,

vóc đẹp màu tươi quá, không có màu thời gian. Vậy nên, đây rõ ràng là các tác phẩm tranh giả, tranh chép. Và tác phẩm mỹ thuật cũng là một mặt hàng trên thị trường quốc tế. Do vậy, để tránh mua phải tranh giả, mỗi nhà sưu tập hãy là một người tiêu dùng thông thái.

Việc tranh giả, tranh chép của các danh họa Việt Nam xuất hiện trên các sàn đấu giá quốc tế đang diễn ra ngày một nhiều hơn, không chỉ tại các sàn quốc tế châu Á mà còn tại châu Âu. Điều đó chứng tỏ, sức hấp dẫn và giá trị của các tác phẩm độc bản do các họa sĩ Đông Dương thực hiện. Và vì cầu vượt quá cung, mà giá trị tác phẩm lại quá cao đã khiến nạn tranh giả, tranh nhái được dịp lộng hành.


Trước hiện tượng này, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long cho rằng,

các bảo tàng của Việt Nam không hề lên tiếng để bảo vệ uy tín cho các họa sĩ Đông Dương. Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng không có động thái nào. Trong khi đáng lý, hội không chỉ bảo vệ uy tín, quyền lợi của những hội viên đang sống mà còn phải có trách nhiệm với các hội viên đã khuất. Nếu Việt Nam không lên tiếng, họ sẽ tiếp tục bán, làm thật giả lẫn lộn. (Thanh Xuân, 2019)

Trong cuộc tọa đàm “Hướng tới thị trường mỹ thuật minh bạch” năm 2016, một số ý kiến là như sau (nhandan.vn, 2016):


Nhà báo Hữu Việt, Trưởng ban Văn hóa–Văn nghệ Báo Nhân Dân:

Hình như chính giới mỹ thuật cũng ngầm biết, vẫn có một thị trường tranh giả, tranh chép hoạt động ngầm nhưng sôi động và gây tổn hại rất lớn cho uy tín cũng như giá trị thương hiệu của mỹ thuật Việt Nam?

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam:

Đúng là tôi phải chia sẻ với nỗi đau ba thập kỷ của giới mỹ thuật… Ta đã đặt ra những câu hỏi chấm lửng, tại sao lại có những đường dây làm tranh giả hết sức an toàn và bền vững.

Nhà sưu tầm Nguyễn Mạnh Phúc:

Có thực tế là, hiện nay có một số người buôn bán cổ vật (không phải sưu tầm) thấy tranh có giá trị nên chuyển sang buôn bán tranh. Các cơ quan truyền thông có tiếp tay, tâng bốc họ là nhà sưu tầm nổi tiếng góp công đưa các tuyệt phẩm của đất nước trở về. Như mọi người nói, họ làm phải có đường dây… Đáng trách nhất là các cơ quan quản lý. Việc xảy ra và kéo dài mấy chục năm mà các cơ quan quản lý không vào cuộc. Lẽ ra, phải có hội đồng thẩm định, có cơ quan bán đấu giá từ lâu rồi.

Họa sĩ Đào Hải Phong:

Hiện trạng này là cái giá phải trả cho tất cả những gì ta đã làm. Trong lịch sử trước đây, bảo tàng đã rất sai lầm, rất thiếu hiểu biết khi đặt họa sĩ vẽ lại tranh mình.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn:

Gần đây, trong câu chuyện tranh Việt hồi hương, đã có không ít tranh giả. Có một con đường vòng vèo, kín đáo sang châu Âu rồi quay về Việt Nam để tạo chứng lý hợp pháp cho tranh giả… Nó cũng tác động trực tiếp tới các họa sĩ trẻ đương đại, liệu họ có đủ tự tin để công bố một triển lãm khi biết những kẻ làm giả phát hiện triển vọng bán tranh của họ trong tương lai?

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng:

Thật ra, thị trường tranh Việt Nam vẫn nghiệp dư (trên thế giới, chủ gallery phải có bằng, ở ta, chả ông chủ nào có bằng cả, thế mà vẫn “lái” nghệ thuật đi hết chỗ này chỗ kia). Bản thân cơ quan Nhà nước đặt tranh chép, các gallery bán tranh chép, chả có chế tài nào ngăn ngừa. Vì thế, trước hết bảo tàng mỹ thuật phải bỏ đi những bức tranh giả, tôi chưa thấy bảo tàng nào tệ như ở ta.

Nhà báo Phan Huy Hiền – Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân:

Từ những trao đổi, phân tích của các quý vị tôi thật sự thấy Việt Nam đã có một di sản hội họa vô giá – đấy là những tác phẩm quý giá của các họa sĩ thời kỳ mỹ thuật Đông Dương, cả các họa sĩ thế hệ sau đó và thế hệ đổi mới. Thật tiếc, từ những lý do khách quan của lịch sử và sau này cộng thêm những toan tính thủ đoạn xấu của một số cá nhân, nhiều báu vật hội họa đã bị thất lạc, bị làm giả, làm nhái, gây nên những tác hại, những hậu quả khó định lượng cho văn hóa Việt Nam, mỹ thuật Việt Nam nói chung, và bản thân các họa sĩ nói riêng…


Hội họa Việt Nam thế kỷ 20 – Bộ Tứ
Trí – Vân – Lân – Cẩn



[...]

Ba thiếu nữ mặc áo dài và ba con chim, 1940 – Tô Ngọc Vân

Bức Ba thiếu nữ mặc áo dài và ba con chim (tựa đề tiếng Pháp: Trois jeunes femmes en ao dai et trois oiseaux, tựa đề tiếng Anh: Three young women in ao dai and three birds) là tranh lụa dán trên một tờ giấy và lót bằng lụa vàng, khổ 70 x 48 cm.

Nguồn gốc tranh: giáo sư của Tô Ngọc Vân ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và cũng là Kiến trúc sư trưởng Đông Dương tiếp nhận bức tranh này năm 1940 và sau đó gia đình ông lưu giữ cho đến ngày lên sàn Drouot-Richelieu.



Nơi lưu giữ tác phẩm: không rõ (sàn Drouot-Richelieu đã bán ngày 24-1-2017).



Hai thiếu nữ và em bé, 1944 – Tô Ngọc Vân

Đây là tác phẩm sơn dầu trên toan (canvas) khổ 102 x 72 cm, được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Theo đánh giá của Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản Văn hóa làm tiền đề cho việc công nhận Bảo vật Quốc gia (dsvh.gov.vn):

Bức tranh vẽ một không gian thanh bình với hai phụ nữ mặc áo dài tha thướt ngồi tâm sự ngoài hiên nhà, bên cạnh có một bé trai đang ngồi chơi. Ba nhân vật được bố cục dạng tam giác tạo nên trạng thái tĩnh lặng, cân bằng, êm ả. Cùng với hòa sắc màu vàng ấm bao trùm, tác giả tạo nên một hòa quyện tuyệt vời giữa khung cảnh thiên nhiên và dáng nét biểu cảm mền mại của hai người phụ nữ trong y phục áo dài truyền thống đằm thắm trang nhã.

Nét đặc sắc của bức tranh: Bố cục dạng hình tam giác trong khung hình dọc của ba nhân vật là lối thức bố cục rất cổ điển của nghệ thuật hội họa phương Tây. Tuy nhiên, không gian êm đềm với chiếc trõng tre, mành tre và cây vông hoa trắng, cùng trang phục áo dài của các nhân vật nữ lại thể hiện ra quang cảnh rất phương Đông, cũng như rất Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20. Bức tranh tạo ra sự kết hợp đầy rung cảm của tâm hồn phương Đông cùng lối diễn họa học tập từ phương Tây đương thời.

Đây là hiện vật nguyên gốc và độc bản và là tác phẩm được rất nhiều các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đánh giá cao với đầy đủ các giá trị như:

** Giá trị lịch sử: tác phẩm đánh dấu một giai đoạn mỹ thuật Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.

** Giá trị thẩm mỹ: tác phẩm mang phong cách riêng biệt của họa sĩ Tô Ngọc Vân, bậc thầy của nền mỹ thuật Việt Nam Cận đại. Tác phẩm là sự kế thừa phong cách tạo hình phương Tây nhưng lại được hòa quyện trong một tinh thần phương Đông rõ nét. Với chất liệu sơn dầu, tác phẩm toát nên sự tinh tế trong biểu cảm hình ảnh phụ nữ Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20.

** Giá trị văn hóa: Tác phẩm phản ánh nét đặc trưng của văn hóa xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, trong cái nhìn của những trí thức thời bấy giờ. Đây là một trong những tác phẩm đỉnh cao của họa sĩ Tô Ngọc Vân tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thế hệ sau. Bức tranh là một trong những điểm nhấn góp phần vào việc nghiên cứu các yếu tố, giá trị giao lưu văn hóa Đông–Tây trên bình diện nghệ thuật tạo hình.”



Nơi lưu giữ tác phẩm: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.



Thiếu nữ bên hoa huệ, 1943 – Tô Ngọc Vân

Năm 1925, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập, góp phần khai sinh ra nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam đầy riêng biệt và đặc sắc. Đóng góp vào lịch sử mỹ thuật là thế hệ họa sĩ đầu tiên cùng những tìm tòi sáng tạo không mệt mỏi. Họ tự thách thức bản thân và vượt lên cùng những tác phẩm bất hủ ghi nhận những dấu ấn không thể phai mờ bằng những tác phẩm để đời.

Tác phẩm đầu tiên phải kể đến có lẽ là tác phẩm Thiếu nữ bên hoa huệ của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Đây cũng là một trong số các tác phẩm nổi tiếng nhất của mỹ thuật Việt Nam cận đại bởi cách thức tạo hình. Có thể xem bức tranh là một dấu ấn về sự tiếp nhận ảnh hưởng của hội họa Ấn tượng Pháp vào mỹ thuật Việt Nam.

Bằng việc vẽ những lớp sơn dầu mỏng tang, cô thiếu nữ tầm tuổi đôi mươi trong tà áo dài trắng, trầm tư bên những cánh hoa huệ tây, như hiện lên cùng sự trong trẻo của tâm hồn. Sự tài tình của bức tranh chính là việc họa sĩ tạo ra một đường cong khép kín giữa bông hoa và hai cánh tay, khiến cho khuôn mặt của cô gái trở thành trọng tâm của khuôn hình. Ở đó, sắc đỏ duy nhất ửng lên gò má, đôi môi làm bức tranh càng trở nên quyến rũ. Có thể nói sự ảnh hưởng của hội họa Ấn tượng ở đây không phải là bút pháp mà chính là việc khắc họa thời khắc và sự khái quát của những mảng màu mà gam chủ đạo lại là trắng. Trắng trên sắc áo, trắng trên cánh hoa và thậm chí cả chiếc bình bát tràng với đầy đủ tiết tấu màu. (Trang Thanh Hiền, 2021)

https://tranhalexander.com/nhung-buc-tranh-noi-tieng-o-viet-nam.htm

Tranh Thiếu nữ bên hoa huệ được coi là một kiệt tác, kết hợp nhẹ nhàng giữa các gam màu trắng tạo nên sự giản dị, và cũng mang đôi nét buồn buồn.

Thiếu nữ bên hoa huệ là bức tranh đi liền với tên tuổi danh họa Tô Ngọc Vân. Đây cũng là tác phẩm tiêu biểu của mỹ thuật Việt Nam. Tranh thể hiện chân dung thiếu nữ mặc áo dài trắng nghiêng mình về phía bình huệ tây trắng (hoa loa kèn). Hình dáng cô gái cùng không gian toát lên nét dung dị, buồn vương vấn, nhẹ nhàng. Bên cạnh giá trị nghệ thuật, tranh thể hiện thú chơi hoa loa kèn tao nhã của người Hà Nội, loài hoa nở rộ vào cuối tháng 3 và tháng 4 hàng năm. (Lam Thu, 2016)

Người mẫu trong bức tranh sơn dầu Thiếu nữ bên hoa huệ là cô con gái của họa sĩ. Cô còn là người mẫu cho nhiều tác phẩm khác.



Bức tranh Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân có lịch sử lưu lạc ly kỳ và đáng tiếc.

Sau này bức tranh Thiếu nữ bên hoa huệ được bán cho nhà sưu tập tranh nổi tiếng Đức Minh.

Thiên Điểu (2018) cho biết:

“ Bức Thiếu nữ bên hoa huệ của họa sĩ Tô Ngọc Vân từng nằm trong số hơn 1.000 tác phẩm mà nhà sưu tập Đức Minh muốn hiến tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mà không thành”.

Và:

“ … giới hội họa lại cũng chưa nguôi ngoai niềm xót xa trước những lần Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ chối tiếp nhận những bộ sưu tập quý giá được hiến tặng, vì những lý do mà đến nay những người trong cuộc vẫn ngại ngùng tiết lộ.

“… đáng tiếc nhất là lần từ chối bộ sưu tập hơn nghìn bức tranh trong bộ sưu tập quý giá bậc nhất của nhà sưu tập Đức Minh (Bùi Đình Thản) vào năm 1967, trong đó có nhiều bức được ông Minh lặn lội tới Pháp mua về với giá rất đắt.

“Ông Bùi Quốc Chí – con trai nhà sưu tập Đức Minh – kể cha ông có nguyện vọng hiến toàn bộ bộ sưu tập cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chỉ với điều kiện bảo tàng cần ghi 4 chữ ‘Sưu tập Đức Minh’ ở phần trưng bày. Nhưng lúc đó do điều kiện xã hội chưa cho phép nên bảo tàng không nhận.”

Sau khi ông Đức Minh qua đời, các con ông bán tác phẩm Thiếu nữ bên hoa huệ cho một người sưu tầm tên là Hà Thúc Cần với giá 15.000 đô la Mỹ. Sau đó, ông Cần bán lại tác phẩm nổi tiếng này ra nước ngoài.

Hiện nay không ai biết bức tranh Thiếu nữ bên hoa huệ đang lưu lạc ở phương trời nào.

Văn Bảy (2019c) đánh giá: “Bức gốc này mà lên sàn đấu giá, triệu đô là bình thường.”

Ghi chú: Shinstyle (2019) cho rằng các bức hình hiện nay trên mạng đều chụp tranh chép lại tác phẩm gốc. Với một tình yêu lớn, một sự kính trọng họa sĩ Tô Ngọc Vân, các họa sĩ tiến hành phục chế thành một bản kỹ thuật số dựa trên nghiên cứu màu sắc, bút pháp từ các tác phẩm còn lại của Tô Ngọc Vân tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Dưới đây là ảnh của bản kỹ thuật số.



Thợ thêu, 1932 – Tô Ngọc Vân

Bức tranh lụa Thợ thêu (tựa đề tiếng Pháp: Les brodeuses), kích thước 68 x 68 cm, được Văn Bảy (2019c) cho là kiệt tác lụa của Tô Ngọc Vân, do sự quý hiếm, giá trị tạo hình và tình trạng bảo quản. Bức này từng xuất hiện tại một triển lãm vào cuối năm 2012 tại Bảo tàng Cernuschi (Paris, Pháp) và được chọn in trên bìa của vựng tập.



Nơi lưu giữ tác phẩm: sưu tập tư nhân.



Tranh bìa Xuân “Ngày nay”, 1940 – Tô Ngọc Vân





“Tú bà ghé lại thong dong dặn dò”, 1942 – Tô Ngọc Vân

Trong ấn bản Truyện Thúy Kiều (Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo) do Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam và Nhà Xuất bản Thế giới ấn hành tháng 11-2015, có một số phụ bản tranh minh họa lấy từ Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du do Đào Duy Anh (2020) biên tập.

Bức tranh này minh họa đoạn Tú Bà dặn dò Thúy Kiều sau khi Kiều bị Sở Khanh gài bẫy.

Vừa tuần nguyệt sáng gương trong
Tú Bà ghé lại thong dong dặn dò:
“Nghề chơi cũng lắm công phu
Làng chơi ta phải biết cho đủ điều.”

Riêng đối với người tổng hợp bài này, nội dung bức tranh có phần thiếu thuyết phục: trong khi Tú Bà đang thong dong dặn dò với vẻ không dữ dằn gì, lý do nào các kỹ nữ phải khỏa thân? Có phải chi tiết này là gượng ép chỉ vì muốn mô tả quang cảnh thanh lâu?





Vỡ mộng, 1932 – Tô Ngọc Vân

Bức Vỡ mộng (tựa đề gốc tiếng Pháp: Les Désabusées) là tranh được vẽ bằng mực tàu và bột màu trên lụa khổ 92,5 x 57 cm.

Theo nhà môi giới nghệ thuật Linh Cao, chủ Gallery 42, Hà Nội (Văn Bảy, 2019c):

“Bức Vỡ mộng đẹp tự thân, nhiều chất Đông Đương, nên dễ tạo sức hút với khách quốc tế. Tô Ngọc Vân vẽ rất ít tranh lụa, nên tự nó đã thành quý hiếm, cộng với khổ tranh khá lớn, tình trạng bảo quản tốt, xuất xứ rõ ràng, nên càng đáng giá. Về nghệ thuật, nó có sự đối thoại thầm kín phương Đông giữa hai nhân vật, kiệm lời nhưng nhiều ý. Xét nét thì thấy vẽ chưa thật kỹ lưỡng, nhưng nhìn chung dáng vẻ thần thái đẹp, gam màu ngọt, chuẩn như mong đợi”.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi phân tích (Văn Bảy, 2019c):

“Màu sắc trong tranh rất dịu dàng và trong trẻo, những sợi tơ lụa như dệt lên gương mặt của người mẫu, làn da mỏng manh mộng tàn. Ngay cả dáng dấp của người mẫu cũng mảnh mai yếu đuối, như mời gọi sự nâng niu… Tuy rằng chủ đề hơi buồn, nhưng nhìn vào tranh người ta thấy thần thái tranh Việt, với kỹ thuật và nét bút đặc thù của nó”.

Dù không đánh giá cao về bố cục và tạo hình của Vỡ mộng, nhà nghiên cứu Phạm Long cho chúng ta biết một số lý do để tác phẩm này đạt giá cao (Văn Bảy, 2019c):

“Thứ nhất, Tô Ngọc Vân là người có danh tiếng lớn, nằm trong ‘Bộ Tứ’ đầu tiên, từng dạy ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, từng phụ trách Trường Mỹ thuật Việt Bắc từ năm 1950. Thứ hai, tranh lụa của ông hiếm hơn sơn dầu và một hai chất liệu khác, đa số đã được bán trước năm 1945, nếu ai bảo quản tốt, rõ ràng về xuất xứ, thì ngày nay sẽ càng thu hút. Thứ ba, cơn sốt đầu tư vào tranh Đông Dương đang lên nhanh, các đại gia Việt Nam đang có xu hướng đầu tư vào tranh Đông Dương để nhanh quay vòng vốn, thay vì thị trường bất động sản đang chững lại và nhiều lùm xùm. Thứ tư, tranh Đông Dương dù có tiếng xấu là nhiều tranh giả, khó xác minh, nhưng hiện nay Việt Nam chưa có khả năng kiểm định tốt, đủ uy tín, nên các nhà buôn tranh không sợ lỗ, vẫn tìm được khách hàng, xác suất bán lại thu lời vẫn cao”.

Trong buổi đấu giá có tựa đề “20th century & contemporary art” (Mỹ thuật thế kỷ 20 & đương đại) ngày 26-5-2019 tại Christie’s Hong Kong, bức Les Désabusées của Tô Ngọc Vân được gõ búa với mức 9.125.000 đô la Hongkong (hơn 1,1 triệu đô la Mỹ tức hơn 27 tỉ đồng theo thời giá) so với khung giá ước lượng 2-3 triệu đô la Hongkong.



[...]

Tô Ngọc Vân


Tô Ngọc Vân (1906/1908-1954) được đánh giá là người có công đầu tiên trong việc sử dụng chất liệu sơn dầu ở Việt Nam. Thông qua kỹ thuật, ông cố gắng diễn tả được vẻ đẹp của duyên dáng người Việt Nam đương thời mà tiêu biểu là chân dung thiếu nữ.



Tô Ngọc Vân sinh tại Làng Xuân Cầu, Xã Nghĩa Trụ, Huyện Văn Giang, Hưng Yên, nhưng lớn lên tại Hà Nội.

Thuở bé ông là con nhà nghèo (tốt cho lý lịch), quá tuổi mới được đến trường học chữ. Đang học trung học năm thứ 3, ông bỏ học để đi theo con đường nghệ thuật. Năm 1926, ông đỗ kỳ thi tuyển vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tốt nghiệp khóa 2 năm 1931. Sau khi ra trường, Tô Ngọc Vân có tác phẩm xuất sắc, được giải thưởng cao ở Pháp. Ông đi vẽ nhiều nơi ở Phnom Penh, Bangkok, Huế… Ông cũng viết về mỹ thuật, phê bình nghệ thuật trên báo chí. Ông hợp tác với các báo Phong HóaNgày Nay của Nhất Linh, báo Thanh Nghị.

Từ 1935 đến 1939 Tô Ngọc Vân đi dạy ở Trường trung học Phnom Penh, sau đó ông về dạy ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tới 1945. Thời gian đó ông vừa giảng dạy vừa vẽ linh tinh vào vở của mình. Sau Cách mạng Tháng Tám, Tô Ngọc Vân tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1950 ông phụ trách Trường Mỹ thuật Việt Bắc. Thời gian này ông vẽ rất nhiều ký họa.

Hy sinh ở độ tuổi trung niên (bị trúng bom của máy bay Pháp gần sát chiến trường Điện Biên Phủ), khi sức làm việc và sáng tạo đang dài rộng, nhưng Tô Ngọc Vân vẫn có những tác phẩm làm nên cột mốc lớn. Tác phẩm Bức tranh Hai thiếu nữ và em bé (1944) được công nhận là Bảo vật Quốc gia của tác giả vốn đã tham gia kháng chiến chống Pháp, làm hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam và được phong danh hiệu Liệt sĩ.

Trong vai trò thầy giáo mỹ thuật, Tô Ngọc Vân dạy học nhiều nơi, để lại dấu ấn chuyên môn trên nhiều thế hệ học trò. Riêng khóa kháng chiến (1950-1954) tại Việt Bắc, Tô Ngọc Vân có nhiều học trò tên tuổi như Ngô Minh Cầu, Đặng Đức, Đào Đức, Trần Lưu Hậu, Lê Huy Hòa, Nguyễn Trọng Kiệm, Lê Lam, Ngô Mạnh Lân, Ngọc Linh, Mai Long, Lưu Công Nhân… Khóa này kịp hình thành một Bộ Tứ là Hòa – Nhân – Hậu – Kiệm, tức Lê Huy Hòa, Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu và Nguyễn Trọng Kiệm.

Chính những ảnh hưởng đã tạo ra trong quá trình dạy học và tinh thần “nhất tự vi sư”, dấu ấn của Tô Ngọc Vân luôn được ghi nhớ, tôn vinh. Họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định:

“Là một họa sĩ nổi tiếng, nhưng tác phẩm lớn nhất của thầy Tô Ngọc Vân chính là những học trò – những thế hệ họa sĩ tên tuổi hàng đầu của Việt Nam”.

Nhạc sĩ Phạm Duy từng theo học Trường Cao đẳng Mỹ Thuật, cùng khóa với Võ Lăng và Bùi Xuân Phái. Ông viết về Tô Ngọc Vân như sau (Hồi ký Phạm Duy):

“Khi học cách dùng mầu thì thầy dạy của chúng tôi là Tô Ngọc Vân. Trong mấy ông thầy, tôi phục thầy Vân nhất. Đứng gần thầy, tôi cứ tưởng tượng thầy là nhân vật trong cuốn tiểu thuyết Đẹp của Khái Hưng dù vóc dáng của thầy thấp lùn, đôi mắt của thầy lồi ra và thầy rất hà tiện trong lời ăn tiếng nói.

“Thầy Tô Ngọc Vân là người đã từng làm cho tôi kính phục khi tôi được coi tranh triển lãm của thầy. Là người đầu tiên dùng hội họa mới để xưng tụng người đàn bà Việt Nam với những bức tranh mỹ nữ có hình, có dáng, có khối hẳn hòi chứ không phải là mỹ nữ được vẽ phóng trong công thức (stylisé) như tranh cổ truyền. Chỉ cần thấy bố cục (composition) của tranh Tô Ngọc Vân cũng đủ làm xiêu lòng người coi tranh. Thầy dùng mầu sắc hết sức táo bạo, so với thời đó. Nhưng thầy đã dạy cho tôi thấy cái quan trọng trong tranh sơn dầu không phải chỉ ở mầu sắc. Phải làm sao cho thấy được ánh sáng nổi bật trên nền ngũ sắc đó. Phải rồi, coi tranh Renoir hay tranh Gauguin, tôi chỉ nhìn thấy nắng. Không thấy gì hơn là nắng! Tuy nhiên nắng ở trời Âu mà tôi thấy trong tranh của các họa sư đó chỉ là nắng phản chiếu (lumière réflective), còn nắng trong tranh sơn dầu Việt Nam (như tranh của Tô Ngọc Vân chẳng hạn) là nắng trực tiếp (lumière directe).”


Nguồn: Để gió cuốn đi - Tháng 10-2021.