NN005 - Cái đẹp trong hội họa

Cái đẹp trong hội họa

Tô Tử

Có người bảo: "Bức tranh đẹp là đã tả một người đàn bà đẹp hay một phong cảnh đẹp. Đàn bà đẹp phải có khuôn mặt tròn, mồm nhỏ xíu, cặp mắt đen, lông mi dài; cảnh đẹp phải là cảnh có núi cao, sông rộng, có thác chảy, có tiều phu qua lại chiếc cầu treo leo bên sườn núi...".

Nói như vậy, bao nhiêu những họa phẩm không tả mỹ nhân hay sơn thủy đều là của dở. Những bức họa vài tầu lá rủ trên mặt nước, cảnh rực rỡ lúc ánh sáng rọi qua cây cỏ, những tranh người ta kính cẩn đặt trong các bảo tàng châu Âu, theo thuyết đó, đều có giá trị.


Xét như vậy là chỉ đứng về một phương diện, phương diện đầu đề "sujet".


Những đầu đề, dở, hay, có hề chi. Tài nhà mỹ thuật là ở chỗ biết tả đầu đề.


Có người lại bảo: "Bức tranh này đẹp vì nét gân guốc, già; tác giả đã lấy ngón tay mà họa". Già hay non, dùng bút, dùng dao, dùng ngón tay hay ngón chân đi nữa, cái đó có can hệ chi đến mỹ thuật. Can hệ cho mỹ thuật là ở chỗ dở, hay của bức tranh đã tả.


Vương Duy khi viết ra quyển mỹ học về hội họa đã làm cho tranh Tàu, trải qua hơn thế kỷ nay, tuy đẹp, nhưng không đổi thay, biến động. Cùng khuôn, cùng sáo, mỹ nhân nào cũng giống mỹ nhân nào, những phong cảnh đều một loạt tương tự như nhau cả.


Cái đẹp thiên hình vạn trạng, không có khuôn khổ nào đặt ra cho vừa mọi vẻ.


Bên Âu châu, người ta cũng chuộng tả mỹ nhân. Nhưng mỹ nhân, theo óc họ, không phải cứ đẹp ở nét mặt mà ở dáng điệu, ở khuôn khổ thân hình, ở vẻ lẳng, lắm khi ở tinh thần nhục dục.


Người ta lại ưa tả những vật tầm thường, cũ kỹ, những vật mà ta khinh thường, mà xã hội ghét bỏ: một đôi giầy cóc gậm, đặt trên chiếc ghế tàng, một cái lâu đài đồ nát, cây cỏ phủ che, một gái giang hồ bơ phờ, tiều tuỵ. Ngạc nhiên, ta tự hỏi: "Cái đẹp ở đâu? cái đẹp giấu ở chỗ nào?..."


Ta còn ngạc nhiên hơn thế, nếu ta được thấy những tranh cubiste vẽ từ người tới cảnh chỉ thấy rặt những hình tam giác, tứ giác; tranh "ác thú", "fauve" vẽ những mặt như băm, như hủi, mầu thuốc dữ dội, lòe loẹt như thét, nhu gầm; tranh tubiste nhìn vũ trụ, nhân vật chỉ là các thứ ống suốt dệt vải đủ các hạng tử nhỏ đến to...


Vậy thì đẹp ở đâu?


Đứng trước tạo vật, nhà họa sĩ nhờ hình, sắc và cánh xếp đặt trong tranh để tả những cảm giác của mình.


Tôi họa người ăn mày hay đôi guốc, tôi trông vũ trụ ra hình tròn hay hình vuông, nếu khi xem bức tranh, ngài cũng có cái cảm tưởng vui, buồn, khoái trá... mà tôi muốn tả, thì bức tranh ấy là một mỹ công giá trị rồi!


Bởi tính tình con người ta phiền phức, cho nên, cùng một cảnh, trăm người họa có thể bầy ra trăm vẻ khác nhau. Cho nên tranh tây, hay tranh tầu, quan niệm về mỹ thuật tuy xa nhau một trời một vực, mà cũng đều xuất sản ra những mỹ công tuyệt tác.


Tôi nghĩ rằng một bức tranh đẹp là đã tả được những điều cảm thấy, nên tôi tin rằng chỉ có những người giầu tình cảm mới có thể thành họa sĩ tài hoa.


Tô Tử






Nguồn: Báo Ngày Nay số 005 - 10/03/1935, Tr. 03.



Người đăng bài

BanTroiK6.