Khi giặc đã qua - Sơn mài - 1948-1949




Khi giặc đã qua - Sơn mài - 1948-1949

Tô Ngọc Vân

"Khi giặc đã qua" - Sơn mài - 1948-1949 (sưu tập tư nhân).
The Enemy has Passed By - Lacquer - 1948-1949


Trích: "NGHỆ THUẬT SƠN MÀI VIỆT NAM - (Tác giả và Tác phẩm)"- Bùi Duy Tâm
Tô Ngọc Vân (1906-1954)
Có công lớn trong việc nghiên cứu chất sơn ta để xây dựng bộ môn Sơn Mài Việt Nam cùng với Inguimberty, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn. Nhưng đỉnh cao nghệ thuật của Tô Ngọc Vân là ở sơn dầu với bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” chứ không phải ở Sơn Mài. Ông rất tha thiết với nghệ thuật Sơn Mài nhưng rất ít tác phẩm Sơn Mài còn lưu truyền trừ một vài bức như bức “Nghỉ chân bên đồi” là tác phẩm Sơn Mài đầu tay của ông được hoàn thành trong xưởng họa kháng chiến giữa rừng Việt Bắc cùng với tác phẩm “Cái bát” của Nguyễn Sĩ Ngọc (1918-1990). Cả hai tác phẩm này được vẽ trong điều kiện thiếu thốn về nguyên liệu nhưng đã trở thành hai tác phẩm Sơn Mài đẹp, tiêu biểu cho Hội Họa Việt Nam trong thời kháng chiến chống Pháp.

Tác phẩm “Khi giặc đã qua” (do gia đình giữ) đã ghi sự thành công bước đầu của ông trong Sơn Mài. Những tác phẩm Sơn Mài làm dở dang của ông trong thời gian năm 1948-1950 như “Chạy giặc trong rừng”, “Nghỉ chân bên đường”, “ Phố trụi” hiện còn lưu trữ tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật.


Có lẽ ông thích vẽ chì than, màu nước và sơn dầu nhiều hơn (ông luôn mang theo trong người cục chì than để vẽ tùy hứng) nên nhường lại sự thành công về Sơn Mài cho Nguyễn Gia Trí. Xem tranh Sơn Mài của Nguyễn Gia Trí, ông cảm động thực sự, ông khẳng định

“Đến cuộc thí nghiệm của Nguyễn Gia Trí, lối Sơn Ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở óc, ở tâm hồn Nguyễn Gia Trí nó đã được nâng lên hàng mỹ thuật thượng đẳng trên những màu hồng nhợt biến hóa, những sắc nâu ngon thiệt là ngon, những vỏ trứng, vài nét bạc, vài nét vàng sáng rọi, rung lên, rít lên như tiếng kêu sung sướng của xác thịt khi vào cực lạc…lúc âu yếm bằng những vuốt ve mềm mại, lúc dữ dội bằng dăm bảy nét quẹt mạnh, đập tung, cào cấu… yêu muốn khoái lạc… nhất là khoái lạc… của Gia Trí”. (Tô Tử, “Nguyễn Gia Trí và Sơn Ta” báo Ngày Nay số 146, ngày 21/01/1939).

Tô Ngọc Vân tốt nghiệp khóa thứ 2 (1926-1931) tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (thành lập năm 1925 với khóa đầu tiên có Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Văn Đệ,…). Ông là một người thầy tận tụy, một người hiệu trưởng mẫu mực, một người chiến sĩ can trường. Ông hy sinh tại chiến trường sát Điện Biên Phủ ngày 17/06/1954 trong một trận địch dội bom.