Giấc mộng dang dở của danh họa Tô Ngọc Vân - TRẦN HOÀNG HOÀNG
08:00:00Giấc mộng dang dở của danh họa Tô Ngọc Vân
TRẦN HOÀNG HOÀNG
QĐND - Nhiều người nhớ Tô Ngọc Vân là tác giả bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ”, một kiệt tác hội họa lãng mạn, “đứa con cưng” của người nghệ sĩ yêu cái đẹp thuần khiết. Tô Ngọc Vân đã tự nhận như vậy và lấy bút danh Ái Mỹ cho riêng mình...
Nhiều người nhớ Tô Ngọc Vân là tác giả bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ”, một kiệt tác hội họa lãng mạn, “đứa con cưng” của người nghệ sĩ yêu cái đẹp thuần khiết. Tô Ngọc Vân đã tự nhận như vậy và lấy bút danh Ái Mỹ cho riêng mình.
Dù có sống đắm say với trăng và vơ vẩn cùng mây, rồi thì đời thực không giống như người nghệ sĩ mộng tưởng. Cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ của dân tộc rũ bỏ “giấc mơ con đè nát cuộc đời con” của người nghệ sĩ. Tô Ngọc Vân ý thức việc cần phải thay đổi đề tài, cách vẽ, nhưng tạng sáng tạo của ông không quen vội vàng. Sáng tác vội là hại cho mình mà cũng hại cho cách mạng!
Để có những bức tranh đẹp, xứng với chiến thắng nối tiếp chiến thắng của quân dân ta trên khắp chiến trường, cần có những bức ký họa làm tư liệu. Tô Ngọc Vân gặp những người lính Trung đoàn Thủ Đô, cùng đi với bà con miền xuôi lên ATK, đến với đồng bào miền núi... Ông đã đi qua không biết bao nhiêu làng bản bình yên, phố thị đổ nát. Mỗi cảnh đẹp, mỗi động tác lạ... ông đều nhìn thấy chất liệu cho những tác phẩm về sau. Ông lưu giữ những hình ảnh thoáng qua đó bằng những ký họa sinh động. Ký họa mà không cẩu thả, vừa ký họa vừa nghiên cứu, xây dựng hình tượng con người mới ở thời đại mới.
9 năm trường kỳ kháng chiến rồi cũng đến trận Điện Biên Phủ lịch sử... Tô Ngọc Vân tin rằng, trận quyết chiến ở lòng chảo Mường Thanh là cơ hội để ông hiểu được nhân vật chính của thời đại-những người lính Cụ Hồ. Để rồi “hậu Điện Biên Phủ” có thể vinh danh những hy sinh của người lính bằng những bức tranh. Ông xung phong ra trận nhưng rồi không may, ông ngã xuống khi chưa tới được chiến trường.
Hàng trăm bức ký họa đi theo kháng chiến của Tô Ngọc Vân vẫn còn đến hôm nay. Những bức ký họa dẫu được vẽ từ máu của người nghệ sĩ chân chính vẫn chỉ là những “bản nháp”, đâu được người đời để ý như những bức tranh đã đóng khung.
Nhưng, như câu viết quen thuộc trong tiểu thuyết chương hồi thời xưa: “Chờ đến hồi sau sẽ rõ”. Cuối cùng, ký họa Tô Ngọc Vân đã “hồi sinh” trong một cuốn sách có nhan đề thật đích đáng: “Tô Ngọc Vân - Tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam 1906-1954”. Những ký họa trong cuốn sách đã cho ta hình dung về một giấc mộng dang dở của danh họa Tô Ngọc Vân, được xây bằng một vài cây bút sắt, bút chì và một cuốn sổ tay...
TRẦN HOÀNG HOÀNG
Nguồn: Báo điện tử Quân đội nhân dân - 16/02/2014 21:41
0 comments: