Khóa mỹ thuật có một không hai - Phong Vân

Khóa mỹ thuật có một không hai

Phong Vân



Ký họa của họa sĩ Ngô Minh Cầu.


Sự ra đời của Trường Mỹ thuật Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, năm 1950, là một nỗ lực to lớn của Chính phủ trong việc tạo dựng những nền móng văn hóa mới cho một đất nước hòa bình xã hội chủ nghĩa - một Việt Nam của tương lai sau chiến tranh. Đặc biệt, giới mỹ thuật thực sự biết ơn đóng góp của họa sĩ Tô Ngọc Vân, vị hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường “có một không hai” này. Khóa học đầu tiên của trường (1950 - 1954) được gọi là khóa Họa sĩ kháng chiến. Có thể nói đó là khóa học với những ông thầy đặc biệt, với những học trò đặc biệt nhất của mỹ thuật hiện đại Việt Nam.


Người thầy đặc biệt




Đó là họa sĩ Tô Ngọc Vân. Ông nổi tiếng từ lâu trước khi bắt tay vào nhiệm vụ gây dựng ngôi trường mỹ thuật kháng chiến nhưng dường như, với học trò của khóa học này, sự nổi tiếng của ông không hề khiến họ cảm thấy xa cách.

Cho đến tận bây giờ, khi kể lại chuyện cũ, lão họa sĩ Ngọc Linh (sinh năm 1931) vẫn một điều gọi thầy là “anh Vân”, thân thương, gần gũi hệt như những năm tháng còn trực tiếp gắn bó với bè bạn và ngôi trường. Còn bà lão họa sĩ Thục Phi (sinh năm 1933) thì không thể quên được hình ảnh “chị Vân” dắt học trò của chồng qua các nương sắn, chỉ đâu là nương mình đã mua để dành cho trường, đâu là nương của dân... Mỗi tháng, một học trò được chính phủ cấp cho 20 kg gạo, bao gồm cả chi phí cho thực phẩm khác. Nhưng không phải lúc nào, số lượng ấy cũng được chu cấp đều đặn trong những năm tháng kháng chiến thiếu thốn và gian khổ. Chính vì thế, việc quan trọng là bằng mọi cách phải duy trì được cuộc sống tối thiểu cho các học viên. Hai vợ chồng vị hiệu trưởng này đã rất nhiều lần bỏ tiền túi ra chăm lo cho khóa học, hoặc tìm cách vay mượn, mua trước thóc, sắn trong dân. Có lẽ chẳng có ngôi trường mỹ thuật nào trên thế giới, vốn là nơi đào tạo những tinh hoa nghệ thuật của mỗi quốc gia, lại từng rơi vào hoàn cảnh khó khăn đến vậy. Bởi đơn giản, mỹ thuật trường quy vốn không dành cho người nghèo.



Một bức vẽ trên nắp hộp máy đánh chữ của họa sĩ Lưu Công Nhân.



Sự chăm lo chân thành, nhất mực, hoàn toàn vô vị lợi ấy của vợ chồng thầy hiệu trưởng có giá trị đặc biệt đối với nhiều học viên trong cả cuộc đời họ về sau này, kết nối họ lại với nhau chặt chẽ hơn, giúp họ soi chiếu lại tình cảm của mỗi người dành cho nhau và cho con đường học tập để làm nghệ thuật. Sau chỉ chừng ba năm gắn bó với ngôi trường đặc biệt ấy, mỗi người, theo nhiệm vụ phân công của tổ chức, đều có những vị trí công tác khác nhau. Nhưng tình thâm giữa họ vẫn vậy, không chỉ thi thoảng gặp gỡ hoặc cứ đến hẹn lại hò nhau làm triển lãm chung, họ còn hỗ trợ nhau rất nhiều trong cuộc sống đời thường, từ chuyện học tập, công việc của các con (thậm chí các cháu) đến cả những hỗ trợ vật chất trong những hoàn cảnh sống éo le.

Song hành với thái độ sống “tuyệt vời” với học viên, Tô Ngọc Vân còn là một người thầy “tuyệt vời” về tài năng và nhân cách nghệ thuật. Trong nhật ký của họa sĩ Linh Chi có đoạn viết:
“Buổi tối, uống nước, hút thuốc, anh Vân nói về sáng tác... Lúc ấy đã hơn 10 giờ đêm. Anh Vân nói: Những buổi nói chuyện như thế này về là không ngủ được. Nếu có atelier (xưởng vẽ) như ngày xưa là về bật đèn lên vẽ” (26-3-1952).
Còn họa sĩ Ngô Tôn Đệ thì nhớ lại:
“Cá nhân ông (Tô Ngọc Vân) rất ghét sự sao chép nô lệ theo lối nhìn của người khác... Ông thường giáo dục học sinh tránh “làm xiếc” trong nghệ thuật, tránh khéo tay đến độ vẽ quen tay, tránh lòe bịp bằng hình thức không đâu vào đâu... Ông thường tỏ rõ thái độ phản đối lối vẽ “đầy đủ tất cả mà chỉ thiếu... cái đẹp”.

Thời nào cũng vậy, tư tưởng và thái độ sống của người thầy ảnh hưởng rất lớn đến học trò, nhất là trong hoàn cảnh học nghệ thuật hết sức đặc biệt của khóa Họa sĩ kháng chiến. Có thể nói, khóa học này thật sự may mắn khi được đồng hành với một người thầy như Tô Ngọc Vân.


Với những học trò đặc biệt




Trong một cuốn sách ghi lại hồi ức về ngôi trường Mỹ thuật kháng chiến, họa sĩ Ngô Mạnh Lân (sinh năm 1934), thành viên trẻ nhất, đã kể lại việc ông - một chàng thiếu niên 16 tuổi, từng hăm hở đi bộ suốt hai ngày, vượt suối, băng rừng, từ Ty Thông tin Phú Thọ đến Đại Từ, Thái Nguyên, địa điểm thi vào trường “cao đẳng mỹ thuật”. Trước đó, ông đã theo học một số lớp hội họa tại Liên khu X để phục vụ cho công việc kẻ khẩu hiệu, vẽ áp-phích kháng chiến, trang trí cho các kỳ hội họp của cơ quan. Nhiều học viên trong lớp cũng có xuất phát điểm tương tự như ông, không ít người đang trong quân ngũ cũng được “cử đi thi” như Đặng Đức, Lê Huy Hòa. Khóa cũng có cả những họa sĩ đã có tiếng như Trần Đông Lương, Trịnh Phòng, Linh Chi...



Chiếc mõ Hợp tác xã, ký họa mầu nước năm 1959 của họa sĩ Ngô Minh Cầu.



Mỗi người, khi tham gia lớp học, ngoài ý thích ban đầu cũng đều có một mục đích nghệ thuật của riêng mình. Bà Thục Phi còn nhớ giấc mơ sẽ có ngày vẽ được những bức tranh đẹp tựa những gì mình từng được ngắm từ cuốn sách in bộ sưu tập của Bảo tàng Louvre (Pháp). Lưu Công Nhân thì nuôi mộng “phải có danh gì với núi sông” và ý nghĩ ấy còn đeo đẳng ông mãi về sau, đến tận lúc ông rời xa cõi tạm... Nhưng hoàn cảnh kháng chiến đương thời và tấm gương mẫu mực dấn thân vào thực tế cuộc sống, “đem hội họa phụng sự nhân dân” của thầy Vân đã hối thúc mọi thành viên trong lớp học ưu tiên cho các công việc liên quan mật thiết đến các công tác kháng chiến đương thời. Ngay từ năm thứ nhất, học viên vừa học hình họa vừa đi vào các vùng có dân cư, vẽ về những gia đình, người dân có thành tích lao động tăng gia sản xuất tốt phục vụ kháng chiến, làm công tác tuyên truyền theo đường lối của Đảng và Chính phủ. Sau khi học xong, họ lại chấp hành mọi phân công của tổ chức. Người thì tham gia các công tác dân vận, người chuyển sang làm thiết kế mỹ thuật phim truyện, người đi du học về phim hoạt hình, người lãnh nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo sinh viên mỹ thuật và mỹ thuật công nghiệp... Trách nhiệm của một công dân đã được đặt lên trước nhất trong hoàn cảnh xã hội đương thời, để về sau, trong bất cứ lĩnh vực mỹ thuật nào cũng có người của khóa Họa sĩ kháng chiến đi đầu. Thiết kế mỹ thuật điện ảnh có Đào Đức, Ngọc Linh; tranh cổ động có Thục Phi; đào tạo sinh viên mỹ thuật công nghiệp có Lê Nguyên Lợi, Ngô Minh Cầu, Trọng Kiệm; ký họa trực tiếp trong kháng chiến chống Mỹ có Lê Lam; mỹ thuật sáng tác có Lưu Công Nhân, Lê Huy Hòa, Trọng Kiệm, Trần Lưu Hậu...

Điều quan trọng hơn cả là trên hành trình sống cùng những khúc quanh của lịch sử dân tộc, họ vẫn giữ được nhân cách một nghệ sĩ, cho dù có nhiều lúc, ước vọng nghệ thuật phải tạm gác lại trước những yêu cầu và trách nhiệm xã hội của một công dân trong hoàn cảnh sống vô cùng khắc nghiệt.

Nếu có dịp được ngắm nhìn những bức sơn mài chuẩn mực về kỹ thuật, giàu tinh thần tìm tòi và sáng tạo về nghệ thuật, được hoàn thiện trong âm thầm tuổi già của cố họa sĩ Ngô Minh Cầu; những bức ký họa chân dung ngẫu hứng nhưng đầy nghiền ngẫm về một vài bước chuyển nào đó trong nghệ thuật của cố họa sĩ Đào Đức; hay những loạt tranh sơn dầu đầy tự do về phong cách tạo hình và cảm xúc, giữa các đợt đi làm phim của họa sĩ Ngọc Linh, bạn sẽ tin tưởng hơn bao giờ hết về tình yêu nghệ thuật không ngừng nghỉ trong họ.

Hy vọng sẽ có thể một lần nữa được gặp lại họ trong một nghiên cứu đầy đặn, sâu sắc và rộng mở hơn, về đóng góp và vai trò của khóa mỹ thuật đặc biệt này trong nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam.

Song hành với thái độ sống “tuyệt vời” với học viên, Tô Ngọc Vân còn là một người thầy “tuyệt vời” về tài năng và nhân cách nghệ thuật.
Trách nhiệm của một công dân đã được đặt lên trước nhất trong hoàn cảnh xã hội đương thời, để về sau, trong bất cứ lĩnh vực mỹ thuật nào cũng có người của khóa Họa sĩ kháng chiến đi đầu.

Những người thầy của khóa học gồm: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Khang, Bùi Trang Chước, “trợ giảng” Nguyễn Tư Nghiêm, và sau có Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Sĩ Ngọc.
22 học viên của khóa gồm: Ngô Minh Cầu, Linh Chi (Nguyễn Tài Lương), Nguyễn Thị Thu Dung, Trần Dư (Nguyễn Dư Tá), Ngô Tôn Đệ, Đào Đức, Đặng Đức, Trần Lưu Hậu, Lê Huy Hòa, Nguyễn Trọng Kiệm, Lê Lam (Vũ Quốc Ái), Ngô Mạnh Lân, Ngọc Linh (Vi Văn Bích), Mai Long, Lê Nguyên Lợi, Trần Đông Lương, Lưu Công Nhân, Trần Thị Thục Phi, Nguyễn Thế Vỵ và ba anh em ruột Trịnh Phòng, Trịnh Thiệp và Trịnh Kim Vinh.



Phong Vân
Báo Nhân Dân điện tử >> Nhân Dân hằng tháng >> Văn hóa - Thứ Năm, 27/08/2015, 02:24:56