Chuyện ít biết về lớp họa sĩ Kháng chiến - Yên Nga

Chuyện ít biết về lớp họa sĩ Kháng chiến

Yên Nga

(HNM) - Khóa học chính thức đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) được gọi là khóa Kháng chiến bởi diễn ra trong giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp (1950-1954). Mới đây, trong cuốn sách "Họa sĩ khóa Kháng chiến", tác giả Đào Mai Trang đã mở ra cho công chúng bao điều còn ít biết về những gương mặt hội họa có mặt trong khóa đào tạo này.


Các họa sĩ và gia đình lớp họa sĩ khóa Kháng chiến cùng nhóm dự án sách.



Cuộc hội ngộ cảm động




Buổi ra mắt cuốn sách, nói đúng hơn là dấu mốc tạm khép lại hành trình chuyên khảo về họa sĩ khóa Kháng chiến (1950-1954) mà tác giả Đào Mai Trang - nhà báo chuyên viết về mỹ thuật của Tạp chí Văn hóa nghệ thuật Việt Nam thực hiện suốt hai năm qua chính là cuộc gặp gỡ hiếm hoi của giới yêu mỹ thuật với những họa sĩ tài năng này. Hai mươi hai sinh viên của khóa học ấy giờ chỉ còn chín, đều đã tóc bạc da mồi. Họa sĩ Lê Lam lãng tai và phải có người dìu, ông chọn bằng được chỗ ngồi gần bức khắc kẽm “Ngọc Lan khâu áo cho con” (năm 1962) được trưng bày trong buổi ra mắt sách. Họa sĩ Trần Lưu Hậu, Mai Long không giấu nổi vui mừng khi được gặp lại bạn bè. Họa sĩ Ngọc Linh hào hứng kể về chuyến trở lại những địa điểm xưa họ cùng nhau học tập - ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang - mà ông mới cùng nhóm dự án sách thực hiện. Họa sĩ Ngô Mạnh Lân trêu đùa những người bạn già. Nữ họa sĩ Thục Phi cười tươi cất lời:
“Chào các bạn học của tôi! Chúng ta liệu có còn lần nào gặp nhau đông đủ như này nữa không?”,
khiến mọi người trong khán phòng rưng rưng…

Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam thành lập vào tháng 10-1945, trên nền tảng hệ thống giáo dục của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Thực tế, nhà trường đã tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm 1946, nhưng việc học chỉ kéo dài được 2 tháng thì bị gián đoạn. Vì vậy, khóa học chính thức đầu tiên của trường là khóa 1950-1954 với 22 sinh viên có được từ hai đợt tuyển sinh, ban đầu học tại Yên Dã (Đại Từ, Thái Nguyên). Họa sĩ Tô Ngọc Vân là giám đốc nhà trường, đã triệu tập các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Khang, Bùi Trang Chước làm giảng viên chính cùng ông, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm làm trợ giảng. Sau trường có bổ sung hai giảng viên là Nguyễn Văn Tỵ và Nguyễn Sỹ Ngọc.

Khóa học này đặc biệt còn bởi sự tương đồng và khác biệt hiếm có giữa các sinh viên với nhau và giữa sinh viên với giảng viên. Có sinh viên khi học đã 33 tuổi (Trần Dư), có sinh viên chỉ 16 tuổi (Ngô Mạnh Lân). Có người đã lập gia đình, có người vừa rời vòng tay gia đình. Họa sĩ Lê Lam, Trịnh Thiệp, Ngô Tôn Đệ, Trần Đông Lương… khi đó đã là đảng viên. Nhưng mọi khoảng cách sau 4 năm học đều được rút ngắn. Các học viên cùng vượt gian khó, đều trở thành những tài năng của nghệ thuật Việt Nam.

Vượt gian khổ để cống hiến




Tác giả Đào Mai Trang chia sẻ, đây là lần đầu tiên chị nghiên cứu sâu về lớp họa sĩ Việt Nam thế hệ trước. Điều này có được nhờ sự ủng hộ của Quỹ Kim Long - được tổ chức nhằm hỗ trợ phát triển văn hóa, giáo dục, y tế…

Tác giả đã có hành trình tìm đến bạn bè, gia đình các họa sĩ khóa học này, trò chuyện và chia sẻ để hé mở với công chúng về một giai đoạn nghệ thuật nhiều lý thú của từng họa sĩ tài năng, cá tính, khao khát sáng tạo. Tác giả đánh giá về vai trò lịch sử của khóa học này: Các họa sĩ đã tham gia hoạt động kháng chiến cứu quốc, đưa mỹ thuật đến với nhân dân. Họ cũng là những nhân tố xây dựng ý thức về vai trò của nghệ thuật, ý nghĩa cách mạng và tinh thần phản kháng của nghệ thuật thông qua những tác phẩm cụ thể.

Ngay khi còn là sinh viên, các họa sĩ đã đóng vai trò chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền phong trào cách mạng, ủng hộ kháng chiến. Họ trở thành những ký giả của thời đại và lịch sử thông qua mỹ thuật. Họa sĩ Lê Lam có hàng nghìn bức ký họa và tranh khổ lớn về phong cảnh, đời sống, cuộc chiến đấu, chân dung chiến sĩ, người dân miền Nam trong kháng chiến. Họa sĩ Đặng Đức tham gia kháng chiến bằng các bức ký họa, màu nước, mực nho về miền Trung… Họa sĩ Trịnh Thiệp, Trịnh Kim Vinh, Nguyễn Thế Vỵ trở thành người thầy, góp phần cho sự nghiệp giáo dục mỹ thuật nước nhà. Và hầu hết các họa sĩ đều có tác phẩm ghi lại vẻ đẹp vĩnh cửu của quê hương, con người Việt Nam. Ví như bức tranh cô gái tuyệt đẹp được dùng làm bìa cuốn sách "Họa sĩ khóa Kháng chiến" chỉ đơn giản là hình vẽ trên nắp chiếc máy chữ của họa sĩ Lưu Công Nhân, hiện là tài sản riêng của gia đình cố họa sĩ mà tác giả Đào Mai Trang may mắn được tiếp cận. Trong cuốn sách vừa ra mắt, 255 bức ảnh của họa sĩ Tô Ngọc Vân và các học trò của ông đều đẹp, phần lớn nằm trong khối tư liệu của các gia đình, chưa từng được công bố.

Tác giả Đào Mai Trang kể rằng, trong câu chuyện với những sinh viên khóa Kháng chiến, từ được nhắc đến nhiều là “đói” và “thiếu thốn”, nhưng họ vẫn vượt qua tất cả để sống và cống hiến. Đến nay, có hai người được phong hàm Phó Giáo sư là họa sĩ Ngô Mạnh Lân (trong lĩnh vực điện ảnh) và họa sĩ Trịnh Kim Vinh (trong lĩnh vực mỹ thuật). Bảy người đã được phong tặng hoặc truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Riêng trong lĩnh vực điện ảnh, có hai người được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân là Ngô Mạnh Lân và Đào Đức, hai người được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú là Ngọc Linh, Mai Long…

Còn rất nhiều câu chuyện đáng nhớ về sinh viên của khóa học này mà có lẽ cuốn sách nói trên mới chỉ là phác họa bước đầu.


Yên Nga

Báo Hànộimới >> VĂN HÓA - 06:41 Thứ Sáu ngày 22/09/2017