TRƯỜNG MỸ THUẬT VIỆT NAM (1950-1957) -. saigonantique

TRƯỜNG MỸ THUẬT VIỆT NAM (1950-1957)

saigonantique




(HNM) - Khóa học chính thức đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) được gọi là khóa Kháng chiến bởi diễn ra trong giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp (1950-1954). Mới đây, trong cuốn sách "Họa sĩ khóa Kháng chiến", tác giả Đào Mai Trang đã mở ra cho công chúng bao điều còn ít biết về những gương mặt hội họa có mặt trong khóa đào tạo này.

Cách mạng tháng Tám thành công, ngay từ buổi đầu biết bao khó khăn của chính quyền non trẻ, nhưng ngày 10/8/1945 Bộ Quốc gia giáo dục của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra nghị định thành lập một số trường đại học và cao đẳng. Trường Cao đẳng mỹ thuật vinh dự là một trong tám trường đầu tiên. Họa sỹ Tô Ngọc Vân được giao trọng trách hiệu trưởng. Các giảng viên gồm có họa sỹ Tô Ngọc Vân (dạy Hình họa), họa sỹ Nguyễn Khang dạy (Bố cục) họa sỹ Hoàng Tích Chù (dạy trang trí). Có 13 người thi đỗ, nhưng chỉ có 12 người nhập học, trường khai giảng vào tháng 10 và chỉ học đến ngày toàn quốc kháng chiến.

Kháng chiến bùng nổ, chính quyền cách mạng phải rút lên chiến khu, Trường Cao đẳng Mỹ thuật không có điều kiện tiếp tục hoạt động. Nhưng mong ước về một ngôi trường mỹ thuật Việt Nam cho người Việt Nam luôn cháy bỏng trong họa sỹ Tô Ngọc Vân. Kháng chiến bước sang năm thứ 5, thế và lực của ta đã khác, vùng chiến khu của ta được mở rộng hơn. Sau những cố gắng, nỗ lực thuyết phục của họa sỹ Tô Ngọc Vân với các vị lãnh đạo, một ngôi trường mỹ thuật trong hoàn cảnh kháng chiến đã ra đời.

Tại vùng chiến khu nơi núi cao rừng thẳm, Trường Cao đẳng Mỹ thuật đã chính thức khai giảng vào tháng 9 năm 1950. Ba tháng sau, theo nghị định số 605 – ND của Bộ quốc gia giáo dục ký ngày 28/12/1950, trường Cao đẳng mỹ thuật bị đổi tên thành trường Mỹ thuật Trung cấp. Tên gọi này duy trì đến năm 1957. Các vị hiệu trưởng của giai đoạn này là họa sỹ Tô Ngọc Vân (từ 1950 đến 1954), họa sỹ Trần Văn Cẩn (từ 1954 đến 1957)


1. Giai đoạn 1950 – 1954




Sau chiến dịch Thu – Đông năm 1950, cuộc kháng chiến đã bước sang một trang mới, vùng chiến khu đã rộng mở. Đối tượng tuyển sinh của trường là người dân sống ở vùng kháng chiến và một số cán bộ chiến sỹ. Trường tổ chức được hai đợt tuyển sinh. Đợt I ở Yên Dã (Đại Từ – Thái Nguyên) tuyển được 10 người, đợt II ở Gia Diễm (ấm Thượng, Phú Thọ) tuyển được 12 người và có thêm 03 người được đặc cách không phải qua tuyển sinh. Các thí sinh phải thực hiện bài thi Hình họa, Trang Trí. Đi theo đường hướng “Văn hóa hóa kháng chiến – kháng chiến hóa văn hóa”, theo phương châm “kháng chiến – kiến quốc” của chính phủ, với phương thức “học trong cuộc sống”, nhà trường học tập và giảng dạy gắn liền với thực tế của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Trong lễ khai giảng ngày 1/9/1950, họa sỹ Tô Ngọc Vân đã khẳng định đường lối nghệ thuật dưới mái trường kháng chiến
“…Bằng cách đem hội họa phụng sự nhân dân, làm đẹp cuộc đời của nhân dân, hướng dẫn để nâng cao trình độ thưởng thức hội họa của nhân dân. Đứng trên lập trường ấy, chúng ta ghi câu khẩu hiệu: Hội họa là một công tác. Người vẽ là một cán bộ. ở đây, chúng ta đồng tình với những bậc tiền bối danh sư của hội họa cổ điển, đem nghệ thuật mà phục vụ một đạo. Nhưng, cái đạo của chúng ta là đạo làm người của nhân dân”.

Đây là khóa học “chính quy” của nền giáo dục non trẻ, nhưng do hoàn cảnh thời chiến phải tổ chức dạy và học trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cùng với cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, trường đã di chuyển tới ba lần. Từ Yên Dã (Đại Từ – Thái Nguyên) đến Nghĩa Quân (Lương Bằng – Phú Thọ) và điểm dừng chân cuối cùng ở An Phú (ấm Phước / La Quán (Yên Bình – Tuyên Quang). Những lớp học trong rừng, sinh viên ăn ngủ ở nhà dân là dấu ấn không phai nhòa trong tâm trí các sinh viên. Những bài giảng biến thành những cuộc trò chuyện trong những đợt hành quân, trong lúc nghỉ chân ven đường trong chuyến đi công tác thâm nhập vào thực tế. Bữa cơm lúc no lúc đói, sinh hoạt nhiều thiếu thốn, điều kiện họa phẩm lại càng khó khăn. Trong một hoàn cảnh có một không hai ấy, thày trò trường Mỹ thuật Trung cấp đã chủ động vượt khó khăn, gian khó để thi đua dạy tốt và học tốt. Nhưng có lẽ được bao bọc bởi lòng dân, được sống cùng nhịp đập với kháng chiến trường kỳ của dân tộc, thày trò trường Mỹ thuật trung cấp đã để lại cho lịch sử mỹ thuật nước nhà những tác phẩm gắn bó máu thịt với dân tộc và nhân dân, phản ánh được khí thế hào hùng của dân tộc. Bắt đầu từ đây, người nghệ sỹ dấn thân vào vai trò người cán bộ mỹ thuật- cán bộ văn hóa. Mỹ thuật kháng chiến đã đoạn tuyệt với cái tôi cảm xúc cá nhân của người nghệ sỹ để hòa mình vào dòng chảy cách mạng của dân tộc.

Chương trình học của khóa kháng chiến khá đơn giản, với các môn học như Hình họa, Ký họa, Trang trí, Bố cục trong năm học đầu. Năm học sau chuyên khoa chủ yếu là tranh khắc gỗ và in đá (li-tô). Nghiên cứu hình họa không có mẫu chuyên nghiệp để có thể nghiên cứu sâu về hình thể, thế dáng nhân vật. Nhưng bù lại, do nhu cầu nhiệm vụ, các sinh viên khóa kháng chiến thường xuyên phải vẽ các cá nhân điển hình, những nhân vật tích cực trong các phong trào sản xuất, chiến đấu ở các địa phương. Mỗi bức vẽ như thế đòi hỏi người vẽ nhiều tình cảm hơn và cũng qua đó làm phong phú vốn sống bản thân của người nghệ sỹ.





Danh sách giảng viên cơ hữu của trường gồm có: họa sỹ Tô Ngọc Vân (hiệu trưởng), họa sỹ Trần Văn Cẩn, họa sỹ Nguyễn Khang, họa sỹ Nguyễn Sỹ Ngọc, họa sỹ Bùi Trang Chước, họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm, giảng viên mời có các thầy: KTS Nguyễn Cao Luyện, KTS Tạ Mỹ Duật, KTS Hoàng Như Tiếp và nhà sử học Đào Duy Anh. Trong những tên tuổi các giảng viên vừa nêu trên, duy nhất có họa sỹ Tô Ngọc Vân là giáo sư của trường Mỹ thuật Đông Dương. Không có giáo trình, giáo án, những kiến thức trong nhà trường vì thế ít mang tính hàn lâm kinh điển. Phương thức giảng dạy là những trao đổi ân cần, thân mật. Thầy trò sống với nhau như anh em một nhà. Trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy, các sinh viên tiếp nhận từ người thầy không chỉ là những kiến thức nghề nghiệp mà hơn hết thảy là một tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật, một ý thức lớn lao về trọng trách của người cán bộ văn hóa. Môi trường đào tạo ở chiến khu có nhiều hạn chế nhưng những kết quả đào tạo đã khẳng định tính hiệu quả của các phương pháp giáo dục tích cực lấy người học làm trung tâm. Họa sỹ Tô Ngọc Vân thực sự đã vượt lên trên cách hiểu công thức về chủ trương đào tạo ra các “cán bộ mỹ thuật” đương thời, phương pháp giáo dục của ông đã truyền thừa được những giá trị tinh hoa của trường Mỹ thuật Đông Dương. Một trong những giá trị cốt lõi đó là phát huy cá tính nghệ sỹ, những tiềm năng sáng tạo của từng sinh viên. Đó là điều không hề đơn giản trong trong hoàn cảnh thời chiến. Tuy chưa thực hiện chế độ xưởng họa nhưng ở khóa Kháng chiến đã hình thành hướng đào tạo phân các nhóm sinh viên. Mỗi nhóm sẽ do từng giáo viên chính đảm nhiệm. Đây cũng là lý do góp phần tạo nên sự đa dạng các phong cách nghệ thuật sau khi ra trường của các sinh viên.

Theo đường lối Dân tộc – Khoa học – Đại chúng, áp dụng phương pháp học tập kết hợp với công tác, học trong công tác, lấy nhân dân lao động làm đối tượng phục vụ. Trong ba năm học, các sinh viên đã tổ chức được 6 cuộc triển lãm chính. Những cuộc triển lãm này không phải ở trong các bảo tàng, gallery, khách sạn, mà nó đến trực tiếp tới người dân trong các hoạt động chính sách, những cuộc vận động lớn của Đảng và chính phủ.





Điểm qua một số cuộc triển lãm:
1951. Tại Tuyên Quang, bày 50 bức tranh ký họa và cổ động tham gia cuộc vận động thi hành chính sách tạm vay (chính phủ tạm vay thóc vụ chiêm của nông dân).
1951. Tại Tuyên Quang và Yên Bái một cuộc triển lãm lưu động hưởng ứng đại hội liên hoan thành niên thế giới tại Berlin
1951. Tại Chiêm Hóa các sinh viên tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Trong lễ khai mạc, họa sỹ Tô Ngọc Vân phát biểu: “triển lãm này, ý thức phục vụ thật rắn rỏi, cái tình phụng sự thật đằm thắm”, câu nói đó cũng đúng khi dành cho các tác phẩm của các sinh viên.
1952. Tham gia cuộc vận động sản xuất và tiết kiệm với một số tác phẩm tiêu biểu như:
“Ông Bình giồng lạc”, “Chống rét cho trâu bò của Nguyễn Trọng Kiệm
“Tổ đổi công của ông Liên” , của Lưu Công Nhân
“Anh Lê Đức Liên” của Ngô Minh Cầu.
1953. Nhà trường tổ chức sáng tác bốn truyện tranh về các anh hùng như Nguyễn Thị Chiên, Ngô Gia Khảm, La Văn Cầu, Hoàng Anh, Henri Martin.





Năm 1953, do hoàn cảnh kháng chiến trường kết thúc khóa học không có nghi thức bế giảng, các sinh viên và giảng viên theo yêu cầu nhiệm vụ trên giao lần lượt lên đường. Kết thúc khóa học, họa sỹ Tô Ngọc Vân đi tham gia chiến dịch và hy sinh trên đường làm nhiệm vụ.



2. Giai đoạn 1954 -1957




Năm 1954, chiến dịch Điện Biên phủ toàn thắng, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Trong ngày vui lớn của dân tộc, ngành mỹ thuật, trường Mỹ thuật Trung cấp chịu một tổn thất lớn lao là sự ra đi của thầy Tô Ngọc Vân, vị hiểu trưởng đầu tiên của mái trường kháng chiến. Để kịp thời bổ sung nguồn cán bộ mỹ thuật cho công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước ở miền Nam, trường tiếp tục tuyển sinh các khóa trung cấp ngắn hạn 2 năm. Khóa học ngắn hạn mang tên “Tô Ngọc Vân” để tưởng nhớ tới người Thầy đáng kính của nền mỹ thuật cách mạng đã đào tạo một thế hệ các họa sỹ giảng viên kế tiếp vững vàng đảm đương những nhiệm vụ quan trọng được nhà nước và nhân dân giao phó. Trường Mỹ thuật trung cấp từ chiến khu về Thủ đô được bổ xung lực lượng các họa sỹ đã tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương như Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Trọng Hợp, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Đức Nùng, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Thị Kim, Phạm Văn Đôn…





Với bảy năm tồn tại mang tên gọi rất kiêm tốn là trường Mỹ thuật Trung cấp, trường đã đào tạo được …sinh viên. Trong triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ 6 tại Nhà hát Lớn năm 1954 có rất nhiều tác phẩm của sinh viên khóa kháng chiến từng trưng bày ở Thái Nguyên cùng năm đó. Sự lớn mạnh vượt bậc của đội ngũ thầy trò trường Trung cấp đã góp phần thúc đẩy việc thành lập trường Cao đẳng mỹ thuật Việt Nam năm 1957.







Nguồn: www.mythuatvietnam.edu.vn


saigonantique

Saigon Antique >> KHẢO CỨU >> TRƯỜNG MỸ THUẬT VIỆT NAM (1950-1957) -



Xin mời xem:
Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - Wikipedia tiếng Việt.
Trường cao đẳng mỹ thuật Đông Dương. Hanoi (1925) - Organisation - BnF Bibliothèque nationale de France (French National Library)