Thăng trầm biếm họa Việt Nam
02:00:00Thăng trầm biếm họa Việt Nam
Lê Thủy
Chặng đường dài gần một thế kỷ của biếm họa Việt Nam gắn chặt với báo chí, với thăng trầm của đời sống xã hội. Nhiều họa sỹ biếm họa đã để lại không ít dấu ấn.
Tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội vừa diễn ra triển lãm 80 năm biếm họa Việt Nam, giới thiệu lịch sử thăng trầm của biếm họa nước ta qua bộ sưu tập tranh của họa sỹ Lý Trực Dũng. Nhân dịp này, cuốn sách Biếm họa Việt Nam cũng được giới thiệu, mang đến cái nhìn khái quát và sinh động về “làng cười Việt”.
Nguồn tư liệu lịch sử trung thực
Khi báo chí quốc ngữ ra đời được 60 năm, tranh biếm họa mới lần đầu tiên xuất hiện trên các tuần báo LOA, Phong hóa, Ngày nay… Theo họa sỹ Lý Trực Dũng, người Việt Nam đầu tiên có tranh biếm họa được đăng báo là Nguyễn Ái Quốc, trên tờ Le Paria (Người cùng khổ). Nguyễn Ái Quốc tham gia vẽ biếm họa cũng như phần lớn họa sỹ biếm họa trên thế giới, không qua trường lớp và xuất thân từ đủ mọi tầng lớp xã hội, như kỹ sư, thầy thuốc, thợ cơ khí, chính khách... Biếm họa của Người thuộc biếm họa chính trị. Hiện 7 bức tranh biếm họa của Người vẫn được lưu giữ, như: Văn minh bề trên, Triển lãm thuộc địa, Vi hành... tất cả đều đề cập trực diện đến những vấn đề thời sự quốc tế nóng bỏng lúc bấy giờ là thực dân, áp bức, nô lệ, nô dịch văn hóa... Các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc chứng tỏ biếm họa chính là nguồn tư liệu lịch sử trung thực, quý báu.
Trong thập kỷ 30 - 40 của thế kỷ XX, khi biếm họa bắt đầu xuất hiện trên báo chí, một số họa sỹ chuyên nghiệp được đào tạo tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã bắt tay làm báo. Nhiều người sau này trở thành danh họa, trong đó có Nguyễn Gia Trí (bút danh Rigt) và Tô Ngọc Vân (Tô Tử). Nguyễn Gia Trí vẽ nhiều tranh biếm họa, nhưng ông trở thành họa sỹ biếm họa bậc thầy chính là nhờ những tranh biếm họa chính trị, xã hội đầy góc cạnh, bày tỏ thái độ trực diện, được đăng nguyên cả khổ lớn trên trang bìa Phong hóa và Ngày nay. Cùng xuất hiện trên 2 báo trên là tranh biếm họa của Tô Ngọc Vân. Tuy nhiên, đề tài của ông phần lớn là những vấn đề thời sự, xã hội, chuyện cơm áo gạo tiền sát sườn với cuộc sống thường nhật của người dân.
Thời kháng chiến chống Pháp, tranh biếm họa chủ yếu có 2 màu đen - trắng, hình họa chân phương, không quá cường điệu và thường có lời kèm theo, với mục đích tạo tiếng cười sảng khoái, góp phần đánh bại thực dân Pháp, giải phóng đất nước. Ngay từ đầu, một số báo cách mạng như Sự thật, Toàn dân kháng chiến, Vệ quốc quân, Quân du kích… đã đăng tranh biếm họa. Bằng tài năng và lòng yêu nước, nhiều cựu sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã trở thành những họa sỹ biếm tiên phong. 3 họa sỹ nổi tiếng nhất thời kỳ này là Phan Kích (Phan Kế An) với nhiều tranh đả kích sâu sắc, có tầm chiến lược về chiến cuộc; Mai Văn Hiến với những tranh biếm họa nhân văn; và Nguyễn Bích với tranh biếm họa đầy chất chiến đấu... Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tranh biếm họa vẫn tiếp tục đóng vai trò là vũ khí chiến đấu. Trong đó, nổi bật là các tác phẩm của họa sỹ Võ An Lai, Chóe (Nguyễn Hải Chí) - người sau này được tờ New York Time của Mỹ đánh giá là 1 trong 8 họa sỹ biếm họa hàng đầu thế giới thập niên 1970.
Đến thời kỳ đổi mới, không thể không kể đến những đóng góp quan trọng của biếm họa, hấp dẫn và sâu sắc từ đầu những năm 1980. Cũng có thể gọi đó là thời kỳ vàng son của biếm họa sau 1975, mà tiêu biểu là tranh biếm họa đăng trên các báo Văn nghệ, Lao động... được nhân dân cả nước chờ đón.
Thể loại “báo chí nghệ thuật”
Trong nền báo chí thế giới, dù nhân loại phải trải qua những biến động xã hội dữ dội, đặc biệt trong thế kỷ XX, biếm họa vẫn giữ một vị trí trang trọng trong lịch sử phát triển mỹ thuật nói chung. Đó là thể loại “báo chí nghệ thuật” đặc thù, nằm giữa đường biên giao nhau của mỹ thuật và báo chí. Không phải ngẫu nhiên mà ở châu Âu người ta xếp họa sỹ biếm vào giới trí thức.
Biếm họa trên thế giới hiện rất phong phú, đa dạng. Có nhiều bảo tàng dành riêng cho biếm họa và cũng không ít bộ sưu tập tư nhân đặc sắc về tranh biếm họa. Hàng năm có tới hàng chục cuộc thi biếm họa quốc tế, tiêu biểu nhất là Liên hoan Biếm họa quốc tế ở Bỉ, năm 2011 tròn 50 năm tuổi... Tuy nhiên, vẽ biếm họa là một nghề nguy hiểm. Thế kỷ XIX, Honere Daumier (1808 - 1879), họa sỹ lớn của Pháp, vì một bức tranh giễu cợt vua Louis Philippe mà bị bỏ tù 6 tháng. Trong thế kỷ XX, không ít họa sỹ biếm là nạn nhân của chế độ quân chủ hoặc độc tài.
Biếm họa Việt Nam do những điều kiện đặc thù, không thể so sánh với bề dày của biếm họa thế giới, nhưng cũng từng có những thời kỳ vàng son. Trong kháng chiến chống Pháp, tranh biếm họa được trân trọng sử dụng và đánh giá cao. Các triển lãm mỹ thuật toàn quốc đều có sự tham gia của tranh biếm họa, nhiều lần biếm họa được tặng thưởng giải Nhất, như triển lãm mỹ thuật toàn quốc các năm 1946, 1950, 1953, 1957... Nhưng sau đó, biếm họa bị gạt khỏi triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Từ năm 1975 đến nay, chưa có triển lãm biếm họa quy mô toàn quốc. Theo PGs.Ts Nguyễn Đỗ Bảo, các họa sỹ biếm họa đang không ở đúng vị trí, nên chưa phát huy được tài năng. Trong 5 năm vừa qua, Hội Mỹ thuật Việt Nam không đầu tư, không tổ chức trại sáng tác cho biếm họa. Đây là thiếu sót lớn của mỹ thuật Việt Nam... Hơn thế, tranh biếm họa cần được lên mặt báo, đóng góp tiếng cười và làm thiên chức phê phán, góp phần hoàn thiện xã hội.
Lê Thủy
Nguồn: Đại biểu Nhân dân - 07:38 | 23/03/2011
0 comments: