Nguyễn Mạnh Phúc và Bộ sưu tập biếm họa
03:30:00Nguyễn Mạnh Phúc và Bộ sưu tập biếm họa
Theo Thể thao và Văn hóa
1. Đây là bức tranh của danh họa Nguyễn Gia Trí được in trên trang nhất bìa báo Ngày nay thời Pháp thuộc (số 116 năm 1938):
Tin các báo: Chính phủ (tức chính phủ bảo hộ Pháp-NV) sẽ phát trâu bò và lợn cho các làng, rồi rút thăm xem ai trúng sẽ được nuôi chứ không được ăn thịt hay bán lại.Thế nên trâu mới nằm trên phản phía trên treo màn trướng như một ông chủ, con thì cầm quạt, quạt đít trâu, vợ thì bưng máng cho trâu ăn, còn ông chồng chầu hẫu bên ấm nước đun cho trâu uống.
Tuy khuôn khổ chỉ nhỉnh hơn tờ A4 một chút, nhưng có thời các biếm họa của Việt Nam đã có được một vị trí trang trọng như vậy. Các vấn đề của thời sự xã hội được đề cập một cách trực diện qua nét vẽ của các bậc thầy.
Là người sưu tập chủ yếu các tác phẩm của các bậc thầy Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc đã không bỏ qua mảng tranh biếm hoa vô cùng sinh động này.
Sở hỏa xa Đông Dương lập đàn dâng lễ hình nhân thế mạng.
Gần hai chục bức biếm họa được đăng trên trang nhất báo Ngày nay chủ yếu là của Nguyễn Gia Trí (bút danh RIST), một vài tác phẩm của Tô Ngọc Vân (Tô Tử) được vẽ trong khoảng những năm 1936-1939 đã được ông lưu giữ một cách cẩn thận. Mặc dù không phải là bản gốc, nhưng đây là một bộ sưu tập có giá trị, cho thấy một góc nhìn khác của các họa sĩ cận đại của mỹ thuật Việt Nam ngoài những tác phẩm sơn dầu, sơn mài đã làm rạng danh tên tuổi họ.
Được xem là một nghề tay trái để phụ giúp cho việc mua họa phẩm của một giai đoạn khốn khó, đa phần các họa sĩ Việt Nam giai đoạn này đều chọn công việc khá thích hợp là vẽ bìa, minh họa và vẽ tranh đả kích biếm họa cho các báo. Tuy chỉ là một nghề "câu cơm" nhưng họ cũng đã bỏ vào đấy không ít những tâm huyết. Người ta có thể biết nhiều đến một Nguyễn Gia Trí với những tác phẩm vàng son lộng lẫy đầy lãng mạn với các cô thiếu nữ trong vườn xuân Bắc Trung Nam, nhưng lại ít biết đến hơn một con người khác của ông trong những tranh biếm họa sâu sắc.
Đề cập đến vấn đề tự do báo chí thời thuộc Pháp được ông ví như một con chim đại bàng bay cao với hai cái chân bị trói vào cái gốc cây cụt; sự đoàn kết của báo chí thời Pháp thuộc thì được ông ví như một buổi lễ hội mọi người nhảy múa tưng bừng, nhưng trong đám đông ấy những cái chân lại luôn ngáng nhau; hay làng báo làm "lễ cầu mát" với 3 ông quan hình bằng giấy và một bản báo cáo dài dằng dặc.
Ngoài ra, nhiều tác phẩm của Nguyễn Gia Trí dường như còn có giá trị đến ngày nay, như vấn đề giao thông: ông vẽ bức cầu yên: "Vì thấy tai nạn thường xảy ra, chúng tôi xin hiến Sở hỏa xa Đông Dương một ý kiến hay: lập đàn dâng lễ hình nhân thế mạng!" với những nhân vật bằng giấy và một lễ cúng âm hồn ngay trên đường tàu.
2. Có lẽ do thấy được giá trị lâu dài của tác phẩm biếm họa mà ông Nguyễn Mạnh Phúc đã bỏ công sưu tầm.
Nguyễn Mạnh Phúc là một nhà nhiếp ảnh, đồng thời là Chủ nhiệm CLB Giao lưu Mỹ thuật quốc tế. Ngoài sưu tập hội họa, tổ chức các triển lãm, ông còn là một sứ giả mang văn hóa Việt Nam ra thế giới. Ông đưa một loạt tác phẩm hội họa Việt Nam đương đại sang giới thiệu tại Hàn Quốc (1998), Na Uy (2000)... Hiện bộ sưu tập của ông gồm khoảng 300 tác phẩm điêu khắc và hội họa của các họa sĩ tên tuổi trong nước và các họa sĩ quốc tế...
Ông chia sẻ: Đối với mỗi loại hình nghệ thuật nó sẽ phản ánh một góc nhìn khác của người họa sĩ. Biếm họa hay minh hoạ, ký họa là những mảng quan trọng bổ sung cho những tác phẩm hội họa để đời của họ. Những tác phẩm như thế cũng có thể xem như một cuốn nhật ký thời sự của chính các họa sĩ, mà qua đó bộc lộ thái độ của giới văn nghệ sĩ nói chung, hoặc được xem là thái độ của một công dân đối với tình hình thời cuộc dưới con mắt biếm. Nếu cái lãng mạn là cần thiết phù hợp với lý tưởng thẩm mỹ cận đại, thì yếu tố chiến đấu lại cần thiết cho những bức biếm.
Không chỉ để kiếm tiền, thời bấy giờ các họa sĩ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã biết dùng ngòi bút để nói lên chính kiến của mình trong xã hội thực dân hồi đó. Qua những tác phẩm của họ còn cho thấy một lòng tự tôn dân tộc rất lớn.
Tự do báo chí thời cuộc Pháp.
Bây giờ, chúng ta phải tiếc nuối cho một thời mà những bức tranh biếm họa được đăng tải chiếm trọn một trang báo như vậy, bởi bằng ngôn ngữ hội họa sử dụng nét là chính, nó có tác dụng còn mạnh hơn cả những dòng tít báo được "giật" rất lớn, hoặc hình ảnh của các cô gái trang bìa ít nhiều vô vị. Cái ẩn ý của các nét vẽ kiệm lời còn giá trị nhiều hơn là những câu "chua theo" để mỗi người xem tự ngẫm mới ra cái thú vị, còn cơ quan hữu trách nhìn vào đó mà phải có phương án giải quyết.
Ngoài các bức biếm họa của Nguyễn Gia Trí, trong bộ sưu tập của ông Nguyễn Mạnh Phúc còn có một mảng khác cũng ít nhiều thú vị đó là tranh biếm của Bùi Xuân Phái vẽ chân dung các bạn bè của mình. Tuy không đặt ra vấn đề xã hội nhưng Bùi Xuân Phái đã dùng ngòi bút biếm để lột tả tính cách con người. Như bức tranh thể hiện cái trán quá khổ của "ông đồ" Vũ Đình Liên, hay bộ dạng hề chèo của nhiếp ảnh Trần Văn Lưu... Những tác phẩm biếm này không phải để cho vui mà còn cho thấy tấm lòng chân thật của những người bạn nghệ sĩ đối đãi nhau. Thế mới biết biếm họa có nhiều giá trị hơn là những mẩu tranh chỉ để giải trí lúc "công nhàn". Và người vẽ biếm cũng phải là người có cái nhìn sắc sảo, chọn lọc hình ảnh sao cho đắt, cho trúng để lột tả vấn đề.
Theo Thể thao và Văn hóa
Nguồn: Báo Nhân Dân - Thứ Sáu, 17/09/2010, 13:23:00
0 comments: