Danh họa Tô Ngọc Vân và tranh biếm về những sự kiện "nóng"

Danh họa Tô Ngọc Vân và tranh biếm về những sự kiện "nóng"

Lý Trực Dũng
(TT&VH Online) - Họa sĩ Tô Ngọc Vân, sinh năm 1906 ở Hà Nội, là một nhân cách lớn. Người khi sinh thời được thầy của mình khen ngợi, đồng nghiệp đánh giá cao, học trò kính phục. Ông mất ngày 17/6/1954 khi mới 48 tuổi, trên đường ra mặt trận Điện Biên Phủ.

Một cái chết bi hùng theo nghĩa “xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Nhà nước đã tôn vinh ông bằng những phần thưởng cao quý nhất: Giải thưởng Hồ Chí Minh lần thứ nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất...

Với cương vị là thầy giáo dạy vẽ ở trường Bưởi, giáo sư của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Việt Bắc, ông đã có ảnh hưởng lớn đến một loạt họa sĩ có tên tuổi của Việt Nam...

Thiếu nữ bên hoa huệ (1943) [sưu tầm trên mạng (sttm)]


Những bức tranh sơn dầu về đề tài phụ nữ thị thành của ông trước 1945 mang dấu ấn Hậu ấn tượng cho đến nay vẫn làm mê hồn người xem mà tiêu biểu là bức Thiếu nữ bên hoa huệ. Cả ngàn tranh ký họa trong kháng chiến chống Pháp của ông là một tài sản vô cùng quý giá về nghệ thuật và lịch sử...

“Biên” hoạt động nghệ thuật của ông rất rộng: hội họa, đồ họa, minh họa, lý luận... và cả biếm họa cho hai tờ báo nổi tiếng của Tự lực Văn đoàn là Phong HóaNgày Nay. Rất nhiều tranh biếm họa của ông được đăng nguyên trên trang bìa hoặc đăng nguyên cả một trang khổ lớn của báo.

Đặc biệt mục Cuốn sổ tay của ông là một hình thức biếm họa nhiều kỳ nhưng không có một nhân vật cụ thể mà về những sự kiện “nóng” ở khắp mọi miền đất nước, từ hình sự, các vụ bê bối, bi hài... Với nét vẽ rất chắc, tay nghề cao, phần lời ngắn gọn, khá đắt, biếm họa của ông được nhiều người ưa thích...

Bức tranh ở Bắc Giang, ông con làm nghề thiến lợn thiến bố vì nghi bố tòm tem với vợ của mình!



Con làm nghề thiến lợn thiến bố vì nghi bố tòm tem với vợ mình

Ở Hải Dương, lý trưởng Thuận đập đầu ăn vạ vì không được ăn thêm phần xôi thịt...
Báo Ngày Nay số 183 - 14/10/1939, Trang 04.

Bạn đọc cứ háo hức mong chờ xem số báo tới có vụ gì xảy ra ở mục Cuốn sổ tay...

Tô Ngọc Vân cũng có chùm tranh độc đáo Tìm cảm hứng, diễn cảnh bi hài của nhà văn, nhà báo... đi tìm cảm hứng.

Văn sĩ: Trong 5 ngày liền, bà chết chồng và 4 người con. Chuyện bà hay lắm! Nhưng nếu ông và 4 con bà cùng chết một ngày, thì chuyện bà sẽ cảm động hơn!

Phóng viên bị xe chẹt gẫy chân, tiếc vì quên mất cảm giác lúc bị chẹt để làm bài...tường thuật!
Báo Ngày Nay số 194 - 30/12/1939 Trang 16.

Đề tài biếm họa của Tô Ngọc Vân phần lớn là những vấn đề thời sự, xã hội, những chuyện cơm áo gạo tiền sát sườn với cuộc sống thường nhật của người dân. Nhưng thỉnh thoảng ông cũng vẽ tranh biếm họa chính trị khá nặng ký mà tiêu biểu là bức tranh Kém gì nhau! có tựa đề: Bên Tây, Ý, Á xung đột; bên ta, Lục, An khai chiến (Lục và An là tên hai nhân vật kéo bè kéo cánh giành giật, đấu đá nhau để giành chức Nghị trưởng thời Pháp thuộc). Bức tranh thể hiện cảnh hai ông Nghị ở hai chiến tuyến được phân cách bằng dây thép gai đang sử dụng pháo và cối hùng hổ nã vào nhau!


Hai ông Nghị thời Pháp thuộc "khai chiến" trong nghị trường


Báo Ngày Nay số 156 - 04/10/1935 trang 1.



Có thể khẳng định, họa sĩ Tô Ngọc Vân với bút danh Tô Tử đã đóng góp một phần quan trọng vào lịch sử phát triển của biếm họa Việt Nam những năm 30 thế kỷ trước.


Lý Trực Dũng
Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ THỂ THAO & VĂN HÓA - TTXVN - Thứ Ba, 21/07/2009 16:14