Tô Ngọc Vân vẽ địa chủ, và viết về việc vẽ địa chủ

Tô Ngọc Vân vẽ địa chủ, và viết về việc vẽ địa chủ

Giao Blog


Trên báo Văn Nghệ s. 75 ra ngày 20. 06. 1955, có bài của Tô Ngọc Vân. Thật ra là đăng một bài viết cũ của Tô Ngọc Vân.


Tên bài như sau:

Ý kiến trí thức, văn nghệ sĩ tham gia phát động quần chúng: Tô Ngọc Vân : Vẽ địa chủ (bài viết 10/3/54).

Cụ Vân đã từ trần năm 1954, nên đúng như báo Văn Nghệ đã mở ngoặc rằng, bài viết 10/3/54. Trước bài này, thì có một bài tưởng nhớ Tô Ngọc Vân do Nguyễn Hữu Đang viết.

Tư liệu dẫn trên là theo kết quả tra cứu của Lại Nguyên Ân.

(ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ 1954 - 1958 Ở MIỀN BẮC VIỆT NAM QUA BÁO CHÍ ĐƯƠNG THỜI)
Nguồn: Giao Blog - 04/10/2014



TÔ NGỌC VÂN viêt 1954:
VẼ ĐỊA CHỦ

FB LẠI NGUYÊN ÂN·
THỨ BA, 13 THÁNG 12, 2016

Đợt hai phát động quần chúng, tôi được đi tham gia. Đi để phục vụ nông dân đấu tranh và cũng để cải tạo mình trong nhiệm vụ đó. Vốn là chuyên môn họa nhưng làm công tác người đội viên đơn thuần của đội phát động. Khi đấu tranh đã thắng, đại hội liên hoan tổ chức, tôi mới có dịp sử dụng chuyên môn chung với mấy anh em cùng nghề, vẽ tranh triển lãm, diễn lại một vài khía cạnh qua quá trình tranh đấu.
Phần tôi có làm mấy bức họa. Riêng một bức được anh em nông dân khuyến khích. Sự khuyến khích này đã chuyển vào tâm thần tôi một khí hậu phấn khởi rồn rập. Những đề tài tôi tưởng tượng sáng tác trong phát động trước đây còn chập chờn mờ mỏng, thì nay bỗng vụt lên rõ rệt, thúc bách tôi đem màu sắc đẩy nó hiện hình trên tấm họa. Sư khuyến khích lại tô thắm, thêm duyên cho cái tình giữa người họa và anh em nông dân. Lòng tin ở sức phục vụ cho chuyên môn mình thấy cường tráng lắm.
Tôi công tác tại xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba. Bức tranh tôi nói trên tả một cảnh đấu trường ở đấy trình bày đóng khung vào hai nhân vật: bủ cố nông đang đấu và tên địa chủ phản động gian ác Đỗ Văn Hiện cúi gầm, quỳ gục dưới mắt bủ. Cảnh này đã đập vào xúc cảm tôi cực kỳ mạnh. Thằng Hiện, tôi nhìn chỉ có phảng phất bóng dáng con người. Đầu nó cúi, cái sọ trơn trọc hung hãn, hai tai nhọn hoắt như tai ác thú, quai hàm nó rộng bạnh ra, cánh tay thả xuống dài bằng chân, đôi mắt đỏ ngầu máu. Tâm hồn thú vật của nó tiết tỏa khắp thân hình.
Mãi hôm đấu tôi mới thấy nó, nhưng thực thì tôi đã “biết” nó từ lúc nông dân được phát động, đã chứng kiến con người thú vật ấy hiện nguyên hình dần dần, mỗi lúc một rõ thêm lên, qua những đêm và ngày tố khổ của anh em bần cố. Cánh tay dài kia đã quặp chiếc búa tạ đuổi theo chị người làm bị nó định hiếp nhưng vùng chạy được, thằng Hiện ném như thế nào tôi đã rõ. Miệng nó há ra thế nào để nốc từng lít rượu, quai hàm nó bạnh ra sao để hốc từng cân thịt ăn cướp của nông dân để rồi phun ra những giọng gian ác, phản động đối với kháng chiến, anh em bần cố đã chi tiết vẽ hộ tôi cả.
Rồi nhìn cánh đồng bao la, đồi chè liên tiếp thuộc nhà nó, tôi lại nhớ đến những mưu mô mánh khóe lươn lẹo thằng Hiện đã dùng để chiếm đoạt. Rồi khi ăn khi nằm cùng anh em bần cố mà quanh năm chỉ ngày tết mới được bữa cơm không độn, tôi lại càng nhìn thấy bàn tay tàn nhẫn của nó. Hình thù thằng Hiện, nhờ vậy, nhờ sự cảm thấy một phần cùng cực của anh em mà trở thành cụ thể trong óc tôi, và đêm hôm đấu, thoạt tiên trông thấy nó, tôi sửng sốt vì nó giống một cách lạ lùng với thằng Hiện tôi tưởng tượng.
Sự thống nhất này đã giúp tôi ghi lại nhân vật địa chủ được một phần nào giống. Anh em nông dân nhận thấy thế. Mới một phần nào thôi. Đường đi đến giống hoàn toàn, diễn thằng địch hay diễn anh em nông dân cũng vậy, giống được hoàn toàn, về phần tôi thấy mình còn phải qua nhiều cố gắng gian khổ.
Câu chuyện GIỐNG là tất cả một vấn đề nó không phải công việc ghi chép hình thức bên ngoài nhân vật thôi đâu. Không thông cảm với anh em nông dân nổi thì không “truyền thần” anh em được, mà cả thằng địch cũng không thể giống nốt. Và muốn thông cảm lại phải giải quyết một dãy vấn đề do bản chất tiểu tư sản nghệ sĩ, bị văn hóa đế quốc đầu độc của mình gây ra. Vấn đề của câu chuyện GIỐNG này, tôi cũng kết luận như các bạn trước mọi vấn đề khó khăn rằng đó là một vấn đề tư tưởng.
Nhưng khó khăn gì mà chẳng vượt. Bác bảo: có tín tâm quyết tâm là tất thắng. Anh em nông dân đã truyền cho tôi một lòng tin cường tráng. Và tôi đã quyết tâm.
10-3-1954
TÔ NGỌC VÂN
Nguồn: tạp chí VĂN NGHỆ, [việt bắc] s. 3 (tháng Ba 1954)
[Rút từ Sưu tập VĂN NGHỆ 1948-1954, tập 7: 1954, Hữu Nhuận sưu tầm, Lại Nguyên Ân biên soạn, Hà Nội: Nxb. Hội Nhà Văn, 2005, tr. 160-161]
GHI CHÚ: Tô Ngọc Vân hy sinh ngày 17/6/1954, chừng 03 tháng sau khi đăng bài này.

FB LẠI NGUYÊN ÂN - THỨ BA, 13 THÁNG 12, 2016
Khac Hoa La
Trong Hội họa, ông này lúc đầu "cãi" Trường Chinh, nhưng sau nhanh nhẩu đặt nền tảng cho HTXHCN, lấy "ca", "hịch", "thệ" làm phương thức diễn ngôn mà. Cứ xem "hà nội vùng đứng lên", Bác Hồ làm việc trong Bắc bộ phủ là thấy ngay thôi. Xin bác chia sẻ, giữ làm tư liệu.
Chu Văn Sơn
Cũng tội nghiệp! Hồi ấy nhận thức lý luận chắc không đơn giản chỉ là chân lý với ngụy lý mà là chân lý với quyền lực. Tiếc là, từ khuất phục quyền lực mà lí luận mỹ học đã đi đến chỗ đổi màu và đổi máu một cách hăng hái như thế này. Ngụy lý lại được cả tin là chân lý đến thế thì thương thật. Tiếc cho những nghệ sĩ chân tài đã bị đánh hỏng và cũng tự đánh hỏng nghệ thuật của mình !
Phạm Thu Huơng
Thời đó các cụ bị ảnh hưởng của mấy đợt Chỉnh huấn mà. Thảm lắm những Ng. Tuân, Thế Lữ, Tô Ngọc Vân, Ng. Công Hoan...
Khac Hoa La
Giờ so với hồi ấy, phỏng đã có gì hơn! Cứ xem người ta đấu tố các ứng cử tự viên tự do vào quốc hội, cứ xem các đồng chí văn nghệ sĩ Hà Nội công khai hoặc lặng lẽ tán thành chủ trương gạt đồng chí "Nguyên bạc" khỏi chức Hội trưởng, thì thấy nó vẫn giống y sì đấu tố địa chủ năm xưa thôi.
Phạm Thu Huơng
Phong trào sám hối của các văn nghệ sĩ năm 1951 buộc họ fải viết như vậy nếu vẫn muốn đứng trong đội ngũ. Nên có thể hiểu cho các cụ.
Lại Nguyên Ân
Theo tôi, tài liệu này đáng chú ý về mấy việc: 1/ Sự thành thực tin vào quan điểm giai cấp của nghệ sĩ; 2/ Sự thành thực đem tài năng nghệ thuật thể hiện niềm tin kể trên, đây là lý do để có những tác phẩm hội họa như của ông này và một số người khác. Còn thì, với thời gian, đã lộ ra rằng quan điểm kia là phi nhân, sắt máu ra sao, thì nghệ sĩ ấy không kịp thấy, vì ông chết khá sớm (không sống đến lúc phải sám hối hay cãi vã về sám hối). Tác phẩm nghệ thuật sản sinh ra hồi ấy, không phải bây giờ người ta vứt đi; cứ xem giới sưu tầm Tây sang đây tìm tranh cổ động VN, hệ thống hóa nó... thì biết. Chỉ cái quan niệm (phi nhân bản) xưa nhìn dưới ánh sáng tiến bộ bây giờ là tỏ ra lố bịch, đáng tởm mà thôi.
Nguyễn Quang Thân
"Thằng Hiện, tôi nhìn chỉ có phảng phất bóng dáng con người. Đầu nó cúi, cái sọ trơn trọc hung hãn, hai tai nhọn hoắt như tai ác thú, quai hàm nó rộng bạnh ra, cánh tay thả xuống dài bằng chân, đôi mắt đỏ ngầu máu. Tâm hồn thú vật của nó tiết tỏa khắp thân hình."
Theo các nhà động vật học, nếu con chó sói viết văn tả người nó cũng viết y chang như đoạn văn trên.
Phạm Thu Huơng
Văn nghệ sĩ phê bình và tự phê bình năm 51 mà chú, sau đó mới phát động CCRĐ và TNV viết bài này năm 54 mà. Truớc khi CCRĐ các văn nghệ sĩ đã qua đợt học tập phát động rồi nên khó có chuyện họ tin vào đấu tranh giai cấp một cách hoàn toàn thành thực và khách quan.
Vũ Thư Hiên
Thời bấy giờ nó thế. Nên có cái nhìn bao dung với những lầm lạc chân thật, những lời nói lên gân lập trường trong cơn lên đồng tập thể. Có người lầm thật sự, có người giả lên gân lập trường để được tồn tại. Chính tôi, trong chỉnh huấn cũng phải bịa ra vài khuyết điểm về lập trường giai cấp không hề có, để được yên thân ra về. Nhìn lại mà tởm cái thời không người nào có quyền được là mình.
Nguyễn Huệ Chi
Viết như doạn trích của Nguyễn Quang Thân phản ánh một sự thực là sự bối rối trong vô thức vốn không nhận diện ra "khuôn mặt thú" của "thằng Hiện" mà chỉ là tiếp nhận qua những lời tố của nông dân. Nhưng tâm của người viết thì "thành". "Thành" là bởi thuở bấy giờ người như TNV vẫn tin ở lãnh đạo, đúng hơn là "chưa nhìn rõ mặt". Đó là chỗ khác cơ bản với hôm nay.
Khac Hoa La
Anh ơi, cách nói "ngày ấy nghệ sĩ tuy nhìn đời bằng cái nhìn phi nhân, vô luân, nhưng "tâm thành" sẽ làm mờ đi tấn bi hài kịch của cả một thời đại - thời đại "đám đông đứng về phía lầm lạc", ngu muội, cả xã hội "lên đồng tập thể bằng lời nói" (giờ, lại lên đồng tập thể theo tiếng xủng xẻng của đồng tiền).
Nguyễn Huệ Chi
Khac Hoa La nói đúng. Nhưng cũng phải nhận ra một nét khác biệt: Cơn lên đồng tập thể thuở ấy, phần lớn trí thức đều mê - nghĩa là lên đồng thật. Còn bây giờ thì lên đồng giả, kẻ nào cũng rất tỉnh, giống như các bà đồng Kinh Kỳ mà anh đã xem chui mấy buổi hồi cuối những năm 80.
Khac Hoa La Vâng. "lên đồng bằng lời" bây giờ là giả, vì cánh này bận hầu đồng thật ở một đám khác, nơi tiền và quyền giữ vai đồng cô.
Nguyễn Quang Thân
Anh Nguyễn Huệ Chi ơi, ông Hs này có chức, những ông khác như cụ NP Chánh, ông Sáng v. v không thấy viết thế.
Khac Hoa La
Mỗi vị có đều có một chút dấu ấn của thời đó, anh Nguyễn Quang Thân ạ. Cụ Chánh, cụ Sáng không vẽ tranh theo thể "Hịch văn" (tố cáo, kêu gọi), thì vẽ những bức theo thể "ca thi" (Ơn đảng, ơn Bác). Anh xem "Kết nạp đảng trên Điện Biên" của cụ Sáng:
Và "Bữa cơm ngày mùa thắng lợi" của cụ Chánh đây
Người ta bảo, chỉ có "Con nghé quả thực" của cụ Nghiêm là có ý khác thôi
...các cụ này, nhất là cụ Nghiêm, hình như đều "nuốt nước mắt vào trong" mà theo thời anh ạ.
Nguyễn Huệ Chi
Nguyễn Quang Thân Cụ Chánh mà đến bây giờ vẫn chưa có tên đường sao? Còn TNV thì qua bài viết tranh luận với ĐTM và TC về nghệ thuật vị nghệ thuật năm 1948 tôi vẫn thấy ông ấy rất thành thật. Những bức tranh ông ấy vẽ về quang cảnh trên đường giặc Pháp đi qua, vẽ các cô gái khỏa thân, hình như khoảng 1950 thì phải, tôi cảm thấy ông ấy vẫn thích thỏa mãn cái đẹp cơ thể phụ nữ hơn là tố cáo tội ác của giặc. Cho nên thấy ông ấy chuyển biến tư tưởng vào thời CCRĐ tôi cứ nghĩ ông biến chuyển bằng cái "tâm thành" chứ không giả tạo, tất nhiên đó là bi kịch của người nghệ sĩ và trí thức. Ông bác tôi, khi nhìn thấy việc bắn bà NTN, nhất quyết xin thôi chức Thứ trưởng Bộ Y tế. Họ không cho về, ông vẫn xin về bằng được, đến nỗi ông PVĐ lấy làm ngạc nhiên, trực tiếp ghi vào lý lich, khen đấy là một người hoàn toàn không màng danh lợi. Rồi ông ấy rủ cả bố tôi và chú tôi cùng về (bố tôi và chú tôi lúc ấy đã làm khá chứ không nhỏ nữa, bố tôi là Chánh văn phòng LK ủy IV, nếu không về thì chắc sau hòa bình lên ngay Vụ trưởng hay có thể hơn). Vậy mà họ cùng nhau về hết. Và điều cỏn lạ hơn là tuy về nhưng khoảng 1961, tôi có hỏi ông bác thì ông nói ông vẫn tin ở Cụ Hồ, cụ không có tội trong CCRĐ. Bố tôi và chú tôi chắc cũng không nghĩ khác, tuy đều bị CCRĐ làm cho liểng xiểng. Cho nên điều anh nói vì Tô Ngọc Vân có chức nên động cơ tư tưởng có khác mấy họa sĩ khác, tôi chưa biết cái chức của Tô Ngọc Vân trong KC chống Pháp thì được những quyền lợi gì, nhưng tôi thầm đoán, chắc cũng chưa ai bám chức đến mất nhân cách như ngày nay. Có thể tôi sai vì kinh nghiệm sống thực tế không nhiều bằng anh, tôi là kẻ xuất thân từ nhà trướng, không tiếp cận thực tế nhiều mặt như anh, Nguyễn Quang Thân.
Phạm Thu Huơng
Trong hoàn cảnh lúc ấy nếu nói khác viết khác số đông chắc chắn ko được yên thân đâu. Bao nhiêu văn nghệ sĩ từ Hoài Thanh, Ng. Tuân, Ng. Công Hoan đến Ng. Văn Tỵ,, Ng. Xuân Khóat, Lê Yên, Ng. Sáng... đều fải làm một cuộc "tổng kiểm tra tư tưởng" của mình đấy. Các bác xem lại Văn nghệ số 41_42-43/1951 sẽ rõ. Bây h chúng ta nhìn lại có thể phê phán họ nhưng vào hoàn cảnh ấy họ ko thể làm khác được.
AB Bùi
Một thời kinh hoàng , " Nhất đội nhì giời " thời mà mọi giá trị về tư tưởng , văn hoá ,giáo duc ..... của xã hội VN trải qua ngàn đời đã bị đập bỏ và tung hê tất cả một cách phũ phàng nhất . chính vì sứ tàn khốc của cuộc ccrđ ,được các nhà lãnh đạo thời ây ví là cuộc CM long trời lơ đất .,nên không có một cá nhân nào không giám không tham gia và ủng hộ .Tôi thiết nghĩ đưng trách Hs Tô ngọc Vân tác giả của kiệt tác Thiếu nữ bên hoa huệ .
Trần Đình Sử
Thời ấy đâu còn ý kiến cá nhân. Cá nhân bị thủ tieu.
...





Văn nghệ Thứ Bảy : Xem tranh kí họa bút sắt của Tô Ngọc Vân về gia đình địa chủ Đỗ Văn Hiện


Giao Blog - 13/09/2014
"thằng Đỗ Văn Hiện", hay "địa chủ Hiện", là nguyên ngữ mà Tô Ngọc Vân đã dùng, ghi ngay trên tranh.


Thời nhỏ chúng tôi đọc và học theo sách dạy vẽ của Tô Ngọc Vân (1906-1954), trong đó có một cuốn tựa như là Bước đầu học vẽ*. Vẫn nhớ những bức kí họa bút sắt như "Lao Kai giải phóng" in trong sách. Trong tưởng tượng thời đó của chúng tôi, Tô Ngọc Vân là người gầy gầy manh mảnh, có lẽ là dí dỏm. Sau này, lớn lên, gặp những người con trai của ông, thì nhẩm nghĩ: giống giống với tưởng tưởng trước đây về người cha.

Hôm nay, xem một ít tranh của Tô Ngọc Vân vẽ vào tháng 9 năm 1953, theo đúng lối kí họa bút sắt mà chúng tôi đã học theo sách của ông. Ông vẽ về gia đình địa chủ Hiện.

Tháng 9 năm 1953 là thời điểm trước khi Luật Cải cách Ruộng đất được ban hành (ban hành vào tháng 12 cùng năm).

Tranh lấy về từ một bài báo của Phan Cẩm Thượng vừa lên bên tờ Tuổi trẻ. Nguồn gốc các tranh này là lấy ra từ cuốn Tô Ngọc Vân - tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam, 1906-1954 (NXB Tri Thức, 2014).

1. Bức một
Nhà thờ Ninh Dân và nhà địa chủ Hiện, ngày 26-9-1953. Ký họa bút sắt trên giấy.


2. Bức hai
Đại hôi nông dân xã Ninh Dân, ngày 20-9-1953, chuẩn bị cho cải cách ruộng đất. Bút sắt và mầu nước trên giấy


3. Bức ba
Địa chủ Đỗ Văn Hiện




Phan Cẩm Thượng viết:
"Tô Ngọc Vân (1906-1954) tham gia vẽ trong Cải cách ruộng đất ở hai tỉnh Thái Nguyên và Phú Thọ trong năm 1953, đặc biệt là xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba (Phú Thọ), nơi ông vẽ từng chi tiết của đời sống nông dân và địa chủ đương thời, thậm chí còn chi tiết hơn cả một phóng viên chụp ảnh.

Bộ tranh này có 54 bức hiện thuộc về nhà sưu tập người Thái Tira Vanictheeranont."

Thiên lý 11:23 14 tháng 9, 2014
Cuốn sách "Bước đầu học vẽ" không phải do Tô Ngọc Vân soạn. Tác giả là Hoạ sĩ Nguyễn Văn Tỵ.


Khi hành lang biên giới được giải phóng, năm 1951, giới Văn nghệ kháng chiến đã tổ chức một triển lãm mỹ thuật tại Lào Cai, Tô Ngọc Vân lên tham dự và tổ chức. Ông vẽ một số ký họa về đời sống Lào Cai, Lạng Sơn và đặc biệt là những người chèo đò trên sông gần biên giới. Năm 1952 - 1953, Tô Ngọc Vân dành nhiều thời gian vẽ các vùng nông thôn Phú Thọ và Thái Nguyên, chân dung người nông dân, phong cảnh làng quê và lao động sản xuất tập thể, theo hình thức tổ đổi công. Trong đó nông thôn Minh Cầu, Thái Nguyên được họa sỹ dành cho những bức họa có chiều sâu. Có thể nói lúc này, chàng họa sỹ của phái Tự lực văn đoàn hoàn toàn biến mất, thay vì một họa sỹ nông dân thuần túy lột tả được hết dáng vẻ tính cách người nông dân Việt Nam cùng số phận của họ.

Năm 1953, cuộc Cải cách ruộng đất khốc liệt bắt đầu được tiến hành ở một số vùng nông thôn do Cách mạng quản lý. Tô Ngọc Vân đi vẽ cho Cải cách ruộng đất ở một số vùng Phú Thọ và Thái Nguyên, đặc biệt ở Ninh Dân (Phú Thọ). Có lẽ ông được phân công vẽ theo kiểu như một nhà nhiếp ảnh chụp tư liệu, vì những bản vẽ rất kỹ lưỡng, từ trong ra ngoài một căn nhà địa chủ, và vẽ bổ như đạc biểu kiến trúc. Ông cũng vẽ tất cả các buổi họp và đấu tố thường thấy trong Cải cách. Đây là bộ ký họa sinh động chân thực hiếm có, mà qua đó Tô Ngọc Vân nhìn thấy chân tướng và thân phận của người nông dân Việt Nam.

Xem một ít tranh của Tô Ngọc Vân vẽ về gia đình địa chủ Hiện vào tháng 9 năm 1953, theo đúng lối kí họa bút sắt của ông, "thằng Đỗ Văn Hiện", hay "địa chủ Hiện", là nguyên ngữ mà Tô Ngọc Vân đã dùng, ghi ngay trên tranh.
https://www.facebook.com/GiaiDocThongTin/photos/a.299415623578878/299415656912208/?type=1&theater