Tưởng nhớ Tô Ngọc Vân

Tưởng nhớ Tô Ngọc Vân

Ngọc Hiếu

Để kỷ niệm 50 năm ngày mất của họa sĩ Tô Ngọc Vân, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và gia đình của họa sĩ tổ chức triển lãm “Tưởng nhớ Tô Ngọc Vân” tại Nhà Triển lãm 16 Ngô Quyền – Hà Nội. Triển lãm kéo dài đến 26/5. Sau 40 năm kể từ cuộc triển lãm cá nhân của họa sĩ Tô Ngọc Vân năm 1964, người yêu tranh mới được thưởng thức những tác phẩm của ông.

Tại cuộc triển lãm lần này có trưng bày các tác phẩm được Tô Ngọc Vân sáng tác trong thời kỳ 1931 – 1954 với 107 khung tranh trưng bày trong đó có một số tác phẩm gốc của họa sĩ được thể hiện trên chất giấy lụa, tranh khắc do gia đình cố họa sĩ cung cấp. Số còn lại là ảnh chụp từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hoặc tranh do các cá nhân sưu tập. Đó là Thiếu nữ bên tràng kỷ của nhà sưu tập Đức Minh, Khi giặc đã qua của một nhà sưu tập Pháp… Đây được coi là cuộc triển lãm quy mô nhất từ trước đến nay về sáng tác của Tô Ngọc Vân.

Tô Ngọc Vân sinh ngày 15/12/1906. Ông từng học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ năm 1926 - 1931. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Tô Ngọc Vân luôn tìm tòi những phương pháp tạo hình mới và ông đặc biệt quan tâm tới chất liệu sơn dầu vì ông cho rằng chất liệu này sẽ giúp ông diễn đạt được những tình cảm của ông trước cảnh vật.

Một trong những sáng tác đáng chú ý đầu tiên của ông phải kể đến tác phẩm Bức thư (1931). Trong bức tranh này, Tô Ngọc Vân đã tỏ thiện cảm với những cô gái lao động nền nã bên khung cửi qua những tình cảm kín đáo, đoan trang. Sáng tác đầu tay này thể hiện sự dè dặt trong khuynh hướng sáng tạo. Bức thư đã được tặng bằng danh dự tại Triển lãm hội họa Pháp và được trao Huy chương vàng trong Triển lãm thuộc địa tại Paris.
Sau này, Tô Ngọc Vân vẽ nhiều về phong cảnh đẹp bằng sơn dầu như Ánh Mặt trời, Bụi chuối ngoài nắng, Trời dịu... Thành công của họa sĩ không chỉ ở trong nước mà còn góp phần mang tiếng nói của nghệ thuật Việt Nam đến với nhiều nước.

Bức tranh "Thiếu nữ bên hoa hụê"



Nhìn chung, đề tài chủ yếu trong những sáng tác trước cách mạng của Tô Ngọc Vân là người đàn bà thành thị. Từ tác phẩm Dưới bóng nắng vẽ người thiếu nữ mơ màng với cái nhìn lơ đãng dưới hoa, nắng bên bờ ao, đến người thiếu nữ có vẻ bâng khuâng. Tranh Tô Ngọc Vân không gợi lên một chân dung nhân vật cụ thể mà chỉ như biểu tượng về sự trong trắng, cao quý của người phụ nữ. Người phụ nữ trong tranh ông đều được ông vẽ với lòng trân trọng, không sa vào khoái cảm nhục thể, không quá mơ hồ, ẻo lả, kiêu sa như người phụ nữ trong tranh của các họa sĩ đương thời.

Từ năm 1945, Tô Ngọc Vân từ bỏ đề tài cũ và bắt đầu giai đoạn sáng tác mới của mình. Tô Ngọc Vân đi vào cuộc sống kháng chiến với tất cả những băn khoăn, day dứt của người nghệ sĩ cũ, đồng thời lại được thực tế vừa cụ thể, vừa nghiêm khắc đòi hỏi, ông nhận thức chỗ đứng của mình trong sự nghiệp của dân tộc. Họa sĩ đã phát hiện trong những con người bình dị, mộc mạc một vẻ đẹp cao quý, thiêng liêng.

Tên tuổi của họa sĩ Tô Ngọc Vân thực sự gắn liền với nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. Ông đã đến với hội họa với tấm lòng chân thành đối và sự đam mê. Ông là một trong những nghệ sĩ tiêu biểu của giai đoạn khởi đầu nền nghệ thuật tạo hình thế kỷ 20 của Việt Nam. Ông mất ngày 17/6/1954.

Ngọc Hiếu
Nguồn: Báo Hànộimới - 15:53 thứ sáu ngày 14/05/2004