Nhìn lại gia tài Mỹ thuật Cách mạng Tháng Tám Và chín năm kháng chiến chống Pháp 1945-1954

Nhìn lại gia tài Mỹ thuật Cách mạng Tháng Tám Và chín năm kháng chiến chống Pháp 1945-1954

Trần Thức


Sở dĩ phải chia thời kỳ này thành hai giai đoạn, vì mỗi giai đoạn có một đặc điểm riêng, tuy vẫn là một dòng chảy liên tục.


Mỹ thuật Cách mạng Tháng Tám đến toàn quốc kháng chiến (1945-1946)

Đó là thời kỳ ngắn ngủi, chỉ ngót một năm rưỡi. Nhưng bao nhiêu biến cố lịch sử đã diễn ra dồn dập: Nhật đảo chính Pháp. Tổng khởi nghĩa 19/8 thành công ở Thủ đô, tiếp đó là nhiều tỉnh trong cả nước. Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập trước quốc dân đồng bào và thế giới, long trọng tuyên bố nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Quân Tàu - Tưởng kéo vào Việt Nam với danh nghĩa đại diện đồng minh tước khí giới quân Nhật vừa đầu hàng. Nạn đói khủng khiếp chết hai triệu đồng bào còn ám ảnh nặng nề.Không ít công việc phải làm trước nghĩa vụ thiêng liêng của người nghệ sỹ công dân. Tranh tuyên truyền - cổ động cho Cách mạng rất cần và có ý nghĩa lúc này. Họa sỹ phải kịp thời đáp ứng số lượng lớn, rộng khắp. “Triển lãm văn hóa” khai mạc ngày 7/10/1945 tại nhà Khai Trí Tiến Đức, bên Hồ Gươm (Nay là trụ sở Không gian văn hóa Việt, thuộc Nhà hát nghệ thuật đương đại, Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch). Nội dung trưng bày tổng hợp nhiều loại hình - như sách báo, âm nhạc, văn học, sản phẩm ngành nghề tự do, kể cả tôn giáo - tâm linh… Mỹ thuật được dành một tỷ lệ lớn, không gian rộng. Ngoài số tranh của các họa sỹ có tên tuổi xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, còn trưng bày hai bộ sưu tập tranh dân gian Việt Nam thuộc loại quý hiếm của Viện Viễn Đông Bác Cổ. Một số tác phẩm thu hút được sự chú ý của dư luận. Cụ thể như hai bức tranh sơn dầu Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân và Em Thúy của Trần Văn Cẩn; Nguyễn Văn Tỵ với Cô gái Mường; Đỗ Đức Thuận với Thuyền trên bến sông Hồng (khắc gỗ màu) ..v..v.. Số tác phẩm này hiện nay vẫn được xếp vào loại tranh chủ, giữ vị trí danh dự trong sưu tập mỹ thuật hiện đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.

Nguyễn Hiêm, Trận Tầm Vu, bột màu, 1948


Trong số công chúng và giới văn nghệ đến xem, người ta thấy có nhà văn Khái Hưng, một cây bút tiểu thuyết nổi tiếng của Tự Lực Văn Đoàn đương thời. Qua cuộc trả lời phỏng vấn báo chí với nhà văn Nguyễn Đình Thi, thì “Khái Hưng kéo tôi đến đứng trước rất lâu hai bức tranh Thiếu nữ bên hoa huệ và Em Thúy. Ngắm hồi lâu và cứ trầm trồ mãi “Hai phong cách khác nhau và cũng rất đạt”. Đặc biệt đến dự khai mạc triển lãm có Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cố vấn Vĩnh Thụy, các ông Bộ trưởng và nhiều quan khách các ngành, các giới. Báo Cứu quốc. Cơ quan tuyên truyền - tranh đấu của Tổng Bộ Việt Minh (Số ra ngày 18/10/1945) đã ghi lại được lời phát biểu của Hồ Chủ tịch: “Những bức tranh này tỏ ra các nghệ sỹ của ta lâu nay đều đã cố gắng tìm một con đường đi. Nhưng tiếc một điều là không muốn đi dưới đất mà lại muốn vút lên trời. Chất thơ mộng nhiều quá, mà cái chất thật của sự sinh hoạt rất ít… Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề phải chú ý đến, cũng phải coi trọng như nhau: Chính trị, Kinh tế, Xã hội, Văn hóa, nhưng Văn hóa là một kiến trúc thượng tầng…” Lời phát biểu của Hồ Chủ tịch đáng cho giới mỹ thuật phải suy nghĩ, chuyển biến tư tưởng trong lao động sáng tạo của mình.Tết Bính Tuất 1946, Hội Văn hóa Cứu quốc lại tổ chức triển lãm tranh Tết tại Phòng Thông tin Trung ương, phố Tràng Tiền (nay là Phòng thông tin - triển lãm do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội quản lý). Triển lãm có nhiều tác phẩm mang tính thời sự - như tranh Hồ Chủ Tịch với thiếu nhi của Lương Xuân Nhị; Quyết giết được giặc của Phạm Văn Đôn; Giải thoát của Nguyễn Tiến Chung; Diệt quân thù của Trương Bính... Nhiều tác phẩm của các họa sỹ có tên tuổi nữa như Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Khang, Sỹ Ngọc, Mai Văn Hiến, Huỳnh Văn Thuận, Dương Bích Liên, Trần Phúc Duyên, Đặng Đức Sinh, Đào Thị Trâm…Cùng năm 1946 còn có Triển lãm văn hóa - Lịch sử Việt Nam tại Quốc gia Bảo Tàng Viện Hà Nội (Tức Bảo tàng Louis Finot - nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia). Triển lãm quan trọng nên Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong Chính phủ đã đến khai mạc. Đáng lưu ý là người xem đã nhắc lại và rất tán thưởng bài viết của họa sỹ - nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đỗ Cung đã đối thoại với Giáo sư lịch sử mỹ thuật Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương Louis Bezacier. Qua bài “Mỹ thuật Đại La hay mỹ thuật Lý”? (Đăng trên báo Thanh Nghị Số 96 ngày 16 tháng 12 năm 1944) Nguyễn Đỗ Cung đã chứng minh chính xác mỹ thuật chùa Phật Tích là mỹ thuật Việt Nam. Không phải là mỹ thuật Đại La đời Đường Trung Quốc do Cao Biền xây dựng như L.Bezacier đã khẳng định lầm lẫn đến tai hại. Đó là ngôi chùa do vua Lý Thánh Tông xây dựng vào năm 1057. Đối chiếu những con rồng tạc trên đá và đất nung đào được ở nền móng ngôi bảo tháp của chùa, so với những con rồng tạc trên đá và đất nung tìm thấy ở di tích Thăng Long đời Lý, hay những con rồng tạc trên bia đá chùa Long Đọi, Hà Nam có niên đại tạc thời Lý, chúng đều có chung một đặc điểm và phong cách Lý. Đó là chưa nói các nhà khảo cổ còn tìm được những viên gạch ghi rõ niên đại làm chùa: “Lý gia đệ tam đế, Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo”.

Tô Ngọc Vân, Hà Nội vùng đứng lên, khắc gỗ, 1946



Nguyễn Đỗ Cung, Du kích tập bắn, bột màu, 1947


Một triển lãm nữa có quy mô rộng lớn và tầm quan trọng của giới mỹ thuật là “Triểm lãm mỹ thuật tháng Tám”, khai mạc ngày 18/08/1946 tại Hà Nội, nhân kỷ niệm một năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. 74 họa sỹ trong và ngoài nước có tác phẩm tham dự. Nhiều chất liệu, thể loại được giới thiệu. Sơn dầu có Nguyễn Đỗ Cung, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Đình Phúc, Phan Kế An, Văn Cao, Nguyễn Văn Bình. Lụa có tác phẩm của các họa sỹ Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sỹ Ngọc. Đặc biệt có tranh lụa của năm họa sỹ Việt Kiều tại Pháp là Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm, Trần Mạnh Tuyên. Sơn mài có tranh của Nguyễn Khang, Phạm Hậu, Hoàng Tích Trù, Phạm Văn Đôn, Trần Đình Thọ, Nguyễn Văn Tỵ, Tạ Tỵ. Màu bột có tranh của Văn Giáo, Mai Văn Hiến, Phạm Đăng Trí. Tranh khắc của Phạm Văn Đôn, Trần Phúc Duyên, Trần Đình Thọ. Tranh in theo lối riêng trên giấy dó kết hợp nét bút tỉa của Phạm Tăng. Tranh theo phong cách lập thể của Tạ Tỵ, Nguyễn Thuận. Các chất liệu khác có tranh của Tạ Trúc Bình, Vũ Dương Cư, Phạm Khanh, Quang Phòng. Điêu khắc phù điêu và tượng tròn có Nguyễn Thị Kim, Vũ Văn Thu. Đó là chưa kể số lượng tranh cổ động tuyên truyền khá lớn nữa về các đề tài như Tuần lễ vàng, Mùa đông binh sỹ, Bình dân học vụ, Hũ gạo nuôi quân.

Kết thúc thời Cách mạng Tháng Tám đến trước ngày Toàn quốc kháng chiến, không thể không kể đến những đóng góp quan trọng của một số họa sỹ có công đầu đã vẽ mẫu giấy bạc và tem cho nền tài chính, bưu chính của Nhà nước mới Việt Nam dân chủ cộng hòa, một thể loại mỹ thuật đồ họa đặc biệt. Bốn họa sỹ có công đầu là Nguyễn Huyến (vẽ tiền mệnh giá 100 đồng), Nguyễn Văn Khanh (vẽ tiền mệnh giá 20 đồng), Nguyễn Đỗ Cung (vẽ tiền mệnh giá 10 đồng), Mai Văn Hiến (vẽ tiền mệnh giá 5 đồng). Thời gian này và tiếp theo Nguyễn Sáng, Bùi Trang Trước, Lê Phả lại tiếp tục vẽ tiền và mẫu tem tại Chiến khu Việt Bắc. Riêng Nguyễn Sáng đã vẽ hai mẫu tem chân dung Hồ Chủ tịch tại Hà Nội và khi lên Việt Bắc 1946.


Mỹ thuật thời chín năm kháng chiến 22/12/1946

Hồ Chủ tịch phát lệnh kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Trung đoàn Thủ đô sau một thời gian tác chiến trong thành phố, được lệnh rời Hà Nội,vượt sông Hồng ra Chiến khu. Người Hà Nội tản cư về hậu phương. Bằng mọi nẻo đường, các họa sỹ giàu lòng yêu nước cùng ra vùng tự do kháng chiến. Tùy hoàn cảnh, điều kiện, nguyện vọng, họ có mặt ở nhiều vị trí khác nhau: Đoàn kịch tuyên truyền lưu động; Văn công quân đội; Văn hóa văn nghệ các Liên khu; Ty, Sở văn hóa - thông tin các tỉnh, thành; mở trường lớp đào tạo nghệ thuật; tuyên truyền địch vận; báo chí xuất bản. Đi vào cuộc sống, bám sát thực tế, nuôi dưỡng nghề nghiệp, khắc phục khó khăn, thiếu thốn nhưng họ đều hoàn thành nhiệm vụ tốt đẹp của người nghệ sỹ kháng chiến.

Nguyễn Sỹ Ngọc, Tình quân dân (Cái bát), sơn mài, 1949


Tháng 12/1951, năm năm sau khi rời Thủ đô Hà Nội, một triển lãm mỹ thuật lớn mang tên Triển lãm hội họa 1951 tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Hơn 300 tác phẩm được trưng bày. Nhân dịp này Hồ Chủ tịch và Tổng Bí thư Trường Chinh đã gửi thư cho các họa sỹ. Thay mặt Đảng và Nhà nước Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Tố Hữu đã đến dự. Bức thư lịch sử của Hồ Chủ Tịch gửi các họa sỹ đến nay vẫn còn in sâu trong ký ức mỗi người về lời nhắn gửi của Bác “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy...” Cùng năm 1951, từ chiến khu Việt Bắc, Việt Nam còn cử đoàn đại biểu đi dự Liên hoan Thanh niên - Sinh viên Thế giới tại Berlin, Cộng hòa dân chủ Đức (cũ). Đoàn gồm các nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ. Mỹ thuật có hai họa sỹ là Nguyễn Đỗ Cung và Diệp Minh Châu. Số tranh mang đi giới thiệu gọn, nhẹ, gồm: Cái bát (Tình quân dân) của Sỹ Ngọc, Phú phong tiêu thổ kháng chiến của Nguyễn Đỗ Cung, Phố Huống của Trần Văn Cẩn, Trả thương binh, Ba người du kích của Diệp Minh Châu, Quân dân đoàn kết của Nguyễn Khang, Tranh khắc mộc bản in trên nền điệp của Tạ Thúc Bình. Số tác phẩm tuy ít, nhưng đã dành được thiện cảm và sự tán thưởng của bè bạn thế giới. Giống như âm nhạc có đàn ca biểu diễn của đoàn nhạc sỹ Trần Văn Khê từ Paris sang phối hợp cũng thu được kết quả rất tốt đẹp cho đoàn.Cùng với triển lãm tranh, lý luận - phê bình mỹ thuật cũng được Hội Văn nghệ Việt Nam, cơ quan tuyên huấn, báo chí của Đảng luôn phát huy tác dụng tích cực trên lĩnh vực rèn luyện tư tưởng, đường lối nghệ thuật, giúp người nghệ sỹ trí thức đi theo Cách mạng và kháng chiến đúng hướng. Chủ nghĩa hiện thực XHCN được đề cao. Tuy nhiên, vẫn còn không ít ý kiến trăn trở nếu vẽ “thực như ảnh” tư duy sáng tạo sẽ bị hạn chế, phong cách bút pháp sẽ nghèo. Cuộc “Tranh luận hội họa” do Hội văn hóa cứu quốc tổ chức thảo luận liền bốn ngày (từ 25-28 tháng 9/1949) tại Việt Bắc là dẫn chứng điển hình. Ba bức tranh màu bột Phú phong tiêu thổ kháng chiến, Trong công binh xưởng, Cuộc họp của Nguyễn Đỗ Cung được nêu ra làm ví dụ. Ý kiến nhận xét tranh “vẽ quá nệ vào cái thực, đều đều, mực thước mà đơn điệu. Khác xa trước Cách mạng rất có cá tính, nay lại sa vào cái thực quá đà” (ý kiến Nguyễn Tuân, Kim Lân, Chính Hữu, Nguyễn Tư Nghiêm - có ghi biên bản và đăng trên văn nghệ số cuối tháng 9/1949 tại Việt Bắc)Một số nhà văn, họa sỹ, nhà thơ, nhạc sỹ, kiến trúc sư đã có những bài viết, bài tham luận đăng trên các báo Cứu quốc, Sự thật (Nhân dân), Văn nghệ, Tiền Phong. Nhà văn Nguyễn Đình Thi có bài “Nhận đường” khẳng định hướng đi trong thời kỳ mới. Tô Ngọc Vân có bài “Vẫn tranh tuyên truyền và hội họa”, “Sơn mài”, “Bây giờ mới có hội họa Việt Nam”, “Học hay không học”, “Phòng triển lãm 1951”. Nguyễn Văn Tỵ có bài “Hội họa hay tai họa”. Nguyễn Sáng có bài “Hội họa phục vụ hòa bình”. Trần Văn Cẩn có bài “Tư tưởng vì nhân dân”. Phan Kế An có bài “Tranh phổ biến”. Mai Văn Hiến có bài “Bộ đội vẽ”. Đặc biệt có cuộc tranh luận khá thẳng thắn và thành thực giữa họa sỹ Tô Ngọc Vân với ông Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng và ông Đặng Thái Mai, Chủ tịch Văn hóa Việt Nam, về các vấn đề: “Tranh tuyên truyền và hội họa”, “Học hay không học”, “Nghệ thuật và quần chúng”.

Mai Văn Hiến, Hành quân , in đá, 1947


Trong bài tranh luận, họa sỹ Tô Ngọc Vân đã viết “Tôi cần phải diễn giải dài dòng để đi được vững vàng đến kết luận ngược với ông Trường Chinh là quần chúng phải học nghệ thuật hội họa mới thưởng thức được sâu rộng hội họa. Phải học tiếng nói của hình sắc mới nghe được hình sắc kể lể gì (Văn nghệ. Số 10/1949)Kết thúc 10 năm Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến thắng lợi. 1954 cuộc triển lãm mang tính toàn quốc được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội. Triển lãm được xem như cuộc tụ hội của đại gia đình mỹ thuật Trung Nam Bắc sau 10 năm xa cách. Vẫn là những tác phẩm đã trưng bày trong kháng chiến trên nhiều địa điểm và các nẻo đường khác nhau. Nhưng nó sẽ là tiền đề của kho báu mỹ thuật cho các họa sỹ nối tiếp khai thác, xây dựng những tác phẩm lớn có tầm cỡ sau này ở giai đoạn hòa bình, trước khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày nay đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bước vào phòng Hội họa Cách mạng và kháng chiến chống Pháp, những tác phẩm như Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ Phủ (tranh khắc, khổ lớn) của Tô Ngọc Vân, Nhi đồng Tháng Tám (khắc gỗ màu) của Trần Văn Cẩn, Trận Tầm Vu (màu bột) của Nguyễn Hiêm, Du kích La Hai - Tập bắn (màu bột), Hà Nội đầu năm 1946 (li tô màu) của Nguyễn Đỗ Cung, Lớp học ban đêm (sơn dầu) của Dương Bích Liên, Giặc đốt làng tôi (sơn dầu) của Nguyễn Sáng, Bộ đội hành quân qua đèo Lũng Lô tiến vào chiến dịch Điện Biên Phủ, ký họa cuối cùng của Tô Ngọc Vân…Tôi vẫn thấy bồi hồi, xúc động được xem lại những trang sử hào hùng của nền hội họa kháng chiến.Vì nền độc lập tự do của dân tộc, người nghệ sỹ trí thức đã dốc hết tâm lực của mình cống hiến cả cuộc đời cho Cách mạng và nghệ thuật mà không hề toan tính, kể cả tính mạng, cũng sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, nếu còn kẻ thù xâm lược. Đúng như nhà thơ Chính Hữu đã viết trong tập “Ngày về” với các nghệ sỹ trí thức thủ đô đã “xếp bút nghiên” đi kháng chiến: “Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa/Cả Đô Thành nghi ngút cháy sau lưng/Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/Hồn mươi phương phất phơ cờ đỏ thắm/Rách tả tơi rồi đôi giầy vạn dặm/Bụi trường chinh phai nhạt áo hào hoa.”

Tài liệu tham khảo

- Báo Sự thật, Nhân dân, Cứu quốc, Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Tiền Phong.
- Ghi chép cá nhân qua các cuộc gặp gỡ trực tiếp với các họa sỹ thuộc thế hệ Kháng chiến chín năm: Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Tiến Chung, Lương Xuân Nhị, Mai Văn Hiến, Văn Cao, Nguyễn Sáng, Huỳnh Văn Gấm, Diệp Minh Châu, Văn Giáo, Phan Kế An, Trọng Kiệm, Đào Đức, Văn Đa, Quang Thọ…
- Tiếp xúc với nghệ thuật. Thái Bá Vân. Viện mỹ thuật Việt Nam 1997.
- Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX. Trần Khánh Chương. NXB Mỹ thuật.

T.T

(Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số tháng 7+8/2015)
Nguồn: Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - 18/09/2015