Ba thầy dạy vẽ của tôi - Họa sĩ Phan Kế An


Ba thầy dạy vẽ của tôi




Vào học nǎm thứ nhất trường Bưởi, chúng tôi được thầy Nguyễn Thụy Hùng, giáo sư hóa và vật lý kiêm nhiệm dậy môn vẽ vài tháng vì thiếu thầy. Một hôm, ông Tổng giám thị De Rozario đến lớp cùng với bà người Việt. Ông giới thiệu với học trò đây là nhà giáo mới, bà Lê Thị Lựu, một nữ họa sĩ nổi tiếng, từ nay giáo sư dậy vẽ chính thức của trường. Chúng tôi ai nấy đều ngẩn người ra vì bà còn trẻ và đẹp quá, lại dịu dàng, lịch sự. Chúng tôi tuy còn ít tuổi nhưng đã nghe danh bà từ khi bà tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đã được xem một số tranh của bà trong các triển lãm và trên báo chí.

Tôi vốn đã vẽ khá từ trường tiểu học Hàng Than, rất thích môn này, nay được học một học sĩ thực thụ thì còn gì sung sướng cho bằng. Trong chương trình học chỉ có một giờ học vẽ mỗi tuần, nên cả tuần lễ cứ nóng ruột mong cho sớm đến ngày này. Trong lớp, bà đi đến từng học sinh, chỉ dẫn cặn kẽ cho mỗi người. Chỉ một thời gian, bà đã nhận ra ưu điểm và nhược điểm của từng học sinh, ai chǎm, ai lười bà đều nhẹ nhàng động viên, khuyên nhủ. Tôi nhớ nhất khi tôi lúng túng vẽ một cái lọ sứ, bóng tối và ánh sáng cứ lan sang nhau, mờ mờ, nhoè nhoè, khó phân biệt danh giới. Bà nói với tôi: "Bóng cũng có từng miếng, anh phải có nhìn cho ra từng miếng bóng, so sánh độ đậm nhạt của mỗi miếng, có thế mới tả được đúng khối và chất liệu của vật vẽ". Chỉ một câu ấy mà tôi gỡ ra bao nhiêu điều. Tôi cùng một vài bạn tiến bộ khá nhanh, vừa vì chǎm, vừa vì được bà chú ý khuyến khích, dạy bảo. Thầy trò đang mến nhau thì đã hết nǎm học. ít lâu sau đó, bà cùng gia đình sang Pháp. Mãi nhiều nǎm sau, khi đã ngoài sáu mươi tuổi, đã rất nổi tiếng ở Pháp, bà mới về thǎm quê hương. Tôi có dịp được đến gặp bà, kể chuyện thầy trò trường Bưởi nǎm xưa, bà vẫn không quên mấy trò vẽ khá mà bà chú ý.

Nǎm học sau, chúng tôi lại được một hạnh phúc lớn: họa sĩ Tô Ngọc Vân đến dạy vẽ thay cô Lê Thị Lựu. Thầy Vân người nhỏ bé, da ngǎm đen, đến lớp thì nghiêm khắc. Ai lười thì liệu hồn, thầy cảnh cáo ngay, ai chǎm, thầy tận tình chỉ bảo kỹ càng, ngồi vào ghế của trò trước giá vẽ, dạy cho từng cách cầm bút chì, cách bố cục hình vẽ trên giấy, cách lấy tỷ lệ, cách nhìn ánh sáng, có lúc lại vẽ thử lên cạnh giấy để chúng tôi hiểu rõ phương pháp, nhất là cách nhìn toàn thể, sau mới đi vào chi tiết. Tôi mải mê nuốt từng lời. Nhiều bạn tronglớp coi môn vẽ là môn học phụ không quan trọng lắm thường vẽ lấy lệ, nhưng riêng tôi và vài bạn lại quá quan tâm nên tiến bộ rất nhanh. Thầy khuyến khích chúng tôi ngay cả việc nhìn cho ra màu sắc theo cách cảm nhận riêng của mình, dù là vẽ chì đen trắng cũng cố nhìn cho ra màu, điều đó thật khó với chúng tôi, nhưng qua nhiều buổi học, qua nhiều câu chuyện rộng ra về hội họa chúng tôi cũng bắt đầu lõm bõm hiểu dần ra. Thầy còn dạy chúng tôi vẽ trang trí bằng màu bột và đây là lĩnh vực mà tôi bắt đầu lĩnh hội được cách nhìn tinh tế của thầy về màu sắc. Thầy khuyên chúng tôi nên đem hết trí tưởng tượng ra để nghĩ, để chọn hình và màu, không nên câu nệ, gò bó. Mới học cao đẳng tiểu học mà được một học sĩ nổi tiếng như thầy Tô Ngọc Vân dậy vẽ thật là một hạnh ngộ. Sau này vào học trường Cao Đẳng mỹ thuật Đông Dương, tôi còn được gặp lại và học thầy nữa, chuyện này tôi sẽ kể sau. Lên nǎm thứ ba, một họa sĩ cũng rất nổi tiếng, họa sĩ Nguyễn Tường Lân đến dạy chúng tôi thay thầy Vân. Thầy Lân người cao, gầy, nhanh nhẹn, rất dễ dãi, thân mật với học trò. Chúng tôi cũng hay đùa ngịch và hỏi nhiều chuyện ngoài lề với thầy, bao giờ thầy cũng trả lời không nề hà, nhưng lại khéo lái về chuyện vẽ, chuyện nên biết nhìn thấy cái đẹp ở xung quanh ta, đừng nên bỏ phí. Khi vẽ, tôi vốn thích nhấn mạnh đen trắng bằng trì than, thầy khuyên tôi nên giữ cách vẽ ấy, và mạnh bạo hơn nữa, mãnh liệt hơn nữa, chớ có rụt rè, nhưng đồng thời thầy lại chỉ dẫn cho sự chuyển sắc độ sao cho hợp lý, sao cho tế nhị, có duyên. Cái duyên, khó quá, nhưng sự nhiệt tình chỉ dẫn của thầy cứ ngày một thấm dần vào bộ óc non trẻ của tôi. Có giờ học thầy dẫn cả lớp vào vườn Bách Thảo gần trường, chỉ cho những dáng cây đẹp, những khóm cây đẹp, những vùng nước đẹp, những mái nhà đẹp, những người ở giữa cảnh trí sao mà thích thú làm vậy. Có mấy lá cây rụng thầy cũng nói lên bao vẻ đẹp của chúng. Thầy thường ra bài trang trí cho cả lớp, trọn những bài thầy cho điểm cao đưa ra bình giữa lớp, có lúc được 19/20 điểm rồi để trưng bầy cho cả trường xem. Một số bạn, tôi và em tôi hay được chọn bài để trưng bầy. Có lần thầy đem một số tranh treo trong hành lang nhà "Đấu xảo" (nay là Cung vǎn hoá Hữu Nghị) cho công chúng xem. Một số bạn chǎm học và vẽ khá thường được thầy đưa về xưởng vẽ của thầy ở đê Hoàng Hoa Thám để xem tranh và thầy lại kể cho nghe các chuyện về hội họa. Thầy còn vẽ bìa mầu cho tập bài hát của trường Bưởi. Thầy là một họa sĩ có tài, nhưng mất sớm nên số tác phẩm còn lại trong nước không nhiều.

Trong ba thầy dậy vẽ của tôi ở trường Bưởi, sau này khi tôi vào học dự bị, rồi chính khoá ở trường Cao Đẳng mỹ thuật Đông Dương, tôi gặp lại thầy Tô Ngọc Vân là giáo sư dậy tôi. Đến đây là đến với người thầy cũ, nhưng là người thầy đào tạo ra ba thế hệ họa sĩ, một người thầy tài nǎng xuất chúng, có phương pháp sư phạm độc đáo, biết tìm ra phong cách riêng, cái mạnh riêng của từng sinh viên mà hương dẫn, khuyến khích, không để cho mai một cá tính độc đáo của nhiều người. Tác phẩm sơn dầu của thầy Tô Ngọc Vân đã từng nổi lên là những kiệt tác, trong nước và Quốc tế đều hâm mộ. Ngoài sáng tác, suốt đời thầy vẫn là nhà sư phạm mỹ thuật tận tuỵ với sự nghiệp đào tào, tác giả của rất nhiều bài viết xuất sắc, của nhiều tranh minh họa và biếm họa trên báo trí. Riêng tôi có hạnh phúc được gần gũi, gắn bó với thầy cô nhiều thời gian. Sau đảo chính Nhật 9-3-1975, trường Cao Đẳng mỹ thuật Đông Dương chuyển thành trường Mỹ thuật Việt Nam, sinh viên chúng tôi họat động chống nhật, thầy biết cả, nhưng thầy vẫn đến trường dạy học, dù rằng khi đó phát xít Nhật khủng bố dữ dội nhiều thầy khác đã không đến trường, thầy còn tham gia vẽ tranh cổ động cổ vũ lòng yêu nước cùng với sinh viên. Cách mạng tháng Tám thành công, thầy đã được Bộ đại học cử làm hiệu trưởng trường Mỹ thuật Việt Nam và sinh viên lại tiếp tục đi học. Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, thầy và gia đình tản cư về quê ngoại, tôi tìm ra địa chỉ, sau khi được tổ chức đồng ý, tôi đã vượt sông Hồng trong hoàn cảnh quân Pháp đang sắp tiến công đường số 1, đến gặp thầy và mời thầy đi tham gia kháng chiến. Thầy đã khảng khái nhận lời, đem cả gia đình đi, công tác ở tuyên truyền xung phong, sau được cử làm trưởng Đoàn vǎn hoá kháng chiến, rồi thầy đứng ra thành lập trường Mỹ thuật Kháng chiến do thầy làm hiệu trưởng. Thầy thường vừa dạy học vừa dẫn học sinh đi chiến dịch và tham gia các công tác cách mạng khác. Khi trường Mỹ thuật Kháng chiến và Ban mỹ thuật Trung ương đóng cùng một nơi ở Việt Bắc, hợp thành một tổ chức, tôi được cùng với thầy ở trong Ban lãnh đạo chung với một số đồng chí khác như các họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, Trần Vǎn Cẩn, các kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp... Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, thầy Tô Ngọc Hân đã hy sinh vì bom của quân Pháp nǎm 48 tuổi, đây là một mất mát không gì bù đắp được của tất cả chúng ta.

Thầy Tô Ngọc Hân, người thầy dậy vẽ trường Bưởi, người thầy của trường mỹ thuật Đông Dương, người thầy của trường Mỹ thuật Việt Nam, nhà họa sĩ kiệt suất, nhà yêu nước tận tuỵ, trong sáng tính tình cương trực, là một tấm gương sáng để cho chúng ta cùng soi.



Họa sĩ Phan Kế An
Nguồn: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - Thành phố Đà Nẵng - Việt Nam -