Giữ lễ - LÊ THIẾT CƯƠNG

Giữ lễ

LÊ THIẾT CƯƠNG

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc ở Bắc Bộ Phủ - Khắc gỗ - 1948. Tranh: TÔ NGỌC VÂN
Năm nay 2014, kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng là 60 năm ngày ông hy sinh, những họa sĩ thế hệ sau, những học trò của ông lại thêm một lần băn khoăn khi thầy Tô Ngọc Vân chưa được truy tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, một danh hiệu mà hơn ai hết, ông là người xứng đáng nhất.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ bức Thiếu nữ bên hoa huệ (sơn dầu trên vải) năm 1943. Ông không ghi ngày tháng hoàn thành tác phẩm nhưng chắc chắn ông vẽ bức này ở cữ cuối xuân đầu hạ, ở cữ giao mùa, mà hoa huệ, loại hoa còn có một tên khác biểu hình hơn là hoa loa kèn. Mỗi năm, đến mùa này, mùa loa kèn về lại nhớ ông, nhớ bức tranh Thiếu nữ bên hoa huệ, một trong những kiệt tác của hội họa Việt Nam hiện đại, một tác phẩm tiêu biểu cho dòng chảy “trường phái Paris- Việt Nam”.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân sinh năm 1906, mất năm 1954 tại Ba Khe, chân đèo Lũng Lô khi đang trên đường đi thực tế, ghi chép - sáng tác cảnh sinh hoạt của dân quân. Năm nay 2014, kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng là 60 năm ngày ông hy sinh, những họa sĩ thế hệ sau, những học trò của ông lại thêm một lần băn khoăn khi thầy Tô Ngọc Vân chưa được truy tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, một danh hiệu mà hơn ai hết, ông là người xứng đáng nhất. Trường Mỹ thuật Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp (1950-1954) mà ông là hiệu trưởng, thường được nhắc đến với cái tên đầy trân trọng, khóa kháng chiến đã sinh ra cho Mỹ thuật hiện đại Việt Nam bao tên tuổi: Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Lê Huy Hòa, Mai Long, Đào Đức, Trọng Kiệm, Lê Lam, Ngọc Linh, Ngô Mạnh Lân... Những học trò của ông đều đã là những tác giả lớn, là thầy, thầy của những người thầy. Tôi nghĩ tác phẩm lớn nhất của thầy Tô Ngọc Vân nói riêng và những người thầy nói chung chính là học trò của họ, những tác phẩm - người của họ. Ấy là chưa kể những tác phẩm - tranh: Thiếu nữ bên tràng kỷ (sơn dầu 1941), Dưới bóng nắng (sơn dầu 1941), Hai thiếu nữ và em bé (sơn dầu 1944), Chân dung thiếu nữ (sơn dầu 1944), Hai chiến sĩ (bột màu 1954), Đốt đuốc đi học (mầu nước 1954), những tác phẩm vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh... Chẳng có danh hiệu nào sống mãi nếu nó không sống được trong đời sống, sống được trong lòng người. Tôi không nghĩ ông và gia đình muốn có danh hiệu này. Nhưng đây là một sự tri ân cần thiết, một sự “giữ lễ”, cho dù muộn với một họa sĩ - chiến sĩ, một liệt sĩ, một người đã vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt 1), một người đã được truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhất.

2014

LÊ THIẾT CƯƠNG

Nguồn: Báo Nhân Dân - Thứ Tư, 07/05/2014.