GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ TRONG QUÁ TRÌNH SÁNG TÁC CỦA HỌA SĨ TÔ NGỌC VÂN
23:15:00GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ TRONG QUÁ TRÌNH SÁNG TÁC CỦA HỌA SĨ TÔ NGỌC VÂN
Nguyễn Tấn Đạt
1. BỐI CẢNH XÃ HỘI VIỆT NAM NHỮNG NĂM ĐẦU CỦA THẾ KỶ 20
Trong những năm 1920 xã hội Việt Nam có nhiều chuyển biến sâu sắc ở thành thị cuộc sống tư sản hoá đã thắng lợi và ổn định, đời sống về mặt tinh thần cũng được đòi hỏi với nhu cầu tiếp cận với nền văn minh phương tây đặc biệt là Pháp đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của cư dân thành thị điều đó ảnh hưởng nhiều đến những giá trị truyền thống của người Việt Nam. Cho đến vài năm đầu của những năm 30, thực dân pháp đã thực hiện ở Việt Nam hai cuộc khai thác thuộc địa. Dù cố duy trì phương thức bốc lột phong kiến, khai thác thuộc địa tất nhiên làm nẩy nở những quan hệ tư sản, tầng lớp tiểu tư sản hình thành từ sau cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, đến những năm 20 đông đảo lên chưa từng thấy. Nhiệp độ và tốc độ cuộc sống gấp và nhanh, những mối liên hệ giữa các thành thị và quan hệ giao lưu quốc tế trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã làm cho thành thị thay đổi mau lẹ. Một lối sống tư sản hoá lan tràn khắp nơi ở thành thị Việt Nam. Trong môi trường ấy, các tầng lớp và giai cấp ở thành thị-tư sản và công nhân, tiểu thương, tiểu chủ, công chức, dân nghèo thành thị, tri thức tân học và nhà nho cho tới các cô sen, cậu bồi - tuy rất khác nhau về mức sống và khả năng thực hiện ước mơ của mình, rất khác nhau, thậm chí đối lập nhau về thái độ đối với chế độ đương thời, vẫn gần nhau về những nét tâm lí và thị hiếu: thích đua đòi, ăn chơi hưởng lạc, muốn sống và giải trí trong môi trường náo nhiệt, khao khác cái lạ, cái đang đổi thay. Tầng lớp trên của xã hội này có lối sinh họat thành thị mới theo văn minh phương Tây với những phương tiện sinh họat mới và hiện đại: Họ đi ô tô, ở nhà lầu, dùng quạt điện, mặc áo vét đi giầy bít, đi nghe hòa nhạc và xem phim... Thời trang cũng được thay đổi theo từng năm. Cũng với những thay đổi sinh họat là các thay đổi về ý nghĩ và cảm xúc.
Văn hóa phương Tây với điện ảnh, các ca khúc Pháp, Mỹ, văn học lãng mạn Pháp đã ảnh hưởng sâu sắc tới giới trí thức trẻ Việt Nam. Được học ở các trường Pháp như Quốc học Huế, Trường Bưởi, Petrus Ký rồi Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương... các thanh niên này nói được tiếng Pháp, yêu thích văn hóa Pháp. Họ nghe nhạc phương Tây, không thích đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị mà tập chơi mandoline, guitare và hơn nữa là violon, piano.
Nhiều giá trị bền vững của truyền thống bị giới trẻ coi thường, thậm trí còn mang ra chỉ trích. Chính hiện tượng đó ngày càng lớn khiến một số nhà tri thức cũ lo lắng “thế đạo nhân tâm” bị suy sụp do phát triển xã hội không gắn liền với yêu nước.
Trong khi đó thực dân pháp đã thực hiện một chính sách văn hoá nô dịch, nhằm làm cho nhân dân Việt Nam đoạn tuyệt với những truyền thống tốt đẹp đồng thời phục hồi những mặt lạc hậu trong văn hoá xưa. Pháp muốn cắt dứt mối quan hệ giữa văn hoá Việt Nam và Trung Quốc đồng thời lại làm sống dậy đạo đức Khổng - Mạnh, Trình - Chu. Pháp khuyến khích đưa văn chương yêu đương uỷ mị của nước Trung Hoa nửa thuộc địa nửa phong kiến, đưa văn hoá phương tây, trước hết là văn hoá Pháp vào Việt Nam nhằm gây sự khiếp phục. Sau đại chiến thế giới lần thứ nhất, nếu thực dân pháp khuyến khích chủ nghĩa cải lương tư sản là để phục vụ cho “chính sách hợp tác” thay cho “chính sách đồng hoá” đã bị phá sản trước nhân dân Việt Nam anh dũng, thì việc thực dân Pháp cho những viên chức văn hoá hô hào đổi mới là một bộ phận trong chính sách văn hóa " Lối thoát hơi cần thiết" thay thế cho chính sách đồng hoá, tiêu diệt văn hoá Việt Nam đã thất bại trước ý chí dân tộc của nhân dân ta. Tuy nhiên ngoài những mặt tiêu cực thì ở thành thị nhờ những phương tiện mới những tương tác mới đã mở ra trước mắt không chỉ “thế giới vĩ mô” mà còn “thế giới vi mô”, những xung đột và những mâu thuẩn mới mà công chúng cần khám phá, cũng như những nhận thức tiến bộ những nhu cầu và khoái cảm thẩm mĩ mới cần được đáp ứng.
2. MỸ THUẬT VIỆT NAM TỪ 1925-1954
Không đi ngoài xu thế xã hội mỹ thuật dần đã hoà nhập với thế giới đương đại để trở thành hiện đại theo khoa học mới. Do sự ham thích của vài cá nhân sau trở thành tổ chức của chính quyền thực dân.
Thế kỷ XIX với nhà Nguyễn một triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, đã đặt đất nước ta vào hoàn cảnh mới, sự giao tiếp với phương Tây và ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa đã tạo lập một nền nghệ thuật đa dạng mang nhiều yếu tố phức tạp bên ngoài. Tuy vậy, nét nghệ thuật cổ truyền vẫn được bảo lưu qua các công trình kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật dân gian.
Mỹ thuật Việt Nam cuối thế kỷ XIX đến 1945 là nền mỹ thuật bản lề của hai thế kỷ, nó đã chứng minh phần nào sự phân hoá nghệ thuật hiện đại thế giới. Giai đoạn này kế tiếp những thành tựu nghệ thuật ở giai đoạn trước nó và hình thành hai thời kỳ cơ bản.
Thời kỳ hoàn tất một lọat các công trình kiến trúc lăng tẩm, đền miếu mang nhiều yếu tố Trung Hoa và Pháp, mỹ thuật Huế là một công trình lăng tẩm kết hợp giữa thiên nhiên và kiến trúc điêu khắc đáng lưu ý trong lịch sử trong kiến trúc nước ta. Về mặt hội họa chưa có gì đáng kể cùng với sự phát triển bước tiến mới của nền mỹ thuật. Bước sang đầu thế kỷ 20, mỹ thuật cận đại Việt Nam phát triển với những cuộc tiếp xúc đầu tiên với nghệ thuật phương Tây thông qua những cuộc thi hàng thủ công mĩ nghệ với hình thức đấu xảo giữa các thuộc địa ở châu Á.
Trong 25 năm mở rộng và 60 năm thống trị Pháp chi phối Kinh tế - Chính trị - Văn hoá xã hội và đã có một số nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của phương Tây, song ở các làng quê mỹ thuật truyền thống vẫn giữ được bản sắc phát triển theo con đường cũ. Bước tiến mới về mỹ nghệ - mỹ thuật ở buổi giao thời về đào tạo mới mỹ nghệ: Pháp đã nhận ra "bàn tay vàng" do đó họ liền tổ chức triển lãm mà gọi là cuộc "đấu xảo" như các cuộc triển lãm Hà Nội (1887), Quốc tế (1888 - 1889), Ly ông (1885), Paris (1990)… Từ những kết quả đã đạt được qua các cuộc triển lãm chính quyền: thuộc địa đã mở ra một số trường mỹ nghệ ở Nam kì
- Năm 1901 lập trường mỹ nghệ Thủ Dầu một với bốn bộ môn: gỗ, điêu khắc, khảm xà cừ, đúc đồng
- Năm 1907 lập trường mỹ nghệ Biên Hoà đào tạo về gốm, sứ và đúc đồng.
- Năm 1913 lập trường nghệ thuật bản xứ Gia Định sau đó thay đổi tên liên tục, nó luôn phản ánh mục tiêu đào tạo không ổn định, trường đào tạo giáo viên các công việc về hình họa, chạm khắc gỗ, xà cừ
- Năm 1920 mở rộng địa bàn ra Bắc, lập trường nghệ thuật thực hành ở Hà Nội, dạng đúc đồng, làm đồ bạc, chạm mộc và đồ ren…
Những cuộc đấu xảo tổ chức tại Pháp đã giúp cho các nghệ nhân Việt Nam học hỏi nhau, vừa được tiếp xúc với công chúng và nghệ thuật phương Tây. Chẳng hạn tại cuộc triển lãm Macxây năm 1906 mỗi kỳ và mỗi nước thuộc địa Đông Dương đều có gian hàng đặc trưng cho truyền thống văn hoá của mình. Đã có hai nghệ nhân được thưởng Huy chương đồng như Nguyễn Hữu Chi, Nam Quát những sản phẩm họ làm ra chủ yếu là đồ chạm mộc, tủ chè, sập ngủ, thêu trên lụa Lyông của Pháp… và đã được dân chúng ưa chuộng.
Còn những trường mỹ nghệ tuy chỉ ở trình độ sơ cấp nhưng những thợ giỏi Việt Nam đã phát huy được kinh nghiệm truyền thống cha ông và tiếp thu được phương pháp khoa học mới, đã đưa nghệ thuật của mình phát triển lên tầng cao mới. Từ những trường như mỹ thuật Thủ Dầu Một, mỹ thuật Biên Hoà…, nhiều mặt hàng mộc, sơn mài in đá, gỗ, chạm đồng, sơn dầu, tranh lụa… lên đến trình độ tinh xảo của nghệ thuật. Đó là điều kiện thuận lợi để mở đầu cho nền mỹ thuật mới.
Người đi đầu của nền hội họa Việt Nam là Lê Văn Miến (1873 - 1943) ông sinh ra ở Nghệ An trong một gia đình nhà nho yêu nước. Năm 1888 được Vua Đồng Khánh cử sang Pháp học, ông rất ghét quan trường nên học xong lại sang học trường mỹ thuật Paris từ 1891 - 1895. Ông đã xuất sắc cả hai trường nhưng 1895 về nước không có đất dụng võ nên ông đã tham gia nhiều phong trào cách mạng. Ở Pháp ông tiếp thu được những kiến thức hội họa hiện đại. Về nước trong sáng tạo đã kết hợp với lối vẽ dân tộc và đã trở thành cầu nối nghệ thuật truyền thống với nghệ thuật hiện đại. Lê Văn Miến sáng tác không nhiều song tác phẩm lại bị thất lạc gần hết. ở Bảo tàng mỹ thuật Hà Nội còn sưu tầm được hai bức "Chân dung cụ Tú mền", "Bình văn", ở Huế cũng giữ được hai bức "Chân dung cụ ông và cụ bà Nguyễn Khoa Luận" và một số Bảo tàng của các tỉnh cũng giữ được một vài tác phẩm. Sáu bức không nhiều ngoài những tranh chân dung, chỉ một bức "Bình văn" đã phản ánh sinh họat học đường đầu thế kỷ XX nhằm giác ngộ tinh thần yêu nước cho học sinh. Sau Lê Văn Miếu là ông Huỳnh Tựu có lẽ là người thứ hai được học ở Pháp. Lúc ông ở Phi Châu về có vẽ một số chân dung bản thân và phong cảnh nhưng đều thất lạc cả. Ở trường nghệ thuật trang trí và đồ họa Gia Định ông dạy vẽ sơn dầu và làm phụ tá cho Giám đốc Ăngđrêgiơ nhiều năm, đến năm 1926 được cử làm Giám hiệu, ông chỉ giữ được chức trong vòng một năm.
Họa sĩ Nam Sơn tên thật Nguyễn Vạn Thọ (1890 - 1973) chủ yếu đi lên bằng tự học nhưng lại là người tham gia thành lập trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương. Quê ở Vĩnh Phúc, sinh ra ở Hà Nội trong một gia đình truyền thống hiếu học. Tuổi nhỏ ông học ở trường Pháp Việt… đồng thời được gia đình dạy Hán tự thi thư và kiến thức hội họa qua sách của Trung Quốc. Ông tham gia thành lập hội quán sinh viên An Nam và làm quen được họa sỹ Vichto Tarđieu. Năm 1923 ông tham gia đấu xảo Hà Nội với 4 bức tranh sơn dầu: "Cô gái Bắc Kỳ", "Nhà nho xứ Bắc", "Ông già Kim Liên"… Đến năm 1924 trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, thành lập, ông được học ở một trong những trường nổi tiếng nhất và làm giáo viên dạy trang trí từ khoá V (1929 - 1934) đến cách mạng tháng tám năm 1945.
Thời kỳ này còn ghi nhận việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập hội liên hiệp thuộc địa và làm phụ trách các họat động khác và còn vẽ nhiều bức tranh châm biếm đả kích theo lối phương Tây như bức vẽ người phu xe Việt Nam còm cõi gò lưng kéo chiếc xe tay chở tên thực dân to béo. Nhưng bức tranh đả kích này đã thôi thúc tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam và các dân tộc thuộc địa.
Về sự ra đời và họat động của trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương: Họa sĩ Vichto Tardieu với lòng ham mê nghệ thuật và cảnh sắc của đất nước Việt Nam cuốn hút, ông ở lại và vận động chính quyền thực dân cho mở trường Cao đẳng mỹ thuật. Đến 27/10/1924 toàn quyền Đông Dương Henri Merlin ký nghị định thành lập trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương. Tháng 10 năm 1925 khai giảng và chính thức đi vào họat động đào tạo khoá I (1925 - 1930). Năm 1925 - 1937 trường do họa sĩ Vichtotacđiơ làm Giám đốc. Ông là họa sĩ có tài, ông đã phát hiện ra cái đẹp độc đáo của nghệ thuật truyền thống Việt Nam, và óc sáng tạo, bàn tay khéo léo của nghệ nhân Việt Nam. Năm 1930 lớp họa sĩ đầu tiên tốt nghiệp. Từ năm 1931 trở đi các họa sĩ Việt Nam đã liên tục tham gia các cuộc triển lãm quốc tế: Paris (1931), Rôma (1932) tại Milăng và Napơlơ (1936), đã có nhiều tên tuổi các họa sĩ Việt Nam như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân. Năm 1937 nhân dịp trong "Đại hội đồng kinh tế tài chính Đông Dương" có tiếng nói đòi đóng cửa trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, các họa sĩ và sinh viên tổ chức ngay tại trường một triển lãm lớn.
Năm 1937 - 1943 sau khi Vichto Tardieu mất, nhà điêu khắc Giôngse thay chức Giám đốc. Năm 1938 Gioongse muốn hạ cấp trường mỹ thuật "Chỉ đào tạo những thợ mỹ nghệ", thì một nhóm họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, Lưu Văn Sìn, Trần Văn Cẩn… đã lên tiếng phản đối kịch liệt và dẫn ra cái tài của nghệ sĩ Việt Nam. Thành tựu của mỹ thuật Việt Nam trong cuộc triển lãm năm 1939 ở Hà Nội có các họa sĩ tham gia và được đánh giá: Nguyễn Đỗ Cung như một vườn hoa nghệ thuật trăm sắc, Tô Ngọc Vân cho ta ngắm một nghệ thuật lưu bát, Nguyễn Phan Chánh vẫn dịu dàng… Nguyễn Văn Ty tuy chỉ có một bức tranh in gỗ cũng đủ cho ta thấy một tấm lòng cao thượng tôn sùng những nét hay. Trong sự phát triển có tính chất khẳng định về một nền mỹ thuật Việt Nam với đầy tin tưởng ấy cũng là sự phát triển của các chất liệu gắn với những họa sĩ tiêu biểu. Điều mới lạ đến bất ngờ là sự sáng tạo ra chất liệu hội họa sơn mài. Dù phải sau cách mạng tháng tám năm 1945 sơn mài mới được tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh một chất liệu hội họa thì ngay giai đoạn thể nghiệm ban đầu này, họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã khám phá ra những sắc màu mung lung đến huyền diệu, vượt ra khỏi chất liệu khác để đưa lên tranh tạo nên tác phẩm độc đáo. Khi trường cao đẳng mỹ thuật Đông Dương đóng cửa, đội ngũ họa sĩ và nhà điêu khắc Việt Nam đã trở nên đông đảo, nội dung ngày càng gắn với nhân sinh xã hội, một số người đã sớm giác ngộ trở thành những chiến sĩ văn hoá đóng góp tích cực cho thắng lợi của cách mạng tháng 8 năm 1945.
Năm 1945 mở được 18 khoá với 149 sinh viên. Trong 20 năm họat động (1925 - 1945) đội ngũ giáo viên, giáo sư có tất cả là 31 người Việt Nam có 6 người, mà từ khoá V mới có họa sĩ Nam Sơn dạy vẽ trang trí, các khoá VI, VII, X, XIII và XIV mới lần lượt thêm các giáo viên là nhà điêu khắc Gioócgiơ, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân…..Các họa sĩ và nhà điêu khắc Việt Nam được đào tạo theo phương pháp khoa học phương Tây. Đào tạo cơ bản gồm những môn học cơ sở (giải phẫu người, định luật xa gần, lịch sử mỹ thuật Việt Nam và Thế giới, đọc biểu kiến trúc cổ) và môn học cơ bản như: hình họa nghiên cứu, bài tập điêu khắc, bài tập trang trí. Đào tạo chuyên khoa làm các bài tập theo thể lọai và chất liệu khác nhau. Đào tạo được xác định song do điều hành của những Giám đốc khác nhau nên từng thời cũng có xu hướng khác nhau. Năm 1930 - 1938 trường mở các lớp dự bị để đào tạo nguồn. Năm 1943 vì tình hình chính trị bất ổn trường chia làm 3 bộ phận sơ tán. Khoa hội họa và một số bộ phận nhỏ khoa điêu khắc lên Sơn Tây do họa sĩ Nam Sơn, Tô Ngọc Vân phụ trách. Khoa kiến trúc và một phần lớn khoa điêu khắc vào Đà Lạt do Giôngse phụ trách. Các lớp mỹ nghệ về phụ lý do Gioocgiơ phụ trách. Năm 1945 Nhật đảo chính Pháp nên trường cũng đóng cửa. Với sự ra đời và họat động của trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, Việt Nam đã có một trung tâm đào tạo các nghệ sĩ tạo hình chính quy ở cấp cao. Bên cạnh chương trình và phương thức học mang tính hàn lâm của phương tây, còn tìm hiểu truyền thống dân tộc của Trung Quốc, Nhật Bản. Do vậy tạo mối giao lưu nghệ thuật Đông - Tây. Các họa sĩ và nhà điêu khắc Việt Nam từ đây đã hướng cho mỹ thuật Việt Nam phát triển theo con đường mới - dân tộc hiện đại hoà nhập vào mỹ thuật Thế giới đương đại ở đầu thế kỷ XX đã kết hợp nhuần nhuyễn được những giá trị tạo hình truyền thống với khoa học nghệ thuật chặt chẽ, gắn quy luật xã hội với quy luật tự nhiên, cởi mở mà chặt chẽ. Các họa sĩ và nhà điêu khắc Việt Nam được đào tạo hệ thống, trở thành đội ngũ nghệ sĩ tạo hình của dân tộc. Họ vận dụng những sáng tạo của mình đã tạo nên những hình ảnh sinh động đọng lại trong ký ức, khi tái hiện vào tác phẩm trở thành những hình tượng tinh giản, sâu lắng, trong cấu trúc tổng thể.
Giai đoạn 1930 – 1945 gắn liền với hoàn cảnh lịch sử Việt Nam những năm 1930. Đó là những năm cuối cùng của cuộc vận động cách mạng dân chủ tư sản, những họat động tích cực của Đảng cộng sản Đông Dương, những năm có nhiều biến động trong văn học nghệ thuật, xuất hiện nhiều trận tuyến đấu tranh giữa hai xu hướng hiện thực và lãng mạn, nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Nghệ thuật tạo hình 1930 – 1945 cũng tạo nên những phong cách nghệ thuật đa dạng, xuất hiện nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc với những sở trường sử dụng chất liệu, tìm kiếm đề tài để hai xu hướng sáng tác chính là lãng mạn và hiện thực đã định hình diện mạo nền hội họa cận đại Việt Nam với những đại diện xứng đáng, tiêu biểu. Với xu hướng lãng mạn, họa sĩ Tô Ngọc Vân hiện trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam như một ngôi sao sáng long lanh, bền chặt. Giai đoạn 1930 – 1945 tranh của Tô Ngọc Vân đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật sáng tác. Tác phẩm "Hai thiếu nữ và em bé" (Sơn dầu 1944). "Thiếu nữ bên hoa huệ" (Sơn dầu 1943), "Thiếu nữ bên hoa sen" (Sơn dầu 1944) được coi là những tác phẩm tiêu biểu cho giai đoạn cuối chót của sự nghiệp sáng tác của ông theo xu hướng lãng mạn.
Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công đưa đất nước vào kỷ nguyên Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Đồng thời cũng mở ra một trang sử mới cho mỹ thuật Việt Nam. Từ những hạt nhân là một số họa sĩ họat động bí mật trong những "tổ chức văn hoá cứu quốc thời tiền khởi nghĩa". Giờ đây cả giới mỹ thuật bị cuốn hút vào thể lọai vẽ tranh cổ động biểu thị ý chí toàn dân quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc với nhiều chất liệu khác nhau những tác phẩm này đã hướng mỹ thuật Việt Nam vào con đường mới, với nhân sinh quan cách mạng. Một số họa sĩ còn phân vân với những níu kéo của thẩm mỹ cũ, thì Hồ Chí Minh sau khi xem triển lãm đã góp ý chân tình
"các chú vẽ nhiều thiếu nữ khoả thân, vẽ nhiều hoa, cái ấy cũng đẹp, nhưng đẹp trên cao, sao các chú không vẽ cái đẹp dưới đất chung quanh chúng ta".Đồng thời tháng 10 năm 1945 trường Cao đẳng mỹ thuật được mở ra nhưng do chiến tranh không học được. Song được cách mạng cổ vũ và lãnh tụ quan tâm, các họa sĩ và các nhà điêu khắc đã tự tin, tích cực chuẩn bị cho cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc đầu tiên trong chế độ mới và các họa sĩ đã giành cả tâm huyết của mình trong việc sử dụng ngòi bút làm vũ khí tố cáo tội ác của thực dân Pháp, phát xít Nhật, ca ngợi lãnh tụ và các anh hùng thời đại: Tranh tượng về Bác Hồ (Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Phan Kế An..) tự vệ chiến đấu (Văn Bình)... đã báo hiệu sự ra đời của nền nghệ thuật cách mạng.
Và rồi chiến tranh lan dần từ miền Nam ra cả nước, cho đến cuối 1946 cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ đi liền với sự nghiệp kháng chiến toàn dân, toàn diện là sự chuyển mình của các họa sĩ. Họ nghe theo tiếng gọi của nước của dân tộc cho nên đa số các họa sĩ đều cầm súng, vừa cầm bút vẽ tranh để tuyên truyền cho kháng chiến thể lọai ký họa, tranh khắc gỗ, bột màu, thuốc nước, chì, tranh sơn mài được dùng nhiều với những tác phẩm đạt giá trị cao cả ở nội dung và nghệ thuật, được giới thiệu ở các triển lãm mỹ thuật chào mừng sự kiện lớn trong cả nước. Năm 1948 nhân dịp đại hội văn hoá toàn quốc ở miền Bắc, một cuộc triển lãm hội họa lớn gồm các tác phẩm kháng chiến đã được tổ chức, điển hình là tác phẩm: Dân quân phù lưu (Nguyễn Tự Nghiêm), Gặt lúa (Mai Văn Hiển), Người du kích già (Phạm Văn Đôn)... đã phản ánh cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh với niềm lạc quan tất thắng. Năm 1951 sau chiến thắng thế giới ở miền Bắc lại tổ chức một cuộc triển lãm mỹ thuật với quy mô lớn; nhân dịp này Bác đã gửi thư tới các họa sĩ và nghệ sĩ "Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy" và nêu rõ nhiệm vụ của chiến sĩ nghệ thuật là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự quân dân trước hết là công nông binh lời của Bác thật sâu sắc, ấm tình người, Bác là nhà cách mạng vĩ đại và cũng là một người rất am hiểu nghệ thuật. Năm 1952 tại Việt Bắc trường Trung cấp mỹ thuật được thành lập do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm Hiệu trưởng, đã đào tạo ra một thế hệ họa sĩ đầu tiên cho kháng chiến, những cuộc triển lãm lớn với nhiều tác phẩm nghệ thuật giá trị của họ như tác phẩm "Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Trung - Nam - Bắc của họa sĩ Diệp Minh Châu" là bức tranh nổi tiếng mà ông vẽ bằng máu của chính mình trên lụa, là một họa sĩ - một nhà điêu khắc tài ba, ông sinh năm 1919 tại Nhơn Hạnh - Bến Tre. Tốt nghiệp trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương 1945. Tiêu biểu cho thế hệ các họa sỹ miền Nam đi theo kháng chiến. Ngoài ra còn có tác phẩm " Du kích tập bắn " (Nguyễn Đỗ Cung) cũng là tác phẩm nổi tiếng ở thời kỳ này, " Hành quân qua đèo " (Nguyễn Như Hậu).. những tác phẩm này đã cổ vũ lớn lao, động viên kịp thời quân dân xông lên diệt giặc (mang giá trị nghệ thuật và lịch sử)
Vào giai đoạn cuối của kháng chiến chống Pháp, các họa sĩ tích cực thâm nhập vào cả hai trận địa phản phong và phản đế, có người đã đổi cả chính cuộc đời nghệ thuật như họa sĩ - liệt sĩ (Tô Ngọc Vân). Tốt nghiệp trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương 1931, là Hiệu trưởng đầu tiên của trường mỹ thuật kháng chiến mở ở chiến khu Việt Bắc. Là một họa sĩ nổi tiếng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại, trước cách mạng vẽ tranh các thiếu nữ thị thành đài các sau cách mạng tháng 8 và kháng chiến ông chuyển sang vẽ tranh về chiến sĩ vệ quốc đoàn, những ông già nghệ thuật chất phác, những cô thôn nữ người dân tộc thuỳ mị... ký họa là một thể lọai nổi tiếng của ông với tác phẩm: Đốt đuốc đi học, chị cốt cán, con nghé quả thực….
Những tác phẩm nổi tiếng của họa sĩ Tô Ngọc Vân được tổng hợp trong kênh youtube Nguyen Tan Dat.
https://www.youtube.com/watch?v=Fg23lqojeLw
Chân dung họa sỹ Tô Ngọc Vân, chì màu của Lê Lam. Trên tranh có chữ ký của các sinh viên khóa Kháng chiến.
Mỹ thuật Việt Nam trong thời quân chủ, chủ yếu thể hiện ở tượng Chùa và trang trí đình làng, có một số tranh lụa và đồ họa, còn đội ngũ nghệ sĩ gần như vô danh không để lại được mấy tên tuổi, thì giờ đây vào thời cận đại, mỹ thuật Việt Nam có sự đổi mới về chất, khởi sắc hẳn lên. Bên cạnh những thành tựu về mỹ nghệ vẫn phát triển theo hướng truyền thống, việc trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương được thành lập, về khách quan đã đào tạo được đội ngũ họa sĩ tạo hình có nghề, nắm vững phương pháp nghệ thuật khoa học phương Tây, song từ dòng máu dân tộc và sự đam mê sáng tạo, đã kết hợp nhuần nhuyễn hai dòng nghệ thuật Đông - Tây, đẩy mỹ thuật Việt Nam sang trang mới hoà nhập với thế giới trong đó có những kiện tướng trên từng chất liệu. Họa sĩ Tô Ngọc Vân là một trong những ngôi sao sáng long lanh trên bầu trời mỹ thuật Việt Nam trong giai đoạn này, tên tuổi, tài năng và nhân cách của ông đã được khẳng định và ông được công nhận và đánh giá là họa sĩ nổi tiếng tiêu biểu của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Trong cuộc đời sáng tác của ông có nhiều tác phẩm đóng góp vào xây dựng nền móng cho nghệ thuật nước nhà: vừa dân tộc, vừa hiện đại (đặc biệt là trong các tác phẩm sơn dầu).
Nguyễn Đạt
---------
Ghi chú:
Bài viết nhằm mục đích tổng hợp các tư liệu từ nhiều nguồn để nghiên cứu một giai đoạn lịch sử trong quá trình sáng tác của họa sĩ Tô Ngọc Vân từ đó để tìm hiểu và biết thêm về tài năng vẽ tranh sơn dầu của ông.
Blog Nguyễn Đạt - April 06, 2018.
0 comments: