THIẾU NỮ HÀ THÀNH NÉT ĐẶC SẮC TRONG TRANH VẼ PHỤ NỮ VIỆT NAM CỦA HỌA SĨ TÔ NGỌC VÂN
23:51:00THIẾU NỮ HÀ THÀNH NÉT ĐẶC SẮC TRONG TRANH VẼ PHỤ NỮ VIỆT NAM CỦA HỌA SĨ TÔ NGỌC VÂN
Nguyễn Tấn Đạt
Con người là sản phẩm cao quý nhất do lao động hình thành nên có cấu trúc tỉ lệ cân đối hoàn chỉnh có cấu tạo hình khối đẹp nhất trong giới tự nhiên. Chính vì vậy từ ngàn xưa cho tới nay hình tượng con người đặc biệt là người phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà nghệ sĩ cho dù cơ thể người phụ nữ là đối tượng khó vẽ và phức tạp đối với người học vẽ và sáng tạo mỹ thuật.
Thiếu nữ bên hoa Huệ và những tác phẩm nổi tiếng của danh họa Tô Ngọc Vân
Hình tượng người phụ nữ xuất hiện rất sớm trong lịch sử nghệ thuật tạo hình Việt Nam, từ thuở hồng hoang trên vách đá hang Đồng Nội (Hoà Bình). Người Việt cổ xưa đã phản ánh vẻ đẹp của các cô gái nguyên thuỷ bằng những nét đục khắc thô sơ, ngộ nghĩnh. Có lẽ đây là "tác phẩm" mỹ thuật cổ nhất ở nước ta. Đến thời đồ đồng, người phụ nữ cùng công việc, chức năng của họ đã đi vào đời sống mỹ thuật thực dụng khá độc đáo, phong phú. Từ đầu đến eo, hông của họ được tạo hình thành chuôi dao, cán rìu, rồi đến những công việc như xay thóc, giã gạo, nhảy múa và nhiều động thái vũ đạo đa dạng, phóng khoáng được cách điệu tài tình bằng những nét, mảng kỷ hà khái quát cao độ trên các mặt và tang trống đồng, đặc biệt là trống đồng Ngọc Lũ. Thiên chức làm vợ và sinh nở được đưa lên thành hình tượng nghệ thuật hết sức táo bạo trên nắp thạp đồng Đào Thịnh.
Nếu như nghệ thuật ở giai đoạn đồ đá, đồ đồng vai trò người đàn bà được sánh ngang hàng với đàn ông trong sinh hoạt bình thường mang nhiều tính nhân văn thì càng dần về sau hình tượng phụ nữ được phân định thứ bậc. Họ đã hoá thân thành Phật Bà linh thiêng với nhiều bàn tay, con mắt đứng ngồi vào hàng tôn nghiêm trong Tam Bảo hoặc được cách điệu đẹp rất "thần linh" trong các nhân vật Thánh Mẫu, Tiên Cô, Bà Chúa... theo quan niệm siêu phàm của tín ngưỡng... qua các tượng và tranh thờ từ miền xuôi lên miền núi. Cái đẹp của thân liễu bồ được các nghệ sĩ cung đình xưa với cách nhìn tinh tế và quan niệm dân gian lành mạnh, khoẻ khoắn, táo bạo đưa lên thành những bố cục chạm khắc bằng chất liệu gỗ, đá vô tri, tạo ra những tác phẩm tuyệt mỹ như "Cung nữ múa hát", "Nữ tỳ dâng hoa", "Làm trò", "Chuốc rượu"... Lúc thịnh nền văn minh châu thổ trong ấm no, hạnh phúc của xóm làng trù mật thì hình tượng người phụ nữ xuất hiện rất nhiều trong các bức chạm nổi trên gỗ, đá ở đình, chùa, miếu, am; những cảnh "Tắm đầm sen", "Gái trai đùa ghẹo", "Chải tóc", "Bắt cua", "Chèo thuyền"... được các nghệ sĩ nơi dân dã thể hiện tài tình bằng những khoảng "lộng" hay những khối chìm nổi mang lại cho tác phẩm chất thần rất đáng khâm phục.
Với hội họa truyền thống, hình tượng phụ nữ với vẻ đẹp của đôi mắt lá dăm, đôi mày lá liễu, tóc bỏ đuôi gà... cùng những đường cong gợi cảm ẩn trong mảnh yếm thắm, tà áo tứ thân đã khiến các họa sĩ của các dòng tranh dân gian mê đắm, tạo ra nhiều tác phẩm như "Hứng dừa", "Đánh ghen", "Bà Triệu", "Bà Trưng"... (Đông Hồ) và "Tố nữ", "Thuý Kiều", "Hội chùa", "Đi chợ" (Hàng Trống)
Khi mỹ thuật hiện đại ra đời (1925) các họa sĩ của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được tiếp thu những kiến thức tạo hình hàn lâm, hiện đại, họ nhìn nhận và nghiên cứu hình thể phụ nữ rất kỹ bằng những bài hình họa nghiêm túc và đã đưa vẻ đẹp vĩnh hằng với những đường cong tuyệt mỹ vào những kiệt tác mà cho tới mai sau vẫn là báu vật văn hóa nước nhà. Nổi bật trong số các họa sĩ tiêu biểu trong thời kì này là họa sĩ Tô Ngọc Vân với đề tài đặc sắc là người thiếu nữ hà thành. Từ tác phẩm “Dưới bóng nắng” vẽ người thiếu nữ mơ màng, với cái nhìn lơ đãng dưới hoa, nắng bên bờ ao, đến người thiếu nữ bâng khuâng - tranh Tô Ngọc Vân không gợi lên một chân dung nhân vật cụ thể, chỉ như biểu tượng về sự trong trắng, cao quý của người phụ nữ. Bức tranh được mọi người biết đến nhiều nhất và cũng được xem là kiệt tác về đề tài người phụ nữ bằng chất liệu sơn dầu nổi bật nhất của mỹ thuật Việt Nam là “Thiếu nữ bên hoa huệ” (1943) cô gái ngồi vén tóc bên những đoá hoa huệ thơm ngát màu chủ đạo trong tranh là màu trắng của áo dài và của những bông hoa huệ. Người phụ nữ được ông thể hiện với lòng trân trọng trước đối tượng, không sa vào khoái cảm nhục thể, hay cũng không quá mơ hồ, ẻo lả, kiêu sa như người phụ nữ trong tranh của các họa sĩ đương thời.
Thông qua các tác phẩm vẽ phụ nữ Hà thành của ông ta thấy được nét đặc sắc rất riêng của ông không trộn lẫn với các họa sĩ cùng thời và có chổ đứng rất trang trọng trong lịch sử hội họa nước nhà. Vẽ đẹp người phụ nữ Hà thành trong tranh của ông là sự kết hợp trộn lẫn những nét tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam trong truyền thống ngàn năm và hiện đại với cái nhìn rất riêng rất đặc biệt của một nhà họa sĩ tài ba đáng để cho chúng ta khâm phục và nghiên cứu. Vẽ đẹp và sức sống của người phụ nữ trong tranh ông luôn cùng thời gian sống bước song hành.
Nguyễn Đạt
Blog Nguyễn Đạt - April 07, 2018.
0 comments: