NN206 - "Sắc không" - Truyện ngắn của Hoàng Đạo *

Sắc không

Truyện ngắn của Hoàng Đạo
Minh họa Ái Mỹ
Đăng trên báo Ngày Nay số 206 - 06/04/1940, Tr. 08-09.
Đăng trong tập truyện ngắn "Tiếng đàn", Nxb. Đời Nay, Hà Nội, 1941

Mời xem bản Photocopy (Để xem ảnh ở độ phóng đại lớn, xin nhấp chuột vào ảnh).




Nguồn: Ngày Nay số 206 - 06/04/1940, Tr. 08-09.









Mời xem bản đánh máy


Trong tập truyện ngắn "Tiếng đàn", Nxb. Đời Nay, Hà Nội, 1941

SẮC KHÔNG


Hai người đã đến cửa Tam quan. Cương đứng lại, dựa mình vào gốc đại, nhìn cảnh
chùa yên lặng trong cảnh chiều và nói:
- Tôi nghiệm ra rằng các nhà tu hành, theo tôn giáo vùng nào cũng vậy, đều có một vẻ mặt riêng. Nhà sư ta vừa gặp, tôi thấy hao hao giống nhiều vị cố đạo tôi quen; họ đều có một khuôn mặt khắc khổ, không sao lẫn được.

- Tôi không dám chắc. Đời các nhà sư bình tĩnh, phẳng lặng như ao tù thì họ còn đau đớn gì mà nét mặt khắc khổ được. Theo ý tôi...

Cương ngắt lời bạn. Chàng nói bằng một giọng trầm, như chứa chất một tin tưởng rất chắc chắn:

- Anh lầm.

Cương ngừng một giây, nhìn ánh mặt trời yếu ớt chiếu ngang vào gác chuông, thủng thỉnh nhắc lại:

- Anh lầm. Anh có quan sát mặt biển cả bao giờ không? Những buổi chiều sắp có giông bão, mặt biển yên lặng lạ lùng. Nhưng chính lúc ấy, những làn sóng ngầm rất bạo liệt đương chuyển động cả đáy biển. Đời nhà sư cũng vậy, anh ạ, chỉ phẳng lặng ở bên ngoài.

Thái cười mai mỉa:

- Và cả ở bên trong nữa!

Cương không trả lời, mắt lơ đãng nhìn vào quãng không. Sự tịch mịch chung quanh tăng lên dần với bóng chiều. Thái nhìn bạn:

- Anh nghĩ gì mà thờ thẫn cả người ra thế?

- Tôi nghĩ đến một câu chuyện xảy ra cách đây đã lâu, và vai chủ động là một nhà sư sống một đời phẳng lặng như anh vừa nói. Đến mãi bây giờ, tôi vẫn không quên được. Câu chuyện người khác cho là rất tầm thường nhưng tôi thấy hàm một ý nghĩa rất xâu xạ Anh biết chùa N... Ở vùng Bắc đấy chứ? Nhưng có lẽ anh không biết: anh có hay vãn cảnh chùa chiền đâu! Một ngôi chùa hẻo lánh vắng vẻ gấp trăm cảnh chùa này. Chùa làm trên sườn đồi, trong đám thông gió, mặt nhìn xuống một con sông nhỏ. Chung quanh là đồng ruộng chạy mãi đến tận chân trời. Mênh mông êm tĩnh, anh ạ. Chiều chiều, lúc mặt trời lặn, nghe chuông chùa thong thả rơi từng tiếng một, đến anh cũng phải cảm thấy tâm hồn tiêu tan vào sự buồn nản vô cùng của hư không. Mỗi tiếng ngân vang đi rất xa, lắng tai như nghe thấy sự rung chuyển của không khí trong êm lặng. Tôi chưa thấy một ngôi chùa nào tĩnh mịch hơn: dẫu linh hồn đương xúc động mạnh đến đâu, ở đấy cũng phải trở lại bình tĩnh với sự bình tĩnh vô cùng của cảnh chùa.

Trụ trì chùa N... là một vị sư ông ngoài ba mươi tuổi, ít nói, ít cười, vẻ mặt lạnh lùng, và một chú tiểu ngây thơ, mộc mạc. Sư ông không biết ở đâu đến, nhưng thật là một vị sư cần mẫn, lúc nào cũng tụng kinh, niệm Phật. Ở vùng ấy, ai cũng mến phục, có lẽ kính nể sư ông nữa; thấy sư ông bao giờ cũng trịnh trọng nghiêm trang, người ta thì thầm bảo nhau rằng sư ông là một vị chân tu đã đến cõi Nát bàn ngay trong thời hiện tại.

Cuộc đời của sư ông êm ả quá, ngày này sang ngày khác trong sự tĩnh mịch phẳng lặng. Mặt ao tù, như anh bảo. Nhưng thật ra là mặt biển khi lặng sóng.

Một mùa xuân kia, mơn mởn như má cô gái dậy thì. Hai cây đào trồng cạnh ngôi chùa và mấy cụm mẫu đơn thi nhau nở hoa; mùi hoa cam, hoa bưởi ở ngoài vườn, gió đưa vào chùa, pha trộn với mùi hương trầm; những chòm lộc non xanh rờn chung quanh chùa; tất cả sắc và hương của cỏ cây gặp tiết mới nở giãn ra, đầm ấm, say sưa như men rượu.

Thiện nam tín nữ rập đến chùa lễ bái và vãn cảnh. Trong mưa phùn, những mẫu quần áo rực rỡ làm tươi hẳn cảnh chùa vốn lạnh lẽo quạnh hiu, khiến cho ai nấy đều có cái cảm tưởng là cả đến ngôi chùa cũng sống lại với mùa xuân.

Trong những ngày vui vẻ ấy, dễ thường chỉ có sư ông là vẫn thản nhiên lãnh đạm, không cười nói, tâm trí bận theo đuổi một giấc mộng xa xôi huyền bí. Đời của sư ông về bề ngoài, vẫn bình tĩnh một cách dị thường. Ai có tinh ý lắm mới nhận thấy sư ông gầy đi, mắt sâu hơn, má hóp thêm. Người ta bảo đó là vì sư ông thức khuya nhiều quá, và kể chuyện với nhau rằng có đêm, những đêm hương thơm của cỏ hoa nồng nàn quá, trong làng đã đổ canh tư rồi mà vẫn còn nghe tiếng mõ đều đều vọng ra ngoài đồng vắng.

Một ngày về cuối xuân, trời mưa bụi, không khí ấm và nóng như báo trước những ngày hè sắp tới; một ngày người ta thấy chân tay rời rã, máu đọng lại trong các mạch. Khách thập phương đến lễ đông, nên sư ông bận trên chùa từ sớm, hương trầm nghi ngút xông lên suốt cả buổi.

Mãi đến quá ngọ, sư ông mới xuống nghỉ dưới gian nhà tổ. Sư ông ngồi yên, hai tay mỏi mệt đặt lên cặp đùi gầy, mắt mở to nhưng không trông thấy gì hết.


Bỗng chú tiểu ở ngoài chạy vào, vừa thở vừa nói:

- Bạch cu... hai người đến vãng cảnh chùa ban nãy a... Họ đem nhau đến sau tháp, bẩm cái tháp lớn a...

- Thật thế à? Gọi ông Lý mau!

Sư ông đứng phắt dậy, mắt sáng quắc, mặt tái đi, và chân tay run bật lên.

Ở ngoài, mưa đã tạnh. Một mảnh trời lộ ra sau những đám mây xám. Một ngọn gió êm, lơi lả đưa lại hương thơm nhẹ của cỏ hoa. Nhưng sư ông không còn vẻ thản nhiên lúc thường; trong khi đợi lý dịch, sư ông cuồng lên như một con thú dữ; đi đi lại lại trong phòng một cách nặng nề hấp tấp.

Vừa thoáng thấy Lý trưởng, sư ông chạy xốc ra:

- Mô phật! Nhờ chư ông bắt giùm. Thật họ làm dơ bẩn cả nhà chùa.

Sư ông hối chú tiểu dẫn đường đi ngay để bắt cặp gian phu dâm phụ. Những nét bình thản trên mặt sư ông, ai cũng trông thấy rõ đã rối loạn vì lòng phẫn nộ:

- Bắt lấy chúng nó!

Nhưng tiếng động đã đánh thức cặp tình nhân đang mê mải say sưa. Thấy bóng người, họ vội vàng lẩn trốn. Người đàn ông nhanh chân chạy thoát, chỉ còn lại người đàn bà bị bắt dẫn đến trước mặt nhà sư.

Sư ông đăm đăm nhìn người đàn bà từ đầu đến chân như nhìn kẻ thù. Đôi mắt sắc của sư ông sáng lên theo dõi từng cử chỉ của cô ả; dừng lại một giây trên đôi vai tròn trĩnh để hở trong chiếc áo chưa cài hết khuy, rồi nhìn thẳng vào khuôn mặt trát đầy phấn và cặp môi đỏ chót. Nét mặt sư ông tỏ ra vẻ giận dữ và khinh bỉ đến cực độ.

Cô ả ăn mặc lòe loẹt như một gái giang hồ, vẻ mặt lo lắng, hai tay chắp lại van xin, mắt nhớn nhác nhìn sư ông và mọi người như năn nỉ.

- Xin cho dẫn lên huyện!

Tiếng nói rít, đầy oán hận của sư ông khiến ai nấy giật mình. Lý trưởng lưỡng lự một giây.

- Trời chiều mất rồi, bạch cụ. Có dẫn lên huyện cũng không kịp.

Hay là... cụ cho giam tạm ở chùa cho đến mai.

- Không thể được ạ.

Nhà sư nhất định từ chối và nhờ vậy cô ả kia được tha, sau một hồi xỉ mắng. Sư ông nhìn cô ả sửa lại vành khăn, xốc lại quần áo rồi lủi thủi bước ra khỏi Tam quan.

Đêm hôm ấy, sư ông thức khuya lắm. Tiếng mõ cứ đều đều đổ dồn vào yên lặng. Và hôm sau, người ta ngơ ngác kháo nhau rằng sư ông đã bỏ chùa ra đi, không biết là đi đâu. Người thì bảo sư ông hóa điên, người suy nghĩ hơn, bảo sư ông không muốn tu ở một ngôi chùa đã ô uế, trốn đi tìm một ngôi chùa khác, tĩnh mịch hơn.

Sự thật không ai ngờ đến cả. Sư ông đã cởi trả áo nhà chùa, trở về với đời nghiệp chướng.

Cương ngừng lại, châm thuốc hút một hơi dài. Làn khói quyện lấy hai người. Thong thả, ở trong chùa, ngân nga tiếng chuông thu không, như điểm cuộc đời yên lặng trong cảnh tịch mịch hư vô.

Thái yên lặng nhìn bạn. Cương đưa mắt nhìn theo khói thuốc bay, chậm rãi nói:

- Đấy anh xem. Cuộc đời phẳng lặng của sư ông chùa N... là hầu hết cuộc đời của các nhà tu hành. Phẳng lặng ngoài mặt, nhưng bên trong rối loạn vô cùng. Thật là một bãi chiến trường. Bãi chiến trường của tín ngưỡng và dục vọng. Đè nén dục vọng không phải dễ dàng; trái lại, nhà tu hành mỗi lúc mỗi đau khổ lắm mới giữ được mình. Cuộc chiến đấu càng lâu càng tăng vẻ mãnh liệt; phần nhiều thì ngọn lửa lòng cháy một ngày một bốc, cho đến lúc làn gió nhẹ bên ngoài thổi qua cũng đủ làm bùng to lên.

Những ngày xuân ấm là những ngày đau khổ nhất cho các nhà tu hành; chung quanh họ, từ bông hoa ngọn cỏ cho đến muông thú, thấy đều say mê trong thanh sắc, trong dục vọng, riêng các nhà sư phải sống theo nhịp một điệu riêng, điệu của hư vô, của cõi chết. Nhưng nhắm mắt lại, chắc họ còn cảm thấy gió xuân mơn trớn như chiếc hôn nhẹ, và lúc gõ mõ tụng kinh, nhiều hình ảnh khêu gợi chắc đương lả lơi trước mắt.

Tôi nghĩ mà thương sư ông chùa N... ngày rằm tháng giêng. Những dáng điệu vô tình lả lơi của các cô gái đi trẩy hội, màu áo và hình sắc, mùi phấn và nước hoa lẫn vào hương trầm, ngần ấy thứ thừa sức cám dỗ một người, và người bao giờ cũng yếu đuối. Anh đừng tưởng sư ông phẫn nộ nhìn cô gái giang hồ là vì không tôn trọng luân lý: sư ông lúc đó đương chống giữ với sự cám dỗ bên ngoài, và vì thế sinh ra thù oán đến căm hờn nguồn rễ của dục vọng, người đàn bà. Lúc sư ông nhìn một cách ghê tởm và khinh bỉ thân thể cô gái giang hồ, tôi chắc là lúc thân thể sư ông rung động vì dục vọng bị đè nén, và sư ông đã ghê tởm và khinh bỉ chính người sư ông mà không biết. Ngọn lửa nhóm trong lòng sư ông đã cháy lâu rồi, không thể dập tắt được. Đôi vai tròn lẳn của cô ả chỉ là một giọt dầu đổ thêm vào đám lửa đương ngùn ngụt...

Ngừng một giây, Cương buông từng tiếng một, như vừa nói vừa nghĩ:

- Sư ông bỏ chùa là phải.

Chung quanh hai người, trời đã bắt đầu tối sẫm. Thái nghe tiếng bạn nặng nề rơi vào quãng không, như hàm súc một sự cảm động rất mạnh nhưng ngấm ngầm.

Chàng đột ngột hỏi:

- Sao anh biết rõ tâm lý nhà sư ấy thế?

Cương không trả lời. Chàng mỉm cười, đôi mắt nhìn vào trong đêm như nhìn một ký vãng mù mịt. Thái ngạc nhiên nhìn, và bỗng nhận rõ mặt Cương nổi bật lên trong tối, mắt sâu, má hóp, vẻ khắc khổ như mặt kẻ tu hành.
Rút từ tập truyện ngắn Tiếng đàn - Nxb. Đời Nay, Hà Nội, 1941



https://vnthuquan.net