Số phận bức 'Thiếu nữ bên hoa huệ'




Số phận bức 'Thiếu nữ bên hoa huệ'

Hiểu Nhân

"Thiếu nữ bên hoa huệ" là một trong những tranh bị sao chép, làm giả nhiều nhất của danh họa Tô Ngọc Vân.


Trong số những họa phẩm thiếu nữ và hoa, Thiếu nữ bên hoa huệ được xem là kinh điển. Tranh khắc họa hình ảnh cô gái mặc áo dài trắng ngồi nghiêng người về phía bình. Tay trái cô đặt lên tóc, tay phải vờn nhẹ cánh hoa, gương mặt hiện lên chút buồn, mơ màng. Họa sĩ sử dụng bút pháp tả thực phương Tây và chất liệu phương Đông vào trong tác phẩm. Dáng hình thiếu nữ tạo thành hình vòng cung như ôm lấy bông huệ. Ông ưu ái gam màu trắng, xanh, vàng, hồng... với nhiều sắc độ, tạo sự hài hòa, tinh tế.


Hoa huệ tây hay còn gọi là loa kèn, biểu tượng của sự trinh trắng và đức hạnh. Tác phẩm còn thể hiện đời sống tinh thần, thú chơi của người Hà Nội vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 hàng năm.

Bản chụp tranh gốc "Thiếu nữ bên hoa huệ" dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tô Ngọc Vân hiện treo tại nhà riêng của ông Tô Ngọc Thành. Ảnh: Hiểu Nhân



Dù nổi tiếng, tranh không được công nhận là bảo vật quốc gia. Họa sĩ Trần Khánh Chương - nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - từng lý giải tác phẩm không đảm bảo ở ngay tiêu chí xét duyệt đầu tiên là "hiện vật gốc, độc bản", theo Luật Di sản Văn hóa.



Thiếu nữ bên hoa huệ nằm trong số các họa phẩm bị sao chép, làm giả nhiều nhất.


Tranh lần đầu được giới thiệu vào tháng 10/1945 tại triển lãm Văn hóa ở nhà Khai Trí Tiến Đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đến tham dự. Nhà văn Khái Hưng đứng thật lâu trước tác phẩm rồi trầm trồ vì vẻ đẹp của nó. Bức họa sau đó được hai người Nhật Bản ngỏ ý mua nhưng Tô Ngọc Vân từ chối.


Ông Tô Ngọc Thành - con trai danh họa - cho biết tranh ban đầu được lưu giữ tại nhà riêng ở Trại Khách, Khâm Thiên (nay là ngõ Thổ Quan). Khi gia đình đi sơ tán, tranh do nhà văn Ngọc Giao - chồng của em vợ Tô Ngọc Vân - cất giữ rồi bán lại cho nhà sưu tập Đức Minh. Tranh từng được đưa đi triển lãm Mỹ thuật 12 nước Xã hội Chủ nghĩa tại Nga, Hungary, Ba Lan, Romania... Tác phẩm khi ấy được giới chuyên môn và truyền thông nước ngoài ca tụng, còn Tô Ngọc Vân được xem là hiện tượng hội họa Việt Nam.


Năm 1965, nhà sưu tập Đức Minh ngỏ ý tặng tranh cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhưng thỏa thuận không thành. Ông Ngọc Thành cho biết khi ông Đức Minh còn sống, năm nào ông cũng ghé qua nhà để thưởng tranh. Cả hai có mối quan hệ thân thiết vì chung niềm đam mê nghệ thuật. Năm 1993, ông Đức Minh qua đời, tác phẩm thuộc quyền thừa kế của con trai. Sau này, tranh được bán lại cho nhà sưu tập Hà Thúc Cần - Việt kiều ở Singapore - với giá 15.000 USD. Khi ấy, Tô Ngọc Thành được mời đến xem và nhận định đúng là tranh do cha vẽ. Tranh còn trải qua vài lần đổi chủ.


Theo ông Thành, tác phẩm không lưu lạc ở nước ngoài mà thuộc sở hữu của một nhà sưu tập trong nước, tên Mai Nghĩa. Người này lưu giữ tại nhà riêng, hạn chế cho người ghé thưởng lãm. Nhà sưu tập cũng chưa có ý định đấu giá tranh vì dự đoán giá còn tăng cao, sau khi bức Les Désabusées (Vỡ mộng) của Tô Ngọc Vân cán mốc 1,1 triệu USD hồi tháng 5/2019. Tranh có một vài hư hỏng nhẹ, phải nhờ chuyên gia trong nước khắc phục.


Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từng nhờ họa sĩ Nguyễn Văn Thiện chép lại tranh để phục vụ trưng bày. Đến năm 1990, tác phẩm được gỡ xuống khi bảo tàng nỗ lực chỉ treo tranh gốc. Năm 1983, trong bản in của Nhà xuất bản Văn hóa cũng bị nhầm tranh giả. Các ảnh chụp trên sách, báo đa phần là bản chép, không đồng nhất.


"Có quá nhiều bản thật - giả lẫn lộn. Nhiều người trong nghề, thậm chí học trò của Tô Ngọc Vân cũng không nhận ra. Điều này thực sự rất nguy hiểm", ông Thành nói. Theo ông, cuốn 100 năm mỹ thuật đương đại Việt Nam phát hành tại Singapore là tác phẩm hiếm hoi in bản thật của Thiếu nữ bên hoa huệ.


Tô Ngọc Vân vẽ tác phẩm vào năm 1943 tại Đường Lâm, Sơn Tây - khi danh họa cùng thầy trò Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đi sơ tán ở đây. Thiếu nữ trong tranh là bà Sáu - người mẫu thân thiết, gắn bó với ông nhiều năm. Ban ngày, họa sĩ dạy học, chiều đến mới bắt đầu vẽ.


Theo ông Tô Ngọc Thành, bà Sáu ban đầu là người ở cho Tây, Tô Ngọc Vân thấy đẹp nên mời làm mẫu năm 1939. Khi ấy, mức lương dành cho giáo sư là 72 đồng, họa sĩ trả bà 20 đồng. Bà theo ông đi khắp nơi, xuất hiện trong hàng loạt ký họa, phác thảo, chì, mực, sơn dầu... Từ năm 1944, bà chuyển sang làm mẫu cho Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị... Bà là nhân vật trong bức Thiếu nữ bên đầm sen, Vườn xuân Trung Nam Bắc của Nguyễn Gia Trí...


Họa sĩ Tô Ngọc Vân (giữa) và cô Sáu (trái) cùng bạn bè trong chuyến đi Sầm Sơn. Ảnh: Tô Ngọc Thành cung cấp

Họa sĩ Tô Ngọc Vân (giữa) và bà Sáu (trái) cùng bạn bè trong chuyến đi Sầm Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: Tô Ngọc Thành cung cấp



Sau này, bà Sáu kết hôn, chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Vài năm trước, Tô Ngọc Thành đến nhà riêng của bà, muốn tìm kiếm thêm thông tin về quá trình làm việc với Tô Ngọc Vân nhưng bà đã qua đời.


Hiểu Nhân




Nguồn: Báo điện tử VnExpress - Thứ tư, 27/7/2022