Bảo tàng Tô Ngọc Vân - THƯ VIỆN ẢNH
21:06:00 TÔ NGỌC VÂN
Cuộc đời và sự nghiệp
QUÊ HƯƠNG
Họa sĩ Ngọc Vân sinh ra tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, nhưng lớn lên tại Hà Nội.
Làng Xuân Cầu là một làng quê cổ của đồng bằng Bắc bộ có hàng nghìn năm tuổi, từ xưa đã có câu:
Ai về Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Huê Cầu là tên xưa của Xuân Cầu. Đây còn là vùng đất nổi danh hiếu học, khoa bảng cả nước và cũng là quê huơng của nhà cách mạng Tô Hiệu, Lê Văn Lương, nhà văn Nguyễn Công Hoan.
Đồng Tỉnh bán thuốc, Huê Cầu nhuộm thâm
GIA ĐÌNH
Cha của họa sĩ Tô Ngọc Vân là Tô Văn Phú và mẹ là Nguyễn Thị Nhớn. Gia đình nội của ông là tiểu tư sản thành thị, gia đình ngoại xuất thân từ nhà Nho, làm nghề buôn bán nhỏ. Do điều kiện gia đình nghèo, ông phải đi làm từ khi còn nhỏ. Năm sáu tuổi ông sống cùng bà nội và dì ở Hà Nội. Ngày 1 tháng 1 năm 1932, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Hoàn và có 5 người con gồm 4 trai và 1 gái.
SINH VIÊN XUẤT SẮC
Năm 1926, Tô Ngọc Vân thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Khoa Sơn dầu), thuộc thế hệ đầu tiên của trường và là một trong số ít tài năng được chú ý khi mới nhập môn.
Năm 1931, ông thi tốt nghiệp và đỗ thủ khoa của Trường.
Về kỹ thuật vẽ sơn dầu, ông đã đạt đến trình độ bậc thầy. Ngay từ khi còn là sinh viên, ông đã có 3 tác phẩm sơn dầu được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật đầu tiên ở Sài Gòn tháng 12/1930 và được nhiều người hâm mộ về phong cách diễn tả như: “Ánh mặt trời,” “Bụi chuối ngoài nắng” và “Trời dịu”.
Các giáo sư và sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội, năm 1926). Hàng ngồi, từ trái sang phải: Roger, Christian, Bà Kruze, Victor Tardier, Lacollonge, Inguimberty, Nam Sơn… . Hàng đứng đầu tiên: Công Văn Trung (1), Lê Văn Đệ (10), Nguyễn Gia Khánh (Goerges Khanh) (14) và Vũ Cao Đàm ở cuối cùng hàng đứng thứ 2
Giảng viên và sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương, thập niên 30, thế kỷ XX (Ảnh tư liệu gia đình KTS Nguyễn Ngọc Ngoạn).
Sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương, thập niên 30, thế kỷ XX. Từ phải sang trái: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cao Luyện, Đoàn Ngọ… (Ảnh tư liệu gia đình KTS Nguyễn Cao Luyện).
Tô Ngọc Vân học tập tại trường Mỹ thuật Đông Dương: Sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đi thực tế ở nông thôn. Từ trái sang: Mai Trung Thứ, Tô Ngọc Vân và Lê Phổ
Họa sĩ Tô Ngọc Vân cùng các bạn đồng học (Ảnh tư liệu gia đình Tô Ngọc Thành).
Tô Ngọc Vân (phải) bên danh họa Mai Trung Thứ (đội mũ), Lê Phổ (trái) và bạn bè.
Bằng tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương của họa sĩ Tô Ngọc Vân năm 1931.
NGƯỜI THẦY VĨ ĐẠI
Từ năm 1930 đến 1945 Tô Ngọc Vân là giáo sư hội họa, thầy dạy vẽ cho Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và trường Sisowath ở Phnom Penh, Campuchia. Họa sĩ Tô Ngọc Vân ngoài việc để lại khối lượng tác phẩm đồ sộ còn là người thầy đào tạo ra nhiều thế hệ học trò xuất sắc như Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân, Mai Long, Đào Đưc... Nhiều học sinh của ông sau này trở thành những họa sĩ nổi tiếng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và nhiều giải thưởng khác.
Thầy và trò khóa Tô Ngọc Vân. Ảnh chụp tại trường năm 1955. (Tư liệu của gia đình họa sĩ Tạ Thúc Bình).
Nhóm họa sĩ Khóa Tô Ngọc Vân tại Vịnh Hạ Long. 1958. Từ trái sang: Anh Thường, Hoàng Công Luận, Nguyễn Yên, Vũ Đình Thịnh, Hoàng Thái và Lưu Yên (người đứng).
LÃNH ĐẠO MẪU MỰC
Với những cống hiến to lớn trên cương vị người Thầy và trong hội họa. Năm 1946 họa sĩ Tô Ngọc Vân được cử làm Giám đốc trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1947, ông là Trưởng đoàn Văn hóa Cứu quốc ở khu Mười đồng thời là Giám đốc xưởng Mỹ thuật, Hiệu trưởng trường Mỹ thuật kháng chiến. Năm 1948 ông làm đoàn trưởng đoàn Văn hóa kháng chiến và sau đó làm Giám đốc xưởng họa sơn mài Việt Nam. Cuối năm 1949 họa sĩ Tô Ngọc Vân tiếp tục được giao làm Giám đốc trường Cao đẳng Mỹ thuật trung ương (sau chuyển thành trường Mỹ thuật Việt Nam) tại xóm Chòi, Yên Dã thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên.
NHÀ PHÊ BÌNH SẮC BÉN
Tô Ngọc Vân là một trong những họa sĩ đã viết nhiều bài báo có những nhận định sắc bén về mỹ thuật có giá trị nhằm phổ cập, quảng bá, hướng dẫn và phê bình về mỹ thuật. Với bút danh Tô Tử, Ái Mỹ ông cộng tác với các báo như Phong Hóa, Ngày Nay, Thanh Nghị. Ông luôn có những cuộc tranh luận thẳng thắn và bày tỏ chính kiến cá nhân. Có thể nói Tô Ngọc Vân là một nhà phê bình mỹ thuật hiếm hoi thời đó, đồng thời cũng là một họa sĩ tài danh nên các bài viết của ông gây được sự chú ý lớn đối với những người có thiện cảm với hội họa hiện đại Việt Nam thời kỳ đầu.
(Ảnh minh họa bìa tạp chí Thanh Nghị).
Tranh cổ Việt Nam, tranh Tết
Ngày xưa nước ta có hội-họa không? Những tranh bảo là của các cụ để lại, chúng ta ít được xem quá. Một vài nhà còn giữ một vài bức truyền-thần, một vài tấm tranh hoa điểu, hay sơn thủy. Trừ những bức truyền thần rất hiếm, đại để những tranh đó tả phong cảnh Tầu, nhân vật Tầu, không một giấu vết gì giang sơn nước Nam cả, chứ đừng nói đến tính cách đặc biệt Việt-Nam nữa. Một sản phẩm giá trị ấy chỉ đủ cho ta tin là đã phỏng theo những họa phẩm mỹ-thuật Tầu. Phỏng theo một cách nô lệ chứ không phải là chịu ảnh hưởng. Ảnh hưởng văn hóa Tầu sang ta ở Mỹ-Thuật Việt-Nam cổ, đã giúp sự sáng tạo một Kiến Trúc đặc biệt Việt-Nam, hùng vĩ mà không nặng nề. Khi trông những tòa Kiến-Trúc như chùa Keo hay đình làng Đình-Bảng, người theo hội họa ngày nay không khỏi tiếc, buồn. Nếu các cụ khi xưa để ý đến hội-họa! Làm gì chả dành lại cho họ một gia sản họa phẩm quý giá, làm gì ngày nay, họ, người Việt-nam, phải băn khoăn đi tìm một văn bản Việt-nam trong mỹ-thuật!
Sự lãnh đạm của các cụ với hội họa, chúng ta có nên đổ lỗi cho óc chuộng khoa cử khi xưa, khinh miệt những cái gì không liền với khoa cử? Thực thì cái người trước kia kêu “thợ vẽ” mới độ mươi năm nay được người ta gọi là “họa sĩ”. Thợ vẽ ngày xưa, nếu có, đã làm một nghề mà các cụ coi chẳng vinh hạnh gì. Vì tư tưởng ấy, hội họa Việt-nam không có một nền nếp nào, một căn bản nào chắc chắn. Và cũng vì tư tưởng ấy, khoa lịch sử Việt-nam thiếu mất những vật liệu, những chứng cớ hiển nhiên diễn tả bằng sắc với hình. Ai đã chú ý đến gian phòng Triển lãm của trường Bác Cổ Viễn Đông trong kỳ hội chợ vừa rồi, trưng bầy những di tích lịch sử thành thị nhân vật Việt-nam thuộc về Cận đại đều phải thừa nhận rằng hầu hết tài liệu về tranh dựa theo những bức họa của người ngoại quốc về thời ấy. Những bức họa đầu Ngô mình Sở nhiều khi đến buồn cười! Nhưng không dùng những tranh ấy thì lấy tranh gì, ở đâu? Ít ra nó cũng có ích lợi cho ta hội ý một phần mười về sự thực, nếu không hơn thế.
Đem tính sổ tất cả cái gia-tài về cách diễn tả bằng sắc với hình mà các cụ để lại, chúng ta thấy mỏng mảnh quá, nghèo quá! Đáng kể họa chăng chỉ còn tranh thờ vẽ Quan Lớn, Chầu Bà, Ngũ Hổ, đáng kể vì đã hình dung những vị Thánh Thần bằng người Annam y-phục Annam; và hơn thế một chút, những tranh in nhiều bản gọi là Tranh Tết mà ta thấy bán ở nhà quê kẻ chợ về ngày gần Tết.
Tranh Tết gồm có những tranh để dán cửa như tranh ông Tướng, tranh hai ông Tiến Tài, Tiến Lộc; và những tranh để dán lên tường. Loại này có thể phân ra:
A) Tranh súc vật như “con gà”, “con lợn”, cóc giậy học”, “cưới chuột”…
B) Tranh gương luân lý như “Vua Thuấn cầy voi cảm động đến Trời”, cùng tranh các ông Tăng Tử, Diễm Tử, Vương-Tường đi kiếm củi, lấy sữa hươu, úp cá để về nuôi mẹ…
C) Tranh phong tục như “Họp chợ”, “Làm ruộng”, “Đánh sóc đĩa”, “Tổ tôm ngày tết”, “Leo dừa”, “Đánh ghen”, v.v…
Tổ tôm ngày Tết (tranh Đông Hồ);
Thời bình mở hội Xuân/ Nô nức quyết xa gần/ Nhạc dâng ca trong điện/ Trò thưởng vật ngoài sân.
Toàn thể tranh in đều một lối, khắc vào bản gỗ, nét mực và các mầu, dập lên giấy nền đỏ hay vàng. Mấy năm gần đây, giấy nhật trình trắng là thứ nền thông dụng, và nhiều khi cho mau việc, người ta chỉ in một bản nét mực họa hình, còn mầu sắc đều bôi bằng tay cho chóng.
Ai đầu tiên đã nghĩ sinh ra tranh Tết? Ai đầu tiên đã vẽ tranh Tết và tự bao giờ? Chúng tôi không biết. Song một điều chúng tôi chắc chắn mà phỏng đoán là những tác phẩm ấy do những người không phải tay nghề “họa sĩ trong một phút” cao hứng mà phác ra. Tất cả những nhân vật đều hình dung một cách ngây thơ, thô mộc, không có óc nhận xét, tuy nhiều khi giáng giấp cũng linh hoạt. Phần lớn thì mặt người nào cũng giống người nào, trẻ con, đàn bà hay đàn ông; và tờ tranh nào cũng có ngần ấy mầu dùng nguyên chất không bao giờ đổi. Ở những tranh loại luân lý và phong tục thường kèm những giòng chữ nôm dẫn giải ngụ ý của tác giả. Ví dụ trong tranh “ngày xuân đánh tổ tôm” họa sĩ đề mấy câu nói: được bài hay thua đều có vận đỏ đen, cao tay cũng chẳng ăn gì; trong tranh “Đánh ghen” có những lời: thôi thôi bớt giận làm lành, xấu chàng hổ ai…
Xuy đó ta nhận thấy rằng, trong tranh Tết, nghệ thuật không có phần mấy. Dụng tâm tác giả là ý tứ phô bầy, ở cái óc tinh nghịch, hóm hỉnh, châm biếm, diễu cợt đến thô một cách suồng sã. Song cũng nhờ thế mà ở tranh Tết cái ngây thơ lắm khi dễ yêu, sự vụng về thường thường cảm động, và một ánh duyên không mầu mỡ phủ lên. Chúng ta ai mà quên được cái chị mặc váy hớ hênh trong tranh “Leo dừa” chèo lên đỉnh cây dừa hái quả; Cái đàn chuột kéo nhau đi đút lót mèo để cầu yên; Cái anh chàng trần như rộng, quăng áo ra đặt cửa trên tranh “Sóc đĩa”; cái chị vợ búi tóc ngược trong tranh “Đánh ghen” săm săm nhẩy đến chỗ anh chồng đang ôm một cô không yếm, một tay chị hoa lên còn một tay lăm lăm cầm cái kéo há miệng sẵn. Để cắt gì? Tùy chúng ta hiểu sao cũng được…
Những tờ tranh ấy đều một giáng một sắc, một nguyên tố, không là kết quả của sự tìm tòi nghệ-thuật có liên tiếp hay biến trạng theo thời đại, không chỉ dẫn một phương châm nghệ thuật nào, vậy không có lợi cho nghệ thuật Hội Họa ngày nay.
Cảm tình đằm thắm của chúng ta với những tờ tranh Tết một phần lớn có lẽ do sự ta nhớ tiếc thời đã qua mà trong những tranh đó ta cảm thấy hương vị đưa lại, cái thời chúng ta còn để chỏm, ngày Tết mặc cái áo bao giờ cũng quá giài rộng, túm nhau bên tường mà âu yếm những tranh Tết rực rỡ dán lên.
Song dẫu sao giá trị tranh Tết ngày nay vẫn còn, không ở phạm vi nghệ thuật, mà ở cái vẻ Tết nó mang đến, mạnh hơn cả bánh chưng xanh và ngang với câu đối đỏ…
(Nguồn: tạp chí Thanh Nghị số 9, 2/1942, tr. 4-5)
Họa sĩ và chiếc máy ảnh
Có một nhời khen mà bọn họa sĩ tôi sợ là khi người ta ca-tụng mình đã vẽ tài “hệt như bức ảnh”. Họ sợ vì cho đó là một nhời thóa mạ, vì họ không muốn bị tưởng nhầm là cái máy ảnh không hồn, vì – nói lẩn thẩn – họ là người. Người ấy thường thường có thêm một giác quan mỹ-thuật để cảm vẻ Đẹp, một tấm lòng rộng mở để đón những tình rung động và một óc sáng để soi thấu tâm hồn sự vật. Mà chân giá-trị của họ cũng chỉ ở chỗ đó, và ở chỗ biết đem những cảm giác ấy diễn ra và truyền lại cho người coi tác phẩm của mình.
Vậy, tưởng họ là cái máy, tức coi họ không phải người, thứ nhất người mỹ thuật. Sự chia rẽ ngăn công chúng xa nghệ sĩ, duyên cớ do nhầm lẫn ấy. Một đằng thì yên trí rằng công việc họa sĩ là chép đúng cái vỏ ngoài của sự vật để đi đến một bức ảnh hoàn toàn, trong khi đằng này thiết tha tin sứ mệnh của mình là tả linh-thần sự vật theo như mình yêu, biết, cảm; nói tóm lại không vì cái vỏ ngoài của sự vật, mà vì mình, để tả tâm trạng mình hơn là sự vật, nhiều khi chỉ là những “Cớ”.
Bởi công chúng xem tranh lại đòi ảnh, còn nghệ sĩ bầy tranh lại chỉ muốn bầy tâm trạng mình, nên cái điệu “trống đánh suôi, kèn thổi ngược” ở đây người ta vẫn được nghe luôn.
Bao giờ công chúng cũng bất mãn. Ở tranh không làm gì có sự chơn chu, tỉ mỉ đầy đủ như bức ảnh. Mặt người thì ít khi tỉa đủ lông mày, cây cối thì chẳng bao giờ đủ cành đủ lá…
Riêng tôi lấy làm khó hiểu cái sự thích thực hiện quá quắt ấy của công chúng. Họ thích thế mà lại thích được cả tranh Tàu, thứ mỹ thuật phẩm mà họ vẫn trang hoàng trong nhà. Còn có tranh nào xa thực hiện bằng tranh Tàu! Không khuôn hình thật, không mầu sắc thật.
Vậy mà họ nhìn cho là tự nhiên lắm, không khi vẫn khe khắt bới lông tìm vết trên họa phẩm hiện đại của ta. Nếu công chúng nhìn những tác phẩm này cũng như nhìn tranh Tàu, thì cái bề xa họ với nghệ sĩ sẽ thu lại nhiều. Họ sẽ hiểu nhau hơn.
Không cứ gì công chúng, cũng có xuất hiện những ông họa sĩ ưa tranh giống ảnh. Những ông này được người ta xếp vào tiếng văn vẻ “Tả chân”. Nhưng tả chân, theo họ hiểu là thế nào? Đã có những họa sĩ chăm chú nắn nót từng chiếc khuy áo, đếm từng nét dăn trán, hay tỉa những sợi lông con vật như cái ông cách đây ít lâu đã trưng bầy bức tranh “Con Báo”. Như thế để làm gì? Một tài liệu khoa học thì còn có nghĩa. Nhưng để chép lại những vật mà người ta nhìn thật còn thú hơn nhiều!
Một bức hội-họa chân chính là một tác phẩm mang dấu vết tâm trạng của người đã sáng tạo ra nó, là cảnh vật thêm tâm hồn nghệ sĩ. Không là hình dung thản nhiên, lạnh nhạt của tạo vật, để thay tấm ảnh hay ghi chép hiện trạng khoa học. Phần hồn của tác phẩm không phơi trên tranh như hình một trái cây hay bóng dáng một cái nhà. Muốn hội được tất phải là người dễ cảm lại gặp lúc tâm thần thư thái lợi cho mỹ cảm. Những người đó hiếm, những lúc ấy hiếm, nên sự thưởng thức hoàn toàn một họa phẩm vẫn là việc hiếm.
Phải mượn phong cảnh và nhân vật để tả tâm trạng mình, họa sĩ buồn vì người ta chỉ ngừng lại phong cảnh và nhân vật mà không đi thấu đến tâm trạng của mình. Ở chỗ đó nghệ thuật hội-họa không “trong” bằng âm nhạc. Âm nhạc không mượn một hình gì hay chuyện gì mà rung cảm thẳng đến tâm hồn người nghe.
Loạt bài phê bình mỹ thuật của họa sĩ Tô Ngọc Vân từng được đăng trên tạp chí Phong Hoá.
Loạt bài phê bình mỹ thuật của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân từng được đăng trên tạp chí Phong Hoá.
HỌA SĨ TÀI BA
Tô Ngọc Vân được biết đến là một trong những họa sĩ tiên phong trong giai đoạn khởi đầu của nền Mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Sở hữu tâm hồn nhạy cảm, trái tim đầy nhiệt huyết và học thức uyên bác đầy chuẩn mực, những tác phẩm do ông họa nên ít nhiều đều chạm được đến điểm sâu nhất trong tâm trí mỗi người thưởng tranh.
Tô Ngọc Vân được đánh giá là người có công đầu tiên trong việc sử dụng chất liệu sơn dầu ở Việt Nam. Ông được xem là một trong những họa sĩ lớn của hội họa Việt Nam, nằm trong “bộ tứ” nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn (họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn).
Bảo tàng Tô Ngọc Vân - TÁC PHẨM
CHIẾN SĨ CÁCH MẠNG TÀI TRÍ
Từ năm 1945 đến năm 1954 Việt Nam bước vào thời kỳ kháng chiến giành độc lập dân tộc, Tô Ngọc Vân xung phong đi chiến dịch, trở thành một người chiến sĩ đúng nghĩa, tích cực cho kháng chiến. Ông hiểu rằng trước tình cảch chiến tranh lầm than, điều cần nhất là những người nghệ sĩ có thể dùng nghệ thuật để khích lệ tinh thần đấu tranh cho toàn dân. Trong suốt khoảng thời gian đầu quân... Tô Ngọc Vân đã vẽ lại rất nhiều bức tranh, nhiều kí họa về người lính, về cuộc sống đầy gian chuân nhưng ấn đậm hơi thở nóng bỏng của thời cuộc và toát lên những cảm súc nhân văn sâu sắc.
LIỆT SĨ KIÊN CƯỜNG
Trưa ngày 17/6/1954 họa sĩ Tô Ngọc Vân cùng đoàn văn nghệ sĩ đi chiến dịch trở về, khi đang ký họa chân dung một cụ già người Tày tại km 41 Ba Khe, đèo Lũng Lô, Yên Bái thì một loạt bom nổ dữ dội đã khiến hơn một trăm dân công hi sinh, họ được chôn chung một hố, riêng Tô Ngọc Vân được cụ già người Tày chôn bên bờ suối.
Một năm sau, cơ quan cho bốc mộ Tô Ngọc Vân, đưa về an táng tại Hà Nội. Ông được truy tặng danh hiệu Liệt sĩ ngày 24 tháng 8 năm 1965 và phần mộ hiện ở nghĩa trang Mai Dịch.
Chiếc máy ảnh họa sĩ Tô Ngọc Vân dùng trong khoảng những năm 30-40 của thế kỷ XX.
GIẢI THUỞNG VÀ TÔN VINH
Huy chương vàng ở Pháp với tác phẩm "Bức thư" năm 1931
Giải nhất Triển lãm Mĩ thuật Toàn quốc 11/1954 tại Hà Nội
Huân chương Độc lập hạng nhất (1996)
Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (1955)
Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam
Huy chương Vì sự nghiệp Mĩ thuật Việt Nam
Thư khen của Bác Hồ (1952) và chiếc áo Bác Hồ tặng (1954)
Truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật (1996).
Tên ông được đặt cho nhiều con đường tại Việt Nam và cũng được đặt cho một miệng núi lửa trên Sao Thủy.
NGHĨ VỀ TÔ NGỌC VÂN
"...
Sau tất cả, ông là một người thầy được học trò tôn kính, là nhà phê bình nghệ thuật tận tụy với nghề, là người chiến sĩ không màng gian khổ anh dũng hy sinh và trên hết là người họa sĩ với đam mê mãnh liệt, luôn sống hết mình từng giây từng phút.
Cống hiến nhiều đến vậy nhưng cuối cùng đọng lại trong mắt người đời vẫn là hình ảnh Tô Ngọc Vân đội chiếc mũ bộ đội, khuôn mặt tươi cười như tỏa nắng ban mai. Một hình ảnh đơn giản nhưng chứa đựng biết bao huy hoàng trong cuộc đời của người họa sĩ Việt Nam huyền thoại".
Trích bài "Tô Ngọc Vân: Người chiến sĩ họa nên ánh sáng cho dân tộc" - tác giả Thanh Hằng.
“Nền nghệ thuật cách mạng hiện đại Việt Nam chúng ta tự hào có danh họa Tô Ngọc Vân, một nghệ sĩ với nhiều tác phẩm nổi tiếng, một nhà giáo đã có công tổ chức lãnh đạo trường Mỹ thuật, giảng dạy nhiều thế hệ hoạ sĩ từ thời Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đến Trường Mỹ thuật Kháng chiến, người chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận văn hoá nghệ thuật Việt Nam, người có công xây dựng và là tấm gương sáng của các thế hệ nghệ sĩ tạo hình Việt Nam. Tên tuổi của danh họa Tô Ngọc Vân không những trong giới văn học nghệ thuật trân trọng mà còn được đông đảo nhân dân cả nước kính phục…”
“Trên tiền đồ vẻ vang của mỹ thuật Việt Nam, Tô Ngọc Vân là người đặt nền móng đầu tiên và góp vào đấy nhiều công phu xây đắp. Hình ảnh Tô Ngọc Vân là hình ảnh tươi sáng không bao giờ phai nhạt trong lòng mỗi người nghệ sĩ Việt Nam”.
Nguồn: Bảo tàng Tô Ngọc Vân - THƯ VIỆN ẢNH - 2022
Ảnh sưu tầm trên mạng
Họa sĩ Tô Ngọc Vân (ảnh trong sưu tập của gia đình họa sĩ Joseph Inguimberty)
Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương
Tô Ngọc Vân – Những năm Trường Mỹ thuật Khóa Kháng chiến
Các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Khang, Nguyễn Sáng, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung tại xưởng vẽ xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ.
Tô Ngọc Vân với lớp người đi sauẢnh chụp từ sổ tay của HS Nguyễn Thế Vỵ
Chuyến đi vẽ Lào Cai giải phóng 1 và 2-1951 để khẳng định vai trò của Nhà trường Kháng chiến.
Tô Ngọc Vân - Trịnh Bá Phòng - Bùi Trung Chước - Trần Văn Cẩn - Thế Vỵ - Trần Đông Lương - Nguyễn Khang
Lê Nguyên Lợi - Lưu Công Nhân - Trần Quốc Ân - Quang Phòng - Trần Dư Tá - Phan Thông - Ngô Tôn Đệ
(Tư liệu của Nguyễn Thế Vỵ) - LAO CAI ZẢi PÓNG 1-1951
0 comments: