Sự phản ánh lịch sử trong hội họa hiện đại Việt Nam

Sự phản ánh lịch sử trong hội họa hiện đại Việt Nam

Trong: ĐỀ TÀI LỊCH SỬ VÀ SỰ PHẢN ÁNH LỊCH SỬ TRONG HỘI HỌA HIỆN ĐẠI VIỆT NAM
Bùi Thị Thanh Mai

[...]
Ngoài những sáng tác về đề tài lịch sử như đã trình bày ở trên, cũng cần kể đến những sáng tác hội họa không thuộc về đề tài lịch sử song lại có yếu tố “sử” do phản ánh chân thực nhân vật và sự kiện của một giai đoạn. Nếu thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương, sáng tác hội họa chủ yếu tập trung miêu tả con người, phong cảnh, sinh hoạt và người nghệ sĩ khi ấy đang say sưa với cái “Đẹp”, khoa học về nghệ thuật tạo hình, khám phá chất liệu, kỹ thuật xử lý các chất liệu tạo hình thì bước sang giai đoạn 1945-1954 thời kỳ kháng chiến chống Pháp, người nghệ sĩ đã ý thức về tinh thần độc lập dân tộc, chủ nghĩa yêu nước. Điều này đã dẫn đến sự xuất hiện một số sáng tác hội họa về những nhân vật, cảnh tượng, sự kiện quan trọng trong giai đoạn này. Nhờ đó, tạo nên giá trị nhất định để giai đoạn sau có thể tham chiếu về mặt hình ảnh về con người, sự kiện…, hay nói cách khác là những tác phẩm hội họa này có yếu tố “sử”, trở thành tư liệu sử bằng hình ảnh do sự phản ánh chân thực về con người, sự kiện của một giai đoạn trong lịch sử dân tộc. Chẳng hạn, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất với những tác phẩm thể hiện chân thực về con người, cuộc sống Việt Nam đang trong khí thế đấu tranh chống thực dân và ủng hộ cách mạng tuy không phải là sáng tác hội họa về đề tài lịch sử, song đã trở thành những tư liệu quý có giá trị lịch sử về một giai đoạn của lịch sử dân tộc bởi sự phản ánh chân thực về cuộc cách mạng của dân tộc. Những tác phẩm hội họa vẽ về những chiến sĩ tự vệ Hà Nội đội mũ canô vai mang súng, những phố phường đỏ rực cờ Việt Nam,
hay những lớp bình dân học vụ… không phải là tranh về đề tài lịch sử, song ngày nay chúng ta có thể tìm hiểu về đặc điểm trang phục một số nhân vật hoặc sự kiện qua những tác phẩm này như một nguồn tham khảo về hình ảnh thực tế trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Như trường hợp bức bột màu Bộ đội Nam tiến của Nguyễn Đỗ Cung vẽ năm 1947, cung cấp cho chúng ta những tư liệu hình ảnh về trang phục như mũ ca lô, bao đạn… Hay như tác phẩm Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ Phủ của Tô Ngọc Vân sáng tác năm 1946 vẽ về Bác, vị lãnh tụ đương thời, thuộc thể loại tranh nhân vật vào thời điểm ấy, nhưng ngày nay thì sự kiện Bác làm việc ở Bắc bộ Phủ lại thuộc về lịch sử. Do đấy, cũng như trường hợp bức bột màu Bộ đội Nam tiến vừa kể trên, do tính chất khách quan, chân thực mà tác phẩm trở thành tài liệu sử quan trọng giúp chúng ta biết thêm, cũng như hiểu thêm về con người, công việc và nhân cách của Bác. Trong tranh, Bác Hồ trong dáng vẻ và trang phục giản dị, nghiêm trang, khoan thai mà đĩnh đạc. Để xây dựng được tác phẩm này, Tô Ngọc Vân đã ký họa nghiên cứu dáng ngồi, tư thế Bác khi đang làm việc. Bức tranh sơn dầu tôn trọng sự chân thực các chi tiết trong ghi chép ký họa về Bác nhưng được đặc tả kỹ, sâu, và hoàn thiện. So sánh bản ký họa với tác phẩm sơn dầu sẽ thấy các chi tiết đồ vật như cuốn sách đang mở, chiếc ghế, bàn làm việc, chi tiết trang phục cho đến tư thế của Bác đang chăm chú tập trung làm việc sẽ thấy hầu như không có sự khác biệt. Chính những chi tiết này đã làm cho tác phẩm không chỉ có ý nghĩa giá trị về mặt nghệ thuật tạo hình mà còn cả về mặt lịch sử, trở thành tư liệu quý về Bác Hồ, vị lãnh tụ của dân tộc. Nếu hiểu lịch sử là những gì thuộc về quá khứ thì việc phản ánh lại nhân vật, sự kiện đương thời dường như không thuộc lĩnh vực lịch sử. Thế nhưng, chính những tác phẩm này lại mang giá trị sử liệu quý báu về nhân vật, sự kiện để các giai đoạn sau có thể tra cứu, tham khảo.
Tương tự, các bức ký họa sinh động, chân thực về bộ đội, du kích, nông dân là những tư liệu lịch sử quý bằng hình ảnh về giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc, chẳng hạn như: Hai chiến sĩ (1954) Đi học đêm (1954) của Tô Ngọc Vân, Chiến sĩ Điện Biên (1964) của Mai văn Hiến, Du kích tập bắn (1947) của Nguyễn Đỗ Cung, Nhà thờ bị ném bom (1954) của Huỳnh Văn Thuận…. Không chỉ các ký họa, mà nhiều tác phẩm hội họa trong giai đoạn này như Bộ đội thổi sáo dưới nhà sàn, Tiểu đội pháo (sơn mài, 1949) của Nguyễn Tư Nghiêm, Tự vệ Huế sơn dầu của Nguyễn Văn Bình. Bắc Ninh Bắc - Giang tiêu thổ kháng chiến (1948), Đóng thuế nông nghiệp (1951) của Tạ Thúc Bình… do đặc điểm sáng tác nghệ thuật là hiện thực đồng thời gắn bó với thực tiễn lịch sử dân tộc nên có ý nghĩa giá trị về lịch sử và yếu tố “sử”.

[...]

Nguồn: www.academia.edu -