Mỹ học _ Cái đẹp của hình tượng người phụ nữ trong tranh của họa sĩ Tô Ngọc Vân

Mỹ học _ Cái đẹp của hình tượng người phụ nữ trong tranh của họa sĩ Tô Ngọc Vân

Luận văn
123DOC



A. PHẦN MỞ ĐẦU



1. Lý do chọn đề tài
Người phụ nữ luôn là tâm điểm của bao nhiêu các danh bậc họa sĩ muốn nghiên cứu sâu xa về cái đẹp. Bởi họ là phái đẹp. ẩn chứa cả bên trong và bên ngoài nhưng nét đẹp về hình thể cũng như tâm hồn. Nhưng không phải họa sĩ nào cũng vẽ ra được hình ảnh người phụ nữ đẹp mà truyền tải được các nét đẹp ở trong tranh. Ở Việt Nam các nhà họa sĩ tài ba vẽ về người phụ nữ khá là nhiều nhưng phải kể đến Tô Ngọc Vân, họa sĩ được coi là thành công nhất trong việc xây dụng hình tượng người phụ nữ trong tranh, bằng chất liệu sơn dầu. Bằng cái tài dùng màu, cái thông minh ý nhị trong cảm xúc về ánh sáng, về hiệu quả tinh tế của những tương quan tác động qua lại những phản quang mà ông đã khám
phá và say sưa tìm hiểu cái hương vị nồng nàn của chất liệu sơn dầu đó rồi lại truyền đạt vào tranh, cái quyền quyện óng ánh có trọng lượng ấy cái phong phú và cả những cái đôi lúc bất thần của chất liệu ấy là sự kích thích cho ông, con người vốn say mê hình, săc, chất ấy. Nhất là khi đối tượng vẽ của ông lại là những hình thể đường nét, sắc màu óng ả hấp dẫn của phái đẹp. Chính vì thế, em đã chọn đề tài "Cái đẹp của hình tượng người phụ nữ trong tranh của họa sĩ Tô Ngọc Vân" để làm đề tài nhiên cứu về cái đẹp người phụ nữ trong nghệ thuật.

2.Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu cái đẹp trong nghệ thuật nhằm nâng cao vốn hiểu biết về bản thân. Biết cảm thụ cái đẹp tích cực, phân tích cái đẹp. Chỉ ra được giá trị tư tưởng, thẩm mỹ tạo hình, tư duy và khả năng sáng tạo của họa sĩ Tô Ngọc Vân qua một số tác phẩm của ông nhằm làm nổi bật được vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong nghê thuật hội họa từ đó vận dụng vào học tập và giữ gìn vẻ đẹp đó trong xã hội hiện nay.

3. Đối tượng nghiên cứu
Hình tượng người phụ nữ trong tranh của Tô Ngọc Vân.

4. Phạm vị nghiên cứu
Nghiên cứu trong phạm vi một số tác phẩm tiêu biểu mang đậm tính nghệ thuật, ảnh hưởng đến triết lý phương Đông.

5. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp sưu tầm tài liệu, liệt kê.
Phương pháp phân tích tổng hợp.


B. NỘI DUNG



CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN


1. Cái đẹp trong nghệ thuật

1.1 Khái niệm
Cái đẹp là một phạm trù mỹ học, trong đó phản ánh và đánh giá những hiện tượng của hiện thực và những tác phẩm nghệ thuật đem lại cho con người một cảm giác khoái lạc về mặt thẩm mỹ, biểu hiện dưới hình thức cảm tính, đồng thời xác định giá trị thẩm mỹ của đối tượng theo quan điểm về sự hoàn thiện, xem chúng là các hiện tượng có giá trị thẩm mỹ cao nhất.
Nghệ thuật là sự sáng tạo ra những sản phẩm vật thể hoặc phi vật thể chứa đựng những giá trị lớn về tư tưởng-thẩm mỹ, mang tính chất văn hóa làm rung động cảm xúc, tư tưởng tình cảm cho người thưởng thức. Theo ý nghĩa này thường là các loại hình nghệ thuật khác nhau.
Như vậy cái đẹp trong nghệ thuật là cái đẹp tồn tại trong các tác phẩm do người nghệ sĩ sáng tạo ra.

1.2. Đặc điểm của cái đẹp trong nghệ thuật

Nét đặc trưng của cái đẹp trong nghệ thuật là tính điển hình. Người nghệ sĩ không dùng khái niệm để truyền đạt cái đẹp mà thể hiện cái đẹp bằng những biểu tượng toàn vẹn cụ thể giàu cảm xúc. Cái đẹp trong nghệ thuật chứa đựng những nét chủ yếu và đặc sắc của cái đep khách quan ngoài cuộc sống, bao quát được tính thời gian, tính không gian,... cái đẹp trong nghệ thuật cũng là sự thống nhất giữa nội dung nghệ thuật và hình thức nghệ thuật, đó là một lý tưởng thẩm mỹ có khả năng đánh giá sâu sắc các hiện tượng của cuộc sống, có năng lực giải đáp các vấn đề đang diễn ra giữa ra con người với cách diễn tả bằng hình tượng, phù hợp nhất với các bản chất lý tưởng thẩm mỹ đó.
Cái đẹp trong nghệ thuật còn là cái đẹp phản ánh mọi cái đẹp của tự nhiên và xã hội, là kết quả hoạt động mang tính sáng tạo độc đáo của người nghệ sĩ.
Có thể nói rằng, lý tưởng - khát vọng, ý chí vươn lên của con người lại được tập trung cao độ, độc đáo mà đầy sức sống như trong cái đẹp nghệ thuật. Với tư cách là thành quả sáng tạo định hướng của người nghệ sĩ bao giờ cái đẹp nghệ thuật cũng là tín hiệu thẩm mĩ đặc biệt. Ở đó được tập trung cao độ đời sống tinh thần của loài người, nó được sử dụng và phản chiếu bởi muôn vàn màu sắc cuộc sống. Nó mang ước mơ, lý tưởng, lý chí loài người tiến bộ. Cho nên nó có sức mạnh to lớn, trong nhận thức cải tạo thế giới, vươn tới sự hoàn thiện thế giới vô cùng sinh động đó của con người.

2. Khái quát về họa sĩ Tô Ngọc Vân
Tô Ngọc Vân (1906-1954) tại làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tô Ngọc Vân là một cậu bé con nhà nghèo, quá tuổi mới được đến trường học chữ. Đang học trung học năm thứ 3, Tô Ngọc Vân bỏ học để đi theo con đường nghệ thuật. Năm 1926, ông thi đỗ vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau khi ra trường, Tô Ngọc Vân đã có tác phẩm xuất sắc, được giải thưởng cao ở Pháp. Ông cũng là một người viết về mỹ thuật, phê bình nghệ thuật trên báo chí.

Từ 1935 đến 1939 ông dạy học ở trường trung học Phnom Pemh, sau đó ông về dạy ở Cao đặng Mỹ thuật Đông Dương tới 1945. Thời gian đó ông vừa giảng dạy vừa sáng tác. Sau cách mạng Tháng Tám, Tô Ngọc Vân tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1950 ông phụ trách Trường Mỹ thuật Việt Bắc. Thời gian này ông đã vẽ rất nhiều ký họa.

Tô Ngọc Vân được đánh giá là người có công đầu tiên trong việc sử dụng chất liệu sơn dầu ở Việt Nam. Ông còn được xem là một trong những họa sĩ lớn của hội họa Việt Nam, nằm trong "bộ tứ" nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần văn Cẩn). Ngay từ những năm học trong trường Mỹ thuật, ông đã sớm nghiên cứu kỹ lưỡng kỹ thuật sử dụng chất liệu sơn dầu. Thông qua kỹ thuật, ông đã cố gắng diễn tả được vẻ đẹp của duyên dáng người Việt Nam đương thời mà tiêu biểu là chân dung thiếu nữ.

Một số tác phẩm tiêu biểu của Tô Ngọc Vân: Thiếu nữ bên hoa sen (1944), Thiếu nữ bên hoa huệ (1943), Hai thiếu nữ và em bé (1944), Thiếu phụ ngồi bên tranh tam đa (1942, Bên hoa (1942), Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc Bộ phủ (1946), Nghỉ đêm bên đồi (sơn mài - 1948),...

Ông có những thành tựu là: Giải nhất Triển lãm Mĩ thuật Toàn quốc (1954), Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Thư khen của Bác Hồ (1952) và chiếc áo Bác Hồ tặng (1954). Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1966). Tên ông được đặt cho nhiều con đường tại Việt Nam và cũng được đặt cho một miệng núi lửa trên Sao Thủy.



CHƯƠNG II: CƠ SỞ THỰC TIỄN

1. Hình tượng người phụ nữ Việt Nam
Trên truyền hình, báo chí, chắc hẳn bạn đã nghe nhiều tên tuổi người phụ nữ tài hoa trong xã hội, họ không những có đôi bàn tay khéo léo, đảm đang, có sức chịu đựng bền bỉ mà họ còn có địa vị trong xã hội được nhiều người yêu quý tôn trọng.

Theo tiến trình phát triển của xã hội loài người, người phụ nữ trong mỗi giai đoạn đều có vai trò khác nhau. Ở thời kỳ xã hội mẫu hệ - khi đó người phụ nữ có vai trò đứng đầu và nắm giữ mọi quyền lực trong gia đình và xã hội, trong khi đó người đàn ông đều dưới quyền và phục tùng. Tới xã hội phong kiến vai trò của người phụ nữ không được tôn trọng. Họ bị coi rẻ và được ví như "Nữ nhi khoe sắc thường tình", "Thân em như hạt mưa sa", "Đàn ông trong nhà, đàn bà xó bếp",...

Như vậy khái niệm về người phụ nữ thời kỳ này lại hoàn toàn khác với thời kỳ mẫu hệ, phụ nữ thời phong kiến về sự cam chịu, an phận và ít được tôn trọng. Thời đại ngày nay khi mà xã hội đã dân chủ công bằng văn minh thì quan niệm người phụ nữ đã được bình đẳng. Người phụ nữ được tự do lao động sáng tạo và được khẳng định mình trước xã hội, họ ngày càng phát huy bản năng của người phụ nữ dịu dàng, đảm đang, khéo léo mà họ vẫn có đủ khả năng đảm nhận các công việc như đàn ông làm. Như vậy trong xã hội ngày nay khái niệm về người phụ nữ đã khác đi, đó là người phụ nữ "giỏi việc nước đảm việc nhà".

Tóm lại, khi nói về người phụ nữ ngoài khái niệm chung thì người phụ nữ trải qua từng thời kỳ phát triển của xã hội mà người ta có khái niệm riêng phù hợp . Nhưng ở trong xã hội nào phụ nữ cũng đều phát huy đặc trưng, vai trò của mình là người vợ, mẹ và người có trách nhiệm trước pháp luật.

Có thể nói hình tượng người phụ nữ là một mảng đề tài rất rộng lớn và sâu sắc không có ngôn ngữ, trang viết nào miêu tả hết được. Bản thân em cũng là một người người phụ nữ và em luôn tự hào về điều đó. Cùng với những người có cùng khuynh hướng sáng tạo nghệ thuật, em sẽ dùng cây bút mình để dựng lên những tác phẩm nghệ thuật ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ. Để hình tượng phụ nữ luôn sáng ngời trong chúng ta.


2. Hình tượng người phụ nữ trong các tác phẩm của họa sỹ Tô Ngọc Vân
2.1 Cái đẹp của hình tượng người phụ nữ trong tranh Tô Ngọc Vân trước cách mạng tháng Tám
2.1.1. Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ
Giai đoạn trước cách mạng tháng Tám Tô Ngọc Vân đã nắm bắt được cái đẹp của hình thể, chói lóa sắc màu, sáng tạo lên bức tranh lộng lẫy tươi mới, giàu sức biểu hiện nhờ nghệ thuật sơn dầu điêu luyện, sành sỏi bậc thầy. Cấu trúc bác học phương Tây đang ngưng kết trong mạch nguồn văn hóa dân tộc khiến tác phẩm nghệ thuật của Tô Ngọc Vân vừa có sự thanh tân vừa có cái nhìn mới mẻ, hiện đại nhằm thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của tầng lớp thị dân. Ở giai đoạn này ông có những tác phẩm nổi tiếng như: Thiếu nữ bên hoa huệ (1943), Thiếu nữ bên hoa sen (1944),...
Những tác phẩm lúc này đã đánh dấu đỉnh cao nghệ thuật sơn dầu của ông, nghệ thuật vững vàng về hình khối màu sắc đẹp, hòa nhã, sáng tối lung linh, trữ tình, thanh thoát và đằm thắm. Với họa phẩm nay Tô Ngọc vân đã làm cuộc cách mạng tạo hình Việt Nam. Ông đã trở thành một trong những người trụ cột vững trãi, làm cơ sở cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại và phát triển.
Những người phụ nữ trước cách mạng của họa sỹ chủ yếu là những phụ nữ tân thời yếu ớt không quen lao động. Quan niệm của ông lúc đó về cái đẹp của người phụ nữ chỉ là vẻ đẹp đài các, yểu điệu mảnh mai chứ không phải là vẻ đẹp của những người phụ nữ trong lao động sản xuất "Với ông không cần biết đến chuyện bếp núc chỉ cần đẹp".
Ngắm bức tranh "Thiếu nữ bên hoa huệ", như đã nói, Tô Ngọc Vân là một họa sĩ rất thành công trong việc vẽ sơn dầu ở nước ta, một chất liệu mới mẻ lúc bấy giờ ở Việt Nam.
Từ đây ta có thể nói rằng không phải chất liệu làm nên tác phẩm, mà tác giả làm lên giá trị của nó. Với một chủ đề đơn giản, một cô thiếu nữ ngồi ngắm hoa nhưng với sự diễn đạt ở ngòi bút và cảm xúc mà Tô Ngọc Vân đã làm lên tác phẩm nổi tiếng này. Với một bố cục được họa sĩ thể hiện không toàn vẹn toàn phần thân thể nhưng ta cảm thấy bố cục rất hợp lý, chắc chắn. Hoa huệ trắng, màu trắng của sự thanh khiết và cô thiếu nữ cũng được họa sĩ khoác lên trên mình những tấm vải lụa mỏng, làm tôn lên vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ.

Toàn bộ bức tranh vẽ màu sắc trắng, xám và xanh nhẹ không vẽ chi tiết như truyền thần mà ở đây ta chỉ thấy có tiếng nói của ánh sáng, hình chắc gọn đến mức đơn giản hơn nữ để làm ấm lại bức tranh tác giả đã định xuyến vào đó những chấm đỏ lên cánh mũi, môi và gò má tạo cho khuôn mặt cô gái thêm phần thanh tú, sáng ngời. Với bố cục chặt chẽ, hoàn hảo, cách sử dụng màu điêu luyện, "Thiếu nữ bên hoa huệ" đã thể hiện được cái mềm mại gợi cảm ở đường cong trên đùi thiếu nữ và nhất là cách dùng dao gọi bớt lớp sơn phía trên để lộ ra lớp sơn hồng bên dưới tạo nên sắc ửng hồng trên má thiếu nữ... Cách sử dụng ánh sáng này một phần do ông chắt lọc trong nghệ thuật ấn tượng Pháp, ông chỉ dùng mảng màu làm ánh sáng, bóng tối mà không sử dụng đến viền nét.
Trong tranh là một cô thiếu nữ Hà thành với bộ áo dài, mái tóc dài ngồi ngắm hoa huệ đã biểu thị cho nét e ấp kín đáo, trầm tư của người con gái thành thị Việt Nam lúc bất giờ. Bức tranh "Thiếu nữ bên hoa huệ" đã diễn tả được cái hiện thực xã hội đó. Bởi vì họa sỹ Tô Ngọc Vân không chỉ vẽ giống mà ông còn vẽ giống hơn thực tế.

Một nhà phê bình mỹ thuật đã viết về ông: "Những thiếu nữ trong tranh Tô Ngọc Vân đều có vẻ đẹp dịu dàng, thuần khiết, giàu nữ tính. Họ duyên dáng, kín đáo và tế nhị, lịch sự, quý phái trong từng cử chỉ, dáng điệu khiến người xem có cảm tưởng họ sinh ra từ không khí, ánh sáng và những cánh hoa. Và dường như chung quanh họ được bao bọc bởi một không gian êm đềm, thơ mộng. Vẻ đẹp của họ là vẻ đẹp của phụ nữ Hà Nội, phụ nữ Á Đông: Mong manh mà bền vững, bí ẩn mà quyến rũ, lúc nào cũng như đắm chìm, soi rọi vào thế giới nội tâm chính mình; ngay cả nỗi buồn thành thực, ngây thơ của họ cũng hết sức đáng yêu". Bức tranh "Thiếu nữ bên hoa huệ" đã đưa ông lên đỉnh cao của nghệ thuật nhưng nó cũng chỉ là một trong số rất nhiều tác phẩm thiếu nữ của ông. Năm 1944, ông lại nối tiếp bức tranh "Thiếu nữ với hoa sen", so sánh với bức "Thiếu nữ bên hoa huệ" thì tác phẩm này có gì đó toàn vẹn hơn về hình thể người thiếu nữ nhưng nó lại có một điểm chung là đối tượng là những cô gái thiếu nữ hà thành và điều đáng nói ở đây là tâm trạng của hai cô thiếu nữ ở hai bức tranh có gì đó rất giống nhau, phải chăng là các cô gái đều gửi tâm trạng đến những bông hoa còn điểm khác có thể là cách thể hiện của tác giả. Bởi vì với việc ông thể hiện bút pháp trong bức tranh "Thiếu nữ với hoa sen" có phần trau chuốt cho nên ta cảm thấy hình tượng cô thiếu nữ rất duyên dáng và mền mại. Tuy không gian là một góc nhỏ ở trong phòng nhưng ông dùng tới khả năng diễn tả đậm nhạt tốt cho nên ta vẫn thấy bức tranh rất thoáng về không gian ta thầy ông sử dụng màu rất tươi tắn với những gam màu đỏ và vàng là chủ yếu. Màu đỏ ở đây được đặt vào cho mặt bàn trên đó là chiếc bình gốm màu trắng. Và để chiếc bình gốm không bị nhàm chán tác giả đã điểm lên đó vài chấm đỏ để tạo các sắc đỏ phong phú hơn.
Tranh của Tô Ngọc vân thường là rất ít nét, ông làm hình bằng việc sử dụng các mảng màu, như ta thấy hình ảnh cô thiếu nữ trên, ông không dùng nét mà chỉ làm khối và sử dụng đậm nhạt bằng mảng màu, có lẽ thế mà tạo được dáng vẻ mềm mại uyển chuyển của người thiếu nữ. Bởi hình đối với ông nó là sự gợi lên cấu tạo chủ yếu của sự vật, nhưng nó mang lại một âm hưởng mới. Đối với ông đó là sự thể hiện được những đường nét cân đối, nhịp nhàng, hình thể tròn đầy, chất óng mượt của lụa và vải mỏng bó sát lên cơ thể của người phụ nữ. Tô Ngọc Vân biết yêu cái đẹp và ông biết thể hiện nó dù là cái đẹp tập trung của một nhận vật hay nhiều nhân vật.
Tô Ngọc Vân đã từng nhận xét: "Không ai vẽ mặt thiếu nữ sắp khóc tài bằng Mai Trung Thứ". Nhưng người đương thời lại nhận xét: "Không ai vẽ thiếu nữ duyên dáng gợi cảm, đa tình bằng Tô Ngọc Vân". Mọi người đều công nhận người họa sỹ duy sắc phải chạy theo ánh sáng của mặt trời Tô Ngọc Vân là chủ nhân của những bức tranh sơn dầu phác họa về người thiếu nữ nổi tiếng của một thời đó. Từ cô bé e ấp bên song cửa đọc bức thư, chị em tâm sự trong buổi trữ tĩnh mịch, cô thiếu nữ áo trắng dưới bóng nắng đến những chị em đi du xuân, ngắm trăng, lả lưới bên huệ, hoa sen buồn tư lự bên án thư, vẻ đẹp đài các, nhẹ nhàng của các cô thiếu nữ trong mỗi tác phẩm của ông đã toát lên vẻ đẹp của thế giới nội tâm sâu sắc. Ông đã đi sâu nghiên cứu nó, nắm bắt nó đến từng chi tiết chuyển động nhỏ một của người phụ nữ. Có thể nói rằng hình tượng người phụ nữ trong tranh ông trước cách mạng đó là vẻ đẹp tâm hồn.
Tác phẩm "Hai thiếu nữ và em bé" (1944), là một trong những tác phẩm đẹp nhất của ông về đề tài người phụ nữ. Tác giả đã chọn một góc độ ấm cúng nhất của ngôi nhà cố để hai chị em có thể ngồi bên nhau tâm sự. Toàn bộ bức tranh là gam nóng, ấm áp với màu vàng chữ đạo, ba nhân vật được quy gọn trong hình tam giác theo lới bố cục cổ điển. Đây là kiểu bố cục mang tính cơ bản chặt chẽ nhất, tập trung nhất. Mảng hình từ em bé đến người phụ nữ trong tà áo dài màu vàng lớn dần, gợi cho ta cảm giác về sự vận động và phát triển từ nhỏ đén lớn, từ thấp đến cao, ánh sáng mạnh dần và hướng người xem thấy được vẻ đẹp tâm hồn, hồn nhiên, ngây thơ của em bé, vẻ đẹp e ấp, kí đáo của cô thiếu nữ trong tà áo trắng tinh khiết và vẻ đẹp đằm thắm của người thiếu phụ toát lên từ cử chỉ hai bàn tay chắp vào nhau, nếp áo dài rũ khá mềm mại. Sự xuất hiện của đứa trẻ đang nghịch đưới sàn nhà cho thấy một thiếu phụ hạnh phúc với cuộc sống viên mãn. Sự sắp xếp các mảng trắng, xanh, vàng theo những đường lượn phong phú đã tạo nhịp điệu cho bức tranh. Sự cân đối giữa các mảng màu vàng, đỏ, cam nóng thêm những mảng xanh cây, xanh lơ nhẹ nhàng mát mẻ kết hợp với những mảng màu trắng trên trang phục ở những bông hoa phù dung tinh khiết đã tạo nên sự hài hòa về màu sắc. Tất cả những yêu tố ngôn ngữ tạo hình vừa phân tích ở trên đã góp phần tạo nên một tác phẩm chuẩn mực về phẩm chất tạo hình, tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong trang phục áo dài dân tộc. Toàn bộ tác phẩm là vẻ đẹp quyến rũ hấp dẫn người xem từ hình dáng đến màu sắc, bố cục. Với hình tượng hai cô gái và em bé bên cây hoa phù dung đang độ đẹp rực rỡ và tinh khiết nhất còn gợi cho ta một sự liện tưởng mơ hồ về vẻ đẹp của người phụ nữ. Nhưng ở góc độ nghệ thuật tạo hình thì những điểm nhấn làm tăng thêm vẻ đẹp của người phụ nữ. Nhưng ở góc độ nghệ thuật tạo hình thì những mảng lá cây xanh đậm và những bông hoa phù dung trắng muốt là những điểm nhấn làm tăng thêm vẻ đẹp cho hình tượng những cô gái cũng như toàn tác phầm. Màu đỏ tươi rực rỡ tập trung ở hình tượng em bé dài trên toàn bộ tranh và dừng lại ở trước mành cửa trên góc tranh đã góp phần tạo nên sự chặt chẽ nhưng không đóng kín của bố cục tranh. Ngoài ra tác giả còn rất chú ý đến giữa mảng nhân vật và nền tạo ra bố cục tranh chặt chẽ, chắc chắn song lại rất thoáng, động. Với lối diễn tả ánh sáng nhẹ nhàng tạo sự chan hòa gợi khối đơn giản càng làm tăng thêm vẻ đẹp duyên dáng, đài các nhưng rất kín đáo của hình tượng hai thiếu nữ và hồn nhiên của em bé. Những đường cong mềm mại trong diễn tả các nhân vật tương phản với những nét thẳng, ngang, sắc của khung cửa, tường nhà đã tạo nên sự phong phú cho yếu tố đường nét trong tranh.
Nhưng vẻ đẹp đó như chỉ giới hạn, bó buộc trong không gian hạn hẹp, trong những sinh hoạt gia đình - như đang bó buộc trong lễ giáo phong kiến,... Chính vì vậy mà chúng ta thấy phảng phất trong tác phẩm, hình ảnh nhưng người phụ nữ có đôi chút lặng lẽ, trầm ngâm, buồn tư lự... Với một tâm hồn tưởng chừng sâu thẳm vô định bên trong. Ngoài vẻ đẹp hình thể mà tạo hóa ban cho, người phụ nữ còn có vẻ đẹp đức hạnh, về nhân phẩm, về sự hi sinh cả cả... Đó cũng chính là vẻ đẹp tâm hồn.

2.1.2. Vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ
Nghệ thuật kim cổ Đông Tây bao giờ cũng trọng vọng những vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ, xem như mùa xuân vĩnh hằng, là nguồn hứng khởi vô biên và là một đề tài muôn thủa... Song không có vẻ đẹp nào lại trừu tượng, hư vô... mà bao giờ cũng là sản phẩm của tâm linh lý tưởng hoặc thiên hứng của cảm xúc ở mỗi nghệ sĩ, mỗi dân tộc, mỗi thời đại và theo thời gian diễn biến không ngừng.
Hình tượng người phụ nữ trong tranh tranh của Tô Ngọc Vân được diễn tả rất đẹp về hình thể. Một vẻ đẹp tinh khiết đài các, sang trọng với nếp áo dài mềm mỏng ôm sát lấy những đường nét tuyệt đẹp của cơ thể, càng làm tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ Hà Thành, phần ngực ôm sát, phần vạt áo được sẻ cao tới lưng, hông, để lộ đôi bàn chân đầy đặn, với những cử chỉ nhẹ nhàng của cô thiếu nữ nghiêng mình, áp sát khuông mặt xuống đóa hoa. Cô gái như muốn tâm sự với những đóa hoa ấy rằng: "Cô đang rất buồn". Có thể thấy được vẻ đẹp hình thể của người đẹp bình dị, mộc mạc. Ông đã mô tả vẻ đẹp hình thể người phụ nữ Việt Nam đậm bản sắc dân tộc Việt. Ta không thấy những đường cong lượn của cơ thể trong tranh, ta không thấy được làn da trắng nõn nà của cơ thể, không khiêu gợi, không phô trương mà chỉ là những điểm nhấn nhỏ, đôi chỗ là da để hở một cách tự nhiên, người xem cũng như thấy được vẻ "tự nhiên" của người phụ nữ trong tranh ông mà vẫn khắc họa được vẻ kín đáo. Hình tượng nhân vật được đưa cận cảnh làm biểu tượng trung tâm và biểu đạt ý tưởng của bức tranh, không gian trở thành ước lệ dường như tĩnh lặng. Những ý niệm về thời gian trong tranh biểu lộ rất rõ khuôn mặt, mảng hình, trang phục. Tô Ngọc Vân đã đem lại cho người xem một hình ảnh hiện thực về con người mà ông đã thể hiện.

2.2. Cái đẹp của hình tượng người phụ nữ trong tranh Tô Ngọc Vân sau cách mạng tháng Tám
2.2.1. Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công mở ra một chân trời mới, một hướng đi mới cho các văn nghệ sĩ Việt Nam nói chung và các họa sĩ Việt Nam nói riêng. Nổi danh là họa sĩ chuyên vẽ phụ nữ đẹp theo quan niệm tiểu tư sản (Thiếu nữ bên hoa huệ, Hai chị em gái), nhưng hầu như ngay lập tức, xuất hiện trên giá vẽ của Tô Ngọc Vân những hình ảnh, những khuôn mặt phụ nữ Việt Nam dọc đường kháng chiến, với quan niệm về cái đẹp thay đổi theo nhân sinh quan thời đại. Cùng một thế hệ họa sỹ với ông nhưng không phải ai cũng có nhiều trăn trở như ông, ông phải tự vượt qua chính mình để chuyển hẳn sang con đường nghệ thuật cách mạng. Qua Tô Ngọc Vân ta thấy sự hóa thân của một họa sỹ lớn đã đau lòng như thế nào? Khi "Thiếu nữ bên hoa huệ" với những tà áo dài thướt tha ngồi bên những bông hoa huệ được cắm trong chiếc bình trắng với những họa tiết đơn giản nhưng vẫn cổ kính. Đến "Nghỉ chân bên đường" (1948), "Chị cán bộ cốt cán" (1954). Tuyệt nhiên không phải là sự chuyển hóa êm thấm nhất mà là người đó có đầy đủ ý thức về hoạt động sáng tác của mình như Tô Ngọc Vân, ông không thể vẽ bất cứ cái gì khi cái đó chưa thấm đượm vào tâm hồn mình mà tâm hồn của người nghệ sĩ lớn như Tô Ngọc Vân khi đã hình thành vững chắc thì không dễ gì biến đổi, nếu không trải qua những cơn đau lột xác, những cơn đau của sự hóa thân, chính Tô Ngọc Vân đã viết những dòng tâm sự này trong quá trình lột xác và sự hóa thân ấy của mình.
Bức kí họa "chị cán bộ cốt cán" là một trong những bức kí họa ghi chép của ông về chị Tốt ông vẽ chị đeo một chiếc túi thổ cẩm và để một bàn tay lên ngực, với dáng đứng thẳng chị có vẻ đẹp trầm lắng trong suy nghĩ. Ông dùng những nét bút gọn và sắc vuốt thẳng. Chị cán bộ cốt cán đứng lặng giữa cuộc đời không sức gì có thể kiềm chế được. Không phải ngẫu nhiên ông lại vẽ chị chụm chân, mắt nhìn xa đôi môi hơi mím lại nét mặt trầm tĩnh, lắng trong suy nghĩ, tay giơ lên phát biểu ý kiến, chị muốn góp một phần ý kiến nhỏ bé của mình vào sự phát triển của nước nhà, cũng cái đôi bàn tay ấy được Tô Ngọc Vân phác họa rõ nét, đầy dứt khoát. Hình ảnh cương quyết, cương trực đầy lòng tin tưởng ở sức mình.

Nhân vật người phụ nữ trong tranh ông buồn như: "Thiếu nữ bên hoa huệ" nhân vật mới một con người mới "Chị cán bộ cốt cán" đúng thẳng người như măng mọc tràn đầy sức sồng. Hai bức tranh của cùng một tác giả, một chặng đường nhiều tiểu xảo trong nghệ thuật dẫn con người tới những cảm giác chật hẹp trong hình khối, một chặng đường giản dị chân thành dẫn con người tới ước vọng cao đẹp.

2.2.2. Vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ
Nếu như bắt gặp hình ảnh người phụ nữ trong tranh Tô Ngọc Vân trước cách mạng tháng Tám, ta không khỏi ngỡ ngàng khi thấy sự thay đổi về vẻ đẹp của họ trong tranh sau cách mạng. Từ những cô gái da trắng, má hồng, thân hình mảnh mai, yểu điệu thục nữ với những cử chỉ nhẹ nhàng, mềm mại trong bộ áo dài,... nay thì với những chiếc áo vải, gọn gàng, chiếc quần lụa đen ánh được sắn cao, đến nhưng mái tóc dài buộc gọn. Họ sẵn sàng lao vào cuộc kháng chiến đầy ác liệt để giữ vững nền độc lập, tư do vừa mới giành được.
Giai đoạn sau cách mạng tháng Tám họa sĩ Tô Ngọc Vân dồn hết năng lực của mình vào sáng tác để diễn tả hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống mới, trong chiến đấu giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc. Vào những năm tháng đất nước chiến tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: "Văn hóa trong đó có, văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, người văn nghệ sĩ là chiền sĩ trong mặt trận ấy". Lĩnh hội được tư tưởng đó Tô Ngọc Vân đã đến tới cách mạng bằng tinh thần và lòng nhiệt huyết, trong tranh của ông ở thời kỳ này tập chung chủ yếu vào lao động, sản xuất chiến đấu. Vẻ dẹp thiên phú tuyệt vời về hình thể người phụ nữ lại được đề cập lại. Nhưng đem lại cho người xem không phải là vẻ đẹp tươi mát của
da thịt, thân thể mà là nhưng khuôn mặt rạng ngời, tươi tắn, đôi lúc e thẹn làm duyên.
Bức ký họa "Đi học đêm" miêu tả hai thanh niên nam nữ đang tuổi mới lớn lên, khỏe mạnh hiền hậu, ngây thơ cầm bút mực, tay cầm quyển sách soi lên trước đèn, tâm hồn hai người như lắng cả sự suy nghĩ, với nét bút ký họa thỏai mái linh hoạt, trong sáng, giàu tình yêu thương trìu mến, một thế hệ mới, một xã hội đang lên, một nông thôn dạt dào sức sống đang trỗi dậy được sát vai nhau chụm đầu dưới ánh đèn dầu cùng giúp nhau học tập. Hai người cùng chung một lứa tuổi, nhưng họ đã chứa chất trong tâm hồn non trẻ trong cuộc sống lên biểu hiện được sự thay dổi của nông dân mới dậy. Mặc dù bức kí họa này chưa xây dựng thành tranh nhưng đã gợi cho chúng ta thấy ấn tượng khá rõ nét về khuynh hướng nghệ thuật hiện thực xã hội trong họa sỹ Tô Ngọc Vân. Hình ảnh người thiếu nữ đó đã thay đổi không như trước nhưng người ta thầy họa sĩ phát hiện những vẻ đẹp của thiếu nữ cho dù đó là vẻ đẹp của người thiếu nữ nông thôn hay thành thị nhưng ở họ vẫn toát lên một vẻ đẹp cơ thể tuyệt mỹ.
Bây giờ là một hình ảnh phụ nữ hoàn toàn khác với hình ảnh của người thiếu nữ tước cách mạng. Nó không còn là người phụ nữ của gia đình nữa mà nó đã trở thành người phụ nữ đã tham gia vào lao động sản xuất, tham gia hoạt động xã hội.
Bức kí họa "Con trâu quả thực" này, Tô Ngọc Vân xây dựng nhũng con người với một tình cảm thương mến, ông đã xây dựng hình ảnh nhân dân lao động trên trang vẽ vô cùng đẹp đẽ. Vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ toát lên trên tranh với vẻ đẹp khỏe, với mái tóc búi gọn sau gáy, chiếc quần đen được sắn cao để tham gia lao động sản xuất, vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ toát lên tình yêu thương giai cấp, sức sống và tính chiến đấu cao, sự chuyển biến về tư tưởng tình cảm dẫn đến sự thay đổi về nghệ thuật. Màu sắc của ông không cồn giữ vai trò chính, nó trở lên tươi sáng bình dị. Ông diễn tả bằng nét nhiều hơn bằng màu, đường nét trước kia của ông vuốt ve, đi sau diễn tả những đường cong uốn lượn của người phụ nữ, thì nay giản dị, linh họat khỏe mạnh dứt khoát đủ để diễn tả sức mạnh vùng lên của nhân dân. Chỉ bằng những thủ pháp nghệ thuật tưởng chừng như đơn giản ấy nó đã trở thành những bài học quý giá cho các thế hệ họa sỹ phải học hỏi, và chiêm nghiệm.
Có thể khẳng định rằng vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ mới trong tranh Tô Ngọc Vân sau cách mạng tháng là vẻ đẹp của người phụ nữ đã làm chủ cuộc đời, nhưng vẫn hiền hòa, duyên dáng, đôn hậu, tự tin, thông minh. Cái đẹp của hình tượng người phụ nữ trong tranh của ông thể hiện được nét đẹp của người con gái theo thời gian. Mỗi khoảng thời gian qua đi ta nhìn thấy sự thay đổi về hình thể của người phụ nữ được thay đổi theo nét bút của ông. Nhưng dù thế nào là vẻ đẹp đài các, yểu điệu mảnh mai hay là vẻ đẹp của những người phụ nữ trong lao động sản xuất thì ông đều gợi tả những nét đẹp của người phụ nữ thật tài tình, xuất sắc.

C. KẾT LUẬN



Qua việc nghiên cứu và phân tích một số tác phẩm về hình tượng người phụ nữ của Tô Ngọc Vân, ta thấy được tranh của ông không những có giá trị nghệ thuật cao mà các giá trị đích thực ở đây là sự nhận thức, lý luận ở các vấn đề dân tộc trong nghệ thuật tạo hình. Phải nói rằng nhìn những tác phẩm của ông cho thấy ông là người giàu tình cảm, tâm huyết với nghề, một tâm hồn đầy rung động. Đây có thể nói rằng đó là giá trị nội tâm của ông với nghệ thuật, còn giá trị biểu hiện của ông ở đây có thể thấy được cái chân thực, giản dị, màu sắc trong sáng. Tô Ngọc Vân là một hình ảnh đẹp trong sáng của mọt họa sỹ tự tìm cho mình con đường đi đến nghệ thuật chân chính, mà ông đã vinh dự góp phần không nhỏ vào việc tạo dựng nền Mỹ thuật hội họa hiện đại mà họa sĩ Tô Ngọc Vân đã hiến trọn cuộc đời.
Qua phân tích và cảm nhận về một số tác phẩm diễn tả hình tượng người phụ nữ của Tô Ngọc vân đã giúp ta có thêm một cái nhìn xa về cái đẹp trong nghệ thuật hội họa Việt Nam. Không chỉ em mà còn nhiều thế hệ đi sau đã rút ra được những bài học bổ ích cho bẩn thân, để phát huy những giá trị cao đẹp của dân tộc mình, nền Mỹ thuật Việt Nam đang tồn tại và phát triển mạnh mẽ, giống như nhũng gì họa sĩ Tô Ngọc Vân đã từng nói và mong đợi là: "xây một nền hội họa vừa tân tạo vừa có tính dân tộc có thể đứng ngang với nghệ thuật nước ngoài".
Nhưng đối với em bài học lớn nhất là bản sắc sâu xa của người nghệ sĩ mà điều đó Tô Ngọc Vân đã hình thành từ rất sớm ngay từ khi ông bước vào trường mỹ thuật.


D. TÀI LIỆU THAM KHẢO



Giáo trình Mỹ học, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Thư - Trường Đại Học Sư Phạm Nghệ Thuật Trung Ương.
Tô Ngọc Vân. NXB Văn hóa thông tin 1994.
Tô Ngọc Vân, "Nghệ sỹ của cái đẹp", NXB Văn hóa, 1996.
Tác giả - Tác phẩm mỹ thuật Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin, 1998.


MỤC LỤC


A. PHẦN MỞ ĐẦU
B. NỘI DUNG
CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ LUẬN
1. Cái đẹp trong nghệ thuật
1.1 Khái niệm
1.2. Đặc điểm của cái đẹp trong nghệ thuật
2. Khái quát về họa sĩ Tô Ngọc Vân
CHƯƠNG II: CƠ SỞ THỰC TIỄN
1. Hình tượng người phụ nữ Việt Nam
2. Hình tượng người phụ nữ trong các tác phẩm của họa sỹ Tô Ngọc Vân
2.1 Cái đẹp của hình tượng người phụ nữ trong tranh Tô Ngọc Vân trước cách mạng tháng Tám
2.1.1. Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ
2.1.2. Vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ
2.2. Cái đẹp của hình tượng người phụ nữ trong tranh Tô Ngọc Vân sau cách mạng tháng Tám
2.2.1. Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ
2.2.2. Vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ
C. KẾT LUẬN
D. TÀI LIỆU THAM KHẢO

Nguồn: 123DOC -