Tỉ lệ vàng và đường xoắn ốc trong hội họa

Tỉ lệ vàng và đường xoắn ốc trong hội họa

Phùng Hồng Kổn
“Hãy đo tất cả những gì có thể đo được và thậm chí cả những cái không thể đo được”
Galilêô Galilê



Trước hết mời các bạn thưởng ngoạn bức tranh sơn dầu nổi tiếng “Thiếu nữ bên hoa huệ” của họa sĩ Tô Ngọc Vân- vẽ năm 1943.




Trong màu trắng phớt xanh, phớt hồng, một cô gái hơi nghiêng, đầu ngả trên cánh tay đang ngắm hoa. Dáng mềm mại của cô gái đựoc tôn thêm bằng tư thế đặc biệt của hai tay: Cánh tay trái ṿng qua đầu, đặt hờ lên mái tóc; Cánh tay phải co tự hiên, bàn tay hơi khum, ngón tay đỡ lấy cánh hoa nâng niu, gượng nhẹ. Gương mặt cô gái như phảng phất một nỗi buồn man mác. Màu xanh ở các sắc độ cùng với trắng ngả xanh gây cho người xem cảm giác hơi buồn, lạnh. Hai bông huệ to (huệ tây- loa kèn), nổi bật bởi màu trắng tinh khiết như mang theo hương thơm thoang thoảng, cùng cái thanh tao, huyền diệu của loài hoa này. Toàn bộ bức tranh như thầm thầm kể với người xem về một cô gái trong trắng, thơ ngây, nhưng cũng đầy ưu tư day sứt trước cuộc sống.

Trước Tô Ngọc Vân, cùng thời với Tô Ngọc Vân, nhiều họa sĩ đă thành công với đề tài Thiếu nữ và hoa, như Mai Trung Thứ, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng…Nhưng không một thiếu nữ bên hoa nào có tư thế lạ như thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân.

Khi vẽ tranh, người họa sĩ thường để ngọn bút cuốn hút theo sự rung động của tâm hồn trước cảnh vật, con người. Nhưng khi nghiên cứu tranh, các nhà phê bình mới làm sáng tỏ các dạng bố cục của tranh, qua đó hiểu thêm nguyên nhân gây ra sức truyền cảm của bức tranh. Những cấu trúc hình học thường có mặt trong các tác phẩm của các danh họa. Các biểu đồ với mức độ hiện diện khác nhau trong bố cục bức tranh cũng thường được xét đến khi xem tranh. Tùy thuộc vào mô hình hình học được lấy làm cơ sở cho bố cục bức tranh mà người ta gọi tên các loại bố cục như “Bố cục hình trụ”; “Bố cục hình chóp”; “Bố cục hình xoắn ốc”… Chúng ta bắt đầu từ tỉ lệ vàng:

Tỉ lệ vàng:

Bài toán: Hãy chia đoạn thẳng AB bởi điểm M sao cho AB:AM=AM:MB




Bài giải: Đặt độ dài các đoạn thẳng AB, AM lần lượt là a và x thì độ dài đoạn MB bằng a-x. Thay vào đẳng thức trên, giải phương trình bậc hai và loại nghiệm âm ta được a/x xấp xỉ 1,618.

Số này đư­ợc gọi là Con số vàng (Golden number), hay còn gọi là Tỉ lệ vàng (Golden ratio), kí hiệu bằng chữ “Phi”. Điểm M được gọi là Điểm chia vàng (Point of Golden divisio). Phép chia này được gọi là Phép chia hoàng kim (Golden division).

Các bậc thầy về nghệ thuật cổ Ai Cập cổ đại, La Mă cổ đại đã ý thức được tỉ lệ đẹp này từ lâu đời. Tỉ lệ vàng thống trị trong nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội họa. Từ các miếu tế thần ở Athen đến các thành cổ La Mă, rồi lăng các công nương ở ấn Độ, cho tới tháp Effel ở Pari… khắp nơi đều thấy xuất hiện tỉ lệ vàng. Huy hiệu của trường PiTaGo là một ngôi sao 5 ánh – chưa nhiều tỉ lệ vàng (các chữ cái ở đầu các cánh sao – theo thứ tự đó có nghĩa là sức khỏe)




Đặc biệt, tháp rùa ở Hà Nội cũng chứa các tỉ lệ vàng.




Hình chữ nhật vàng là hình chữ nhật có tỉ số giữa chiều dài và chiều rộng bằng F. Trong hình chữ nhật vàng dựng một hình vuông thì phần chữ nhật còn lại cũng là hình chữ nhật vàng.





Bức tranh Rừng thông của Ivan Shishkin (1832-1898)

Những người yêu hội hoạ hẳn không thể quên mảng tranh phong cảnh Nga cuối thế kỉ XIX với những tên tuổi lừng danh thế giới như Shishkin, Vaxiliep, Aivazopxki, Kuinji… và nhất là là Lêvitan với Mùa thu vàng.

Đó là những bài thơ bằng màu sắc, hay có thể ví như những bản Romance, ca ngợi thiên nhiên Nga tươi đẹp, tâm hồn Nga chứa chan tình yêu, với những cây đại thụ sừng sững quên thời gian, những sóng biển trào dâng khát vọng, những con suối lang thang, róc rách, những tiếng vọng xa xăm từ những cánh rừng Bạch dương tĩnh lặng …” (theo Thái Bá Vân – hội họa sĩ triển lãm lưu động Nga)

Một trong những bức tranh thể hiện điều đó là bức “Rừng thông” của Shishkin – thành viên Hội các họa sỹ triển lãm lưu động Nga thế kỉ XIX.




Xem tranh, cảm giác chung của nhiều người là sự yên tĩnh, thanh bình, tâm trạng thư thái, quên hết những lo toan của cuộc sống. Điều gì của bức tranh tạo ra cho chúng ta những cảm giác ấy?

Trong bức tranh này có thể thấy rõ nhiều tỉ lệ vàng: Khuôn tranh là một hình chữ nhật vàng. Cây thông đứng ở phía trước bức tranh được mặt trời chiếu sáng – chia chiều dài bức tranh theo tỉ lệ vàng. Bên phải cây thông này có một giải đất rực nắng chia mảng bên phải bức tranh theo tỉ lệ vàng. Phía bên trái bức tranh lại có một cây thông nữa chia mảng này theo tỉ lệ vàng. Chính các đường dọc, ngang xếp đặt theo tỉ lệ vàng đã đem đến cho ta cảm giác yên tĩnh, thanh bình. Hơn thế, nó còn gợi ra một cái gì đó lâng lâng, ngây ngất – không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ văn học. Thả hồn vào bức tranh bạn sẽ thấy nhiều điều kì thú.

Bây giờ ta cùng tìm hiểu về đường xoắn ốc:

Đường xoắn ốc là đường vạch ra trên mặt phẳng của một chất điểm chuyển động xa dần điểm gốc trên một tia, theo một qui tắc nhất định, khi chính tia này cũng quay quanh điểm gốc đó.




Nếu chất điểm chuyển động xa dần gốc theo hàm số mũ: r=ketj (k,t là tham số) thì ta sẽ có đường xoắn ốc Lôgarit. Đường xoắn ốc này do nhà toán học người Pháp Descartes tìm ra năm 1628, nó có tính chất kì diệu: Dù bạn phóng to hay thu nhỏ đường xoắn ốc này thì hình dạng của nó không hề thay đổi – cũng như ta không thể phóng to hay thu nhỏ một góc vậy. Nhà toán học Thụy Sĩ Danoly rất thích thú với đường xoắn ốc Lôgarit, ông đă cho làm trên mộ của mình một tấm bia có đường xoắn ốc Lôgarit và dòng chữ: “Eadem mutata resugo” nghĩa là: “Ta sẽ lấy nguyên hình dạng cũ”




Khi đường xoắn ốc Lôgarit tiếp xúc trong với các cạnh của một chuỗi các hình chữ nhật vàng thì nó được gọi là Đường xoắn ốc vàng. Các đường chéo của các hình chữ nhật vàng lại cắt hai vòng xoắn liên tiếp của đường xoắn ốc này theo tỉ lệ vàng.

Và chúng ta trở lại với Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân để tìm hiểu bố cục kì lạ của tác phẩm:

Trên bức tranh ta hãy vạch một đường cong tự nhiên theo cơ thể cô gái và qua các điểm: Một ở nhuỵ bông hoa bên phải, một ở đài nụ cong xuống, một ở đầu ngón tay phải và điểm cuối cùng ở trung tâm bố cục có ý nghĩa nhất của bức tranh: nhuỵ bông hoa ở giữa. Đó là Đường xoắn ốc vàng. Chính bố cục Xoắn ốc vàng tạo nên hiệu quả thẩm mỹ của tác phẩm. Tính xoắn ốc của đường cong cho ta cảm nhận tâm trạng ưu tư, day dứt của cô gái; Còn tỉ lệ vàng là tỉ số quy định độ mở của đường xoắn ốc đã cho ta cảm giác hài hoà của bức tranh – mặc dù tư thế của cô gái này có thể nói là khác thường.




Chúng ta không biết khi vẽ bức tranh này hoạ sĩ Tô Ngọc Vân có vẽ phác trước đường xoắn ốc vàng ra không, nhưng việc “nhìn ra” đường xoắn ốc vàng như trên giúp ta cảm thụ bức tranh một cách đầy đủ hơn, và do đó thấy được sâu hơn vẻ đẹp của tác phẩm.

(Bài này đã đăng trên Tạp chí Mĩ thuật năm 1992 và Tạp chí Toán học và tuổi trẻ năm 2001. Nay có bổ sung, chỉnh lí – PHK)

Mời các bạn xem video về tỉ lệ vàng:




Nguồn: PHUNGKON'S BLOG - 14/03/2011