TÔ NGỌC VÂN - Art Ly

Tô Ngọc Vân

Art Ly

Tô Ngọc Vân (1906 – 1954) quê ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, Huyện Văn Giang, tỉnh hưng Yên. Ông sinh ra tại Hà Nội ngày 15 tháng 12 năm 1906.

Thuở còn là một cậu bé con nhà nghèo, Tô NgọcVân phải đến sống nhờ nhà bà cô, quá tuổi mới được đến trường học chữ. Tuổi thơ khắc nghiệt đã sớm tạo cho ông ý chí tự lập.

Năm 1926 sau khi học hết năm thứ ba trường Bưởi, ông thi đỗ vào khóa II của trường Cao Đẳng Mĩ Thuật Đông Dương.

Năm 1931 Tô Ngọc Vân tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mĩ Thuật Đông Dương.

Từ năm 1935 đến 1939 ông được bổ nhiệm đi dạy ở trường Sisovath (Cam-pu-chia), trong khoảng thời gian này ông vẽ nhiều về phong cảnh đất nước Cam-pu-chia nhất là cảnh chùa và các sư.

Năm 1939 ông về nước và là giáo sư của trường Cao Đẳng Mĩ Thuật Đông Dương., vừa dạy vừa vẽ tranh. Có thể nói thời gian từ 1935 đến 1945 là giai đoạn vàng trong sáng tác nghệ thuật của ông. Nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông được ra đời trong thời kì này như:
- Thuyền Trên Sông Hương (sơn dầu – năm 1935)
- Thiếu nữ trước tranh tam đa (năm 1941)
- “Dưới bóng nắng”, “Thiếu nữ bên hoa huệ” (năm 1943)
- “Hai thiếu nữ và em bé”, “Buổi chưa”, “Thiếu nữ với hoa sen” (năm 1944)…
Ngoài ra còn nhiều tranh kí họa và tranh sơn dầu vẽ chân dung thiếu nữ khác. Có thể nói thời kì này Tô Ngọc Vân say mê với vẻ đẹp của người thiếu nữ Hà Thành. Ông mê mải với cái đẹp của hình và sắc, trau chuốt từng nét bút, những đường cong mềm mại ôm gọn thân hình tròn căng, đầy đặn của người phụ nữ. Dưới bàn tay tài hoa và điêu luyện của ông, hình tượng người phụ nữ hiện ra với tất cả vẻ đẹp trong nhiều dáng khác nhau vô cùng phong phú và sống động. Tác phẩm “Hai thiếu nữ và em bé” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông.

Giai đoạn thứ hai trong sáng tác của Tô Ngọc Vân là giai đoạn sau Cách Mạng tháng Tám năm 1945 đến lúc ông hi sinh năm 1954.

Giai đoạn này đánh dấu sự chuyển mình trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của ông. Nếu trước Cách Mạng ông cho rằng họa sĩ không quan tâm đến điều gì ngoài hình và sắc, thì nay quan niệm đó đã thay đổi. Nghệ thuật thời kì này của Tô Ngọc Vân hướng tới đối tượng mới, vẻ đẹp mới. Đó là con người và thực tế cuộc sống thời kháng chiến chống pháp của dân tộc ta. Đó là “Cô gái thái dạy học”, “Chị cốt cán”, “Tôi có ý kiến”, “Xưởng quân giới”, “ Hành quân qua suối”, “Đốt đuốc đi học”….Tranh kí họa của ông đã khắc họa hình ảnh, chân dung con người thời chống Pháp một cách chân thực, đầy xúc động. Hình tượng người phụ nữ trong tranh ông thời kì này vẫn là hình ảnh tập trung nhất. Vẻ đẹp ở đây là vẻ đẹp của người phụ nữ mới, được giải phóng và làm chủ vận mệnh của mình. Không phải là người phụ nữ yểu điểu tha thướt, quẩn quanh trong gia đình nữa mà là hình ảnh người phụ nữ tham gia công tác xã hội, tham gia kháng chiến. Vẫn là vẻ đẹp của hình, nét, vẫn là người phụ nữ duyên dáng song cái đẹp gắn với công việc cách mạng, đi học, đi đấu tranh… Do đó, cái đẹp còn mang vẻ rắn rỏi, khỏe mạnh.

Năm 1946, Tô Ngọc Vân cùng Nguyễn Đỗ Cung và nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim được vào phủ chủ tịch để vẽ và nặn tượng Bác Hồ. Họa sĩ Tô Ngọc Vân đã có tác phẩm “Hồ Chủ tịch ở Bắc Bộ Phủ” bằng chất liệu sơn dầu. Bức tranh đã được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội.

Khi trường Mĩ thuật kháng chiến được thành lập, ông được cử làm hiệu trưởng. Ông là một người thầy giỏi, mẫu mực.

Năm 1952, ông nhận được thư khen của Bác Hồ và năm 1954 được Bác Hồ tặng áo kỷ niệm (hiện lưu giữ ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam).

Tháng 4-1954, ông được lệnh lên đường đi Điện Biên Phủ. Trên đường ra trận, ông đã vẽ nhiều ký họa về bộ đội, dân công, phong cảnh và con người các dân tộc Tây Bắc: Giáo viên người Thái, Cô gái dân tộc Mèo, Ba cô gái Thái, Cho ngựa ăn.

Ngày 17-6-1954 ông đã hy sinh tại cây số 41 Ba Khe, khi ông đã vượt qua đèo Lũng Lô. Chiếc cặp vẽ mà ông đem theo đi chiến dịch đã có nhiều ký họa dọc đường như: Trú quân, Hành quân qua suối, Lên đèo, Qua đèo Lũng Lô, Chuẩn bị lên đường. Đặc biệt trong đó có bức ký họa chì Đèo Lũng Lô được ghi ở góc ngày 15-6-1954, có thể đó là bức tranh cuối cùng trong cuộc đời sáng tác của ông.

Danh họa Tô Ngọc Vân đã hy sinh trong khi đang sáng tác tại chiến trường. Lịch sử dân tộc và lịch sử Mỹ thuật ghi danh ông bởi nhân cách tỏa sáng của một họa sĩ bậc thầy và người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng trong kháng chiến chống Pháp năm xưa.




“Thiếu nữ bên hoa huệ”






















FB Art Ly - 15 Tháng 4, 2016.