Tô Ngọc Vân - Nhà danh họa khả kính - Đan Thanh
03:46:00Tô Ngọc Vân - Nhà danh họa khả kính
Đan Thanh
Văn nghệ: Tô Ngọc Vân (1906-1054), bút danh Tô Tử, Ái Mỹ, là người tỉnh Hưng Yên. Tốt nghiệp khóa 2 (năm 1931) trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương. Vừa ra trường, Tô Ngọc Vân đã đạt huy chương vàng ở Pháp với tác phẩm “Bức thư”, được tặng bằng khen. Họa sĩ đi dạy vẽ ở Phnom Pênh (1935-1939) Kampuchia, viết bài phê bình về mỹ thuật trên báo chí, cộng tác với báo Phong Hóa, Ngày Nay của Nhất Linh, báo Thanh Nghị. Trở về Hà Nội, ông làm giáo sư trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương và vẫn sáng tác cho tới năm 1945. Tham gia kháng chiến chống Pháp, được cử làm Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Việt Bắc. Họa sĩ sáng tác nhiều tác phẩm, tiêu biểu có:
+ Trước 1945: Thiếu nữ bên hoa huệ (1943), Thiếu nữ bên hoa sen (1944), Hai thiếu nữ và em bé (1944)… tất cả đều là tranh sơn dầu
+ Sau 1945: Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc bộ phủ (sơn dầu -1946), Nghỉ đêm bên đồi (sơn mài-1948), Hai chiến sĩ (màu nước-1949)… Và hàng trăm ký họa kháng chiến sống động, hiện thực.
Tô Ngọc Vân đạt Giải nhất Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 11/1954, nhận: 2 Huân chương và 2 Huy chương cao quí, nhận Thư khen (1952) và Áo tặng ( 1954) của Bác Hồ. Tô Ngọc Vân được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về Văn học Nghệ thuật (1996). Tô Ngọc Vân hy sinh (17.06.1954) tại chân đèo Lũng Lô khi đang thực hiện ký họa đoàn quân chiến thắng Điện Biên Phủ. Tô Ngọc Vân được lấy tên đặt cho nhiều con đường ở Việt Nam và đặt cho một miệng núi lửa trên Sao Thủy.
Cố Họa sĩ Tô Ngọc Vân sinh ra trong một gia đình lam lũ ở làng Xuân Cầu (còn gọi là Huê Cầu) – một làng có nghề nhuộm thâm nổi tiếng thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, từng đi vào thơ ca dân gian:
Ai về Đồng Tỉnh, Huê CầuNhà nghèo, thuở nhỏ cậu bé Tô Ngọc Vân phải sống nhờ người cô và quá tuổi mới được đi học. Vì yêu hội họa, đến năm thử 3 trung học, Tô Ngọc Vân bỏ học ngang ở trường để đi theo tiếng gọi của nghệ thuật. Là sinh viên giỏi của khoa sơn dầu trong thời gian theo học khóa 2 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương, vừa ra trường năm 1931, Tô Ngọc Vân đã có tác phẩm “Bức thư” (tranh lụa) đạt huy chương vàng của Hội các Họa sĩ Pháp (Association des Artistes Francais) trong cuộc triển lãm thuộc địa tại Paris (1931). Bức tranh đạt giải, họa sĩ vẽ những cô gái nông thôn, với vẻ đẹp thuần khiết, kín đáo đang miệt mài làm việc bên khung cửi. Dù đã đạt giải thưởng danh giá, song với xuất thân nghèo khó, ông vẫn phải đi dạy học thêm, vẽ tranh thuê, trình bày và minh họa cho một số tờ báo ở Hà Nội. Năm 1935 Tô Ngọc Vân được Pháp bổ nhiệm đi dạy ở Nam Vang (Phnom Pênh - Kampuchia). Thời gian giảng dạy tại nước bạn đã cho cố họa sĩ Tô Ngọc Vân nhiều vốn sống để sáng tác.
Đồng Tỉnh bán thuốc, Huê Cầu nhuộm thâm.
Năm 1938, họa sĩ Tô Ngọc Vân mới trở lại Hà Nội. Tại thủ đô đất nước rồng bay, lúc đầu dạy tại trưởng Bưởi, qua năm 1939, Tô Ngọc Vân làm giảng viên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương cho đến năm 1945. Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra một chân trời mới, một hướng đi mới cho văn nghệ sĩ Việt Nam trong đó có họa sĩ. Cũng như nhiều nghệ sĩ yêu nước và giàu tinh thần dân tộc khác, Tô Ngọc Vân đã hăng hái đem hết tâm huyết, tham gia vào sự nghiệp giải phóng đất nước của toàn dân bằng kiến thức chuyên môn, nghề nghiệp của mình trong hoàn cảnh đặc biệt của nước nhà. Năm 1946, cùng với nhiều văn nghệ sĩ, Tô Ngọc Vân được cử lên Việt Bắc, công tác tại đội tuyên truyền xung phong, họa sĩ vẽ tranh cổ động tinh thần đấu tranh cách mạng cho quần chúng nhân dân, kẻ khẩu hiệu trên tường, tham gia hóa trang và phụ diễn trong đội kịch Tháng Tám. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, lòng yêu nghệ thuật, chan hòa quyện chặt với tình yêu đất nước thiêng liêng thể hiện qua lao động nghệ thuật và tinh thần đấu tranh cách mạng luôn như ngọn lửa hồng ngùn ngụt, bừng cháy trong tâm hồn người nghệ sĩ yêu nước Tô Ngọc Vân. Khi chính phủ có nghị định mở lại trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, tháng 10 năm 1950, họa sĩ Tô Ngọc Vân được cử làm Hiệu trưởng và trường Mỹ thuật chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Công hòa tại chiến khu Việt Bắc, khai giảng khóa học đào tạo chính quy đầu tiên có tên là Khóa Kháng chiến. Mục đích của trường là đào tạo lớp họa sĩ - cán bộ đem
“hội họa phụng sự nhân dân, làm đẹp cuộc đời của nhân dân, hướng dẫn để nâng cao trình độ hội họa của nhân dân…”,bởi vì, chúng ta
“nhận của nhân dân cơm áo, chúng ta trả lại nhân dân bằng hội họa”.Phải nói rằng họa sĩ Tô Ngọc Vân là người đã góp công rất lớn trong việc tổ chức và xây dựng trường Mỹ thuật thời kháng chiến chống Pháp. Ở cương vị hiệu trưởng vừa là người thầy đứng lớp, ông đã chủ trì và hướng dẫn toàn bộ công tác chuyên môn và hoạt động của trường như lo thủ tục giấy tờ, mời giảng viên, biên soạn giáo trình vì bản thân ông là nhà giáo có nhiều kinh nghiệm. Sau 4 năm (1950-1954) do ông điều hành, trường Mỹ thuật Kháng chiến đã đào tạo được lớp hoạ sĩ có trình độ thẩm mỹ và chuyên môn căn bản về hội họa làm bệ phóng nghệ thuật cho thế hệ họa sĩ về sau.
(Bài: Người vẽ của Tô Ngọc Vân đọc tại lễ khai giảng Trường Mỹ thuật ở Nghĩa Quân, Phú Thọ, tháng 10 - 1950).
Nhìn lại tổng thể sáng tác mỹ thuật của Tô Ngọc Vân, ta thấy ông đặc biệt quan tâm đến kỹ thuật sơn dầu (oil technique) vẽ theo khuynh hướng hiện thực (realism). Đa phần những bức tranh nổi tiếng của Tô Ngọc Vân là tranh sơn dầu (oil painting) trong đó tác phẩm được nhiều người chú ý, ngưỡng mộ nhất là bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” (1943, trị giá 200 nghìn USD), minh họa cô gái ngồi vén tóc bên những đóa hoa huệ trắng muốt ngát hương. Không gian màu sắc chủ đạo của bức tranh là màu trắng tinh khôi của chiếc áo dài truyền thống và những bông hoa huệ trữ tình, đầy chất lãng mạn rất dễ gây nên xúc cảm cho người thưởng ngoạn. Điều làm người ta càng trân trọng tác giả là người phụ nữ trong tranh được mô tả với nét đẹp thuần khiết thanh cao đáng trân trọng - một họa phẩm hoàn toàn không gợi khêu chút khoái cảm nhục thể hoặc mang dáng vẻ kiêu kỳ, mơ hồ như cách thể hiện của một vài họa sĩ theo khuynh hướng hiện đại (modernism) như lập thể (cubism), trừu tượng (abtraction)… của các họa sĩ cùng thời. Tác phẩm “Dưới bóng nắng” vẽ người thiếu nữ lơ đãng nhìn mơ màng dưới hoa trong sóng nắng lung linh bên bờ ao. Cả những tác phẩm như “Thiếu nữ với hoa sen” (1944), “Hai thiếu nữ và em bé” (1944), Thiếu phụ ngồi bên tranh tam đa (1942), Buổi trưa (1936), Bên hoa (1942), …, Tô Ngọc Vân đều mô tả vẻ đẹp sáng trong, duyên dáng và lãng mạn của người phụ nữ thị thành - rất gần gũi với chân dung người đẹp trong thơ Huy Cận.
Cuộc Cách mạng tháng Tám thắng lợi, như một tiếng chuông thức tỉnh, như vầng dương trời đông làm bừng sáng tâm hồn con người trong đó có nghệ sĩ luôn nhạy bén trước mọi biến chuyển của thiên nhiên và lịch sử. Tô Ngọc Vân mạnh dạn đoạn tuyệt với đề tài cũ.
Nghệ sĩ bắt đầu vẽ những tác phẩm in đậm dấu ấn thời sự, mang hơi thở ấm nồng, màu sắc tươi sáng của đất nước, con người trong thời kỳ giải phóng dân tộc. Hàng loạt những tác phẩm mới ra đời: “Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc bộ phủ” (1946), “Con trâu quả thực” (1954), “Nghỉ chân bên đồi (sơn mài - 1948), Hai chiến sĩ (màu nước-1949)… và hàng trăm Ký họa kháng chiến. Những tác phẩm vẽ từ sau 1945 của Tô Ngọc Vân là những thước phim lịch sử bằng sắc màu ghi lại từng giai đoạn chuyển biến của xã hội và cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc. Bằng nét vẽ sinh động và những vệt màu đầy tính nghệ thuật, họa phẩm của Tô Ngọc Vân là biểu tượng chân dung vĩ đại, rực sáng của Hồ Chủ tịch - vị lãnh tụ tối cao của cuộc kháng chiến - và hình ảnh rực rỡ những chiến sĩ cách mạng tràn ngập khí phách anh hùng trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước. Chất trí tuệ thể hiện ở phong cách nghệ thuật cộng hưởng với phẩm chất nhân văn cao đẹp của nghệ sĩ còn được thể hiện trong từng nét vẽ nhanh nhẹn xuất thần ở những bức ký họa kháng chiến của nhà danh họa yêu nước. Quan sát kỹ lại những bức ký họa kháng chiến đậm tính thời sự của họa sĩ Tô Ngọc Vân để cảm nhận cái tài và cái tâm của tác giả, và cũng không tránh khỏi một thoáng ngậm ngùi cùng họa sĩ và những đối tượng được ghi lại trong tranh của nhà nghệ sĩ giàu cảm xúc, trong lòng đầy ắp tình người. Những nhân vật trong tranh ký họa của ông đều rất trong sáng, song có chút ưu tư thời cuộc, cho thấy ông không chỉ đích thực là một họa sĩ hàng đầu của nền nghệ thuật cách mạng mà còn là một nghệ sĩ hiện thực xã hội đáng kính, có một trái tim lớn trĩu nặng tình đất nước và tình người.
Tô Ngọc Vân là một nghệ sĩ lớn tài hoa bạc mệnh, đã cống hiến nhiều cho đất nước và nền nghệ thuật dân tộc nhưng cuộc đời của nghệ sĩ lại quá ngắn ngủi, để lại ngậm ngùi thương tiếc cho anh em đồng chí và nhân dân.
Mùa Xuân năm 1991, nhà thơ Tố Hữu, trong một lần về thăm gia đình Tô Ngọc Vân, nơi họa sĩ đã sống những năm tại phố Yết Kiêu - Hà Nội, đã xúc động viết nên những dòng thơ lục bát thống thiết, nhan đề:
Thăm nhà họa sĩ Tô Ngọc Vân
“Nhà anh cuối phố Yết Kiêu
Chợ ngồi rau quả sớm chiều ngoài hiên
Bán mua chào giá trao tiền
Ai hay anh tự cõi tiên nhìn đời
Phòng riêng chẳng lọt nắng trời
Trông lên chợt thấy tranh tươi bút thần
Dịu dàng người đẹp thanh tân
Nghiêng đầu bên huệ trắng ngần tương tư
Người hay mơ đó, thực hư ?
Năm mươi năm lẻ tưởng như còn nàng
Bâng khuâng lại nhớ đến chàng
Long lanh ánh mắt nở nang miệng cười
Tuyệt vời Tô Ngọc Vân ơi
Tàì hoa màu sắc cho đời nên tranh
Mũ vải mềm, mảnh áo xanh
Nẻo quê, xóm núi bóng anh đi về
Đường dài kháng chiến mải mê
Chân anh nào biết phút tê tái lòng
Anh đi để giọt máu hồng
Dáng anh lồng lộng cánh đồng Điện Biên”.
Những vần thơ tuyệt bút chứa chan tình cảm của Tố Hữu, lá cờ đầu thi ca cách mạng đã tôn vinh, ca ngợi thích đáng một nghệ sĩ đỉnh cao tài năng và nhân cách của nền nghệ thuật kháng chiến dân tộc.
20.06.2016
Đ. T
Đ. T
Báo Văn nghệ / Tin tức / Tư liệu / Chân dung văn nghệ sĩ - 10:05 12/07/2016.
0 comments: