Hội họa Tô Ngọc Vân: Nửa thế kỉ vẫn tươi mới - Diễm Huyền

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh danh họa Tô Ngọc Vân (1906-2006)

Hội họa Tô Ngọc Vân:
Nửa thế kỉ vẫn tươi mới

Diễm Huyền

Sáng 13/12, Hội Mỹ thuật VN phối hợp với Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật VN và Trường Đại học Mỹ thuật tổ chức buổi lễ ấm cúng kỉ niệm 100 năm ngày sinh của danh họa Tô Ngọc Vân (1906-2006).


Ông hy sinh đã 52 năm, song các tác phẩm của ông qua nửa thế kỷ, vẫn còn nguyên giá trị. Ông còn là người thầy của nhiều thế hệ họa sỹ thành danh.
Chân dung Tô Ngọc Vân (qua nét vẽ của họa sỹ Lê Lam) và chữ ký của các học trò.


Họa sỹ tài hoa Tô Ngọc Vân thuộc thế hệ đầu tiên của nền hội họa Việt Nam. Nhắc đến tên ông, hiếm có người Việt nào không thấy hiện lên trong đầu hình ảnh bức vẽ Thiếu nữ bên hoa huệ, đã gần như trở thành một biểu tượng của mỹ thuật trong nước. Và còn những tác phẩm nổi tiếng khác đã khiến ông được trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên (1995): Hồ Chủ tịch ở Bắc bộ phủ (sơn dầu), Hồ Chủ tịch làm việc (khắc gỗ), Bộ đội nghỉ chân bên đồi (sơn mài), Xưởng quân giới (sơn dầu),... Thuở bé, đang học năm thứ 3 trường trung học Bưởi, Tô Ngọc Vân bỏ ngang để đi học vẽ rồi thi đỗ khóa II khoa sơn dầu trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1926-1931). Tài năng sớm bộc lộ, hồi ấy trong giới truyền nhau câu suy phong: "Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn" (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn). Thời kỳ những năm 1930, ông vẽ các bức: Thuyền sông Hương, Bên bờ ao, Lăng Tự Đức, Mặt ao dưới ánh sáng. .. Tô Ngọc Vân có thể sử dụng điệu nghệ nhiều chất liệu: sơn dầu, sơn mài, lụa, thuốc nước, bột màu và cả chì than, bút sắt. Những tác phẩm được công chúng biết đến nhiều nhất của ông là các bức vẽ thiếu nữ thị thành. Ở ta có nhiều họa sỹ coi tranh thiếu nữ là một mảng quan trọng trong sáng tác của mình, như Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Tỵ. Nhưng với các bức như Thiếu nữ bên hoa huệ, Thiếu nữ bên hoa sen, Thiếu nữ bên thềm, Thiếu nữ bên tranh Tố Nữ, hay Hai thiếu nữ và em bé..., Tô Ngọc Vân vẫn được xem là có điểm đặc sắc riêng. Thời chống Pháp, họa sỹ Tô Ngọc Vân đã cùng nhiều văn nghệ sỹ lên chiến khu Việt Bắc. Ông vẽ nhiều bức tranh về đề tài cách mạng, về bộ đội, dân công, nông dân: Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc Bộ Phủ, Hà Nội vùng đứng lên, Khi giặc đi qua, Nữ cứu thương, Hai chiến sỹ, Ruộng bậc thang, Chân dung bà lão nông dân... Ngày 17/6/1954, ông đã hy sinh tại Ba Khe, khi vượt qua đèo Lũng Lô, bên mình vẫn đeo chiếc cặp vẽ đã theo ông đi chiến dịch, bên trong lưu nhiều bức ký họa dọc đường. Ký họa chì Đèo Lũng Lô chính là bức vẽ cuối cùng trong cuộc đời sáng tác của ông. Tô Ngọc Vân đồng thời là hiệu trưởng người Việt đầu tiên của trường Mỹ thuật Việt Nam, là người thầy của nhiều thế hệ họa sỹ. Nhớ lại người thầy - nghệ sỹ lớn - mà mình may mắn được học, họa sỹ Phan Kế An cảm động kể: "Tôi hạnh phúc vì từ lúc nhỏ đã được tiếp xúc với một họa sỹ tài năng. Đến khi tôi thi vào trường Mỹ thuật, lại được học thầy Vân. Không người thầy nào lại dạy cặn kẽ như thầy Tô Ngọc Vân, và đặc biệt, ông biết dựa vào khả năng riêng của từng học sinh để hướng dẫn và khuyến khích. Về sau, qua ông, tôi mới học cách để có thể nhìn thấy, cảm thấy màu sắc. Màu trong hội họa là một vấn đề rất lớn và rất khó, mà ở khía cạnh ấy, không ai điêu luyện hơn ông". Khóa học đầu tiên của trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội sau ngày hòa bình lập lại đã lấy tên ông để đặt: khóa học Tô Ngọc Vân! Tưởng niệm danh họa tài hoa này, chúng ta cùng xem lại một số tranh của ông:
Thiếu nữ bên hoa huệ (Sơn dầu, 1943).


Thiếu nữ bên tranh Tố Nữ (Lụa).


Hai chiến sỹ (Bột màu, 1954).


Hà Nội vùng đứng lên (Khắc gỗ, 1946).



Nguồn: Việt Báo (Theo_VTC News) - Thứ tư, 13 Tháng mười hai 2006,