Ký họa thời chiến của họa sĩ Tô Ngọc Vân

Ký họa thời chiến của họa sĩ Tô Ngọc Vân

Thu Trà

Hà Thành trong kế hoạch "vườn không nhà trống"



(GD&TĐ) - Tiếc rằng họa sĩ Tô Ngọc Vân đã không sống lâu hơn để biến những bức ký họa đó thành các bức tranh hoàn chỉnh. Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng mua 1 tạ sơn dầu, còn ngày trước ông chỉ có cuốn sổ và cây bút nhưng vẫn vẽ nên những tác phẩm có ý nghĩa với dân tộc - Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đã chia sẻ những tâm sự của mình về người họa sĩ mà mình trân trọng kính nể.

Duyên nghiệp với hội họa



Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Tô Ngọc Vân đã được tái hiện trong cuốn sách mà nhà phê bình, họa sĩ Phan Cẩm Thượng đã cẩn trọng nghiên cứu dựa trên bộ sưu tập dầy công của ông Tira Vanictheeramont - một nhà sưu tầm tranh người Thái.

Tô Ngọc Vân sinh năm 1906 mất năm 1954, quê ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Thuở nhỏ, Tô Ngọc Vân là cậu bé nhà nghèo, quá tuổi mới được đến trường học chữ. Rất yêu thích vẽ nên Tô Ngọc Vân bỏ học để đi theo con đường nghệ thuật…



Họa sĩ Tô Ngọc Vân thời trẻ
Năm 1926, ông trúng tuyển vào Trường Mỹ thuật Đông Dương. Những năm học ở đây, Tô Ngọc Vân hăng say tiếp nhận những kiến thức về nghệ thuật tạo hình mới của châu Âu, đặc biệt là lối sử dụng chất liệu sơn dầu.

Năm 1931, Tô Ngọc Vân tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1932, tác phẩm “Bức thư” (tranh lụa) của ông được tặng bằng danh dự của Hội các họa sĩ Pháp và được thưởng Huy chương vàng ở Triển lãm thuộc địa tại Paris. Năm 1935, ông được bổ nhiệm đi dạy vẽ tại Phnom Penh, Campuchia.

Tô Ngọc Vân là họa sỹ rất thành công với chất liệu sơn dầu. Tranh của ông không đơn thuần là sao chép vẻ đẹp thiên nhiên, mà qua đó ông đã gửi gắm nỗi lòng của người nghệ sỹ.

Lâu nay, người ta chủ yếu biết đến ông qua những bức tranh mô tả vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ thị thành như “Thiếu nữ bên hoa huệ” (1943), “Hai thiếu nữ và em bé” (1944), “Thiếu nữ với hoa sen” (1944)...

Nhưng không chỉ có vậy ở những bức ký họa của ông lại tái hiện cả một giai đoạn lịch sử với hiện thực cuộc sống con người. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng chia sẻ: “Đằng sau mỗi bức vẽ của Tô Ngọc Vân không chỉ là nét vẽ, là phong cách nghệ thuật, mà còn là những câu chuyện lịch sử.”

Đặc biệt khi Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã thức tỉnh và lay động tâm hồn người nghệ sĩ. Tô Ngọc Vân đoạn tuyệt với đề tài cũ, bắt đầu một giai đoạn mới trong sự nghiệp sáng tác của mình, mở đầu là bức tranh thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ phủ (1946).

Hiện thực qua từng nét vẽ



Theo các bậc tiền bối kể lại, sinh thời Tô Ngọc Vân thường thuê vài cô người mẫu đi lại tự do trong phòng, ông cứ làm việc của mình, rồi bất chợt bảo một cô dừng lại đúng tư thế đang như vậy và vẽ… Với đề tài về thiếu nữ, Tô Ngọc Vân đã thể hiện với những nét vẽ phác thảo đa chiều ở những hoạt động và dáng vẻ khác nhau.

Đây chính là các góc độ mà người họa sĩ có thể khai thác để hoàn chỉnh cho vô số những tác phẩm của mình. Về điều này họa sĩ Tô Ngọc Vân đã rất có ý thức hình thành nét độc đáo riêng cho phong cách của mình.

Cuộc sống ở vùng nông thôn với những con người hiền hòa chân chất, những lão nông điền, những người phụ nữ lam lũ hiện ra qua những bức phác thảo của ông. Một bà cụ bán hàng nước, những ngôi làng bình dị và cuộc sống thường nhật của người nông dân được tái hiện đơn giản trên giấy trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp thiếu thốn của dân tộc.

Có khi là hình ảnh cả dãy phố hoang tàn của thị xã Phú Thọ hay những ngôi làng vắng vẻ mà người dân đã tiêu thổ để kháng chiến. Chợ Tết cũng được Tô Ngọc Vân thu vào nét vẽ của mình với hình ảnh nét mặt buồn bã của một cái Tết đi chạy tản cư.

Ở góc độ này chúng ta nhìn rõ hơn những người nông dân đi bán cành đào trong đó có cả những người dân tộc Mường. Điều giống nhau trong bức vẽ đó là hiện diện một cái tết đói kém buồn bã… Tất cả cho thấy mỗi bức họa thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến số phận của nhân vật.

Do chiến tranh nên người họa sĩ tài hoa ấy không còn cơ hội tiếp tục thể hiện tài năng hội họa của mình. Song có thể thấy rằng những tác phẩm của ông cùng những bộ sưu tập ký họa sẽ trở thành tài sản quý báu của dân tộc về một nền hội họa mới mẻ trong chặng đường của lịch sử mỹ thuật dân tộc. Và về điều này gia tài của ông chính là bức tranh phản ánh hiện thực xã hội của đất nước trong một giai đoạn mà ông được vinh dự chứng kiến.

Tira Vanictheeramont là một nhà sưu tầm tranh người Thái đã chia sẻ: Chính tranh của Tô Ngọc Vân đã khiến Tira nung nấu ý định sưu tầm tranh Việt Nam.

Ông kể:
"Tôi từng xuất bản cuốn Những tác phẩm quan trọng và vô giá của hội họa Việt Nam hiện đại, trong sách có giới thiệu 3 tác phẩm của Tô Ngọc Vân từ sưu tập của họa sĩ Phan Kế An.

Khi tôi hỏi mua thì ông Phan Kế An trả lời: Đây là những bảo vật quốc gia, không tìm thấy ở bất cứ nơi nào. Từ đó tôi nung nấu ý định sở hữu được bất cứ tác phẩm nào của Tô Ngọc Vân".

Thu Trà


Nguồn: BÁO MỚI - 10/12/13 20:45