Thư Tô Ngọc Vân gửi Matisse và Picasso

Thư Tô Ngọc Vân gửi Matisse và Picasso



Theo họa sĩ Tô Ngọc Thành (con trai danh họa Tô Ngọc Vân), thì sau hội nghị Văn nghệ toàn quốc tháng 7.1948, năm 1949 giới văn nghệ cử Tô Ngọc Vân viết thư cho danh họa Picasso nói về văn nghệ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân, vì hoà bình của dân tộc và thế giới. Tuy nhiên, trong tài liệu mà ông Vân để lại có hai bản thư nháp gửi danh họa Matisse và Picasso viết ngày 27.5.1951. Bức thư gửi Matisse có chữ ký Tô Ngọc Vân, còn bức gửi Picasso không ký nhưng nói rõ sẽ gửi qua một người bạn nhân đi dự liên hoan phim tại Berlin.



Nếu không có nhật ký, bản kiểm thảo và những lá thư Tô Ngọc Vân viết cho bạn bè, gia đình, chúng ta khó có thể hình dung nổi vì sao những bức vẽ ấy lại chiếm hầu hết phần đời của các họa sĩ kháng chiến. Nhiều khi họa sĩ chẳng viết gì về bức tranh của họ (mà thường thì họ không bao giờ làm điều này), nhưng qua thư từ có thể hình dung được họ và những người cùng thời sống như thế nào.

Hiện nay, di cảo của Tô Ngọc Vân để lại còn rất nhiều và thuộc sở hữu của gia đình ông.

PHAN CẨM THƯỢNG


Kính gửi Họa sư Matisse

Tôi viết cho Họa sư lá thư này ở một khu rừng rậm, chung quanh là những dãy núi cao hiểm trở. Bên cạnh tôi mấy tấm chuyền bản in màu một số tác phẩm của Họa sư. Những chuyền bản này, khi tôi rời thủ đô Hà Nội, bị giặc tạm chiếm trở lại, tôi đã mang theo 5 năm nay trong gói hành lý nhỏ của cuộc đời Kháng chiến.

Lúc tôi mới vào học nghề họa năm 1926 ở trường Mỹ thuật Đông Dương, lần đầu tiên được tiếp xúc với tác phẩm của các ông trong hàng ngũ mỹ thuật Tân tạo (Art Modern), một số chúng tôi cảm thấy trong đó vẻ gì làm chúng tôi gần các ông lạ. Và xa lắc chúng tôi, những giáo viên người Pháp kiểu hàn lâm hồi đó có nhiệm vụ huấn luyện tại trường. Phải chăng cái vẻ ôn hoà, đầm ấm, thảnh thơi tiết ra ở màu sắc của ông, của Marque, của Bonnard? Hay cái nhìn giản dị, hiền lành âu yếm của những tác phẩm ấy?

Ngày nay tôi được biết các ông cũng có nhiều người tranh đấu cho hoà bình, chống bọn thực dân xâm lăng, chúng tôi lại hiểu thêm tại sao chúng ta gần nhau đến thế (…)

Vật liệu thiếu thốn, thời gian bị công tác kháng chiến chiếm phần lớn, chúng tôi chưa có đủ điều kiện để sáng tác dồi dào. Chúng tôi theo quân đội, ở tiền tuyến, hoặc sống với đồng bào hậu phương, chung nỗi sướng khổ với nhau, tin tưởng chờ ngày toàn thắng. Những nét sinh hoạt ấy đa số chúng tôi chỉ mới kịp ghi chép trong những bức ký hình (Croquis). Ngoài ra, anh em có làm một số tranh có tính chất xây dựng, nhưng chẳng là bao. Năm nay tôi hy vọng làm việc hơn nhiều. Một thời gian ngắn nữa, chúng tôi mong có sản phẩm để gửi sang các ông, trông ở các ông lời phê bình thành thực.
Ngoài tranh sơn dầu, chúng tôi đang cùng nhau cải tiến kỹ thuật sơn mài (laque), cái thứ sơn mà Dumand ở Paris dùng làm tranh trang trí, nhưng chúng tôi lại hướng nó về phía khác, phía hội họa. Sơn mài có một chất phẩm (matierè) phong phú lạ kỳ, ông ạ! Giá chúng tôi được gần ông lúc này nhỉ, để ông thấy sơn mài và góp ý kiến chúng tôi (…)

27.5.1951

Tô Ngọc Vân




Kính gửi Họa sư Picasso

Nhân có bạn chúng tôi sang dự Festival de Berlin, tôi trân trọng gửi lời chào Họa sư. Họa sư là một người anh cả trong nghề họa, đã xây dựng hội họa Âu châu hiện đại, Họa sư lại còn là người anh cả chúng tôi đứng vào hàng ngũ dân chủ để tranh đấu cho hoà bình tự do của nhân loại! Họa sư đã làm vinh dự cho giới họa.

Chúng tôi nghĩ rằng con người có được tự do thời người nghệ sĩ trong con người ấy mới được phát triển đầy đủ và xứng đáng. Bởi vậy bị ép nén dưới sự đàn áp của thực dân Pháp, hội họa Việt Nam đã không có cơ tiến bộ. Bởi vậy những người văn nghệ chúng tôi, cùng toàn dân Việt Nam, quyết đứng dậy đuổi bọn thực dân ra khỏi nước Việt Nam, đuổi đến kỳ cùng (…)

Tôi kính mến mong Họa sư khoẻ mạnh luôn luôn để tranh đấu cho hoà bình và tự do của con người.

Tô Ngọc Vân



Nguồn: Vũ Thanh Hoa - Đăng ngày 13/12/2013 trong mục Hồn Việt, Muôn mặt cuộc sống, Tác phẩm chọn lọc, Thế giới Sắc màu

Nguyên văn:
Kính gửi Họa sư Matisse
Tôi viết cho Họa sư lá thư này ở một khu rừng rậm, chung quanh là những dẫy núi cao hiểm trở. Bên cạnh tôi mấy tấm chuyền bản in mầu một số tác phẩm của Họa sư. Những chuyền bản này, khi tôi rời thủ đô Hà Nội, bị giặc tạm chiếm trở lại, tôi đã mang theo 5 năm nay trong gói hành lý nhỏ của cuộc đời Kháng chiến.

Lúc tôi mới vào học nghề họa năm 1926 ở trường Mỹ thuật Đông Dương, lần đầu tiên được tiếp xúc với tác phẩm của các ông trong hàng ngũ mỹ thuật Tân tạo (Art Modern), một số chúng tôi cảm thấy trong đó vẻ gì làm chúng tôi gần các ông lạ. Và xa lắc chúng tôi, những giáo viên người Pháp kiểu hàn lâm hồi đó có nhiệm vụ huấn luyện tại trường. Phải chăng cái vẻ ôn hòa, đầm ấm, thảnh thơi tiết ra ở mầu sắc của ông, của Marque, của Bonnard? Hay cái nhìn giản dị, hiền lành âu yếm của những tác phẩm ấy?

Ngày nay tôi được biết các ông cũng có nhiều người tranh đấu cho hòa bình, chống bọn thực dân xâm lăng, chúng tôi lại hiểu thêm tại sao chúng ta gần nhau đến thế. Chúng tôi có làm gì họ đâu, Ông? Chúng tôi chỉ muốn hòa bình, muốn tự do, để mọi người được cuộc đời đáng sống của con người. Riêng nghề chúng ta, tôi nghĩ rằng đó là điều kiện cần yếu để được phát triển lành mạnh.

Hồi bọn Nazis Đức chiếm đóng nước Pháp, các ông tổ chức công việc họa thế nào? Những kinh nghiệm của các ông, nếu chúng tôi được biết sẽ giúp ích chúng tôi lắm.

Chúng tôi ở đây trong vùng tự do, không có bóng một tên phản động, nhưng ngày nào máy bay của chúng cũng lượn trên đầu, đi khủng bố tàn sát bất cứ đàn bà trẻ con, nhà ở, trường học. Giống vật man rợ ấy đủ cản trở nghề vẽ của chúng tôi nhiều. Một mặt khác, vật liệu thiếu thốn, thời gian bị công tác Kháng chiến chiếm phần lớn, chúng tôi chưa có đủ điều kiện để sáng tác rồi rào. Chúng tôi theo quân đội, ở tiền tuyến, hoặc sống với đồng bào hậu phương, chung nỗi sướng khổ với nhau, tin tưởng chờ ngày toàn thắng. Những nét sinh hoạt ấy đa số chúng tôi chỉ mới kịp ghi chép trong những bức Ký hình (Croquis). Ngoài ra, anh em có làm một số tranh có tính chất xây dựng, nhưng chẳng là bao. Năm nay tôi hy vọng làm việc hơn nhiều. Một thời gian ngắn nữa, chúng tôi mong có sản phẩm để gửi sang các ông, trông ở các ông lời phê bình thành thực.

Ngoài tranh sơn dầu, chúng tôi đang cùng nhau cải tiến kỹ thuật sơn mài (laque), cái thứ sơn mà Dumand ở Paris dùng làm tranh trang trí, nhưng chúng tôi lai hướng nó về phía khác, phía hội họa. Sơn mài có một chất phẩm (matierè) phong phú lạ kỳ, ông ạ! Giá chúng tôi được gần ông lúc này nhỉ, để ông thấy sơn mài và góp ý kiến chúng tôi.

Bao năm giời, chúng tôi muốn được gần các ông. Bây giờ chiến tranh cách bức chúng ta đã đành rồi. Nhưng trước kia bọn cai trị thực dân cản chúng tôi. Họ đưa ra những lý luận có vẻ vững lắm. Họ nói nếu chúng tôi sang Pháp, gần các ông, sẽ bị mất cá tính Việt Nam đi. Cái trò bịt mắt để cô lập người ta trong nô lệ của bóng chúng ai còn lạ gì.

Dụng tâm ở đây tôi chỉ muốn kể đến chuyện nghề nghiệp, nói lên cái tình đồng nghiệp giữa chúng ta, nhưng mỗi lần đụng đến lại va phải tội ác của thực dân. Bao giờ chúng ta thôi không phải mệt lòng đếm những tội ác của chúng nó nữa? Chỉ bao giờ hòa bình và tự do trở lại cho tất cả mọi người, phải không ông?

Tôi chúc ông mạnh, và chờ tin ông.
Kính mến
27/5/1951
Tô Ngọc Vân

Kính gửi Họa sư Picasso
Nhân có bạn chúng tôi sang dự Festival de Berlin, tôi trân trọng gửi lời chào Họa sư. Họa sư là một người anh cả trong nghề họa, đã xây dựng hội họa Âu châu hiện đại, Họa sư lại còn là người anh cả chúng tôi đứng vào hàng ngũ dân chủ để tranh đấu cho hòa bình tự do của nhân loại! Họa sỹ đã làm vinh dự cho giới họa.

Chúng tôi nghĩ rằng con người có được tự do thời người nghệ sỹ trong con người ấy mới được phát triển đầy đủ và xứng đáng. Bởi vậy bị ép nén dưới sự đàn áp của thực dân Pháp, hội họa Việt Nam đã không có cơ tiến bộ. Bởi vậy những người văn nghệ chúng tôi, cùng toàn dân Việt Nam, quyết đứng dậy đuổi bọn thực dân ra khỏi nước Việt Nam, đuổi đến kỳ cùng.

Họa sư có thể ngờ rằng đã có lần bọn cai trị Pháp cấm chúng tôi triển lãm ở Hà Nội (năm 1941 thì phải), mà đề tài tranh lúc ấy chỉ là tranh đàn bà, hoa quả, phong cảnh. Thật là lố bịch. Chúng tưởng có thể kéo dài sự chà đạp ấy mãi.

Ngày nay chúng tôi không chịu thế nữa. Thế giới lành mạnh cũng không để như thế nữa. Những người văn nghệ có uy tín thế giới như Họa sư cũng không muốn nhìn thấy những cảnh ấy nữa. Thì những bọn thực dân ở Pháp hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới sẽ phải tiêu diệt. Lúc ấy, cái vườn tinh hoa hội họa sẽ tươi nở khắp nơi.

Tôi kính mến mong Họa sư khỏe mạnh luôn luôn để tranh đấu cho hòa bình và tự do của con người.

Đi tìm Tô Ngọc Vân qua ký họa - Tạp chí Tia Sáng, 27/01/2014